Kiếm tiền luôn là chuyện đơn giản với những người có chút kỷ luật và tuân theo vài quy tắc.
P. T. BARNUM
Phineas Taylor Barnum chắc chắn là ông bầu vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nếu không có ông trên đời này, Horatio Alger26 cũng sẽ dựng nên ông để làm người hùng cho một trong những pho sử thi “từ nghèo đói tới giàu sang” của mình.
26 Horatio Alger (1832 – 1899) là nhà văn Mỹ nổi tiếng với những cuốn sách về trẻ em nghèo không nhà trong khu ổ chuột của New York.
Từ một khởi đầu thực sự khiêm tốn là nhân viên bán hàng trong một cửa hiệu tạp hóa, và chỉ học hết tiểu học, P. T. Barnum cuối cùng cũng xây dựng được một tổ hợp giải trí lớn nhất thế giới mà ông quảng cáo là “Chương trình tạp kỹ tuyệt vời nhất hành tinh”.
Barnum có những ý niệm rất cụ thể về thành công và cách để đạt được nó, mà ông đã nhắc đến bằng lời khuyên thiết thực trong cuốn tự truyện của mình, Cuộc đời tự thuật của P. T. Barnum (The Life of P. T. Barnum, Written by Himself), và tất cả chúng đều còn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Mỗi khi được mời phát biểu, Barnum luôn nhắc tới “các quy tắc thành công” trong cuốn sách của mình, và khi các bài giảng trở nên nổi tiếng, ông bắt đầu gọi nó là Nghệ thuật kiếm tiền (The Art Of Money-Getting). P. T. đủ thông minh để hiểu, từ chính trải nghiệm cá nhân với tư cách là một người làm quảng cáo và một chính trị gia, rằng có một chủ đề mà công chúng không bao giờ chán – đó là tiền bạc.
Bài học này được trích từ bài phát biểu về “tiền bạc” của ông. Mặc dù nó chủ yếu hướng tới đối tượng thanh niên Mỹ, với mục đích dạy họ theo đuổi sự giàu có với sự chính trực và nghị lực, bạn chắc chắn sẽ nhận ra rằng, dù mình bao nhiêu tuổi đi nữa, cũng sẽ có rất nhiều điều giúp bạn suy nghĩ sáng tỏ hơn về nơi bạn muốn đạt tới và làm thế nào để đến được đó.
Khi học kỳ này kết thúc, bạn sẽ hiểu được những nguyên lý cơ bản của việc tích lũy tiền bạc, mặc dù giờ bạn đã nhận ra rằng chỉ riêng tiền thì không thể bảo đảm hạnh phúc. Bạn cũng sẽ học được nhiều điều hơn nữa, đặc biệt là sự thật lớn rằng những nguyên lý thành công chưa từng thay đổi – và thành viên thú vị nhất của ban giảng huấn sẽ chuẩn bị nhắc lại cho bạn...
Ở Mỹ, chúng ta có nhiều đất hơn người khác nên những người có sức khỏe thì chẳng khó kiếm ra tiền. Với vùng đất còn tương đối mới này, rất nhiều con đường thành công mở ra, rất nhiều ngành nghề vẫn chưa bị quá tải, bất cứ ai dù nam hay nữ mà sẵn sàng, ít nhất trong thời điểm hiện tại, gắn bó với bất cứ nghề nghiệp đáng tôn trọng nào, thì sẽ tìm thấy một công việc sinh lời.
Những người thực sự khao khát tự lập, chỉ cần dồn hết tâm trí vào việc đó, áp dụng những phương pháp thích hợp, như họ vẫn làm đối với bất cứ mục tiêu nào khác muốn hoàn thành, thì sẽ hoàn toàn dễ dàng đạt được. Tuy nhiên, dù tiền trông có vẻ dễ kiếm thế nào đi nữa, tôi vẫn chắc chắn rằng rất nhiều người sẽ đồng ý với tôi, rằng điều khó khăn nhất trên thế giới này là giữ tiền.
