Ba quy tắc ngắn gọn có thể giúp bạn trở nên vĩ đại như bạn muốn.
CAVETT ROBERT
Qua hai mươi tám bài học vừa rồi, các bạn đã được cung cấp những thông tin có chiều sâu về thành công hơn một người bình thường nhận được trong suốt cả đời mình.
Nhưng những bài học đó chỉ là những nấc thang trên chiếc thang thành công bạn mới xây dựng mà thôi. Bạn, và chỉ mình bạn mới có thể đi lên từng bước, qua sự kiên trì, khao khát, can đảm và làm việc chăm chỉ.
Hãy lắng nghe diễn giả truyền cảm hứng siêu nhất nước Mỹ, Cavett Robert:
Chúng ta nghe thấy cụm từ “leo lên nấc thang thành công” thường xuyên tới nỗi ý nghĩa của nó đã bị mất đi trong chính sự giản đơn của nó. Ta đều biết rằng chiếc thang chẳng là gì ngoài một công cụ – chỉ là một công cụ sử dụng để đến một cái đích nào đó. Tương tự như vậy, công việc cũng chỉ là một công cụ được sử dụng để đạt được những mục tiêu trong đời. Hãy xem xét lý do lại sao chiếc thang lại có ý nghĩa biểu tượng đến vậy.
Đầu tiên, một chiếc thang được thiết kế để sử dụng theo chiều dọc, chứ không phải chiều ngang. Nó chỉ được dùng cho mục đích trèo lên cao. Hơn nữa, chỉ có thể leo lên chiếc thang bằng cách leo mỗi lần một nấc. Cũng như người ta không thể bỗng dưng thành công ngay được mà phải dần đi lên thành công, chiếc thang chỉ là phương tiện tới đích tăng dần. Ta sử dụng mỗi một nấc thang làm nền tảng để leo tới những bậc cao hơn. Nếu chúng ta cố gắng bỏ qua một nấc thang, thảm họa sẽ xảy ra.
Có lẽ chỗ giống nhau quan trọng nhất giữa công việc của một người và một chiếc thang là nó đòi hỏi nỗ lực trèo lên ở cả hai trường hợp. Không phải tất cả mọi người đều sẵn sàng hy sinh bằng cách nỗ lực để lên tới bậc cao nhất của chiếc thang, nhưng tôi không tin có ai lại không có chút tham vọng muốn leo đủ cao, thoát khỏi sự bế tắc ở dưới đáy cùng.
Từ cuốn sách được đón đọc rộng rãi của ông, Thành công cho mọi người bằng kỹ thuật và động lực con người (Success With People Through Human Engineering and Motivation), Robert sẽ chỉ cho bạn những điều cần làm để thể hiện mình với niềm kiêu hãnh trên nấc thang thành công...
Hồi năm 1935, tôi được hưởng một đặc ân mà mình luôn trân quý.
Tôi được mời tới một bữa tiệc trưa. Trước sự ngạc nhiên và vui mừng của tôi, Will Rogers là diễn giả. Đây là một trong những bài phát biểu cuối cùng của ông vì vài tuần sau đó, ông cùng Wiley Post bắt đầu chuyến bay vòng quanh thế giới. Chúng ta đều biết về cái chết thương tâm của họ ở Alaska.
Lúc đó Rogers không có vẻ gì của một học giả hay sự chuộng học hành mà một người có thể kỳ vọng nhìn thấy ở những người dự báo kinh tế trong thời đại của mình. Nhưng chỉ với vài lời ngắn ngủi, ông đã cho tôi những lời khuyên sâu sắc nhất tôi từng được nghe.
Tôi từng đọc rất nhiều cuốn sách về thành công. Tôi cũng nghe không biết bao nhiêu ghi chép về cùng chủ đề này. Nhưng tôi không tin có một công thức chắc chắn hơn, hay một sơ đồ cụ thể sẽ dẫn tới thành công, nếu được theo đuổi sát sao, hơn là điều dưới đây.
