Giá trị thực của bạn đối với thế giới luôn được xác định bởi những gì còn lại sau khi những thói xấu của bạn đã được tách ra khỏi những thói quen tốt.
BENJAMIN FRANKLIN
Hiếm có con người khôn ngoan nào mà không có một định nghĩa rõ ràng về thói quen.
John Dryden đã nói: “Đầu tiên chúng ta tạo nên thói quen, sau đó thói quen tạo nên chúng ta”. Horace Mann viết: “Thói quen là một sợi cáp. Mỗi ngày chúng ta dệt thêm một cọng chỉ vào sợi cáp đó, rồi cuối cùng chúng ta không thể bứt nổi nó nữa”. Còn Samuel Johnson cho rằng: “Những xiềng xích thói quen thường quá yếu đến mức ta không cảm nhận được cho tới khi chúng quá mạnh khiến ta không thoát nổi”.
Nếu lớp học này bị nhồi nhét vượt quá sức chứa của nó thì đó là bởi vì tất cả các bạn đã hội tụ vì một mục đích: nghe bậc thiên tài đích thực hàng đầu của nước Mỹ, Benjamin Franklin, giảng giải bằng phong thái đặc trưng của riêng ông rằng ông thật ra đã làm thế nào để từ bỏ xiềng xích của những thói quen xấu, những thói quen mà lẽ ra đã ngăn cản ông đạt đến tầm vóc mà cuối cùng ông đã đạt được.
Trong suốt cuộc đời, bạn tích lũy hàng ngàn thói quen. Hầu hết là những thói quen tốt. Một số thậm chí cần thiết cho sự sinh tồn của bạn. Ví dụ, hẳn là bạn có lái xe một lần trở lên mỗi ngày. Ngay sau buổi học lái xe đầu tiên, vô số hành động cần thiết để lái chiếc xe của bạn trở thành thói quen. Nếu bạn luôn phải dừng lại và suy nghĩ trước khi bạn tiến hành mọi bước cần thiết để lái xe, thì có lẽ nói ngắn gọn là bạn đã trở thành một hung thần xa lộ.
Cùng với tất cả những thói quen tốt đó, bạn biết mình cũng có một vài thói quen gây hại và nếu bị thúc ép, bạn có thể soạn ra một danh sách khá hoàn chỉnh đấy. Nếu bạn tình cờ cảm thấy có lỗi với bản thân thì bạn thậm chí có thể thừa nhận rằng bạn nhận ra chúng đang trì kéo bạn tụt lại phía sau, nhưng bạn hoàn toàn không biết làm gì với chúng.
Điều đó sẽ không còn là lời bào chữa của bạn nữa, sau khi ngài Franklin, trong đoạn trích từ cuốn Tự truyện của Benjamin Franklin (The Autobiography of Benjamin Franklin), trò chuyện với bạn…
Mặc dầu tôi hiếm khi tham dự bất kỳ buổi lễ nhà thờ nào, nhưng tôi vẫn cho rằng nó phù hợp và có ích khi được thực hiện đúng cách, tôi thường quyên góp mỗi năm để ủng hộ cho vị mục sư duy nhất của Giáo hội Trưởng lão hay cuộc họp mà chúng tôi tổ chức ở Philadelphia. Ông ấy trước đây thỉnh thoảng có đến thăm tôi với tư cách một người bạn và khuyên tôi tham dự những buổi lễ của ông, và đôi lúc tôi cũng có đi, một lần cho năm ngày Chủ nhật liên tiếp. Trong suy nghĩ của tôi, ông là một nhà thuyết giáo tài năng, có thể tôi lẽ ra đã tiếp tục, dù thỉnh thoảng mới rảnh rỗi ngày Chủ nhật để tham gia; nhưng các bài diễn thuyết của ông chủ yếu là những cuộc luận bàn bút chiến, hay những bài giảng về các học thuyết đặc biệt, tất cả đối với tôi đều rất khô khan, không thú vị, và không giúp mở mang trí óc, bởi vì không một nguyên tắc đạo đức riêng biệt nào được khắc sâu hay buộc phải tuân theo, mục đích của chúng dường như là biến chúng ta thành những tín đồ của Giáo hội Trưởng lão hơn là thành những công dân tốt.
