Khi thực sự hiểu bài học này, bạn sẽ đến gần nhất với quy luật thành công khái quát duy nhất trong vũ trụ này.
TIẾN SĨ NAPOLEON HILL
Napoleon Hill là một con người đáng kinh ngạc. Bất chấp mọi khó khăn và áp lực, ông đã dành hơn hai mươi lăm năm cuộc đời để phỏng vấn và nghiên cứu sự nghiệp của những người thành công. Mục tiêu của ông là gì? Để bóc tách và xác định các lý do tại sao nhiều người lại thất bại và quá ít người thành công.
Hàng trăm ngàn cuốn sách về thành công đã ra đời trong suốt năm thập niên vừa qua, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ những phát hiện của Tiến sĩ Hill. Chắc chắn rằng cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại của ông, Nghĩ giàu và Làm giàu, đã ảnh hưởng đến nhiều cuộc đời trong thế kỷ này hơn bất kỳ cuốn sách nào khác, ngoại trừ Kinh thánh.
Tuy nhiên, Nghĩ giàu và Làm giàu chỉ là một phiên bản thu gọn tác phẩm trước đó của Hill, đã được dịch sang mười sáu thứ tiếng, tựa đề Các quy luật thành công. Đó là một tác phẩm vĩ đại còn lưu giữ những lời nói vô giá từ Thomas Edison, Cyrus Curtis, William Howard Taft, Woodrow Wilson, William Wrigley, Jr., John Wanamaker, George Eastman và F. W. Woolworth!
Bài học này được trích từ cuốn sách gốc ban đầu, và chủ đề của bài học, theo Tiến sĩ Hill, gần như chính nó đã đủ đảm bảo thành công cho bất kỳ ai áp dụng nó trong mọi việc mình làm. Ông viết: “Bạn có thể không thích công việc mình đang làm bây giờ. Có hai cách để bạn thoát ra khỏi công việc đó. Cách thứ nhất là có chút hứng thú với việc đang làm, mục tiêu chỉ để đủ ‘đối phó’. Như vậy bạn sẽ mau chóng tìm được cách thoát khỏi thôi, vì sẽ chẳng ai cần sự phục vụ của bạn nữa”.
Nhưng còn một cách khác và tốt hơn để “thoát khỏi công việc mình không thích” và tác giả viết về thành công xuất sắc nhất sẽ chuẩn bị giải thích cho bạn cách làm điều đó...
Khi một người mải mê với công việc mình yêu thích, thì làm nhiều việc hơn và làm tốt hơn so với những gì được trả công không phải điều nhọc nhằn khó khăn gì, và chính vì lý do này mà mỗi người đều phải cố gắng hết sức để tìm thấy kiểu công việc mà mình yêu thích nhất.
Tôi có lý do hoàn hảo để đưa ra lời khuyên này cho những người học theo triết lý ấy, đó là chính bản thân tôi đã luôn làm theo, mà không hề hối hận chút nào vì đã làm như vậy.
Có lẽ đây là lúc thích hợp để tôi chèn vào chút lịch sử cá nhân về cả tác giả lẫn triết lý Quy luật thành công, mục đích là để chỉ ra rằng làm việc với tinh thần đam mê vì chính bản thân công việc chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ mất đi.
Toàn bộ bài học này được dành để đem đến cho bạn bằng chứng rằng thành quả thực sự sẽ tưởng thưởng cho người làm nhiều việc hơn và tốt hơn so với người được trả tiền để làm việc. Nỗ lực này sẽ thật vô ích và sáo rỗng biết bao nếu bản thân tác giả không áp dụng quy luật này đủ lâu để có thể nói nó đã thành công ra sao.
Hơn một phần tư thế kỷ, tôi đã miệt mài làm việc mình yêu thích, mà từ đó đã xây dựng nên triết lý này, và tôi hoàn toàn thực lòng khi nhắc lại rằng tôi đã được trả công rất hậu hĩnh cho công sức lao động mình bỏ ra, bằng những niềm vui tôi nhận được suốt quãng đường đó, kể cả khi tôi không nhận được gì thêm nữa.
Công sức lao động của tôi về triết lý này nhiều năm về trước đã khiến tôi phải chọn lựa giữa lợi nhuận tiền bạc trước mắt, mà tôi có thể đạt được bằng cách hướng nỗ lực của mình theo hướng thuần thương mại, với một khoản thù lao nhiều năm sau mới thu về được, thể hiện qua cả tiêu chuẩn tài chính thông thường và các hình thức thanh toán khác chỉ đo đếm được bằng kiến thức tích lũy, cho phép người ta tận hưởng thế giới quanh mình sâu sắc hơn.
Người say mê với công việc mà mình yêu thích nhất không lúc nào cũng có được sự ủng hộ cho lựa chọn của mình, từ những người bạn thân thiết nhất hay người thân.