Con đường dẫn tới sự giàu sang, như Benjamin Franklin đã nói rất chân thành, là “thẳng như con đường tới cối xay gió”. Nó chủ yếu phụ thuộc vào việc chi tiêu ít hơn khoản tiền kiếm được, nghe có vẻ là một vấn đề khá đơn giản. Micawber, một nhân vật vui vẻ do thiên tài Dickens sáng tạo ra, đã minh họa rất chí lý rằng khi bạn thu nhập hai mươi bảng mỗi năm, và chi tiêu hai mươi bảng, sáu xu thì bạn là người khổ sở nhất trên đời; trong khi đó, với khoản thu nhập hai mươi bảng, mà bạn chi tiêu mười chín bảng, sáu xu thì bạn là người hạnh phúc nhất. Nhiều thính giả của tôi có thể nói: “Chúng tôi hiểu điều này. Đó là tiết kiệm, và chúng tôi biết tiết kiệm là giàu có. Chúng tôi biết mình không thể vừa ăn phần bánh mà lại vừa giữ được nó”. Dẫu vậy, tôi vẫn tha thiết nói rằng có lẽ nhiều trường hợp thất bại xuất phát từ sai lầm ở điểm này hơn bất cứ điểm nào khác. Sự thật là, nhiều người nghĩ họ hiểu về tiết kiệm trong khi thực sự không hề hiểu chút nào.
Tiết kiệm thực sự nằm ở việc luôn có được khoản thu nhập vượt hơn mức chi tiêu. Mặc quần áo cũ lâu hơn một chút nếu cần thiết; không mua đôi găng tay mới; sửa lại bộ váy cũ; sống bằng đồ ăn thanh đạm hơn nếu cần thiết; để bất kỳ hoàn cảnh nào, trừ những sự cố không lường trước xảy ra, vẫn có một khoản thu nhập dôi ra. Chỗ này một đồng, chỗ kia một đồng, cùng khoản lãi suất, tiếp tục tích lũy dần thêm, và bằng cách này, bạn có thể đạt được kết quả mong muốn. Có lẽ, cần chút luyện tập để tiết kiệm được như vậy, nhưng khi quen dần, bạn sẽ thấy nhiều thỏa mãn trong việc tiết kiệm một cách hợp lý hơn là trong việc chi tiêu một cách vô lý. Đây là công thức tôi muốn giới thiệu cho các bạn; tôi thấy nó là một liệu pháp chữa trị tuyệt vời cho bệnh phung phí và đặc biệt là cho sự tiết kiệm bị hiểu sai: Khi bạn thấy mình không có tiền dư dả vào thời điểm cuối năm, dù thu nhập khá tốt, tôi khuyên bạn nên lấy vài tờ giấy và đóng thành một quyển sổ, ghi lại từng mục chi tiêu. Ghi lại hằng ngày hoặc hằng tuần theo hai cột, một cột đề “nhu yếu phẩm”, còn cột kia đề “xa xỉ phẩm”, và bạn sẽ thấy rằng cột xa xỉ phẩm sẽ gấp đôi, gấp ba, và thường xuyên gấp mười lần cột kia. Những món thực sự thiết yếu trong cuộc sống của bạn chỉ chiếm một phần nhỏ số tiền mà hầu hết chúng ta có thể kiếm. Tiến sĩ Franklin nói: “Chính con mắt của người khác chứ không phải của bản thân ta đã hủy hoại chúng ta. Nếu tất cả thế giới này bị mù, trừ bản thân tôi, tôi sẽ chẳng phải bận tâm về quần áo hay đồ nội thất đẹp làm gì”. Chính nỗi sợ những “bà Tám” xung quanh sẽ nói gì khiến nhiều gia đình đáng kính trọng phải làm việc điên cuồng không ngơi nghỉ. Ở nước Mỹ, nhiều người thích lặp lại câu: “Chúng ta đều tự do và bình đẳng”, nhưng đó là một sai lầm lớn không chỉ xét về một mặt.
Rằng chúng ta sinh ra “tự do và bình đẳng” là một sự thật hoành tráng theo một nghĩa, tuy vậy chúng ta không hề sinh ra giàu có như nhau, và cũng sẽ không bao giờ như thế. Một người có thể nói: “Lương anh ta năm mươi ngàn đô-la một năm, trong khi tôi chỉ có một ngàn đô-la. Tôi biết lão ấy khi còn nghèo như tôi, giờ thì lão đã giàu và nghĩ mình tốt đẹp hơn tôi cơ. Tôi sẽ cho lão thấy tôi cũng ngang hàng với lão, tôi sẽ đi ra ngoài mua ngựa và một chiếc xe độc mã… À không, tôi không thể làm thế nhưng có thể đi thuê một chiếc và chiều nay đánh xe đi trên cùng con đường lão đi, và để chứng tỏ cho lão rằng tôi cũng không kém cạnh gì”.
