Cuộc sống tại thiền viện Eihei khiến tôi có cảm giác rất kỳ lạ, vừa như mới lạ, vừa như đã từng thân quen.
Tọa thiền chính là nghi thức quan trọng nhất trong tu hành, tọa thiền trong tư thế không mang tạp niệm, tập trung vào việc ngồi thiền thật nghiêm chỉnh, ấy gọi là “Chỉ quản đả tọa” (chỉ nghiêm túc ngồi thiền). Ngồi nghiêm chỉnh, có thể khái niệm này sẽ khiến bạn liên tưởng đến việc tự mình bó hẹp và tạo áp lực cho bản thân. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không phải vậy. Khi tọa thiền, nếu cả cơ thể và tâm hồn cùng trở nên ngay thẳng và chân thật, đó chính là tư thế khiến con người ta cảm thấy thoải mái nhất.
Khi ngồi đúng như nghi thức, biến cách tọa thiền đó trở thành thói quen trong nhiều năm liền, tự nhiên, bạn sẽ có thể dần dà khám phá những nguồn năng lượng bị giam hãm bấy lâu nay trong cơ thể. Chỉ cần một lần nhận ra thôi, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy phần nào đó trong cơ thể tự nhiên được cởi trói, phóng thích, cả cơ thể trở nên sảng khoái. Làm được như vậy, bằng cách nào đó, ngay cả trái tim và tâm hồn bạn cũng sẽ trở nên vui vẻ và phấn khích.
Trong tọa thiền có lời răn: “Điều thân (Asana)– Điều khí (Pranayama) – Điều tâm (Pratyahara),” nó mang ý nghĩa trước hết điều chỉnh cơ thể, thứ hai là điều chỉnh hơi thở, kết quả ngay cả tâm hồn– thứ mà bạn không thể nhìn bằng mắt thường, cũng chẳng thể chạm tới – tự nhiên cũng được điều chỉnh, khởi động lại với tinh thần hăng hái không mang tạp niệm. Về điều chỉnh cơ thể, có rất nhiều quy định chi tiết và cụ thể. Tại thiền viện, bạn sẽ được dạy đến cả những điều nhỏ nhặt nhất một cách vô cùng triệt để như khoanh chân, đầu ngón tay dùng để chiện con dấu, cách hướng mắt nhìn và mi mắt, thậm chí đến cả vị trí của lưỡi.
Việc bắt chước những tư thế được yêu cầu, thực sự nó khó hơn những gì mà tôi từng tưởng tượng. Chỉ riêng việc chiện con dấu thôi, tôi vẫn cứ bị vướng phải những thói quen mà trước đây vẫn làm, dẫn đến mãi mà vẫn chưa thể làm đúng như quy tắc. Ban đầu, dù tôi có dự định sẽ bắt chước thật tốt nhưng chỉ sau hai mươi phút tọa thiền, tôi lại bỏ cuộc. Ngoài những vị trí mà bạn có thể dễ dàng cảm nhận bằng từ ngữ, ngay cả những bộ phận mà thông thường ta không ý thức tới được như thái dương, cằm, bên trong hậu môn, bạn cũng phải huy động chúng, kết hợp với tất cả các bộ phận của cơ thể để ngồi đúng tư thế.
Trải qua một khoảng thời gian thực hiện mỗi ngày, tôi cảm thấy từng bộ phận độc lập như xương cánh tay, xương bả vai, xương đòn gánh, xương lồng ngực, từng chiếc xương sống, xương hông bên phải và xương hông bên trái… đang hoạt động với sự cân bằng lẫn nhau. Càng tiếp tục kiên trì thực hiện, dường như bên trong cơ thể mà trước nay tôi vẫn nghĩ đó là bản thân tôi, đang nảy nở “một cái gì đó không phải tôi”. Có thể nhìn từ bên ngoài thì không thể phát hiện ra, nhưng tôi nhận ra rằng, khả năng vận động trên cả mức luyện tập thể thao trong cơ thể mình đang có những biến chuyển tích cực và linh hoạt hơn rất nhiều.
