Trì hoãn là một trong những căn bệnh phổ biến nhất và gây nguy hiểm chết người nhất, mang đến thiệt hại vô cùng nặng nề với thành công và hạnh phúc.
TIẾN SĨ WAYNE W. DYER
“Đừng bao giờ trì hoãn tới ngày mai những gì bạn có thể làm hôm nay.”
Từ nhỏ, tất cả chúng ta đã luôn sống với lời nhắc nhở sáng suốt này của Benjamin Franklin22. Đó là lời cửa miệng của mọi bậc phụ huynh. Chúng ta nghe được từ cha mẹ mình, và giờ đến lượt chúng ta nhắc lại cho con cháu mình nghe. Dù thừa nhận sự thật lớn lao trong chân lý đó, chúng ta vẫn thường sống theo cách ngược lại: “Đừng bao giờ làm ngày hôm nay những gì bạn có thể trì hoãn tới ngày mai”.
22 Benjamin Franklin (1706 – 1790): Là một trong những người lập quốc nổi tiếng nhất của Mỹ. Ngoài là một chính trị gia, ông còn là một nhà khoa học, tác giả, thợ in, triết gia, nhà phát minh, hoạt động xã hội, và nhà ngoại giao hàng đầu.
Tiếc thay chẳng có ngày mai nào cả. Ngày mai chỉ có thể được tìm thấy trong cuốn lịch của những kẻ khờ. Với những người đó, ngày mai là ngày họ bắt đầu chuyến hành trình đi đến thành công và giàu có; là ngày họ sẽ hoàn toàn thay đổi: làm việc chăm chỉ hơn, thay đổi thói quen, hàn gắn tình bạn đổ vỡ, trả những món nợ cũ và tìm kiếm một công việc tốt hơn.
Nhưng ngày mai chẳng bao giờ đến và vô vàn những cuộc đời đầy hứa hẹn đã bị lãng phí trong sự trì hoãn. Như Stephen Leacock23 rất lâu về trước đã viết: “Đứa trẻ nói, ‘Khi mình đến tuổi thiếu niên’ nhưng đó là khi nào chứ? Rồi chàng thiếu niên nói, ‘Khi mình đến tuổi trưởng thành’ và khi đã trưởng thành, anh ta lại nói, ‘Khi mình kết hôn’. Nhưng sau cùng kết hôn rồi thì sao? Suy nghĩ lại chuyển hướng sang ‘Khi mình có thể nghỉ hưu’. Và khi thời điểm nghỉ hưu đến, anh ta nhìn lại quãng đường mình đã đi qua; một cơn gió lạnh dường như cuốn phăng mọi thứ; bằng cách nào đó anh ta đã bỏ lỡ tất cả, và giờ không còn gì nữa”.
23 Stephen Leacock: Tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh.
Thành công và sự trì hoãn tuyệt đối không thể song hành cùng nhau. Để đạt được thành công, bạn phải, và có thể, chữa khỏi cho mình căn bệnh trì hoãn mọi thứ. Tiến sĩ Wayne W. Dyer, tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy sẽ chỉ bạn cách trị căn bệnh này thông qua cuốn sách của mình, Vùng sai sót (Your Erroneous Zones).
Hãy rút ra những điều bổ ích từ bài học này, không phải ngày mai, mà là ngay bây giờ.
Bạn có phải là một người hay trì hoãn không? Nếu bạn giống hầu hết mọi người, câu trả lời cho câu hỏi đó là có. Nhưng vẫn có khả năng rằng bạn không muốn chung sống với những nỗi lo lắng mà phong cách sống trì hoãn gây ra. Có thể bạn thấy mình đang trì hoãn rất nhiều công việc muốn hoàn thành, dẫu thế vì vài lý do nào đó, bạn vẫn cứ không chịu bắt tay vào hành động. Vấn đề trì hoãn là một phần mệt mỏi lớn trong cuộc đời. Và nếu trường hợp của bạn nghiêm trọng, gần như sẽ chẳng có ngày nào trôi qua mà bạn không nói: “Mình biết mình nên làm việc đó, nhưng mình sẽ quay lại xử lý sau”. Rất khó để đổ lỗi vùng sai sót “trì hoãn” của bạn cho các tác động từ bên ngoài. Tất cả đều là do bạn – cả việc trì hoãn và hậu quả của nó là sự bức bối mà bạn phải chịu đựng.
