Nhờ tiếp thu và thực hiện nghi thức dùng bữa giống như tôi vừa trình bày trong cuốn sách này, cuộc đời của tôi đã có những thay đổi vô cùng to lớn. Trước khi biết đến thiền viện Eihei, tôi luôn cho rằng, thức ăn và việc dùng bữa chỉ là thứ để thỏa mãn cơn đói. Cách sinh tồn lý tưởng chính là thực hiện những việc được xã hội này đánh giá cao, hơn là dành thời gian cho ăn uống. Tuy nhiên, tôi vẫn còn nhớ cảm giác kỳ lạ về những hạn chế của cơ cấu xã hội hiện đại, nơi mà con người tồn tại bằng cách quy đổi những đánh giá của xã hội ra tiền bạc. Tôi không tài nào tìm thấy sự hứng thú cũng như động lực của bản thân khi làm những việc mà con người hiện đại ai cũng làm.
Sau đây, tôi xin được đề cập tới việc, vì sao một cái tôi như thế lại có cơ hội gặp gỡ nghi thức dùng bữa của thiền viện Eihei, và nhờ thực hiện nghiêm túc các nghi thức đó, tôi đã có những thay đổi như thế nào.
Ban đầu tôi tiếp cận phái Thiền bởi thứ động cơ ấu trĩ, đó là “Muốn được trở nên nổi tiếng”. Một thanh niên tốt nghiệp trường trung học tại một vùng quê của tỉnh Tottori, Nhật Bản, lên Tokyo học đại học. Ngay từ khi mới nhập trường, vì muốn được nổi tiếng, tôi đã quyết tâm tham gia vào hơn mười câu lạc bộ của trường.
Trong số đó, câu lạc bộ hấp dẫn nhất với tôi là câu lạc bộ chơi khúc côn cầu mang tên “Gấu trắng”. Những tiền bối mang giày trượt, nỗ lực tập luyện hết mình trên sân trượt băng tới tận đêm khuya, đối với tôi mà nói quả thực là “Những người đàn ông nổi tiếng”. Trong số đó, người nổi bật nhất là anh Yamashita Toru, một diễn viên nổi tiếng thời đó. Mặc dù anh rất đẹp trai nhưng lại vô cùng khiêm tốn và dịu dàng, cái tôi đơn thuần khi ấy đã vô cùng ngưỡng mộ dáng vẻ của anh, đưa ra quyết định bản thân sẽ trở thành diễn viên.
Thế nhưng, trước hết, làm thế nào để có thể trở thành diễn viên?
Ngay đúng khoảng thời gian đó, tôi nhận được lời mời của người bạn cùng lớp về việc tham gia diễn xuất một vở kịch bằng tiếng Anh, đối tượng tham gia là các sinh viên. Ngay lập tức, tôi nghĩ đây chính là cơ hội để có thể trở thành diễn viên. Chỉ đến lần trả lời thứ hai, tôi đã đồng ý tham gia. Tại đó, tôi gặp đạo diễn Yoko Narahashi. Ngay lần gặp đầu tiên, cô ấy đã nói với tôi một điều khiến tôi có chút bàng hoàng, đó là tôi không thể nào diễn xuất.
“Với cậu, diễn xuất là thứ nằm ngoài tầm với. Đừng làm gì cả, chỉ đơn giản là hãy ở tại chỗ đó”.
Những “hành vi” phải làm khi diễn xuất là giấu đi những cảm xúc thật sự xảy ra trên sân khấu. Diễn viên, để có thể diễn tốt vai được giao phó, phải quên đi bản thân mình, thật sự sống trong thân xác của nhân vật tại khoảnh khắc đó, địa điểm đó. Tôi đã được dạy như vậy.
Mỗi ngày vài giờ đồng hồ, ngồi trên ghế, quan sát sự căng thẳng của cơ thể, khi đối diện với người khác, tôi phải tìm được những cử chỉ, hành động đã trở thành thói quen của bản thân, tức những cử chỉ sẽ thực hiện trong vô thức… Quá trình đào tạo diễn viên ấy hoàn toàn khác xa so với những suy nghĩ mà trước đây tôi tự mình tưởng tượng ra, chính vì thế, tôi đã cảm thấy vô cùng bối rối.
Phương thức đào tạo đó đã giải thoát những hành vi tồn tại bên trong bản thân tôi, thứ mà tôi không muốn cho người khác xem và luôn luôn giấu chúng đi trước mặt những người xung quanh (hầu như đều là những thói quen chẳng phải đẹp đẽ gì cho cam).
