Cho dù có hứng thú và ý chí làm việc đi chăng nữa, đứng trước bản năng, con người là một sinh vật yếu đuối. Có câu nói “Khi được no bụng, con người ta sẽ biết đến lễ tiết”. Nếu như không được thỏa mãn cái đói, cho dù chỉ là một sự việc bình thường thôi, ta cũng sẽ dễ trở nên cáu gắt, cho dù chỉ là một chuyện đơn giản cũng không thể hoàn thành được. Trong khi bản thân đang trong trạng thái đói cồn cào với cái bụng rỗng, ta lại phải đi phân phát đồ ăn cho mọi người, có thể nói đây là nghi thức khó nhất trong số những nghi thức dùng bữa, đúng không? Hàng ngày đối mặt với bản năng, hãy kiềm chế cơ thể và trái tim để rồi cuối cùng có thể thực hiện được công việc “khó nhằn” ấy giống như một con người với khả năng áp chế cái tôi tuyệt diệu.
Khi đã chú tâm thực hiện công việc phân phát đồ ăn, khi bản thân được phát đồ ăn, tôi tự nhiên cảm thấy muốn hành lễ để bày tỏ sự biết ơn tới đối phương.
Việc nói ra thành lời sẽ rất vui nhưng vì có đối phương tồn tại ở đó nên việc thực hiện không phải là đơn giản. Nghi thức hành lễ, nếu làm quá nhanh sẽ thành thất lễ, nếu làm quá chậm sẽ khiến đối phương phải chờ.
Tất cả mọi người tại Tenzaryou sẽ thay phiên nhau đảm nhiệm công việc của Jounin, từ tăng lữ mới gia nhập thiền viện chưa được một năm cho đến những tăng lữ bậc cao niên đã tu hành tại thiền viện được năm năm. Tại thiền viện Eihei, nghi thức phải thực hiện khi dùng bữa vẫn luôn được nhấn mạnh là vô cùng nghiêm khắc. Thế nhưng, với cảm nhận của tôi, thực sự thì nghi thức phát đồ ăn, khi mà Jounin sẽ đến và đi, mới là vô cùng khó khăn, nếu không phải là tăng lữ có nhiều kinh nghiệm thì không thể làm được. Điều cần phải chú ý khi đi phân phát đồ ăn cũng có điểm chung với “Hiến thiện”.
Đó là ba quy tắc: “Không tạo ra tiếng bước chân (Tĩnh lặng),” “Theo tuần tự (Nhanh chóng),” “Không làm phiền (Đẹp mắt)”.
Khi bước vào trong tăng đường, Jounin phải chú ý cẩn thận tới mức không được phép để phát ra tiếng ma sát của xăng-đan hay quần áo. Tuyệt đối không được lơ đễnh và làm mọi việc trong cẩu thả. Công phu trong cách cầm xô, di chuyển nhanh nhẹn, công phu trong cách vận chuyển thức ăn, sau cơm sẽ là súp, sau súp sẽ là dưa muối. Các Jounin phải tuân theo trình tự như vậy, quan sát và quyết định thời gian sẽ đi vào tăng đường. Không quá vội vàng, nhưng cũng không được để các tăng lữ phải chờ đợi. Để bản thân ở trong trạng thái “Vừa đúng lúc tôi đến nơi đấy” (thực ra là đã căn thời gian từ trước) để khiến cho đối phương không cảm thấy bản thân mình là gánh nặng cho Jounin. Việc này rất quan trọng. Jounin phải giống như quả táo rơi trước mắt nhà khoa học vĩ đại Newton.
Ngay cả cách rót nước nóng hay cách xoay ngón tay để mở nắp cũng được quy định từ trước. Phải chú ý từ mọi điều nhỏ nhặt nhất. Jounin phải lưu ý cẩn thận để không phân phát thức ăn quá nhiều. Phải sử dụng mọi dây thần kinh để người nhận không làm đổ thức ăn được phân phát ra ngoài.
Cách chia súp cũng vô cùng khó. Nếu như dùng muôi múc quá nhiều trong một lần, súp sẽ dính vào thành bát, việc tẩy rửa sẽ trở nên khó khăn, vô hình chung gây rắc rối cho đối phương. Mặt khác, nếu như múc từng chút một thì việc phân phát sẽ trở nên chậm chạp, không có hiệu quả.
