Cuộc sống của bạn không cần phải là một chuỗi ngày vô nghĩa hay chìm trong ngục tù cảm xúc nữa.
BÁC SĨ MAXWELL MALTZ
Maxwell Maltz là một trong rất ít chuyên gia được xuất hiện lần thứ hai trong chương trình học của Học viện Thành công. Học kỳ nói về sức mạnh của tư duy này không thể hoàn thiện nếu thiếu ông.
Là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nổi tiếng trên thế giới, trong nhiều năm qua, bác sĩ Maltz đã tiến hành nghiên cứu về những thay đổi trong tính cách của bệnh nhân được ông điều trị sẹo và dị dạng bằng phẫu thuật thẩm mỹ. Trong số họ, nhiều người đã từng mất đi cả lòng tự tôn và kiêu hãnh bởi những khiếm khuyết về ngoại hình, nhưng sau cuộc phẫu thuật, một cuộc đời tươi sáng đã đến với họ, họ trở nên vui vẻ và tự tin. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều người vẫn cảm thấy mặc cảm, thất vọng, và không thân thiện như trước khi phẫu thuật.
Theo Tiến sĩ Maltz, những tổn thương đã ám ảnh trong tâm trí những bệnh nhân này, nên những thay đổi ở ngoại hình cũng trở nên vô nghĩa.
Trong số những nhận định của ông trích từ vài cuốn sách nổi tiếng, trong đó có cuốn Cuộc đời sáng tạo cho hôm nay (Creative Living for Today), những bài học được đúc kết ra nhằm hướng dẫn cho học viên cách giải quyết các tình huống trong cuộc sống hằng ngày một cách sáng suốt, và kiểm soát bản thân để các định kiến không còn chi phối tâm trí họ. Bác sĩ Maltz xem đây là quyển sách có giá trị nhất của ông.
Theo ông: “Thái độ tiêu cực đã ăn sâu vào văn hóa của chúng ta. Hằng ngày, những người bạn quen biết có thể lôi kéo bạn chìm trong những tiêu cực ấy. Chính bạn chứ không ai khác phải ngăn cấm bản thân mình đi theo lối mòn ấy, biết cách tránh xa những cảm giác mặc cảm với bản thân”.
Những suy nghĩ, quan niệm, hình mẫu của bạn là những tài sản quý giá nhất. Hãy lắng nghe chuyên gia hướng dẫn cho bạn cách bảo vệ những điều ấy.
Hình ảnh tự nhận thức về bản thân bạn sẽ thể hiện bạn là ai trong cuộc sống năng động nếu bạn học cách tuyên chiến với những cảm xúc tiêu cực và chiến thắng trên chiến trường tâm trí của mình.
Không còn nghi ngờ gì nữa, tâm trí bạn là một chiến trường, và nếu chiến thắng, bạn sẽ trải nghiệm sự thanh thản trong tâm hồn trong suốt những ngày thỏa nguyện.
Đội bộ binh của bạn, chầm chậm trườn qua những bụi cây để tìm kiếm kẻ thù, bò đi trong đêm tối theo hàng để tìm ra vị trí của bản thân, là nhận thức của bạn về tầm quan trọng tối thượng của tư duy và hình ảnh tinh thần của bạn.
Đội không quân được trang bị những chiếc phản lực tối tân với những chiến thuật xuất sắc là sự thích nghi của bạn với một triết lý năng động, là cách bạn thiết lập mục tiêu, sử dụng cơ chế thành công của bạn. Việc xây dựng đội không quân là hoạt động củng cố hình ảnh tự nhận thức của bạn, bức tranh về chính bạn, quan niệm về giá trị của bạn.
Tuy nhiên, trước khi hải quân của bạn nằm trong tay kẻ thù lớn của bạn, tức là cơ chế thất bại, thì nó không thể đưa toàn lực lượng đi đến chiến thắng. Trước khi tiến lên trong cuộc chiến này, bạn phải tìm hiểu tận gốc cơ chế tự thất thủ và truy nguồn nó từ tâm trí của chính mình.
Bạn có thấy buồn cười khi so sánh suy nghĩ của bạn với một cuộc chiến không? Không nên như vậy. Không nên chút nào. Trong thế giới phức tạp bộn bề này, tâm trí của quá nhiều người đã tràn ngập nỗi buồn phiền. Điều cần làm là tránh xa những cảm xúc phiền muộn này, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí, thay thế những ý nghĩ buồn chán bằng những quan niệm và hình ảnh vui vẻ. Đây thực sự là một cuộc chiến sống còn. Một lần nữa, xin lỗi Woodrow Wilson8 nhé, “hãy để yên cho tâm trí bạn vui vẻ”.
8 Tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ.
Nhiều năm trước, Edward Bulwer-Lytton9 đã từng phát biểu một câu được xem là di sản văn hóa con người: “Sức mạnh của ngòi bút còn hơn cả gươm đao”.
9 Nhà văn kiêm chính trị gia người Anh.
Ngày nay, với sự tiến bộ vượt bậc về nhận thức của con người trong khoảng một thế kỷ gần đây, chúng ta có thể tự tin mà nói rằng sức mạnh của suy nghĩ và hình ảnh của con người còn hơn cả súng đạn.