Nếu có vùng sai sót nào gần như mang tính toàn cầu thì đó chính là sự trì hoãn. Rất ít người có thể thành thật nói rằng họ không phải là người trì hoãn, bất chấp sự thật rằng về mặt lâu dài, điều đó không tốt cho sức khỏe. Cũng như với mọi vùng sai sót khác, bản thân hành động đó không có hại gì cho sức khỏe. Thực tế, trì hoãn thậm chí còn chẳng tồn tại. Bạn đơn giản là làm việc, còn những việc bạn không làm, thực tế chỉ là không được hoàn thành, chứ không phải bị trì hoãn. Chính cảm xúc phản ứng đi kèm cùng sự đứng yên bất động mới thể hiện hành vi tâm lý. Nếu bạn thấy mình trì hoãn và thấy thích điều đó mà không hề có cảm giác tội lỗi, lo lắng hay phiền muộn đi kèm, thì bằng mọi giá hãy bám chặt lấy điều đó. Tuy vậy, với đa số mọi người, trì hoãn thực sự là trốn tránh khỏi việc sống trọn vẹn nhất có thể những phút giây thực tại.
HY VỌNG, ƯỚC GÌ VÀ CÓ LẼ
Ba cụm từ trong tâm trí của người trì hoãn cấu thành nên hệ thống trợ giúp cho việc duy trì hành vi trì hoãn:
• “Tôi hy vọng mọi việc sẽ ổn thỏa.”
• “Ước gì mọi thứ tốt hơn.”
• “Có lẽ rồi sẽ ổn thôi.”
Đó là niềm vui của người trì hoãn. Chừng nào còn nói có lẽ, hy vọng, hay ước gì, thì bạn còn có thể sử dụng chúng làm lý do chính đáng cho việc không làm gì đó vào ngay lúc này. Nhưng tất cả mong ước và hy vọng đều lãng phí thời gian – điều nực cười của những con người vẫn sống trong thế giới mơ mộng thần tiên. Có ước hay hy vọng bao nhiêu cũng chẳng giúp ta hoàn thành được bất cứ việc gì. Chúng chỉ đơn thuần là những điều kiện trốn tránh thuận tiện khỏi việc xắn tay áo lên và bắt đầu làm những công việc bạn đã quyết định là đủ quan trọng để nằm trong danh sách việc cần làm của mình.
Bạn có thể làm được bất cứ điều gì bạn dồn tâm trí để hoàn thành. Bạn mạnh mẽ, giỏi giang, và không hề mong manh dễ vỡ một chút nào. Nhưng bằng việc trì hoãn tới một lúc nào đó trong tương lai, bạn đang đầu hàng sự trốn chạy, tự nghi hoặc bản thân, và nhất là tự lừa dối mình. Vùng-trì-hoãn là một hành động xa rời khỏi việc mạnh mẽ ở thời điểm hiện tại để đi theo hướng hy vọng mọi thứ sẽ cải thiện trong tương lai.
SỐNG TRÌ TRỆ
Đây là một câu nói mà khiến bạn mãi trì trệ trong những giây phút hiện tại: “Mình sẽ chờ, và chuyện này sẽ tốt đẹp hơn thôi”. Với vài người, điều này đã trở thành một lối sống – luôn luôn hoãn tới một ngày mà có thể chẳng bao giờ tới.
Mark, một vị khách hàng gần đây tới gặp tôi để phàn nàn về cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình. Ông đang độ tuổi ngũ tuần, kết hôn đã được gần ba mươi năm. Khi chúng tôi bắt đầu nói về cuộc hôn nhân, tôi thấy rất rõ ràng rằng những lời phàn nàn của ông đã có từ rất lâu rồi. Khi đó ông nói: “Chuyện chưa từng tốt đẹp, thậm chí ngay từ khi bắt đầu”. Tôi hỏi điều gì đã khiến ông bám trụ lấy biết bao năm khổ sở này. Ông thú thực: “Tôi vẫn luôn hy vọng mọi thứ sẽ dần tốt đẹp hơn”. Gần ba mươi năm hy vọng và Mark cùng vợ mình vẫn đang khổ sở.
Càng nói nhiều hơn về cuộc đời và cuộc hôn nhân của mình, Mark thừa nhận đã có tiền sử mắc chứng liệt dương ít nhất mười năm trước rồi. Tôi hỏi ông có bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề này không. Không, ông chỉ đơn giản càng tránh né chuyện quan hệ nhiều hơn và hy vọng vấn đề sẽ tự biến mất. Mark nhớ lại những lời ngày xưa: “Tôi đã chắc rằng mọi thứ sẽ khả quan hơn”.