“Nếu anh muốn thành công”, ông nói, “chỉ đơn giản thế này thôi.
Biết mình đang làm gì.
Yêu việc mình đang làm.
Và tin vào những gì mình đang làm.
Đúng vậy, chỉ đơn giản thế thôi”.
Giờ hãy cùng xem xét kỹ hơn về lời khuyên này.
BIẾT MÌNH ĐANG LÀM GÌ
Đầu tiên, phải biết mình đang làm gì. Chẳng có gì thay thế được sự hiểu biết.
Trong quá trình tiếp cận tri thức, ta phải hiểu rằng việc chuẩn bị là một quá trình liên tục không ngừng và cũng không có điểm dừng. Nó phải luôn vận động, không bao giờ tĩnh tại. Trường học không bao giờ là lỗi thời cho những người thực sự muốn thành công. Không có điểm bão hòa nào cả. Tất cả trung tâm nghiên cứu kinh tế đều đồng ý rằng do nền kinh tế của chúng ta luôn có những giai đoạn thay đổi nhanh chóng, nên hiện nay một người bình thường làm bất kỳ ngành nghề nào, bất kể lĩnh vực cụ thể nào, cũng đều phải được đào tạo lại ít nhất bốn lần trong đời. Hãy nghĩ về điều này:
Điều gì không chỉ đúng mà còn khả thi vào ngày hôm qua, thì đến ngày hôm nay lại đáng nghi vấn và thậm chí đến ngày mai có thể sai. Thật là vỡ mộng, tôi biết, khi thấy rằng chúng ta vừa học được một vai cuộc đời, lại bỗng nhiên bị gọi thực hiện một vai hoàn toàn khác, chưa hề được tập duyệt, vì vở kịch cuộc đời vẫn tiếp diễn dù có chúng ta hay không.
Kiến thức ngày nay càng tích lũy nhanh và các phương pháp làm việc được cải thiện nhanh chóng tới nỗi một người ngày nay phải chạy mới có thể đứng vững.
Cho tới năm 1900, người ta nói rằng kiến thức đã tích lũy tăng gấp đôi qua mỗi thế kỷ. Vào cuối Thế chiến thứ hai, cứ một phần tư thế kỷ, lượng kiến thức lại nhân đôi một lần. Ngày nay, tất cả trung tâm nghiên cứu nói với chúng ta rằng cứ năm năm một lần, khối lượng kiến thức đang có lại tăng gấp đôi. Nếu thế thì một người bình thường ngày nay làm thế nào có thể trụ vững và sống sót chứ?
THÀNH CÔNG THỰC SỰ LÀ MỘT HÀNH TRÌNH, KHÔNG PHẢI MỘT ĐIỂM ĐẾN
Nhu cầu liên tục phải điều chỉnh đem đến một thách thức chưa từng có. Việc chuẩn bị điều gì đó không còn có thể cất trong ngăn kéo và quên đi được nữa. Bản thân thành công lại có thêm định nghĩa mới. Thậm chí, ngày nay nó còn có thể là sự chuẩn bị liên tục và không ngừng của bản thân để đáp ứng với sự thay đổi liên tục và không ngừng của hệ thống kinh tế. Đúng vậy, thành công ngày nay là một chặng hành trình, không phải một điểm đến.
Hơn nữa, điều khiến chuyến hành trình này trở thành một điều quan trọng là chúng ta phải không ngừng tiến về phía trước – đúng vậy, sự nhận thức tăng dần của một mục tiêu xác định sẵn. Và sự phát triển của chúng ta không bao giờ được chấm dứt. Bất kỳ người nào lựa chọn một mục tiêu trong đời mà có thể dễ dàng đạt được, thì tức là đã định ra giới hạn cho chính mình. Khi chúng ta ngừng phát triển, chúng ta bắt đầu chết.