Khi đưa bát súp cho Jounin, phải trao nhẹ nhàng tựa như có thể nổi như áng mây trời. Khi nhận lấy bát súp cũng phải dùng tay bao bọc lấy chiếc bát giống như cánh hoa anh đào vừa nhẹ rơi khỏi cành cây xuống mặt đất.
Trao và nhận bát sẽ không thể thực hiện được nếu như không hòa hợp đến từng hơi thở. Phải đồng điệu với tâm hồn của đối phương, hành động dựa vào cảm giác của bản thân ngay tại không gian đó, thời gian đó. Vì thế, làm quá mức hay khách sáo quá mức cũng đều không được phép xảy ra. Mỗi lần phân phát thức ăn đều bắt đầu và kết thúc bằng hành lễ. Nghi thức này giống như cách một trận đấu phân thắng bại nghiêm túc đang diễn ra trên sàn đấu của võ sĩ vậy.
Ngay cả phía nhận thức ăn cũng không được phép lơ đễnh. Cần phải nhanh chóng hoặc từ tốn đưa bát lại gần để đối phương có thể dễ dàng phân phát đồ ăn hoặc không làm cản trở động tác của họ.
Cần phải có được sự cân bằng giữa hai bên, để cả đối phương và bản thân đều cảm thấy hạnh phúc nhất. Sự cân bằng tuyệt diệu ấy sẽ giúp cả hai phía không cảm thấy khó chịu: “Nên thêm một chút nữa đi.”, “Nếu thêm một chút nữa thì sẽ bị nhiều quá đấy nhỉ?”, “Với mình, từng này là chưa đủ để thỏa mãn dạ dày đâu…”
Ưu điểm của phân phát đồ ăn là hiểu được khi nào là “làm quá”. Khi mà nghi thức trở thành “nghi thức vì nghi thức,” nghi thức đó chỉ đơn giản là một loại quy tắc áp đặt lên con người, không hơn không kém. Không được phép quá chú tâm vào nghi thức, không được khiến cho đối phương cảm thấy căng thẳng. Hãy suy nghĩ với vị thế của đối phương, khiến cho cả hai tâm hồn được hòa hợp, trải qua quãng thời gian cả hai bên cùng cảm thấy thoải mái và dễ chịu.
Nghi thức phân phát thức ăn đặc biệt có tác dụng trong cuộc sống thực tế ở Đức. Cho dù khi không hiểu được suy nghĩ của đối phương do gặp trở ngại về ngôn ngữ, bạn sẽ có thể nhận ra những điều mà ngay đến bạn cũng cảm thấy khó lý giải như “Nếu thêm nữa là quá nhiều đấy nhỉ?” hay “Có lẽ là nên thêm một chút nữa…”
Để có thể cảm nhận được bản thân liệu có nhận quá nhiều hay không, và ngược lại, lo lắng vì đã đưa quá nhiều hay không, thực lòng mà nói, rất khó.
Không có thứ gì gọi là “Chỉ như thế này là đủ rồi”. Việc khách khí có thể là đơn giản, tuy nhiên, nếu như quá khách khí, có thể khiến cho đối phương cảm thấy thiện ý của họ đang bị khước từ. Đặc biệt, tôi đã nhiều lần nghe thấy rằng, người Nhật thường bị vướng vào rắc rối vì không thể từ chối dứt khoát việc người khác nhờ cậy họ.
Phân phát thức ăn chính là một cơ hội đáng được trân quý, bởi nó giúp gắn kết người với người. Nhưng cơ hội này không nhiều. Không chỉ trong ăn uống, mỗi khi có hành động trao và nhận giữa người với người, nếu có thể hình thành được cảm giác giống như các Jounin khi phân phát thức ăn, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày sẽ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Khi nhận hay trả tiền ở cửa hàng, khi nhận đồ uống ở quầy tính tiền, thường con người chúng ta sẽ làm trong vô thức. Tuy nhiên, việc trao và nhận đồ vật sẽ không thể được thực hiện nếu như trái tim không được kết nối. Thời điểm bản năng hoạt động mạnh nhất, tức khi dùng bữa, trước hết, hãy cùng thử coi trọng hành động trao và nhận trong khi điều tiết số lượng sao cho cân bằng.
Cơ hội để hiểu lẫn nhau, cùng trao tay nhau vật mà bản năng mong muốn, không có nhiều tới vậy. Bữa ăn chính là cơ hội đáng quý ấy.
