Không có mục tiêu và kế hoạch để đạt được những mục tiêu đó, bạn giống như một con tàu căng buồm ra khơi mà không có đích đến.
BÁC SĨ FIZHUGH DODSON
Đứng ở bất kỳ góc nào của một khu trung tâm sầm uất và dành khoảng mười phút quan sát nhân loại băng qua trước mặt. Bạn đoán xem, có bao nhiêu trong số hàng trăm người đó có những mục tiêu cụ thể trong đời mà họ theo đuổi với tất cả sự say mê?
Nếu thích cá cược, bạn hẳn sẽ có thể cược một số tiền đáng kể, rằng không ai – trong hàng trăm người đi ngang qua đó – có bất kỳ mục tiêu nào kéo dài hơn ngày hôm đó.
Việc thiết lập mục tiêu của những cá nhân này, nếu bạn có can đảm hỏi, sẽ là “cái gì đó sếp đề ra” khi lập kế hoạch ngân sách cho năm tới. Thiết lập mục tiêu là điều mà các huấn luyện viên thể thao thường làm. Thiết lập mục tiêu là điều mà tổng thống, thống đốc và những người gây quỹ luôn nói đến vì chúng liên quan đến những quá trình hoạt động lâu dài. Nhưng làm sao chúng ta có thể nghĩ về việc thiết lập mục tiêu cho chính mình trong khi không đủ khả năng chi trả?
Có lẽ họ không đủ khả năng chi trả, và có khi sẽ không bao giờ đủ, bởi vì họ không có mục tiêu, không có những kế hoạch cụ thể để cải thiện cuộc sống của họ, trau dồi tài năng của họ, mở mang kiến thức của họ hay nâng cao giá trị của họ đối với xã hội! Đáng tiếc thay, phần lớn họ đều là hoa tiêu của những con tàu không hướng về một nơi nào cả!
Bác sĩ Fitzhugh Dodson đã trở nên nổi tiếng toàn cầu qua hai tác phẩm kinh điển về nuôi dạy trẻ: Cách nuôi dạy con (How to Parent) và Cách làm cha (How to Father). Không giống như nhiều hệ thống thiết lập mục tiêu phức tạp khác, tác giả của cuốn sách Tương lai khả dĩ (The You That Could Be) sẽ chia sẻ cho bạn một kế hoạch đơn giản và bình thường để có được hạnh phúc, giúp bạn bắt đầu lập kế hoạch cho một cuộc đời xứng đáng với bạn.
Tôi muốn nói về những mục tiêu và kế hoạch của bạn, và làm thế nào bạn có thể lập trình bản thân để thành công. Cái Tôi Tiềm Năng của bạn phát triển mạnh trên những mục tiêu cân đối, phản ánh được điều gì là quan trọng với bạn.
Mỗi mục tiêu là một điều mà bạn muốn đạt được. Còn kế hoạch là con đường cụ thể đưa bạn đến với mục tiêu đó. Cả mục tiêu và kế hoạch đều là những ý tưởng trong tâm trí bạn.
Hãy nhìn quanh bạn. Mọi thứ bạn nhìn thấy trong thế giới xung quanh (trừ những phần thuộc về tự nhiên) ban đầu chỉ là một ý tưởng trong suy nghĩ của một ai đó. Quần áo bạn đang mặc. Chiếc xe bạn đang lái. Âm nhạc bạn đang nghe.
Ngay cả những dòng bạn đang đọc đây ban đầu cũng là một ý tưởng trong đầu tôi. Rồi ý tưởng đó biến thành mục tiêu, và tôi vạch ra một kế hoạch để đạt được nó. Cái máy chữ tôi dùng để gõ ra bắt nguồn từ ý tưởng của một người đàn ông sống ở nước Anh thế kỷ 18, tên là Henry Mill. Từ đó, nó liên tục được phát triển và điều chỉnh bởi hàng loạt người khác và đại diện cho một mục tiêu đã đạt được của mỗi người họ. Mọi thứ bạn mặc, mọi thứ trong nhà bạn, ngay đến chính căn nhà/tòa nhà cũng phải được nghĩ ra trước khi có thể hiện hữu. Và rồi sự thiết kế, sản xuất và quảng cáo trở thành mục tiêu cho một ai đó. Ngay cả chiếc bàn chải đánh răng của bạn ban đầu cũng là một ý tưởng, với một kế hoạch cụ thể để đạt được nó.