CHÂN TRỜI CỦA THAY ĐỔI
Một trong những bí ẩn gây bối rối nhất cho một đứa trẻ đã đi bất cứ con đường nào là nó không bao giờ có thể đuổi tới chân trời. Không ai trong chúng ta ngày nay có thể bắt kịp với chân trời của sự đổi thay. Chúng ta chỉ có thể đi về phía đó. Tôi tin chắc rằng việc chúng ta không thể với tới chân trời là một phúc lành. Nếu tham vọng trong đời ta có thể hoàn toàn đạt được, vậy thì chúng ta chưa đặt mục tiêu đủ lớn. Thật bất công với bất kỳ ai nếu chúng ta vẽ nên con đường trải đầy hoa hồng. Nó phải là con đường của những người hành hương, đầy những chướng ngại vật và hy sinh. Lời hứa duy nhất chúng ta có thể đưa ra là nếu một người sẵn sàng đương đầu với những thách thức trên đường, anh ta sẽ trở nên mạnh mẽ qua chặng hành trình và bắt kịp được với tốc độ đổi thay.
Tôi chắc rằng bạn cũng đồng ý với tôi, rằng bất kể một người có đủ năng lực để đối phó với những khó khăn của cuộc sống hôm nay thế nào, nhưng nếu anh ta bị ru ngủ, rơi vào một trạng thái cảm giác an toàn giả rằng mình không cần chuẩn bị thêm gì cho tương lai, rằng chuyến hành trình của mình có thể kết thúc, anh ta sẽ mau chóng nhận ra mình đang lạc lối trong những mệt mỏi của kiểu tư duy thời trung cổ.
Chúng ta từng nghe nói nhiều lần rằng chẳng có gì trong đời mạnh mẽ như ý tưởng là thời điểm của ai đó đã tới – biết rằng đã đến lúc. Nếu những ý tưởng đó là phổ biến và nếu kiến thức được cập nhật, chúng phải luôn không ngừng vận động, không bao giờ tĩnh tại.
Và vì thế, điều quan trọng nhất và trên hết là chúng ta phải đón nhận nguyên tắc đó để trở nên hiểu biết trong những thời đại thay đổi mà chúng ta phải theo đuổi một chương trình tự phát triển bản thân không ngừng nghỉ, một hành trình không bao giờ có điểm dừng tới những lĩnh vực học tập và hiểu biết mới.
MỘT NGÀY CHUYÊN MÔN HÓA
Bởi lượng kiến thức tích lũy nhanh chóng ngày nay, việc chuyên môn hóa trong kinh doanh, công nghiệp hay một nghề nghiệp ngày càng trở nên quan trọng. Không có lối thoát nào cả. Đương nhiên, điều này không có nghĩa là một người không cần biết những kiến thức cơ bản tổng quát và hiểu biết chung. Mà nó có nghĩa là bên cạnh những hiểu biết đó, anh ta nên hiểu biết đặc biệt về một lĩnh vực ở một mức độ nào đấy.
Có lần, một người khá bực bội đã nói: “Bởi chúng ta phải biết ngày càng nhiều về những thứ ngày càng ít, nên tôi đồ rằng điều này cũng có nghĩa chúng ta phải ngày càng biết ít về những thứ ngày càng nhiều, cũng có nghĩa là, mau chóng thôi chúng ta sẽ biết tất cả mọi thứ về chẳng gì cả và chẳng biết gì cả về tất cả mọi thứ”.
CHÚNG TA CHUYÊN MÔN HÓA TỚI MỨC NÀO?
Một ngày kia, có hai anh bạn nói chuyện với nhau, một người nói: “Anh có biết, mọi thứ ngày nay đang chuyên môn hóa tới mức Công ty Bánh kẹo Quốc gia thậm chí có cả phó giám đốc phụ trách loại bánh ngọt Fig Newtons”.
Người kia nói: “Tôi chẳng tin”.
Người đầu tiên đáp: “Cá không?”.
Thế là họ cược tiền và gọi cho Công ty Bánh kẹo Quốc gia.
Một người nói: “Tôi muốn nói chuyện với phó giám đốc phụ trách loại bánh ngọt Fig Newtons”.
