Bạn là người vô cùng quý giá, thú vị và quan trọng mặc dù hoàn cảnh hiện tại của bạn có thể mang đến cho bạn một cảm giác khác.
JAMES W. NEWMAN
“Việc duy nhất trong thế giới này bạn có thể kiểm soát là điều bạn đang nghĩ và cảm giác của bạn trong thời điểm hiện tại – chỉ vậy là đủ! Đó là tất cả những gì bạn cần để có thể kiểm soát.”
Những lời đó là từ ngòi bút của James W. Newman, người đã tổ chức những buổi hội thảo PACE (Personal and Company Effectiveness - Hiệu quả cho cá nhân và công ty) ảnh hưởng sâu sắc và tích cực đến hàng trăm ngàn người muốn thành công ở mọi lứa tuổi, từ nhiều quốc gia.
Trong cuốn sách bán chạy nhất của mình, Hãy thả phanh ra! (Release Your Brakes!), mà bài học này trích ra từ đó, thành viên đa tài này của khoa chúng tôi đã sử dụng một phép loại suy mà tất cả chúng ta có thể hiểu được:
Bạn đã từng lái xe với hệ thống phanh luôn hoạt động chưa? Tôi cho rằng hầu hết chúng ta đã lái xe trong một thời gian dài đều có kinh nghiệm về việc này. Tôi có thể nhớ có những lần khi tôi lái xe đến nơi, đang vươn tay kéo thắng xe để đậu xe thì phát hiện thắng xe đã hoạt động trong suốt thời gian tôi lái xe. Thật là một cách lái xe buồn cười!
Tuy nhiên, vì không nhận ra nó – hay không có ý định làm như vậy – bạn đang đi suốt cuộc đời với cái phanh cứ nhấp nhả. Mã lực vẫn vậy, nhưng phần lớn tiềm năng đã bị chặn, bị kìm nén, bị hạn chế, không được áp dụng hiệu quả.
Bạn nghĩ gì về bản thân minh? Bạn có thích con người bạn như hiện tại? Như bạn có thể thấy, chúng tôi vẫn đang đối phó với tâm trí và suy nghĩ của bạn.
Nếu lòng tự trọng của bạn, hình ảnh mà bạn thấy về bản thân mình, đang ở mức thấp trên thang đo, thì bạn chắc chắn đang lái với hệ thống phanh hoạt động, và điều đó tuyệt đối không được phép trong ngôi trường này.
Bạn cảm nhận thế nào về sự xứng đáng và tầm quan trọng của bạn với tư cách một con người? Cảm giác đó – mức độ tự trọng của bạn – là một trong những cấu trúc thái độ cơ bản và quan trọng nhất trong hệ thống “THỰC TẾ” của bạn. Lòng tự trọng cao hầu như là một mẫu số chung phổ quát của sự xuất sắc – một cơ chế giải phóng, cho phép tiềm năng của bạn lưu thông dễ dàng và tự do.
Bạn đã phát triển một mô hình của “sự thật” về giá trị của bạn như một phần của hình ảnh tự nhận thức và bạn có xu hướng cư xử nhất quán với thái độ đó. Lòng tự trọng của bạn bắt đầu phát triển trong những năm đầu đời. Khi còn rất nhỏ, bạn đã nhận được rất nhiều lời nhắn nhủ và các tín hiệu từ cha mẹ và các chuyên gia khác về loại người bạn sẽ trở thành. Vài tín hiệu trong số đó rất tích cực, đầy yêu thương, khích lệ và cổ vũ. “Mẹ yêu con.” “Con là một đứa trẻ tuyệt vời!” “Ba vui mừng vì con là một phần của gia đình.”
Một vài lời nhắn nhủ từ những người rất quan trọng trong thời niên thiếu của bạn có thể không quá tích cực. “Nhấc cái chân con lên, đồ vụng về!” “Con làm chuyện ngớ ngẩn này vì cái gì?”
