Bạn đang lãng phí tài năng của mình thế nào chỉ vì thiếu một chút lòng can đảm?
TOM RUSK & RANDY READ
Bây giờ bạn đã sẵn sàng để tiến về phía trước!
Bây giờ bạn biết rằng những gì bạn sẽ làm bằng phần còn lại của đời bạn là lựa chọn của bạn, và của chỉ riêng bạn mà thôi.
Có thể bạn đã bị thuyết phục sau ba học kỳ chỉ nói về cá nhân, rằng bất cứ điều gì mà bạn nghĩ sẽ làm thì cuối cùng bạn sẽ làm được… và bạn có đủ mọi tiềm năng, đúng không?
Vậy bạn còn do dự gì nữa? Ngại nắm lấy cơ hội sao?
Bạn đã bao giờ nghe về “phức cảm Jonah”17 chưa? Bạn hẳn đã vướng vào phức cảm này nếu bạn đang sống trong vùng an toàn nhỏ bé của riêng mình, thực hiện những nhiệm vụ không có tính thử thách, nơi mà sẽ không một ai làm phiền bạn, không có rủi ro, đối mặt với ít vấn đề, không bao giờ quan tâm đến sự phát triển hay kiểm tra năng lực của bạn. Đó mà là sống ư? Điều đó hứa hẹn sẽ làm tổn thương bạn, ở sâu bên trong.
17 Jonah là nhân vật trong Kinh thánh Cựu Ước, được Thiên Chúa chọn làm nhà tiên tri nhưng ông lại trốn Chúa. Phức cảm Jonah nói về sự trốn chạy số phận và sứ mệnh của bản thân.
Tại sao vậy?
“Người ta không thay đổi khi họ cảm thấy ổn. Họ thay đổi khi họ buồn chán. Khi mọi thứ đều đang ổn, chúng ta đều có xu hướng làm khá nhiều những thứ chúng ta vẫn đang làm. Sự đau khổ đẩy chúng ta đến những bước ngoặt quan trọng. Chúng ta tổn thương, rồi cuối cùng cũng lựa chọn. Đúng rồi, là cái trạng từ đó: cuối cùng. Cái gì cũng có giới hạn của nó!”
Đó là kết luận của hai vị bác sĩ trẻ trung và ưu tú ở Bờ Tây, Tom Rusk và Randy Read, là trợ giáo ngành tâm lý và luật tại Đại học San Diego.
Bài học này, từ cuốn sách táo bạo và chân thành của họ, Tôi muốn thay đổi nhưng không biết làm thế nào (I Want to Change, But I Don’t Know How), có lẽ chính là phương thuốc bạn cần để điều trị khỏi chứng ẩn náu trong vùng an toàn của bạn.
Tất cả con người chúng ta thường quá thỏa mãn với sự hèn nhát trong việc quá “cẩn trọng”, bán rẻ hết cho lời hứa hẹn an toàn. Và chúng ta bị lừa. Bạn thấy đó. Thật phù phiếm khi sử dụng nghề nghiệp của một ai đó như một cách để ẩn náu. “Tôi là luật sư” (bác sĩ, quản lý, vân vân) như thể nói rằng: “Tôi là luật sư chứ chẳng là gì khác”. Cũng thật phù phiếm khi tìm kiếm ý nghĩa qua những thành tích của chồng/vợ – “hội chứng vợ bác sĩ” (còn được thấy ở vợ/chồng các chính trị gia, các nhà điều hành kinh doanh, bộ trưởng, luật sư, ngôi sao giải trí,... Thực ra là bất kỳ người vợ hay chồng nào tránh những thử thách vượt ra ngoài những thói quen hằng ngày, hay tin rằng việc hưởng thụ thay cho thành công của vợ/chồng đủ khiến cuộc sống của họ có ý nghĩa. Lâm ly quá!).
Thật là phù phiếm để sống vì một tương lai nào đó, khi mà mọi thứ sẽ khác, tin rằng ngay khi “tôi già hơn”, “giàu hơn”, “có học thức hơn”, (hay theo một lối phức tạp hơn: “khi tôi kết thúc liệu trình chữa trị của mình”) thì tất cả sẽ ổn thôi... Cứ mơ đi, vì đó là những ảo tưởng phù phiếm.