Mark và cuộc hôn nhân của ông là một ví dụ điển hình cho sự trì trệ. Ông tránh né các rắc rối và biện hộ cho sự trốn tránh đó bằng cách nói rằng: “Nếu mình chờ đợi và không làm gì cả, có lẽ nó sẽ tự khắc có cách giải quyết”. Nhưng Mark đã hiểu ra rằng rắc rối sẽ không bao giờ tự giải quyết. Chúng thế nào thì vẫn y nguyên chính xác như vậy. Cùng lắm, mọi thứ thay đổi, nhưng chúng không tốt hơn lên. Bản thân những điều đó (hoàn cảnh, tình huống, sự kiện, con người) sẽ không tự chúng cải thiện. Nếu cuộc đời của bạn khá hơn, thì đó là bởi vì bạn đã làm những việc mang tính xây dựng góp phần giúp nó trở nên tốt đẹp hơn.
Hãy cùng đi sâu hơn vào hành vi trì hoãn và cách để loại bỏ nó với những cách giải quyết khá đơn giản. Đây là một vùng sai sót bạn có thể xóa bỏ mà không cần bỏ quá nhiều “công sức trí não”, do đó là một vùng chỉ mình bạn tự tạo ra cho bản thân, mà không cần đến sự củng cố nuôi dưỡng nào vốn là đặc điểm của nhiều vùng sai sót khác.
TRÌ HOÃN HOẠT ĐỘNG THẾ NÀO?
Donald Marquis đã gọi sự trì hoãn là “nghệ thuật bắt kịp ngày hôm qua”. Còn tôi muốn bổ sung thêm vào đó rằng: “trì hoãn là nghệ thuật bắt kịp ngày hôm qua và né tránh ngày hôm nay”. Đây là cơ chế hoạt động của sự trì hoãn. Bạn biết có những thứ chắc chắn mình muốn làm, không phải vì người khác đã chỉ ra như vậy, mà bởi vì chúng là những lựa chọn có chủ ý của bạn. Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó chẳng bao giờ được hoàn thành, bất kể bạn có tự nhủ với bản thân bao nhiêu lần rằng mình sẽ làm xong. Quyết định để dành một điều gì đó mà bạn có thể làm bây giờ cho tương lai là một phương án thay thế chấp nhận được cho việc thực hiện nó, và cũng cho phép bạn đánh lừa bản thân rằng bạn không hề thỏa hiệp với chính mình vì đã không làm việc do mình đặt ra. Đó là một cách thức thuận tiện kiểu như: “Mình biết phải làm việc đó, nhưng mình thực sự sợ làm không tốt, hoặc mình sẽ không thích. Nên, mình tự nhủ để sau rồi làm, và rồi không phải thừa nhận với bản thân là mình sẽ không làm việc đó. Bằng cách này, mình dễ dàng chấp nhận bản thân hơn”. Đây là kiểu thuận tiện khi có thể đem áp dụng những lý lẽ ngụy biện dối trá vào trường hợp bạn phải đối mặt với việc làm chuyện khó khăn hay không dễ chịu gì.
Nếu bạn là một người sống kiểu này mà nói mình sẽ sống kiểu khác trong tương lai, thì những lời tuyên bố đó là hoàn toàn sáo rỗng. Bạn chỉ là một người luôn trì hoãn và không bao giờ làm được việc gì cho xong.
Đương nhiên, có nhiều mức độ trì hoãn. Hoàn toàn có thể trì hoãn tới một mức độ nào đó, và rồi sau đó hoàn thành công việc trước hạn cuối. Đây một lần nữa lại là cách tự dối mình rất phổ biến. Nếu bạn chỉ dành một khoảng thời gian tối thiểu để hoàn thành công việc, vậy thì có thể ngụy biện cho kết quả không đâu vào đâu hay chưa phải tốt nhất bằng cách tự nhủ: “Chỉ là mình không có đủ thời gian thôi”. Nhưng bạn có nhiều thời gian mà. Bạn biết rằng những người bận rộn vẫn hoàn thành mọi thứ. Nhưng nếu dành thời gian kêu ca về việc bạn có nhiều việc phải làm tới mức nào (trì hoãn), thì bạn không có khoảng thời gian hiện tại nào để làm việc đó cả.