Nhưng, đây mới là điều quan trọng. Không phải kiểu thông điệp bạn nhận được, mà việc bạn làm gì với những thông điệp ấy mới đáng kể. Hãy quan sát thật cẩn thận. Không phải những gì người khác, các “chuyên gia”, những nhân vật có quyền lực nói với bạn quan trọng, mà gần như những gì bạn đang suy nghĩ và cảm thấy ở bản thân mình về cái mà bạn đang tri nhận mới quan trọng. Đó là những gì đã xây dựng nên mức độ tự trọng của bạn. Cảm giác của riêng bạn về sự xứng đáng đã khởi phát vào những năm đầu đời đó với quá trình lập trình của chính bạn; bạn đã, đang xây dựng và sửa đổi nó kể từ khi có những suy nghĩ và cảm xúc ở cấp độ nhận thức về bản thân bạn. Mức độ tự trọng hiện thời của bạn là kết quả tích lũy từ những khó khăn mang tính tích cực và tiêu cực mà suy nghĩ và cảm xúc của bạn đã gửi gắm vào từ khi bạn được sinh ra.
Lòng tự trọng là vấn đề về mức độ. Bạn không thể có nó hay không có nó. Bạn đang ở đâu đó trên một thang đo từ rất tiêu cực đến rất tích cực – từ tự trọng ít đến nhiều. Người vượt trội hơn người khác, hiệu suất làm việc cao có xu hướng hầu như luôn hướng đến điểm cao nhất của thang đo – hầu như luôn cảm thấy rất thực tế, trung thực, có cảm giác tích cực về sự xứng đáng và giá trị cá nhân.
Còn người ở điểm thấp nhất của thang đo sẽ tin rằng bản thân là vô giá trị, không quan trọng, không được yêu thích. Anh ta không chắc chắn về năng lực của mình, luôn muốn ở gần nhà để làm những thứ quen thuộc và dễ dàng. Anh ta “biết” không có nhiều cơ hội để làm điều gì quá hữu ích, thật không thoải mái khi đưa ra một lời khen, cảm thấy ít kiểm soát tương lai của mình, và chắc chắn mọi việc sẽ tồi tệ hơn trong tương lai. Thật không may, rất nhiều người trên thế giới này đang sống với kiểu tự nhận thức về bản thân mình là những người như vậy một cách thành thực, cảm nhận sâu sắc về bản thân mình theo cách đó. Nó có thể tiêu cực, nhưng với nhiều người thì “mọi chuyện là thế”. Thật dễ thấy dạng “THỰC TẾ” đó kìm hãm hiệu quả của người đó như thế nào.
Khi bạn ngẫm nghĩ về việc phải cảm thấy như thế nào khi có lòng tự trọng ở mức thấp, hãy nghĩ về các kiểu thông điệp hay tín hiệu mà một người có thể nhận được từ môi trường xung quanh, từ những người quan trọng khác, vốn có thể khơi dậy những suy nghĩ và cảm xúc ở mức độ ý thức. Mức độ này khi được tích lũy sẽ phát triển thành loại hồ sơ tự nhận thức về bản thân – các kiểu độc thoại nội tâm hay các quá trình suy nghĩ bên trong sẽ xây dựng nên một “THỰC TẾ” tiêu cực như thế về bản thân.
Bây giờ chuyển sang một mức độ tự trọng tích cực hơn. Một người ở đầu cao của thang đo này cảm nhận sâu sắc, chân thật từ bên trong về bản thân mình như thế nào? Quý giá. Quan trọng. Xứng đáng được tôn trọng và quan tâm. Có thể tác động đến người khác. Người có lòng tự trọng cao thích những nhiệm vụ mới mẻ và đầy thách thức, luôn mong đợi mọi thứ sẽ tiến triển tốt trong tương lai.