Và thật là phù phiếm khi cứ sống trong một giai đoạn quá khứ nào đó trong đời, lúc: “tôi còn trẻ hơn”, “khỏe hơn”, “vợ/chồng tôi còn sống”, hay trước khi “kết hôn”, “ly hôn”, “phẫu thuật”, “lên cơn đau tim”, “thất nghiệp”, “sinh con”,... nhiều ngõ cụt tuyệt vọng hơn nữa.
Charles Dickens miêu tả nhân vật bi kịch Lady Havisham, ngồi trong phòng ngủ của mình với bộ áo cưới nhiều thập niên sau khi bị chú rể bỏ rơi18. Sự hèn nhát lạ thường khiến bà sợ phải đối mặt với cuộc sống thật. Nếu muốn, chúng ta cũng có thể có những mộng tưởng, những lý luận rắc rối, những ý nghĩ kỳ quặc về những thứ đã xảy ra hay có thể xảy ra. Thomas Wolf có cùng quan điểm trong Bạn không thể về nhà nữa (You Can’t Go Home Again). Một màn hài kịch cổ điển cũng nói điều tương tự theo một cách khác: Tên cướp gặng hỏi, “Mày chọn tiền hay mạng sống của mày”. Nhân vật nam thận trọng quá mức trả lời: “Lấy mạng tôi đi, tiền tôi để dành cho khi già mà”.
18 Lady Havisham là nhân vật trong tiểu thuyết Những kỳ vọng lớn lao (Great Expectations). Bà bị chú rể bỏ rơi ngay trong đám cưới nên trở nên khó tính, tàn nhẫn và căm hận đàn ông, bà khăng khăng mặc bộ váy cưới suốt đời.
Lạ lùng thay, nhiều người vẫn làm theo lối sống và những thói quen cũ kỹ ngay cả khi họ thấy khổ sở, cô độc, nhàm chán, không thỏa mãn hay bị hành hạ. Tại sao vậy? Dĩ nhiên vì... thói quen là một nơi thoải mái để ẩn náu. Biết bao nhiêu người phụ nữ đã cưới nhiều gã nát rượu liên tiếp mà cứ khăng khăng là họ “chưa bao giờ hoài nghi”.
Một người đàn ông dành trọn vẹn cuộc sống để làm việc, từ 60 đến 100 giờ mỗi tuần, cố trở nên giàu có. Tại sao thế? Bởi vì anh ta đã chứng kiến cha mình làm việc đầu tắt mặt tối đến khi giã từ cuộc sống, chưa bao giờ tận hưởng cuộc đời, chết trong khi đang làm việc, và anh không muốn điều này xảy ra với mình!
Những người khác nỗ lực để sống một cách thận trọng trong sự an toàn của những khuôn mẫu có sẵn. Họ không có cảm giác thỏa mãn, nhưng họ tìm thấy một thể thức không phải để thành công (về bất kỳ điều gì), mà để tránh được thất bại. Thật là sống dở chết dở khi sự an toàn trở nên lấn át sự suy xét. Con người không chỉ sống bằng sự an toàn.
Cuộc sống có những rủi ro không thể tránh được. Mỗi giây còn được thở là một cơ hội. Những cơn đau tim, tai nạn giao thông, những vấn đề kinh doanh – mọi kiểu tin xấu có thể tưởng tượng ra như chực chờ đổ lên đầu chúng ta mà không cảnh báo trước. Vậy nên con người khó mà chơi trò đánh cược vào cuộc sống. Đó là một sự cân bằng khó khăn. Đôi khi có thể chúng ta đặt cược quá nhiều vào vòng quay kế tiếp, còn những lần khác chúng ta lại cảm thấy bị tổn thương và gian lận đến mức muốn dừng cuộc chơi mãi mãi. Nhưng mục tiêu, về một nghĩa nào đó, là để tìm ra lối chơi trò chơi cuộc đời để tập cho quen tay mà không phải cháy hết mình.