Đầu bên kia đáp: “Loại đóng gói hay không đóng gói?”.
Giám đốc của một trong những công ty cao su lớn nhất gần đây đưa ra một bài phát biểu. Sau khi ông kết thúc, chủ tọa mở cuộc họp để đặt ra các câu hỏi. Một chàng thanh niên trẻ ngồi hàng ghế đầu nói: “Liệu có riêng tư quá không nếu tôi hỏi ngài làm thế nào để trở thành giám đốc của công ty lớn như vậy?”.
Giám đốc trả lời: “Không hề gì, tôi từng làm việc ở một trạm đổ xăng và không tiến triển nhiều lắm. Một ngày tôi đọc được rằng nếu một người muốn thành công, anh ta phải biết tất cả những gì cần biết về sản phẩm của mình.
Vì vậy, vào một kỳ nghỉ, tôi quay về văn phòng trụ sở xem người ta làm lốp xe cao su. Tôi xem họ đặt dây nylon. Vào một kỳ nghỉ khác, tôi tới châu Phi để xem họ trồng cây cao su và cả chiết xuất nhựa thô.
Vậy nên khi nói về sản phẩm của mình, tôi không nói, ‘đây là những gì tôi nghe nói’, hay ‘đây là những gì tôi đọc’, hay ‘đây là những gì tôi nghĩ’. Không, tôi nói, ‘đây là những gì tôi biết. Tôi đã xem họ làm. Tôi thấy họ đặt dây nylon để làm nên những chiếc lốp xe tốt nhất, để bảo vệ gia đình bạn khỏi những vụ nổ lốp. Tôi xem họ chiết xuất nhựa cao su thô đó để làm ra lốp xe chất lượng nhất trên thế giới’”.
Sau đó ông tiếp tục, “Không có sức mạnh nào trên thế giới này lớn hơn lời tuyên bố của một người có hiểu biết, củng cố bằng sự tự tin và kinh nghiệm”.
Một người biết, và biết rằng mình biết, có thể nói với uy lực chẳng gì sánh bằng. Thế giới sẽ mở đường trải lối cho người biết mình đang làm gì.
CHỈ CÓ MỘT TÀI SẢN TRÊN TRÁI ĐẤT NÀY
Lincoln từng nói: “Càng già đi, tôi càng nhận ra chỉ có một tài sản, một sự an toàn trên thế giới này và nó được tìm thấy trong khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ của một người”. Nhưng ông không dừng lại ở đó. Ông nói tiếp: “Và điều đầu tiên cũng là quan trọng nhất, khả năng này phải bắt đầu bằng sự hiểu biết”.
Một sự hiểu biết hời hợt là chưa đủ. Đó phải là sự hiểu biết có khả năng phân tích tình hình nhanh chóng và đưa ra quyết định ngay lập tức.
Một tiền vệ trong những khoảnh khắc cuối cùng của một trận đấu quan trọng đã đưa ra dấu hiệu sai lầm. Một đường chuyền bị chặn và chức vô địch tuột khỏi tầm tay. Đó là chuyện của ngày thứ Bảy. Chiều thứ Ba, anh mới đủ dũng cảm mạo hiểm đi ra ngoài để người ta nhìn thấy. Anh phải ra ngoài đi cắt tóc.
Người thợ hớt tóc, sau một lúc im lặng, đã nói: “Tôi nghĩ rất nhiều về trận đấu anh chơi thứ Bảy tuần trước, và nếu tôi ở trong hoàn cảnh của anh, tôi không tin là mình sẽ làm vậy”.
Người tiền vệ nói, biểu cảm không hề thay đổi: “Không, và nếu tôi có thể nghĩ tới tận chiều thứ Ba về điều đó, tôi cũng không làm như vậy”.
Ở nền kinh tế hiện đại cạnh tranh và chuyển động nhanh như hiện nay, chúng ta thường không có thời gian để suy nghĩ lại mọi thứ và xem xét cẩn trọng mỗi trường hợp mà chúng ta khao khát.