Lưu ý rằng tự trọng hoàn toàn không giống tự tin. Bạn có thể rất tự tin trong một lĩnh vực cụ thể, hoặc một hoạt động cụ thể, dù mức độ tự trọng của bạn nhìn chung là khá thấp. Mặt khác, một người có thể có một mức độ tự trọng rất cao mà vẫn thiếu tự tin trong các lĩnh vực cụ thể như hùng biện hay vẽ vời. Sự tự tin tập trung vào một kỹ năng hay kiểu tình huống cụ thể. Còn tự trọng là một cảm giác sâu sắc hơn về bản thân, về giá trị của bạn với tư cách một người.
Nếu bạn có một lòng tự trọng vững chắc, nhiều khả năng là bạn sẽ ngày càng tự tin vào khả năng của mình để xử lý các kỹ năng và hoàn cảnh khác nhau.
Ngay bây giờ, bạn đang ở đâu đó trên thang đo lòng tự trọng từ 0 đến 100 – từ tiêu cực đến tích cực. Hãy tự đòi hỏi mình một lúc nào đó có thể có ích, xứng đáng, đáng khao khát để leo những nấc thang cao hơn – đi về phía một cách đánh giá chính xác hơn, giá trị hơn, trung thực hơn về giá trị và ý nghĩa thực sự của bạn. Sau đây là một vài cách để làm điều đó.
Đầu tiên, đơn giản là ứng dụng thực tế sự tưởng tượng có tính xây dựng. Xây dựng một khẳng định tích cực về giá trị của mình và đưa nó vào danh sách các hình ảnh mà bạn đang củng cố mỗi ngày. Định nghĩa chính xác lòng tự trọng có ý nghĩa gì đối với bạn; sau đó chuyển nó thành một lời khẳng định. Ví dụ: “Tôi thích và trân trọng bản thân mình. Tôi là một người xứng đáng và có giá trị”. Khi khẳng định như vậy đó, hãy tự mình trải nghiệm – trong tưởng tượng – cảm giác như thế nào trong một tình huống thật, khi biết rằng bạn đáng giá, có giá trị và quan trọng. Tình huống có thể là một cuộc họp, một bữa tiệc, chuyến đi chơi với gia đình, hay cuộc phỏng vấn bán hàng.
Bạn có thể trải nghiệm lại một sự kiện mà khi đó bạn cảm thấy bản thân rất tuyệt, củng cố thêm kinh nghiệm tích cực đó. Hoặc nghĩ về một tình huống mà trong đó bạn cảm thấy cách bạn xử lý mọi thứ thật tồi tệ và làm sống lại nó trong trí tưởng tượng của bạn ở mức độ tích cực hơn. Hãy xử lý toàn cảnh thật tốt, và khiến bạn nghĩ tốt về bản thân mình. Hãy cảm nhận sự ấm áp, vui tươi của niềm tự hào và sự hài lòng.
Một cách khác để tiến lên trên nấc thang tự trọng là dành thêm một ít thời gian cho thành công – những điều bạn cảm thấy tốt về những việc đã làm – và ít tốn thời gian để đắm mình trong các lỗi lầm và thất bại. Khi bạn làm một việc tốt, hãy cảm nhận về chuyện đó! Khi mọi thứ trở nên tồi tệ (sẽ có lúc như thế), hãy tránh xa sự cám dỗ đắm chìm vào lỗi lầm hay thất bại đó. Có sự khác biệt rất lớn giữa đã thất bại và đang thất bại – có rất nhiều khác biệt giữa việc đã làm điều gì đó tồi tệ và việc đang làm điều gì đó tồi tệ!
