Sự khác biệt lớn nhất giữa một “người mơ ước” với một “người hành động” là động lực thúc đẩy.
CHARLES JONES “HẾT SẢY”
Hãy tưởng tượng rằng bạn đến lớp sớm. Bạn cần dành chút thời gian một mình để suy ngẫm những gì vừa mới học về những giá trị, sự can đảm và thành thật với bản thân.
Một người đàn ông râu ria rậm rạp đi vào phòng, liếc lên bảng đen và viết ra những chữ cái lớn màu trắng: Charles Jones “Hết Sảy”. Đây là giáo sư tiếp theo ư? Các giáo sư đều có những cái tên kiểu vậy sao?
À, với người này thì đúng, những hội thảo và bài giảng mạnh mẽ của ông ta đã thúc đẩy hàng ngàn người trở nên hiệu quả và tích cực hơn.
Ông ấy ngoảnh nhìn và thấy bạn đang ngồi đấy một mình. Ông mỉm cười, đi xuống chỗ bàn bạn, chìa tay ra và giới thiệu bản thân bằng chất giọng khàn khàn. Nếu bạn là một người bạn cũ, ông sẽ không bắt tay bạn mà thay vào đó là ôm bạn một cái thật chặt.
Ông sẽ hỏi: “Bạn thế nào rồi?”.
Bạn trả lời: “Dạ em hiểu ạ”.
Ông gật đầu và mỉm cười. “Xin hãy giúp đỡ tôi và giúp chính bạn trong buổi học này. Nếu bạn đến để kiếm lợi như những người khác thì không cần nhớ những gì tôi nói ở đây. Giá trị của bài giảng được rút từ cuốn Cuộc sống hết sảy! (Life Is Tremendous) này là để bạn nhớ điều mà bạn nghĩ là kết quả của những gì tôi nói. Mục tiêu hàng đầu của tôi là gợi lên ở bạn những quá trình tư duy và giúp bạn nói ra thành lời những suy nghĩ tốt đẹp nhất để có thể khai thác và sử dụng chúng. Được chứ?”
Bạn gật đầu. Ông trở lại bảng đen, quay lại nhìn bạn lần nữa và la lớn: “Và làm ơn đừng trầm trọng hóa mọi chuyện. Thành công có thể vui! Cuộc sống có thể vui! Cuộc sống hết sảy! Có lẽ nếu may mắn, tôi thậm chí sẽ làm bạn mỉm cười, một hai lần gì đó...”.
Ngày nay chúng ta bị vây giữa tầng tầng lớp lớp những nhân tố tạo động lực – con người và vật thể cố gắng thúc đẩy người ta mua sản phẩm, trả tiền để được tư vấn, hay giành được một mục tiêu. Các lớp dạy tạo động lực nhồi nhét hàng khối người và những cuốn sách nói về tạo động lực là những cuốn sách bán chạy nhất. Tạo động lực đúng là một ngành kinh doanh lớn!
Nhưng hãy nhìn kỹ hơn những nhân tố tạo động lực, một số nhân tố đúng là đã đạt tới điểm có thể thúc đẩy bất kỳ ai làm bất kỳ điều gì, và thành công vô kể; tuy nhiên họ lại khốn khổ vì quên học cách để tự thúc đẩy chính bản thân mình!
Bạn sẽ thích cái nào hơn – một nhân tố tạo động lực thành công nhưng khốn khổ, hay một thất bại được động viên hạnh phúc? Tôi thì thích một thất bại được động viên hạnh phúc hơn. Nếu tôi học được cách tạo động lực, thì cuối cùng tôi sẽ trở thành một nhân tố tạo động lực thành công cho người khác và sẽ hạnh phúc khi được làm điều đó. Nhân tố tạo động lực, có thể động viên tất cả mọi người ngoại trừ bản thân anh ta, sẽ chinh phục thế giới nhưng không bao giờ hưởng thụ nó.
Ôi tôi nhớ kỳ vọng to lớn của mình khi từ một chàng bán hàng trẻ măng trở thành một bậc thầy tạo động lực biết bao. Tôi không thể đợi đến khi kết thúc khóa tập huấn để có thể sử dụng các kỹ năng tạo động lực đầy sôi nổi. Những bài thuyết trình bán hàng đầy quyền năng, thực sự chúng uy quyền đến mức tôi đã phải kiềm chế bớt, nếu không vị khách hàng tương lai hẳn sẽ chết vì lên cơn đau tim trước khi tôi đề nghị ông ta mua hàng. Tôi biết không một ai có thể chống lại được những lý lẽ, lợi ích, sự an toàn hay bình yên trong tâm hồn – có vẻ là một vấn đề khó nhằn trên thế giới mà khả năng trình bày của tôi không thể giải quyết được!
