Ban đầu rất thuận lợi. Trước hết, tôi quyết định sẽ đi bộ đến Zumo (một thành phố thuộc tỉnh Shimane, Nhật Bản), nơi có thiền viện của ân sư xuất thân từ thiền viện Eihei, sau đó quay trở về. Số tiền ít ỏi mười nghìn yên tôi mang theo ngay lập tức hết veo. Dù không còn tiền, tôi vẫn một lòng cố gắng, hướng đến mục đích mà tôi đã vạch sẵn ngay từ đầu, đó là “đi bộ”. Khi tôi tiếp tục tiến bước về phía trước mà không màng tới những khó khăn bản thân sẽ gặp phải, tôi đã nhận được sự giúp đỡ từ rất nhiều người.
Người anh cho tôi chiếc bánh mì nho, người chú chia sẻ cho tôi phần cơm hộp còn thừa, người ông dẫn tôi đi tắm suối nước nóng… Mặc dù chỉ đơn giản là đi bộ, vẫn có những người dịu dàng chìa ra đôi tay giúp đỡ với gương mặt nở nụ cười. Họ muốn giúp đỡ thân xác này, thứ mà có thể rời đi vào ngày mai. Đó thực sự là một sự giác ngộ chân lý vô cùng quan trọng đối với tôi.
“Tại thời điểm tôi ở trong trạng thái suy sụp và buồn bã nhất, ý nghĩ khiến tôi vực dậy chính là phải cố gắng cả vì những người xung quanh”.
Đây là câu một cô gái đang làm giám đốc một công ty khá lớn nói với tôi khi kể về những khó khăn cô ấy đã phải đối mặt trong quá khứ.
Khi tiếp xúc với những người như vậy, bản thân tôi cũng muốn khiến cho ai đó trở nên hạnh phúc mà không cần hồi đáp. Ngay khi bắt đầu mang suy nghĩ như vậy, tôi đã nhận được lời nhờ cậy từ những người mà tôi bắt gặp trên đường như “Có thể giúp tôi giặt đồ được không?” hay “Anh có thể giúp tôi đào măng được không?” Cũng có cả người mong muốn tôi có thể đọc bài văn tế dành cho người vợ đã mất. Để đáp ứng mong muốn một tiểu tăng giống như tôi đọc kinh, tôi đã cố gắng hết sức để giúp đỡ anh ấy.
Cứ như vậy, nếu có thể sống và trải qua những ngày vì mọi người xung quanh, để mọi người trở nên hạnh phúc, chắc chắn thế giới xung quanh bạn sẽ thay đổi. Ngược lại, tôi vẫn còn nhớ cảm giác bản thân muốn nói những lời cảm ơn với họ.
Tuy nhiên, sau đó, khi lại một lần nữa đến Tokyo, sinh hoạt tại đó, trả tiền thuê nhà, một sự thay đổi hoàn toàn đã xuất hiện. Trước hết, trong khoảng ba năm tu hành tại thiền viện Eihei, vì tôi đều sinh hoạt trong khi hầu như không sử dụng đến tiền nên tôi vẫn còn nhớ cảm giác phiền muộn và khó chịu vô cùng khi phải sống tại một xã hội mà tất cả đều bao bọc bởi tiền bạc. Tuy nói thế, nhưng cũng không còn cách nào khác cả. Ban đầu, để có được khoản tiền tối thiểu cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt, tôi đã tìm việc làm thêm.
Khi đó, tôi đã cố gắng ý thức xem xét từng loại chi phí một như “Tiền nhà là… tiền điện nước là… số tiền tối thiểu cần cho cuộc sống là…” Tôi đã tự nhủ, chắc chắn tôi sẽ làm việc mà không quá chú ý vào tiền bạc, tôi chỉ là đang làm những việc vì người khác mà thôi. Thế nhưng, chẳng biết tự lúc nào, tôi đã trở thành một người ưu tiên công việc – thứ sẽ mang lại tiền bạc và vật chất cho bản thân.
Tôi chẳng thể nhìn thấu rốt cuộc thứ gì là thực sự cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt của mình. Khi nhận ra, cuộc sống của tôi đã trở nên hỗn loạn. Có lúc, để giải phóng những bất an cho việc kiếm ăn, tôi đã thừa nhận bản thân đang phụ thuộc vào tiền bạc, tôi đã quyết định từ bỏ việc kiếm tiền.
Tuy nhiên, cách quan niệm “Không sử dụng đến tiền” có chút gì đó khác với những tuyên bố mang tính tiêu chuẩn tuyệt đối.