“LẦN TỚI”
Khi có điều gì tồi tệ diễn ra, hãy nhận thức về nó – thừa nhận lỗi lầm – sau đó chuyển sang nghĩ xem bạn sẽ xử lý tình huống như thế nào nếu có lúc việc đó xảy ra lần nữa. Tôi không có ý nói rằng sẽ tốt hơn nếu lờ đi lỗi lầm hay thất bại của bạn. Chắc chắn thỉnh thoảng bạn sẽ vấp chân hoặc làm điều gì đó không hiệu quả. Sẽ có lúc bạn chốt đơn hàng hoặc làm gì đó không đúng quy trình kỹ thuật. Bạn có thể nói điều gì mà thật ra bạn không muốn với con hay vợ/chồng bạn. Khi đã lỡ làm vậy, bạn sẽ đứng trước lựa chọn: Đắm chìm trong lỗi lầm, cảm thấy khó chịu, để những lời tự trách móc kiểu như “Ôi trời, sao mình ngu ngốc thế này?” Hoặc “Sao lúc nào mình cũng vậy, mình bị gì vậy chứ?” làm giảm bớt mức độ tự trọng của bạn. Hoặc, bạn có thể dùng chính các sai lầm đó để làm tốt hơn trong tương lai. Thay vì chìm đắm trong những lời trách móc bản thân, hãy nhìn vào tình hình cụ thể và nghĩ rằng: “Chà, đúng là việc đó mình làm không tốt, lần tới mình sẽ xử lý nó theo một cách khác”. Hãy chạy thử hệ thống trước để nếu sự việc đó có xảy ra một lần nữa, thì bạn đã sẵn sàng để xử lý nó một cách hữu ích hơn, hiệu quả hơn.
Khi bạn bị xúi giục gắn lên mình cái mác tiêu cực về bản thân, thì vẫn còn một cụm từ hữu ích khác có thể giúp bạn nhớ đến thực tế rằng bạn đang thay đổi liên tục.
“CHO ĐẾN GIỜ”
Thay vì nói, “Tôi không thể nói chuyện!”, thì nên đổi thành một câu chính xác và hữu ích hơn: “Cho đến giờ, tôi thấy thật không dễ để nói chuyện với đông người”. Bạn thay đổi liên tục, không có lý do gì để trong tương lai bạn phải giống hệt quá khứ.
Hãy để những suy nghĩ và cảm xúc của bạn về bản thân đi theo hướng tích cực, nhất là thời khắc trước khi chìm vào giấc ngủ mỗi đêm.
Tôi nghĩ thật đáng buồn khi hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người cứ nằm chong mắt trên giường suốt ba mươi phút, một tiếng mỗi đêm để ngẫm nghĩ lại tất cả những điều họ đã làm sai suốt ngày hôm đó, bởi vì đảm bảo là gần như họ sẽ lặp lại đúng những sai lầm như vậy nhiều lần nữa.
Thời khắc trước khi ngủ thiếp đi là một khoảng thời gian đặc biệt. Hãy chắc chắn rằng bạn đang hướng suy nghĩ về những điều bạn cảm thấy mình đã làm tốt, hay những hoạt động mà bạn đang trông đợi trong tương lai.
Dưới đây là một cách khác để bạn có thể củng cố, phát triển, nâng cao mức độ tự trọng của mình. Bạn có thể xây dựng những cảm xúc riêng của bạn về giá trị, năng suất và tầm quan trọng bằng cách củng cố và tăng cường lòng tự trọng của phức thể mà bạn là một phần. Hãy suy nghĩ về gia đình, công ty nơi bạn làm việc hay những hội nhóm mà bạn tham gia. Mỗi thành viên trong nhóm có một số cảm xúc về giá trị hay tầm quan trọng của phức thể đó, và khi gom tất cả những thái độ đó lại với nhau, bạn có thái độ của một nhóm: “Chúng ta cảm thấy thế nào về mình”.
Gia đình bạn có một mức độ tự trọng. Người mẹ có một số cảm xúc về gia đình, người cha, Judy, Mary, Johnny – mỗi thành viên của gia đình – cũng đều có những cảm xúc nào đó về “gia đình chúng ta”. Nếu may mắn, bạn là thành viên của một gia đình có mức độ tự trọng cao, nơi mà thái độ phổ biến là: “Nhà mình quá tuyệt vời!” hay “Mình tự hào và hạnh phúc là một thành viên của gia đình thế này. Mình cảm thấy tiếc cho những ai không phải là một phần của gia đình giống như mình. Chúng ta yêu thương nhau, làm việc cùng nhau và trò chuyện với nhau”. Bất cứ tiềm năng nào tồn tại trong gia đình đó chắc chắn sẽ phát triển một cách dễ dàng và tự nhiên.
