Bạn sở hữu nhiều tài sản quý giá như người giàu nhất thế giới này, vậy mà bạn vẫn chẳng nhận ra mình giàu có ra sao.
ARNOLD BENNETT & ARTHUR BRISBANE
Nếu bạn giữ một cuốn nhật ký ghi chép cẩn thận mọi hoạt động của mình trong khoảng thời gian bảy ngày, có lẽ bạn sẽ thấy rất sốc và xấu hổ vì số giờ đồng hồ mình đã lãng phí mỗi tuần không làm gì hoặc làm rất ít.
Đây là một bài học khác biệt vì không chỉ một, mà hai con người lỗi lạc sẽ xuất hiện ngay sau đây với chỉ một mục đích – giúp bạn trân trọng món quà bí ẩn mà tất cả chúng ta đều được trao tặng – thời gian.
Arnold Bennett là một tiểu thuyết gia người Anh với vô số tác phẩm, nổi tiếng nhất là kiệt tác Chuyện kể của những bà già (The Old Wives Tales). Ở đỉnh cao sự nghiệp, ông viết gần nửa triệu từ mỗi năm, nên bạn bè của ông luôn thắc mắc về bí quyết năng suất không thể tin nổi này là gì. Sau cùng ông đáp lại bằng một cuốn sách nhỏ, Sống 24 giờ một ngày (How to Live On Twenty–Four Hours a Day), cuốn sách được hàng triệu người trân quý coi như báu vật suốt hơn bảy mươi năm qua và hiện giờ vẫn được tiếp tục tái bản. Một phần trong bài học này trích từ cuốn sách ấy.
Tiếp nối phần của Bennett là một cây bút khác, Arthur Brisbane, và tôi có thể gợi ý với bạn rằng nó sẽ đáng cả một gia tài. Brisbane là một chủ biên và phụ trách mục báo người Mỹ, đã xoay xở kiếm về khoản thu nhập đáng kể từ các công ty của mình, vượt trên một triệu đô-la mỗi năm trong suốt thời kỳ dưới đáy của cuộc Đại khủng hoảng, chủ yếu bởi vì ông biết cách tận dụng nhiều nhất có thể những gì ông gọi là “những phút lẻ”.
Đầu tiên ta sẽ đọc Bennett, sau đó là đến bài học của Brisbane từ cuốn Cuốn sách của Elbert Hubbard (Elbert Hubbard’s Scrapbook), nhưng hãy đọc bài với một lời cảnh báo trước. Đừng để tính ngắn gọn của hai bài giảng này lừa bạn coi nhẹ sức nặng của những lời lẽ đó. Có thể nhiều năm về sau, bạn sẽ phát hiện thấy mình đang thường xuyên nhớ đến những lời khuyên thông thái của họ…
“Đúng vậy, ông ta là một trong những người chẳng biết quản lý thế nào. Hoàn cảnh thuận lợi. Thu nhập ổn định. Đủ cho những thứ xa xỉ cũng như nhu cầu thiết yếu. Không đến mức quá phung phí. Vậy mà ông ta vẫn luôn gặp khó khăn. Chẳng hiểu thế nào mà ông ta không kiếm được gì từ đồng tiền của mình. Một căn hộ tuyệt đẹp – nhưng trống một nửa! Luôn trông như thể bị mấy chủ tiệm cầm đồ xông vào. Bộ vest mới – mũ cũ! Cà vạt tuyệt đẹp – quần lụng thụng! Mời bạn đi ăn tối: ly khắc hoa văn – thịt cừu chán nhách, hay cà phê Thổ Nhĩ Kỳ – chiếc tách rạn! Ông ta không thể hiểu được. Giải thích đơn giản chỉ là ông ta lãng phí tiền của. Ước gì mình có nửa số tiền đó! Mình sẽ cho ông ta thấy…”
Hầu hết chúng ta đều phê phán như vậy, không lúc này thì lúc khác, theo cái lối tỏ ra hơn người.