Bạn tôi ơi, không cần phải khổ như vậy làm gì, bạn có thể dễ dàng chứng tỏ mình cũng ngang bằng với ông ta; bạn chỉ cần phải cư xử đẹp như ông ta là được, nhưng bạn không thể khiến mọi người tin bạn cũng giàu như ông ta. Hơn nữa, nếu bạn khoác lên người “những thứ màu mè” này, và lãng phí thời gian, tiền bạc của mình, thì người vợ tội nghiệp của bạn đang ở nhà lau dọn đến đau rát tay, mua trà năm lạng mỗi lần, và đong đo mọi thứ từng chút một để bạn có thể “giữ thể diện”, rồi sau cùng cũng chẳng lừa gạt được ai.
Những người quen với việc chiều theo những ý thích bất chợt, ban đầu sẽ thấy rất khó khăn, khi phải cắt giảm vô số những chi phí không cần thiết, và sẽ cảm thấy mình phải cực kỳ tiết chế khi sống trong ngôi nhà nhỏ hơn mình từng sống, ít đồ nội thất đắt đỏ hơn, ít bạn đồng hành hơn, ít quần áo sang trọng hơn, ít người phục vụ hơn, ít các cuộc dạ vũ, các buổi tiệc tùng, xem phim, ngựa xe, du hí, thuốc lá, rượu bia và các món tiêu pha phung phí khác; nhưng, sau cùng, nếu họ đều thử kế hoạch sinh lời bởi một “món tiền dự phòng”, hay nói cách khác, là một khoản tiền nhỏ, cho vay có lãi hay đầu tư sáng suốt vào đất đai, họ sẽ ngạc nhiên trước sự thỏa mãn có được từ việc liên tục tăng thêm “khối tài sản” nhỏ đó, cũng như từ mọi thói quen tiết kiệm khác hình thành nên nhờ kế hoạch này.
Bộ quần áo cũ, chiếc mũ, chiếc váy cũ sẽ dùng được cho một mùa nữa; Croton và nước khoáng có vị ngon hơn sâm-banh nhiều; một lượt tắm mát và cuộc đi dạo hít thở không khí trong lành sẽ thích hơn nhiều so với một chuyến đi tàu hạng nhất; một cuộc trò chuyện vui vẻ, một buổi chiều đọc sách quây quần bên gia đình, một giờ chơi trò truy tìm kho báu hay bịt mắt bắt dê sẽ thoải mái hơn nhiều so với bữa tiệc năm mươi hay năm trăm đô-la. Nếu nhìn lại sự khác biệt về chi phí, những người biết giá trị của việc tiết kiệm sẽ thấy rất vui thích. Hàng ngàn người đang còn nghèo khổ, và hàng chục ngàn người vẫn quay lại nghèo khổ sau khi đã kiếm được khá đủ để sống sung túc hết đời, do hậu quả của việc sống quá phóng túng. Một số gia đình chi tiêu hai mươi ngàn đô-la mỗi năm, vài gia đình khác thì còn nhiều hơn thế, và họ hiếm khi sống được với ít tiền hơn, trong khi nhiều gia đình có niềm vui bền vững hơn và nhiều hơn chỉ với một phần hai mươi số tiền đó. Sự giàu có là một thử thách còn khó khăn hơn cả gian khổ, đặc biệt là giàu có đột ngột. “Dễ đến, dễ đi” là một câu ngạn ngữ rất xưa và rất đúng. Sự kiêu hãnh và hư danh, khi được để bộc phát trọn vẹn, sẽ như một con sâu đo dai dẳng, gặm nhấm hết những thứ quan trọng trong gia tài của cải vật chất của một người, dù nhỏ hay lớn, vài trăm hay hàng triệu đô. Nhiều người, khi bắt đầu phát đạt, ngay lập tức thực hiện các ý tưởng và bắt đầu chi tiêu cho những thứ xa xỉ, cho tới khi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chi tiêu của họ đã nuốt trọn hết thu nhập, và họ bị hủy hoại trong những nỗ lực nực cười để giữ thể diện và gây “giựt gân”.