Khi chúng ta vượt ra khỏi sự an toàn và sự quen thuộc của những thói quen, và cư xử theo bất kỳ cách nào khác với lệ thường, chúng ta sẽ trải nghiệm một mức độ căng thẳng nhất định. Nó có thể nhẹ nhàng, như một cơn co thắt ngực nhẹ, hay rõ ràng hơn như tim đập thình thịch, buồn nôn, tiêu chảy, choáng váng hay thậm chí hoảng loạn. Nếu chúng ta suy nghĩ quá lâu về những kết quả có thể xảy ra với một sự đổi mới, thì những con chuột của sự sợ hãi sẽ chạy thoát khỏi tầng hầm tinh thần và có lẽ sẽ áp đảo chúng ta. Bất kỳ cái mới nào cũng đều có thể gây sợ hãi. Chấp nhận rủi ro trong cuộc sống rất giống với việc đầu tư tiền – khả năng hoàn vốn phản ánh phần nào mức độ rủi ro. Vốn góp càng cao thì trò chơi càng đáng sợ.
Và đồng hồ vẫn tiếp tục kêu tích tắc. Thời gian tăng thêm cùng với tuổi tác, dĩ nhiên rồi; chẳng ai có thể thay đổi điều đó. Nhưng hai phút trong một chiếc tàu lượn siêu tốc dữ dội hơn nhiều so với tám tiếng toàn những cuộc họp nhàm chán. Thời gian trong mỗi hoàn cảnh mỗi khác. Thay đổi làm chúng ta thức tỉnh. Nếu dành thời gian với những người khác nhau, ở những địa điểm khác nhau, làm những điều khác nhau, thì chúng ta có thể trải nghiệm một tuần trong chỉ một ngày. Những lúc cảm xúc mãnh liệt dâng cao, như khi say đắm trong tình yêu, thời gian có thể kéo dài hơn và thỏa mãn hơn nhiều so với những hành vi tương tự khi không có cảm xúc mạnh mẽ. Thời gian nhận thức được là thứ có tính đàn hồi, phụ thuộc vào độ tuổi của chúng ta (không thể kiểm soát được) và việc chúng ta sử dụng nó như thế nào (có thể kiểm soát được). Máy đo cường độ nằm trong tầm tay chúng ta. Chúng ta được cho thời gian, sử dụng bao nhiêu là do bản thân chúng ta.
Con người cần một chút áp lực. Chúng ta được sự tiến hóa “thiết kế” để tồn tại trong áp lực cạnh tranh chuỗi thức ăn. Chúng ta cần một lượng áp lực nhất định để khỏe mạnh. Dĩ nhiên, quá nhiều áp lực, cũng giống như quá nhiều âm thanh, thì không tốt. Nhưng không có áp lực, cũng giống như im lặng hoàn toàn, khiến chúng ta mất cân bằng.
Nhiều người cố tránh né hết mọi nguy hiểm có thể xảy ra. Họ muốn mình không bao giờ bị tổn thương, không bao giờ phải sợ hãi, không bao giờ cô độc. Thế nên họ chấp nhận cách sống vì của cải vật chất, chịu đựng càng ít càng tốt và ẩn náu đằng sau những thói quen cũ rích. Tuy vậy, ước mong tha thiết về những áp lực “tự nhiên” vẫn còn đó. Dần dần, họ điền đầy những chỗ thiếu sót bằng những áp lực được hình thành bên trong – những nỗi lo lắng và sợ hãi.
Tất nhiên họ sẽ không nói với bản thân rằng: “Mình sẽ chấp nhận một lối sống càng ít mạo hiểm càng tốt, dù mình biết nó sẽ mang lại cho mình cuộc sống trống rỗng nhàm chán”. Họ đã trưởng thành theo đúng cách đó. Nhưng bạn có thể nói với bản thân rằng: “Mạo hiểm bao nhiêu là vừa với mình? Loại áp lực nào sẽ giúp mình tiến bước?”. Một số người nhận thấy những áp lực về thể chất là hữu ích – thể dục thể thao, hay thậm chí là ăn kiêng. Với những người khác thì câu trả lời có thể là nhảy dù, đua mô tô, hay những mối quan hệ sôi nổi giữa các cá nhân với nhau. Đối với những người trầm lặng thì sẽ là ẩn dật ở tu viện hay mở đường máu thoát ra khỏi đám hỗn loạn. Mỗi chúng ta có một việc trong đời: đáp ứng nhu cầu của bản thân chúng ta, tìm ra những áp lực và rủi ro phù hợp nhất với chúng ta.