Nhưng thật không may, chúng ta thường xuyên bắt gặp những gia đình mà thái độ phổ biến là: “Làm sao để rũ bỏ được cái nhà này đây?”. Điều đó chắc chắn đã nói lên mức độ tự trọng trong cá tính của nhóm, bất cứ tiềm năng nào tồn tại trong nhóm đó chắc chắn đã bị khóa chặt. Hệ thống phanh đã hoạt động!
Hãy nghĩ đến điều này khi nó áp dụng cho một công ty. Mức độ tự trọng của nhóm bạn thuộc về đang ở nơi nào đó trên thang đo từ thấp đến cao. Nếu nó đang ở mức thấp, có thể nó sẽ là lợi thế của bạn, hãy tìm cách nâng nó lên cao. Hãy nghĩ xem. Bạn có thấy rằng giúp cho nhóm của mình cảm thấy tốt hơn về bản thân nhóm là điều có lợi cho cá nhân bạn và tập thể không? Có ít nhất hai cách quan trọng mà trong đó nó sẽ là có lợi cho bạn. Trước hết, bạn sẽ dễ dàng đạt được những mục tiêu riêng hơn nếu các nhóm mà bạn đang sống và làm việc hoạt động một cách hiệu quả. Thứ hai, khi biết rằng mình là một phần của một đội chiến thắng, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn về bản thân mình và điều đó giúp bạn giải phóng các năng lực riêng.
Điều gì xảy ra khi một cầu thủ được mua bán, trao đổi với các đội bóng hàng đầu ở một giải đấu? Cho dù đó là trong bóng chày, khúc côn cầu, bóng rổ hay bóng đá, khi cầu thủ mặc đồng phục của đội vô địch, thành tích của anh ta sẽ được cải thiện. Chỉ cần biết rằng anh ta đủ giỏi để có được trao đổi với các đội bóng hàng đầu cũng khiến anh ta tiến xa hơn, chơi tốt hơn. Đồng phục mới không thay đổi tiềm năng, mà nó khơi dậy chuỗi suy nghĩ và cảm nhận khiến anh ta thả phanh ra!
Hãy xem xét kỹ hơn ý kiến này – một lần nữa từ quan điểm ích kỷ riêng cá nhân bạn. Xem liệu bạn có thể thu lợi bằng cách bỏ ra một ít thời gian củng cố những cảm xúc tích cực về nhóm của mình. Hãy tìm cách áp dụng điều này cho gia đình bạn, đội bóng bowling của bạn, công ty bạn, phòng ban bạn, hiệp hội thương mại, hội đạo, cộng đồng và đất nước bạn. Bất cứ điều gì bạn có thể làm, nói, bày tỏ để củng cố cảm xúc trong nhóm sẽ giúp nhóm này hoạt động tốt hơn, đạt được mục tiêu dễ dàng hơn và giúp bạn đi đến bất cứ đâu bạn muốn nhanh hơn nhiều.
Đã bao lâu rồi kể từ khi bạn ngồi vào bàn ăn tối và nói với gia đình: “Con rất tự hào là thành viên của gia đình mình. Chúng ta thực sự là tuyệt vời!”. Đừng nói điều đó nếu bạn không cảm thấy như vậy về gia đình, còn nếu đúng vậy tại sao lại không thể hiện ra? Bạn có thể cảm thấy có chút không thoải mái khi lần đầu nói như vậy. Đó là do thói quen không bày tỏ cảm xúc từ nhỏ, nhưng hãy cứ tiến tới và buông lỏng thắng của bạn ra. Khi bạn có cảm xúc tích cực về nhóm của mình, hãy nói ra điều đó! Bạn sẽ thích thú với kết quả nhận được.