Tôi nhớ mình đã mong đợi vị khách hàng tương lai giật lấy cây bút từ tay tôi để ký vào hợp đồng đến thế nào... nhưng ông ta đã không hề làm vậy. Ngay ở phần cao trào nóng bỏng nhất, ông ta sẽ ngáp ngắn ngáp dài hay cắt ngang bằng những câu nói bóng bẩy kiểu như: “Tôi kém chắc chắn”, hay “Tôi chỉ mất có năm ngàn đô cho hai cái giống hệt thế này!”.
Tim tôi rơi tõm xuống. Tôi ngã gục và cố lắm mới gượng dậy nổi. Tôi chưa bao giờ thấy một anh chàng bán hàng trẻ trung nào lại nản chí hơn mình. Tôi đã sớm hiểu được vấn đề của mình không phải là làm thế nào để tạo động lực cho mọi người – vấn đề của tôi là làm thế nào để giữ cho họ không làm mình nản chí!
Thỉnh thoảng tôi chán nản đến mức không thiết làm gì ngoài đến gục lên vai sếp mà khóc, chỉ để thấy rằng ông ấy còn nản hơn là tôi! Những khách hàng tương lai làm tôi nản chí, sếp làm tôi nản chí, bạn bè làm tôi nản chí, và tôi nghĩ đôi khi cả vợ tôi cũng làm tôi thấy nản.
Thỉnh thoảng một ông bạn ở một buổi hội thảo sẽ thì thào: “Ông có biết tại sao tôi không thành công không? Vì tôi có một bà vợ thê thảm”.
Tôi thích thú ban cho mấy gã ấy một tuyên bố gây sốc: “Ông nói ông có một bà vợ thê thảm thật hả? Chà, ông không biết ông may mắn đến thế nào đâu. Tài sản tuyệt vời nhất một người đàn ông có thể có là một bà vợ thê thảm đó! Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi về nhà nói với vợ rằng mọi chuyện đang thảm hại thế nào, mà cô ấy lại nói một cách cảm thông rằng: ‘Ôi, ông bố nhỏ bé dễ thương của em ơi, cứ ở nhà với em, em sẽ chăm sóc anh?’. Thể nào chúng tôi chẳng an ủi nhau giữa đống đồ đạc bị vứt chỏng chơ trên lề đường!”.
Nếu bạn có một bà vợ thê thảm, thì bạn phải tiếp tục cố gắng, nếu không cô ấy sẽ nhắc cho bạn nhớ rằng bạn đúng là thằng ngốc khi nhận một công việc như vậy ngay từ đầu. Nhưng đừng tuyệt vọng nếu bạn chẳng may không có một bà vợ thê thảm; chắc hẳn bạn cũng có thể thành công mà không cần món tài sản ấy thôi.
Tôi đùa đấy, nhưng tôi muốn nói rõ rằng không có rào cản nào mà bạn không thể vượt qua nếu học được cách trở nên tích cực. Tôi tin tưởng bằng cả con tim rằng tất cả mọi thứ liên quan đến đời bạn đều là để biến bạn thành một con người thực sự tích cực – và đến lượt bạn có thể động viên người khác đạt đến những mục tiêu cao hơn.
Một số người hỏi rằng bí mật của tôi để trở thành con người tích cực là gì. À, tôi không tìm thấy nó mà nó tìm thấy tôi. Một trong những thành tích trong suốt năm năm làm nghề bán hàng của tôi là đạt năng suất mỗi tuần đều đặn liên tục trong năm năm đó. Nghĩa là không có tuần nào mà tôi không ký được một hợp đồng. Nghe có vẻ ấn tượng nhỉ, nhưng đó không phải là toàn bộ sự thật.
Toàn bộ sự thật là tôi tin tưởng vào các mục tiêu nên tôi đã thề rằng phải ký được một hợp đồng mỗi tuần, nếu không thì tôi phải tự mua. Để tôi kể cho bạn nghe, sau khi tôi tự mua hai mươi hai sản phẩm, tôi bắt đầu có động lực! Hiếm khi tôi nhận ra rằng một lời thề đơn giản lại gây nên ảnh hưởng lớn nhất cho công việc và toàn bộ cuộc sống của tôi. Vì nhờ lời thề đó và số tiền mà tôi phải bỏ ra để giữ lời, tôi bắt đầu học được cách đặt hết tâm trí và cam kết.