Dù chỉ là động tác đơn giản như ngồi nhưng nếu bạn có thể điều phối cơ thể đúng như nghi thức, mối quan hệ giữa tâm hồn và phần cơ thể mà ý thức của bạn vốn dĩ không thể điều khiển, cũng chẳng thể chạm tới, chắc chắn sẽ thay đổi. Hơn nữa, sự thay đổi này không phải thứ kỳ vọng là có được, cũng không cần cố gắng để chạm tới.
Đừng mang tạp niệm, chỉ đơn giản là ngồi thật nghiêm túc với một tâm hồn chân thật. Trong “Chỉ quản đả tọa,” không có người mới học, cũng chẳng có người dày dạn kinh nghiệm. Chỉ cần ngồi như thế này, chỉ cần được đánh giá như thế này, không có chuyện như vậy. Hãy chỉ ngồi, sau đó tất cả là bình đẳng.
Khoanh chân, khoanh tay, yên lặng tọa thiền. Khi làm vậy, tôi đã cảm nhận được cội nguồn của sinh mệnh gắn kết giữa miệng và hậu môn trở nên thẳng tắp, và nó đang quay trở về với tôi. Một cái tôi luôn sống và yêu cầu sự đánh giá từ người khác, sống mà chỉ để ý và coi trọng phản ứng từ mọi người xung quanh, luôn coi trọng và yêu mến quãng thời gian tọa thiền trong bình lặng.
Không chỉ có xác thịt. Tại thiền viện Eihei, ngay cả môi trường xung quanh cũng được tăng lữ chăm sóc và điều chỉnh với sự tinh tế tựa như khi chúng tôi điều chỉnh cơ thể của chính mình vậy. Có một thứ vẫn luôn tiếp tục như là một nét truyền thống của thiền viện, đó là khoảng thời gian lao động và dọn dẹp. Tại thiền viện Eihei, các tăng lữ thực hiện công việc dọn dẹp triệt để tới mức bị gán cho câu nói “Một dọn dẹp, hai dọn dẹp, không có ba bốn thì năm cũng là dọn dẹp”. Đặc biệt ba nơi gồm tọa thiền đường, nhà vệ sinh, bồn tắm được gọi bằng cái tên “Tam mặc đạo đường,” các tăng lữ càng cần phải chú ý dụng tâm thực hiện công việc dọn dẹp. Không chỉ ở thiền viện Eihei mà trên toàn thế giới này, ở bất cứ nơi đâu, ba nơi này đều là những khoảng không gian không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Việc dọn dẹp, mục đích của nó vốn dĩ không phải là loại đi những vết bẩn. Cho dù có bẩn hay không bẩn, các tăng lữ cũng sẽ tiếp tục cọ rửa với thái độ không hề thay đổi. Mọi người cùng nhau thực hiện công việc dọn dẹp, nhờ thế, chúng tôi, bất cứ khi nào cũng đón chào buổi sáng với tâm trạng tươi mới, có thể dốc toàn lực trải qua một ngày mới đầy vui vẻ và thú vị.
Về cách lau, phải lau từ trên xuống dưới, từ trong góc ra đến trước mặt. Phải lau theo đúng quy tắc dựa theo trọng lực, giống như dòng chảy của nước, chảy từ nơi cao xuống chỗ thấp. Trong quá trình thực hiện như vậy, tự nhiên quy tắc trong dọn dẹp đã trở thành thói quen của các tăng lữ.
Tại thiền viện cũng có cả nghi thức dành cho những chiếc giày đã được cởi ra. Chúng tôi được chỉ đạo triệt để rằng, sau khi cởi ra phải đặt chúng thật ngay ngắn và thẳng hàng tại vị trí đã được quy định sẵn, chỉ cần lệch một chút là sẽ bị khiển trách rất nghiêm khắc.
Khi đón chào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày tại một môi trường đã được sắp xếp và điều chỉnh thật ngăn nắp, tự nhiên, cơ thể cũng buộc phải điều chỉnh và sắp xếp lại. Lúc ấy, tôi cũng không hiểu rõ, liệu rằng bản thân đang điều chỉnh cơ thể, hay chính cơ thể đang điều chỉnh bản thân. Mặc dù tôi chẳng thể tìm được câu trả lời chính xác, nhưng tôi nhận ra, tự sâu trong trái tim, một cảm giác chính trực và ngay thẳng đang được ươm mầm.