Bản thân tôi trước đây luôn kính cẩn khi đứng trước người quen lớn tuổi hơn nhưng lại tỏ thái độ lạnh lùng đối với nhân viên bán hàng lần đầu gặp mặt tại các cửa tiệm. Khi nhận, để thể hiện thành ý, tôi luôn tỏ ra biết ơn và kính trọng. Thế nhưng khi cho đi, tôi thường tỏ thái độ trịch thượng, thậm chí không thể cúi đầu để thể hiện bản thân cũng tôn trọng đối phương. Khi được trải nghiệm tại vị thế của cả hai bên, tôi đã cố gắng để không khiến người đối diện với mình cảm thấy bị áp đặt. Điều ấy, cho dù có ngồi trên bàn, học tới bao nhiêu đi chăng nữa, bạn cũng không làm được. Thái độ chu đáo và để tâm tới người sẽ đánh giá bản thân mình, hay coi trọng những đồ vật cao cấp, tất cả đều là sự đơn giản mang tính tương đối. Hãy thử đối xử bằng tấm lòng trân trọng với những con người, hay thậm chí là đồ vật vẫn luôn bị nhận lấy những cái nhìn không tôn trọng. Sự cân bằng tuyệt diệu không áp đặt đối phương, cũng không cướp đi thứ gì của họ. Nếu như có thể cho đi và nhận lại một cách tự nhiên nhất khi dùng bữa, thì cho dù trong mối quan hệ đối nhân xử thế bình thường đi nữa, bạn cũng có thể xây dựng được một mối quan hệ cho và nhận với tấm lòng quan tâm và sự thông cảm ngập tràn. Không dựa vào cách tổ chức của tự mình phục vụ, tự mình làm, chắc chắn sẽ phải lưu tâm và để ý tới nhiều vấn đề. Khi đó, quả thực sẽ có lúc cảm thấy rất vất vả, nhưng bạn sẽ học được “trực cảm” – thứ cảm giác nhạy bén có được nhờ vào quá trình quan sát những cá thể xung quanh mình. Bằng tầm nhìn xa và rộng, kết quả, bạn sẽ có thể viết nên được chữ “Hòa” – sự dung hòa giữa con người, xã hội và thiên nhiên.
Nhắc tới công việc phân phát thức ăn trong các thiền viện, mọi người thường cho rằng đó là công việc dễ dàng mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Một chuỗi các nghi thức được thực hiện để bày tỏ sự kính trọng tột bậc dành cho những người chịu trách nhiệm phân phát đồ ăn, ngoài thiền viện Eihei, tôi chưa từng được nhìn thấy khung cảnh này ở một nơi nào khác. Chẳng hạn, ở nhà hàng, hầu như không hề có cảnh tượng cả bồi bàn và các vị khách cùng cúi chào nhau. Tuy nhiên, tại thiền viện Eihei, cho dù là Jounin bậc cao niên đã bước sang năm tu hành thứ mười tại thiền viện, hay chỉ là một Jounin mới lên núi, tất cả đều hành lễ với sự tôn kính lẫn nhau, một cách trọn vẹn. Ai cũng giống ai, không có ngoại lệ.
Không phải chỉ nói ra bằng miệng, nghi thức đòi hỏi người thực hiện phải sử dụng đến toàn bộ cơ thể. Tôi luôn cảm thấy phong tục của thiền viện Eihei có một sức hấp dẫn đến kỳ lạ, một phong tục được truyền lại và kế thừa bằng cả trái tim.
Nếu có thể mang trong tâm khảm tinh thần giống như vậy, dù là tăng lữ mới vào, hay là tăng lữ bậc cao niên, ai cũng có thể tiếp tục vững bước trên con đường theo đuổi sự hoàn thiện của tâm hồn. Nhờ thực hiện việc hành lễ “lẫn nhau” với một trái tim toàn tâm toàn ý, cho dù sau khi bản thân đã trở thành một tăng lữ bậc cao niên đi nữa, ta vẫn có thể chỉ dạy cho lớp tăng lữ hậu bối cách dụng tâm và chu đáo với mọi sự trong cuộc sống. Dùng tay đỡ lấy khay đựng thức ăn, đưa tay nhận lấy thức ăn vào thời điểm được căn giờ chuẩn xác đến tuyệt diệu… dù chỉ là một cử chỉ thể hiện sự lưu tâm khi nhận lấy thức ăn từ Jounin thôi, cũng đã thể hiện tấm lòng biết ơn thành kính gửi đến họ – những người phân phát thức ăn.