Một số người đã đặt hết tâm trí vào công việc nhưng lại không cam kết. Những người khác cam kết nhưng không đặt hết tâm trí. Hai nhóm này đi cùng nhau, và tôi bị thuyết phục rằng không có cách nào để trở thành một người có động lực mà lại không chú tâm hoàn toàn và cam kết với bất cứ thứ gì bạn đang tiến hành!
Những động lực lớn nhất tôi từng có xuất phát từ trái tim và gia đình tôi. Kinh nghiệm hay câu chuyện của một ai khác không bao giờ có thể tạo động lực cho bạn sâu sắc như những điều của riêng bạn.
Tôi đã từng nói với một vị khách hàng tiềm năng bảo rằng ông ấy kém chắc chắn là ông ấy thật ra quá chắc chắn. Nhưng tôi đã khám phá một thứ hiệu quả hơn nhiều từ một sự kiện nhỏ ở nhà. Trải nghiệm này khiến tôi hoàn toàn đồng tình với vị khách kém chắc chắn ấy, nhưng lại cho tôi thêm động lực để kể lại cho ông ta.
Con trai tôi Jere, lúc ấy 6 tuổi, một hôm chạy từ ngoài sân vào và hét muốn bể phổi gọi mẹ nó. Tự nhiên, nó làm tôi xao lãng khỏi công việc trong văn phòng (thực ra là phòng khách nhà tôi – chúng tôi đã chuyển đồ đạc ra hành lang). Jere càng tăng âm lượng thêm vài đề-xi-ben nữa, và tôi nghĩ: “Trời ơi, mình không thể đợi nổi đến lúc thành công, như vậy thì mình mới có thể chuyển đến một văn phòng lộng lẫy ở khu trung tâm, nơi mà mình sẽ trở nên lạc quẻ”.
Cuối cùng Jere cũng chịu im, ngay lúc đó Gloria đi lên từ tầng hầm, nơi cô ấy vừa mới bật máy giặt. Cô ấy hỏi: “Gì vậy Jere, con muốn gì?”. Jere trả lời: “Không có gì ạ, con chỉ muốn biết mẹ đang ở đâu thôi”.
Tôi đã kể câu chuyện này hàng ngàn lần vì nó cho thấy lý do tại sao tôi trả tiền cao cho hai mươi hai hợp đồng đó. Có thể tôi sẽ không bao giờ để lại cho sáu đứa con một đế chế, một khối bất động sản hay một danh mục đầu tư chứng khoán khổng lồ, nhưng tôi để lại cho chúng một món quà vô giá: một người mẹ toàn thời gian. Điều đó đảm bảo rằng sáu đứa chúng nó có thể hét gọi mẹ bởi chúng biết mẹ đang loanh quanh đâu đó trong nhà, dù có khi mẹ chúng không trả lời.
Một lần khác khi tôi đang ngồi trên xích đu đọc báo thì Pam tám tuổi đút gọn cái đầu vàng hoe vào dưới tay tôi và ngọ nguậy phía trên máy tính của tôi. Tôi tiếp tục đọc, và rồi con bé nói một câu đã giúp tôi bán được hàng triệu đô-la bảo hiểm nhân thọ. Nó nhìn tôi bằng đôi mắt to buồn bã và nói: “Ba ơi, nếu ba không rời bỏ con, con cũng sẽ không rời bỏ ba”.
Tôi không thể hiểu được điều gì đã gợi nên những lời đó, nhưng ngay lập tức tôi nghĩ: “Ừ, con yêu, ba sẽ không bao giờ rời bỏ con, nhưng nếu Thiên Chúa ra lệnh thì đành chịu thôi, ít nhất ba sẽ không bao giờ bỏ lại con trừ phi điều đó xảy ra”.
Nhiều năm về trước, tôi đã học được rằng có hai kiểu người cha trong gia đình: kiểu nhìn và kiểu có. Kiểu nhìn nói rằng: “Tôi muốn gia đình tôi có tất cả mọi thứ tôi có thể cho họ, chừng nào tôi còn ở đây để nhìn thấy điều đó”. Kiểu có nói rằng: “Tôi muốn họ có được điều đó cho dù tôi có ở đây để nhìn thấy nó xảy ra hay không”.