Tất cả chúng ta đều gần như là các bộ trưởng tài chính vậy: Đó là một niềm tự hào lớn. Báo chí đầy rẫy những bài viết giảng giải cách sống bằng một khoản tiền nào đó, và cách những bài báo đó kích động phản ứng bạo lực của nhiều người đã chứng tỏ sự hứng thú chúng châm ngòi nên. Gần đây, trên một tờ nhật báo đã nổ ra một cuộc tranh luận xoay quanh câu hỏi liệu một người phụ nữ có thể sống đàng hoàng với tám mươi lăm euro một năm hay không. Tôi đã từng đọc được một bài báo có tựa: “Sống sót với tám silinh một tuần”. Nhưng chưa từng thấy một bài nào nói về “Cách sống hai mươi bốn giờ mỗi ngày”. Đúng, người ta nói rằng thời gian là tiền bạc. Nhưng câu nói ấy cũng chưa nói hết được vấn đề. Thường thì thời gian quan trọng hơn tiền bạc nhiều, nhưng dù có giàu hơn người phục vụ phòng ở khách sạn Carlton bao nhiêu đi nữa, bạn không thể mua thêm cho mình một phút nào nhiều hơn tôi, hay nhiều hơn chú mèo ngồi bên lò sưởi.
Các nhà triết học đã giải thích được không gian. Nhưng họ không giải thích được thời gian. Đó là một nguyên liệu thô không giải thích được của tất cả mọi thứ. Với thời gian, mọi thứ đều có thể; không có thời gian, không có gì cả. Nguồn cung thời gian thực sự là điều diệu kỳ mỗi ngày, và khi xem xét kỹ nó ta lại càng thấy thực sự ngạc nhiên. Bạn thức dậy vào buổi sáng và lạ chưa kìa, ví của bạn được lấp đầy với hai mươi bốn giờ của những tế bào chưa được sản xuất trong vũ trụ đời bạn một cách diệu kỳ! Nó là của bạn. Nó là của cải quý giá nhất. Một loại hàng hóa vô cùng đặc biệt, được đem tới cho bạn theo cách đặc biệt như chính món hàng đó vậy!
Chú ý! Không ai có thể cướp nó đi khỏi bạn. Không thể trộm được. Và không ai nhận nhiều hơn hay ít hơn bạn cả.
Thật là một nền dân chủ lý tưởng! Ở vương quốc thời gian, không có tầng lớp quý tộc giàu có, và cũng không có tầng lớp quý tộc trí thức. Thiên tài chẳng bao giờ được tặng thưởng thêm một giờ đồng hồ nào mỗi ngày. Và cũng chẳng có hình phạt nào cả. Dù bạn có lãng phí món hàng quý giá vô ngần đó bao nhiêu chăng nữa, nguồn cung của bạn cũng chẳng bao giờ bị ngăn cản. Không có sức mạnh bí ẩn nào nói: “Hắn ta là một kẻ khờ, nếu không muốn nói là kẻ đểu giả. Hắn không xứng đáng có thời gian; hắn sẽ bị cắt nguồn ở đồng hồ đo”. Nó còn chắc chắn hơn cả trái phiếu, và là khoản thu nhập không bị ảnh hưởng bởi những ngày Chủ nhật. Hơn nữa, bạn không thể rút nó từ tài khoản tương lai. Không thể nào mắc nợ được! Bạn chỉ có thể lãng phí khoảnh khắc đang trôi qua. Bạn không thể lãng phí ngày mai; không thể lãng phí được giờ tiếp theo; nó được để dành đó cho bạn.
Tôi đã nói đây là một điều kỳ diệu mà. Phải không?