Cho dù là sư trụ trì hay tiểu tăng cũng đều giống như vậy. Cả hai phía cùng thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giống như một gia đình, mỗi cá thể đều được đối xử trong bình đẳng. Đó được coi là con đường tu hành của Phật đạo. Phía trao, phía nhận, phía phân phát thức ăn, tất cả cùng nhau hành lễ, thể hiện sự tôn trọng dành cho đối phương. Và nhờ thực hiện nghi thức đó từng ngày, cứ như vậy tích lũy, cơ thể bạn sẽ tự nhiên thực hiện động tác thể hiện tấm lòng biết ơn thành kính dành cho đối phương.
Có nhiều người, khi đã quen với cuộc sống sinh hoạt của thành thị, thường sinh ảo giác rằng, chỉ cần có tiền, cho dù có đơn độc đi chăng nữa, vẫn có thể ăn uống bình thường. Tuy nhiên, tôi đã nhận ra rằng, thực tế là, ở đâu đó trong bữa ăn, vẫn còn những sự tồn tại đang ẩn giấu ở bên trong. Sự tồn tại mà con người chúng ta ngay tại thời điểm đó chưa thể nhìn thấy được. Nếu như thiếu đi những sự tồn tại đó, con người sẽ chẳng thể có được bữa ăn trước mặt. Chính nhờ công việc mà tôi nghĩ rằng nó chẳng lấy gì làm quan trọng, bất cứ ai cũng có thể làm được, nhờ vào cơ hội được tu hành tại thiền viện Eihei, tôi đã có thể thấu hiểu được một chân lý. Ấy là, cho dù là công việc gì chăng nữa, nếu như công việc ấy được người thực hiện nó xem là quan trọng, bản thân họ có thể đảm nhiệm và thực hiện nó trong hạnh phúc.
Nguồn gốc của quan điểm về việc dùng bữa trong phái Thiền – nơi luôn coi trọng sự dung hòa trong giao tiếp chính là ở đây. Tôi vẫn còn nhớ, khi bản thân chỉ là một tăng lữ mới gia nhập thiền viện, đã từng có một sư thầy trong Tenzaryou hơn tôi tới vài chục tuổi, đứng bên cạnh tôi, nỗ lực hết mình để xắt rau củ. Mục tiêu của tôi là có thể sống một cuộc sống sinh hoạt thường nhật với tâm trạng của vị sư thầy đó.
CÔNG THỨC NẤU ĂN CƠ BẢN
Một ngày của tăng lữ bắt đầu bằng món cháo. Bước đầu, để bạn đọc có thể làm quen, tôi xin được giới thiệu về cách nấu cháo, mè rang, dưa muối mà ngay cả gia đình bình thường cũng có thể làm được. Nó rất đơn giản. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, đây cũng chỉ là những cách làm để tham khảo. Khi thực hiện, bạn hãy sử dụng cả “Tam tâm” để tạo nên món ăn với hương vị tuyệt vời nhất nhé.
“CHÁO”
Món cháo gạo lứt được chế biến bởi trái tim hạnh phúc
Tại thiền viện Eihei có câu nói “Chúc hữu thập lợi,” tức món cháo có mười lợi ích như sau:
Một, giúp làn da nhẵn bóng.
Hai, tâm trạng hưng phấn, thể lực sung mãn.
Ba, ngăn ngừa lão hóa, giữ gìn sự trẻ trung.
Bốn, hạn chế sự thèm ăn, tránh ăn quá nhiều.
Năm, máu lưu thông tốt hơn, đầu óc tỉnh táo.
Sáu, cơ thể nhẹ nhàng nhờ tác dụng thanh lọc.
Bảy, ngăn ngừa cảm lạnh.
Tám, lấp đầy bụng đói.
Chín, làm ấm cổ họng.
Mười, đại tiện dễ dàng.
Món cháo với cách thức chế biến đơn giản sẽ phản chiếu tình trạng của trái tim giống như một tấm gương sáng bóng. Hãy cùng nghĩ về những người quan trọng với bạn, cùng tôi nấu món cháo gạo lứt của “trái tim hạnh phúc” nhé.
Nguyên liệu (Phần ăn dành cho hai người)
Gạo lứt............... Lưng bát (khoảng 75g)
Nước.................. 1.000ml
Muối .................. Một lượng nhỏ
Cách làm
1. Vo qua, ngâm gạo lứt trong lượng nước thích hợp, để qua một đêm. Sau khi ngâm xong, thêm một chút muối, cho vào nồi, vặn lửa lớn.