Đó là những gì đã xảy ra với tôi như kết quả của sự cam kết và dính líu.
Bạn nói rằng: “Tôi không thuộc về ngành bảo hiểm”, “Tôi đâu có làm nghề kinh doanh”. Nghe này, những nguyên tắc chúng ta đang nói đến áp dụng cho tất cả mọi người: học sinh, nội trợ, nhân viên văn phòng, người bán hàng hay bất cứ ai khác. Những thứ to lớn trong cuộc sống của bạn sẽ trở nên lớn hơn nếu bạn sử dụng chúng để giúp bạn có động lực. Hãy nhớ, bạn đang xây dựng một cuộc sống, chứ không phải một đế chế. Một trong những người bạn thân của tôi đã lẫn lộn về chính điều này và đánh mất hầu hết các giá trị.
Tôi từng nghe cánh đàn ông nói rằng: “Tôi đặt sự nghiệp lên hàng đầu”, còn những người khác lại nói: “Tôi đặt gia đình lên hàng đầu”. Một số ít thì nói: “Tôi đặt nhà thờ hoặc hội đạo lên hàng đầu”. (Sự thật là họ chắc hẳn đã đặt bản thân họ lên hàng đầu.) Nhưng tôi nhận ra rằng những bài học về công việc đắt giá nhất với tôi là từ gia đình và nhà thờ. Và những bài học hay nhất về gia đình là từ công việc và nhà thờ. Còn những bài học hay nhất về nhà thờ là từ gia đình và công việc.
Cậu con trai Jeff của tôi đã dạy tôi vài bài học tạo động lực hay nhất trong đời. Khi Jeff mới sáu tuổi, tôi hỏi nó muốn làm gì cho đời mình. Lúc nhận được câu hỏi đó, thằng bé mới 6 tuổi và vẫn chưa biết nó muốn làm với đời nó!
Khi tôi mới sáu tuổi, tôi đã biết tôi muốn trở thành gì. Có hôm tôi muốn làm phi công lái máy bay chiến đấu, ngày tiếp theo tôi lại muốn trở thành lính lê dương cho Pháp. Tôi cũng muốn trở thành một võ sĩ quyền anh, một cảnh sát. Tôi luôn luôn muốn trở thành một ai đó. Chứ không phải như Jeff của tôi; chỉ ì ra thụ động.
Thế là tôi nói: “Jeff này, chúng ta làm một dự án nhỏ nhé. Dự án có tên gọi là Cuộc đời của một cậu bé - con sẽ chọn ra một nghề nghiệp”. Hôm sau, nó đã khởi động công việc: nó quyết định tham gia Câu lạc bộ chuyên viên kinh doanh trẻ tuổi Hoa Kỳ. Jeff điền vào tờ phiếu và gửi đi.
Tôi thấy bọn trẻ cực kỳ hào hứng với chương trình này! Chúng muốn làm gì đó. Chúng không được ai hướng dẫn gì nhiều, ngoại trừ những kiểu hướng dẫn sai trái.
Hai tuần sau đó, khi tôi về nhà, Jeff đứng chờ tôi ở ngay cửa: “Ba ơi, nhìn nè”. Và thằng bé chìa ra một chiếc thùng đựng thiệp to nhất mà tôi từng thấy. Tôi mở nó ra. Có một chiếc phù hiệu, thư ủy nhiệm và một thông báo nói rằng: “Nộp lại tiền trong vòng ba mươi ngày”. Jeff hỏi: “Con phải làm gì bây giờ?”. Tôi trả lời: “Vậy trước hết con phải học chào hàng đã”.
Mỗi tối khi tôi về nhà, Jeff lại hỏi: “Ba ơi, vậy là con đã sẵn sàng chưa?”. Tôi nói: “Con viết lời chào hàng ra chưa?”. Thằng bé trả lời: “Chưa ạ”. “Con sẽ không ứng khẩu được ngoài đường nếu con trình bày được với ba đâu. Ba muốn con biết con sẽ nói những gì”.
Cuối cùng, hai tuần sau đó Jeff cũng thú nhận với tôi: “Con không thích lời chào hàng đó”. Tôi nói: “À, vậy thì con tự viết đi”.
