Những điều bạn sắp được học đáng giá một trăm triệu đô-la với Andrew Carnegie.
TIẾN SĨ NAPOLEON HILL
BÀI 27BIẾN KHAO KHÁT THÀNH VÀNG
Khi Andrew Carnegie, người cha đẻ của ngành công nghiệp sắt thép Mỹ, đang ở đỉnh cao quyền lực, ông được một chàng trai trẻ sốt sắng đến từ một tạp chí kinh doanh quốc gia phỏng vấn. Trong buổi phỏng vấn đó, Carnegie đã lém lỉnh đưa ra những gợi ý về sức làm chủ bí ẩn mà ông đã sử dụng; một quy luật kỳ diệu của tâm trí – một nguyên tắc tâm lý giúp đạt được những thành tựu vĩ đại mà ít ai biết tới.
Napoleon Hill chăm chú lắng nghe khi Carnegie ám chỉ rằng dựa trên chỉ một nguyên tắc đó, ông đã có thể xây dựng nên triết lý mọi thành công của mình, dù là đo đếm bằng tiền, quyền lực, địa vị, thanh thế, ảnh hưởng hay tiếng tăm.
Bí quyết của Carnegie là gì? Napoleon Hill cuối cùng cũng xuất bản nó trong một cuốn sách đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất trên toàn thế giới về chủ đề thành công, Nghĩ giàu và Làm giàu. Bài học này trích từ cuốn sách kinh điển đó, nói về việc áp dụng công thức kỳ diệu của Carnegie trong vấn đề tiền bạc, mặc dù nó vẫn sẽ giúp bạn đạt được bất kỳ mục tiêu nào, miễn khao khát của bạn đủ mạnh.
Andrew Carnegie tin rằng hầu hết những gì được dạy ở trường không có giá trị gì trong việc giúp một người kiếm đủ sống hay tích lũy của cải. Ông thực sự cảm thấy công thức của mình có thể được dạy ở các trường trung học và đại học, và sẽ cách mạng hóa cả hệ thống giáo dục. Thật không may, mong muốn của ông chưa bao giờ được thực hiện, nhưng chúng tôi tự hào được đưa bí quyết của ông vào cuốn Học viện Thành công này. Liệu nó có hiệu quả với bạn không? Chỉ bạn mới có thể trả lời câu hỏi đó. Hãy nhớ rằng, chẳng có giới hạn nào cho tâm trí của bạn, trừ những điều bạn công nhận…
Khi Edwin C. Barnes bước xuống từ toa tàu chở hàng ở East Orange, N.J., hơn năm mươi năm trước, ông có thể trông giống một kẻ lang thang, nhưng suy nghĩ của ông lại là suy nghĩ của một vị vua!
Trong lúc đi từ đường ray xe lửa tới văn phòng của Thomas A. Edison, tâm trí của ông vẫn đang làm việc. Ông thấy mình đang đứng trước mặt Edison. Ông thấy mình yêu cầu Edison cho một cơ hội để thực hiện điều ám ảnh đã chiếm ngự của đời mình, khát khao bỏng cháy trở thành cộng sự kinh doanh của một nhà phát minh vĩ đại.
Khát vọng của Barnes không phải là một hy vọng! Không phải là một ước mơ! Đó là một khao khát mãnh liệt, vượt trên tất cả mọi điều khác. Nó rất rõ ràng chắc chắn.
Vài năm sau, Edwin C. Barnes lại một lần nữa đứng trước Edison trong chính văn phòng nơi ông lần đầu gặp nhà phát minh. Lần này, khao khát của ông đã trở thành sự thật. Ông được cùng làm việc với Edison. Ước mơ chiếm trọn cuộc đời ông đã trở thành sự thật.
Barnes thành công vì ông chọn một mục tiêu rõ ràng, và dồn hết năng lượng, sức mạnh ý chí, mọi nỗ lực, tất cả mọi thứ, để làm nền tảng cho mục tiêu đó.
KHÔNG CÒN ĐƯỜNG THOÁI LUI
Năm năm trôi qua trước khi cơ hội ông tìm kiếm xuất hiện. Với mọi người, trừ bản thân ông, ông chỉ như một mắt xích trong bánh xe kinh doanh của Edison, nhưng trong tâm trí ông, mỗi một giây phút ông đều là cộng sự của Edison, kể từ ngày đầu tiên ông tới làm việc ở đó.
Đây là một ví dụ minh họa tuyệt vời cho sức mạnh của một khao khát rõ ràng. Barnes đạt được mục tiêu của mình vì ông muốn trở thành cộng sự kinh doanh của Edison hơn bất cứ điều gì khác. Ông lên kế hoạch để đạt được mục tiêu đó. Nhưng ông cắt đứt mọi đường lui sau lưng. Ông giữ vững khao khát của mình cho đến khi nó trở thành sự ám ảnh thống trị đời mình – và cuối cùng, trở thành một thực tế.