Chẳng hạn, nếu nói ra thành lời rằng “không dùng” tiền – thứ mà mọi người ai ai cũng dùng, chắc chắn những người đang dùng tiền sẽ không thể tiêu tiền trong vui vẻ đúng không? Chỉ là, tại thời điểm đặt chữ “tiền” tại cửa miệng, cũng chính là lúc bản thân bị trói buộc bởi tiền bạc. Khi đó, thay vì “Bản thân không sử dụng tiền,” tôi đã tập trung vào việc bắt chước “Cuộc sống không bị chi phối bởi tiền bạc tại thiền viện Eihei”.
Tôi đã quyết định nếu như mình được cho tiền, tôi sẽ nhận lấy trong biết ơn và cảm tạ, nhưng tôi tuyệt đối sẽ không tự mình yêu cầu rằng, bản thân phải có tiền. Khi trong tay không còn lấy một đồng, chắc chắn sẽ khó khăn. Nhưng khi đó, chỉ là khi đó, chỉ có khi đó mới khó khăn. Ngay khoảnh khắc tôi có thể kiên quyết tự nhủ với bản thân suy nghĩ đó thôi, tôi có cảm giác, dường như cách sống và tồn tại của riêng tôi, những việc mà tôi phải làm, đã được chính tôi quyết định, một cách rõ ràng. Với tinh thần sẵn sàng như vậy, khi tôi từ bỏ công việc với mục đích để kiếm tiền, cuộc sống của tôi đã có những sự thay đổi vô cùng lớn.
Vừa vặn khoảng một năm sau khi rời khỏi thiền viện Eihei để xuống núi, tôi đã nhận được lời mời đi ăn của người anh kết nghĩa mà tôi vẫn luôn ngưỡng mộ từ thời sinh viên. So với trước đây, khi tôi thường đi ăn cùng với một vài người bạn thân quen, cách ăn của tôi bây giờ dường như có chút gì đó mới lạ với anh ấy. Vì thế, nó đã trở thành chủ đề nói chuyện giữa chúng tôi. Anh ấy muốn biết bí mật của sự thay đổi đó.
Mặc dù ban đầu tôi đã nghĩ rằng, hẳn là anh ấy sẽ chẳng cảm thấy có gì thú vị đâu, nhưng khi được người anh kết nghĩa từ thời đại học có lời nhờ như vậy, tôi đã vô cùng hạnh phúc. Chúng tôi đã nói chuyện về bữa ăn tại thiền viện Eihei. Sau đó, anh đã hai lần cùng tôi tới thăm thiền viện. Anh ấy đã đưa ra gợi ý rằng tôi nên tổng hợp lại những nghi thức dùng bữa của thiền viện Eihei để giới thiệu nó ra thế giới rộng lớn ngoài kia. Nhờ có anh ấy, tôi đã có thể thực hiện những nghi thức dùng bữa của thiền viện Eihei tại thế giới phàm tục với một tư thế cẩn trọng hơn nữa.
Giống như vậy, cứ mỗi khi kiên quyết thực hiện việc gì đó quan trọng, người giúp đỡ tôi bước đi trên con đường hướng đến tương lai sẽ xuất hiện, như một phép màu khó lòng lý giải. Đương nhiên, không phải tất cả mọi người cùng ủng hộ tôi. Nếu như ở đâu đó trong trái tim, tôi không muốn nỗ lực mà chỉ trông mong vào sự giúp đỡ ngay từ ban đầu, chắc chắn cho dù tôi có tìm kiếm những người ủng hộ cho quyết định của tôi đi nữa, cũng không có ai xuất hiện cả. Hãy cứ thả tay ra, đừng phụ thuộc. Nếu quá cố nắm giữ, nếu quá bị lệ thuộc, rồi đến một lúc nào đó, chắc chắn sẽ rời đi. Điều này cũng giống như tình yêu.
Đến năm thứ ba sinh sống tại Tokyo, tôi đã nhận được lời mời từ đám bạn thân thời sinh viên, rằng ba tên con trai chúng tôi sẽ cùng thuê và sống tại một căn nhà. Khi có thể chia sẻ những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống như ăn uống, số tiền phải chi trả cho sinh hoạt ít đi tới mức ngạc nhiên. Hơn cả thế, tôi nhận ra, nếu có thể cùng sinh hoạt dưới cùng một mái nhà, dường như có một sợi dây gắn kết chúng tôi lại với nhau, giống như một gia đình.
Tôi đã sinh hoạt tại một căn phòng trên gác xép có kích thước chỉ bằng khoảng bốn tấm chiếu tatami, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy chật chội cả. Nhà tắm công cộng, cửa hàng bánh mì, cửa hàng bán rượu ở gần nhà cũng giống như một phần ngôi nhà của tôi. Tôi trân trọng những nơi ấy. Thậm chí tôi còn cảm thấy, dường như ngôi nhà của mình trở nên rộng hơn trước. Những người sống quanh khu vực nhà tôi mà tôi có cơ hội được gặp gỡ, tôi có cảm giác họ giống như gia đình tôi vậy. Thời gian trôi đi, số lượng những người như vậy ngày càng nhiều lên, dường như cả khu phố giống như một gia đình đã cùng chung sống với nhau, từ rất lâu rồi. Dần dần, việc sử dụng đến tiền đối với tôi không còn cần thiết nữa.