Sáng hôm sau, một giấy được để trên bàn ăn sáng, ghi rằng: “Chào buổi sáng, bà Smith. Cháu là Feffrey John Jones. Cháu đại diện cho Câu lạc bộ kinh doanh Hoa Kỳ”. Hết! Hai tuần đã trôi qua và hai tuần nữa tôi sẽ phải nộp số tiền đó! Tối đó tôi về nhà và nói với Jeff: “Lấy cái máy ghi âm ra đi con, chúng ta nói chuyện chút nào. Chúng ta sẽ làm việc cho đến khi con có được một lời chào hàng”.
Chúng tôi bắt đầu diễn tập, cuộc nói chuyện đại loại thế này: “Chào buổi sáng, thưa bà Smith, cháu là Jeffrey John Jones của Câu lạc bộ chuyên viên kinh doanh trẻ tuổi Hoa Kỳ. Xin bà xem qua mấy tấm thiệp này được không ạ? Bà sẽ thấy nó được đóng dấu chứng nhận của Good Housekeeping này, chất lượng cực kỳ tốt mà giá chỉ có 1 đô 25 xu mỗi hộp thôi. Bà muốn mua một hay hai hộp ạ (cười tươi)?”.
Chúng tôi đã tập đi tập lại, và khi bật máy ghi âm để nghe lại, tôi có thể thấy con hổ đang bắt đầu lớn dần trong Jeff. Cuối cùng thằng bé hỏi: “Con đã sẵn sàng chưa nhỉ?”. Tôi nói: “Chưa đâu. Ở đây thì con biết cách làm, nhưng ngoài kia thì con chưa biết nó sẽ diễn ra thế nào đâu. Con ra hành lang đi, ba sẽ là khách hàng tương lai của con. Cầm theo hai hộp nhé, gõ cửa đi, ba sẽ cho con thấy điều gì xảy ra trong thực tế”.
Jeff bật dậy với sự hào hứng và tự tin, lao ra hành lang để chứng tỏ cho tôi thấy khả năng của nó. Nó nghĩ nó đã thực sự sẵn sàng rồi. Nó gõ lên cửa. Tôi giật cửa ra với một cái quắc mắt giận dữ và gầm gừ: “Mày nghĩ gì mà phá đám bữa trưa của ta hử oắt con!”. Chàng chuyên viên kinh doanh trẻ tuổi từ từ ngã huỵch xuống sàn trong trạng thái sửng sốt.
Tôi đỡ thằng bé dậy và cả hai làm lại từ đầu. Lần thứ hai tôi lại hạ gục thằng bé. Lần thứ ba cũng thế. Mẹ thằng bé ở tầng dưới cứ nghĩ là tôi đang giết con, nhưng tôi đang giúp thằng bé sẵn sàng cho một cuộc sống nhỏ bé đấy chứ! Bạn có biết ai mới là người “đang giết con” thời buổi này không? Đó là những bậc phụ huynh xây dựng cho con cái ý nghĩ rằng thế giới lúc nào cũng sẽ trao cho chúng những cái ôm và nụ hôn mọi lúc mọi nơi. Còn tôi sẽ giúp thằng con tôi sẵn sàng cho thực tế!
Cuối cùng Jeff cũng nói chuyện suôn sẻ. Nó hỏi: “Ba ơi, giờ chúng ta sẵn sàng chưa?”. Tôi nói: “Con sẵn sàng rồi. Giờ bắt tay vào việc nào. Mang theo hai hộp đi xuống đường St. John đi con. Nhớ mặc áo khoác và đeo cà vạt đàng hoàng nhé. Nếu bị từ chối mười lần thì chạy về nhà ngay, hiểu không?” (Vì tôi biết rằng nếu bị từ chối quá mười lần, thằng nhỏ sẽ suy sụp). “Trong trường hợp có hai người mua, thì cũng về nhà luôn.” (Tôi biết nếu đòi hỏi hơn hai lời đồng ý, thằng nhỏ cũng sẽ sụp đổ. Tôi đã thấy sự thành công hãm hại người bán hàng chẳng khác nào thất bại. Thế là thằng bé ra đường bán những tấm thiệp cứ như là những chiếc bánh nóng vậy!)
Rồi một ngày Jeff không vâng lời tôi. Vào một ngày tháng Bảy nóng không tưởng tượng nổi, Jeff về nhà sau khi bị từ chối đến mười chín lần. Thằng bé chán nản, ướt sũng mồ hôi và ngã phịch xuống ghế sofa. Nó nói: “Từ giờ, nếu người ta muốn mua thiệp thì họ phải tự đến đây mà mua!”.
