Thành công hay thất bại thường đến với chúng ta một cách bất ngờ.
TIẾN SĨ MARCUS BACH
Người thành công có những tính cách nổi bật hay thói quen nào? Con người đã và đang tìm kiếm những đặc điểm chung của những người thành công trong suốt vài thế kỷ qua nhưng rõ ràng vẫn chưa có kết quả như mong đợi. Bạn phải đọc một loạt hồ sơ cá nhân của những người nổi tiếng để nhận thấy sự khác biệt giữa họ, cách thức họ điều hành công việc, thói quen làm việc và đời sống cá nhân khác nhau như thế nào.
Tuy nhiên, có một thực tế mà những người thành công phải thừa nhận là để có được thành công, họ phải có đam mê với những việc mình làm, đặc biệt phải giữ vững niềm đam mê ấy trong những năm tháng khó khăn. Họ có khả năng xây dựng hình mẫu của bản thân đầy sức sống, luôn đạt đến mục tiêu của mình và lưu giữ hình tượng của bản thân, và lặp đi lặp lại lời cam đoan với bản thân rằng họ biết mình sẽ thành công.
Trí óc con người là một lĩnh vực kỳ bí mà chúng ta chỉ hiểu được một phần rất nhỏ. Hầu hết mọi người thừa nhận quá trình “hình tượng hóa” này không thể đưa ra lời giải thích về cách thức nó hoạt động, trừ việc họ biết nó hoạt động. Dường như đó là cách con người tư duy thì phải?
Tiến sĩ Marcus Bach đã từng nghiên cứu về trí óc con người suốt nhiều năm. Ông là chuyên gia trong lĩnh vực tôn giáo đương đại, đã viết mười bảy cuốn sách, là giảng viên, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế và liên tôn giáo. Đồng hành cùng ông trong cuộc phiêu lưu độc đáo, được trích ra từ quyển Sức mạnh của nhận thức (The Power of Perception), chắc chắn sẽ đem lại cho bạn đọc một quan điểm hoàn toàn mới mẻ về cuộc sống và về tương lai của bạn.
Khi nghĩ về sự giáo dục giản đơn và thiếu khoa học mà tôi đã từng được dạy, tôi cảm thấy thật kỳ diệu vì tôi có thể trở thành con người như ngày nay. Không có Tiến sĩ Spock11, không có trường Montessori12, không có chỉ dẫn tâm lý, không có phép đo nhân cách, không có trắc nghiệm Rorschach13. Không có bất cứ thứ nào trong những điều xuất hiện ở những năm tháng trưởng thành của cuộc đời tôi, thậm chí tôi còn không biết đến dao động ký Roentgen, là thiết bị có thể ghi nhận biểu đồ của việc nuốt, nhai và thở. Tuy nhiên, tôi chưa từng có bất cứ rắc rối nghiêm trọng nào, chưa từng đầu hàng trước một thẩm phán và bồi thẩm đoàn nào, chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ ruồng bỏ cha mẹ và bản thân. Ngược lại, chừng nào tôi còn ca tụng những điều ở trên, cho phép tôi nói rằng tôi là bằng chứng thép khi nói đến việc đưa tên tuổi gia đình vào sảnh đường danh vọng, nếu có ngày nào chuyện đó xảy ra.
11 Bác sĩ nhi khoa người Mỹ, là tác giả cuốn sách nổi tiếng Baby and Child Care (1946), người đầu tiên nghiên cứu phân tâm học để hiểu nhu cầu của trẻ và động lực từ gia đình.
12 Các trường theo phương pháp giáo dục của bác sĩ và nhà giáo dục người Ý Maria Montessori.
13 Bài trắc nghiệm của bác sĩ tâm thần và nhà phân tâm học Hermann Rorschach để biết được đặc trưng trong hành vi và tình cảm của con người.
Khi tôi lên mười hai, sau khi trình diễn xuất sắc trong một cuộc thi âm nhạc, mẹ đã khen ngợi tôi: “Mẹ rất tự hào về con, bởi con đã từng là đứa con mà mẹ thực sự không muốn”.
Tôi xem những lời nói của mẹ như những lời khen cực kỳ thú vị. Tôi ở đây, dù không được mong mỏi, nhưng tôi đã làm tốt việc của mình. Tôi hiểu rằng mặc dù tôi chỉ là kết quả của một tai nạn, nhưng rõ ràng đó là sự sắp đặt của Thượng đế. Thật tuyệt! Tôi nhớ mẹ đã cười và ôm tôi như thế nào, và tôi cảm thấy mình đặc biệt ra sao mỗi khi tôi nhớ lại rằng mình là một đứa trẻ không được trông đợi.