Tất cả những vật hữu hình ban đầu đều là những mục tiêu, kế hoạch hay ý tưởng trong suy nghĩ của con người. Đó là một khái niệm mang tính cách mạng, một khi bạn thực sự cho phép nó tóm lấy bạn, vì nó nói lên tầm quan trọng của thế giới tư tưởng. Không may, nhiều người có xu hướng đánh giá thấp thế giới tư tưởng. Khi chúng ta nói ai đó là người lao động trí óc, thì không phải lúc nào cũng có ý khen ngợi. Chúng ta xem trọng những người “thực hiện” mà quên rằng tất cả những người “thực hiện” trước hết phải là một người suy nghĩ. Việc nhìn mọi thứ một cách thiếu sót như vậy ngăn cản chúng ta nhìn rõ rằng thế giới thay đổi bởi những mục tiêu và kế hoạch nảy sinh trong đầu óc con người.
Thực sự không thể tin được khi bạn nhận ra rằng hệ thống trường học của chúng ta kiên quyết từ chối dạy cho học sinh cách để đặt ra những mục tiêu cho chính mình và lên kế hoạch thực tế để đạt được chúng. Bạn đã từng nghe về khóa học nào như vậy ở trường trung học chưa? Ở trường đại học thì sao? Tôi thì chưa bao giờ.
Thông thường, các trường tôi học thậm chí còn không thèm để ý rằng những hoạt động thiết yếu như vậy có tồn tại nữa. Suy nghĩ về việc thiết lập mục tiêu và lập kế hoạch chỉ tình cờ xuất hiện trong tâm trí của nhiều người. Nhưng người ta cho rằng trong việc đạt được thành công ở mọi lĩnh vực của đời sống, có những thứ quan trọng là học cách thực hiện nó. Quan niệm này đã thực sự trở thành một lối sống, và được truyền từ đời này sang đời khác.
Thỉnh thoảng tôi nói với mọi người về mục tiêu và kế hoạch, rồi hỏi họ là chúng có gợi nên điều gì trong tâm trí họ không. Phần lớn đều nói: “À thì thành công trong giới kinh doanh, khoa học hay cái gì đó tương tự vậy”. Họ thường bỏ qua những thứ không liên quan đến nghề nghiệp, thế giới riêng tư, như đời sống hôn nhân của họ chẳng hạn.
Tôi nghĩ đến một bệnh nhân cũ của tôi, anh Arthur bốn mươi ba tuổi, làm chủ một doanh nghiệp riêng, đến gặp tôi vì ngày càng xuất hiện nhiều “những cơn đau thần kinh” khi anh ta suy nghĩ về công việc. Anh vừa mới mở cửa hàng thời trang nam thứ hai. Các cửa hàng rất ổn về mặt tài chính, nhưng anh ngày càng gặp nhiều vấn đề với người quản lý của cửa hàng mới mở. Người quản lý đó là nhân viên mà anh vừa ý nhất cho đến khi cậu ta nắm giữ vị trí mới. Bây giờ, cậu ta đột nhiên muốn thay đổi nhiều quan niệm đã đem lại thành công cho Arthur ở cửa hàng đầu tiên. Luôn luôn tự hào về óc phán đoán trong kinh doanh của mình, nhưng giờ đây Arthur đang mất dần sự tự tin vào bản thân. Liệu có phải anh đang sa sút theo thời gian? Ở tuổi bốn mươi ba, có phải anh đang biến thành một lão già cổ hủ chăng?
Khi thảo luận về những vấn đề kinh doanh, Arthur tiếp tục đề cập về vợ anh, Marie. Họ đã kết hôn được hai mươi năm và có hai đứa con ở tuổi thiếu niên. Anh thường nhắc về việc vợ đã hỗ trợ và ân cần như thế nào trong buổi ban đầu, khi anh đang gắng sức để thiết lập nên doanh nghiệp của mình. Mặc dầu anh không đến với tôi để tư vấn về hôn nhân, nhưng chúng tôi bắt đầu thảo luận về mối quan hệ của anh với Marie. Tôi chỉ ra rằng sự khăng khít mà anh có được trong giai đoạn đầu hôn nhân dường như đã bị thay thế bởi một sự phẳng lặng buồn tẻ. Tôi đề nghị rằng chúng tôi cũng nên nghĩ ra một vài mục tiêu và kế hoạch cho cuộc hôn nhân của anh. Arthur nói: “Bác sĩ à, tôi thật ngạc nhiên! Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc thiết lập mục tiêu cho cuộc hôn nhân của tôi giống như vẫn làm trong công việc!”. Anh hơi ngượng ngập một chút khi tâm sự rằng trước khi kết hôn, anh đã từng “rất lãng mạn” với vợ, vì anh đã chuẩn bị trước, nhưng nhiều năm nay họ không còn làm bất kỳ điều gì tự giác hay lãng mạn nữa.