Chiến đấu chống lại những lời khuyên tiêu cực từ bạn bè và người thân đòi hỏi một phần năng lượng đáng báo động của tôi trong suốt những năm tôi mải mê với công trình nghiên cứu phục vụ mục đích thu thập, tổ chức, phân loại và thử nghiệm những tài liệu sẽ đi vào các tác phẩm và khóa học của mình.
Tôi nhắc đến những chi tiết cá nhân này chỉ với mục đích cho những người theo đuổi triết lý này thấy rằng hiếm khi, nếu có, một người muốn gắn bó với công việc mình yêu thích nhất lại không gặp phải vài kiểu chướng ngại nào đó. Nhìn chung, những trở ngại lớn nhất trên con đường gắn bó với công việc mình yêu thích nhất chính là có thể nó không phải công việc đem đến khoản thù lao lớn nhất lúc khởi điểm.
Tuy nhiên, để bù đắp lại thiệt hại này, người làm công việc mình thích thường được tưởng thưởng với hai lợi ích mang tính quyết định: thứ nhất, anh ta thường thấy trong chính công việc đó phần thưởng tuyệt vời hơn tất cả, HẠNH PHÚC, một điều vô giá; thứ hai, sự tưởng thưởng thực sự bằng tiền bạc, khi tính trung bình trên một đời nỗ lực, thì nhìn chung nó lớn hơn nhiều, bởi làm việc với thái độ say mê thường mang đến thành quả với số lượng nhiều hơn và chất lượng tốt hơn so với việc chỉ làm vì mục đích tiền bạc.
Xin hãy nhớ rằng trong suốt những năm nghiên cứu đó, tôi không chỉ áp dụng quy luật được nêu ra trong bài học này, bằng cách LÀM NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ ĐƯỢC TRẢ, mà còn hơn thế, tôi làm công việc mà vào thời điểm đó tôi không hề hy vọng mình sẽ được nhận thù lao.
Vì vậy, sau nhiều năm hỗn loạn, gian khổ, cùng sự phản đối, triết lý này cuối cùng cũng được hoàn thành và biến thành bản thảo, chuẩn bị sẵn sàng để xuất bản.
Còn rất nhiều lý do hợp lý về việc tại sao bạn nên phát triển thói quen làm nhiều hơn và làm tốt hơn so với những gì bạn được trả công, bất kể sự thật rằng phần lớn mọi người không làm như vậy.
Tuy nhiên, có hai lý do quan trọng hơn hẳn mọi lý do khác để làm việc như vậy; đó là:
Thứ nhất: Bằng cách tạo lập danh tiếng là một người luôn làm nhiều hơn và tốt hơn so với những gì được trả, bạn sẽ có lợi hơn so với những người xung quanh không làm được như vậy, và sự tương phản sẽ dễ thấy tới mức người ta sẽ tranh giành khốc liệt để có được sự phục vụ của bạn, bất kể công việc cả đời của bạn là gì chăng nữa.
Sẽ là quá coi thường trí thông minh của bạn nếu tôi đưa ra bằng chứng về sự hợp lý của lời khẳng định này, vì nó hiển nhiên hợp lý rồi. Dù bạn giảng đạo, hành nghề luật, viết sách, dạy học, hay đào huyệt, bạn sẽ có giá trị hơn nhiều và có thể đòi hỏi tiền công cao hơn kể từ giây phút bạn được công nhận làm nhiều hơn những gì được trả.
Thứ hai: Cho tới thời điểm hiện tại, lý do quan trọng nhất bạn nên làm nhiều hơn những gì được trả, một lý do rất căn bản và nền tảng, có thể miêu tả thế này: Giả sử bạn muốn có một cánh tay phải khỏe mạnh, và giả sử bạn cố gắng làm vậy bằng cách buộc cánh tay đó vào một bên người bằng một sợi dây, để không dùng nó nữa và cho nó nghỉ ngơi dài hạn. Liệu việc không dùng nữa đem đến sức mạnh, hay nó sẽ mang đến sự teo tóp dần và yếu đuối, dẫn đến kết quả cuối cùng là bạn buộc phải cắt bỏ cánh tay?
Bạn biết nếu muốn có một cánh tay phải khỏe mạnh, thì bạn phải sử dụng nó một cách tích cực nhất. Hãy nhìn cánh tay của người thợ rèn nếu bạn muốn biết một cánh tay trở nên mạnh mẽ như thế nào. Sức mạnh đến từ sự chống chịu. Cây sồi khỏe nhất trong rừng già không phải là cây được che chắn khỏi bão giông và ánh mặt trời, mà là cái cây đứng giữa trời đất, nơi nó buộc phải quăng quật để tồn tại, chống đỡ lại mưa gió và cái nóng thiêu đốt của mặt trời.