Tôi biết một quý ông giàu có, khi mới đầu phát đạt, vợ ông đã mua một chiếc ghế sofa mới rất thanh lịch. Ông bảo: “Chiếc sofa đó tiêu tốn của tôi ba mươi ngàn đô-la!”. Khi chiếc sofa được đưa đến, họ lại thấy cần phải thêm ghế đi kèm cho phù hợp; rồi đến tủ, thảm và bàn để “tương xứng” với nó, và tiếp tục cho tới hết toàn bộ đồ nội thất; khi cuối cùng thấy rằng bản thân căn nhà quá nhỏ và lỗi thời cho những món ấy, một căn nhà mới được xây nên để tương xứng những món nội thất mới. “Vì vậy, tổng kết lại thì tôi tốn một khoản tiền ba mươi ngàn đô-la chỉ bởi một chiếc sofa duy nhất, và tất cả đổ hết lên đầu tôi, dưới dạng những người phục vụ, đồ phụ tùng, và những chi tiêu cần thiết cho việc duy trì ‘cơ ngơi’ đẹp đẽ, một khoản chi tiêu hằng năm lên tới mười một ngàn đô-la, và một sự giày vò buồn bực về chuyện ấy. Trong khi đó, mười năm về trước, chúng tôi sống thực sự thoải mái hơn nhiều, bởi ít phải lo hơn, sống với số tiền chỉ vài trăm đô. Sự thật là”, ông nói tiếp, “nếu không phải vì làn sóng phát đạt chưa từng thấy trước đây giúp tôi phất lên và nếu không phải do tôi kiềm chế khao khát bản năng để phô trương, thì chiếc ghế sofa đó đã có thể đưa tôi đến bờ vực phá sản khó tránh khỏi”.
TRÁNH XA NỢ NẦN
Những bạn trẻ mới bắt đầu cuộc đời nên tránh đi vào con đường nợ nần. Hiếm có điều gì kéo dìm một người xuống như là món nợ. Thật là mù quáng nếu vướng vào tình cảnh ấy, vậy mà ta vẫn thấy nhiều người trẻ gần như vừa qua tuổi “thiếu niên” đã sa đà vào nợ nần. Một anh chàng gặp người bạn cùng phòng và nói: “Nhìn này, tớ vừa mua chịu một bộ đồ mới”. Anh chàng dường như coi bộ đồ đó là thứ được tặng cho mình. Thường là như vậy, nhưng nếu trả tiền được và sau này có thể mua chịu nữa, anh ta sẽ có thói quen khiến bản thân sống trong nghèo khổ suốt đời. Nợ nần cướp đi của một người sự tự trọng, khiến anh ta gần như chán ghét bản thân mình. Cằn nhằn và rên rỉ và làm việc để trả cho thứ mà mình đã ăn hết hay đã mặc đến cũ nát. Điều này nói chính xác là “làm việc để đóng hụi chết”. Tôi không nói về những thương nhân mua bán chịu, hay những người mua chịu để biến việc thu mua trở thành món lợi nhuận. Một tín đồ giáo phái Quaker nói với anh con trai nông dân của mình: “John con, đừng bao giờ mua chịu; nhưng nếu con phải mua chịu bất cứ thứ gì, thì hãy mua phân bón, vì nó sẽ giúp con trả lại khoản nợ”.
Beecher khuyên các bạn trẻ cứ nợ một mức tiền nhỏ nếu họ muốn mua đất ở các vùng thôn quê. Ông nói: “Nếu một thanh niên chỉ vay nợ vì chút đất và sau đó là kết hôn, thì hai điều này sẽ giữ cho anh ta không nợ nần, còn không thì chẳng gì có thể làm được điều đó”. Điều này có thể an toàn ở một mức độ giới hạn nào đó, nhưng nợ nần vì tiêu xài là điều nên tránh. Vài gia đình có thói quen dại dột mua nợ thẻ tín dụng tại các cửa hàng, và vì thế thường xuyên mua nhiều thứ mà họ thậm chí chẳng cần đến.
Tiền ở một vài khía cạnh cũng giống như lửa – là một người đầy tớ xuất sắc nhưng lại là một người chủ tồi. Khi để nó làm chủ, lãi suất liên tục chất chồng lên bạn, nó sẽ kéo bạn xuống thành loại nô lệ cho tiền bạc tồi tệ nhất. Nhưng để tiền làm việc cho bạn, thì bạn sẽ có một người đầy tớ tận tụy nhất trên thế giới. Nó không phải “người hay trốn việc”. Chẳng có bất kỳ thứ gì làm việc trung thành như tiền khi có lãi, chắc cú là vậy. Nó làm việc ngày lẫn đêm, cả khi mưa lẫn khi nắng.