Sau cuộc thảo luận quan trọng ấy, chúng tôi quyết định bắt đầu với một vài kế hoạch đơn giản để thực hiện những mục tiêu mới tìm ra về việc đưa một chút lãng mạn trở lại cho cuộc hôn nhân của Arthur. Tôi đã đề nghị bắt đầu với những kế hoạch dễ đạt được nhất. Anh ta quyết định mua một số thiệp ghi “những thông điệp tình yêu” cho vợ và gửi lần lượt từng tấm cho cô ấy. Anh kể rằng vẫn tổ chức kỷ niệm ngày cưới của họ vào ngày 16 tháng Sáu hằng năm như một bổn phận. Vậy nên tôi đề xuất bổ sung kế hoạch tổ chức “kỷ niệm” vào ngày 16 hằng tháng. Và cuối cùng, tôi đề xuất Arthur đưa vợ ra ngoài ăn thường xuyên hơn, chỉ có hai người họ, không dắt các con theo.
Hẳn nhiều người đang nghĩ: “Dào ôi, chẳng có tự giác gì trong những kế hoạch đó cả. Chẳng phải là những thứ tương tự vậy anh ta nên tự mình nghĩ đến ư?”. Chắc chắn rồi. Nhưng câu trả lời là nếu tôi bỏ mặc nó lại cho Arthur, anh hẳn sẽ không bao giờ tự giác nghĩ đến chúng! Cứ như vậy, một khi anh bắt đầu thực hiện chương trình này, vợ anh vui sướng đến mức cô ấy bắt đầu nấu những món đặc biệt mà anh thích và quan tâm bằng những điều nho nhỏ khác như cô từng làm trong những ngày đầu cuộc hôn nhân của họ. Anh hạnh phúc nói với tôi: “Chúng tôi đang bắt đầu sống trong một kiểu ‘tình yêu sét đánh’ mà tôi đã quên mất từ lâu”. Và nhân thể, khi mối quan hệ hôn nhân bắt đầu thay đổi, anh cũng tiến bộ rất nhiều trong những mối quan hệ kinh doanh. Sự sáng tạo trong một lĩnh vực thường hỗ trợ cho lĩnh vực khác.
Thật không may là hầu hết mọi người không có mục tiêu hay kế hoạch, nhưng chuyện đó cũng chẳng đáng ngạc nhiên, bởi vì toàn bộ khái niệm này là một lĩnh vực bị phớt lờ trong nền văn hóa của chúng ta. Nhiều người chỉ tồn tại ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, năm này qua năm khác. Những người khác có mục tiêu, nhưng rất mơ hồ hoặc thụ động, gần như không có giá trị gì. Thường thì tôi gọi chúng là “những mục tiêu tiền bạc”. Họ muốn một chiếc Porsche mới, một chuyến du lịch đến châu Âu hay một chiếc áo lông chồn. Tốt thôi. Ai mà chẳng như vậy chứ? Nhưng để đạt được những mục tiêu như vậy, bạn cần tiền. Về điểm này, con người thường khá mơ hồ và không có kế hoạch làm thế nào để có được số tiền đó.
Một số người thuộc loại có mục tiêu nhưng chúng vẫn ở trong suy nghĩ vô thức của họ, mơ hồ và không xác định rõ. Những người này không bao giờ dành thời gian ngồi xuống và xác định chính xác những mục tiêu cụ thể cho cuộc sống của họ.