Khi tới East Orange, ông không tự nhủ: “Mình sẽ cố gắng thuyết phục ông Edison cho một công việc nào đó”. Mà ông nói: “Mình sẽ tới gặp Edison, thông báo cho ông ấy biết rằng mình đến để hợp tác làm ăn với ông ấy”.
Ông không nói: “Mình vẫn sẽ để mắt tới cơ hội khác, phòng khi thất bại trong việc có được vị trí mong muốn trong công ty của Edison”. Mà nói: “Chẳng có gì trừ một điều trên thế giới này mình quyết tâm phải có được, đó là hợp tác kinh doanh với Thomas A. Edison. Mình sẽ thiêu rụi mọi đường lui và đặt cược cả tương lai vào khả năng đạt được điều mình muốn”.
Ông không chừa cho mình một con đường khả dĩ nào để thoái lui. Ông phải chiến thắng hoặc bỏ mạng!
Đó là tất cả những gì góp phần vào câu chuyện thành công của Barnes!
ĐỐT CHÁY CON THUYỀN
Thuở xưa kia, có một người chiến binh vĩ đại phải đối mặt với tình huống khiến ông phải đưa ra quyết định để đảm bảo một chiến thắng trên chiến trường. Ông sắp sửa phải đưa đoàn quân đi đánh một kẻ địch dũng mãnh, có quân số đông hơn đội quân của ông nhiều. Ông cho quân lên thuyền, đi đến đất nước của kẻ thù, thả lính và quân nhu xuống, sau đó ra lệnh đốt cháy toàn bộ những chiếc thuyền đã chở họ. Trong lời hiệu triệu trước trận đánh mở màn, ông nói: “Các ngươi đã thấy những con thuyền biến thành tro bụi rồi. Điều đó nghĩa là ta không thể sống sót rời khỏi đây, trừ khi thắng trận! Giờ chúng ta không còn lựa chọn nào khác nữa – hoặc chúng ta thắng, hoặc chúng ta bị tiêu diệt!”.
Và họ đã chiến thắng.
Muốn chiến thắng trong bất kỳ chuyện gì cũng phải sẵn sàng đốt cháy con thuyền của mình và cắt đứt mọi nguồn rút lui. Chỉ có vậy, người ta mới có thể chắc chắn duy trì trạng thái tâm trí là khát khao cháy bỏng để chiến thắng, yếu tố quan trọng nhất của thành công.
Buổi sáng ngày hôm sau trận đại hỏa hoạn ở Chicago, một nhóm thương nhân tụ tập trên đường State, nhìn tàn dư còn sót lại trong hơi khói từng là cửa hàng của họ. Họ cùng nhau tham gia cuộc hội ý quyết định xem sẽ thử tái thiết, hay rời khỏi Chicago và bắt đầu lại ở một miền đất nhiều hứa hẹn hơn. Họ cùng đi đến một quyết định – rời khỏi Chicago, tất cả trừ một người.
Người thương nhân quyết định ở lại và tái thiết chỉ vào tàn dư còn sót lại trong cửa hàng của mình và nói: “Quý vị nhìn đây, từ chính nơi đó, tôi sẽ xây dựng cửa hàng lớn nhất thế giới, bất kể nó có bị thiêu rụi bao nhiêu lần đi nữa”.
Đó là chuyện xảy ra gần một thế kỷ trước. Cửa hàng đã được xây dựng lên. Ngày nay nó vẫn đứng vững ở đó, như một tượng đài tháp cao cho sức mạnh của trạng thái tâm trí khát khao cháy bỏng. Marshall Field lẽ ra đã dễ dàng làm theo những người bạn thương nhân của ông. Khi mọi thứ khó khăn và tương lai xám xịt, họ kéo nhau đi và tới nơi mọi thứ có vẻ dễ dàng hơn.
Hãy nhớ kỹ sự khác biệt giữa Marshall Field và những người thương nhân khác, bởi vì đó cũng chính là sự khác biệt giữa tất cả những người thành công với người thất bại.
Mỗi người đến tuổi hiểu được mục đích của đồng tiền đều ao ước đồng tiền. Ao ước không đem đến tiền bạc. Nhưng khao khát tiền bạc với trạng thái tâm trí đã trở thành một ám ảnh, vậy hãy lên những kế hoạch rõ ràng và cách thức để đạt được tiền bạc, và hỗ trợ cho những kế hoạch đó bằng sự kiên trì không chấp nhận thất bại, thì sẽ mang đến của cải.
SÁU BƯỚC BIẾN KHAO KHÁT THÀNH VÀNG
Phương pháp mà khao khát tiền bạc có thể biến đổi thành lượng tài chính tương đương bao gồm sáu bước cụ thể, thực tế như sau:
1. Xác định chắc chắn trong đầu số tiền chính xác bạn khao khát. Chỉ nói “Tôi muốn có nhiều tiền” là chưa đủ. Hãy có một con số cụ thể.
2. Xác định chính xác bạn định trao đi điều gì để đổi lấy số tiền bạn muốn. (Chẳng gì “có được mà không tốn công sức” cả.)