Nhưng dẫu vậy, tôi vẫn nhắc lại, kiến thức hời hợt là chưa đủ. Hơn nữa, ai cố gắng dùng đủ thứ mẹo vặt để thay thế cho kiến thức thì sẽ thấy chúng quay lại phản tác dụng.
Nỗ lực như vậy gợi nhớ đến một người chuyên đi săn đầu người mua cho mình một chiếc boomerang mới. Sau đó dành cả phần đời còn lại tìm cách ném cái cũ đi.
Tôi thấy tiếc cho những ai nghĩ rằng có thể dùng nỗ lực, tính cách hay bất kỳ phẩm chất nào để thay thế cho kiến thức nền tảng.
Đúng vậy, hãy nhớ lời khuyên chí lý của Will Rogers. Để thành công, đầu tiên ta phải biết mình đang làm gì.
YÊU NHỮNG GÌ MÌNH LÀM
Nhưng kiến thức, dù quan trọng là vậy, cũng chưa đủ để đảm bảo thành công trong xã hội phức tạp ngày nay. Chúng ta thường nghe nói: “Một người chỉ có hiểu biết không là người nhàm chán vô dụng nhất trên đời”.
Lời khẳng định tiếp theo của Will Rogers là gì?
Không chỉ biết mình đang làm gì, mà còn phải yêu những gì mình đang làm.
Chúng ta đang làm việc vì điều gì? Chúng ta có yêu công việc của mình không hay chúng ta chỉ đang làm vì tiền thôi? Nếu chỉ vì tiền không thì chúng ta đang bị trả thấp hơn những gì đáng được nhận, dù kiếm được bao nhiêu đi nữa – ngoài ra, đó là tất cả những gì chúng ta sẽ làm cho đến chết.
Tất cả mọi người đều thích làm việc với người lạc quan. Chúng ta chỉ có thể lạc quan nếu chúng ta yêu điều mình đang làm.
Chẳng gì khiến ta chết dần chết mòn là ở cạnh một người bi quan – một người luôn bới lông tìm vết và chỉ trích người khác. Chúng ta đều thấy kiểu người đó rồi. Tâm trí anh ta bốc mùi. Anh ta là người trong hội đồng than vãn, luôn trong nhiệm kỳ phục vụ. Anh ta chỉ trích mọi người và mọi thứ. Bạn hỏi công việc thế nào, anh ta sẽ nói: “Chà, tôi chốt được một vụ vào thứ Hai. Thứ Ba chẳng bán được gì. Thứ Tư thì vụ thứ Hai thất bại – nên, tôi nghĩ thứ Ba là ngày tốt nhất”.
Gần đây, tôi tới Boston tham gia một hội nghị. Tôi bị đuổi khỏi khách sạn sau hai ngày. Tôi cứ nghĩ mình đã đặt phòng ba ngày.
Khi thang máy đi xuống, nó dừng ở tầng thứ bảy, nhưng chẳng có ai vào cả. Tôi rất bực mình và đang vội để bắt chuyến máy bay sớm nên nói: “Vào đi”.
Chẳng có gì xảy ra.
Tôi lại nói to lần nữa: “Vào đi, lẹ lẹ lên nào”.
Vẫn chẳng có gì xảy ra.
Cuối cùng, tôi nói to: “Nhanh lên đi nào. Không tôi đi đấy”.
Lúc đó, một người đàn ông mù, cẩn thận dò đường bước vào với chiếc gậy trắng.
Tôi thấy mình thật tồi tệ. Tôi phải nói gì đó, nên hắng giọng rồi hỏi: “Hôm nay bác thế nào?”.
Ông ấy cười và đáp: “Thấy muốn cảm tạ cuộc đời, bạn tôi ạ”.
Tôi chẳng biết nói gì cả – tôi thấy nghẹn ngào. Bất kỳ sự mất kiên nhẫn hay lo lắng nào của tôi bỗng chốc tan biến.