Khi một nhóm làm điều tệ hại, hãy sử dụng LẦN TỚI để tránh chìm đắm trong sai lầm. Khi những người khác trong nhóm rơi vào cái bẫy này, hãy nhẹ nhàng bước đến với một câu hỏi: “Chúng ta có thể xử lý tình huống giống như vậy tốt hơn trong tương lai không?”.
Các quốc gia cũng có mức độ tự trọng và nó luôn thay đổi, giống như mức độ tự trọng của cá nhân. Những trang lịch sử sẽ phơi bày một vài ví dụ ấn tượng về sự thăng trầm của lòng tự trọng ở nhiều quốc gia khác nhau, và mối quan hệ giữa việc một đất nước cảm thấy như thế nào về chính nó và khả năng sử dụng bất kỳ tiềm năng nào mà nó sở hữu. Anh Quốc, Nga, Đức, Israel, Nhật, Mexico – khi nghĩ về những đất nước này, bạn có thấy mức độ tự trọng của mỗi quốc gia luôn thay đổi, và điều đó ảnh hưởng thế nào đến sự tiến bộ, năng suất, hiệu quả của những công dân của đất nước đó không?
Bây giờ hãy xem liệu bạn có thể giúp người khác củng cố cảm xúc tự trọng của họ như thế nào. Điều này có thể là cách hữu hiệu và vui vẻ nhất để xây dựng nên những cảm xúc của riêng bạn về giá trị và sự đáng giá. Một trong những nét riêng biệt thú vị của cơ chế này là bạn cho đi càng nhiều, thì bạn nhận lại càng nhiều! Vì vậy, một trong những cách để xây dựng mức độ tự trọng của bạn là giúp đỡ những người khác xây dựng và củng cố mực độ tự trọng của riêng họ. Và, thêm một phần thưởng có lợi trong quá trình này nữa. Bằng cách cung cấp những cơ hội để củng cố cảm xúc tích cực của người khác về bản thân họ, bạn đang làm giàu môi trường của chính mình.
Hãy dừng một chút và nghĩ về một tá người quan trọng nhất trong thế giới của bạn – những người bạn đang sống cùng, làm việc cùng, thường xuyên có sự tiếp xúc ở một mức độ xã hội. Ai là mười hai người quan trọng nhất, ý nghĩa nhất trong thế giới của bạn? Có thể là vợ/chồng, con cái của bạn, những người đồng nghiệp thân thiết, bạn thân hay hàng xóm. Hãy nghĩ về những người đó một chút và tự đặt ra câu hỏi này: “Nếu những con người đó, trong tháng tới, thực sự, chân thành, cực kỳ thích bản thân họ tốt hơn, thì điều đó có ý nghĩa gì với tôi?”. Điều đó sẽ có ý nghĩa gì với bạn? Nó sẽ có lợi, hay có hại?
Thay vì làm việc (hay sống) với những người bảo thủ, lãnh đạm, hay “đổ trách nhiệm cho người khác”, bạn sẽ có mối quan hệ cởi mở, trung thực, tin cậy với những mục tiêu có qua có lại và giao tiếp trực tiếp hơn. Hãy lập ra một dự án cho bản thân bạn vào tháng tới. Hãy chọn ra những người mà bạn thường xuyên tiếp xúc, và quyết định rằng bạn sẽ làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ những người đó cảm thấy tốt hơn về bản thân một cách chân thành, trung thực.
Bạn sẽ làm điều đó thế nào? Bằng cách dành ra chút thời gian và nỗ lực đẩy những người đó lên, bớt đi lượng thời gian và nỗ lực để dìm họ xuống. Hãy xem điều gì xảy ra nếu bạn củng cố cảm xúc tốt đẹp của họ về người khác, thay vì làm cho họ yếu đi.