Tôi thường suy nghĩ về điều này khi tôi tư vấn cho sinh viên. Một số em cho tôi biết mối bận tâm lớn nhất là họ là con nuôi và không được thông báo về việc đó, hay biết được rằng họ là con ngoài giá thú, hoặc có cảm giác là đứa con không được mong đợi. Một số khác than phiền về khoảng cách với cha mẹ, rằng cha không hiểu họ, và ngược lại, họ cũng không hiểu nổi cha mình, rằng có khoảng cách tựa vực thẳm mà không thể nào vượt qua. Họ không thể giao tiếp, và thường xuyên có kiểu phàn nàn cũ rích rằng: “Em không biết phải làm gì với cuộc sống của mình, và không ai trong gia đình tư vấn cho em”.
Tôi cố nhớ xem cha có từng tư vấn cho tôi không, nhưng tôi không thể. Tôi không thể nhớ nổi đã có lúc nào tôi và cha tôi ngồi nói chuyện như những người đàn ông hay chưa. Chúng tôi chưa bao giờ trò chuyện về những vấn đề trong cuộc sống. Vấn đề giới tính cũng chưa bao giờ được nhắc đến. Tôi cũng cố gắng giải thích với sinh viên rằng tôi đã học ở đâu và học những gì mà mọi thanh niên đều nên biết. Về vấn đề nghề nghiệp, tôi có chính kiến của riêng mình mà không phụ thuộc vào cha mẹ. Trong mọi thứ, trừ vấn đề tôn giáo, tôi được tự do quyết định con đường đi của mình. Tôi đã thật sự may mắn. Cha tôi chỉ nói một câu đầy ấn tượng và chắc nịch, ông nói đơn giản thế này: “Tất cả những gì cha kỳ vọng về con, con trai ạ, là con hãy làm những điều có ý nghĩa cho cuộc đời con”.
Mẹ tôi, dù tuyệt đối không đồng ý với mọi điều cha nói và cũng chưa bao giờ thật sự tư vấn điều gì cho tương lai của tôi, lần này đã tán thành ý kiến của cha. “Tất cả những gì cha mẹ kỳ vọng về con, là con hãy làm những điều có ý nghĩa cho cuộc đời con.”Tôi không nhớ câu đó được nói ra trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào, hay tôi có cảm nhận gì lúc đó. Tôi chỉ biết rằng có một sự kỳ vọng trong tôi, khiến tôi nhạy cảm với cuộc đời, giúp tôi luôn nhạy cảm, và như tôi nhớ, câu nói đó luôn là cơ sở vững chắc để tôi cảm nhận được những gì thường không dễ nhận ra. Tôi được dẫn dắt một cách tự nhiên đến với những kỳ vọng lớn lao. Trong Kinh thánh cũng dạy: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều”14, điều này đã ảnh hưởng đến tính cách của tôi. Tôi được ban tặng rất nhiều, không phải là những lời dạy bảo, khuyên răn, mà là tình thương. Mặc dù không thể hiện thân mật quá rõ ràng, nhưng rất thoải mái. Chính cảm giác này đã khơi dậy và thách thức tôi đạt được mục tiêu: Tôi được kỳ vọng làm điều đó có ý nghĩa cho cuộc đời mình.
14 Trích sách Phúc Âm Luca 12:48.
Trong gia đình chúng ta, thường có những luật bất thành văn, hiếm khi được thảo luận với nhau và hiếm khi bị phá vỡ. Mọi người thường mong đợi các thành viên trong gia đình tuân thủ theo luật này. Tôi sẽ dẫn chứng câu chuyện trong gia đình tôi, về chiếc bình pha lê lung linh, bên trong chứa thứ rượu vang với sắc hồng óng ánh, từ lâu đã ở trong phòng ăn nhà chúng tôi. Không ai trong bốn anh chị em chúng tôi nghĩ về việc sẽ thử mở nắp và uống một ngụm, mặc dù tôi không thể nhớ được chúng tôi có từng được cảnh báo không được đụng vào nó hay không. Cha tôi, cũng vậy, vào mỗi tối thứ Năm, ông thường đến quán rượu nhỏ trong thị trấn để chơi bài Skat kiểu Đức. Mẹ tôi khó chịu về điều này, đặc biệt khi có các linh mục trong vùng tham gia chơi bài. Mẹ sợ bị người Công giáo gây ô uế hơn là sợ cha uống bia Schitiz. Nhưng không đứa con trai nào trong nhà nghĩ rằng chơi bài, uống bia, hay đi vào quán rượu là vấn đề nghiêm trọng. Chúng tôi được trông mong rằng sẽ tự hiểu những điều cha được phép làm có thể không tốt cho chúng tôi. Và không ai ngạc nhiên khi sau này, cha đã từ bỏ thói quen chơi Skat và mẹ bắt đầu làm thân với người Công giáo. Không có gì là đúng tuyệt đối cả.