Đừng để nó chống lại bạn; nếu không, sẽ chẳng có cơ hội thành công nào trong đời chừng nào còn dính tới tiền. John Randolph, một hạ nghị sĩ kỳ cục đến từ tiểu bang Virginia, từng thốt lên trong cuộc họp Quốc hội: “Thưa ngài Chủ tịch, tôi đã khám phá ra hòn đá giả kim: Có tiền thì trả ngay”. Quả thực điều này gần đúng với đá giả kim hơn bất kỳ nhà giả kim nào từng đạt tới.
DÙ CHO LÀM GÌ, CŨNG HÃY LÀM HẾT SỨC
Hãy nỗ lực làm việc, nếu cần thiết thì cả sớm tối, đúng thời điểm hay không đúng thời điểm, dùng mọi cách, và đừng bao giờ chần chừ một giờ một khắc nào nếu có thể làm ngay bây giờ. Câu thành ngữ sau thật đúng đắn và đầy ý nghĩa: “Bất kỳ điều gì đáng làm thì đều đáng làm thật tốt”. Nhiều người kiếm được cả gia tài bằng cách làm việc kỹ lưỡng thấu đáo, trong khi những người xung quanh nghèo mãn kiếp chỉ vì làm việc hời hợt. Tham vọng, năng lượng, sự chăm chỉ, kiên trì là những điều kiện tất yếu không thể thay thế cho thành công trong công việc.
May mắn luôn mỉm cười với những người dũng cảm, và chẳng bao giờ đoái hoài đến những người không biết tự giúp mình. Nó sẽ không xuất hiện để bạn lãng phí thời gian như Micawber, chờ đợi điều gì đó “xuất hiện”. Với những người như vậy, hai điều thường “xuất hiện” là: nhà tế bần hoặc nhà tù. Vì sự lười nhác nuôi dưỡng những thói quen xấu, và khiến người ta ăn mặc rách rưới. Một gã lêu lỏng nghèo kiết xác vì tiêu hoang nói với một người giàu có: “Tôi phát hiện rằng có đủ tiền trên thế giới này cho tất cả chúng ta, nếu được chia đều. Điều này phải được thực hiện, và tất cả chúng ta đều cùng vui vẻ hạnh phúc”.
Người giàu đáp lại: “Nhưng, nếu tất cả mọi người đều như anh, tiền bạc sẽ bị tiêu hết sạch trong vòng hai tháng, vậy thì sau đó anh sẽ làm gì?”.
“Ồ! Đương nhiên lại chia tiếp thôi!”
Gần đây, tôi đọc trong một tờ báo của London trường hợp về một trường hợp giống như gã nghèo thích triết lý kia. Một người bị tống cổ khỏi một nhà trọ rẻ tiền bởi không thể thanh toán hóa đơn, nhưng khi đó một cuộn giấy rơi khỏi túi áo khoác của anh ta. Trong đó có ghi kế hoạch để trả hết nợ công của nước Anh mà không cần một đồng trợ giúp nào. Người ta phải làm như Cromwell nói: “Không chỉ cần phải tin tưởng vào Thượng đế, mà còn phải chuẩn bị sẵn sàng”27. Hãy làm phần việc của mình, nếu không bạn không thể thành công. Một đêm, Mohammed đang cắm trại trong sa mạc, tình cờ nghe được một trong những môn đệ mệt mỏi của mình nói rằng: “Tôi sẽ thả con lạc đà của mình và đặt niềm tin nơi Thượng đế”. Đấng tiên tri nói: “Không, không phải vậy, mà hãy buộc chặt lạc đà và tin tưởng vào Thượng đế!”. Làm tất cả những gì bạn có thể, rồi sau đó tin tưởng vào Thượng đế, hay may mắn, hay bất cứ cái tên nào bạn muốn, sẽ lo liệu phần còn lại.
27 Câu mà nhà lãnh đạo chính trị và quân sự nổi tiếng người Anh, Oliver Cromwell, đã nói với đội quân của mình trước cuộc xâm chiếm Ireland. Cromwell đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập nền cộng hòa ở Anh và sau đó là Huân tước bảo hộ của Anh, Scotland và Ireland.
ĐỪNG HẤP TẤP KHỞI NGHIỆP
Những người trẻ sau khi vượt qua giai đoạn đào tạo hay học việc, thay vì theo đuổi chí hướng và đi lên trong công việc của mình, thường ngồi không và chẳng làm gì cả. Họ nói: “Tôi đã học được một nghề, nhưng tôi sẽ không làm thuê đâu; tôi học việc để làm gì chứ nếu không tự lập nghiệp lấy?”.