Vậy, hãy cùng tuyên chiến với những cảm xúc tiêu cực cũng như cơ chế thất bại của chúng ta. Mục tiêu đầu tiên là loại bỏ những quan điểm tiêu cực và sau đó, thay thế chúng bằng sự bình an và hạnh phúc.
Rồi đến các mục tiêu. Lập mục tiêu và sống trọn vẹn.
Những năm sống đầy sáng tạo.
Không sợ hãi.
VƯỢT QUA NỖI SỢ HÃI
Không có mục tiêu còn nguy hiểm hơn là việc thôi miên bản thân bằng những niềm tin sai trái, ngăn chặn cơ chế thành công của bạn.
Bạn là con người chứ không phải thần thánh.
Những mục tiêu nào có ý nghĩa, bạn cần phải làm gì với bản thân trong trường hợp niềm tin kéo bạn chìm vào thất bại? Bạn có thể làm được gì ngoại trừ đắm chìm trong nỗi thất vọng, từ bỏ tất cả mục tiêu, che đi ánh sáng của cuộc đời bạn, chán chường nhốt mình trong phòng tối trong khi những người khác bước ra thế giới bên ngoài và sống vui vẻ?
Trong cuộc sống năng động này, bạn phải tự mình thoát khỏi cơn thôi miên với những niềm tin sai lầm, tiêu cực về bản thân.
Cách nói “thoát khỏi cơn thôi miên” thực sự chưa đủ mạnh bởi còn rất nhiều người có niềm tin không thể lay chuyển được, cần phải nhổ bật đi. Thật ngớ ngẩn, nhưng niềm tin của họ đã gắn chặt vào những phức thể kém hơn được tạo thành bởi những trải nghiệm đầu đời không may hoặc sự chệch hướng thông tin lố bịch.
Kết cục thật đáng buồn.
• Bạn có tin rằng cuộc sống của bạn trống rỗng bởi bạn là một người tự ti, chưa bao giờ làm được việc gì có giá trị cho đời và mãi mãi sẽ chẳng thể làm gì được?
• Bạn có tin rằng bạn nên chịu đau khổ để chuộc lỗi cho những sai lầm của chính mình?
• Bạn có tin rằng cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì với bạn bởi một người bạn yêu quý đã qua đời?
• Bạn có tin rằng cách duy nhất để sống sót ở thời đại nguyên tử này là hằng ngày đều lo lắng về một cuộc diệt chủng bằng bom hạt nhân?
Nếu bạn đã từng có suy nghĩ như trên hoặc tương tự, thì tức là bạn đang có những niềm tin sai lầm. Cứ cho rằng bạn biết đến những bi kịch trên và bạn biết những sai lầm của mình, bạn vẫn cứ đang thôi miên bản thân với những thất bại và ý nghĩ tiêu cực. Tệ hơn nữa, bạn đang hành hạ bản thân với những suy nghĩ ấy. Ngay cả kẻ thù tồi tệ nhất của bạn cũng còn tử tế hơn là sự tự hành hạ ấy.
Hơn sáu mươi lăm năm sống trên thế giới buồn cười này, tôi đã chứng kiến những điều lạ kỳ nhất. Một trong số đó là những người hoàn toàn khách quan trong việc đánh giá các xu hướng chính trị, điều kiện y tế, hay sự biến động của thị trường chứng khoán, hoặc các chi tiết máy móc – hay con người – nhưng lại hoàn toàn mù quáng trước sự phi lý của những niềm tin sai lầm từ bản thân họ. Không chỉ thế, dù chu đáo với người khác, nhưng họ lại có thể tàn nhẫn với bản thân mình.
Tôi đã từng làm phẫu thuật cho rất nhiều người để cải thiện những khiếm khuyết, và nhận thấy rằng, sau ca phẫu thuật, họ thay thế những khiếm khuyết ngoại hình thực sự bằng niềm tin vô lý không thể lay chuyển về sự kém cỏi của mình. Khi những niềm tin tiêu cực đó biến đổi, chúng có cùng cơ chế hướng đến thất bại.
Nhưng niềm tin tiêu cực, sai lầm của bạn về bản thân mình có thật hay không? Niềm tin của Steve thật nực cười, của Betty thật ngu ngốc, còn của bạn thì luôn đúng?
Đó có phải là những gì bạn nghĩ?
Nào, để tôi kể bạn nghe một câu chuyện.
CHIẾN THẮNG “CON BỌ CHÂU PHI”
Nhiều năm về trước, ngay sau khi tôi mở phòng khám để bắt đầu hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, một người đàn ông da đen và cao lớn đến gặp tôi. Anh ta cao vượt hẳn tôi, tới hơn một mét chín, đến để phàn nàn với tôi về môi của anh.
Tôi kiểm tra (tôi sẽ gọi anh ấy là R), môi dưới có trề ra một chút. Ngoài ra, tôi không tìm thấy một sự bất thường nào khác, tôi bảo cho anh ta biết vậy. R nói đó là ý kiến của bạn gái anh ta, chứ không phải ý kiến của anh ta. Cô ấy cảm thấy khi đi cùng anh đến nơi công cộng vì môi anh ta cứ trề ra như vậy.