CÙNG CHA ĐI CÂU CÁ
Tôi còn nhớ những cảm xúc sâu lắng vào thời thơ ấu, tôi đi câu cá cùng cha vào một sáng Chủ nhật bất chấp sự phản đối của người mẹ tận tụy với nhà thờ của tôi. Ngày nay, hầu hết các bạn trẻ khi được cho đi dã ngoại thì xem đó như một trò vui thôi, nhưng với tôi, đó là một quyết định định mệnh.
Sáng Chủ nhật đã được sắp đặt sẵn là ngày mà mọi người sẽ đến trường học giáo lý và nhà thờ mà không thắc mắc gì. Nhưng vào cái ngày Chủ nhật đặc biệt ấy, mùa câu cá sẽ bắt đầu vào lúc bình minh. Lúc bấy giờ, cha tôi cũng khá mộ đạo, nhưng sau một tuần vất vả ở cửa hàng, ra ngoài dạo chơi ngày Chủ nhật có vẻ hấp dẫn hơn tiếng chuông của ngôi nhà thờ cổ, nhất là khi ấy ở Wisconsin, đất trời đã sang xuân.
Mẹ tranh cãi rằng chúng tôi có thể đi câu cá trước hoặc sau buổi lễ, mặc dù như vậy cũng là tội lỗi rồi, nhưng cha là một người câu cá lão luyện, ông giải thích rằng cá rô câu tốt nhất là từ mười đến mười hai giờ, trùng với thời gian học giáo lý và đi lễ nhà thờ.
Tại sao lúc đó mẹ không cãi: “Ồ, vậy thì anh có thể đi, nhưng bọn trẻ phải ở nhà”. Tôi sẽ không bao giờ biết, trừ phi có một kiểu tình yêu và trí tuệ không thể nói thành lời kỳ lạ đằng sau quyết định đó. Dù sao thì điều này cũng có nghĩa là mẹ sẽ phải đối mặt với ngài mục sư và vài bà cô đáng sợ khác, những người đã đề cử tôi cho đoàn mục sư khi tôi lên mười.
Vì vậy, chúng tôi quyết định mạo hiểm luôn và đạp xe bốn dặm để đến Lodi’s Mill, nơi có một cái hồ mọc đầy liễu xung quanh, nổi tiếng nhiều cá rô và cá thái dương. Cần câu cá giắt vào xe đạp, thay vì đi nhà thờ bằng xe hơi như dự định ban đầu. Những con cá tuế làm mồi câu bỏ trong xô, treo trên tay lái, bánh mì và đồ uống đặt trong giỏ xe. Chúng tôi lướt băng băng trên quốc lộ trải nhựa, vui vẻ hát ca tự do, không cần phải hát Thánh ca nữa.
Những kỳ vọng lớn lao.
Những kỳ vọng lớn khiến tôi muốn làm nhiều thứ thật tốt dù đang đạp xe hay đang nghĩ về những điều vĩ đại. Những ký ức của cuộc phiêu lưu vào ngày Chủ nhật hôm đó hiện ra khá rõ ràng, cụ thể và dũng cảm. Thực ra thì phần rõ ràng đã hơn hẳn sự dũng cảm, bởi đoạn đường đến Lodi’s Mill, gần thành phố Sauk, nơi chúng tôi sống, có đi ngang qua nghĩa trang của thị trấn, và tôi thấp thoáng thấy những hàng bia mộ nối dài. Tôi nghĩ về thứ khác chứ không phải lòng can đảm. Những bài giảng đạo của chú tôi, ngài mục sư, đã gây ấn tượng khá mạnh cho tôi sự thật rằng những dấu chỉ khủng khiếp là con át chủ bài của Chúa.
Chúng tôi có thể thoát khỏi cơn giận dữ của Người, thậm chí, chúng tôi có thể thoát khỏi những giờ lễ buổi sáng, nhưng Người cũng sẽ có được chúng ta vào giờ cuối. Đây không phải là vấn đề của đạo Tin Lành hay Công giáo, hay là vấn đề của những ngôi mộ được phân chia rạch ròi giữa hai tôn giáo như ở quê tôi: Ai rồi cũng sẽ chết, dù xe tang đi qua cổng nghĩa địa của bên nào đi nữa.
Bỗng nhiên, trong tôi bừng lên cảm giác chiến thắng. Vì tôi đang đi với cha. Chúng tôi đạp song song bên nhau trên những chiếc xe đạp cho người lớn, cùng đạp xe như thể chúng tôi biết một điều mạnh hơn cái chết. Một thoáng suy nghĩ thông thái vụt qua trong đầu, tôi biết nhiều thứ mà chú tôi, ngài mục sư, có thể không biết. Tôi biết bởi tôi cảm nhận được vào buổi sáng Chủ nhật mùa xuân tuyệt đẹp này. Chúa thích câu cá, Jesus thích những người câu cá. Chúa thích thế giới buổi sáng Chủ nhật này. Người thích những rừng thông xanh đang lớn hơn những bức tường đá hoa cương cũ kỹ lắp kính màu. Những đồi cỏ được tỉa tót, những thanh gỗ vô hồn, những thánh giá gỉ sét ở vùng đất liễu rũ này không phải là thế giới thực sự. “Đừng để họ biến ngươi thành kẻ ngốc”, một giọng nói bên trong thầm thì với tôi. “Đừng để người khác định hình ngươi đến mức ngươi không thể thoát ra khỏi hình bóng đó. Hãy nhìn rừng cây và những cây muối kia đi! Và ngươi thấy gì khi nhìn những bông hồng rực rỡ khoe sắc ở hàng rào nghĩa trang?”