Ông nói rất nhiều về bài viết phân tích chương bốn của Sách Philippians trong Kinh Cựu Ước: “Rốt cuộc, hỡi anh em, bất kỳ điều gì là chân thật, chính đáng, công bằng, thanh sạch, đáng yêu chuộng, hay có tiếng tốt, nếu có thứ gì đức hạnh, hay đáng ngợi khen, thì anh em phải nghĩ đến”. Và tôi tưởng tượng, trong một bài thuyết giảng ở một đoạn văn như vậy, chúng ta không thể thiếu vắng những đạo lý. Nhưng ông lại tự giới hạn mình trong chỉ năm vấn đề, bởi vì các tông đồ đã định như thế, đó là: 1. Giữ sự linh thiêng của ngày Sabbath; 2. Chăm chỉ đọc Kinh thánh; 3. Tham dự đủ các thánh lễ; 4. Tham gia rước lễ; 5. Dành một sự tôn trọng thích đáng cho các mục sư của Chúa. Những điều này có thể đều tốt cả, nhưng chỉ là chúng không cùng loại với những điều tốt mà tôi mong đợi từ đoạn trích; tôi đã thất vọng tràn trề nên trở nên chán ghét và không tham dự các buổi thuyết giáo của ông thêm một lần nào nữa. Vài năm trước, tôi đã soạn ra được một Nghi thức phụng vụ nhỏ hay một dạng cầu nguyện cho riêng cá nhân tôi (cụ thể là vào năm 1728) có tựa đề: Các điều lệ về đức tin và hành động của tôn giáo (Articles of Belief and Acts of Religion). Tôi quay lại sử dụng nghi thức này và không đến các buổi hội họp công cộng nữa. Cách cư xử của tôi có thể đáng khiển trách, nhưng tôi không cố bào chữa, mục đích hiện tại của tôi là thuật lại những sự thật, chứ không phải tạ lỗi vì chúng.
“KẾ HOẠCH TÁO BẠO VÀ GIAN KHỔ ĐỂ ĐẠT ĐẾN SỰ HOÀN HẢO VỀ ĐẠO ĐỨC...”
Vào khoảng thời gian này, tôi đã nghĩ ra một kế hoạch táo bạo và gian khổ để đạt đến sự hoàn hảo về đạo đức. Tôi ước được sống mà không dính dáng gì với bất cứ lỗi lầm ở bất kỳ thời điểm nào, tôi sẽ chinh phục được tất cả bản tính tự nhiên, tục lệ hoặc bạn đồng hành nào dẫn tôi đi vào sai lầm. Khi tôi biết, hay nghĩ là mình biết, cái gì đúng cái gì sai, tôi không hiểu tại sao tôi luôn không thể làm một việc này và tránh việc kia. Nhưng tôi sớm nhận ra rằng tôi đã nhận một nhiệm vụ khó hơn tôi tưởng. Trong khi sự quan tâm của tôi là đề phòng một lỗi lầm, nhưng tôi thường ngạc nhiên vì một lỗi sai khác; thói quen lợi dụng sự không chú tâm; bản tính đôi lúc quá cứng nhắc trong lý lẽ. Sau cùng, tôi kết luận: Chỉ có niềm tin ức đoán rằng mối quan tâm của chúng ta là trở nên hoàn hảo về mặt đạo đức thì không đủ để ngăn cản sự trượt dài của chúng ta; và rằng những thói quen trái ngược phải bị phá vỡ, cũng như cần đạt được và thiết lập những thói quen tốt trước khi chúng ta bị lệ thuộc vào bất kỳ một thái độ đúng đều đều, như nhau nào. Vì mục đích này, tôi đã nghĩ ra phương pháp sau đây.
Trong nhiều bảng liệt kê các nguyên tắc đạo đức khác nhau mà tôi đã đọc được, tôi nhận thấy mục lục ít nhiều đa dạng, bởi vì các tác giả khác nhau kể ra những ý tưởng khác nhau ít nhiều có cái tên giống nhau. Ví dụ, Điều Độ với một số người là giới hạn việc ăn uống; trong khi với những người khác, nó được mở rộng để chỉ sự tiết chế của mọi thú vui, thèm muốn, bản tính, hay đam mê, về thể xác hay tâm hồn, ngay cả sự tham lam và tham vọng của chúng ta nữa. Để cho rõ ràng, tôi muốn bản thân sử dụng nhiều cái tên và giải thích ít hơn thay vì dùng ít tên và giải thích nhiều; và tôi quyết định sử dụng tất cả mười ba cái tên về những đức tính mà tại thời điểm tôi cho là cần thiết hay đáng ước ao và ghi thêm một lời giáo huấn ngắn cho mỗi đức tính, để thể hiện đầy đủ ý nghĩa tôi muốn.
Sau đây là các đức tính và những lời giáo huấn kèm theo:
1. ĐIỀU ĐỘ: Ăn đừng để đến mức đần độn; uống đừng để đến mức bị đánh giá.