Anh chàng này quả là một người đàn ông ngọt ngào và tuyệt vời. Tôi thầm nghĩ rằng một người phụ nữ đang yêu sẽ chẳng bao giờ quá khắt khe với người đàn ông của mình như vậy.
Tôi nói điều này với R, nhưng anh ta vẫn muốn tôi phẫu thuật môi cho anh ta. Nghĩ rằng chi phí phẫu thuật quá cao có thể khiến anh ta quên đi cuộc phẫu thuật này, nên tôi thông báo chi phí có thể lên tới một ngàn hai trăm đô-la.
R nói anh không thể cáng đáng được chi phí như vậy, nên đã nói lời chào tạm biệt, cũng không quên cảm ơn và cúi chào tôi một cách lịch sự nhất.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, anh ta quay lại, cầm theo một túi đen nhỏ trên tay. Dốc toàn bộ túi ra bàn, hàng trăm tờ tiền đổ ra. Số tiền trị giá đúng một ngàn hai trăm đô-la, toàn bộ tiền tiết kiệm của anh. R đề nghị tôi một cách nhã nhặn nhất rằng tôi hãy phẫu thuật môi cho anh ta.
Tôi quá sốc, kèm theo một thoáng buồn, bởi vì tôi không muốn cướp đi của anh một khoản tiền mà với anh là rất lớn. Thế là tôi đã thú thật rằng đã nói mức phí cắt cổ ấy ra để anh từ bỏ ý nghĩ phẫu thuật môi không cần thiết.
Câu trả lời của R vẫn là anh muốn tiến hành phẫu thuật, nếu tôi từ chối, anh sẽ đi tìm một bác sĩ khác sẵn lòng làm. Tôi đồng ý phẫu thuật với mức phí thấp hơn với điều kiện anh phải báo cho “cô nàng yêu dấu” của anh rằng chi phí phẫu thuật vẫn là một ngàn hai trăm đô-la.
Cuộc phẫu thuật diễn ra khá đơn giản. Sau khi gây mê cục bộ, tôi cắt bỏ các mô thừa ở vành trong môi, khâu miệng vết thương bằng chỉ cực mịn, và băng bó phần môi bên ngoài để định hình. Cuộc phẫu thuật hoàn thành chỉ trong nửa giờ. Bệnh nhân quay trở lại phòng khám vài lần để theo dõi và thay băng vết thương. Lần cuối cùng tái khám là khoảng một tuần sau đó. Cuộc phẫu thuật hoàn toàn thành công và không để lại vết sẹo nào cả.
R rất hài lòng với đôi môi mới của mình. Anh nắm chặt tay tôi, thể hiện lòng biết ơn một cách nhiệt thành với giọng nói không thể lịch sự hơn nữa. Sau đó, anh bước những bước dài, ngẩng cao đầu rời khỏi phòng khám.
Vài tuần sau, R quay lại, và tôi đã không thể nào nhận ra anh. Cơ thể anh dường như bị co rút lại, đôi tay thõng thượt, giọng nói thều thào:
- Con bọ, thưa ngài, con bọ!
- Con bọ nào?
- Con bọ châu Phi, thưa ngài. Nó đã tấn công và sẽ giết tôi. – Anh đáp.
R kể cho tôi nỗi thống khổ của mình. Sau khi tháo băng, anh đến gặp người yêu. Cô ta khá ấn tượng với đôi môi mới của anh và hỏi chi phí phẫu thuật. Khi anh trả lời là “một ngàn hai trăm đô-la” như tôi đã dặn thì thái độ của cô ta đối với anh hoàn toàn thay đổi. Cô ả nổi điên, cáo buộc anh đã lừa dối ả về số tiền một ngàn hai trăm đô-la đó, rằng đáng lý ra số tiền ấy phải thuộc về cô ta, và nói thẳng là ả chưa bao giờ thực sự yêu anh. Thậm chí, ả còn nguyền rủa anh và bảo rằng anh sẽ chết vì lời nguyền ấy.
Hỗn loạn vô cùng, R đành quay về phòng và nằm bẹp ở đó suốt bốn ngày, không ngừng nghĩ về lời nguyền. Mặc dù anh là người có học, còn lời nguyền và phép thuật chỉ dành cho những kẻ thiếu hiểu biết, tuy nhiên, anh vẫn cho rằng người đàn bà ấy đã bỏ bùa anh ngay từ khi gặp ả. Anh còn mường tượng rằng nếu cô ta bỏ bùa anh và vẫn còn thích anh, thì có lẽ lời nguyền kia sẽ linh ứng, và cái chết sẽ đến với anh như cô ta đã nguyền rủa.
Sau đó, anh rà lưỡi quanh miệng, và khám phá ra điều tệ hại bên trong miệng mình.