Bạn phải sống trong khoảng thời gian hai mươi bốn giờ mỗi ngày này. Trong chính khoảng thời gian đó bạn phải quay vòng cho sức khỏe, niềm vui, tiền bạc, sự mãn nguyện, kính trọng và sự phát triển tâm hồn bất tử của mình. Việc sử dụng đúng đắn, hiệu quả nhất là vấn đề về tính cấp thiết nhất của thực tế ly kỳ nhất. Tất cả đều phụ thuộc vào điều đó. Hạnh phúc của bạn – phần thưởng luôn lẩn tránh mà ai cũng đều muốn tóm lấy, các bạn của tôi ơi – đều phụ thuộc vào điều đó. Lạ lùng thay các tờ báo, dù dám làm và cập nhật đến vậy, đều không có nhiều những bài báo “Sống với khoảng thời gian cố định” thay vì “Sống với khoản tiền thu nhập nhất định”! Tiền bạc tầm thường hơn thời gian nhiều. Khi một người nhìn lại, thường thấy tiền bạc chỉ là một trong những thứ tầm thường nhất trên đời này. Nó làm vướng víu trái đất này với hàng đống khổng lồ.
Nếu một người không thể xoay xở sống dựa trên một khoản thu nhập nhất định, người đó sẽ kiếm thêm chút ít nữa – hay trộm thêm, hay thể hiện cho người khác biết mà kiếm thêm. Một người không nhất định phải làm rối tung cuộc đời mình chỉ vì không thể sống nổi với một ngàn bảng mỗi năm; người đó sẽ biến sức lao động thành đồng tiền vàng và cân bằng chi tiêu. Nhưng nếu không thể thu xếp được mọi việc cần phải tiêu dùng với khoản thu nhập hai mươi bốn giờ mỗi ngày đó, anh ta chắc chắn sẽ làm rối tung cuộc đời mình. Nguồn cung thời gian, dù đều đặn vô cùng, lại giới hạn một cách tàn nhẫn.
Ai trong chúng ta sống bằng hai mươi bốn giờ mỗi ngày? Và khi nói “sống”, ý tôi không phải tồn tại, hay “vật lộn sống qua ngày”. Ai trong chúng ta không phải chịu cảm giác khó chịu khi “các khoản chi tiêu lớn” trong cuộc sống thường ngày không được kiểm soát như cách chúng nên được kiểm soát? Ai trong chúng ta chắc chắn rằng bộ vest đẹp của mình không bị đi cùng với chiếc mũ xấu xí đội trên đầu, hay lo phục vụ chén bát bằng sành mà quên mất chất lượng đồ ăn? Ai trong chúng ta đang không tự nhủ với mình – ai trong số chúng ta đã không tự nhủ suốt cuộc đời mình: “Mình sẽ thay đổi khi nào có nhiều thời gian hơn”?
Chúng ta sẽ không bao giờ có nhiều thời gian hơn. Chúng ta có, và luôn có, khoảng thời gian ta có thể có.
***
Ngày nay, hầu hết lợi nhuận và đôi khi là cả thành công phụ thuộc vào việc sử dụng những thứ nhỏ nhặt hay được gọi là “sản phẩm phụ”.
Sản phẩm phụ là những gì được sản xuất bên cạnh sản phẩm chính, và vẫn có giá trị thực sự của nó. Ví dụ, trong sản xuất khí ga có rất nhiều sản phẩm phụ; những thứ này được dùng để làm khí thắp sáng. Và những sản phẩm phụ này, bao gồm cả than cốc lấy từ than đá, thực sự đủ trả chi phí khí ga.
Mọi kiểu doanh nghiệp lớn đều có sản phẩm phụ của riêng mình, những sản phẩm nho nhỏ đó đem lại khoản tiền khá lớn. Ví dụ, nhà máy thịt lớn của ông Armour có vô số sản phẩm phụ, từ đuôi heo được sấy khô và bán làm món ăn đặc biệt, cho tới lông của động vật được bện thành loại dây thừng rất chắc và giá trị.
Nếu Armour bỏ qua việc bện dây thừng bằng lông hay bán đuôi heo, điều đó sẽ làm nên khác biệt rất lớn trong khoản tiền cổ tức của ông. Ý của tôi muốn nói với bạn đọc là: Thường thường, một người thì không sản xuất gì cả. Nhưng chúng ta, tất cả chúng ta, sau cùng đều là những người mua bán thời gian.
Thời gian là một thứ mà chúng ta sở hữu. Thành công của chúng ta phụ thuộc vào việc sử dụng thời gian, và sản phẩm phụ của nó, chính là những phút lẻ.