Tôi an ủi: “Khoan nào, Jeff. Chỉ là một ngày khó khăn thôi, anh bạn à”. Thằng bé trả lời: “Thôi mà ba, tất cả những đứa trẻ khác đã phát hiện ra con đang làm gì và tụi nó cũng đã bán thiệp rồi”.
Tôi nói: “Ba biết có mấy người ngoài kia muốn mua đấy”. (Mấy người đó phải mua, tôi không thể dùng hết nhiều thiệp như vậy được.) Tôi nói: “Con cần ai đó đi cùng. Hãy tìm cho con một người trợ giúp đi. Đưa em Candy đi cùng cũng được. Trả cho em 10 xu để cầm những chiếc hộp, em sẽ cho con sự hỗ trợ về tinh thần”.
Hai đứa có ra ngoài đó và động viên nhau như tôi nghĩ không? Không hề. Chúng ra ngoài đó rồi bắt đầu túm chặt lấy nhau, rồi cả hai đều bỏ cuộc! (Đó là một lời nhắc nhở to lớn đối với tôi: Nếu bạn chán nản, đừng khóc trên bờ vai của một người bạn. Một người bạn sẽ cho bạn sự thông cảm, thế là bạn cho bản thân mình gấp đôi sự thông cảm mà bạn cần. Tốt hơn bạn nên quay trở lại guồng quay và làm việc chăm chỉ hết mức.)
Bây giờ tôi ôm hết đống thiệp, kèm thêm hai kẻ bỏ cuộc. Tôi đành phải kiếm cách. “Jeff này, thứ Bảy đích thân ba sẽ đi với con luôn.” Sau đó tôi gọi cho một trong những trợ lý của tôi: “Jack ơi, thứ Bảy chúng tôi sẽ đi qua khu Green Lane Farms, Jeff đang bị khủng hoảng kinh tế. Nếu tôi không sớm đưa thằng bé ra khỏi sự khủng hoảng này, thì tôi sẽ phải tự mua hết đống thiệp đó. Tôi sẽ thả thằng bé xuống ở cách nhà anh hai căn. Tôi muốn thằng bé bị từ chối hai lần rồi nhận được một cái gật đầu đang đợi sẵn ở nhà anh nhé”.
Thế là chúng tôi đến Green Lane Farms vào thứ Bảy đó. Căn nhà đầu tiên nói có thay vì từ chối, và căn nhà thứ hai cũng đồng ý mua. Bạn nên thấy mặt Jeff khi nó chạy trở lại xe với những bước chân hớn hở vô bờ. Thằng bé đã có động lực!
Năm ngoái, tôi cho Jeff mượn hai mươi bốn đô-la để kinh doanh sản phẩm vệ sinh nhà cửa. Thằng bé đã bị từ chối đến ba mươi tám lần trong một ngày oi bức tháng Tám, nhưng vẫn không từ bỏ. Nó đã học được rằng nếu bạn giữ vững động lực, thì bạn sẽ chẳng bận tâm đến những lời từ chối, và Jeff biết rằng sẽ có một trải nghiệm kiểu “Green Lane Farms” đang chờ phía trước nếu nó tiếp tục.
Một trong những câu chuyện vĩ đại nhất tôi từng nghe cho thấy việc tạo động lực từ bên ngoài và từ bên trong khác nhau thế nào là do Bob Richards, cựu quán quân môn nhảy sào, kể lại. Một cậu sinh viên đại học trong đội bóng bầu dục quả là vô dụng, một kẻ làm kiểng số một. Cậu ta muốn nghe tiếng hoan hô cổ vũ, nhưng không muốn chịu trách nhiệm. Cậu ta muốn mặc com-lê, nhưng không thích tập luyện. Cậu ta không thích phiền toái.
Một ngày nọ, các cầu thủ đang tập chạy năm mươi vòng và gã lính kiểng kia như thường lệ chỉ chạy có năm vòng. Huấn luyện viên đến bảo: “Ê nhóc, cậu có điện tín này”.
Cậu ta trả lời: “Huấn luyện viên đọc giùm em đi”. Hắn lười đến mức không buồn đọc nữa.
Huấn luyện viên mở ra và đọc: “Con trai yêu quý, cha con mất rồi. Hãy về nhà ngay”. Huấn luyện viên nuốt khan. Ông nói: “Nghỉ hết tuần này về nhà đi nhé”. Mà cho dù cậu ta có nghỉ hết năm thì ông cũng đâu quan tâm.
