Có lẽ sẽ có người nghĩ rằng không thể được. Những người như vậy trước hết hãy thử tìm kiếm những người coi trọng bữa ăn xung quanh mình và bắt chước họ.
Dù ở Nhật Bản, hay Đức đi nữa, đều có rất nhiều vị sư thầy thực hiện nghi thức trong tĩnh lặng, thực hiện với tinh thần nghiêm túc mỗi ngày.
Chẳng hạn như sư thầy Muho Noelke của thiền viện Anta, nằm tại tỉnh Hyogo, Nhật Bản. Người mang dòng máu Đức, sinh ra tại Berlin. Bất chấp rào cản và khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, tận sâu trong ngọn núi của tỉnh Hyogo, thầy sống một cuộc sống gần như tự cung tự cấp. Thầy kết hợp làm nông nghiệp với nếp sinh hoạt truyền thống của phái Thiền như sử dụng bộ bát lồng để dùng bữa. Trên thế giới này có rất nhiều vị sư thầy, dù không được ai biết tới, vẫn bí mật sống một cuộc sống mà con người bình thường ngoài xã hội phàm tục nên học hỏi.
Mà không, không chỉ bó hẹp trong phạm vi những vị sư thầy. Có thể, người bà sống bên cạnh nhà bạn là người đang thực hiện nghi thức dùng bữa hàng ngày cũng nên. Hãy thử hỏi những người như vậy. Việc bắt chước nghi thức dùng bữa, nếu học hỏi cách sống từ những người đi trước, sẽ trở nên vô cùng đơn giản, đó là con đường ngắn nhất. Cho dù không hiểu ý nghĩa đi chăng nữa, hãy tiếp nhận và làm theo nghi thức mà những vị tiền bối đã tạo nên và gửi gắm tới chúng ta. Hãy thử bắt chước một cách ngoan ngoãn nhé.
Nghi thức dùng bữa của thiền viện mà tôi đã giới thiệu từ đầu cuốn sách tới đây chính là nghi thức mà tôi đã may mắn được trải nghiệm, là nghi thức dùng bữa hợp lý và có tính logic cao nhất trong phạm vi kiến thức mà tôi biết. Tuy nhiên, nghi thức này sẽ thay đổi tùy theo thời đại và địa điểm, vậy nên nó không phải là thứ đúng đắn tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh. Bản thân thiền sư Dogen cũng viết trong cuốn Phó chúc phạn pháp rằng, “Nếu là trước đây, ta nên bắt chước nghi thức dùng bữa của Đức Phật là ăn bằng tay, nhưng với xã hội hiện thời, hãy sử dụng đũa theo phong tục của Nhật Bản”. Cách làm mang tính truyền thống là ăn bằng đũa cũng sẽ là thứ biến đổi trong những môi trường khác nhau, vậy nên không cần phải quá cứng nhắc và bảo thủ. Điều quan trọng là, học hỏi ân sư của mình, tiếp tục theo đuổi phương pháp và nghi thức, khiến nó ngày càng hoàn thiện và mang tính logic cao hơn nữa.
Thiên nhiên cũng trở thành hình mẫu. Trong cuốn Kinh di giáo (hay Kinh Phật di giáo), Đức Phật đã lấy mối liên hệ giữa hoa và ong để làm ví dụ cho cách dùng bữa lý tưởng nhất. Con ong cho dù có hút mật của hoa đi nữa cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến màu sắc và hương thơm của bông hoa. Chính là cách dùng bữa như vậy. Cách tồn tại của các vị sư thầy cũng là việc bắt chước dáng hình của mẹ thiên nhiên.