2. IM LẶNG: Đừng nói gì trừ những điều có lợi cho người khác hay bản thân bạn; tránh nói chuyện vặt.
3. TRẬT TỰ: Hãy để mọi thứ có nơi có chỗ; hãy để mọi việc có lúc có thời.
4. QUYẾT TÂM: Hãy quyết tâm thực hiện những gì bạn phải làm; hãy thực hiện mà không thất bại những gì bạn quyết tâm.
5. TIẾT KIỆM: Đừng tốn tiền mà không phải để làm điều tốt cho người khác hay cho bản thân bạn; tức là không lãng phí chút nào.
6. CHĂM CHỈ: Đừng phung phí thời gian; hãy luôn dùng nó cho một điều gì đó hữu ích; bỏ hết tất cả những hành động không cần thiết.
7. CHÂN THẬT. Đừng gây nên sự lừa dối có hại; hãy suy nghĩ một cách trong sáng và chính đáng, và nếu phát ngôn, hãy phát ngôn sao cho phù hợp.
8. CÔNG BẰNG. Không phạm sai lầm bằng cách gây tổn hại hay bỏ quên những lợi ích là phần của bạn.
9. TIẾT CHẾ. Tránh sự cực đoan, hãy chịu đựng sự phẫn uất, thứ mà làm tổn hại nhiều như bạn nghĩ chúng đáng.
10. SẠCH SẼ. Hãy tha thứ cho sự không sạch sẽ của cơ thể, áo quần hay nơi ở.
11. TĨNH LẶNG: Đừng để những chuyện vụn vặt hay những tai nạn thông thường và không thể tránh được quấy nhiễu.
12. TRONG TRẮNG: Hiếm khi viện đến tình dục trừ phi vì sức khỏe hay sinh nở; đừng bao giờ làm vì đần độn, yếu đuối, hay làm hại đến sự an bình hay danh tiếng của bạn hay một ai khác.
13. KHIÊM NHƯỜNG: Noi gương Jesus và Socrates.
Dự định của tôi là tạo được thói quen về tất cả những đức tính này, tôi đã cho rằng tốt hơn không nên làm tâm trí xao lãng bằng cách nỗ lực thực hiện tất cả cùng lúc, mà chỉnh sửa mỗi lần một thói quen thôi; khi đã nắm vững điều đó, tôi sẽ chuyển sang cái khác, và cứ như vậy, cho đến khi tinh thông hết mười ba thói quen; và vì một số thói quen sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đạt được những thói quen khác, nên tôi đã sắp xếp sao cho tiện nhất. Đầu tiên là Điều Độ, bởi vì nó có xu hướng đem đến sự bình tĩnh và thông suốt cho đầu óc, rất cần để không ngừng cảnh giác và chống lại sự hấp dẫn liên tục của những thói quen cũ xưa và những thế lực cám dỗ bất diệt. Khi đạt được điều này thì Im Lặng sẽ dễ dàng hơn. Tôi khao khát có được kiến thức đồng thời với việc cải thiện đức tính, và cân nhắc việc sử dụng tai nhiều hơn miệng lưỡi trong những cuộc nói chuyện, và do đó mong ước bỏ được thói quen tán dóc, chơi chữ, nói đùa. Thế là tôi đưa Im Lặng vào vị trí số hai. Tiếp theo là Trật Tự, tôi kỳ vọng nó sẽ cho tôi nhiều thời gian hơn để tham gia các dự án và hoạt động nghiên cứu. Quyết Tâm, một khi đã trở thành thói quen, sẽ giúp tôi vững vàng trong nỗ lực đạt được tất cả những đức tính sau đó; Tiết Kiệm và Chăm Chỉ giải phóng tôi khỏi những nợ nần còn sót lại, và tạo nên sự giàu có, độc lập, giúp cho việc thực hiện Công Bằng và Chân Thật dễ dàng hơn,...
Tôi làm một cuốn sổ nhỏ, trong đó mỗi trang dành cho một đức tính. Tôi chia mỗi trang thành bảy cột bằng bút đỏ, mỗi cột dành cho một ngày trong tuần. Tiếp theo, tôi gạch mười ba dòng cũng bằng mực đỏ, mỗi dòng ghi tên viết tắt của đức tính. Mỗi khi mắc một lỗi ở đức tính nào, tôi sẽ đánh dấu vào ô của ngày hôm đó.