“Anh có tiền vốn để khởi sự không?”
“Không, nhưng tôi sẽ có.”
“Có bằng cách nào?”
“Tôi nói riêng với anh thế này; tôi có một bà dì giàu có, và bà ấy sẽ sớm ra đi thôi; còn nếu không, tôi hy vọng sẽ tìm được một ông già giàu sụ nào đó cho tôi mượn vài ngàn đô-la để khởi nghiệp. Chỉ cần có tiền để khởi sự, tôi sẽ làm tốt thôi.”
Không có sai lầm nào lớn hơn sai lầm của một chàng trai trẻ tin mình sẽ thành công bằng tiền đi vay mượn. Tại sao ư? Bởi vì kinh nghiệm mỗi người, giống như của John Jacob Astor, người đã nói rằng tích lũy vài ngàn đô-la đầu tiên còn khó khăn hơn hàng triệu đô-la tiếp theo trong gia tài kếch xù của mình. Tiền sẽ chẳng có ích gì trừ khi bạn hiểu được giá trị của nó thông qua trải nghiệm. Trao cho một chàng trai hai mươi ngàn đô-la và để cậu ta làm việc thì rất có khả năng cậu ta sẽ thua lỗ hết tất cả trước khi kịp già thêm một tuổi. Cũng giống như việc mua vé số và trúng giải, nó “dễ đến, dễ đi”. Cậu ta không biết giá trị của nó; sẽ chẳng gì có giá trị trừ khi nó đòi hỏi phải nỗ lực. Không có sự tiết chế và tiết kiệm, kiên nhẫn, bền bỉ, và khởi sự bằng tiền vốn không phải tự mình dành dụm được, thì bạn chắc chắn không thể thành công trong việc kiếm tiền. Những người trẻ thay vì chờ đợi món tiền thừa kế trên trời rơi xuống, thì nên đứng dậy và làm gì đó, vì chẳng có loại người nào khó khuất phục trước cái chết như những người già giàu kếch xù. Chín trên mười người giàu ở đất nước ta ngày nay đều bắt đầu cuộc đời từ những cậu bé nghèo khổ, với ý chí quyết tâm, sự cần mẫn, bền bỉ, tính tiết kiệm, cùng những thói quen tốt. Họ tiến lên dần dần, tự kiếm tiền và tiết kiệm; và đây là cách tốt nhất để tích lũy một gia tài. Stephen Girard khi xưa là một cậu bé bồi phòng trên tàu nghèo rớt mùng tơi; giờ ông đang đóng thuế cho khoản thu nhập một triệu rưỡi đô-la mỗi năm. John Jacob Astor là một cậu bé nông dân nghèo, nhưng khi qua đời đã để lại gia sản đáng giá hai mươi triệu đô-la. Cornelius Vanderbilt bắt đầu cuộc đời bằng nghề chèo thuyền từ đảo Staten sang New York; giờ đây ông tặng chính quyền con tàu hơi nước trị giá một triệu đô-la, còn bản thân ông có giá trị tài sản lên tới năm mươi triệu đô-la.
ĐỪNG PHÂN TÁN SỨC MẠNH
Chỉ tham gia vào một loại hình kinh doanh, và tận lực bám lấy con đường đó cho tới khi bạn thành công, hoặc cho tới khi kinh nghiệm chỉ ra rằng bạn nên bỏ. Đập búa liên tục vào đinh rồi cuối cùng cũng sẽ đóng chặt được nó vào tường. Khi toàn tâm toàn ý tập trung vào một mục tiêu, tâm trí của người đó sẽ liên tục nghĩ đến những cách thức để nâng cao giá trị, điều mà anh ta không thể tìm ra nếu trí não bị choán bởi hàng tá mục tiêu khác nhau cùng một lúc. Nhiều vận may đã tuột khỏi tay một người chỉ vì anh ta làm quá nhiều nghề trong cùng một thời điểm. Người xưa hoàn toàn có lý trong câu cảnh báo “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.