Ấy vậy mà còn những người khác lại có những mục tiêu bất khả thi. Một trong những bệnh nhân cũ của tôi tên Bruce có mục tiêu là nghỉ hưu sớm ở tuổi ba mươi lăm. Bởi vì anh ta không thể thực hiện được điều đó, nên nó đã hủy hoại ngày sinh nhật thứ ba mươi lăm của anh ta. Tất nhiên, đó là một mục tiêu phi thực tế, dù rằng chàng trai trẻ ấy đã thành công vang dội trên thương trường thế giới. Nhưng bao nhiêu người có thể nghỉ hưu trước tuổi ba mươi lăm chứ? Rồi sao nữa? Và tại sao? Trong trường hợp của Bruce, anh ta không có bất kỳ suy nghĩ cụ thể nào về những điều mà anh ta sẽ làm sau khi nghỉ hưu. Nghỉ hưu là toàn bộ mục tiêu của anh ta hơn là thứ gì liên quan đến cuộc sống sau khi nghỉ hưu đó. Nếu thực sự nghỉ hưu ở tuổi 35 thì hẳn anh ta đã khám phá ra rằng đó là một thành tựu vô nghĩa. Mục tiêu của người đàn ông này không chỉ phi thực tế, nó còn không hoàn chỉnh nữa.
Bây giờ tôi muốn chỉ cho các bạn làm thế nào để phát triển những mục tiêu ý nghĩa, làm thế nào để xác định rõ chúng và làm thế nào để tạo ra những kế hoạch cụ thể để đạt được chúng.
Đầu tiên là lĩnh vực công việc. Có lẽ bạn có nhiều mục tiêu trong đầu ở lĩnh vực này, bao gồm cả “những mục tiêu tiền bạc”, như là du lịch, một ngôi nhà mới, một chiếc xe mới hay cho con học đại học. Nơi bạn có thể dễ đạt được những mục tiêu tiền bạc là trong thế giới công việc.
Về lĩnh vực hôn nhân. Việc thiết lập mục tiêu trong lĩnh vực này có lẽ là tránh sự ly dị trong tương lai, hoặc làm sâu sắc thêm mối quan hệ vốn dĩ đã tốt đẹp.
Về lĩnh vực con cái. Hầu hết phụ huynh có rất ít mục tiêu và kế hoạch cho con cái. Giống như những người lính cứu hỏa, họ đổ vây đến để dập tắt những đám cháy hằng ngày và quá bận rộn đến nỗi không thể thiết lập những mục tiêu và kế hoạch dài hạn. Những bậc cha mẹ đó đang bỏ quên rất nhiều điều trong mối quan hệ tình cảm giữa họ với con cái khi không nghĩ về định hướng tương lai cho con.
Nếu chưa kết hôn, thì có lẽ bạn sẽ quan tâm đến việc thiết lập những mục tiêu và kế hoạch để tìm thấy và kết hôn với ai đó cho bạn một mối quan hệ hạnh phúc lâu dài. Như ai đó từng nói: “Phần lớn mọi người dành nhiều thời gian và sự quan tâm vào việc chọn một chiếc xe mới hơn là chọn đúng người để sống chung suốt quãng đời còn lại”.
Cuối cùng là về lĩnh vực bạn bè. Trong văn hóa ngày nay, hầu hết các mối quan hệ bạn bè quả là hời hợt. Bạn có lẽ sẽ muốn thiết lập một vài mục tiêu và kế hoạch ở đây.
Việc đề cập đến những lĩnh vực trên có gợi ra điều gì trong suy nghĩ của bạn không? Bạn đã có mục tiêu trong tâm trí rồi chứ, hoặc bạn đã có một hai ý tưởng mới chưa? Rõ ràng rất cần phải dành chút thời gian để ngẫm nghĩ về điều đó. Hãy cân nhắc những điều này khi thực hiện những công việc thường nhật – nghĩ về công việc của bạn và phần thưởng của nó; chất lượng sống của gia đình bạn, cuộc hôn nhân của bạn, mối quan hệ của bạn với con cái hoặc bạn bè của bạn. Hãy nghĩ về tương lai của các con. Hãy nghĩ về sự tồn tại ngày qua ngày của bạn. Hãy vận dụng trí tưởng tượng khi cân nhắc những khía cạnh này trong cuộc sống của bạn và nghĩ ra cách để thay đổi hay gia cố chúng. Hãy để óc sáng tạo của bạn tưởng tượng; hãy nghĩ ra những ý tưởng độc đáo. Háy tái khám phá những ước mơ của bạn.
Tại một thời điểm nào đó trong quá trình này, có lẽ trong một ngày hoặc lâu hơn, bạn sẽ sẵn sàng cho việc lập kế hoạch cụ thể. Đây là bước quan trọng nhất – hành động cụ thể theo suy nghĩ.