3. Đặt ra một ngày cụ thể mà bạn dự định sở hữu số tiền bạn khao khát.
4. Lập một kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa khao khát đó, và bắt đầu ngay lập tức, bất kể bạn có sẵn sàng hay không, để đưa kế hoạch vào hành động.
5. Viết ra một tuyên bố rõ ràng, súc tích về số tiền bạn dự định kiếm được, nêu rõ hạn định thời gian cho việc này, chỉ ra điều bạn dự định trao đi để đổi lấy số tiền đó, và miêu tả rõ ràng kế hoạch bạn dự định làm để có được số tiền đó.
6. Đọc to bản tuyên bố của bạn hai ngày một lần, một lần trước khi đi ngủ vào buổi tối, và một lần sau khi thức dậy vào buổi sáng. Khi bạn đọc, hãy hình dung, cảm nhận và tin mình đã sở hữu được số tiền đó.
Việc bạn làm theo những hướng dẫn miêu tả qua sáu bước trên đây là rất quan trọng. Đặc biệt quan trọng hơn là quan sát và làm theo hướng dẫn ở mục số sáu. Bạn có thể phàn nàn rằng không thể nào “coi như mình đã sở hữu số tiền đó” trước khi thực sự có tiền. Nhưng đây chính là lúc khát khao bỏng cháy sẽ giúp bạn. Nếu bạn thực sự khao khát số tiền mãnh liệt đến nỗi nó trở thành nỗi ám ảnh, thì sẽ chẳng khó khăn gì để thuyết phục bản thân rằng bạn sẽ có được nó. Mục tiêu là muốn tiền, và hãy quyết tâm đạt được tới nỗi bạn tin mình sẽ có nó.
NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐÁNG GIÁ MỘT TRĂM TRIỆU ĐÔ-LA
Với những người không quen, không được đào tạo về các nguyên tắc làm việc của tâm trí con người, thì hướng dẫn này có vẻ không thực tế. Có thể có ích với những người không hiểu được tính hợp lý của sáu bước trên đây khi biết rằng thông tin chúng được đón nhận bởi Andrew Carnegie, người khởi điểm chỉ là một công nhân bình thường trong nhà máy thép, nhưng đã xoay xở để biến những nguyên tắc đó sinh lời một gia sản trị giá hơn một trăm triệu đô-la.
Còn có thể hữu ích hơn khi biết rằng sáu bước được gợi ý trên đây đã được Thomas A. Edison xem xét kỹ lưỡng và chứng nhận, không chỉ coi là những bước thiết yếu trong việc tích lũy tiền bạc, mà còn trong việc đạt được bất kỳ mục tiêu nào.
Các bước này không đòi hỏi “lao động vất vả”. Chúng không đòi hỏi phải hy sinh. Chúng không bắt buộc người ta phải trở nên nực cười hay cả tin. Để áp dụng được chúng cũng không đòi hỏi phải học cao hiểu rộng. Nhưng việc áp dụng thành công sáu bước này lại cần một trí tưởng tượng đủ để giúp một người có thể nhận ra và hiểu rằng việc tích lũy tiền bạc không thể phó mặc cho ngẫu nhiên, thần tài và vận may. Một người phải nhận ra rằng những ai có được tài sản lớn ban đầu đều phải có những mơ mộng, hy vọng, ao ước, khao khát và lập ra một kế hoạch nhất định trước khi họ kiếm được tiền.
Bạn cũng có thể biết rằng, ngay bây giờ, bạn chẳng thể nào có nhiều tiền bạc trừ khi sôi sục khát khao lớn về tiền bạc, và thực sự tin mình sẽ sở hữu nó.
GIẤC MƠ LỚN HÓA TIỀN TÀI
Chúng ta, những người đang trong cuộc chạy đua tiền tài nên được khuyến khích để biết rằng thế giới đổi thay mà chúng ta đang sống này đòi hỏi những ý tưởng mới, những cách làm mới, lãnh đạo mới, phát minh mới, phương pháp giảng dạy mới, sách mới, văn chương mới, những bộ phim truyền hình mới, ý tưởng mới cho phim điện ảnh. Đằng sau tất cả những nhu cầu cho những điều mới và tốt hơn đó, có một phẩm chất mà người ta phải sở hữu để chiến thắng, đó chính là có mục tiêu cụ thể, biết mình muốn gì, và một khát khao cháy bỏng sở hữu nó.
Chúng ta, những người khát khao tích lũy tiền bạc nên nhớ rằng những người lãnh đạo thực sự trên thế giới luôn là những người khai thác và đưa vào sử dụng trong thực tế những sức mạnh vô hình, không nhìn thấy được của những cơ hội chưa được thành hình, và chuyển hóa sức mạnh đó (hay sự thôi thúc của suy nghĩ) thành những tòa cao ốc, thành phố, nhà máy, máy bay, xe hơi và bất kỳ hình thức tiện nghi nào giúp cuộc sống thoải mái hơn.