Một điều lạ lùng nực cười, trận đấu diễn ra vào thứ Sáu tuần đó và cả đội đang chạy ra sân, thì trông kìa, cầu thủ cuối cùng chạy ra chính là tay cầu thủ vô dụng. Ngay khi tiếng súng lệnh báo hiệu bắt đầu vang lên, thằng nhóc nói: “Huấn luyện viên ơi, hôm nay em chơi được không? Em vào chơi được không?”.
Vị huấn luyện viên nghĩ thầm: “Gì vậy nhóc, hôm nay cậu không chơi được đâu. Đây là trận lượt về. Đây là một trận đấu lớn. Chúng ta cần những chàng trai đích thực, mà cậu đâu có nằm trong số đó”.
Mỗi lần huấn luyện viên quay đầu lại, thằng nhóc lại làm phiền ông: “Huấn luyện viên, làm ơn cho em vào chơi đi. Huấn luyện viên, cho em chơi nhé”.
Mười lăm phút đầu kết thúc với điểm số nghiêng hẳn về đội bên kia. Nửa thời gian trôi qua, huấn luyện viên cổ vũ cả đội trong phòng thay đồ: “Được rồi, các quý ông, ra ngoài kia và đá vào mông chúng nó đi. Đường còn dài. Hãy thắng trận này cho ông thầy già nào!”.
Cả đội lao ra và lại bắt đầu vấp chân. Huấn luyện viên lẩm bẩm rằng mình nên viết đơn từ chức là vừa. Cậu chàng lại lên tiếng: “Huấn luyện viên, huấn luyện viên, làm ơn hãy để em vào chơi!”. Huấn luyện viên ngước nhìn lên bảng điểm. Rồi ông bảo: “Được thôi, vào đi, nhóc. Giờ cậu cũng không thể làm mọi chuyện tệ hơn nữa”.
Cậu trai vừa vào sân thì đội của cậu bắt đầu bùng nổ. Cậu ta chạy, vượt, chặn và cản như một ngôi sao. Cậu đã truyền điện cho cả đội. Điểm số bắt đầu tăng dần. Vào những giây cuối cùng của trận đấu, cậu cắt ngang một đường chuyền và ghi bàn để có một chiến thắng sít sao!
Cả sân bùng nổ. Mọi người nhấc bổng người hùng công kênh lên vai. Tiếng reo hò lớn chưa từng thấy. Cuối cùng, khi cơn phấn khích lắng xuống, huấn luyện viên đến gần cậu trai và hỏi: “Thầy chưa bao giờ nhìn thấy điều gì như vậy. Chuyện gì đã xảy ra khi em bước ra ngoài đó vậy?”.
Cậu trai nói: “Thưa huấn luyện viên, thầy biết là ba em mới mất tuần trước”.
Ông đáp: “Ừ, chính thầy đã đọc bức điện tín cho em nghe”.
Cậu trai nói: “Vâng, thưa huấn luyện viên, ba em bị mù, và hôm nay là ngày đầu tiên ông nhìn thấy em chơi bóng!”.
Có vĩ đại không nếu cuộc sống là một trò chơi? Có tuyệt vời không nếu mỗi mặt của cuộc sống ta đều được cổ vũ? Khi chúng ta gặp phải một tình huống bất khả thi, không biết làm thế nào tiếp tục, không một ai hiểu chúng ta, chúng ta sẵn sàng khoanh tay và thốt ra những lời tồi tệ này: “Tôi bỏ cuộc”, thì liệu có tuyệt vời không nếu các khán đài đều vang dội tiếng cổ vũ: “Charlie, hãy tiến lên, chúng tôi ở bên bạn!”. Tôi sẽ nói: “Ồ vâng! Đó là tất cả những gì tôi cần”. Chà, tôi sẽ xuống sân ghi một bàn thắng nữa!
Nhưng cuộc sống không phải là trò chơi, đúng không? Nó là chiến trường. Thay vì là cầu thủ và khán giả, tất cả đều là những chiến binh, bao gồm cả những gã lính kiểng và đào ngũ! Nhưng tất cả đều tham gia chiến đấu, dù có nhận ra điều đó hay không? Và ai biết cách để có động lực thì không cần đến phần cổ vũ. Anh ta sẽ có động lực từ bên trong.