Dành ra nửa giờ không bị xao lãng để liệt kê ra những mục tiêu trước đây bạn từng nghĩ đến, thêm vào bất kỳ điều gì vừa nảy ra trong đầu. Bao gồm cả những mục tiêu táo bạo nhất bạn có thể hình dung ra. Đừng lo lắng rằng mục tiêu của mình có thực tế hay không tại thời điểm này; chỉ cần viết ra thôi. Sau khi ghi lại đầy đủ tất cả các mục tiêu, hãy kiểm tra lại cẩn thận danh sách đó rồi chọn ra năm cái quan trọng nhất với bạn. Có lẽ bạn sẽ thấy đây là một quá trình rất hứng thú.
Bước tiếp theo là xác định làm thế nào để đạt được mỗi mục tiêu trong số năm cái vừa nêu. Đây là điểm mà hầu hết mọi người đều lạc lối bởi vì họ khởi hành với một kế hoạch quá tham vọng. Cuối cùng, khi điều đó không thể đạt được ngay lập tức, họ sẽ chán nản và từ bỏ. Đó là những người không được học bài học của máy giảng dạy20.
20 Máy giảng dạy (teaching machine) do Sidney L. Pressey phát minh vào giữa thập niên 1920, dùng để cung cấp các tư liệu học tập và giảng dạy sinh viên. Sau này giáo sư B. F. Skinner của Đại học Harvard phát minh ra một loại máy giảng dạy khác dành cho mọi lứa tuổi.
Mặc dù nhiều người trong các bạn đã từng nghe cụm từ “máy giảng dạy”, nhưng có lẽ bạn không quen với cách thức hoạt động của nó hay những nguyên tắc tâm lý mà nó dựa vào. (“Người anh em” của máy giảng dạy, sách giáo trình, là chiếc máy giảng dạy trong hình thức quyển sách, cũng dựa trên cùng những nguyên tắc như vậy). Máy giảng dạy hay sách giáo trình được thiết lập để người học khởi đầu bằng việc trả lời những câu hỏi rất dễ. Người học không thể chuyển sang câu hỏi tiếp theo nếu chưa trả lời được câu hỏi trước đó. Cuối cùng, ở cuối chương trình hay sách, người học sẽ trả lời những câu hỏi rất khó. Máy giảng dạy hay sách giáo trình được xây dựng để học sinh thành công ngay khi khởi đầu.
Hãy để máy giảng dạy trở thành hình mẫu của bạn. Trước tiên, hãy viết ra mục tiêu của bạn; tiếp theo hãy chia nhỏ mục tiêu của bạn thành một loạt các bước, bắt đầu với những bước đi dễ dàng tới mức ngớ ngẩn. Ví dụ, tôi có một bệnh nhân cũ tên Max, bốn mươi sáu tuổi, anh ta thực sự vượt ra ngoài khuôn khổ về hình thể. Một trong những mục tiêu của Max là lấy lại vóc dáng hình thể đẹp. Khi tôi hỏi anh định lên kế hoạch như thế nào để làm được điều này, Max nêu tên một phòng gym – nơi đắt đỏ nhất trong vùng – và bảo anh sẽ đăng ký chương trình thể hình toàn diện của trung tâm đó. Anh định sẽ bơi hai mươi vòng trong bể bơi của câu lạc bộ mỗi sáng trên đường đi làm, và ghé lại trên đường về nhà mỗi tối để tập thể dục trên những chiếc máy của họ. Tôi nhận ra ngay rằng đây là một chương trình quá công phu và Max chỉ kéo dài được vài tuần là cùng thôi.
Tôi đã đề xuất rằng chúng tôi nên sử dụng phương pháp máy giảng dạy để thay thế. Max thích chạy bộ, bởi vậy chúng tôi tán thành rằng anh nên bắt đầu bằng việc chạy bộ xung quanh nhà và sân chỉ ba phút mỗi ngày. Max muốn tập gập bụng để cải thiện cơ bụng. Chúng tôi đã quyết định để anh gập bụng chỉ một cái mỗi ngày trong tuần đầu tiên. Dĩ nhiên, với việc bắt đầu bằng chương trình rất dễ này, anh đã thành công. Từng chút từng chút một, suốt năm tháng trời, anh đã tiến triển đến mức chạy bộ nửa tiếng và gập bụng năm mươi cái mỗi sáng.