Tôi từng có một người bạn đồng nghiệp là chuyên gia trì hoãn. Anh ta luôn bận rộn theo đuổi các thương vụ và nói mình có nhiều việc tới mức nào. Khi nghe anh ta nói, người khác chỉ mường tượng về nhịp sống của anh ta cũng đã đủ thấy mệt mỏi rồi. Nhưng nhìn kỹ hơn thì mới thấy thực tế người bạn đồng nghiệp đó của tôi làm rất ít. Anh ta có hàng tỷ dự án trong đầu nhưng chẳng bao giờ bắt tay vào làm bất kỳ dự án nào. Tôi tưởng tượng rằng mỗi đêm trước khi đi ngủ, anh ta tự dối mình bằng một lời hứa rằng ngày mai sẽ hoàn thành công việc đó. Anh ta còn cách nào khác để đi ngủ được nữa chứ, với hệ thống tự dối mình vẫn nguyên vẹn? Anh ta có thể biết mình sẽ không làm đâu, nhưng miễn còn thề thốt mình sẽ làm, thì ít nhất những giây phút hiện tại, anh ta vẫn an toàn.
Bạn không nhất thiết phải là những gì bạn nói ra. Hành động là một thước đo con người của bạn tốt hơn nhiều so với lời nói. Những gì bạn làm ở thời điểm hiện tại là điều duy nhất thể hiện được con người bạn là ai. Emerson24 đã viết:
24 Ralph Waldo Emerson (1803 – 1882): Là nhà viết tiểu luận, nhà thơ, triết gia người Mỹ, và cũng là người đi đầu trong phong trào tự lực cánh sinh và chủ nghĩa siêu việt.
Đừng chỉ nói. Bạn nói quá nhiều đến nỗi tôi không còn nghe được gì rồi. Hành động của bạn mới là điều trên hết.
Lần tới khi bạn nói mình sẽ làm việc đó, nhưng biết mình sẽ không làm, thì hãy nhớ về những lời này. Chúng là thuốc giải cho bệnh trì hoãn.
NGƯỜI PHÊ PHÁN VÀ NGƯỜI HÀNH ĐỘNG
Phong cách sống trì hoãn là một cách để tránh làm việc. Một người không làm gì thường là một người hay phê phán, nghĩa là, chỉ ngồi không và để ý những người hành động, rồi nói triết lý hay ho về những người hành động đang làm ra sao. Làm một người phê phán thì rất dễ dàng, nhưng làm một người hành động thì lại đòi hỏi nỗ lực, rủi ro và sự thay đổi.
Nền văn hóa của chúng ta đầy rẫy những người phê phán. Ta thậm chí còn trả tiền để nghe họ nói.
Khi quan sát bản thân và những người xung quanh bạn, hãy để ý xem bao nhiêu phần giao tiếp xã hội được dành cho việc phê phán. Tại sao vậy? Vì quá đơn giản để nói về việc người ta đã làm thế nào hơn là trở thành người làm việc đó. Hãy để ý đến những nhà vô địch thực sự, những người đã duy trì phong độ xuất sắc qua quãng thời gian rất dài. Những Henry Aaron, Johnny Carson, Bobby Fisher, Katharine Hepburn, Joe Louise, và đại loại như vậy. Những người hành động ở mức độ cao nhất. Họ luôn là những nhà vô địch theo mọi khía cạnh. Họ có ngồi ì rồi đưa ra những lời chỉ trích nặng nề nhắm vào người khác không? Người hành động thực sự trên thế giới chẳng có thời gian mà chê bai người khác. Họ quá bận rộn hành động rồi. Họ làm việc. Họ giúp đỡ những người không tài năng bằng họ, hơn là đóng vai người chỉ trích những yếu kém đó.
Những phê bình mang tính xây dựng có thể hữu ích. Nhưng nếu bạn lựa chọn vai trò là một người quan sát thay vì là người hành động, bạn sẽ chẳng phát triển lên được. Hơn nữa, bạn có thể dùng lời phê bình của mình để giải thoát cho bản thân khỏi việc chịu trách nhiệm cho chính sự không hiệu quả của mình, bằng cách phóng chiếu điều đó trên những người thực sự đã nỗ lực. Bạn có thể học cách phớt lờ những người bới lông tìm vết và những nhà phê bình tự nhận. Kế hoạch đầu tiên của bạn là nhận ra những hành vi giống như vậy ở mình, và quyết tâm xóa bỏ chúng hoàn toàn, để bạn có thể là một người hành động thay vì là một người chỉ trích thích trì hoãn.