Cố thiền sư Dogen đã dùng những lời dưới đây để nói về mẹ thiên nhiên:
Thiên nhiên ấy, quả thực diệu kỳ
Dù ngày nào bần tăng cũng viết nhật ký
Ngày nào tháng nào hoa đã nở. Ngày nào tháng nào đám côn trùng đã kêu. Tất cả đều không sai
Tất cả đều tuân theo quy luật
Đó chính là Phật pháp
Đúng như Phật pháp chính là mẹ thiên nhiên. Làm đúng như Phật pháp
Vì thế loài người tồn tại bằng cách bắt chước quy tắc của tự nhiên
Thuận theo lòng tham và ước muốn của loài người, thế giới sẽ bế tắc
Thực hiện chân lý trong bình lặng, ấy chính là mẹ thiên nhiên
Đừng nghĩ sẽ được người khác ngợi khen
Nếu làm nên việc này, sẽ được báo đáp từng này, không có chuyện đó đâu
Thời khắc đến, hoa sẽ nở
Và lại lặng im
Dù được ngợi khen, hay là không đi nữa, hãy làm những việc nên làm, và im lặng rời đi
Việc đó
Là thực hiện
Là lời răn
Là chân lý.
(Trích Chánh pháp nhãn tạng)
Nhờ học hỏi và bắt chước những vị sư thầy thực hiện lời răn của thiền sư Dogen trong bí mật và lặng yên, bản thân tôi, bằng cách nào đó, cũng có thể tiếp tục thực hiện nghi thức dùng bữa.
“Anh làm thế nào để có thể sống qua ngày?” Tôi thường nhận được câu hỏi như thế này.
Trong xã hội hiện đại này, từ “sống qua ngày” thường chỉ được sử dụng với ý nghĩa “phải kiếm tiền trang trải cuộc sống”. Một việc làm đương nhiên là, để sống qua ngày, thì chỉ có cách ăn. Thế giới của ăn không phải là tiền, nó là thứ xoay xung quanh sinh mệnh của con người.
Nỗ lực lớn nhất có thể để được ăn là “Suy nghĩ về nghi thức dùng bữa một cách nghiêm túc”. Không được thay thế bằng việc “kiếm tiền”. Thứ cần thiết trước tiên là nước và không khí trong sạch, tiếp theo là đất đai và sinh mệnh, là bản thân mình. Để có thể sắp xếp và điều chỉnh những yếu tố trên, chỉ còn cách cố gắng hết khả năng có thể.
Đã nhiều năm kể từ khi tôi bắt đầu bắt chước cách sinh hoạt tuân thủ theo nghi thức dùng bữa. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, tôi chưa từng phải lâm vào đói khổ hay lạnh cóng. Nhờ nghi thức dùng bữa, tôi đã có thể sống một cuộc sống với nguồn sinh lực mạnh mẽ hơn trước đây rất nhiều. Nghi thức dùng bữa ấy đã mở ra cho tôi một khả năng mới mà trước nay tôi chưa từng nhìn thấy. Nó không giống như việc đi mua đồ, có được thứ gì đó trong tay. Cảm giác giống như bản thân đang bước vào thế giới của truyền thống, cảnh vật dần mờ ảo giống như khi bước đi trong sương mù, nhưng chắc chắn tôi cảm nhận được mọi thứ, một cách rõ ràng. Cảm giác chính là như vậy.
Ban đầu, tôi không tài nào lý giải được cách sinh hoạt được truyền đi từ đời này sang đời khác của các vị thiền sư. Thực ra ngay đến cả bây giờ tôi cũng không hiểu rõ. Cho dù có học hỏi mỗi ngày đi nữa, có lẽ cũng sẽ chẳng tài nào học hết được. Nhưng, ở khoảnh khắc hiện tại, một cái tôi có thể yên tâm tiến bước về phía trước, một cái tôi có thể mang trong mình sự tự tin và gửi gắm tới mọi người những lời khuyên của Đức Phật, ấy là nhờ vào cách sinh hoạt đã được thực hiện từ thời xa xưa. Đó không phải là ý kiến chủ quan của cá nhân tôi. Hiện tại, trên thế giới này, cách sinh hoạt như vậy đang được nhìn nhận, và được tiếp thu, học hỏi.