Cố thiền sư Dogen đã từng nói như thế này về Thiền đạo:
“Tọa thiền của Dogen tôi ấy tức là, mọi người, tất cả đều là Thiền
Thử hỏi, Thiền là gì, mọi người thường tự nhủ, nó là thứ gì đó đặc biệt
Nhưng không phải như thế, bởi khi có thể cùng hòa quyện với vạn vật, ấy chính là Thiền
Nếu đi bộ, đi bộ chính là Thiền, nếu nói chuyện, bằng việc nói chuyện, nói chuyện chính là Thiền
Cởi giày, cũng chính là một dáng hình của tọa thiền
Sắp xếp giày cũng là một chuyện đương nhiên
Chẳng hạn vứt giày lộn xộn, chẳng thể coi là sắp xếp
Khi vứt giày lộn xộn, tức là bản thân mình cũng lộn xộn
Vì bản thân lộn xộn, nên chẳng thể sắp xếp lại những thứ đang lộn xộn
Ấy thế nên, khi đặt đồ vật xuống, hãy xếp lại những thứ đang còn không ngay ngắn
Vì, trái tim sẽ thể hiện tất cả
Nếu trái tim ngay thẳng và chính trực, tất cả mọi vật cũng cần phải được xếp cho thẳng thớm
Chẳng phải là đang tu hành, ấy là đang làm những chuyện đương nhiên
Chẳng có việc gì đáng làm hơn thế”.
(Theo Chánh pháp nhãn tạng)
Không phải là đang làm điều gì đặc biệt. Ngủ, thức dậy, ngồi, giặt, ăn… chúng ta đang làm những chuyện mà ai cũng làm, như một lẽ đương nhiên. Chỉ như vậy thôi. Mặc dù chỉ là như vậy thôi, nhưng vẫn có thứ gì đó khác biệt.
Thế gian buồn tẻ trước khi bình minh tới, khi được ánh sáng mặt trời nhuộm lên những dải màu rực rỡ đầy màu sắc, vẻ đẹp ấy không từ ngữ nào diễn tả. Tiếng những chú chim nhỏ hót líu lo, tiếng mưa, tiếng gió thổi vi vu, âm thanh những tán cây đang lay động. Tất cả những âm thanh của tự nhiên hòa vào nhau, thứ âm thanh nhịp nhàng và êm ái nghe tựa như một buổi hòa nhạc của mẹ thiên nhiên. Hương thơm gạo mới lan tỏa trong không khí, một bữa sáng ngon lành đang chờ đợi, một ngày mới bắt đầu, tự nhiên, tâm trạng của bản thân cũng trở nên ngay thẳng và chân thật.
Tôi đã lên núi với suy nghĩ tự ám thị rằng, tu hành chính là phải chịu đựng và chống chọi với cuộc sống khắc nghiệt. Nhưng mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày tôi cảm thấy biết ơn và cảm động tới những điều nhỏ nhặt nhất mà bản thân được trải nghiệm trong cuộc sống. Cho dù có làm gì đi nữa, mỗi ngày tôi đều cảm thấy hạnh phúc tới mức muốn nhảy chân sáo với khuôn miệng cười tươi rói giống như những ngày thơ bé.
“Nếu chỉ có mình mình thì sẽ rất đáng tiếc. Những việc mình học được, mình muốn truyền đạt tới mọi người, dù bằng cách nào đi nữa”.
Tôi đã nghĩ như vậy.
Ngay khoảng thời gian đó, vị cố thiền sư mà tôi luôn tôn kính qua đời. Dù đã hơn một trăm tuổi, Người vẫn tọa thiền với các vị tăng lữ tại tọa thiền đường. Người đặt chân tới mọi miền của đất nước Nhật Bản để gửi gắm tới người dân lời răn của Đức Phật. Người đã từng nói: “Việc học chính là bắt chước”. Tôi không biết là có thể thực hiện được hay không. Thế nhưng, dù thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ vẫn tiếp tục bắt chước một cách nghiêm túc dáng hình đó tại thế giới phàm tục. Với quyết định như vậy, tôi đã quyết định xuống núi vào mùa xuân năm thứ tư tu hành tại thiền viện.