SỰ NHÀM CHÁN: TÁC DỤNG PHỤ CỦA TRÌ HOÃN
Cuộc sống này chẳng nhàm chán chút nào, nhưng nhiều người lại chọn cách chán nản. Khái niệm nhàm chán liên quan tới sự bất lực trong việc tận dụng tối đa những khoảnh khắc hiện tại theo cách thỏa mãn cho bản thân. Nhàm chán là một lựa chọn; điều mà bạn tự mang đến cho mình, và cũng là một trong những thứ tự chuốc lấy mà bạn có thể loại bỏ khỏi cuộc đời mình. Khi trì hoãn, bạn dùng những giây phút hiện tại để chẳng làm gì cả, thay vì làm gì đó. Không làm gì dẫn tới sự nhàm chán. Và người ta thường có xu hướng đổ lỗi sự nhàm chán là do môi trường xung quanh. “Thành phố này buồn chán quá” hay “Thật là một diễn giả nhạt nhẽo”. Thành phố đó hay diễn giả đó không bao giờ buồn chán; chính bản thân bạn mới là người thấy chán, và bạn có thể loại bỏ điều đó bằng cách làm điều gì khác với tâm trí hay năng lượng của mình ở thời điểm đó.
Samuel Butler nói: “Người để bản thân mình thấy chán là người đáng khinh hơn cả bản thân sự nhàm chán”. Bằng cách làm những điều bạn lựa chọn, ngay bây giờ, hay sử dụng tâm trí theo nhiều cách sáng tạo mới ngay bây giờ, bạn có thể đảm bảo sẽ không bao giờ tự chọn lựa sự nhàm chán cho bản thân nữa. Lựa chọn luôn luôn là của bạn.
MỘT SỐ HÀNH VI TRÌ HOÃN ĐIỂN HÌNH
Dưới đây là một số trường hợp dễ dàng lựa chọn trì hoãn hơn là hành động:
• Duy trì công việc mà bạn thấy mình bị mắc kẹt và không thể phát triển bản thân.
• Bám víu một mối quan hệ đã trở nên tồi tệ. Giữ lại cuộc hôn nhân (hay không kết hôn) và chỉ cứ hy vọng rằng chuyện sẽ tốt hơn.
• Không chịu tìm cách giải quyết những vấn đề khó khăn trong tình cảm như tình dục, sự xấu hổ hay nỗi sợ hãi. Chỉ đơn giản chờ đợi chúng cải thiện thay vì làm gì đó mang tính xây dựng.
• Không giải quyết các thói nghiện như nghiện rượu, ma túy, thuốc hay thuốc lá. Nói rằng: “Mình sẽ bỏ khi sẵn sàng”, nhưng biết bản thân đang trì hoãn bởi ngờ rằng mình không thể làm được.
• Trì hoãn những công việc tốn sức hay vặt vãnh như lau dọn, sửa chữa, may vá, làm cỏ, sơn tường, và những thứ tương tự như vậy – miễn là bạn thực sự quan tâm việc chúng có được hoàn thành hay không. Nếu bạn chờ đủ lâu, chúng có thể tự hoàn thành.
• Tránh đối mặt với người khác, như là một nhân vật quyền thế, bạn bè, người yêu, người bán hàng, hay một người sửa chữa. Bằng việc chờ đợi, cuối cùng bạn chẳng phải làm gì cả, mặc dù nếu đối mặt thì có thể cải thiện mối quan hệ hay dịch vụ đó.
• Sợ thay đổi địa điểm về mặt địa lý. Bạn chỉ ở nguyên một nơi suốt cả đời.
• Trì hoãn việc dành một ngày hoặc một giờ với con cái để có thể cùng nhau tận hưởng, bởi có quá nhiều việc phải làm hay đang sa lầy trong những vấn đề nghiêm trọng. Cũng tương tự như vậy, không ra ngoài ăn tối, đi xem phim, hay một sự kiện thể thao với người thân yêu, mà chỉ dùng câu “Tôi đang bận lắm” để trì hoãn đến vô tận.
• Quyết định bắt đầu kế hoạch ăn kiêng vào ngày mai hay tuần sau. Hẳn trì hoãn dễ dàng hơn là bắt đầu, nên bạn nói: “Mình sẽ thực hiện vào ngày mai” và hiển nhiên, ngày mai đó chẳng bao giờ tới.
• Lấy việc buồn ngủ hay mệt mỏi làm lý do trì hoãn. Có bao giờ bạn nhận thấy mình mệt thế nào khi sắp phải làm việc khó khăn và không dễ chịu? Một chút mệt mỏi là công cụ trì hoãn tuyệt vời.
• Thấy phát ốm khi đối mặt với một công việc rắc rối hay đáng lo. Làm sao bạn có thể làm được ngay bây giờ khi cảm thấy khó chịu trong người đến vậy? Như sự kiệt sức kể trên, đây là một công cụ tuyệt hảo cho việc trì hoãn.