Khi lên kế hoạch giành lấy phần tiền bạc của mình, đừng để bất kỳ ai tác động khiến bạn khinh miệt những người biết ước mơ. Để đạt được phần thưởng lớn trong thế giới thay đổi này, bạn phải hiểu được tinh thần của những người tiên phong vĩ đại trong quá khứ, những người dành trọn ước mơ cho nền văn minh nhân loại, tinh thần đã là mạch nguồn sự sống của đất nước chúng ta – cơ hội của bạn và tôi, để phát triển và quảng bá tài năng của mình.
Nếu điều bạn muốn làm là đúng đắn và bạn tin tưởng vào nó, hãy bắt đầu và làm ngay! Hãy thực hiện giấc mơ của bạn, và đừng bao giờ bận tâm những gì “họ” nói nếu bạn gặp phải thất bại tạm thời, vì “họ” có lẽ không biết rằng mỗi một thất bại đều gieo mầm một thành công tương đương.
Anh em nhà Wright mơ ước về một cỗ máy có thể bay trên trời. Giờ đây bất kỳ ai cũng có thể thấy bằng chứng trên khắp thế giới rằng điều họ mơ ước là có cơ sở.
Marconi mơ về một hệ thống khai thác sức mạnh vô hình của sóng điện từ. Minh chứng cho thấy rằng ông không hề mơ mộng vô ích có thể được tìm thấy trong mỗi chiếc radio và tivi trên thế giới này. Bạn có thể thích thú khi biết rằng những người “bạn” của Marconi đã bắt giữ và đưa ông đi khám trong bệnh viện tâm thần khi ông tuyên bố đã phát hiện ra một nguyên lý để có thể gửi tin nhắn qua không gian mà không cần trợ giúp của đường dây hay các phương thức giao tiếp vật lý khác. Những người mơ mộng ngày nay được đối xử tốt hơn thế nhiều.
Thế giới hiện nay tràn đầy cơ hội mà những người mơ mộng trong quá khứ chẳng bao giờ biết.
KHÁT VỌNG ĐẰNG SAU NHỮNG GIẤC MƠ
Một khao khát bỏng cháy là xuất phát điểm mà từ đó người mơ ước phải bắt đầu. Giấc mơ không thể sinh ra từ sự thờ ơ, lười biếng hay thiếu tham vọng.
Hãy nhớ rằng gần như tất cả những người thành công trong đời đều khởi sự gian nan, và trải qua nhiều cuộc đấu tranh đau đớn trước khi “đến đích”. Bước ngoặt cuộc đời của những người thành công này thường đến vào thời điểm khủng hoảng, mà qua đó họ biết đến “con người khác” của mình.
John Bunyan viết cuốn Hành hương (Pilgrim’s Progress), một trong những cuốn sách hay nhất của nền văn học Anh, sau khi ông bị giam cầm trong tù và trừng phạt đau đớn chỉ vì những quan điểm tôn giáo của mình.
O. Henry phát hiện ra con người thiên tài ngủ quên trong đầu mình sau khi trải qua bất hạnh lớn và bị giam trong tù ở Columbus, Ohio. Qua bất hạnh, ông bị ép buộc phải quen với “con người khác” và sử dụng trí tưởng tượng của mình, mới thấy mình là một tác giả lớn thay vì một người bị xã hội ruồng bỏ, một tên tội phạm khốn khổ.
Charles Dickens bắt đầu cuộc đời bằng công việc ở nhà máy đóng giày. Bi kịch mối tình đầu của ông đã thấm sâu trong tận tâm hồn và biến ông thành một trong những tác gia thực sự vĩ đại nhất của thế giới. Bi kịch đó đã đem đến cuốn David Copperfield, và một loạt các tác phẩm khác khiến thế giới này trở nên phong phú hơn và tốt đẹp hơn cho những ai từng đọc các tác phẩm của ông.
Helen Keller bị điếc, câm và mù không lâu sau khi ra đời. Nhưng bất chấp nỗi khốn khổ lớn lao này, bà đã viết tên mình trường tồn vào trang sử của những con người vĩ đại. Cả cuộc đời bà là một minh chứng rằng không ai bị đánh bại cho tới khi chấp nhận thất bại như một thực tế.
Robert Burns là một chàng trai quê mùa thất học. Ông mắc phải lời nguyền đói nghèo, và hơn nữa lớn lên còn trở thành một gã bợm rượu. Nhưng thế giới đã trở nên tốt đẹp hơn vì ông đã sống, đã làm đẹp tâm tưởng của mình qua những bài thơ, rồi nhổ đi cái gai và trồng vào nơi đó một bông hồng tuyệt đẹp.
Beethoven bị điếc; Milton bị mù, nhưng tên họ vẫn còn mãi với thời gian, bởi họ đã mơ ước, đã chuyển hóa giấc mơ của mình thành những lý tưởng có kế hoạch.