Người đàn ông đứng đây muốn cảm tạ bóng tối còn tôi lại nguyền rủa ánh sáng. Tôi không quan tâm mình có bắt được chuyến bay nữa hay không. Đêm đó tôi cầu nguyện, rằng một ngày có thể nhìn sáng rõ như người đàn ông đó.
Thực tế, mỗi sáng khi thức giấc, nếu chúng ta không thấy tên mình trên cột cáo phó, chúng ta nên thấy biết ơn và hạnh phúc cả ngày.
Chúng ta có thể nói gì đó tốt đẹp về mỗi người hay chủ đề trong cuộc nói chuyện. Nếu không, ít nhất chúng ta có thể yên lặng. Chẳng có gì hoàn toàn sai cả.
Ai đó nói rằng thậm chí cả Hố đen Calcutta rất dễ nóng lên.
Ở Mississippi, chúng ta nói rằng Luật cấm rượu là tồi tệ nhưng tốt nhất vẫn là không nên có rượu.
Tôi nghe người ta nhắc đến tên một người đàn ông và có một người hạ giọng nói: “Tại sao chứ, gã ấy nghiện rượu mà”.
Một người khác có mặt nói: “Ít nhất, anh ta không phải là kẻ bỏ cuộc”.
Hãy làm theo lời khuyên của Will Rogers, hãy không ngừng tìm kiếm những điều tốt đẹp trong cuộc đời, nhiều trái ngọt hơn trong Vườn Địa Đàng. Hãy ngắm nhìn những điều vui vẻ của sự sống. Will Rogers vĩ đại nổi tiếng là không bao giờ chỉ trích. Tại sao ư? Bởi ông ấy chưa từng gặp một người nào trong đời mà ông không yêu mến.
TIN TƯỞNG VÀO ĐIỀU BẠN ĐANG LÀM
Đúng vậy, Will Rogers nói: “Biết mình đang làm gì – yêu điều mình đang làm”.
Nhưng ông không dừng ở đó. Ông còn nói: “Tin vào những gì bạn đang làm”.
Tôi từng nghe một người gọi điện cho bạn mình và nói rằng: “Jake, tôi có một buổi tiệc sinh nhật thân mật tối mai và tôi muốn mời anh đến. Hãy đến và tự nhiên thoải mái như ở nhà. Cứ đến cửa, lấy khuỷu tay nhấn chuông và bước vào thôi”.
Người bạn hỏi: “Được thôi, nhưng tại sao là khuỷu tay?”.
Anh bạn nói: “Jake, chắc anh không hiểu rồi. Hôm đó là sinh nhật tôi mà. Anh không tính đến dự tay không chứ hả?”.
Trên tất cả, tôi không muốn bạn đến tay không. Nếu bạn thấy ngạc nhiên trước vài câu chuyện, nếu cảm xúc của bạn có chút khuấy trộn hay tâm trí bạn được kích thích, thì điều đó vẫn chưa đủ.
NGHỆ THUẬT THUYẾT PHỤC
Để bạn không rơi vào hoàn cảnh tay không, trong vòng vài câu dưới đây, tôi sẽ trao cho bạn nguyên tắc vĩ đại nhất trong việc thuyết phục con người. Chẳng có gì sát hơn đến như vậy. Nếu có điều gì đáng nhớ thì đó chính là:
Người ta bị thuyết phục bởi chiều sâu niềm tin của bạn hơn là bởi chiều cao logic – bởi sự nhiệt tình của bạn hơn bất cứ bằng chứng nào bạn đưa ra.
Nếu có thể dùng một câu để mô tả nghệ thuật thuyết phục, thì đây chính là điều tôi muốn nói, và tôi biết mình đúng: Thuyết phục chính là lay chuyển con người – không, không phải theo cách nghĩ của chúng ta mà là theo cách cảm nhận và tin tưởng của chúng ta. Và nếu niềm tin của một người đủ chân thành và đủ sâu sắc, anh ta chính là sự chấp nhận tích cực. Anh ta có một sự ám ảnh không thể chối từ.