Chính qua sự vận động của một trong những quy luật bất biến của thiên nhiên mà sự đấu tranh và bền bỉ đã mang đến sức mạnh, mục đích của bài học này là để chỉ cho bạn cách khai thác quy luật, dùng nó để trợ giúp bạn trong quá trình đấu tranh cho thành công. Bằng cách làm nhiều hơn, tốt hơn những gì được trả, bạn không chỉ thể hiện các phẩm chất làm việc của mình, từ đó phát triển kỹ năng và khả năng của một người xuất sắc, mà còn xây dựng danh tiếng là mình rất đáng giá. Nếu hình thành được thói quen như vậy, bạn sẽ trở nên giỏi giang trong công việc tới mức bạn có thể yêu cầu trả công cao hơn những người không làm được như vậy. Sau cùng, bạn sẽ phát triển đủ sức mạnh cho phép bạn đưa bản thân ra khỏi bất cứ trạm dừng không mong muốn nào trong đời, và không ai có thể hay dám ngăn cản bạn.
Nếu là một nhân viên có thể khiến bản thân trở nên rất có giá trị, nhờ thói quen làm nhiều hơn mức được trả, bạn có thể gần như tự đặt ra mức lương của mình và không người chủ khôn ngoan nào lại cố gắng ngăn cản bạn. Nếu không may người chủ cố gắng ngăn không cho bạn hưởng phần bạn xứng đáng được nhận, thì điều này không còn bất lợi nữa, bởi những người chủ khác sẽ nhận thấy phẩm chất đặc biệt của bạn và trao cho bạn cơ hội làm việc.
Chính sự thật rằng hầu hết mọi người đang làm ít hơn mức có thể để đối phó là một lợi thế cho tất cả những người làm nhiều hơn những gì được trả, vì nó giúp họ thu được lợi ích từ việc so sánh. Bạn có thể “đối phó” nếu bạn làm ít việc nhất có thể, nhưng đó là tất cả những gì bạn nhận được; và khi tình trạng công việc trở nên trì trệ, bắt đầu cắt giảm lao động, bạn sẽ là người đầu tiên bị loại bỏ.
Trong vòng hơn hai mươi lăm năm, tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều người với mục tiêu tìm hiểu xem tại sao một số người lại đạt được thành công đáng chú ý đến vậy, trong khi những người khác cũng có nhiều năng lực nhưng không thành công; và một điều có vẻ quan trọng là tất cả những người tôi từng quan sát có áp dụng nguyên lý làm nhiều hơn mức được trả luôn nắm giữ những vị trí tốt hơn và nhận được nhiều tiền hơn, so với những người chỉ đơn thuần làm đủ để “đối phó” cho có.
Cá nhân cuộc đời tôi chưa bao giờ thăng tiến mà không phải vì lý do trực tiếp là sự công nhận rằng tôi đã làm nhiều hơn và tốt hơn những gì mình được trả công.
Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biến nguyên tắc này thành một thói quen như phương tiện để một nhân viên có thể tự mình thăng tiến lên vị trí cao hơn, mức lương lớn hơn, vì lý do đó, điều này đã được hàng ngàn người trẻ đang làm thuê cho người khác học hỏi. Tuy nhiên, nguyên lý này cũng áp dụng được cho những người làm chủ hay các chuyên gia cũng y hệt như với nhân viên vậy.
Quan sát nguyên lý này đem đến cho tôi sự tưởng thưởng gấp hai lần. Thứ nhất, nó đem đến cho tôi phần thưởng là nhiều tài liệu thu thập hơn so với những người không quan sát; và, thứ hai, nó đem đến sự hạnh phúc và hài lòng mà chỉ những người làm được vậy mới nhận được. Nếu bạn không nhận được gì thêm ngoài số tiền trong phong bì, thì bạn chưa được trả đúng mức, bất kể trong phong bì đó có bao nhiêu tiền đi nữa.
Giờ chúng ta hãy cùng phân tích quy luật làm nền tảng cho toàn bộ bài học này, đó là…
QUY LUẬT LỢI SUẤT TĂNG DẦN!
Hãy bắt đầu bài phân tích bằng cách chỉ ra thiên nhiên đã sử dụng quy tắc này thế nào thay nông dân làm đất. Người nông dân cẩn thận làm đất, sau đó gieo hạt và chờ đợi, trong khi Quy luật Lợi suất Tăng dần mang về những hạt mà anh ta đã gieo trồng, cộng với số lượng tăng lên gấp nhiều lần.
Nếu không có Quy luật Lợi suất Tăng dần này, người nông dân sẽ chết dần chết mòn, vì anh ta không thể khiến đất đai sản sinh đủ thực phẩm để sống sót. Gieo một cánh đồng lúa mì sẽ chẳng đem đến lợi thế nào cả nếu năng suất thu hoạch không nhiều hơn lượng gieo trồng.
Với “lời gợi ý” quan trọng tột bậc từ thiên nhiên này, chúng ta có thể gặt hái từ những cánh đồng lúa mì, giúp chúng ta tiếp tục nắm lấy Quy luật Lợi suất Tăng dần này và học cách áp dụng nó cho công việc của chúng ta, để cuối cùng có thể tạo ra lợi suất lớn vượt bậc và lớn hơn so với nỗ lực mà chúng ta bỏ ra.