Có sự khác biệt giữa việc ước ao điều gì đó và sẵn sàng đạt được nó. Không ai thực sự sẵn sàng cho điều gì đó cho tới khi anh ta tin mình có thể đạt được. Trạng thái tâm trí phải là tin tưởng, chứ không chỉ hy vọng hay mong ước. Tâm trí cởi mở là điều cốt yếu cho tin tưởng. Tâm trí khép kín không truyền cảm hứng cho niềm tin, can đảm hay tin tưởng.
Hãy nhớ, hướng tới những mục tiêu cao hơn trong đời, mưu cầu giàu có và thịnh vượng không đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với nỗ lực cần có để chấp nhận sự khốn khó và nghèo nàn. Một bài thơ tuyệt vời đã nói lên sự thật đúng đắn phổ quát này như sau:
Tôi mặc cả với Đời từng đồng xu,
Và Đời chẳng trả thêm cho tôi
Dù tôi có cầu xin vào đêm tối
Khi đếm lại phần tích trữ eo hẹp của mình
Vì Đời chỉ là một ông chủ,
Cho bạn những gì bạn xin,
nhưng một khi đã đặt ra tiền lương,
Thì sao, bạn phải chấp nhận công việc thôi.
Tôi làm công cho một người đầy tớ,
Chỉ để khốn khổ nhận ra
Rằng dù đòi hỏi Đời trả bao nhiêu
Nó sẽ luôn sẵn sàng trả.
KHAO KHÁT LÀM NÊN “ĐIỀU KHÔNG THỂ”
Đây là lúc phù hợp để tôi giới thiệu một trong những người đặc biệt nhất tôi từng biết. Lần đầu tiên tôi gặp là chỉ vài phút sau khi cậu ấy chào đời. Cậu bé đến với thế giới này mà không có đôi tai, và bác sĩ, khi bị ép phải đưa ra ý kiến về trường hợp này, đã thừa nhận rằng đứa trẻ có thể bị câm điếc suốt đời.
Tôi không chấp nhận ý kiến của bác sĩ. Tôi có quyền đó: Tôi là cha đứa bé. Tôi cũng đi đến một quyết định và có ý kiến riêng, nhưng chỉ lặng thầm thể hiện, bí mật trong trái tim tôi.
Trong thâm tâm, tôi biết con mình sẽ nghe và nói được. Bằng cách nào ư? Tôi chắc chắn phải có cách nào đó, và tôi biết mình sẽ tìm ra. Tôi nhớ về câu nói của Emerson bất tử: “Mọi thứ xảy ra là để dạy cho chúng ta đức tin. Chúng ta chỉ cần tuần theo. Luôn có sự dẫn dắt cho mỗi chúng ta, và bằng cách khiêm nhường lắng nghe, chúng ta sẽ nghe được những lời đúng đắn”.
Những lời đúng đắn ư? Khao khát! Hơn bất cứ gì khác, tôi khao khát con trai của mình không phải là một người câm điếc. Tôi sẽ không bao giờ thôi khao khát điều đó, dù chỉ trong giây lát.
Tôi có thể làm gì về điều đó đây? Bằng cách nào đó tôi sẽ tìm được cách cấy vào đầu con khao khát bỏng cháy về cách thức và biện pháp truyền âm thanh tới trí não của nó mà không cần đôi tai.
Ngay khi con đủ lớn để chung sức cùng tôi, tôi sẽ lấp đầy tâm trí nó khao khát bỏng cháy được lắng nghe một cách tự nhiên, bằng phương thức của riêng mình, sẽ biến nó thành thực tế về mặt thể chất.
Tất cả những suy nghĩ này diễn ra trong đầu tôi, nhưng tôi không nói với ai cả. Mỗi ngày tôi lặp lại lời thề với bản thân rằng con trai mình sẽ không trở thành người câm điếc.
Khi thằng bé lớn dần và bắt đầu nhận thức được mọi thứ xung quanh, chúng tôi quan sát thấy nó có thể nghe ở một mức độ thấp. Khi tới tuổi trẻ con bắt đầu biết nói, thằng bé không ráng sức để nói, nhưng qua hành động của nó, chúng tôi biết nó có thể nghe thấy những âm thanh yếu ớt. Đó là tất cả những gì tôi muốn biết! Tôi tin rằng nếu nó có thể nghe, thậm chí chỉ một chút thôi, nó có thể phát triển khả năng nghe tốt hơn. Chuyện xảy ra sau đó đã đem đến cho tôi hy vọng. Nó đến từ một nguồn hoàn toàn không ngờ tới.
CHÚNG TÔI ĐÃ TÌM RA CÁCH
Chúng tôi mua một máy hát. Khi thằng bé nghe tiếng nhạc lần đầu tiên, nó rơi vào trạng thái mê mẩn, và nhanh chóng chiếm trọn cỗ máy. Thi thoảng, thằng bé mở đi mở lại đĩa nhạc đến gần hai tiếng, đứng cạnh hộp máy hát với hàm răng nghiến chặt. Tầm quan trọng của thói quen tự hình thành này vẫn chưa rõ rệt với chúng tôi cho tới nhiều năm về sau, vì chúng tôi chưa từng nghe tới nguyên lý “truyền dẫn âm thanh qua xương”30 tại thời điểm đó.