• Trò “Mình không có thời gian để làm”, mà bạn dùng để biện hộ cho việc không làm gì đó vì lý do lịch trình bận rộn. Lịch trình luôn có chỗ trống cho những gì bạn thực sự muốn làm.
• Liên tục chờ mong tới kỳ nghỉ hay chuyến đi mơ ước. Năm tới chúng ta sẽ nhìn thấy Cõi Niết Bàn.
• Là người phê phán và sử dụng những chỉ trích của mình đối với người khác để che giấu sự chối bỏ làm việc của bản thân.
• Không chịu kiểm tra sức khỏe khi nghi ngờ bất kỳ sự rối loạn chức năng nào. Bằng cách trì hoãn, bạn sẽ không phải đối mặt với thực tế rằng mình có khả năng bị bệnh.
• Sợ hãi khi có hành động tiến về phía người bạn thích. Đó là điều bạn muốn, nhưng bạn thà chờ đợi và hy vọng rằng mọi việc sẽ tiến triển hơn.
• Trong cuộc sống lúc nào cũng có thể thấy nhàm chán. Đây chỉ là một cách trì hoãn việc gì đó và sử dụng sự nhàm chán làm lý do để không làm điều gì hay ho hơn.
• Lên kế hoạch nhưng chẳng bao giờ thực hiện chương trình thể dục thường xuyên. “Mình sẽ bắt đầu việc đó ngay lập tức… vào tuần sau”.
• Sống cả đời mình vì con cái và luôn trì hoãn hạnh phúc của chính bản thân. Làm sao chúng ta có thể lo nổi một kỳ nghỉ khi mà phải lo lắng về sự học hành của con trẻ chứ?
LÝ DO ĐỂ TIẾP TỤC TRÌ HOÃN
Lý lẽ để tiếp tục trì hoãn bao gồm một phần tự lừa dối và hai phần trốn tránh. Dưới đây là những phần thưởng quan trọng nhất cho việc mãi bám víu lấy sự trì hoãn.
• Hiển nhiên nhất, trì hoãn cho phép bạn trốn tránh khỏi những việc không lấy gì làm dễ chịu. Có những việc bạn sợ phải làm, có những việc bạn nửa muốn, nửa không muốn làm. Nên nhớ, chẳng có gì trắng đen rõ ràng cả.
• Bạn có thể cảm thấy thoải mái với cách thức tự huyễn hoặc bản thân của mình. Lừa dối chính mình khiến bạn khỏi phải thừa nhận rằng mình không phải là “một người hành động” ở thời điểm hiện tại này.
• Bạn có thể ở nguyên mãi như vậy, miễn là bạn trì hoãn. Vì thế, bạn loại bỏ được sự thay đổi và mọi rủi ro đi kèm.
• Bằng cách thấy chán chường, bạn có ai đó hoặc thứ gì đó để đổ lỗi cho trạng thái không vui của mình; từ đó bạn chuyển dời trách nhiệm xa khỏi bản thân, đổ cho hành vi nhàm chán đó.
• Là người chỉ trích, bạn có thể cảm thấy mình quan trọng bằng sự trả giá của những người khác. Đó là một cách sử dụng thành quả của người khác làm bước đệm để nâng cao bản thân mình trong đầu bạn. Như vậy lại càng huyễn hoặc chính mình hơn.
• Bằng cách chờ đợi mọi thứ khá lên, bạn có thể đổ lỗi thế giới cho sự không hạnh phúc của mình – mọi thứ dường như chẳng bao giờ mở ra với bạn. Một chiến lược tuyệt vời để không làm gì cả.
• Bạn có thể trốn tránh thất bại bằng cách tránh mọi hoạt động có dính dáng tới chút rủi ro nào. Bằng cách này, bạn sẽ chẳng bao giờ phải mặt đối mặt với sự ngờ vực chính mình.
• Ước mong nhiều điều xảy đến – mơ mộng về ông già Noel – cho phép bạn quay trở về một thời thơ ấu an toàn và được bao bọc.
• Bạn có thể chiếm được sự đồng cảm từ người khác và thấy thương tiếc bản thân vì những lo lắng mình phải sống cùng như là kết quả của việc không làm điều mình muốn làm.
• Bạn có thể biện hộ cho một kết quả không ra gì hoặc không thể chấp nhận được cho bất kỳ điều gì bạn trì hoãn đủ lâu, rồi chỉ dành ra một khoảng thời gian tối thiểu để hoàn thành. “Nhưng mình chỉ không đủ thời gian.”