Khi bạn đang lập một kế hoạch từng bước một để đạt được mục tiêu của mình, bất kể nó là gì, hãy nghĩ đến Max và chương trình luyện tập thể chất của anh. Hãy bước những bước đầu tiên đến mục tiêu dễ dàng tới mức ngớ ngẩn để chắc chắn rằng bạn sẽ thành công. Sau đó tăng dần lên. Đừng vội vã.
Khi nghĩ về Max và chương trình luyện tập thể chất của anh, tôi chợt nhớ đến Janet, một bệnh nhân cũ khác. Cân nặng của Janet tăng lên hạ xuống trong nhiều năm. Cô hẳn đã tăng, rồi giảm và rồi lại tăng đến hơn chục ký ít nhất hàng tá lần. Những gì cô thực sự muốn là giảm cân và không bị tăng cân trở lại. Khi chúng tôi thảo luận về mục tiêu này, Janet nhận ra rằng trong quá khứ cô ấy giảm được nhiều cân rất nhanh bằng cách nhịn đói, nhưng rồi trở lại số cân nặng cũ thật nhanh chóng.
Janet đã đọc rất nhiều sách nói về kiểm soát cân nặng và cô nhận ra rằng mình có lẽ sẽ có cơ may giữ được mức cân nặng như ý nếu giảm cân chậm hơn. Sau khi thảo luận chút ít, cô quyết định sẽ cố gắng giảm chỉ nửa pound (225 gram) trong một tuần. Bởi vì cần ăn ít hơn chế độ ăn bình thường 3.500 calorie để giảm một pound (450 gram) trong một tuần, Janet chỉ cần bớt đi hơn 250 calorie mỗi ngày để giảm nửa pound trong một tuần. Đó không phải là một nhiệm vụ bất khả thi. Và để khiến nó dễ dàng hơn, cô ấy đặt ra một hệ thống khen thưởng cho chính mình. Do được trả lương mỗi hai tuần, nên cô ghi chú trên lịch cân nặng mong muốn đạt được vào mỗi kỳ nhận lương suốt sáu tháng tiếp theo. (Tức là giảm được một pound so với cân nặng của kỳ lãnh lương trước đó). Nếu giảm được một pound thật, cô sẽ tự mua cho bản thân một món quà đắt tiền (miễn sao không phải là thức ăn!). Việc thưởng cho bản thân vì đạt được mục tiêu trong mỗi giai đoạn tỏ ra là khích lệ thêm mà Janet cần. Vì lần đầu tiên trong đời, cô không chỉ giảm được cân nặng, mà còn không tăng cân trở lại.
Một ví dụ nữa nói về một vùng hoàn toàn khác trong các mối quan hệ con người. Một bệnh nhân nữ ba mươi hai tuổi tên Ellen tràn ngập cảm giác cô lập sau khi ly hôn. Mục tiêu của cô ấy là quay trở lại thế giới của những mối quan hệ xã hội, nhưng cô ấy cực kỳ sợ bị khước từ. Tôi đã đề xuất một kế hoạch nhiều bước. Đầu tiên, cô ấy sẽ xin làm hội viên hội Cha Mẹ Đơn Thân, nhưng cô ấy sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động nào trong tháng đầu. Thực tế, cô ấy không được đọc cả những bản tin hằng tháng liệt kê các hoạt động của hội. Tháng thứ hai, cô ấy sẽ đọc hết bản tin nhưng không tham gia bất kỳ hoạt động nào. Tháng thứ ba, cô ấy sẽ tham gia một buổi thảo luận duy nhất. Tháng thứ tư, cô ấy sẽ tham gia hai buổi thảo luận. Cuối cùng, tháng thứ năm, cô ấy sẽ tham gia một vũ hội. Kế hoạch đó đã có hiệu quả. Với mỗi tháng thành công và mỗi bước thành công, cô ấy đã dần có được dũng khí để cố gắng thực hiện bước tiếp theo của kế hoạch.
Những bước đầu tiên có vẻ như quá chậm chạp đến mức chúng dường như không có ý nghĩa gì, và bạn sẽ cảm thấy như “chẳng có gì xảy ra cả”. Sai lầm! Một điều gì đó đang xảy ra, nhưng nó không đặc biệt rõ ràng. Điều xảy ra là Cái Tôi Tiềm Năng của bạn đang dần ăn khớp với thành tựu sau cùng trong mục tiêu của bạn.
