T
ại khu tắm bùn Tháp Bà Nha Trang, một ngày cuối tháng 10 năm 2012.
Tôi đang bị điên loạn, khuôn miệng vẫn tươi cười nhưng trong tâm khảm là một cõi lòng tan nát không ai có thể hiểu được. Vai diễn tôi đang tự khoác lên người còn khốn nạn hơn cha xứ Ralph trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai. Nhìn lớp bùn sóng sánh, đong đưa dưới ánh sáng vàng ươm của buổi chiều hôm ấy, tôi thấy mình còn dơ bẩn hơn cả nó. Vậy nên tôi cố tình ngồi né sang một bên để bùn không dấy vào da thịt. Chút cảm giác thanh sạch là điều con người ta mong mỏi khi thấy mình quá đỗi đen tối là đây.
Michael thì vẫn hí ha hí hửng cười đùa, ngụp lặn trong vũng bùn rộng lớn mà lần đầu tiên từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ anh mới được thấy. “Anh là thiên thần còn mình chẳng khác gì ma sói”, tôi thầm nghĩ.
Ba năm quen nhau, anh không ngại ngần đường xa, bay một chặng dài về thăm nom, ăn Tết cùng gia đình tôi. Chúng tôi gặp và yêu nhau ngay trên xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh – nơi bình yên mà tôi được cất tiếng khóc chào đời và trưởng thành đến năm mười tám tuổi. Sau khi tốt nghiệp tại Khoa Kinh tế Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tôi làm việc tại văn phòng đại diện của một công ty đến từ Las Vegas, Mỹ. Nhờ mối quan hệ chằng chéo giữa sếp của tôi – một Việt kiều Mỹ và trưởng đoàn Năng lượng Tái tạo của Cộng hòa Liên bang Đức đang đi khảo sát các tỉnh đồng bằng duyên hải Nam Trung Bộ mà chúng tôi có dịp va vào nhau.
“Em có muốn về nhà chơi vào thứ Sáu tuần này không?” Chị Rose hỏi, gương mặt hiện lên vài chữ “ý định” gì đó ở tại đây.
Nhưng tôi thì hoàn toàn hồn nhiên, được về nhà là niềm vui sướng của bao đứa con xa quê lâu ngày, được mẹ nấu cho ăn, ngủ nướng cháy giường và cà kê dê ngỗng cùng bạn bè, đánh chiếm tất cả các quán ngon vỉa hè mà bọn con gái hay la cà sớm tối. Đằng này lại được sếp gợi ý thì còn gì bằng, tôi nhanh nhảu gật gù‚ “Dạ, boss”, “Nhưng mà ở đến bao lâu thì quay lại ạ?”.
“Tùy thôi, em về gặp anh Công, trưởng đoàn Đức, rồi hỗ trợ đoàn làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên. Nhà em ở đó mà phải không? Khi nào đoàn đi thì em quay lại đây”.
“Dạ, thank you, boss, gương mặt tôi bừng sáng như đứa trẻ con ngày xưa được quăng cho cây kem Merino sang xịn, chẳng ai có. Sau 12 tiếng đồng hồ ngủ khì trên xe, tôi đã về đến nhà. Sau khi lượn lờ với mấy đứa bạn thân thì chiều hôm ấy tôi đến khách sạn du lịch công đoàn để gặp anh Công. 23 tuổi, tôi ý thức được mình đang vào giai đoạn đẹp nhất của thanh xuân nên việc mặc đẹp, chỉn chu là điều được ưu tiên hàng đầu. Vả lại làm việc với Rose, được tiếp xúc với phong cách ăn mặc, tóc tai, make-up công sở của người Mỹ nên tôi đã xuất hiện trước mặt Thành Công với bộ dạng đẹp đẽ và tinh tươm nhất. Đặc biệt, đôi giày cao gót là vũ khí tối thượng của phái nữ các bạn ạ. Một đôi dép kẹp hoặc giày búp bê có thể biến bạn thành công chúa, tôi biết mình không thể là công chúa, vậy nên để thành nữ hoàng thì phải cao gót và ít nhất là 7 phân theo tiêu chuẩn tôi tự xác lập.