Thế giới của Chúa là sự sống và tự do. Thế giới của Ngài là con đường rộng mở và nông trại với những cây bắp non đang mọc lên trên cánh đồng được cày bừa quang quẻ. Thế giới ấy còn là những chiếc xe đạp cỡ người lớn và đôi chân khỏe mạnh trên những vòng quay. Thế giới ấy có cha, có tôi và Lodi’s Mill. Thế giới của Ngài gồm cả những người đi nhà thờ hay đi câu cá, miễn là đều thật sự kính yêu Ngài.
Trong sự phát triển của thế giới, tôi thấy mẹ của mình, như một phần kế hoạch vĩ đại và tuyệt vời của Chúa. Tôi thấy mẹ mặc một chiếc váy thật đẹp vào sáng Chủ nhật, đội một cái nón rất hợp, mang găng tay trắng dài đến khuỷu, túi xách bằng da trên cánh tay, những tờ ghi chú về trường học giáo lý theo mục sư Peloubet gấp ngay ngắn trong quyển Kinh thánh của bà. Đó là thế giới của Chúa. Nó đủ lớn để thu nhận người chú cha xứ đội nón và đuôi áo dài chạm bục giảng, nét mặt nghiêm nghị, không mỉm cười của tôi. Cảm ơn Chúa vì sự hài hước của Ngài. Và cảm ơn vì vẻ đẹp tĩnh lặng của Lodi’s Mill, nơi chúng tôi thả chiếc xe đạp trên cỏ, và đi hiên ngang rảo bước đến bên bờ hồ êm đềm.
Tôi đã trưởng thành rất nhiều trong buổi sáng hôm ấy. Tôi nhận ra rằng điều mà một người mong muốn hơn hẳn hạnh phúc của anh ta và điều anh ta ao ước hơn hẳn số cá câu được: Đó là sự giác ngộ rằng Chúa là người tử tế và cảm nhận được Chúa ở bên cạnh, sự trông chờ vào lẽ phải và tự do nhờ sự hiện diện của Ngài và phản ứng nhạy bén với cuộc sống mọi nơi mọi lúc.
Bây giờ, tôi thường nói chuyện câu cá cờ ở Mazatlán và cá hồi di cư ở Frazer. Tôi ngưỡng mộ loài cá hồi cầu vồng và cá hồi đỏ mà tôi đã thấy ở nhiều nơi. Nhưng chẳng nơi nào ký ức của tôi đậm sâu cho bằng buổi sáng Chủ nhật ở Lodi’s Mill. Ngày hôm đó quả là nhiều cảm xúc, được xác nhận khi cha con tôi quay về nhà và tự hào đổ ra bồn rửa trong nhà bếp những con cá đầy màu sắc.
“Ôi chà”, mẹ tôi kêu lên một tiếng ngạc nhiên có vẻ cường điệu, “nên nói gì bây giờ?”.
“Hãy nói là một buổi câu cá quá tuyệt đi!”, cha tôi nói.
“Nhưng vào ngày Chủ nhật”, mẹ phàn nàn, “trong thời gian đi nhà thờ”.
Cha nháy mắt với tôi, rồi nhận xét: “Chúng ta đã làm phiền chú mục sư đủ rồi mà”.
Mẹ giơ tay lên, la lớn: “Em sẽ nói là không. Tốt hơn hết là mọi người nên nghĩ anh không bắt được con cá nào”.
Nhưng mẹ lại mặc tạp dề vào và lấy dao làm cá như thể cái hồ chúng tôi đi câu, trong một khắc, hẳn đã trở thành Biển Hồ nơi Chúa giảng đạo.
CHÚNG TA CÓ THỂ TRÌNH DIỄN PHÉP NHIỆM MẦU
Tôi luôn sẵn sàng với những kỳ vọng lớn lao theo lẽ tự nhiên. Tôi tin tưởng vào chúng, tôi thấy trước chúng, tôi mời gọi chúng và vì vậy, tôi luôn thấy chúng được xác minh bằng trải nghiệm của những người đã làm sống dậy chúng bằng cảm nhận đầu tiên về chúng trong đời, giống như tôi.