CẢNH GIÁC VỚI “NHỮNG HOẠT ĐỘNG BÊN LỀ”
Đôi khi chúng ta thấy những người kiếm được nhiều tiền bạc, nhưng ngay lập tức nghèo đi. Nhiều trường hợp, điều này xuất phát từ những hành vi quá độ, và thường là từ thói quen cờ bạc cũng như các thói quen xấu khác. Thông thường, điều này xảy ra là do người ta đã nhúng tay vào vài kiểu “hoạt động bên lề” nào đó. Khi trở nên giàu có trong lĩnh vực kinh doanh chính thống của mình, một người nghe nói về một vụ đầu cơ lớn có thể thu về hàng ngàn đô-la. Anh ta liên tục được bạn bè nịnh bợ, nói rằng anh ta sinh ra đã may mắn, rằng mọi thứ anh ta chạm vào đều biến thành vàng. Khi đó nếu quên đi thói quen tiết kiệm, tư cách đạo đức ngay thẳng, và sự chú tâm vào công việc mà mình hiểu rõ và đã đem đến thành công trong đời cho mình, anh ta sẽ nghe theo những giọng nói quyến rũ đầy mê hoặc. Anh ta phấn khích:
“Tôi sẽ góp thêm vào hai mươi ngàn đô-la. Tôi đã rất may mắn, và may mắn sẽ sớm đem về cho tôi sáu mươi ngàn đô-la”.
Vài ngày trôi qua và anh ta phát hiện ra rằng mình phải bỏ thêm mười ngàn đô-la nữa; ngay sau khi người ta bảo đã ổn, nhưng một số vấn đề cụ thể không lường trước lại cần tới một khoản thanh toán trước hai mươi ngàn đô-la, với lời hứa hẹn sẽ giúp anh ta bội thu; nhưng trước khi thời điểm thu hoạch tới, bong bóng vỡ, anh ta mất hết tất cả những gì mình có, và lúc ấy mới hiểu ra điều mình nên biết ngay từ ban đầu, đó là một người có thành công bao nhiêu trong việc kinh doanh của mình chăng nữa, nếu xa rời khỏi nó và tham gia vào những việc kinh doanh khác mình không hiểu, anh ta sẽ giống như Samson28 khi bị xén mất những bím tóc – sức mạnh của anh ta biến mất, và anh ta lại trở thành như bao người khác.
28 Samson: Người mạnh nhất từng được mô tả trong Kinh thánh. Ông được Thiên Chúa ban cho sức mạnh ẩn chứa trong mái tóc dài. Khi cắt tóc thì sức mạnh sẽ biến mất.
Nếu một người có nhiều tiền, anh ta nên đầu tư mỗi thứ một chút, những chỗ trông có vẻ hứa hẹn thành công và có thể mang đến lợi ích cho nhân loại; nhưng hãy để số tiền đó được đầu tư ở mức độ vừa phải, và đừng bao giờ ngu ngốc đặt gia tài mình đã kiếm được chính đáng vào tình thế nguy hiểm do đầu tư vào những thứ mà bạn chẳng có kinh nghiệm gì.
ĐỪNG BA HOA
Nhiều người có thói quen ngu ngốc là nói hết những bí mật kinh doanh của mình. Nếu làm ra tiền, họ thích khoe khoang với hàng xóm họ đã làm như thế nào. Việc này chẳng đem lại gì cả, mà chỉ luôn gây ra thiệt hại mất mát. Đừng nói gì về lợi nhuận, hy vọng, kỳ vọng cũng như ý định của bạn. Và điều này cũng nên áp dụng với những bức thư và các cuộc trò chuyện. Goethe đã cho ác quỷ Mephistopheles29 nói thế này: “Đừng bao giờ viết thư hay hủy bức thư nào cả”. Người làm kinh doanh thì phải viết thư, nhưng họ nên cẩn thận về những gì mình viết trong đó. Nếu bạn đang thua lỗ, hãy đặc biệt cẩn trọng và đừng nói về điều đó, nếu không bạn sẽ đánh mất danh tiếng của mình.