Trước hết, hãy nhấn mạnh sự thật rằng không có ngón lừa bịp hay mánh khóe gì liên quan tới quy luật này, mặc dù một số người dường như vẫn chưa hiểu được sự thật quan trọng này, xét về số người vẫn đang dành mọi nỗ lực để có được gì đó mà không phải đánh đổi gì cả, hay thứ gì đó mà trả giá không xứng với giá trị thực của nó.
Chúng tôi khuyến nghị việc sử dụng Quy luật Lợi suất Tăng dần không phải vì những mục đích như vậy, vì chúng không có khả năng, trong phạm vi nghĩa rộng của từ thành công.
Một đặc điểm nổi bật và đáng chú ý khác của Quy luật Lợi suất Tăng dần là nó có thể đem đến lợi nhuận lớn cho người mua dịch vụ cũng như những người thực hiện dịch vụ, bằng chứng là chúng tôi đã nghiên cứu ảnh hưởng của thang bậc tối thiểu năm-đô-la-một-ngày nổi tiếng của Henry Ford mà ông đã thực hiện vài năm trước.
Những người đã biết rõ về chuyện này nói rằng Ford không phải đang đóng vai trò một người từ tâm khi thực hiện bậc lương tối thiểu; mà ngược lại, ông chỉ đang tận dụng một nguyên lý kinh doanh hợp lý có thể mang đến lợi nhuận lớn hơn, qua cả đồng tiền và sự tín nhiệm, hơn bất kỳ một chính sách nào từng được thực hiện ở nhà máy của Ford.
Bằng cách trả nhiều hơn mức lương trung bình, ông nhận được dịch vụ nhiều hơn và tốt hơn mức trung bình!
Chỉ bằng một hành động, thông qua việc áp dụng chính sách tiền lương tối thiểu, Ford thu hút được những lao động tốt nhất trên thị trường và khiến việc làm việc trong nhà máy của ông trở thành một đặc ân.
Tôi không nắm trong tay những con số xác thực về vấn đề này, nhưng tôi có lý do vững chắc để phỏng đoán rằng cứ mỗi năm đô-la Ford chi ra, theo chính sách này, ông thu về dịch vụ đáng giá ít nhất bảy đô-la rưỡi. Tôi cũng có một lý do chắc chắn khác để tin rằng chính sách này giúp Ford giảm thiểu chi phí giám sát, bởi nhiều người khao khát được làm việc trong nhà máy của ông đến nỗi không người công nhân nào muốn gặp rủi ro đánh mất vị trí của mình bằng cách “trốn việc” hay tạo ra sản phẩm kém chất lượng.
Khi những người chủ doanh nghiệp khác buộc phải phụ thuộc vào sự quản lý đắt đỏ để có được dịch vụ mà họ đã trả tiền và vốn dĩ phải được hưởng, thì Ford lại nhận được dịch vụ ngang bằng hoặc tốt hơn với phương pháp ít tốn chi phí nhờ tăng giá lao động trong nhà máy.
Marshall Field có lẽ là thương nhân hàng đầu trong thời đại của mình, và cửa hàng Field khổng lồ ở Chicago vẫn đứng vững đến ngày hôm nay như một tượng đài cho khả năng áp dụng Quy luật Lợi suất Tăng dần của ông.
Một khách hàng mua một chiếc dây thắt lưng rất đắt ở cửa hàng Field, nhưng không hề dùng tới nó. Hai năm sau, người đó tặng cho cô cháu gái của mình làm quà cưới. Người cháu lặng lẽ hoàn trả thắt lưng lại cho cửa hàng và đổi nó lấy món hàng khác, dù cho nó đã được bán hơn hai năm rồi và không còn thời trang nữa.
Cửa hàng Field không chỉ nhận lại thắt lưng, mà điều quan trọng hơn là cửa hàng nhận lại mà không hề tranh cãi!
Đương nhiên, cửa hàng không có nghĩa vụ nhận lại dây thắt lưng ở thời điểm trả muộn như vậy, dù là về mặt đạo đức hay pháp luật. Điều này khiến việc giao dịch càng trở nên ý nghĩa.
Dây thắt lưng ban đầu được bán với giá năm mươi đô-la, và đương nhiên nó đã được quẳng lên quầy hạ giá và bán với bất cứ mức giá nào có thể bán được, nhưng một người hiểu biết về bản chất con người sẽ hiểu rằng Field không chỉ không mất bất cứ thứ gì với dây thắt lưng, mà thực ra còn có lợi, bởi giao dịch theo một mức độ nào đó không thể đo đếm chỉ bằng tiền.
