“Nghi thức là trói buộc, tự do mới là quan trọng”. Bản thân tôi trước đây cũng từng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, khi cố gắng theo đuổi cái gọi là tự do, tôi lại cảm thấy “sự tự do của duy nhất bản thân mình” không có ý nghĩa gì cả. Tuân thủ theo nghi thức, coi trọng việc để những sự tồn tại xung quanh mình trở nên tự do, để rồi cuối cùng, tôi đã có thể nhận ra, đó mới là thứ gắn kết với tự do thật sự của chính bản thân mình.
Có thể mọi người thường thấy cách sinh hoạt của phái Thiền chính là hạn chế sự tự do. Thế nhưng, thực sự là, nhờ việc “hạn chế sự tự do bắt nguồn từ môi trường xung quanh” xuống mức thấp nhất, bản thân sẽ cảm thấy được tự do.
Tôi đã từng nhiều lần đắm chìm trong suy nghĩ “Liệu làm thế nào để có thể sống một cuộc đời tự do?” Thế nhưng, cái tự do mà tôi đã từng suy nghĩ trong trí óc khi ấy chỉ là những suy tính vụ lợi, suy tính cho lợi ích và tham vọng của bản thân. Kết cục là chỉ làm những việc trái với đạo lý thông thường. Nếu quá theo đuổi sự tự do tồn tại trong cái tôi ích kỷ tham lam, càng mong muốn, càng khao khát, cơn gió ập tới từ xung quanh sẽ càng trở nên mạnh mẽ. Sợi dây trói buộc sẽ càng thắt chặt.
Chẳng hạn, nếu cảm thấy đói bụng, tự ý lấy cắp đồ ăn, ăn nhồm nhoàm vì bị tính ích kỷ chi phối, bạn sẽ trở thành rắc rối cho mọi người xung quanh, mất đi sự tự do, khiến mọi người căm ghét và thậm chí có thể bị cả xã hội đào thải. Chắc chắn mọi người sẽ không muốn có quan hệ với những người như vậy.
“Xung quanh” không phải chỉ là những thứ ngoài cơ thể bạn, mà ngay cả quan hệ với bên trong cũng chính là “xung quanh”. Ví dụ như, nếu cứ ăn uống “như vũ bão” vì để cái đói tham lam chi phối, ngày hôm sau, tình trạng trái tim của bạn sẽ thay đổi hoàn toàn. Cả bên trong, cả bên ngoài, cả bản thân mình, tất cả những thứ có mối quan hệ với nhau, sẽ bị ảnh hưởng, sẽ gặp phải rắc rối.
Mặt khác, ở chương 1, tôi đã kể cho bạn đọc về thiền sư Sasagawa của thiền viện Tenryu. Người luôn thức dậy trước khi bình minh ló dạng, tọa thiền, tụng kinh, dùng bữa theo đúng như nghi thức. Thoạt nhìn, có lẽ bạn sẽ nghĩ thầy đang sống một cuộc sống vô cùng khổ sở và gượng ép, nhưng thực sự là, mỗi ngày của thầy đều trải qua trong thú vị. Cho dù có ai ghé thăm thiền viện, thầy điều niềm nở đón nhận, cùng họ vui, cùng họ lo lắng. Khi thầy hơn bảy mươi tuổi, chỉ cần biết có người đang gặp khó khăn, dù là ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Nhật Bản, thầy cũng tìm đến và giúp đỡ họ trong nhiệt tình và vui vẻ. Đó chính là sự tự do tự tại mà bạn chẳng thể mường tượng được, dáng hình đó chính là người vẫn ngày ngày tọa thiền trong tăng đường.
Cứ như vậy, trải rộng tưởng tượng đến cả sông núi, cây cỏ, nếu thử hành động với sự tôn trọng và trân quý mọi sự tồn tại trên tinh cầu này, sự giới hạn với cá nhân sẽ trở thành bằng chứng cho sự tự do của vạn vật. Cơn gió thuận chiều tươi mới từ thế giới xung quanh sẽ thổi tới bên cạnh bạn.
Không phải chỉ suy nghĩ trong trí óc, nếu có thể điều chỉnh việc dùng bữa hàng ngày đúng theo nghi thức, cho dù tự bản thân bạn không cố gắng tới mức đó, sự tự do mà toàn thể cơ thể bạn yêu cầu sẽ đồng nhất với sự tự do của vạn vật xung quanh bạn. Khoảnh khắc bạn bị cái tôi tham lam áp chế, bạn sẽ ngay lập tức cảm nhận được sự áp chế và bó buộc từ xung quanh trở nên mạnh mẽ. Cảm giác giống như khi hiểu được sự khác biệt giữa thứ có thể ăn và không được ăn.
Bằng việc thuận theo cảm giác đó, lối suy nghĩ cho rằng bản thân chính là trung tâm của mọi sự vật trên tinh cầu này, rằng “Chỉ có mình đang tồn tại ở đó,” sẽ thay đổi. Tầm nhìn mà trước đây bạn chưa từng có sẽ hiển hiện ra trước mắt. Thế giới sẽ trở thành nơi khiến cho bản thân mình được tự do tồn tại. Khi đó, lần đầu tiên, thực sự tôi có thể cảm nhận được sự tự do từ tận sâu trong trái tim.
Nghi thức dùng bữa đã trở thành lý do khiến cho “thế giới” như vậy chạm tới cuộc đời tôi.