Người có sức thuyết phục nhất trên thế giới là người có niềm tin cuồng tín vào một ý tưởng, một sản phẩm hay một dịch vụ. Một mẫu thức chung của tất cả những con người vĩ đại trong lịch sử là họ tin tưởng vào những gì mình làm. Nếu chúng ta chỉ có thể được chọn một ngọn đèn dẫn bước ta qua những vũng lầy gian nan của tương lai, nó sẽ là ánh sáng soi đường cho nỗ lực của ta.
Người ta nói rằng từ ngữ định hình nên tâm trí của một người. Tuy nhiên, từ ngữ cũng có thể gây bối rối. Nhưng một thái độ tích cực xuất phát từ một niềm tin chân thành thì không.
TRƯỚC TIÊN PHẢI TIN VÀO Ý TƯỞNG CỦA CHÍNH MÌNH
Thực tế tôi nghe thấy nhiều người nói: “Anh có tin vào khả năng nhìn thấu, thần giao cách cảm hay linh cảm không? Thật là một điều kỳ lạ, từ giây phút bước vào tôi đã biết người đó sẽ chấp nhận suy nghĩ của mình rồi. Anh có nghĩ tôi đọc được suy nghĩ không?”.
Câu trả lời quá rõ ràng, không cần phải nói thêm gì nữa. Người trình bày ý tưởng đó đã làm được một thương vụ lớn. Bản thân anh ta hoàn toàn tin vào ý tưởng đó tới mức gần như bị thôi miên với sức mạnh thuyết phục của mình.
Mặt khác, tôi nghe một người nói: “Tôi không thể giải thích được, nhưng tôi biết anh bạn đó sẽ không đón nhận ý tưởng của tôi còn trước cả khi tôi mở lời”.
Đương nhiên là anh ta không. Người nói ra không tin tưởng thì anh ta sẽ thể hiện ra sự thiếu niềm tin đó. Anh ta chỉ đang thừa nhận mình không mấy hào hứng với ý tưởng đó nên không thể thể hiện ra được chút hào hứng nào.
Đúng vậy, tôi xin nhắc lại, thế giới là một tấm kính phản chiếu và trả lại cho mỗi người sự phản chiếu suy nghĩ, niềm tin và sự nhiệt tình của chính người đó.
Tôi có một bức tranh một người bạn vẽ cho tôi treo ở nhà. Đó là một bức họa một ông già lang thang ngồi ở ghế công viên. Giày thì thủng, quần rách lộ cả đầu gối, ông ta thực sự cần được cạo râu. Tóc tai thì trông như tổ quạ và ông ta còn đang nhai một cọng rơm. Một tài xế lái chiếc Rolls Royce ngang qua, trong xe chở một ông già đội mũ cao vải lụa.
Người lang thang biếng nhác nhìn theo và nói vẻ triết lý: “Lẽ ra mình cũng có thể là ông ta”.
ĐỪNG TRÓI BUỘC VỚI SỰ TẦM THƯỜNG
Thứ duy nhất trói buộc và xiềng xích ngăn trở bất kỳ ai trong chúng ta thực hiện những ước mơ cuộc đời là những thứ chúng ta nghi ngờ và thiếu niềm tin với những gì mình nói hay làm.
Will Rogers đã nói:
BIẾT MÌNH ĐANG LÀM GÌ.
YÊU VIỆC MÌNH ĐANG LÀM.
TIN VÀO NHỮNG GÌ MÌNH ĐANG LÀM.
Chúng ta còn có thể tìm đâu ra chiếc la bàn chỉ hướng cuộc đời tốt hơn thế này chứ?
Tôi không biết còn những tính cách nào có thể làm nên một công thức tốt hơn cho thành công – một la bàn chỉ hướng an toàn hơn – ngoài ba lời dẫn dắt này của Will Rogers. Hãy nghiên cứu cẩn thận và có lòng tin vào khả năng dẫn dắt của chúng. Chúng chỉ có thể dẫn tới thành công mà thôi.