30 Truyền dẫn âm thanh qua xương (bone conduction): Phương pháp truyền tải các rung động âm thanh qua xương hàm trên trực tiếp đến tai trong và não.
Ngay sau khi thằng bé chiếm lấy máy hát, tôi phát hiện nó có thể nghe được tôi khá rõ ràng khi tôi nói với đôi môi chạm vào xương chũm, ở ngay phía sau vị trí vành tai.
Quyết tâm để thằng bé nghe được âm thanh giọng tôi dễ dàng, tôi ngay lập tức bắt đầu truyền sang trí não của nó khát khao được nghe và nói. Tôi nhanh chóng phát hiện nó thích những câu chuyện trước giờ đi ngủ, vì thế tôi nghĩ ra những câu chuyện được thiết kế để xây dựng nơi thằng bé sự tự lực, trí tưởng tượng, cùng một khao khát mãnh liệt được nghe nói và trở nên bình thường.
Cụ thể, có một câu chuyện mà tôi nhấn mạnh bằng cách mỗi lần kể đều thêm vào chút màu sắc và chi tiết kịch tính mới. Nó được thiết kế để cấy vào não thằng bé ý nghĩ rằng bất hạnh của nó không phải là một món nợ, mà là một tài sản giá trị lớn. Bất kể sự thật rằng mọi triết lý tôi nghiên cứu qua đều nói rằng mỗi một bất hạnh đều mang theo một hạt mầm lợi thế tương tương, nhưng tôi phải thú nhận mình không hề có một ý niệm nào trong đầu về việc làm thế nào mà bất hạnh này có thể trở thành một tài sản.
KHÔNG GÌ CÓ THỂ NGĂN CẢN
Khi nhìn lại phân tích sự việc đã qua, tôi có thể thấy rằng niềm tin vào tôi của thằng bé có ảnh hưởng nhiều tới những kết quả đáng ngạc nhiên đó. Nó không thắc mắc bất kỳ điều gì tôi kể nó nghe. Tôi khiến nó tin mình có lợi thế đặc biệt hơn anh trai, và rằng lợi thế đó sẽ tự bộc lộ theo nhiều cách. Ví dụ, giáo viên ở trường thấy nó không có đôi tai, và vì điều này, họ chú ý đặc biệt tới thằng bé và đối xử với nó tử tế vô ngần. Họ luôn như vậy. Tôi khiến nó tin vào ý tưởng rằng khi đủ lớn để đi bán báo (anh trai nó đã là một cậu bé bán báo), nó sẽ có lợi thế lớn hơn nhiều so với anh trai, vì người ta sẽ trả thêm tiền cho nó khi thấy nó là một cậu bé thông minh, chăm chỉ, dù không có đôi tai.
Khi khoảng bảy tuổi, thằng bé thể hiện bằng chứng đầu tiên cho thấy phương pháp “lập trình” trí não nó của chúng tôi đã mang đến kết quả. Trong suốt vài tháng, nó xin chúng tôi được đi bán báo, nhưng mẹ nó không đồng ý.
Cuối cùng thằng bé tự giải quyết lấy vấn đề. Một buổi chiều, khi ở nhà với những người làm của gia đình, thằng bé trèo qua cửa sổ nhà bếp, nhảy xuống đất và tự đi một mình. Nó vay sáu xu tiền vốn từ người thợ làm giày trong khu, đầu tư số tiền đó đi mua báo, bán hết, lại đầu tư tiếp và lặp lại cho tới tận chiều muộn. Sau khi cân đối thu chi và trả lại sáu xu vay từ chủ nợ của mình, thằng bé lời ròng tất cả là bốn mươi hai xu. Hôm đó chúng tôi về nhà, thấy thằng bé đang ngủ trên giường, tay nắm chặt tiền.
Vợ tôi mở tay thằng bé, mang mấy đồng xu ra chỗ khác và khóc. Thật quá ngạc nhiên! Khóc vì chiến thắng đầu tiên của cậu con trai dường như không thích hợp chút nào. Phản ứng của tôi thì ngược lại. Tôi cười ấm áp, vì tin rằng nỗ lực của mình khi cấy vào đầu thằng bé thái độ tin tưởng vào chính mình đã thành công.
Mẹ thằng bé thì nhìn thấy trong chuyến kinh doanh mạo hiểm của con là một cậu bé khiếm thính ra ngoài đường và mạo hiểm mạng sống để kiếm tiền. Tôi lại thấy một cậu doanh nhân nhỏ gan dạ, tham vọng, tự lực, với khoản vốn tăng lên một trăm phần trăm vì tự kinh doanh dựa trên ý tưởng của mình, và đã chiến thắng. Vụ giao dịch đó khiến tôi rất vui, vì biết rằng thằng bé thể hiện bằng chứng về tài xoay xở sẽ đi cùng nó đến hết cuộc đời.