Người phụ nữ trả lại dây thắt lưng hiểu rằng cô ta không có quyền nhận tiền hoàn trả lại; vì vậy, khi cửa hàng trả lại cô thứ mà cô không có quyền nhận, vụ giao dịch này đã chinh phục được cô, biến cô trở thành khách hàng trọn đời. Nhưng tác động của vụ trao đổi không dừng lại ở đó; nó chỉ mới bắt đầu, vì người phụ nữ này bắt đầu lan truyền câu chuyện “cách xử lý đẹp lòng khách” ở Field khắp xa gần. Đó là chủ đề câu chuyện của cô trong vòng nhiều ngày, và Field được quảng cáo nhiều hơn khả năng họ có thể trả tiền theo bất cứ cách nào, bằng mười lần giá trị chiếc thắt lưng.
Thành công của cửa hàng Field được xây dựng chủ yếu dựa trên việc Marshall Field hiểu Quy luật Lợi suất Tăng dần, và ông đã thực hiện như một phần chính sách kinh doanh với câu khẩu hiệu: “Khách hàng luôn đúng”.
Khi chỉ làm những gì bạn được trả công, thì chẳng có gì đặc biệt để thu hút nhận xét có lợi về việc trao đổi của bạn; nhưng khi bạn sẵn sàng làm nhiều hơn thế, hành động của bạn thu hút sự chú ý có lợi từ tất cả những người bị ảnh hưởng bởi giao dịch, và tiến thêm một bước tới việc thiết lập danh tiếng mà cuối cùng sẽ khiến quy luật hoạt động cho lợi ích của bạn, vì danh tiếng này sẽ tạo ra nhu cầu đối với dịch vụ của bạn rộng rãi khắp nơi.
Carol Downes tới làm việc cho W. C. Durant, một nhà sản xuất xe ô-tô, với vị trí khá khiêm tốn. Hiện giờ anh là cánh tay phải của Durant, và là chủ tịch một trong những công ty phân phối xe của Durant. Anh tự giúp mình thăng tiến tới vị trí có lợi này chỉ đơn thuần bằng sự trợ giúp của Quy luật Lợi suất Tăng dần, bằng cách làm nhiều hơn và tốt hơn những gì được trả.
Trong một lần đến thăm Downes gần đây, tôi hỏi anh ấy làm thế nào để được thăng cấp nhanh như vậy. Anh ấy kể cho tôi toàn bộ câu chuyện bằng vài lời ngắn gọn.
Anh nói: “Khi lần đầu tiên tới làm việc với Durant, tôi nhận thấy ông ấy luôn ở lại văn phòng sau khi tất cả mọi người khác đã về nhà rất lâu rồi, và tôi cũng coi việc ở lại là việc của mình. Không ai yêu cầu tôi phải ở lại, nhưng tôi nghĩ nên có ai đó ở đây để trợ giúp cho Durant khi ông ấy cần. Thường ông ấy hay nhìn quanh kiếm xem có ai mang cho ông tài liệu, hay làm vài thứ lặt vặt nho nhỏ, và luôn thấy tôi ở đó sẵn sàng phục vụ ông. Rồi ông quen dần với việc gọi tôi; tất cả câu chuyện là thế đấy”.
“Ông ấy quen dần với việc gọi tôi!”
Hãy đọc lại câu đó một lần nữa, vì nó có ý nghĩa vô cùng lớn.
Tại sao Durant lại bắt đầu có thói quen gọi ông Downes? Bởi vì Downes đã coi việc ở bên giúp đỡ nơi ông có thể nhìn thấy là việc của mình.
Anh ấy có bị bắt làm việc này không? Không!
Anh ấy có được trả công để làm vậy không? Có! Anh ấy được trả công bằng cơ hội được người đàn ông có quyền thăng chức cho anh chú ý đến.
Chúng ta giờ đang đến phần quan trọng nhất của bài học này, bởi đây là thời điểm thích hợp để nói với bạn rằng bạn cũng có cùng cơ hội để sử dụng Quy luật Lợi suất Tăng dần mà Downes đã dùng, và bạn cũng có thể bắt đầu ứng dụng quy luật đó y hệt cách mà Downes đã làm, bằng cách luôn sẵn sàng và luôn tình nguyện làm việc, những việc mà những người khác có thể trốn tránh vì họ không được trả tiền để làm.
Khoan đã! Đừng nói điều đó ra – thậm chí đừng nghĩ đến – nếu bạn có chút ý định nào, dù là nhỏ nhất, nghĩ về câu nói muôn thuở ấy: “Nhưng ông chủ của tôi thì khác”.
Đương nhiên là ông ấy khác rồi. Tất cả mọi người đều khác biệt ở hầu hết mọi khía cạnh, nhưng hầu hết đều giống nhau ở một điểm – đó là đều có chút gì ích kỷ; thực tế, họ đủ ích kỷ để không muốn một người như Carol Downes chơi trò rút thăm quyết định đầu quân cho đối thủ cạnh tranh của họ, và chính sự ích kỷ này có thể dùng để coi bạn như một tài sản chứ không phải một món nợ nếu:
Bạn có óc phán đoán tốt để khiến bản thân trở nên hữu dụng tới mức người mà bạn bán dịch vụ cho không thể xoay xở khi không có bạn.