Một trái tim, một cuộc sống coi tiền là trung tâm, khi đã loại bỏ được ý nghĩ đó, chắc chắn mối liên hệ giữa người với người nảy sinh từ những sự việc đương nhiên trong cuộc sống thường nhật sẽ trở nên ngày càng bền chặt.
Cổng vào thiền viện Eihei luôn mở rộng đón chào tất cả mọi người. Trên đó có khắc dòng chữ là gia phong của thiền viện: “Nếu có ý chí và ước mơ, cho dù là trẻ nhỏ cũng được phép vào thiền viện. Nhưng nếu không có ý chí, cho dù là người có địa vị cao trong xã hội đi nữa không được phép nhập thiền”. Cho dù có một trăm người, thì tất cả cùng dành sự quan tâm và lo lắng lẫn nhau giống như một gia đình. Một gia đình gắn kết với nhau bằng những nghi thức dựa trên sự tôn trọng dành cho đối phương. Bản thân tôi luôn coi trọng những người cùng tu hành tại thiền viện Eihei, họ giống như gia đình, giống như những người anh em của tôi. Tôi nghĩ, phải chăng đó là bởi vì chúng tôi đã cùng dùng bữa với nhau.
Điều tôi đã từng lo lắng khi cùng sống chung với nhiều người dưới một mái nhà là những rắc rối và mâu thuẫn sẽ nảy sinh trong mối quan hệ giữa người với người. Chính bởi thế, chúng tôi đặt ra một khoảng thời gian nhất định, mọi người sẽ định kỳ cùng ngồi lại với nhau, vừa uống trà vừa nói chuyện. Chúng tôi quy định nghi thức cho những “công việc” trong cuộc sống như dọn dẹp vệ sinh, mua đồ, nấu ăn, sắp xếp đồ dùng… Nếu như tất cả mọi người cùng nhau nỗ lực và cố gắng, chắc chắn sẽ không nảy sinh vấn đề gì to tát và nghiêm trọng cả.
Chẳng hạn như, chúng tôi quyết định thời gian dọn dẹp vào buổi sáng, và mọi người sẽ cùng nhau nỗ lực thực hiện. Không chỉ có ở trong nhà, chúng tôi vừa chào hỏi với những người hàng xóm trong khu phố, vừa cắt cỏ, quét tước, dọn dẹp con đường bao quanh khu nhà. Nhờ vậy, sợi dây liên kết giữa chúng tôi và mọi người xung quanh sẽ ngày càng khăng khít. Nếu như có rắc rối xảy ra, đó lại chính là cơ hội để sự gắn kết giữa chúng tôi ngày càng trở nên mạnh mẽ. Đồng thời, rắc rối sẽ giúp chúng tôi học được phương pháp giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, cách làm quen với việc sinh hoạt và chia sẻ cuộc sống với người khác.
Ban đầu tôi đã cho rằng, việc cùng chia sẻ những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống với người khác có lẽ sẽ vô cùng gò bó. Thế nhưng, khi cố gắng thực hiện nghiêm túc nghi thức dùng bữa, trân trọng những con người và sự vật xuất hiện bên cạnh cuộc sống của bản thân, lo lắng, quan tâm tới toàn bộ thế giới xung quanh, tôi đã tin tưởng chắc chắn rằng, việc áp dụng và phổ biến cách sống, cách sinh hoạt như vậy sẽ không chỉ tồn tại trong thiền viện hay giữa những người có cùng huyết thống. Lý do khiến tôi tin tưởng như vậy chính là nhờ trải nghiệm quá trình cùng sinh hoạt và chia sẻ cuộc sống với mọi người. Đâu đó trong sự bó hẹp, thế giới xung quanh bạn sẽ trở nên ngày càng rộng lớn.
Khi cứ thử làm những việc vượt ra ngoài những logic trong cuộc sống bình thường mà xã hội này, thế giới này quan niệm, mỗi lần vượt qua được khó khăn, sẽ là một lần tầm nhìn mới sáng sủa và rộng mở hơn hiển hiện ra trước mắt bạn. Lòng tham và tính chiếm hữu mất đi, có thể đi tới những nơi muốn đi, gặp gỡ những người muốn gặp. Những điều may mắn sẽ từ phương trời mà bạn đang hướng đến tới bên cạnh bạn.