Hãy tỉnh táo trước những cảm xúc tích cực bạn có về người khác. Hãy ý thức về điều đang diễn ra bên trong bạn và khi bạn cảm thấy ngưỡng mộ, yêu mến hoặc nồng nhiệt với người khác, hãy tiến lên và biểu đạt cảm giác đó. Bạn sẽ thấy vui thích với kết quả đạt được Khi dành thời gian để đưa người khác lên và không phí nhiều thời gian hơn để dìm người khác xuống, bạn không chỉ đang củng cố môi trường của mình, mà cũng nhận ra bạn đang yêu bản thân mình hơn. Bạn sẽ xây dựng cảm xúc về lòng tự trọng của bạn khi phát triển khả năng tăng cường các phẩm chất tích cực cho những người khác.
Khi đương đầu với người khác, bạn luôn thực hiện được một thỏa thuận tốt hơn nếu biết cách tán dương những phẩm chất mà bạn thích, hơn là phê bình những phẩm chất mà bạn muốn chỉ trích. Hãy tưởng tượng một cặp vợ chồng đang ngồi trong một nhà hàng. Người chồng hỏi vợ: “Em thực sự sẽ không ăn miếng bánh kem chuối đó phải không?”. Câu hỏi (và giọng nói đi kèm) có tác động củng cố, nhưng chắc chắn không phải theo hướng mà người hỏi đã định trước! Việc thu hút sự chú ý vào hành vi mà bạn không thích và tỏ ra muốn thấy sự thay đổi thường có tác động ngược. Có thể tốt hơn nên chờ cho đến khi vợ bạn bỏ qua món tráng miệng để đưa ra lời bình luận theo hướng tích cực. “Em yêu, anh biết em thích những món tráng miệng nhiều thế nào, và anh thực sự khâm phục quyết định không ăn miếng nào của em”.
Nếu là quản lý, hay cha mẹ, thi thoảng bạn sẽ rơi vào tình huống mà ai đó dưới sự giám sát của bạn làm một việc tệ hại. Con bạn leo lên chạn để với lấy một cái bánh quy và làm vỡ hũ đựng bánh. Bạn cần phải nói gì đó với con, nhưng điều đứa trẻ không cần là có ai nói với nó rằng: “Con đã làm vỡ hũ bánh quy!”. Nó biết điều đó rồi. Nó đã nhận ra rằng hũ bánh bị vỡ, và chắc chắn nó rất hối hận về điều đó. Bây giờ có nhiều mẩu gốm lẫn lộn với bánh quy và chúng trông không còn ngon nữa. Vì vậy, nó đã tự đủ buồn lòng rồi, không cần ai phải giúp nó cảm thấy việc nó làm tồi tệ hơn nữa. Cái mà nó cần là sự giúp đỡ theo cách nào đó để có thể xử lý tình huống này khác đi – tốt hơn – vào LẦN SAU. Nó cần sự hướng dẫn ân cần, yêu thương để làm thế nào lấy bánh quy mà không làm vỡ hũ bánh. Tốt hơn bạn nên nói: “Lần tới, con hãy lấy một cái ghế cao hơn”, hay “Lần sau nhớ gọi mẹ, mẹ sẽ lấy bánh cho con”. Đôi khi một câu hỏi cũng có giá trị: “Làm vậy không hiệu quả, phải không con? Con có thể làm gì khác nếu lần sau con muốn một cái bánh?”.
Trước khi kết thúc chủ đề này, có một vấn đề nan giải cần nhắc đến: Vậy thì một người quá tự trọng đến mức bạn không thể chịu nổi thì sao? Tôi không biết bạn có thực sự nghĩ về người đó chưa, cái con người luôn khoe khoang và khoác lác về những thành tựu trong quá khứ, khi đó chắc hẳn bạn không phải đang đương đầu với một người dư thừa quá mức lòng tự trọng đâu. Có nhiều khả năng một người “gáy” suốt ngày lại có tự trọng thấp đấy.