Một trong những sự đề bạt có lợi nhất tôi từng được nhận đến với tôi qua một biến cố trông có vẻ chẳng quan trọng gì. Một buổi chiều thứ Bảy, một vị luật sư có văn phòng cùng tầng với ông chủ của tôi, bước vào và hỏi liệu ông ấy có thể tìm một người tốc ký để giúp ông làm chút việc buộc phải hoàn thành trong ngày hôm đó không.
Tôi nói với ông ấy rằng tất cả những người tốc ký của chúng tôi đã đi xem một trận bóng, và tôi có lẽ cũng đã đi nếu ông đến muộn năm phút, nhưng tôi rất vui lòng ở lại làm công việc của ông vì xem trận bóng thì lúc nào cũng được, còn công việc của ông lại phải hoàn thành trong hôm đó.
Tôi làm việc cho ông ấy, và khi ông hỏi nợ tôi bao nhiêu, tôi đáp đùa: “Ồ, khoảng một ngàn đô-la, nhưng đấy là ông; nếu là người khác, tôi sẽ chẳng tính tiền đâu”. Ông cười và cảm ơn tôi.
Lúc đó tôi chẳng suy nghĩ gì khi nói ra như vậy, rằng ông ấy phải trả cho tôi một ngàn đô-la cho buổi chiều làm việc hôm ấy, nhưng sự thật thì ông ấy đã làm vậy! Sáu tháng sau, sau khi tôi đã hoàn toàn quên sự việc ngày hôm đó, ông ấy gọi tôi và hỏi lương của tôi là bao nhiêu. Khi tôi nói ra, ông cho tôi biết rằng ông sẵn sàng trả tôi một ngàn đô-la mà tôi đã nói đùa khi trước, bằng cách trao cho tôi một vị trí với mức tăng lương một ngàn đô-la một năm.
Tôi đã sử dụng Quy luật Lợi suất Tăng dần một cách vô thức ngày hôm đó để hành động cho mình, bằng cách từ bỏ trận bóng và rõ ràng là phục vụ chỉ vì mong muốn được giúp ích chứ không phải vì để ý tới sự trả công tiền bạc.
Bỏ ra một buổi chiều thứ Bảy không phải nghĩa vụ của tôi, nhưng…
Đó là vinh hạnh của tôi!
Hơn nữa, đó là một vinh hạnh mang đến lợi nhuận, bởi nó đem đến cho tôi một ngàn đô-la tiền mặt và một vị trí có trách nhiệm cao hơn vị trí trước đó tôi từng đảm nhiệm.
Tôi đã suy nghĩ hơn hai mươi lăm năm về vinh hạnh được làm nhiều hơn và tốt hơn những gì ta được trả, và tôi đã đi tới kết luận rằng mỗi giờ đồng hồ trong ngày được dành cho công việc ta không được trả công có thể đem đến lợi nhuận lớn hơn những gì ta có thể nhận được từ toàn bộ thời gian còn lại trong ngày, khi chúng ta chỉ đơn thuần thực hiện nghĩa vụ của mình.
(Chúng ta vẫn ở trong phần quan trọng nhất của bài học này, vì vậy, hãy suy nghĩ và ngấm dần khi bạn lật giở qua những trang sách này.)
Quy luật Lợi suất Tăng dần này không phải phát minh của tôi, và tôi cũng chẳng tuyên bố đòi công lao khám phá nguyên tắc làm nhiều hơn và tốt hơn so với mức được trả. Tôi chỉ đơn giản là nắm bắt lấy chúng, sau nhiều năm quan sát kỹ lưỡng những sức mạnh liên quan tới việc đạt được thành công, cũng như bạn sẽ nắm bắt được sau khi hiểu tầm quan trọng của chúng.
Bạn có thể bắt đầu quá trình nắm bắt ngay từ giờ bằng cách làm một thí nghiệm giúp bạn dễ hiểu hơn.
Tuy nhiên, xin nhắc rằng, bạn đừng cố làm thử nghiệm này với tinh thần giống một người phụ nữ thử nghiệm đoạn Kinh thánh nói điều gì đó về việc nếu anh có niềm tin dù chỉ nhỏ như một hạt cải, và nói với ngọn núi đằng xa dời đi nơi khác, thì nó sẽ dịch chuyển thật. Người phụ nữ này sống gần một ngọn núi cao, cô có thể trông thấy nó từ cửa trước; vì thế, trước khi đi ngủ vào tối hôm đó, cô ra lệnh cho ngọn núi tự dịch chuyển đến nơi khác.
Sáng hôm sau cô ra khỏi giường, vội vàng đến bên cửa và nhìn ra, nhưng chao ôi, ngọn núi vẫn ở đó. Thế là cô nói:
“Đúng như mình nghĩ! Biết ngay là nó vẫn sẽ ở đó mà.”