Gần đây, tôi nghĩ về những giá trị của sự kỳ vọng khi tôi đến thăm Avery Cooke ở Toronto, Canada, trong buổi tiệc sinh nhật thứ một trăm của ông. Ông xuất hiện, đi lại nhanh nhẹn như một người mới độ sáu mươi, nhiệt tình giới thiệu cho quan khách vườn hồng của mình. Không kìm nén được, tôi hỏi ông một câu: “Ông làm thế nào mà sống thọ và khỏe mạnh tuyệt vời như vậy?”.
“Ồ, tôi sẽ cho anh biết”, ông trả lời: “Tôi không bao giờ kỳ vọng vào những thứ khác. Tôi luôn trông đợi mình có thể sống để xem tuổi một trăm ra sao, tôi mong muốn mình luôn khỏe mạnh. Tôi chỉ kỳ vọng sẽ trở thành đúng con người mình thôi, thế nên chẳng có phép màu nào cả”.
Không có phép màu nào ngoài phép màu của những kỳ vọng lớn lao, và chúng ta có thể trình diễn phép màu ấy nếu chúng ta đặt tâm trí vào việc sẽ thực hiện nó. Sự kỳ vọng là một cảm giác. Nó tạo những phẩm chất cần thiết để chinh phục mục tiêu, phẩm chất được ghi nhớ vào trong tiềm thức và vạch rõ phương hướng. Các nhà lý luận cho rằng: “Hãy nghĩ lớn, mường tượng những điều vĩ đại, hy vọng thật nhiều và biết ơn”. Cha tôi đã từng nói: “Tất cả những gì cha kỳ vọng vào con là con làm được những điều xứng đáng với cuộc đời con”.
Cha đã trải qua quá đủ sự kiện trong đời, nên đó là lý do vì sao ông cho tôi quyền tự quyết với cuộc đời mình. Cha làm tôi hiểu rõ rằng người có thể làm điều gì đó cho cuộc đời tôi là chính tôi. Chính tôi mới là người có thể đương đầu tốt nhất với khó khăn trong cuộc đời mình. Chính tôi mới có thể nhìn thấy rõ nhất những phần vô hình trong đầu mình, nghe được rõ nhất những vô âm và cảm nhận rõ nhất những cảm giác chưa nhận dạng. Chỉ riêng tôi mới có thể trông mong vào những dấu hiệu của thần linh trong cuộc đời tôi và cố gắng sống theo nó. Chỉ có tôi mới có thể xoay chuyển những nghi ngại và cảm giác tội lỗi, những mặt nạ và sự giả tạo, những mục tiêu và khát vọng cho đến khi tôi chịu đối mặt với con người thật của mình, sẽ luôn có những khoảnh khắc trong đời tôi chứng minh mình là ai và mình hy vọng những gì.
Người ta kể rằng khi con tàu Lakonia chìm ở gần Madeiras, trên thuyền cứu hộ có một người đàn ông sống sót mặc trang phục gọn gàng, chiếc áo khoác vải tuýt vắt trên cánh tay, ông ta còn mang theo một chiếc cặp. Ông từ chối sự giúp đỡ khi leo lên tàu cứu hộ Salta, và bình tĩnh hỗ trợ những người sống sót trên boong tàu. Một nhân viên trên tàu Salta đã chúc mừng ông vì sự bình tĩnh ấy và hỏi lý do vì sao ông có thể làm được như vậy. Người đàn ông đáp lại: “Tôi là một người Anh, thưa ngài. Đó là điều mà tôi được kỳ vọng sẽ làm”.
CẦU ĐƯỢC ƯỚC THẤY
Kỳ vọng là nô lệ của ý chí, ý chí là kết quả của mong ước và mong ước được tạo ra từ sức mạnh tinh thần. Đây không phải là sự giải thích về toàn bộ bản chất của kỳ vọng, cũng không phải là câu trả lời cho lý do vì sao một số cá nhân dường như có động lực về tinh thần và tâm linh hơn hẳn những người khác. Một số người phản hồi nhanh hơn với một cấp độ cảm xúc sâu sắc, có lẽ là vì họ thấy được sự tưởng thưởng của nó, khao khát niềm vui của nó, cảm nhận được thách thức và đoán trước kết thúc có hậu của nó.
Một số người nói rằng: “Tôi chẳng kỳ vọng gì từ cuộc đời này cả”. Nhưng thực ra đây cũng là một dạng kỳ vọng. Giống như người phương Đông thường nói: “Tôi chỉ ước chẳng mong cầu gì nữa”. Kỳ vọng bao hàm niềm tin. Đó là niềm tin tăng thêm, niềm tin cảm nhận được và niềm tin vững chắc.