• Bằng cách trì hoãn, bạn có thể khiến người khác làm hộ bạn. Vì vậy, trì hoãn trở thành một cách để thao túng người khác.
• Trì hoãn cho phép bạn huyễn hoặc bản thân, tin rằng mình có thể khá hơn nhiều so với con người thực.
• Bằng cách trốn tránh một công việc, bạn có thể tránh cả sự thành công. Nếu bạn không thành công, bạn có thể tránh cảm giác thấy hài lòng về mình, tránh phải chấp nhận mọi trách nhiệm không ngớt đi kèm với thành công.
Giờ khi đã hiểu sâu thêm về những lý do cho sự trì hoãn, bạn có thể bắt tay vào làm gì đó để loại bỏ vùng sai sót tự hủy hoại này.
VÀI PHƯƠNG PHÁP “TỐNG KHỨ” HÀNH VI TRÌ HOÃN
• Quyết định sống năm phút một lần. Thay vì nghĩ tới những kế hoạch trong khoảng thời gian dài hạn, hãy nghĩ về hiện tại và cố gắng tận dụng khoảng thời gian năm phút làm những gì bạn muốn làm, từ chối trì hoãn bất cứ điều gì mang đến sự thỏa mãn.
• Ngồi xuống và bắt tay vào làm những việc mà bạn đã bấy lâu trì hoãn. Bắt đầu viết một bức thư hay một cuốn sách. Bạn sẽ thấy rằng hầu hết việc trì hoãn của mình là không cần thiết vì rất có khả năng bạn cảm thấy rất thích thú làm công việc đó, một khi từ bỏ được tính trì hoãn. Chỉ đơn giản bắt đầu thôi cũng đủ giúp bạn xóa bỏ sự lo lắng về cả một dự án.
• Tự hỏi bản thân: “Điều gì tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu ngay bây giờ mình thực hiện việc mà mình đang trì hoãn?”. Câu trả lời thường quá vô nghĩa, có khiến bạn khó chịu đến mức phải bắt tay vào làm ngay. Đánh giá nỗi sợ của mình rồi bạn sẽ thấy chẳng có lý do gì để bám víu lấy nó.
• Cho bản thân một khoảng thời gian trống dành riêng (ví dụ như thứ Tư từ 22:00 đến 22:15), bạn sẽ dành toàn bộ khoảng thời gian này chỉ cho công việc bạn trì hoãn. Bạn sẽ phát hiện ra rằng mười lăm phút với nỗ lực trọn vẹn đó thường đã đủ để giúp bạn vượt qua điều khó khăn nhất của sự trì hoãn.
• Coi bản thân quá quan trọng để có thể sống với nỗi lo về những điều mình phải làm. Vì thế, lần tới bạn biết mình không thoải mái với nỗi lo lắng trì hoãn, hãy nhớ rằng những người biết trân quý bản thân không làm mình tổn hại như vậy.
• Hãy nhìn thật kỹ mình bây giờ. Quyết định xem bạn đang trốn tránh điều gì ở thời điểm hiện tại và bắt đầu giải quyết nỗi sợ hãi sống thực sự. Trì hoãn là sự thay thế hiện tại với nỗi lo về một sự kiện trong tương lai. Nếu sự việc trở thành hiện tại, thì theo định nghĩa, nỗi lo sẽ phải biến mất.
• Bỏ thuốc lá… ngay bây giờ! Bắt đầu thực đơn ăn kiêng… ngay lúc này! Từ bỏ rượu chè… ngay lập tức. Bắt đầu thực hiện kế hoạch thể dục buổi sáng chống đẩy mới. Đó là cách giải quyết vấn đề… hành động ngay lập tức! Làm ngay! Điều duy nhất cản bạn lại chính là bạn, và những quyết định tâm lý bạn đưa ra là do bạn không tin mình có thể thực sự mạnh mẽ như mình thực sự có thể. Thật đơn giản biết bao. Chỉ cần làm thôi!
• Bắt đầu sử dụng tâm trí sáng tạo trong những hoàn cảnh nhàm chán trước đó. Trong một cuộc họp, hãy thay đổi nhịp điệu uể oải bằng một câu hỏi đi thẳng vào vấn đề, hay để tâm trí lang thang theo những hướng thú vị như sáng tác thơ, hay ghi nhớ ngược số có hai lăm chữ số, chỉ để luyện tập trí nhớ. Hãy quyết định không bao giờ nhàm chán nữa.