Tôi sẽ phải yêu cầu bạn thực hiện thí nghiệm này với niềm tin tuyệt đối rằng nó sẽ đánh dấu một trong những bước ngoặt quan trọng nhất trong suốt cả cuộc đời bạn. Tôi sẽ yêu cầu bạn biến chủ thể của thí nghiệm này là dời ngọn núi đang ngáng đường ở nơi tòa tháp thành công của bạn lẽ ra nên đứng.
Bạn có thể chưa từng nhận thấy ngọn núi mà tôi muốn ám chỉ tới, nhưng nó vẫn đang đứng nguyên đó ngáng đường bạn, trừ khi bạn nhận ra và loại bỏ nó đi.
“Vậy thì ngọn núi này là gì?”, bạn sẽ muốn hỏi như vậy!
Đó là cảm giác thấy mình như bị lừa gạt nếu không nhận được tiền công bằng vật chất cho mọi thứ mình làm.
Cảm giác đó có thể được thể hiện một cách vô thức và phá hủy nền tảng quan trọng của tòa tháp thành công theo nhiều cách mà bạn không hề thấy được.
Ở mức độ vô cùng thấp kém của con người, cảm giác đó thường tìm cách thể hiện ra bên ngoài như thế này:
“Tôi không được trả tiền để làm việc này nên tôi sẽ cóc thèm làm việc đó!”
Bạn biết kiểu người này mà câu nói trên đề cập; bạn đã gặp nhiều lần, nhưng chưa từng thấy một cá nhân nào kiểu như vậy lại thành công, và bạn sẽ không bao giờ thấy họ thành công.
Thành công phải được thu hút qua việc hiểu và ứng dụng được các quy tắc bất biến như luật hấp dẫn vậy. Nó không thể bị dồn vào chân tường và bắt như bắt một con bò hoang. Vì lý do này, bạn phải bắt buộc tham gia vào thí nghiêm sau đây với mục tiêu làm quen với một trong những quy luật quan trọng nhất; đó là, Quy luật Lợi suất Tăng dần.
Thí nghiệm:
Trong vòng sáu tháng tới, hãy nỗ lực làm việc hữu ích cho ít nhất một người mỗi ngày, mà không kỳ vọng hay không nhận một khoản thù lao nào.
Hãy bắt đầu thí nghiệm này với niềm tin rằng nó sẽ mở ra cho bạn một trong những quy luật mạnh mẽ nhất để đạt được thành công vững bền, và bạn sẽ không phải thất vọng đâu.
Có rất nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, bạn có thể giúp một hay vài người nào đó; hay có thể vì cấp trên của bạn, theo bản chất công việc bạn làm sau giờ làm việc.
Ngoài ra, bạn cũng có thể làm gì đó cho những người hoàn toàn xa lạ, những người bạn không nghĩ sẽ gặp lại lần nữa. Miễn bạn sẵn lòng thực hiện công việc đó chỉ vì một mục đích duy nhất là mang lại lợi ích cho người khác, thì việc bạn làm chuyện đó cho ai không quan trọng.
Nếu bạn tiến hành thí nghiệm này với thái độ đúng đắn trong đầu, bạn sẽ khám phá ra một quy luật, rằng:
Bạn không thể làm việc mà không nhận được đền bù nhiều hơn so với sự mất mát bạn phải chịu khi từ chối không làm.
Emerson nói: “Nguyên nhân và kết quả, cách thức và mục đích, hạt giống và quả ngọt, không thể tách rời với nhau, vì kết quả vốn đã nằm trong nguyên nhân, mục đích tồn tại từ trước trong cách thức, và quả ngọt nằm sẵn trong hạt giống.
Nếu bạn phục vụ một người chủ vô ơn, hãy phục vụ ông ta nhiều hơn. Để Chúa nợ bạn. Mỗi sự cố gắng đều sẽ được đền đáp. Sự đền đáp càng bị giữ lại lâu bao nhiêu, thì càng tốt cho bạn bấy nhiêu, vì lãi kép tính trên lãi kép chính là tỷ suất và cách dùng của kho bạc này.
Quy luật của Tự nhiên là: Làm việc và bạn sẽ có sức mạnh, những người không làm việc sẽ không có sức mạnh.”
Loài người phải chịu khổ suốt đời, với sự mê muội ngu ngốc mà họ bị lừa. Nhưng việc một người chẳng thể nào bị lừa gạt bởi bất cứ ai ngoài chính mình, cũng tương tự như một thứ vừa có thể tồn tại vừa có thể đồng thời không tồn tại vậy. Luôn có một bên thứ ba im lặng trong mọi giao kèo của chúng ta. Bản chất và tâm hồn của sự vật chính là sự bảo đảm hoàn thành của mọi khế ước, vì vậy, làm việc trung thực thì không thể nào thua thiệt được.