Ngay sau đó, bà chủ nhà lo lắng vì anh chỉ nằm trong phòng, không ăn uống gì cả, đã gọi “bác sĩ” cho anh. R đã kể cho vị “bác sĩ” kia về thứ kinh khủng bên trong miệng mình và để “bác sĩ” khám. Vị bác sĩ la lên khi rút ngón tay ra khỏi miệng R: “Trời ơi, nó sẽ giết chết anh mất thôi. Con bọ châu Phi nhầy nhụa đang thọc sâu bên trong miệng anh là do lời nguyền đã ám vào anh đó!”.
Người đàn ông to lớn thở gấp đầy sợ hãi, lấy tay che mặt.
- Ở trong miệng anh à? – Tôi hỏi.
- Đúng vậy, thưa ngài.
Anh ta kể cho tôi nghe vị “bác sĩ” kia đã cố giúp anh tống khứ “con bọ châu Phi” bằng nhiều cách, từ chất lỏng, bột dẻo cho tới chất độc như thế nào, nhưng có vẻ lời nguyền quá mạnh. Không gì có thể hủy diệt “con bọ châu Phi”. Nỗi sợ hãi chiếm cứ tâm trí anh, khiến anh mất ngủ cả đêm.
- Nó thiêu đốt trong môi tôi.
- Môi ư?
- Đúng vậy, thưa ngài, ở bên trong miệng.
- Nãy giờ anh không nói gì về môi cả.
Tôi khám cho anh ta.
- Phải cái này không?
Anh ta gật đầu.
- Tôi có thoát khỏi nó được không vậy? Xin ngài hãy cứu tôi.
Bơm đầy Novocain vào ống, tôi tiêm vào môi anh ta. Sau khi Novocain phát huy tác dụng, tôi gỡ “con bọ châu Phi” ra bằng dao và kẹp chỉ trong vài giây.
Tôi đặt “con bọ châu Phi” vào miếng băng gạc và cho R xem. Nó không lớn hơn một hạt gạo.
- Có thật là nó không, thưa ngài? – Anh ta trông có vẻ không thể tin nổi.
- Đây chỉ là một mẩu mô sẹo được hình thành trong môi của anh ở chỗ tôi tháo chỉ khâu vết thương sau cuộc phẫu thuật.
- Vậy là không có con bọ châu Phi sao?
Tôi mỉm cười.
R đứng dậy. Trong chốc lát, dường như anh đã lấy lại phong độ của mình, nụ cười nở rộng trên môi, giọng nói trở lại tự tin như trước, anh bày tỏ lòng biết ơn với tôi, cũng bằng cách nhã nhặn và cúi đầu chào rồi bước đi như đã từng.
Câu chuyện kết thúc có hậu, R đã gửi thư cho tôi, đính kèm bức ảnh chụp người bạn gái từ thời trẻ, giờ đã là vợ anh, cùng với lòng biết ơn và tái bút vui vẻ: “Những con bọ châu Phi”. Trong hình là một anh chàng ba mươi tuổi, tuổi thật của anh, đẹp trai, mỉm cười bên cạnh một cô gái xinh xắn.
VẬY CON BỌ CHÂU PHI LÀ GÌ?
Câu chuyện là một bài học đạo đức thú vị. Một chàng trai trẻ, tốt bụng, cao lớn, khỏe mạnh, nhã nhặn, đàng hoàng và có lẽ chất phác, nhưng lại bị một niềm tin vô lý ám ảnh.
Nỗi sợ hãi về “con bọ châu Phi” vô lý đến mức có thể khiến bạn bật cười và tự hỏi: “Làm sao điều này có thể xảy ra với mình được cơ chứ?”.
Nhưng tất cả chúng ta đều có “con bọ châu Phi” ấy.
Bạn có lo lắng về một tai họa nào đó chưa từng xảy ra suốt mười lăm năm trở lại đây không? Bạn có đang không ngừng chỉ trích bản thân vì nói quá nhiều, hoặc nói không đủ hay nói chuyện không mạch lạc? Bạn có tự đổ lỗi rằng bản thân mình quá nhạt nhẽo đến nỗi những cuộc trò chuyện mau chóng trở nên nhàm chán và kết thúc không? Vậy là bạn đã gặp “con bọ châu Phi” rồi.
Tiền bạc có phải là vấn đề lo lắng nhất của bạn lúc này? Bạn có như Silas Marner10, kiểm tra tài khoản tiết kiệm, rồi có cảm giác như đang chịu đựng chứng khó tiêu cấp tính mỗi lần rút tiền, lo lắng rằng mỗi đồng tiền đều lãng phí. Vậy thì bạn đã gặp “con bọ châu Phi” rồi.
10 Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của George Eliot.
Tất cả những “con bọ châu Phi” phải bị đưa ra ánh sáng bởi chúng chính là những niềm tin tiêu cực kéo những tính cách tốt đẹp của chúng ta đi xuống. Những ám ảnh kinh tởm làm biến dạng hình ảnh của chính chúng ta, đồng thời cũng dập tắt khát vọng chính đáng về một cuộc sống hạnh phúc. Chúng ta phải chiến đấu không ngừng nghỉ để tiêu diệt chúng.
VƯỢT QUA CƠ CHẾ THẤT BẠI
Thật sự, chúng ta phải chiến đấu trên mọi mặt trận với “cơ chế thất bại”, cái mà tôi gọi là hệ thống tự củng cố những triệu chứng tiêu cực, có thể phá vỡ những bản năng tích cực ẩn tàng trong mỗi con người.