Tôi quyết định dành sự chú tâm hoàn toàn cho lần lượt từng đức tính ở mỗi tuần. Như vậy trong tuần đầu tiên, tôi đề phòng để tránh những lỗi nhỏ nhất của tính Điều Độ, để mặc những đức tính khác diễn ra bình thường, chỉ đánh dấu lại những lỗi lầm vào mỗi tối. Vì vậy, nếu trong tuần đầu tiên tôi có thể giữ mình thì tôi sẽ ghi chữ T, rồi xóa các dấu ghi lại lỗi trong tuần, tôi cho rằng thói quen về đức tính đó quá vững chắc và tính đối lập với nó đã suy yếu đến mức tôi có thể mạo muội chuyển sang đức tính tiếp theo, và để rồi tuần sau đó sẽ được cả hai dòng sạch dấu. Cứ như vậy cho đến đức tính cuối cùng, tôi sẽ hoàn thành một vòng mười ba tuần và có thể làm được bốn đợt như vậy mỗi năm. Và giống như người đang nhổ cỏ cho một khu vườn, không nỗ lực nhổ tất cả cỏ dại cùng lúc, việc đó vượt quá khả năng và sức mạnh của anh ta, mà nhổ lần lượt từng vạt cỏ mỗi lần, nhổ xong vạt đầu tiên thì qua vạt tiếp theo. Thế nên hẳn là tôi sẽ vui, hy vọng thế, khi nhìn thấy trên trang giấy sự tiến bộ mà tôi đã làm được khi liên tục xóa được những dấu vết lỗi lầm. Tôi sẽ rất hạnh phúc khi nhìn lại một quyển sổ sạch sẽ sau buổi kiểm tra hằng ngày của tuần thứ mười ba.
Tôi đã bắt đầu thực hiện kế hoạch này để tự kiểm tra và thực hiện liên tục, chỉ đôi khi mới gián đoạn một chút. Tôi kinh ngạc nhận ra bản thân mình nhiều lỗi lầm hơn tôi tưởng, nhưng tôi hài lòng khi thấy chúng giảm bớt lại. Tôi đã vượt qua tiến trình sửa mình chỉ trong một năm, và sau đó chỉ vài năm, cuối cùng tôi đã bỏ được hoàn toàn những thói quen đó. Dù sau này trải qua biết bao chuyến hải hành, bao lần đi công vụ ra nước ngoài với vô số nhiệm vụ trở ngại, nhưng tôi lúc nào cũng mang theo cuốn sổ nhỏ của mình.
Ban đầu, danh sách của tôi chỉ có mười hai đức tính, nhưng một người bạn đã tử tế theo đạo Quaker cho tôi biết rằng tôi được xem là người kiêu ngạo; rằng niềm kiêu hãnh của tôi thường tự thể hiện trong các cuộc chuyện trò, mà lại hống hách, và hơn nữa là xấc láo, anh ấy đã thuyết phục tôi bằng nhiều ví dụ. Thế là tôi quyết định nỗ lực để tự chữa cho mình khỏi thói xấu này và tôi thêm Khiêm Nhường vào danh sách, đưa vào ý nghĩa bao quát cho từ này.
Tôi đã cố gắng luôn luôn chịu đựng mọi mâu thuẫn trực tiếp về ý kiến của những người khác và buộc mình phải luôn đưa ra những lời xác quyết tích cực. Tôi thậm chí cấm bản thân sử dụng mọi lời lẽ hay cách diễn đạt ngôn ngữ thể hiện một ý kiến không lay chuyển, chẳng hạn như “hiển nhiên”, “không nghi ngờ gì nữa”, thay vào đó tôi nói: “tôi nghĩ”, “tôi hiểu”, hay là “tôi hình dung rằng”. Khi ai khác quả quyết một điều gì đó mà tôi nghĩ là sai, thì tôi gạt bỏ ngay ý nghĩ thích thú khi xấc xược phản bác anh ta và chỉ ra ngay sự ngu ngốc của anh ta; để trả lời, tôi bắt đầu bằng việc chỉ ra rằng trong những hoàn cảnh hay trường hợp nhất định, quan điểm của anh ta sẽ đúng, nhưng trường hợp hiện tại thì có vẻ hay dường như là hơi khác. Tôi đã sớm nhận ra lợi ích của sự thay đổi này đối với cách ứng xử của tôi; những cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn. Cách tôi đề xuất những quan điểm của mình một cách khiêm nhường giúp chúng dễ được chấp nhận và ít gây mâu thuẫn hơn. Tôi ít thấy mất thể diện hơn khi bị phát hiện là sai, tôi dễ dàng khiến người khác từ bỏ những lỗi sai của họ và đồng ý với tôi khi tôi tình cờ nói đúng.