SỢ HÃI LÀ GỐC RỄ CỦA BUỒN CHÁN
Mạo hiểm là phần chính của “liệu pháp trị bệnh” này, nên đừng hy vọng rằng bạn sẽ tránh được nó bằng cách này hay cách khác. Sự đầu hàng ăn sâu bám chặt với sợ hãi chỉ làm tăng thêm sự xoàng xĩnh. Lối sống mà chúng ta đang ủng hộ là kiểu mà bạn phải tự hỏi bản thân mỗi khi muốn thử làm điều gì mới: “Rủi ro là gì và phần thưởng có thể nhận được là gì?”. Đó là thái độ mong đợi rằng việc nắm lấy cơ hội là một phần của những gì bạn đang làm trên hành tinh này. Không nhất thiết phải mạo hiểm điên rồ – nếu quá cực đoan trong việc nắm bắt cơ hội, chúng ta sẽ không chờ đợi đủ lâu để học được điều gì mới. Nhưng cẩn thận đấy, tốt nhất nên đi con đường mà rủi ro tăng dần. Ví dụ, khi bạn đang học đi xe đạp, bạn sẽ không bắt đầu ở một nơi đầy xe hơi. Thay vào đó, bạn sẽ chọn một con đường vắng vẻ để nếu có bị ngã thì ít nhất bạn cũng không bị xe cán.
Vậy nên cứ khám phá và thử nghiệm. Hãy tìm kiếm sự cân bằng giữa việc, một mặt là nắm lấy cơ hội mang tính tự sát, mặt kia là chạy thoát khỏi hiểm nguy. Một số ngày bạn thấy rủi ro cũng tốt, những ngày khác bạn lại thấy tốt hơn là nên an toàn. Thử nghiệm để tìm ra cái gì là tốt nhất cho những lúc đó. Bởi vì bất cứ thứ gì mới sẽ luôn áp lực, nên hãy tự mình phán đoán bằng nỗ lực của bạn. Cho dù bạn cố gắng đến thế nào, thì hẳn cũng sẽ có một ai đó làm tốt hơn. Quan trọng là tìm ra những điều làm bạn cảm thấy vui vẻ và tràn đầy sức sống. Quan trọng là học cách làm quen với những bữa đại tiệc của cuộc sống với những gia vị tăng thêm sự đậm đà cho món ăn là căng thẳng và rủi ro.
CAN ĐẢM NHƯ ĐÁNH MẤT BẢN THÂN
Có lẽ những trải nghiệm tối hậu trong bất kỳ cuộc đời nào là những thứ vượt khỏi những tồn tại ngày qua ngày. Những thời gian ngọt ngào hiếm hoi khi đặt hết tâm trí vào một hoạt động sẽ dẫn đến sự thỏa mãn vượt xa hơn những giấc mơ ngông cuồng nhất của chúng ta. Cuộc sống của những người làm nghệ thuật và sùng bái tôn giáo dựa vào cảm giác “cao cấp” mà ai cũng có thể đạt được này. Bạn có thể đạt được cảm giác đó với một người bạn yêu thương hay thậm chí một người bạn ghét bỏ. Nó có thể sinh ra từ việc nấu ăn, làm đồ mộc hay chỉ đơn giản đi dạo thôi.
Đó là một trải nghiệm giống như được nâng lên, cuốn đi, quên hết mọi lo âu và tự ý thức được mình. Nó được gọi là sự hợp nhất, cuốn vào, giác ngộ và vô vàn những cái tên khác nữa. Tuy nhiên, cũng như tình yêu, nó là một trong những thứ nếu chưa bao giờ trải nghiệm thì khó mà tin được.
Một trong những điều chúng ta thường thấy là mọi người cứ ngồi há miệng chờ sung rụng, như thể đột nhiên họ sẽ được nhận một loại huy hiệu nào đó mà đem khoe, như thể để nói rằng: “Nhìn nè, tôi đã được xếp hạng, và tôi cũng đã có được nó nữa”. Nhưng, như bất cứ kiểu “làm màu” nào khác, màn trình diễn đó nhất định sẽ thất bại. Nếu bạn đang đứng trên đỉnh đồi nhìn ra xung quanh và đột nhiên trải nghiệm việc bị cuốn vào và trở thành một phần của tổng thể, nhưng sau đó nếu cố gắng để cô đọng lại trải nghiệm đó thành một bức ảnh chụp nhanh kiểu du lịch cho người thân ở nhà, bạn sẽ đánh mất nó ngay lập tức. Nó không thể được ghi lại. Bạn có thể trải nghiệm nó nhưng không thể bán nó.