Trước khi bạn bắt đầu thí nghiệm, hãy đọc bài luận có tên “Bồi hoàn” của Emerson, vì nó rất hữu ích trong việc giúp bạn hiểu được tại sao mình lại thực hiện thí nghiệm này.
Có lẽ bạn đã từng đọc “Bồi hoàn” trước đó. Nhưng hãy đọc lại lần nữa! Một hiện tượng lạ bạn có thể thấy được về bài viết này đó là mỗi lần đọc nó, bạn sẽ khám phá thêm những sự thật mới mà không hề nhận thấy trong những lần đọc trước.
Chúng ta đều đi qua hai giai đoạn quan trọng trong đời; một là giai đoạn thu thập, phân loại và sắp xếp kiến thức, còn giai đoạn thứ hai là xoay xở vật lộn để được công nhận. Đầu tiên chúng ta phải học hỏi, điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn hầu hết mọi người sẵn sàng bỏ vào công việc đó; nhưng sau khi hiểu ra rằng công việc đó hữu ích với người khác, ta vẫn phải đối mặt với vấn đề phải thuyết phục họ chúng ta có thể phục vụ được.
Một trong những lý do quan trọng nhất khiến chúng ta nên luôn luôn không chỉ sẵn sàng mà còn sẵn lòng thực hiện công việc, chính là sự thật rằng mỗi lần làm như vậy, chúng ta có thêm một cơ hội chứng tỏ với người khác rằng mình có năng lực; và chỉ tiến thêm một bước nữa thôi là giành được sự công nhận cần thiết mà tất cả chúng ta đều phải có.
Thay vì nói với thế giới: “Hãy cho tôi thấy tiền của anh và tôi sẽ cho anh thấy tôi có thể làm gì”, thì hãy đảo ngược câu nói đó thành: “Để tôi cho anh thấy tôi làm việc thế nào để nếu anh thích thú với công việc của tôi, tôi sẽ có cơ hội nhìn thấy tiền của anh”.
Cuộc đời chẳng là gì ngoài một quãng thời gian ngắn ngủi vài chục năm. Chúng ta cũng chỉ như những ngọn nến được thắp lên, sáng lung linh trong thoáng chốc, rồi vụt tắt! Nếu chúng ta ở đây vì mục đích dành những kho báu để sử dụng ở thế giới bên kia sau khi chết, thì chẳng lẽ chúng ta không thể cố hết sức thu thập những kho báu đó bằng cách làm mọi việc có thể, cho tất cả mọi người có thể, bằng tinh thần yêu thương của sự tử tế và đồng cảm hay sao?
Tôi hy vọng bạn đồng tình với triết lý này.
Bài học phải kết thúc ở đây, nhưng không hề có nghĩa là nó đã xong. Tôi viết ra những dòng suy nghĩ của mình, giờ nhiệm vụ của bạn là sử dụng và phát triển nó, theo cách của riêng bạn, và vì lợi ích của chính bạn.
Vì chính bản chất chủ đề của bài học này mà nó sẽ chẳng bao giờ kết thúc, vì nó dẫn tới trung tâm của mọi hoạt động con người. Mục đích của nó là giúp bạn nắm bắt những yếu tố nền tảng mà nó dựa vào và giúp bạn sử dụng chúng như yếu tố kích thích giúp mở ra tâm trí, từ đó giải phóng những năng lực tiềm tàng của bạn.
Khi bạn làm công việc tốt nhất có thể, mỗi lần đều gắng sức vượt lên những nỗ lực trước đó, là bạn đang học hỏi ở mức độ cao nhất. Vì thế, khi làm việc nhiều hơn và tốt hơn những gì bạn được trả, chính bạn chứ không phải ai khác, thu được lợi nhuận từ nỗ lực đó.
Làm như vậy bạn mới có thể đạt được sự tinh thông trong lĩnh vực mình lựa chọn. Vì lý do này, bạn nên biến nó thành một phần mục tiêu chủ chốt chắc chắn để nỗ lực vượt qua mọi thành tích trước đó trong tất cả công việc bạn làm. Hãy biến điều này trở thành thói quen của bạn, và tuân thủ nó như ăn cơm uống nước mỗi ngày vậy.
Hãy nỗ lực làm nhiều hơn và tốt hơn những gì mình được trả và nhìn xem kìa, trước khi bạn kịp hiểu chuyện gì xảy ra, bạn sẽ thấy rằng THẾ GIỚI SẴN SÀNG TRẢ CHO BẠN NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ BẠN LÀM!
Lãi kép tính trên lãi kép là giá mà bạn sẽ nhận được khi làm việc như vậy. Tuy nhiên, kim tự tháp những khoản lợi nhuận này sẽ được xây dựng thế nào là hoàn toàn do bạn quyết định.
Bạn sẽ không bao giờ trở thành một người lãnh đạo nếu không làm nhiều hơn những gì mình được trả, và bạn không thể thành công mà không phát triển kỹ năng lãnh đạo trong nghề nghiệp mình chọn.