“Ôi mẹ ơi, anh ta trẻ thế... lại còn điển trai nữa” tôi phờ mặt ra khi thấy anh – người thanh niên cao lớn, da trắng lại trẻ nhất phái đoàn toàn đàn ông, phụ nữ tóc đã lấm tấm bạc. Thành Công thấy ánh mắt chúng tôi quắn lấy nhau nên anh ta kéo tôi đến giới thiệu cho bạn trẻ kia, “Đây là Michael, người đại diện mảng năng lượng quạt gió. Đây là Linh Anh, sẽ hỗ trợ đoàn vào ngày mai”. Thành Công quả là quá khôn ngoan, anh ta tầm ngoài bốn mươi, sống ở Đức lâu rồi nhưng tâm lý và kiểu cách làm ăn của người Việt thì vẫn thuộc nằm lòng. Phái đoàn Đức vừa trải qua một chuyến khảo sát dài bắt đầu từ Quảng Nam, Đà Nẵng rồi Quảng Ngãi, Bình Định đã thấm mệt. Anh bạn trẻ Michael sẽ rất vui nếu có thể trò chuyện với một em gái Việt Nam xinh tươi lại giao tiếp tiếng Anh ro ro thì còn gì bằng. Tôi vẫn tự hào mình tuy trẻ tuổi nhưng giỏi đọc tâm lý của đối tác: Michael có vẻ bối rối khi bắt tay tôi, từ giây phút ấy tôi đã biết mình chính thức “câu được một thằng Tây”. “Kệ, cho anh ta biết cái cảm giác thầm thương trộm nhớ và lưu luyến một đứa con gái châu Á xem thế nào”. Mặt anh ta đỏ bừng, như thể mới được ai đó táng cho một quả gấc vào mặt.
Suốt buổi chiều hôm ấy, cả đoàn theo sự chỉ dẫn của nữ thổ địa trẻ măng, tất cả đều hào hứng và cảm kích khi tôi dẫn họ lên tháp Nhạn ngắm cảnh thành phố về đêm. Nắm được tâm lý người phương Tây rất thích thưởng ngoạn những công trình kiến trúc đặc thù của quốc gia nơi họ thăm viếng nên tôi không ngừng thao thao bất tuyệt về lịch sử tháp Nhạn và hình dáng đặc thù của ngôi tháp Chăm cổ đặc trưng cho nền văn hóa Sa Huỳnh này.
“Tháp Nhạn có nghĩa là gì?”, ngài Müller lên tiếng. Ông ấy đi cùng vợ, hai vợ chồng cai quản công ty Năng lượng Mặt trời do chính họ lập nên được mấy chục năm rồi. Nhìn ông ấy, tôi không khỏi e dè vì ông lớn tuổi, lại là người thành đạt, am hiểu, khuôn mặt thì ưu tư và trầm mặc kiểu người bác học nên chả may mà nói bậy thì ổng phạc cho tiêu đời.
“Ngọn tháp này là nơi rất nhiều chim nhạn bay tới đây sinh sống, làm tổ nên nó được đặt theo tên của loài chim này”, tôi trả lời với ánh nhìn tự trào khi nhìn vào Michael nhưng lại lấm lét trước sự soi mói của lão Müller.
“Tôi chẳng thấy tổ chim nào đậu ở đây cả?” ông ta hỏi ngoắc lại.
Ôi mẹ ơi, lão thật là kiêu ngạo, tôi có phải hướng dẫn viên chuyên nghiệp được lão trả lương đâu. Tôi có mặt tại đây là vì sếp tôi mà. Ấm ức lắm nhưng tôi vẫn rất láu cá “Thì tối trời, chúng đi ngủ hết rồi sao ngài thấy được, mà cây cối thì cao tít tắp, chúng trốn đâu thì mắt trần như ngài làm sao nhìn ra được”, cả đoàn cười rộ khi nghe tôi đáp trả.
“Cái tháp này nhìn rất ngộ, nó có nguồn gốc tôn giáo gì không?”, Üwe – người đàn ông hài hước nhất đoàn lên tiếng. Anh ta tầm 39 – 40 tuổi, một bên mắt bị chột nhưng rất lanh lợi và hoạt bát, anh ta là đại diện của Hãng Life of Waste – đơn vị chuyên nghiên cứu xử lí rác thải thành điện. Tất cả những người Đức này, đúng như danh tiếng bao đời của họ, thông minh, hiểu biết rộng nhưng thoạt nhìn trông khô không khốc như que củi. Được mỗi anh chàng Michael đẹp trai, sáng sủa đang nằm trong tầm ngắm của tôi.