Bởi vì, giống như những xu hướng tích cực nhất định có khả năng lan tỏa nhanh chóng cảm giác hạnh phúc đến cơ chế thành công của con người, những thế lực tiêu cực cũng có thể lan tỏa với tốc độ tảng đá lăn xuống đồi, gây nên hàng loạt phản ứng tiêu cực ở cá nhân đó và có thể dẫn đến thất bại.
Các thành phần tạo nên cơ chế thất bại (failure) bao gồm: Chán nản (Frustration), Gây hấn (Aggressiveness), Bất an (Insecurity), Đơn độc (Loneliness), Bất định (Uncertainty), Thù oán (Resentment), Trống rỗng (Emptiness).
Đây cũng chính là kẻ thù có vũ khí hủy diệt khủng khiếp. Nào, chúng ta cùng lần lượt xem xét mức độ xâm nhập và ảnh hưởng của chúng đến con người như thế nào nhé.
1. Chán nản: Chúng ta thường cảm thấy chán nản khi không đạt mục tiêu quan trọng hay những khao khát đơn giản. Đôi khi người ta cảm thấy chán chường vì bản chất bất toàn và phức tạp của thế giới. Nhưng sự chán nản kinh niên lại là triệu chứng của thất bại. Khi một người bắt gặp mình cứ lặp đi lặp lại một khuôn mẫu chán nản, thì nên đặt câu hỏi tại sao. Có phải mình đặt mục tiêu quá cầu toàn? Liệu mình có tự ngăn chặn mục đích của mình bằng sự dằn vặt bản thân? Mình có thoái lui trước những cảm xúc như một đứa trẻ khi chán nản thì khóc để được thỏa mãn? Cơn giận dữ vì chán nản không thu được kết quả: đứa trẻ có thể nhanh chóng quên đi nỗi buồn bực, nhưng người lớn thì không. Nó sẽ tích tụ ngày càng nhiều và khiến con người trở nên buồn bực nhiều hơn. Tốt hơn là tập trung vào thành công của mình, độ tự tin sẽ tăng lên khi nhìn thấy bản thân mình thành công, và bạn sẽ mạnh dạn tiến bước về phía trước.
2. Gây hấn. Sự chán nản thường dễ khiến người ta dễ gây hấn (nhầm hướng). Gây hấn không có gì sai nếu đúng thời điểm, có thể khiến chúng ta đạt mục đích khi trở nên nóng giận. Tuy nhiên, gây hấn không đúng lúc chắc chắn là triệu chứng của thất bại, nối gót chán nản, góp phần vào vòng lẩn quẩn của thất bại. Điều này thường gắn liền với việc thiết lập những mục tiêu không thích hợp và khó có thể đạt được. Nó khiến con người dễ dàng bùng nổ cơn thịnh nộ, như một con chó lúc hóa dại, hay pháo hoa nổ bung trên trời đêm. Những người này dễ dàng giận cá chém thớt, vô cớ nổi cáu với vợ chồng của mình, quát nạt con cái, xúc phạm bạn bè, phản kháng đồng nghiệp. Tệ hơn, cơn giận dữ có thể tăng lên khi gặp các mối quan hệ vốn dĩ đã xấu sẵn, càng khiến anh ta trở nên tức tối hơn và dẫn đến những hành động mù quáng. Vậy khi nào cái vòng lẩn quẩn kinh khủng này sẽ kết thúc? Câu trả lời không phải loại trừ cơn giận của mình là xong, mà phải biết kiềm chế, tìm cách làm giảm cơn giận để chuyển sang đúng hướng nhằm đạt được những mục tiêu cá nhân, để có sự thỏa mãn. Anh ta phải thấy rằng anh ta cần đạt được thành công vì chính bản thân mình.
3. Bất an. Đây thực sự là một cảm giác khó chịu, là cảm giác thấy thiếu thốn, trống vắng ở bên trong. Khi bạn cảm thấy rằng bạn không thể hoàn thành các thử thách, bạn sẽ có cảm giác bất an. Tuy nhiên, thường là không phải do nội lực bản thân bị thiếu, mà nguyên do nằm ở chỗ bạn đặt ra những tiêu chuẩn quá hoàn hảo. Người bất an thường tài giỏi nhưng lại kỳ vọng quá cao, nên có xu hướng tự dằn vặt và chỉ trích bản thân. Cảm xúc này khiến anh ta đánh mất những tiềm năng thực sự của bản thân.
4. Đơn độc. Tất cả chúng ta đều có lúc thấy cô độc, nhưng ở đây tôi muốn nói đến cảm xúc bị cô lập với những người khác, với chính bản thân mình và với cuộc sống xung quanh. Đây chính là triệu chứng quan trọng của thất bại. Thật sự, đây là một trong những dấu hiệu thất bại hàng đầu trong thế giới hiện đại. Sự cô độc khiến con người chìm trong những nỗi buồn bất tận, nhiều lúc, tưởng chừng như Đấng Tạo Hóa cũng bỏ mặc họ, thật không có gì buồn hơn.