BƯỚC TIẾN ĐỘT PHÁ TRONG KHẢ NĂNG NGHE
Thằng bé khiếm thính nhà tôi đã đi qua hết các lớp học, trường trung học và đại học mà không thể nghe các giáo viên của mình nói gì, trừ khi họ đứng gần hét to. Thằng bé không chịu đi học trường cho người khiếm thính. Chúng tôi không cho phép nó học ngôn ngữ ký hiệu. Chúng tôi quyết tâm để nó sống một cuộc đời bình thường và giao tiếp với những đứa trẻ bình thường, và giữ vững quyết định đó mặc dù khiến chúng tôi có nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa với đội ngũ nhà trường.
Khi còn ở trường trung học, thằng bé từng thử một thiết bị trợ thính điện tử, nhưng không có tác dụng gì.
Trong suốt tuần học cuối cùng ở trường đại học, có một chuyện xảy ra đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng nhất trong đời con trai tôi. Qua những điều trông có vẻ đơn thuần chỉ là ngẫu nhiên, thằng bé có một thiết bị trợ thính điện tử khác, được gửi cho nó để dùng thử. Thằng bé không vội thử, do sự thất vọng với thiết bị lần trước. Cuối cùng nó nhấc thiết bị đó lên và gần như đặt sơ sài lên đầu, nối pin và chao ôi! Như một phép màu, khao khát cả đời thằng bé để nghe bình thường đã trở thành sự thực! Lần đầu tiên trong đời nó có thể gần như nghe được một cách bình thường.
Quá đỗi vui mừng vì những gì thế giới đổi thay này mang đến cho mình qua thiết bị trợ thính, thằng bé vội đến bên điện thoại, gọi cho mẹ và nghe giọng cô ấy rõ rệt. Ngày hôm sau, lần đầu tiên trong đời, nó đã nghe được rõ ràng giọng của các giáo sư trong lớp! Lần đầu tiên trong đời nó có thể chuyện trò thoải mái với người khác, mà không cần họ phải hét lên. Thế giới của con tôi đã thực sự thay đổi.
Khao khát đã bắt đầu đem đến thành quả, nhưng chiến thắng vẫn chưa trọn vẹn. Thằng bé vẫn phải tìm một cách cụ thể và thực tế để biến khuyết tật của mình thành tài sản tương đương.
CẬU BÉ “KHIẾM THÍNH” GIÚP ĐỠ MỌI NGƯỜI
Gần như không nhận thức hết được tầm quan trọng của những điều vừa đạt được, mà mải say sưa với niềm vui của thế giới âm thanh mới khám phá, thằng bé viết thư cho nhà sản xuất thiết bị đó và nhiệt tình mô tả lại trải nghiệm của mình. Điều gì đó trong bức thư đã thôi thúc công ty mời nó tới New York. Khi tới nơi, nó được đưa đi tham quan nhà máy, nói chuyện với kỹ sư trưởng, khi đang nói với ông ấy về việc thế giới của mình giờ đây thay đổi ra sao thì một linh cảm, một ý tưởng, hay một cảm hứng – bạn có thể gọi là gì tùy thích – thoáng vụt qua đầu thằng bé. Chính ý nghĩ thôi thúc này đã chuyển biến bất lợi của thằng bé thành một món tài sản, để tưởng thưởng cho nó bằng cả tiền và hạnh phúc mãi mãi về sau.
Ý chính của ý nghĩ thôi thúc đó là thế này: Thằng bé chợt nghĩ mình có thể giúp đỡ hàng triệu người khiếm thính khác đang sống mà không có sự giúp đỡ của các thiết bị trợ thính, nếu nó có thể tìm được cách kể cho họ câu chuyện về thế giới đổi thay của mình.
Cả tháng trời thằng bé nghiên cứu miệt mài. Trong suốt quá trình đó, nó phân tích toàn bộ hệ thống marketing về thiết bị của nhà sản xuất, nghĩ ra các cách thức và phương thức giao tiếp với những người gặp khó khăn trong việc nghe trên khắp thế giới với mục đích chia sẻ cùng họ thế giới thay đổi mà nó mới phát hiện ra. Làm xong, thằng bé viết ra bản kế hoạch hai năm dựa trên những phát hiện của mình. Khi đệ trình kế hoạch cho công ty, thằng bé ngay lập tức được trao vị trí để hiện thực hóa tham vọng đó.
Thằng bé không ngờ rằng khi đi làm là mình như được sinh ra để mang đến hy vọng và vơi bớt nỗi đau rất thực tế cho hàng ngàn người khiếm thính, những người mà nếu không có sự trợ giúp của nó, sẽ mãi bất hạnh vì tật nguyền.
Tôi đã nghĩ chắc chắn Blair sẽ là người câm điếc suốt cuộc đời nếu vợ chồng tôi không xoay xở tìm cách định hình tâm trí thằng bé như chúng tôi đã làm.