Mọi chuyện vẫn có thể xảy ra ngay cả khi kỳ vọng bị giấu kín đằng sau một vẻ tiêu cực chán chường. Trong suốt những năm tháng sống ở Midwest, tôi biết những người nông dân Iowa và ngưỡng mộ họ, dù chưa từng quen, và tôi cũng không hiểu vì sao lại như vậy. Họ là những người rất đặc biệt. Họ sẽ chẳng bao giờ để bạn biết quá rõ về họ. Họ che giấu cảm xúc. Họ né tránh thừa nhận tình yêu chân thành với thiên nhiên hay đất đai. Sau khi sống với họ một khoảng thời gian, bạn sẽ có mong muốn được xem xét lại toàn bộ quan niệm về sức mạnh của suy nghĩ tích cực, bởi họ rất tiêu cực khi nghĩ về thành công, như một con cáo nghĩ sẽ chẳng thể nào bắt nổi con gà.
Như lời phàn nàn theo tập quán của những người nông dân này thì mùa xuân đến quá sớm hoặc quá muộn. Đất đai quá ẩm ướt hoặc quá khô. Bắp lớn quá chậm hoặc quá nhanh. Thị trường quá biến động hoặc quá ổn định. Mùa vụ thu hoạch đến quá sớm hoặc trễ. Nhưng rất hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ người nông dân Iowa bị mất mùa, và trong suốt thời gian tạm trú trong một gia đình ở bang Hawkeye, tôi chưa từng thấy gia đình anh mất mùa. Anh sản xuất được 175 giạ bắp/mẫu ở vùng đất mà có thời anh kiếm được chưa đến 90 giạ. Nhưng anh ta sẽ chẳng bao giờ cho bạn biết vì anh ta đang chơi một trò chơi kỳ vọng lớn đằng sau của việc giả bộ bất mãn. Nếu bạn quan sát kỹ, bạn sẽ thấy anh ta mỉm cười. Anh ta không hề muốn thiên nhiên hay đất đai biết niềm tin của anh ta vào khả năng của thế lực thiên nhiên này thật ra lớn đến thế nào. Anh ta cảnh báo: “Đừng nói gì hết, cứ nghĩ về nó thôi. Cũng đừng nói gì về nó, cứ cảm nhận đi”.
Hãy che giấu mong đợi của bạn. Đừng để số phận bắt được mong mỏi to lớn và sâu sắc của bạn. Thật ra cha đã kỳ vọng nhiều về tôi như thế nào? Cha đã quan tâm tôi sâu sắc ra sao? Và mong ước của ông mạnh mẽ thế nào? Vì khôn ngoan và sắc sảo, cha đã không bao giờ cho tôi biết điều này. Ông gieo những hạt giống đủ sâu đúng thời điểm và ông hiểu rõ bản chất của việc trồng trọt.
Đây là một trò chơi tinh vi, và thỉnh thoảng có khó khăn. Như câu ngạn ngữ cũ: “Kỳ vọng lớn hơn cả nhận thức”. Nhìn chung, câu này là đúng và chúng ta có quyền xem nó như một sự thật căn bản ở mức độ cảm nhận sâu sắc. Nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ phải học đi học lại bài học ấy. Hãy mơ lớn, nhưng kỳ vọng lớn lao ấy cũng thường phải lớn hơn nhận thức.
NGHỆ THUẬT LÊN KẾ HOẠCH
Đây thực sự là một nghệ thuật. Vấn đề của lên kế hoạch là làm sao để không quá cứng nhắc, dễ hình dung nhưng không khắt khe, lên chương trình mà không cần phải thiết lập chương trình quá kỹ, sẽ khiến tinh thần tự giác không vực lên được. Tất cả những điều đó rốt cuộc sẽ đưa người ta đi đến kết luận rằng cuộc đời tự nhiên cũng phong phú và xứng đáng như cuộc đời được lên kế hoạch sẵn.
Gần đây, chúng tôi mời một người bạn đến ngôi nhà khách của mình. Nép mình trên một ngọn đồi đầy cây, quang cảnh núi rừng và hồ nước tuyệt đẹp. Không khí yên tĩnh đến mức một con chim hoét cổ đỏ đã lập tức đến chiếm một trong những súc gỗ kê dưới mái hiên và tự tin cất hót líu lo.
Tôi và vợ cực kỳ phấn khích, chuẩn bị mọi thứ đâu vào đó để đón tiếp vị khách đầu tiên, một người bạn thời đại học lâu ngày chưa gặp, và chúng tôi chắc chắn rằng người bạn này sẽ hài lòng với ngôi nhà của chúng tôi.
Chúng tôi nghĩ đã hiểu rõ về sở thích của anh ấy: không ồn ào, có một kệ toàn sách hay, rèm cửa đầy màu sắc, đủ ánh sáng, không có thêm khách khứa, đủ nước nóng để tắm, vân vân. Chúng tôi đã kỳ vọng rất rất nhiều vào tình yêu với ngôi nhà của mình.