Và theo một nghĩa nào đó, nó là sự mạo hiểm lớn hơn hết thảy. Bạn không thể sở hữu nó. Bạn không thể “chứng minh” nó. Bạn chỉ có thể là nó. Bạn có thể để bản thân thâm nhập vào những gì bạn làm, hoặc ngăn bản thân lại. Bạn có thể cố gắng nhấn chìm bản thân, bắt lấy nguy cơ đánh mất cá tính của mình trong những việc bạn đang làm. Hoặc bạn có thể kiên quyết giữ cuộc đời mình ở một khoảng cách an toàn. Bạn có thể cố gắng biến mọi thứ thành những trải nghiệm “có thể giải thích được”. Bạn có thể dán nhãn và phân loại tất cả những gì bạn nhìn thấy trong một nỗ lực liều lĩnh nhằm giữ chúng trong tầm kiểm soát. Hoặc bạn có thể ngừng khệnh khạng, cáu kỉnh và để yên mọi chuyện.
Nền tảng của quá trình này là vấn đề mất kiểm soát. Có một nghịch lý trong đó, kiểu như: “Hình thức kiểm soát tối thượng là khi một người từ bỏ mọi sự kiểm soát”. Giống như bạn không bao giờ thực sự sở hữu một cái gì trừ phi bạn bỏ nó đi. Khi cố học một điều gì đó, nếu cứ cố gắng kiểm soát bản thân, thì chúng ta sẽ học rất chậm. Khi tập đi xe đạp, nếu cứ cố kiểm soát, điều khiển tay chân một cách cứng nhắc theo lời hướng dẫn, thì chúng ta sẽ ngã nhiều hơn. Thay vào đó, chúng ta có thể từ bỏ huyền thoại của việc phải làm theo mệnh lệnh, từ bỏ cá tính của mình và trở thành một phần của chiếc xe đạp.
Chúng ta học được nhiều nhất khi từ bỏ bản thân. Nếu đủ mạnh mẽ để quên đi mình là ai trong một khắc thay vì quá khắc nghiệt với bản thân, nếu chúng ta quên mình nghĩ gì, mình tin gì, mình muốn gì – nắm lấy sự mạo hiểm quên đi bản thân – thì chúng ta sẽ biết được vẻ yêu kiều của một bông hoa đang bung nở. Cần phải can đảm hết mức mới có thể sử dụng sự tự nguyện từ bỏ này trong bất kỳ hoạt động nào mà chúng ta định làm. Nhưng phần thưởng thì đều cao như nhau. Chúng ta có được sự bình an, ý thức được đúng sai, và quan trọng nhất, sức mạnh toàn diện của chúng ta được tạo nên và lớn dần.
Đó là khóa học nâng cao về việc “hành động như thể”. Thay vì giả vờ rằng mình có thể chạy xe đạp, người ta chỉ việc hiến mình cho hành động đó. Thay vì cố gắng, họ chỉ cần để yên. Hầu hết việc giảng dạy giả định rằng thành thạo kỹ thuật không phải là phương tiện, mà là mục đích. Nhưng khả năng kỹ thuật không có đời sống riêng, nó chỉ đơn thuần giúp chúng ta tự do từ bỏ hoàn toàn mà thôi. Trừ phi bạn đã có kinh nghiệm về việc từ bỏ, trừ phi có một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống mà bạn từng cố gắng nắm vững kỹ thuật đủ để bạn có thể bị cuốn trôi, không thì bạn sẽ không bao giờ tin điều như vậy lại xảy ra.
Ví dụ, nếu bạn muốn chơi bóng ném thì cần học một vài kỹ thuật. Nhưng “trò chơi” đỉnh cao của bạn là lối chơi sáng tạo mà bạn xâu chuỗi những yếu tố cơ bản lại với nhau. Nếu bạn nhìn chúng chẳng khác gì những yếu tố tách biệt và độc lập thì bạn sẽ không bao giờ có được một cuộc chơi hào hứng. Bạn sẽ chỉ như một con robot đang cố gắng bắt chước theo ai đó.
Bạn muốn kiểu sống nào? Bạn sẽ can đảm đến thế nào? Sự lựa chọn là ở bạn.