Một vài người, khi cố gắng đạt được mục tiêu, nhận thấy bản thân họ đã bị sự trì trệ tóm lấy khi đến thời điểm hành động. Nếu điều này xảy ra với bạn, dù đang thực hiện những bước nhỏ đảm bảo, thì đây là lúc để tự kiểm tra lại mục tiêu của bạn. Hãy cân nhắc xem thật ra nó quan trọng đến mức nào, rồi loại bỏ mục tiêu đó (và thay thế bằng một mục tiêu phù hợp hơn) hay tiếp tục thực hiện các bước với một cảm giác tươi mới về giá trị của việc đạt được mục tiêu đó.
Khi bạn chọn ra năm mục tiêu đầu tiên, hãy đảm bảo đã dành cho trí óc vô thức của bạn cơ hội giúp lên kế hoạch các bước để giúp chúng trở nên hiệu quả. Khi cả trí óc vô thức và hữu thức đều tác động tới vấn đề, bạn sẽ tận dụng được tối đa các nguồn sáng tạo trí óc của mình.
Đề xuất của tôi để có thể hoàn thành tốt nhất giai đoạn lập kế hoạch là viết ra, một cách ngắn gọn lên vài ba tấm thẻ, năm mục tiêu và bất kỳ bước nào để đạt được chúng. Dán một tấm lên gương soi để có thể nhìn thấy nó mỗi ngày. Bỏ cái thứ hai vào túi hay ví tiền của bạn. Bằng cách này, ngày nào bạn cũng sẽ suy nghĩ, cả vô thức và hữu thức, về năm mục tiêu và những bước để đạt được mục tiêu đó. Tôi không có ý để bạn phải phiền muộn hay lo âu, gây áp lực buộc bản thân bạn phải bắt kịp tức thì với “con đường đúng đắn” để đạt được chúng. Chỉ cần chú ý nghĩ về chúng liên tục hết lần này đến lần khác khi bạn thực hiện những công việc thường ngày. Đồng thời, tiềm thức của bạn cũng sẽ thực hiện công việc của nó. Tiềm thức thường sẽ góp phần vào thời điểm không ngờ tới, như khi bạn đang ăn trưa hay chơi tennis. Khi điều này xảy ra, hãy nhanh chóng ghi lại ý tưởng ngay khi có thể.
Nếu bạn tình cờ chọn một nỗ lực tầm xa, như trở thành bác sĩ, bạn sẽ cần chia nhỏ nó thành nhiều, nhiều bước và dẫn dắt đến nó. Dĩ nhiên, tính thực tiễn xung quanh những mục tiêu là rất quan trọng. Nếu bạn năm mươi tuổi, thì rõ là phi thực tế khi muốn trở thành bác sĩ. Điều đó có thể làm được nếu bạn hai mươi tuổi. Đầu tiên, hãy xác định rằng bạn có hành trang về trí tuệ và khả năng kiềm chế cảm xúc trong công việc. Cần làm một đánh giá chuyên nghiệp về điều này trước khi gắn kết với mục tiêu.
Một vài mục tiêu có vẻ thực tế khi bạn đặt ra, nhưng đời luôn thay đổi. Đừng lừa dối bản thân khi nghĩ rằng mọi thứ đều đứng yên trong khi bạn tiến về phía các mục tiêu của bạn. Mục tiêu của bạn có thể là cải thiện mối quan hệ vợ chồng, nhưng trong khi bạn đang cố gắng thực hiện điều đó thì vợ bạn lại bắt đầu muốn ly hôn. Mục tiêu của bạn có thể là để trở thành chủ tịch công ty. Nhưng một phát kiến khoa học mới đột nhiên tạo ra khả năng hình thành một bộ phận sản xuất mới trong cơ cấu tổ chức của công ty. Bạn nhận ra rằng phần thưởng thực sự của bạn nằm ở việc điều hành bộ phận mới đó hơn là toàn bộ công ty. Quan trọng là bạn không được nghĩ rằng những mục tiêu hay kế hoạch để đạt được chúng là bất biến, không thể thay đổi được. Các mục tiêu được tạo ra là để bị thay thế, và các kế hoạch được lập ra để bị thay đổi. Bạn không “thất bại” nếu thay một mục tiêu hay thay đổi một kế hoạch, cho dù sự lựa chọn đó có là của bạn hay không.