Giống như Nicodemus15, bạn tôi đến vào buổi tối. Tôi đã kịp nhận ra rằng thật tồi tệ khi để một người khách sống ở thành phố nhộn nhịp đến nơi núi non này vào buổi tối. Sự tương phản quá lớn, ban đêm ở quê im ắng đến rợn người, thỉnh thoảng có những âm thanh trung thực của bóng đêm như những bản nhạc êm dịu chào đón khách.
15 Một nhân vật trong Kinh thánh, người Pharisee, lãnh đạo dân Do Thái. Ông đến gặp Chúa vào ban đêm để nói về phép lạ tái sinh.
Mặt hồ vốn lung linh dưới ánh nắng ban ngày hay trong những đêm trăng sáng thì nay đen như mực và kỳ quái đến rợn người trong bóng đêm. Chúng tôi nghĩ ngôi nhà sẽ rất xinh đẹp dưới ánh sáng mờ ảo và trang trí nhẹ nhàng. Nhưng tôi cảm nhận được vị khách của mình run lên khi tôi báo rằng anh ấy sẽ “tuyệt đối chỉ có một mình”, rằng sẽ có những “lời thì thầm của gió” bên tai kéo anh vào giấc ngủ. Đó đúng là những gì tồi tệ nhất mà chúng tôi có thể làm để đón tiếp vị khách. Anh ấy chưa từng hoàn toàn chỉ có một mình, anh ấy không muốn gió ru ngủ. Tôi đã nhận ra điều đó khi anh hỏi về các ổ khóa cửa và về khoảng cách từ căn nhà khách ấy đến nhà chính. Tôi biết điều đó khi anh hốt hoảng phát hiện ra một con nhện nhỏ trong phòng tắm ngoài trời mà người Canada không quen dùng. Anh la lên: “Cái gì vậy?” khi con chim hoét mẹ bay ngang cửa sổ. Và tôi biết rằng niềm hy vọng về bữa tiệc tân gia ấm cúng đã bắt đầu nguội lạnh dần.
Lúc sáu giờ sáng, có tiếng đập cửa ngoài gian nhà của chúng tôi. Anh bạn tôi đứng đó, hốc hác và sợ hãi, vô cảm với vẻ đẹp của mặt trời đang nhú lên trên mặt hồ và tiếng chim hót líu lo mê hoặc lòng người.
“Chết tiệt!”, anh nói. “Tôi đã có một đêm kinh khủng.”
Cầm tách cà phê nóng trên tay, anh than phiền không ngớt khiến tôi xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu. Máy nước nóng mới bị rò rỉ, cứ chảy róc rách cả đêm như âm thanh tử thần khiến anh lạnh cả người. Nhà vệ sinh thì bị nghẹt, anh phải giở nắp bồn lên chỉnh lại các pít tông, đây luôn là một công việc bẩn thỉu. Tôi đã quên bẵng không nói với anh rằng có một cái lỗ thông lên mái nhà, những chú sóc xem đấy như đường tắt để chuyền từ cành này qua cành khác. Ổ khóa nhà thì không khóa được. Những con nhện thi nhau bò lên từ lỗ xả của bồn tắm. Than vãn vì kiệt sức, anh hỏi liệu anh có thể thả phịch người trong căn chòi lớn này nghỉ ngơi chút không, và anh đã làm thế, đáng ra từ đầu anh đã được như vậy nếu chúng tôi không kỳ vọng cao đến thế vào căn nhà khách. Anh ở lại vỏn vẹn có hai ngày và ngay cả bọn chim hoét cổ đỏ cũng chưa bao giờ được biết tên anh.
Sau đó, tôi nghĩ về những vị khách không chờ mà đến, không chuẩn bị trước, thậm chí có những người mà chúng tôi phải rùng mình khi nghĩ đến việc họ sẽ viếng thăm, nhưng lại mang đến không khí ấm áp thân mật và niềm vui một cách rất tự nhiên. Không cần chuẩn bị trước, không cần phải dọn phòng, không lên chương trình gì cả, không có sự ảo tưởng theo cách này hay cách khác. Mọi thứ hóa ra lại đâu vào đó vì chúng tôi không có thời gian để làm thay đổi kế hoạch của định mệnh.
Rõ ràng có một dòng chảy thần thánh nào đó sẵn sàng đưa chúng ta qua nhiều giai đoạn nhất định của cuộc đời, chúng ta nhận ra điều đó càng nhiều và buông trôi bản thân theo dòng chảy ấy, chúng ta càng trở nên tốt hơn. Nhưng có mấy ai đủ can đảm để tin tưởng, đủ bản lĩnh để trông đợi, đủ khôn ngoan để hiểu, đủ thận trọng để thích ứng?
Những người thực sự thành công luôn có những kỳ vọng lớn lao, mặc dù, như những người nông dân Iowa, họ có thể lẩn tránh một chút. Những người dũng cảm thì dù sợ hãi cũng không bao giờ e ngại nỗi sợ. Những người khỏe mạnh thì sẽ không có thời giờ ốm đau, và với trái tim thuần khiết thì mọi thứ không ô uế như chúng thể hiện.