Cũng có khi, mọi tật xấu của tôi cứ như vậy mà tiết lộ ra bên ngoài. Việc thể hiện ra hết những “hành vi” mà tôi vẫn giấu đi, thực sự đối với tôi mà nói, vô cùng khổ sở. Cho dù tôi đã chú ý rất nhiều lần nhưng vẫn không tài nào thực hiện được.
Khi tôi nỗ lực thực hiện và tìm ra những điểm mấu chốt để có thể trở thành diễn viên, đó cũng chính là thời điểm bộ phim Võ sĩ đạo cuối cùng (The Last Samurai) do chị Yoko đảm nhiệm việc tuyển chọn diễn viên bấm máy. Đó là một tác phẩm do Tom Cruise vào vai nam chính. Vừa giàu có, vừa có lòng tự trọng cao (và cả nổi tiếng nữa), tại sao Tom Cruise lại dành nhiều tâm huyết cho một vai diễn võ sĩ đạo tại một quốc đảo bé nhỏ? “Võ sĩ đạo” (Samurai) khi viết bằng chữ Hán sẽ là chữ “Thị” (侍), gồm bộ nhân đứng (con người) và chữ “Tự” (chùa), tức “người con của ngôi chùa”.
“Chắc chắn sẽ phải có liên quan gì đó tới chùa chiền…” Nghĩ như vậy, tôi liền tìm hiểu sâu hơn về việc này. Trong quá trình tìm kiếm, tôi đã tình cờ bắt gặp nhiều cuốn sách của Phật giáo, đặc biệt là sách của phái Thiền. Thời điểm đó là lần đầu tiên tôi biết đến sự tồn tại của thiền sư Dogen và tác phẩm tiêu biểu của người, cuốn Chánh pháp nhãn tạng.
Vì nội dung nguyên bản chưa được dịch ra tiếng Nhật hiện đại nên vô cùng khó hiểu. Tôi hoàn toàn không thể lý giải trọn vẹn ý nghĩa của cuốn sách nhưng thật may mắn là, có nhiều cuốn sách giải nghĩa rất dễ hiểu và truyền tải được điều mà thiền sư muốn gửi gắm. Mặc dù chỉ là những phần rời rạc nhưng sau khi đọc xong từng nội dung, tôi đã vô cùng ngạc nhiên.
“Người học Phật đạo tức học về tự kỉ. Học tự kỉ tức buông bỏ tự kỉ. Buông bỏ tự kỉ là vạn pháp được chứng nghiệm. Người chứng nghiệm vạn pháp tức buông bỏ thân tâm mình và thân tâm người. Nếu vết tích chứng ngộ không còn lưu giữ, tức chứng ngộ không để lại dấu vết sẽ tiếp tục lưu xuất”. (Trích chương Hiện thành công án, cuốn Chánh pháp nhãn tạng)1
1 Theo http://dieunhan.weebly.com/uploads/2/9/1/3/29139375/hien_thanh_cong_an_3.pdf
“Chớ hình dung chuyện đó trong tâm thức bạn, chớ nói bằng lời nói. Chỉ buông xả và quên mất thân tâm, ném chúng vào trong nhà Phật, được hoạt hóa bởi Phật – khi chúng ta tiếp tục tương hợp với điều này, bấy giờ không nỗ lực hay mở rộng tâm, chúng ta lìa khỏi sanh tử và thành Phật. Ai muốn lần lữa trong tâm?” (Trích chương Sanh và tử, cuốn Chánh pháp nhãn tạng)1
1 Theo http://thientrithuc.vn/sanh-va-tu-shoji/
Những lời này dường như trùng khớp với lời khuyên của chị Yoko rằng: “Với cậu, diễn xuất là thứ nằm ngoài tầm với,” cũng trùng khớp với những bài tập phải làm trong quá trình đào tạo diễn viên. Liệu rằng có điểm chung giữa quan niệm phái Thiền của thiền sư Dogen và quan điểm nghệ thuật diễn xuất của chị Yoko hay không, thực tế là không ai có thể hiểu được. Tuy nhiên, chí ít thì với tôi, hai quan niệm này dường như mang sự cộng hưởng thú vị, tạo thành âm thanh vang vọng trong tâm hồn tôi.
Sau đó, ngay khi bàn bạc với một vị sư thầy là họ hàng của tôi, rằng tôi muốn tu hành tại một nơi chính thức được công nhận là theo phái Thiền, tôi đã được giới thiệu tới thiền viện Eihei trên núi Daihon, Nhật Bản.
Bằng cách đó, một cái tôi chẳng hề có kinh nghiệm hay tri thức gì về phái Thiền, sau khi tốt nghiệp đại học đã rời nhà, sống cuộc sống tu hành tại thiền viện Eihei.