Sáng tạo là một chủ đề rất thú vị. Xuyên suốt các ghi chép lịch sử, con người đã học được sự sáng tạo thật sự để tìm ra các bí mật của mình. Bản thân những con người tài năng này thỉnh thoảng cũng suy ngẫm về những trải nghiệm của bản thân mình và nỗ lực tìm ra một loại “công thức” nào đó. Nhưng làm gì có công thức đó. Vì sáng tạo không phải là quá trình từng bước.
Nhiều hơn bất kỳ nhóm nào khác trong xã hội Mỹ ngày nay, các vận động viên dường như đã nhận ra cách để học được sự sáng tạo. “Tập trung” là cách nói thường được sử dụng nhất để mô tả trạng thái là điều kiện tiên quyết nhất thiết phải có để đạt được thành tích đỉnh cao. Có thể phân biệt một “trận đấu hay” với một “trận đấu dở” bằng cách đánh giá mức độ tập trung. Và trạng thái tập trung này hẳn là sự tạm ngưng hoài nghi và hay tự ý thức, một cách để loại bỏ khỏi đầu tất cả những thứ vụn vặt, rác rưởi gây xao lãng.
Một số triết gia phương Đông đã tạo cho trạng thái tâm trí này sự tập trung căn bản của họ. Thực ra, khái niệm hành động mà không tự ý thức có lẽ được kết tinh ban đầu bởi các kiếm sĩ Samurai của Nhật Bản thời trung cổ. Nhờ sử dụng một số khái niệm triết học thời đại đó, họ đã xác định được rằng cách tốt nhất để đánh bại kẻ thù trong cuộc đọ kiếm tay đôi là chiến đấu mà không bị suy nghĩ cản trở. Nắm vững kỹ thuật chuyên môn là điều kiện tiên quyết, nhưng thật ra chính cảm giác điều khiển sự chuyển động chứ không phải suy nghĩ. Bằng cách điều chỉnh trực giác thông qua việc liên tục rèn luyện đọ kiếm tay đôi, họ đã có thể phát triển một trạng thái trí óc giảm thiểu sự hỗn loạn của những suy nghĩ kiểu như: “Ôi, không, hắn sẽ cố tấn công mình từ bên trái hay phải đây?”. Thay vào đó, nhờ giữ được trạng thái điềm tĩnh và cân bằng, Samurai đã có thể phản ứng lại, như thể anh ta cảm thấy cực kỳ thoải mái với đối thủ của anh ta, như thể anh ta “biết” điều gì sẽ xảy đến trong mỗi khoảnh khắc tiếp theo.
“Cơ thể học hỏi thay vì tâm trí.” Nói cách khác, khi đang học cái gì đó, thì nên bấm tắt, rút phích cắm, hoặc lờ đi trí óc của mình một lúc. Bạn không thể bảo trí óc im miệng đi, bởi vì rồi nó sẽ quát trả bạn y như thế, nhưng bạn có thể yên lặng ghi chép lại những gì nó đang nói cho bạn, rồi lúc sau chuyển sang một kênh khác. Giống như Samurai, các cung thủ Thiền tông của phương Đông đã đạt được kỷ luật nghiêm ngặt không phải bằng cách tập trung vào mục tiêu, mà bằng cách cố gắng đạt được cảm giác “đúng” trong mỗi phát bắn. Nếu phát bắn “đúng”, thì tự nhiên nó sẽ trúng mục tiêu thôi. Đặt hồng tâm vào những mục tiêu nhỏ xíu trong phòng tối là một cách tập luyện của cung thủ, nhưng không phải để bắn trúng mục tiêu. Mà mục tiêu của họ là một hình thức thiền định, một sự truy tìm cảm giác “đúng”.
Vì vậy, nếu bạn muốn học một điều gì đó mới, hãy tập trung để có được cảm giác “đúng” với bản thân. Hãy mạo hiểm từ bỏ quyền kiểm soát quý giá ít ỏi mà bạn đã đấu tranh để đạt được, từ bỏ đủ để chìm đắm vào thứ bạn đang làm. Rồi làm đi.