2. Đun cho đến khi sôi nước trong nồi, khuấy nhẹ, mở nắp nồi ra một chút, nấu bằng lửa nhỏ trong khoảng năm mươi phút. Hấp cách thủy khoảng năm phút.
“MÈ RANG”
Mè rang trong Tenzaryou
Bữa sáng nào tại thiền viện Eihei cũng đều có sự xuất hiện của những hạt mè được giã nhỏ, mịn màng và bóng mẩy. Mè là một loại gia vị với mùi hương rất kích thích, cho dù ăn hàng ngày cũng không hề bị ngán. Việc ăn liên tục trong hơn bảy trăm năm chính là bằng chứng rõ ràng hơn bất cứ thứ gì.
Mè rang cũng là một nguồn dinh dưỡng quý giá giúp hỗ trợ quá trình tu hành nghiêm khắc của tăng lữ. Mè rang được biết đến là có công dụng đẩy lùi sự mệt mỏi, ngăn ngừa lão hóa, thúc đẩy quá trình làm đẹp. Hãy mang công thức chế biến mè lên bàn ăn cùng với những bậc làm cha làm mẹ, những người lớn tuổi luôn lo lắng cho sức khỏe của bản thân.
Việc giã mè, bản thân hành động đó cũng chính là một cách để tu hành, hoàn thiện tâm hồn và cơ thể. Ngồi trong tư thế mắt ngang mũi dọc, hô hấp nhẹ nhàng. Nếu có thể giã mè trong tư thế như vậy, cho dù có đang trong trạng thái mệt mỏi đến đâu đi nữa, cả cơ thể và trái tim sẽ tràn ngập sinh khí và trở nên khỏe mạnh hơn. Nhất định hãy thử thách bản thân mình xem sao nhé.
Nguyên liệu (Phần ăn dành cho hai người)
Mè ........... 2 thìa canh lớn (không phải mè rang sẵn mà phải chọn mè đã được rửa sạch)
Muối ....... 1 thìa cà phê
Cách làm
1. Rang mè bằng chảo rang. Để lửa vừa, dùng thìa gỗ đảo nhanh tay, rang cho đến khi có vài hạt mè bắn lên, nổ lép bép. Hạt mè sẽ phồng lên, rang tiếp cho đến khi có thể dùng ngón tay nghiền nát hạt mè là đã đủ chín tới. Muối cũng rang qua, làm bay bớt hơi nước đi.
2. Cho mè và muối vào trong cối nghiền. Dùng chày gỗ nhẹ nhàng giã. Sau khi mè và muối trở thành một hỗn hợp mịn là đã hoàn thành.
“DƯA MUỐI”
Món dưa muối – Thành quả của sự công phu
Không phân biệt nguyên liệu nấu ăn, không lãng phí, công phu trong việc lựa chọn và chế biến những nguyên liệu sẵn có để làm nên món dưa muối, nếu có thể làm được món dưa muối như vậy, chắc chắn bữa ăn sáng sẽ trở nên ngon tuyệt. Ý nghĩa vốn dĩ của từ “công phu” trong phái Thiền là: vứt bỏ định kiến, bây giờ, tại nơi đây, tận tâm cố gắng vào một việc gì đó. Chính bởi sự sáng suốt và tận tâm trong quá trình lựa chọn những loại rau củ sẵn có mà món dưa muối cũng sẽ trở thành món dưa muối của “Đại tâm”.
Tại thế giới phàm tục, khi thực hiện nghi lễ rửa bát, nếu có món dưa muối thì sẽ tiện lợi hơn rất nhiều. Trước khi châm trà, hãy để lại một miếng dưa muối, gắp miếng dưa bằng đầu đũa và thử lau bát.
Làm như vậy, vị ngon của miếng dưa muối cuối cùng đó sẽ là một hương vị đặc biệt đến nỗi không thể diễn tả được bằng lời.
Nguyên liệu (Phần ăn dành cho hai người)
Rau cải bắp (chiều ngang khoảng 1cm) .... 3 lá
Dưa chuột (cắt nhỏ) .............................. 1 quả
Cà rốt (thái lát nhỏ) ............................... ¼ củ
Gừng (thái lát nhỏ) ................................. 1 lát
Tảo bẹ (cắt thật nhỏ) ...........Hình tứ giác 5cm
Muối .......................................... 2 thìa cà phê
Cách làm
1. Cho tất cả nguyên liệu vào bát tô (hoặc nồi), trộn đều, bóp nhẹ hỗn hợp.
2. Đặt vào tủ lạnh khoảng một đến hai tiếng.