29 Mephistopheles: Ác quỷ đặc trưng trong văn hóa dân gian Đức.
GIỮ GÌN PHẨM GIÁ
Phẩm giá của bạn còn quý hơn cả kim cương hay ngọc ruby. Một ông già bủn xỉn đã nói với các con trai của mình: “Hãy kiếm tiền, kiếm tiền trung thực nếu có thể, nhưng hãy kiếm tiền”. Lời khuyên này không chỉ sai trái khủng khiếp, mà còn là cốt yếu của sự ngu ngốc. Nói như vậy chẳng khác gì nói rằng: “Nếu thấy khó khăn khi kiếm tiền trung thực, các con có thể dễ dàng kiếm tiền một cách gian dối. Hãy thành công theo cách đó”. Thật là một kẻ khờ dại đáng thương, không hề biết rằng điều khó khăn nhất trên đời là kiếm tiền gian dối; không biết rằng các nhà tù đầy rẫy những người cố gắng làm theo lời khuyên này; không hiểu rằng không ai có thể gian trá mà không bị phát hiện sớm, và khi sự vô kỷ luật của anh ta bị phát hiện, gần như mọi con đường dẫn đến thành công đều đóng sập trước mặt anh ta mãi mãi. Công chúng sẽ xa lánh triệt để mọi kẻ mà phẩm giá bị nghi ngờ. Bất kể người đó có lịch thiệp, dễ chịu và tốt bụng đến bao nhiêu, chẳng ai trong chúng ta dám làm việc nếu nghi ngờ anh ta “buôn gian bán dối”. Trung thực tuyệt đối không chỉ là nền tảng của thành công về mặt tài chính trong đời, mà còn là của mọi khía cạnh khác. Tính cách trung thực không thỏa hiệp là một tài sản vô giá. Nó đảm bảo cho người sở hữu sự yên bình và niềm vui mà không tiền bạc, nhà cửa hay đất đai nào có thể mua được. Một người được biết đến với tinh thần trung thực tuyệt đối, có thể rất nghèo khổ, nhưng anh ta có hầu bao của cả cộng đồng sẵn lòng giúp đỡ, vì tất cả đều biết nếu anh ta hứa trả lại những gì đã vay mượn, thì anh ta sẽ không bao giờ làm họ thất vọng. Câu châm ngôn của Franklin sẽ chẳng bao giờ mất đi tính đúng đắn của nó: “Trung thực là biện pháp tốt nhất”.
Giàu có không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với thành công. “Có rất nhiều những người giàu có mà nghèo khổ”, trong khi có rất nhiều người khác, là những người trung thực và chân thành, chưa từng sở hữu số tiền nhiều như những người giàu có phung phí trong vòng một tuần, tuy vậy lại là những người thực sự giàu có hơn và hạnh phúc hơn bất kỳ người nào vi phạm phép tắc và luật lệ của loài người.
Yêu tiền bạc thái quá chắc chắn có thể và là “căn nguyên của tội ác”, nhưng bản thân tiền bạc, khi được sử dụng đúng đắn, không chỉ là một “thứ hữu dụng trong gia đình”, mà còn đem đến sự hài lòng cho con người bằng cách cho phép người sở hữu nó mở rộng quy mô hạnh phúc và ảnh hưởng. Niềm khao khát giàu có gần như ai ai cũng có, và chẳng ai có thể nói điều đó không đáng khen ngợi, miễn là người sở hữu chấp nhận trách nhiệm của nó, và sử dụng nó như một người bạn với con người.
Lịch sử của việc kiếm tiền, hay nói cách khác là thương mại, là lịch sử của nền văn minh, và bất cứ nơi nào trao đổi thương mại phồn thịnh nhất, ở đó có nghệ thuật và khoa học đem đến những trái ngọt nhất. Thực tế, nhìn tổng quát, những người kiếm được tiền chính là những mạnh thường quân trong loài người của chúng ta. Chúng ta mắc nợ họ, rất nhiều, cho những tổ chức giáo dục và nghệ thuật, các học viện, trường đại học và các tổ chức tôn giáo. Không có gì phải bàn cãi về khao khát của cải hay sự sở hữu của cải, khi mà có những người keo kiệt dành dụm tiền bạc chỉ để dành dụm, và những người chẳng có khát vọng gì hơn là tóm lấy mọi thứ đến trong tầm tay. Vì đôi khi, trong các tôn giáo vẫn có những kẻ đạo đức giả, trong giới chính trị có những kẻ mị dân, thế nên đôi khi vẫn có những kẻ keo kiệt trong số những người kiếm được tiền. Tuy nhiên, những người này chỉ là ngoại lệ của quy luật chung. Nhưng ở đất nước này, khi chúng ta thấy những người keo kiệt đó phiền toái và ngáng đường, ta chợt nhớ với lòng biết ơn rằng ở Mỹ không có luật trưởng nam thừa kế, và rằng khi đến lúc thì những hạt bụi của cải tích trữ đó sẽ được rải đều vì lợi ích của nhân loại. Vì vậy, thưa tất cả các bạn, tôi thật lòng muốn nói, hãy kiếm tiền trung thực chứ không phải ngược lại, vì Shakespeare cũng đã chân thành khuyên rằng: “Người muốn có tiền bạc, của cải và sự mãn nguyện thì chẳng có nổi ba người bạn tốt”.