Chắc chắn rằng, tài năng bẩm sinh hay di truyền, học tập, rèn luyện hay thậm chí may mắn thảy đều đóng những vai trò quan trọng trong sự sáng tạo, nhưng cuối cùng điều cần thiết là đắm mình vào những gì phải làm. Chúng ta thích nghĩ về nó như một kiểu “quá trình hai giai đoạn”: Đầu tiên bạn sẽ chìm đắm vào hoạt động sáng tạo, từ bỏ rồi thực hiện. Bước thứ hai là xem xét phê bình. Bạn thầm bước lùi lại một chút, rồi cân nhắc kết quả. “Nó đã đưa mình đến gần nơi mình muốn hơn chưa?”. Giống như một họa sĩ đang đứng trước tấm toan, đi những nét cọ trong trạng thái xuất thần, rồi bước lùi lại để nhìn ngắm kết quả. Hai giai đoạn đó hòa lẫn vào nhau, nhưng theo một nghĩa nào đó, nó đại diện cho những tâm trạng riêng rẽ: hoạt động sáng tạo và xem xét phê bình.
Quan trọng hơn hết là người ta phải bận tâm với việc đạt được một kết quả đặc biệt như danh tiếng, vận may, sự chấp thuận của người khác, hay ngay cả một thứ gì đó phù du như là hạnh phúc. Nhưng nếu bị trói buộc vào kết quả, thì bạn sẽ không bao giờ có thể từ bỏ bản thân đủ lâu để trải nghiệm một cách đầy nhiệt huyết. Sau khi đã cố hết sức, rồi hãy suy nghĩ và xem xét lại. Nhưng đừng cố xem xét lại trong khi đang nỗ lực sáng tạo. Hãy chỉnh sửa sau khi bạn sáng tạo xong. Nếu bạn tập trung nhận thức vào kết quả, thì bạn không thể cho phép bản thân từ bỏ.
Cuối cùng, bạn muốn kiểu hệ thống giá trị nào mới là quan trọng, cố gắng nghĩa là thành công. Trạng thái sáng tạo đòi hỏi quên đi sự chiến thắng và tập trung vào việc cố gắng. Dù thế nào đi nữa, chơi chỉ để chiến thắng là một ngõ cụt. Tất cả những gì con người chúng ta thực sự mong muốn là cảm thấy tốt đẹp, cảm thấy đúng đắn và tìm được bình yên; chúng ta hoàn toàn bị lừa gạt bởi những hoang tưởng của mình, rằng chiến thắng sẽ tự động mang lại tất cả những thứ đó.
Một trong những lý do phổ biến khiến mọi người không làm chủ được bản thân và không thừa nhận trách nhiệm về mọi thứ họ làm là nỗi sợ thất bại, sợ làm kẻ thua cuộc. Chỉ khi công nhận mọi nỗ lực của bản thân, bạn mới có thể tìm thấy lòng can đảm để đắm mình vào hoạt động sáng tạo.
Nếu chúng ta sống theo nguyên tắc rằng cố gắng nghĩa là thành công, rằng chỉ cần nỗ lực hết mình là đủ, thì chúng ta sẽ trở nên điêu luyện và bình yên. Với thái độ như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng trôi theo vòng quay sáng tạo và phê bình. Kết quả tốt chỉ là lợi ích kèm thêm, có thể đến rồi đi, nhưng những gì chúng ta làm với bản thân mình thì luôn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta.
Một người nông dân đã cố gắng suốt mười lăm năm để tạo nên một cuộc sống tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Anh chưa bao giờ đòi hỏi một sự ban phát hay đối xử đặc biệt nào. Với anh ta, phúc lợi công cộng đúng là thứ bẩn thỉu. Độc lập, làm việc chăm chỉ, “gieo nhân nào, gặt quả ấy” là tôn chỉ của anh.
Dù cố gắng như vậy, nhưng năm nọ, một cơn bão kỳ dị đã càn quét toàn bộ mùa vụ. Lượng dự trữ của anh ta không đủ đáp ứng nhu cầu gia đình. Anh buộc phải lãnh phúc lợi xã hội và nhận hỗ trợ thiên tai. Cả hai đều là những sự “bố thí”. Anh cảm thấy mình đúng là kẻ thất bại. Bạn có đồng ý vậy không?