Chúng ta nắm được sự thật và kỹ thuật kỳ vọng vào những khoảnh khắc hiếm hoi chúng ta nhận ra một sự dẫn dắt dường như cao hơn và lớn hơn bản thân mình, khi trong khoảnh khắc chúng ta được một thế lực và trí tuệ vượt lên trên những cảm nhận thông thường dẫn dắt. Tự tin và tự do, ham học hỏi và sẵn sàng chấp nhận, chúng ta cho phép cái tôi mù quáng dẫn dắt bản thân. Làm sao để có thể trải nghiệm lại những gì đã qua? Cách tốt nhất là hy vọng nó lặp lại và cảm thấy bản thân mình xứng đáng được gặp lại sự kiện đó lần nữa.
LÝ DO THẤT BẠI
Cha đã cố gắng gây ấn tượng cho tôi rằng những người làm kinh doanh thì sẽ giàu sang và thành công. Nhưng tôi không đồng ý điều này. Tôi muốn kinh doanh ở những nơi đã từng trải qua quãng thời gian khó khăn. Tôi cảm nhận được điều đó. Nhưng tôi hiểu rằng cảm giác của mình đã bị đặt nhầm chỗ và rằng khi định dạng bản thân với chúng, tôi chỉ nghĩ đến thất bại thay vì thành công, thái độ của tôi đã ra vẻ kẻ cả hơn là chân thành. Những than phiền, tranh chấp cuối cùng cũng khiến tôi trở nên mệt mỏi. Càng cố gắng chống lại điều này, chúng ta càng cảm thấy dường như mình được sinh ra dưới ngôi sao xấu. Nhưng ngoài cung hoàng đạo thì vẫn còn những lý do khác khiến ta thất bại hay thành công, và nghệ thuật kỳ vọng ở một mức độ phù hợp là chìa khóa của vấn đề.
Có một câu nói khá ấn tượng trong sách Job: “Việc tôi sợ hãi đã tìm đến tôi”16. Và tôi đã chứng kiến điều này khá nhiều lần trong đời. Lần nọ, trong nhóm du khách tôi dẫn đi phương Đông có người đã trách móc nặng lời cô tiếp viên quên phục vụ cà phê cho ông ta. “Cô ta lờ tôi đi”, ông nói. “Cô ta phục vụ tất cả mọi người xung quanh, nhưng không đả động gì đến tôi cả. Điều này luôn xảy ra với tôi.” Chưa đủ chắc, trong chuyến bay trở về với tổ bay mới, tiếp viên không những quên phục vụ cà phê cho ông ta mà còn quên mang bữa ăn nữa. Cơn giận bừng lên, ông ta nhấn nút gọi phục vụ. Cô tiếp viên khẩn khoản xin lỗi: “Tôi thật sự xin lỗi, tôi cũng không thể nào hiểu tại sao lại bỏ sót ông?”. “Họ luôn làm thế với tôi”, ông ta la lên. Họ đã làm thế thật. Và cũng đã chứng minh là Job nói đúng.
16 Trích sách Phúc Âm Job 3:25.
Khi đi săn tìm nhà ở miền nam California, chúng tôi được giới thiệu ngôi nhà đang được một người phụ nữ thuê tạm. Cô nói: “Tôi muốn mua một chỗ ở Santa Barbara nhưng người ta nói rằng hệ thống chữa cháy ở đó không có đủ. Tôi sợ cháy cực kỳ nên quyết định không mua. Tôi đến Los Angeles và mua căn nhà trong một hẻm núi. Hai tháng sau khi chuyển đến đó, tôi đã bị bỏng lửa. Anh biết không, đôi khi tôi nghĩ rằng tôi đã mang theo lửa đến ngôi nhà đó”.
Người ta có thể làm được gì khi luôn mong chờ những điều tồi tệ và chính những kỳ vọng như vậy đã mời gọi điều tồi tệ xảy ra.
Chúng ta biết rằng nếu có xu hướng sợ hãi, chúng ta sẽ phải có một xu hướng tin tưởng mạnh hơn nữa. Những kỳ vọng tiêu cực là những quyết định tích cực lạc hướng, nhưng thực ra chúng không đi đâu cả. Bây giờ, cùng quay lại công thức lúc trước: kỳ vọng là vấn đề của cảm xúc, cảm xúc là nô lệ của ý chí, ý chí là kết quả của mong ước và mong ước được dệt nên từ sức mạnh tinh thần.
Nhưng làm thế nào để hiệu quả hay sử dụng phương pháp tâm lý nào để đo lường nó thì tôi không biết. Cha chưa bao giờ nói cho tôi biết điều này. Thực tế thì điều duy nhất ông nói với tôi là: “Tất cả những gì cha kỳ vọng về con là con hãy làm những điều có ý nghĩa cho cuộc đời con”.