5. Bất định. Là một trong những triệu chứng thất bại, biểu hiện bằng sự thiếu quyết đoán. Người bất định tin rằng nếu anh ta không ra quyết định thì sẽ được an toàn. Anh ta sẽ không bị chỉ trích nếu quyết định sai lầm và nhận hậu quả từ việc đó. Kiểu người này thường tự cho mình hoàn hảo, bởi vậy, anh ta không thể sai. Khi cần phải ra quyết định, anh ta coi nó như một quyết định sinh tử. Nếu quyết định sai lầm, anh ta sẽ phá vỡ hình tượng bản thân. Vì vậy, anh ta thường chần chừ, thay vì quyết định thì lại lãng phí hàng giờ vào việc lo lắng. Khi bắt buộc phải lựa chọn, quyết định của anh ta thường ngớ ngẩn. Người bất định không thể sống trọn vẹn vì sợ liều lĩnh.
6. Thù oán. Đây chỉ là một phản ứng bào chữa của kiểu người thất bại với vị thế của anh ta trong cuộc sống. Không chấp nhận các thất bại do mình gây ra, anh ta tìm người để đổ lỗi cho sai lầm của mình. Anh ta đi khắp nơi tìm các bằng chứng để chứng tỏ cả thế giới lừa dối anh ta, rồi trở nên giận dữ, mà anh ta không nhận ra rằng mình đang tự lừa dối bản thân. Sự oán hận không khiến thất bại dễ chấp nhận hơn, mà trái lại, càng khiến anh ta rơi vào vòng lẩn quẩn của sự chán chường và gây hấn vô cớ. Mang trong mình sự bất bình, anh ta dễ dàng vô cớ nổi giận với người khác, và thường dẫn đến chuỗi các phản ứng giận dữ liên hoàn. Người ta sẽ chán ghét sự không trung thực, từ chối sự khiếm nhã, khinh miệt kiểu than thở của anh ta. Sự giận dữ lâu ngày sẽ dẫn đến sự tự than vãn bởi anh ta luôn nghĩ mình là nạn nhân của mọi bất công trên đời này.
“Ai đó đã trù dập tôi? Ai đó đã âm mưu hãm hại tôi?”. Anh ta càng thương hại bản thân mình, thì sẽ càng mặc cảm và căm ghét bản thân, càng giận dữ với mọi người và thế giới xung quanh. Anh ta không nhận ra rằng sự giận dữ bên trong mới là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Giá mà anh ta nhận ra mình cũng chỉ là diễn viên trong cuộc đời này, mình chịu trách nhiệm cho mục tiêu và biết cách chiến thắng cơn giận dữ, thì anh ta có thể phá vỡ cái vòng lẩn quẩn thất bại. Giá mà anh ta biết tôn trọng bản thân, biết định hình hình ảnh thực sự của bản thân, anh ta có thể phá vỡ thói quen có những suy nghĩ tức tối, một thành tố cơ bản của cơ chế thất bại.
7. Trống rỗng. Bạn có biết ai “thành công” mà lại chán nản, cau có, bất định, bất an, đơn độc và giận dữ không? Hẳn là họ đã thành công mà không cần một công cụ nào cả. Đừng nghĩ rằng đó là “thành công” thật sự nhé! Nhiều người có được dấu hiệu thành công bên ngoài nhưng họ lại cảm thấy trống rỗng bởi cơ chế thất bại khiến họ lúng túng, họ thực sự thiếu khả năng sống một cuộc đời sáng tạo. Họ kiếm được tiền nhưng không biết làm gì với tiền. Cuộc sống quá vô vị với họ. Họ đi đây đi đó, nhưng không nơi nào họ thoát được cảm giác trống rỗng, dù ở New York nhộn nhịp hay Paris tráng lệ, ngay cả sao Hỏa cũng vậy thôi. Họ từ bỏ đấu tranh cho mục tiêu sáng tạo, tránh xa công việc và trách nhiệm. Mỗi buổi sáng thức giấc, nhìn mặt trời, họ không tìm thấy niềm vui tận hưởng ngày mới bắt đầu, thay vào đó là cảm giác lo lắng làm thế nào cho hết ngày. Sự trống rỗng là triệu chứng của một hình ảnh tự nhận thức yếu đuối. Mặc dù có được “thành công”, nhưng kiểu người này luôn cảm thấy như mình đã đánh cắp những thứ mình không xứng đáng nhận được. Anh ta cảm thấy tội lỗi, biến chiến thắng thành thất bại bởi anh ta từ chối khả năng sáng tạo của mình. Cảm giác trống rỗng tượng trưng cho toàn bộ hoạt động của cơ chế thất bại luôn hiện diện của anh ta.
Trên đây là toàn bộ những thành tố của cơ chế thất bại. Bạn sẽ làm gì với chúng? Làm sao để chiến thắng trong cuộc đại chiến này?