Chúng tôi hy vọng là không. Nếu bạn đồng ý thì chúng tôi đã hiểu tại sao bạn sợ thay đổi, rủi ro và thử nghiệm. Nỗi sợ thất bại hẳn đã làm bạn tê liệt. Việc phó mặc lòng tự trọng của bạn cho kết quả khiến bạn trở thành nô lệ của mọi sự may rủi bất chợt. Hãy thoát ra. Nếu bạn yêu quý bản thân mình, hãy cứ yêu dù điều gì xảy ra đi nữa. Thực ra những gì chúng tôi sắp nói không có gì mới mẻ: “Thắng thua không quan trọng, quan trọng là bạn chơi thế nào”. Nhưng truyền thống cao quý này đang chết dần chết mòn. Huấn luyện viên Vince Lombardi19 thường hay nói: “Chiến thắng không phải là tất cả, mà cố gắng mới quan trọng”. Nhưng bạn không nghĩ là ông ấy nói “Chiến thắng là tất cả” chứ? Câu trích dẫn sai này cho thấy một sự thật bi thảm về các giá trị xã hội của chúng ta. Lombardi là một người thầy, một nhà lãnh đạo vĩ đại, nhưng lại một lần nữa, người ta chỉ nghe thấy cái mà họ muốn nghe.
19 Vince Lombardi (1913 – 1970) là một cầu thủ, huấn luyện viên bóng bầu dục nổi tiếng của Mỹ.
Hãy là một huấn luyện viên mạnh mẽ cho bản thân mình. Khích lệ bản thân nỗ lực. Nếu bạn đặt ra một mục tiêu nhưng không đạt được, thì bạn sẽ lựa chọn.
Bạn có thể suy sụp:
“Mình biết là mình không thể làm được mà. Có thể ai đó thay đổi được, nhưng mình thì không. Thời thơ ấu đã hằn sâu vết tích khủng khiếp lên con người mình. Mình cứ lặp đi lặp lại những lỗi lầm giống nhau. Mình sẽ không bao giờ kiểm soát được điều đó.”
Hoặc bạn có thể cổ vũ bản thân:
“Mình đã cố gắng hết sức. Mình tự hào về bản thân. Mình đã thật sự nỗ lực. Mình thất bại dù đã cố công; mình chấp nhận; mình chấp nhận nỗi đau đó. Nhưng mình vẫn tự hào và yêu bản thân vì đã can đảm.”
Thành công là gì? Ai đo lường được giá trị của bạn, bạn hay những người theo dõi bạn? Bạn đang cố gắng để gây ấn tượng với ai? Cha mẹ bạn, còn sống đã qua đời, vợ/chồng của bạn, hàng xóm của bạn, hay là một “người ta” huyền thoại mơ hồ nào đó ngoài kia?
Huyền thoại, trò đánh lừa phũ phàng do nhà trường, truyền thông, nhà thờ hay họ đạo tạo nên, biến thành công như một vị trí, một địa vị, một thứ, một cấp độ để vươn tới. Chọn lấy một nghề nghiệp, rồi theo đuổi nó cho đến khi đạt được “thành công”. Rồi những người khác sẽ tôn trọng bạn và bạn sẽ hạnh phúc... Thật lố bịch!
Bạn chỉ cần nhìn vào danh sách những siêu sao ngành giải trí đã tự vẫn để kết thúc cuộc đời đau khổ mà xem. Sự nhút nhát bắt nguồn từ việc tuyệt vọng bám chặt lấy thành công mà chúng ta cảm thấy mình không xứng đáng. Hãy học cách từ bỏ bản ngã trong những nỗ lực của bạn. Nếu học được cách từ bỏ, bạn sẽ có được lòng can đảm đích thực.
Hãy cố gắng để càng dũng cảm càng tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là cố sống cố chết. Thể hiện cũng là một nhu cầu cần thiết. Nhưng đừng đợi chờ những công thức rõ ràng, những nước đi đảm bảo để giải quyết vấn đề của bạn. Hãy can đảm sống một cuộc đời lúc thăng lúc trầm, dù bạn thông minh thế nào đi nữa. Hãy từ bỏ với lòng yêu thương, và bạn sẽ thấy mình tràn đầy năng lượng. Thành công là sống một cách can đảm trong từng khoảnh khắc sao cho trọn vẹn nhất. Thành công là can đảm buông mình theo dòng chảy, đấu tranh, thay đổi, trưởng thành và tất cả những thứ mâu thuẫn khác của thân phận con người. Thành công là thành thật với chính mình.