“THỰC TẾ” người đó muốn nói là đây: “Tôi biết rằng tôi vô dụng; và nếu ai khác thực sự biết rõ con người tôi, họ sẽ không thích tôi. Vì vậy, tôi không thể để điều đó xảy ra”. Thế là anh ta trưng ra một vẻ ngoài giả tạo. Nói liên hồi về những thành công của mình và cố thuyết phục người khác rằng anh ta cũng có một giá trị nào đó – đồng thời, anh ta cũng đang tự thuyết phục mình! Dĩ nhiên, sự tỏ vẻ rõ rệt như vậy khiến người khác phát ra hàng loạt thông điệp rằng họ không ngưỡng mộ sự gian dối; và thế là anh ta càng cố gắng hơn nữa để trở thành người được yêu thích và để vờ rằng anh ta đáng giá hơn là anh ta thực sự tin.
Nếu bạn có ai đó trong thế giới của bạn đang cố gắng bù đắp cho mức độ tự trọng thấp bằng cách khoe khoang khoác lác và kiêu ngạo, thì xu hướng tự nhiên của bạn có lẽ là chĩa ngay cây kim ra để xem có thể châm nổ quả bóng đó được không. Nhưng cách tiếp cận ngược lại thì hiệu quả hơn nhiều. Có thể không dễ dàng, nhưng nếu suy nghĩ thấu đáo bạn sẽ thấy nó có lợi hơn nhiều. Nếu bạn dành thời gian và nỗ lực để củng cố cảm xúc bên trong về giá trị và ý nghĩa của người đó, bạn sẽ thấy họ giảm dần tính khoe khoang.
Khi bạn lướt qua ai đó có vẻ đang rất cố gắng để gây ấn tượng với mọi người, hãy tìm điều gì mà bạn thấy người đó thật sự giỏi. Tìm một điều mà bạn có thể khen ngợi chân thành, trung thực và thân thiện, chứ không phải tâng bốc, và bày tỏ cảm xúc tích cực đến người đó. Bày tỏ sự ngưỡng mộ của bạn thay vì củng cố mức độ tự trọng thấp bằng cách phản ứng tiêu cực với thói khoe khoang của anh ta. Hãy đặt cách cư xử bề ngoài của người đó sang bên một lát và ý thức giá trị thực và điều đó là có nếu anh ta sẽ chỉ bộc lộ nó.
Một dấu hiệu khác của một người có mức độ tự trọng thấp là phản ứng tiêu cực với những lời khen ngợi. Đó không phải là dấu hiệu đáng tin cậy phổ biến, nhưng nó thường có thể cung cấp một gợi ý thú vị rằng lòng tự trọng của người đó đang giảm sút. Khi bạn ngưỡng mộ quần áo của ai, bạn khen rằng: “Cái áo khoác bạn đang mặc hấp dẫn quá”, phản ứng của người đó: “Ôi, cái áo cũ này ấy à?” có thể nói lên điều mà anh ta cảm thấy về bản thân mình – đặc biệt là khi chiếc áo khoác đó rõ ràng là mới toanh. Khi một người không thoải mái nếu được khen ngợi, thì chắc chắn trong hệ thống tinh thần của anh ta đang tự nhủ: “Mình biết là thẩm mỹ của mình tồi tệ lắm mà, cho nên người ta mới nói cái áo khoác của mình hấp dẫn”.
Vì vậy, dấu hiệu có khả năng nói với bạn điều gì đó về lòng tự trọng của một người là phản ứng của người đó đối với lời khen. Nếu bạn nói với một người có lòng tự trọng cao rằng: “Bạn thực sự làm quá tốt trong dự án này, Shirley”, câu trả lời của cô ấy sẽ là gì? Chắc chắn đơn giản là: “Cảm ơn bạn”. Hay: “Cảm ơn. Tôi đánh giá cao điều bạn nói”. Một người có cảm giác vững chắc về giá trị của cá nhân sẽ dễ chấp nhận lời khen ngợi hơn, bởi vì nó phù hợp với điều anh ta biết và cảm nhận về bản thân anh ta.