VƯỢT LÊN THẤT BẠI
Để chiến thắng kẻ thù, cơ chế thất bại, đầu tiên bạn phải nhìn thấu được những gì bên dưới lớp ngụy trang. Những suy nghĩ có vẻ hợp lý đã che đậy chức năng của nó. Đừng biến mình thành kẻ ngốc, nếu không bạn sẽ thua trong cuộc chiến tuyệt vời để tồn tại như một con người thực thụ này.
Bạn phải cho toàn bộ pháo binh cảm xúc khai hỏa nhắm vào những niềm tin sai lầm về bản thân cho đến khi san phẳng chúng thành bình địa. Bạn phải biết kiềm chế sự chán nản, gây hấn và thù oán, tìm cách vượt qua cảm giác cô đơn và trống rỗng.
Đồng thời, một lần nữa, hãy để tôi nói rõ: Hành động thất bại không phải là một phần của cơ chế thất bại. Đấy là hành vi đơn giản cho thấy bạn là người phàm thôi.
Tôi có thể cam đoan: Nếu bạn chưa từng thất bại, thì chắc chắn bạn chưa thật sự nỗ lực hết mình.
Hoặc như lời triết gia La Mã Seneca, “Nếu ngươi là con người, hãy ngưỡng mộ những người đã nỗ lực làm những điều vĩ đại, ngay cả khi họ thất bại”.
Thomas Edison là một người thất bại ư? Tất nhiên là không. Thật lố bịch khi nghĩ vậy. Nhưng đã có hàng tá thí nghiệm của nhà sáng chế vĩ đại này từng thất bại. Edison đã học hỏi từ thất bại và đi đến thành công.
Những phát minh thường ra đời từ sai sót, và sẽ không có sáng tạo nào mà không trải qua những lần thí nghiệm thất bại.
Sau đây là một trong những bài học chính mà tôi đã học được từ cuộc đời: Những lỗi lầm, sai trái trong đánh giá và trong thực tiễn là không thể tránh khỏi, trừ khi bạn sống một cách thờ ơ, và thậm chí nếu vậy, chính sự trì trệ đó cũng sẽ khiến bạn mắc sai lầm. Bí mật của cuộc sống thành công là vượt lên những thất bại để vươn đến những khoảnh khắc tốt đẹp. Đây là nguyên tắc chính, quên đi sai lầm, ngừng đau buồn vì chúng, vì nhân vô thập toàn. Sau đó, hãy xoa dịu cảm giác tội lỗi, bạn sẽ có thể bước ra thế giới một cách kiên cường, sẽ nhìn bản thân mình ở tình trạng tốt nhất, thiết lập các mục tiêu, đưa vào trò chơi cuộc đời những bản năng thành công của bạn.
Nguyên tắc này đặc biệt có thể áp dụng khi bạn thử những điều mới mẻ. Vì khi chấp nhận thử nghiệm, bạn sẽ buộc bản thân phải sai lầm. Đừng bao giờ chối bỏ sai lầm, hãy thoải mái thừa nhận chúng. Nhưng hãy học cách hạn chế sai lầm đến mức tối đa. Hãy khoan dung với bản thân như cách bạn đối xử với một người bạn, nếu không bạn sẽ phải điều tiết những cuộc thử nghiệm đó.
Sau đó, bạn sẽ có thể tăng cường tiềm năng thực sự của bản thân.
• Mỗi ngày đều kiểm tra những niềm tin tiêu cực làm bạn chán chường.
• Bạn có nghĩ mình ngốc nghếch?
• Bạn có bị ám ảnh bởi cảm giác rằng mình xấu xí?
• Hay bạn hành hạ bản thân với suy nghĩ rằng mình yếu đuối?
• Không nam tính?
• Hoặc không nữ tính?
• Không xứng đáng nhận được điều tốt đẹp?
Trên đây là một vài kiểu tự tra tấn bản thân.
Tôi không biết những niềm tin tiêu cực nào đang đục khoét bạn, nhưng bạn phải tìm ra chúng vì chính bản thân mình.
Bài tập của bạn là: Hãy suy nghĩ về những tư duy tự hủy hoại bản thân kiểu này, và xem liệu chúng ta có như vậy không, bởi vì tôi đảm bảo là cách suy nghĩ của bạn sẽ bất hợp lý.
Trong lịch sử, những suy nghĩ vô lý có thể xoa dịu cơn cáu giận. Đã từng có những thầy lang, nhà giả kim, những cuộc đổ xô đi tìm vàng, những căn nhà bị ám, những cuộc thám hiểu đi tìm “suối nguồn tươi trẻ”, chưa kể những cuộc chiến tàn khốc và đẫm máu trong lịch sử. Trong nhiều năm, người ta từng tin có những người phụ nữ là “phù thủy”.
“Phù thủy” đã từng bị thiêu sống ở châu Âu. Nữ anh hùng nước Pháp Joan of Arc bị hành hình vì tội làm “phù thủy”. Và tại nước Mỹ, đã từng có một thời kỳ đen tối ở Salem, khi đó, nhiều “phù thủy” bị đem đi xử tử.
Thật đáng buồn khi nói rằng, ngày nay, nhiều người trong số chúng ta đối xử với bản thân như thể chúng ta là “phù thủy”.
Khi xem xét những lời buộc tội chống lại bản thân mình, hãy xem bạn có thể không bất công được không nhé.