• Khi ai đó bắt đầu phê bình bạn, hãy hỏi câu này: “Anh nghĩ tôi cần một người chỉ trích bây giờ sao?”. Hay khi bạn thấy mình đang làm người chỉ trích, hãy hỏi một đồng nghiệp xem anh ta liệu có muốn nghe lời phê bình của bạn hay không, và nếu có thì tại sao? Điều này sẽ giúp bạn chuyển từ kiểu người phê bình sang kiểu người hành động.
• Hãy nhìn kỹ lại cuộc đời mình. Bạn có đang làm điều mình sẽ lựa chọn làm nếu biết mình chỉ còn sáu tháng để sống không? Nếu không, tốt nhất bạn nên làm đi bởi vì, tương đối mà nói, đó là tất cả những gì bạn có. Xét trong sự vĩnh hằng của thời gian, sáu mươi năm hay sáu tháng chẳng có gì khác biệt cả. Trì hoãn bất cứ điều gì đều cũng chẳng có ý nghĩa gì.
• Hãy dũng cảm đảm nhận công việc mà bạn vẫn đang tránh né. Một hành động dũng cảm có thể xóa tan mọi nỗi sợ hãi. Ngừng nói với bản thân rằng bạn phải làm thật tốt. Nhắc nhở mình rằng thực hiện việc đó còn quan trọng hơn nhiều.
• Quyết định không mỏi mệt cho tới tận giây phút bạn đi ngủ. Đừng cho phép bản thân dùng lý do mệt mỏi hay ốm yếu là lý do thoái lui hay trì hoãn không làm gì. Bạn có thể thấy rằng khi bạn tước đi lý do cho sự ốm yếu hay kiệt sức – sự tránh né làm việc – các vấn đề thể chất biến mất “một cách kỳ diệu”.
• Xóa bỏ những từ “hy vọng”, “ước gì”, và “có lẽ” khỏi vốn từ vựng của bạn. Chúng là những công cụ để trì hoãn. Nếu bạn thấy những từ ngữ này đang dần len lỏi vào đầu, thay thế chúng bằng những câu mới khác. Hãy thay đổi
“Mình hy vọng mọi thứ cải thiện” thành “Mình sẽ biến nó trở thành hiện thực”.
“Ước gì mọi thứ tốt hơn” thành “Mình sẽ làm những việc sau đây để chắc chắn cảm thấy khá hơn”.
“Có lẽ rồi sẽ ổn thôi” thành “Mình sẽ khiến nó ổn thỏa”.
• Ghi nhật ký về hành vi kêu ca hay phê bình của bản thân. Bằng cách viết ra những hành động đó, bạn hoàn thành được hai việc. Thứ nhất, bạn thấy hành vi phê bình xuất hiện thế nào trong cuộc sống – tần suất, đặc điểm, sự kiện và những người liên quan tới việc bạn là người phê bình. Thứ hai, bạn cũng ngăn bản thân phê bình bởi thật là mệt khi phải viết chúng vào nhật ký.
• Nếu bạn đang trì hoãn điều gì đó liên quan tới người khác (sự chuyển đổi, vấn đề tình dục, công việc mới), hãy bàn bạc với tất cả các bên liên quan và hỏi ý kiến của họ. Hãy can đảm nói lên những nỗi sợ hãi của mình, và xem liệu bạn có đang trì hoãn vì những lý do trong đầu mà thôi hay không. Bằng cách tranh thủ sự trợ giúp của người bạn tâm tình với việc trì hoãn, bạn biến nó trở thành một nỗ lực chung. Cũng bằng cách chia sẻ điều đó, bạn sẽ nhanh chóng tiêu tán hầu hết sự lo lắng đi kèm với sự trì hoãn.
• Lập ra một hợp đồng với những người bạn yêu quý, nêu rõ những điều bạn sẽ và muốn thực hiện nhưng có thể cứ mãi trì hoãn. Để mỗi bên giữ một bản, và bao gồm trong đó cả các điều khoản phạt nếu vi phạm. Dù cho đó là một trận bóng, một bữa tối ăn ngoài, một kỳ nghỉ, hay đi xem phim, bạn sẽ thấy cách này rất có ích và cũng đem đến phần thưởng cho bản thân bạn, vì bạn cũng tham gia vào những việc mà mình thích thú.
Nếu bạn muốn thế giới thay đổi, đừng than phiền về nó. Hãy làm điều gì đó. Thay vì dùng hết những giây phút hiện tại để lo lắng choáng ngợp đủ kiểu về những điều bạn đang trì hoãn, hãy làm chủ vùng sai sót khó ưa này và sống ngay bây giờ! Hãy là một người hành động, chứ không phải người ước ao, hy vọng hay phê phán.