Mỗi chúng ta đều có một công việc thường ngày mà ta vẫn hay làm theo thói quen, ít nhiều có tính máy móc. Anh ta làm thư ký, viết lách, đánh máy, hay bất kể là gì đi nữa, rất nhiều giờ mỗi ngày. Và như vậy là hết ngày.
Nhưng thế còn sản phẩm phụ của thời gian thì sao, những phút lẻ? Bạn có biết những người đạt được thành công lớn trên thế giới này đều là những người biết sử dụng sáng suốt những giây phút ấy không? Ví dụ, Thomas A. Edison, khi còn đang làm người trực điện tín, vẫn miệt mài bên bàn phím với mức lương ít ỏi. Nhưng ông không hề phớt lờ sản phẩm phụ – những phút lẻ rảnh rang ít ỏi. Ông suy nghĩ, lên kế hoạch, và thử nghiệm trong khoảng thời gian xen giữa các bức điện tín. Và ông đã phát triển nên, như là các sản phẩm phụ của công việc điện toán, tất cả các phát minh đã đem về cho ông hàng triệu đô-la, và cho cư dân trên trái đất này hàng tỷ đô-la thông qua những ý tưởng mới.
Benjamin Franklin trong câu chuyện đời mình đã cho thấy những nỗ lực tương tự nhiều không kể xiết, nhờ sử dụng những phút lẻ của mình. Bằng hàng trăm cách khác nhau, ông vẫn xoay xở khiến thời gian thêm hữu ích và năng suất.
Những gì một người làm trong những phút lẻ không chỉ có khả năng đem đến lợi nhuận; mà còn có khả năng tăng cường hoạt động trí não. Trí óc khát khao sự đổi thay, và nó thường thể hiện rất tốt trong những việc bất thường, vượt khỏi thói quen hằng ngày.
“Đủ tốt là được rồi” là một câu khẩu hiệu ngu ngốc trong cuộc sống của một người muốn thành công. Trước hết, không có gì là “đủ tốt”, bạn luôn có thể làm tốt hơn. Bất kể bạn làm tốt đến mức nào, hãy làm tốt hơn. Có một câu ngạn ngữ xưa của người Tây Ban Nha nói rằng: “Hãy tận hưởng những thứ ít ỏi bạn có trong khi những kẻ khờ tìm kiếm nhiều hơn”.
Người Mỹ hăng hái nên đảo ngược lại câu nói thành thế này: “Trong khi kẻ khờ đang tận hưởng những thứ ít ỏi anh ta có, mình sẽ đi tìm kiếm nhiều hơn”.
Cách để tìm kiếm nhiều hơn là tận dụng những phút giây lẻ của bạn.
Mỗi phút giây bạn tiết kiệm được bằng cách khiến nó hữu dụng và có ích nhiều hơn, là càng nhiều giây phút hơn được thêm vào cuộc đời bạn và triển vọng của nó. Mỗi một phút giây lãng phí là một sản phẩm phụ bị bỏ lỡ – một khi đã mất đi, bạn sẽ không bao giờ lấy lại được nữa.
Hãy nghĩ về mười lăm phút lẻ vào sáng sớm trước bữa sáng, nửa giờ lẻ sau bữa sáng; và nhớ rằng đó là cơ hội để đọc, để tư duy, hay tập trung suy nghĩ về sự nghiệp. Tất cả những cơ hội này là sản phẩm phụ trong sự tồn tại mỗi ngày của bạn.
Hãy sử dụng chúng, rồi bạn có thể thấy điều mà những công ty lớn nhất đã phát hiện ra, rằng lợi nhuận thực tế nằm ở việc tận dụng những sản phẩm phụ.
Bạn thường nghe những người không mục đích, không thành công hay vô dụng nói về việc “giết thời gian”. Người luôn giết thời gian là đang thực sự giết chết những cơ hội trong đời mình; những người sinh ra để thành công là người khiến thời gian “sống” bằng cách khiến nó có ích.