Mỗi mục tiêu là một lý tưởng, nhưng một vài thứ bên ngoài tầm kiểm soát của bạn có thể buộc bạn phải hạ tầm nhìn xuống. Trên thực tế, có thể bạn chỉ đạt được 25% mục tiêu ban đầu bạn đặt ra. Nhưng nhớ rằng, nếu bạn không đặt ra mục tiêu ấy thì có lẽ bạn sẽ không đạt được ngay cả 25% đó nữa.
Ví dụ, bạn có thể đặt ra mục tiêu là làm cho các con tham gia tích cực hơn vào việc nhà. Bạn xây dựng một loạt kế hoạch để làm cho các con gắn kết với những hoạt động này. Nhưng sau những nỗ lực đáng kể về phía bạn và phía các con bạn, chúng vẫn chỉ làm có khoảng 50% những công việc mà bạn muốn. Nhìn như thể là mọi chuyện sẽ không cải thiện hơn được chút gì, cho dù bạn cố gắng đến đâu đi nữa. Rồi bạn chợt tỉnh ngộ, chấp nhận 50% là điều tốt nhất chúng có thể làm được, chúc mừng các con và bản thân bạn vì sự cải thiện mà chúng đã làm được.
Một vài mục tiêu là những lý tưởng mà bạn sẽ muốn tiếp tục phấn đấu vì chúng mặc cho những khó khăn. Nhưng khi một mục tiêu dường như không còn thực tế thì tốt nhất nên chuyển sự chú tâm của bạn sang những mục tiêu khác. Một mục tiêu không bao giờ nên được dùng như một tiêu chuẩn hoàn hảo, buộc bạn phải gọi bản thân mình là “kẻ thất bại” nếu không đạt được nó 100%.
Nếu bạn làm những thứ được vạch ra ở đây, thì bạn hầu như có thể đảm bảo rằng bạn sẽ thành công trong cuộc sống hơn hầu hết mọi người. Bạn sẽ xác định được rõ ràng các mục tiêu, mỗi lần năm mục tiêu. Bạn có thể không đạt được hết mọi mục tiêu đó, nhưng ít nhất bạn sẽ đạt được phần nào trong mỗi mục tiêu.
Nhớ sử dụng mô hình máy giảng dạy khi lập trình các kế hoạch để đạt được mục tiêu. Luôn bắt đầu với những kế hoạch dễ dàng đến mức ngớ ngẩn trước. Điều này không chỉ giúp bạn khởi động, mà còn khởi động một cách thành công. Rất có thể bạn sẽ tiếp tục thành công khi nâng lên những bước khó hơn.
Tất cả những điều trên đều linh hoạt. Đừng do dự khi thay đổi một mục tiêu hay kế hoạch bất kỳ lúc nào. Đừng để các mục tiêu điều khiển bạn. Hãy điều khiển chúng. Bởi vì rốt cuộc thì bạn chỉ đang cố gắng tăng thêm sức ép và gánh nặng cho đời mình mà thôi.
Nhưng hãy cẩn thận, đừng để bản thân rơi vào tình huống mà các mục tiêu của bạn chỉ liên quan tới công việc hay việc kiếm tiền thôi. Hãy nhớ đến đời sống vợ chồng của bạn, con cái và bạn bè của bạn, đó cũng là những lĩnh vực quan trọng cần được cải thiện trong cuộc sống.
Tôi đã đề xuất rằng bạn nên bắt đầu bằng cách chọn ra năm mục tiêu, đó là một con số hợp lý để tập trung vào. Hiển nhiên bạn sẽ không giữ mãi năm mục tiêu đó. Sẽ có một trong hai khả năng sau xảy ra. Khi bạn đạt được một mục tiêu, bạn sẽ gạch chéo nó trong danh sách và thay thế bằng một mục tiêu mới; hoặc bạn sẽ nhận ra rằng một mục tiêu nào đó không còn thực tế hay đáng ước ao nữa, và bạn sẽ điều chỉnh hoặc thay thế nó. Khác với những người chỉ đơn giản là sống cho qua ngày, cuộc sống của bạn sẽ luôn bị tập trung vào những mục tiêu cụ thể với những kế hoạch cụ thể để đạt được chúng. Bạn sẽ luôn chuyển động ở tất cả những lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống với một nhịp độ vững vàng, kiên định. Bạn sẽ cải thiện vị thế của mình và ngày càng hạnh phúc hơn.