Khi tôi gieo vào đầu thằng bé một khao khát được nghe, được nói, và sống như một người bình thường, có một sự thúc đẩy của sức mạnh lạ lùng nào đó đã khiến tự nhiên trở thành người làm cầu nối, bắc cầu từ vùng vịnh tĩnh lặng trong tâm trí thằng bé với thế giới bên ngoài.
Blair khao khát được nghe bình thường, giờ thằng bé đã có được điều đó! Thằng bé sinh ra với một khuyết tật vốn có thể dễ dàng đẩy một đứa trẻ ít khao khát hơn ra ngoài đường phố với đống bút chì và chiếc cốc thiếc để ăn xin.
“Lời nói dối vô hại” nho nhỏ tôi gieo rắc vào đầu khi thằng bé còn là một đứa trẻ, bằng cách hướng thằng bé tin rằng bất hạnh của nó có thể trở thành một tài sản lớn lao, đã tự minh chứng cho bản thân nó. Quả thật, chẳng có điều gì, dù đúng hay sai, mà niềm tin cùng khát khao bỏng cháy không thể biến thành sự thật. Những phẩm chất này đều miễn phí với tất cả mọi người.
KHAO KHÁT LÀM NÊN ĐIỀU KỲ DIỆU CHO MỘT NGƯỜI CA SĨ
Một bài báo về nữ ca sĩ opera nổi tiếng Schumann-Heink sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao bà lại đạt được những thành công kỳ diệu và phi thường đến thế. Tôi xin đưa ra trích đoạn dưới đây bởi thông điệp của nó không gì hơn ngoài mong muốn mãnh liệt sẽ mang đến thành công.
Vào buổi ban đầu sự nghiệp, Mme. Ernestine Schumann-Heink tới gặp giám đốc nhà hát Vienna Court Opera để xin thử giọng nhưng ông từ chối. Sau khi nhìn vẻ vụng về cùng kiểu ăn mặc tuềnh toàng của cô gái, ông đã kêu lên, chẳng chút lịch thiệp: “Với ngoại hình chẳng có gì ấn tượng thế này thì làm sao cô có thể hy vọng thành công trong giới ca kịch được cơ chứ? Cô hãy từ bỏ ý định đó đi. Hãy mua lấy một chiếc máy khâu và hằng ngày ở nhà chăm chỉ khâu vá. Cô không bao giờ có thể trở thành ca sĩ được đâu”.
Không bao giờ ở đây có nghĩa là một thời gian rất dài! Có thể, ông giám đốc nhà hát này biết rất nhiều về kỹ thuật ca hát nhưng ông ta không hiểu mấy về sức mạnh của đam mê khi nó đã trở thành nỗi ám ảnh. Nếu biết về sức mạnh đó, ông ta sẽ không phạm sai lầm khi đối xử tệ với một thiên tài và không cho cô ấy một cơ hội nào.
Vài năm trước, một cộng sự kinh doanh của tôi bị ốm. Thời gian trôi qua, ông ấy càng yếu hơn, và cuối cùng phải tới bệnh viện để phẫu thuật. Bác sĩ cảnh báo tôi rất ít có cơ hội được gặp lại ông ấy lần nữa. Nhưng đó là ý kiến của bác sĩ. Đó không phải là ý kiến của bệnh nhân. Ngay khi xe lăn vừa đưa ông ấy đi, ông thì thào yếu ớt: “Sếp, đừng lo, tôi sẽ ra viện trong vài ngày thôi”. Cô y tá hộ tống nhìn tôi tội nghiệp. Nhưng cuối cùng bệnh nhân đã qua khỏi. Sau khi mọi chuyện xong xuôi, bác sĩ nói: “Chính khao khát sống đã cứu ông ấy. Ông ấy sẽ chẳng bao giờ qua khỏi nếu không từ chối chấp nhận cái chết”.
Tôi tin vào sức mạnh của khao khát được nâng đỡ bằng sức mạnh niềm tin, bởi tôi đã thấy sức mạnh này nâng đỡ những người đi lên từ những khởi đầu khiêm tốn tới những địa vị quyền lực và giàu sang; tôi từng thấy nó lừa gạt được tử thần; thấy nó là điểm tựa cho người ta trở về và xây dựng sự bắt đầu lại sau khi đã thất bại theo hàng trăm cách khác nhau; tôi đã thấy nó mang đến cho chính con trai mình một cuộc đời bình thường, hạnh phúc và thành công, bất chấp thiên nhiên đưa nó đến thế giới này khuyết thiếu mất đôi tai.
Thiên nhiên chẳng bao giờ để lộ nguyên tắc kỳ lạ và mạnh mẽ của “sức mạnh tâm trí”, chỉ gói ghém nó trong sự thúc đẩy của khao khát mạnh mẽ, “thứ đó” chẳng coi điều gì là “không thể” và không chấp nhận cái gì gọi là thất bại.