Nếu bạn đối xử với bản thân mình như một “kẻ ngốc”, thì điều gì khiến bạn buộc tội như vậy? Giả sử bạn không khôn ngoan, có lẽ nhiều lần đi nữa, thì có phải là bạn chưa bao giờ khôn ngoan? Bạn chưa bao giờ sắc bén ư? Hay chưa bao giờ thông minh? Vậy thì sự tự chỉ trích của bạn về cơ bản là tự gây ra tổn thương cho mình thôi. Điều tệ hại nữa là bạn sẽ cảm thấy bạn chẳng có quyền hạn gì cả, và bạn tin vào việc lừa bịp bản thân mình.
Nào, hãy nhớ lại câu chuyện về “con bọ châu Phi”. Hẳn phải có một cái mầm thực tế trong đó, như việc trong miệng anh chàng R có một mô sẹo. Nhưng có phải bạn muốn biến chúng thành những lời cáo buộc gây hủy hoại như vậy không? Không, như vậy thì vô lý quá.
Con người vẫn là con người. Kẻ mạnh thường yếu đuối, và người yếu đuối thường mạnh mẽ.
• Một số người có chỉ số thông minh (IQ) từ thấp tới trung bình có những lẽ thường hiếm hoi.
• Một số người phụ nữ giản dị là những người bạn tận tâm – và có thể trông rất xinh đẹp.
• Một số người có khuyết tật thể chất lại giàu lòng trắc ẩn nhất.
• Một số người có cảm xúc không ổn định lại cực kỳ thông minh.
Các nhà tâm lý học nhận thấy những người trưởng thành mắc tật nói lắp thường nói chuyện trôi chảy với trẻ con.
Những tên tội phạm có thể trở thành thành viên có trách nhiệm với xã hội nếu được giúp đỡ.
Chỉ có màu xám, không có màu vừa đen vừa trắng. Nhưng bạn nên làm gì với bản thân khi có những niềm tin tiêu cực? Bạn biến bản thân thành cái ác, miệt thị và tiêu cực.
Ai cũng trải qua thất bại. Joe Louis nhiều năm đã giữ vững ngôi vô địch boxing hạng nặng. Trong suốt thời hoàng kim của mình, anh dường như bất khả chiến bại, là một biểu tượng của sức mạnh.
Tuy nhiên, lần đầu tiên chơi boxing, Louis đã rất vụng về và lúng túng. Anh bị các đối thủ nghiệp dư không tiếng tăm đánh bại nhiều lần. Anh cũng đã từng bị đấm gục chín lần trong một trận đấu nghiệp dư.
Nào, bây giờ hãy xem xét lại các niềm tin tiêu cực của bạn và tiến hành loại bỏ chúng dần dần. Nếu không thể thì ít nhất cũng duy trì ở một mức độ hợp lý để có thể sống chung với chúng.
Giờ hãy sang bước tiếp theo, tái hiện lại một thành công mà bạn cảm thấy tự hào.
Hãy nghĩ về nó, nhìn nó, ngửi nó, cảm nhận nó, bắt giữ hình ảnh thành công và lưu lại trong tâm trí.
Khi những suy nghĩ chỉ trích tấn công, hãy đá bay chúng ra khỏi đầu và quay lại với thước phim màu rực rỡ về hình ảnh tự thân của bạn ấy.
Hãy tự nhủ rằng: “Tôi sẽ tập trung vào niềm tin về thành công của tôi trong quá khứ, chứ không phải thất bại. Tôi xứng đáng với những điều tốt đẹp trong đời. Tôi là người lèo lái cuộc đời tôi. Và tôi sẽ điều khiển tâm trí mình đi đến mục tiêu hiệu quả”.
NGƯỜI DẪN ĐẦU CỦA BẠN
Hãy để hình mẫu tự nhìn nhận của bạn trở thành người dẫn đầu cho trái tim, lý trí và tâm hồn bạn. Mỗi ngày, hãy kích hoạt lại những bản năng thành công cho đến khi thói quen thành công trở thành một phần con người bạn, cho đến khi nó thôi miên bạn – bởi vì rồi nó sẽ trở thành thói quen của bạn.
Làm việc chăm chỉ để đẩy xa những niềm tin tiêu cực, tiêu diệt hạt giống cô đơn. Làm việc chăm chỉ quả thật không dễ, nhưng bạn sẽ làm được, đúng không?
Chiến tranh thật khủng khiếp. Và nếu tâm trí bạn chìm sâu vào những suy nghĩ tiêu cực, bạn sẽ phải đấu tranh quyết liệt để giành chiến thắng. Nhưng đó là một trận chiến đáng để thắng.
Vì vậy, bạn hãy sống tích cực, nhiều niềm vui.
Hãy cười to, ca hát và rảo bước trên phố một cách tự hào giữa ban ngày.
Hãy để hình mẫu tự nhận thức mạnh mẽ truyền cảm hứng cho bạn bước tiếp những bước quan trọng trong đời.
Niềm tin, chính niềm tin vào bản thân bạn, là người tiên phong dẫn đầu tất cả.