Đôi mắt tôi chao liệng, đánh ánh nhìn cả đoàn hướng về đỉnh tháp: “Trên đỉnh tháp là tượng Linga bằng đá – biểu tượng tâm linh của người dân Chăm-pa. Trong mỗi công trình đền tháp của người Chăm đều có Linga và Yoni tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực cầu mong vạn vật được nảy nở sinh sôi. Nói về nguồn gốc của ngọn tháp này có rất nhiều tương truyền. Có người cho rằng, xưa kia có nàng tiên nữ Thiên Y A Na giáng trần chỉ dạy cho người dân sống ở vùng đất này tất cả mọi thứ từ cấy cày, dệt vải, kéo sợi... để tìm cách mưu sinh. Sau khi tiên nữ quay trở lại cõi tiên, người dân Chăm-pa vì thương nhớ và muốn khắc ghi công ơn người khai sáng cho dân tộc mình bèn xây ngọn tháp ấy để phụng thờ. Theo một truyền thuyết khác thì xưa kia, Tuy Hòa là vùng đầm lầy trũng thấp có nhiều thủy quái chuyên quấy phá đời sống người dân. Thấy vậy, Ông Trời bèn sai người khổng lồ xuống gánh đất lấp vùng trũng, bảo vệ cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên khi lấp gần xong, người khổng lồ vội về nên đã gánh nhiều đá hơn làm chiếc đòn gánh bị gãy. Đá từ hai gánh rơi xuống một bên tạo thành núi Chóp Chài, một gánh tọa trên núi Nhạn”.
“Wow, em đúng là một sử gia thứ thiệt. Em học kinh tế là chọn nhầm nghề rồi”, Michael lên tiếng, khuôn mặt sáng bừng, rạng rỡ. Đúng là mình chỉ qua mặt được anh chàng này, tôi thầm đắc ý, những thông tin tôi phát ro ro vừa rồi chẳng qua là do nhanh trí, lúc mọi người đang lóng ngóng từ ngoài cổng tháp thì tôi đã tranh thủ đọc nhanh những dòng tích sử đề trên những tấm bia người ta dựng lên cho khách du lịch tham quan. Bởi vì không có tiếng Anh, nên việc của tôi là dịch ra và soạn miệng liến thắng, để mua vui và có thể vỗ ngực về sự hiểu biết của mình. Kiểu này thì chị Rose không thể không tưởng thưởng cho tôi vì đã hỗ trợ bạn chị ấy hết lòng hết dạ.
Ngài Müller lò dò từ nãy đến giờ, bàn tay lão mân mê trên bề mặt của ngọn tháp, gật gật lắc lắc, rồi tần ngần: “Ngọn tháp được xây dựng hoàn toàn bằng gạch nung xếp khin khít nhau mà rất vững chắc. Không hiểu người ta dùng chất liệu gì để đắp chúng khít lên nhau vậy nhỉ?”... Không phải mỗi lão tần ngần mà tôi cũng bần thần. Lúc nãy tôi ba hoa thế nào thì bây giờ rối rắm tới đó. Michael cứ đánh ánh mắt về phía tôi vẻ chờ đợi, anh ta đúng là con nít, vẫn nghĩ mình là một sử gia thật hay sao ấy. Làm sao nhỉ, cả đoàn gần chục con người đang trông chờ để đào bới thêm chút ít thông tin từ cô gái trẻ này, không lẽ tôi lại bảo‚ “I don’t know” (tôi không biết) thì nó nhục hơn con cá nục.
“Tìm hiểu về loại keo dùng để gắn kết các viên gạch này với nhau một cách chắc chắn và không lộ ra chút đường hồ nào thì được biết, người Chăm cũng sử dụng hoàn toàn từ nguyên liệu thiên nhiên...”, tiếng nói phát ra từ một người đàn ông da ngăm đen gần đấy, anh ta nói giọng miền ngoài, thanh âm như tiếng Huế, tôi liếc mắt sang nhìn thì thấy anh ta đang hướng dẫn và chỉ trỏ cùng với hai người khác mặc quân phục. Như một cái máy dịch thuật vừa được cắm điện, tôi bắt đầu phát ro ro theo lời anh ta nói, nguyên đoạn vừa rồi và những nội dung tiếp sau: “Khi xưa chưa có xi măng, người dân Chăm-pa đã biết sử dụng chất kết dính từ cây dầu rái vào việc xây dựng. Tuy nhiên, việc pha trộn các loại chất liệu thế nào để có được loại keo bền chắc có thể “nâng đỡ” cả một tòa tháp lớn như vậy thì các nhà nghiên cứu vẫn phải bó tay. Được biết thêm, để các viên gạch dính lại với nhau chắc chắn như vậy không chỉ do có hỗn hợp keo kể trên mà còn nhờ vào bàn tay khéo léo của những người xây dựng. Các viên gạch được sử dụng kĩ thuật mài chập, nghĩa là sau khi phết keo lên, họ mài các viên gạch với nhau cho đến khi bề mặt tiếp túc hoàn toàn khít không lộ ra một chút kẽ hở nào”.
Không chỉ Michael mà cả đoàn Đức đã bị tôi cưa đổ từ buổi tối hôm ấy. Họ xem tôi như từ điển bách khoa toàn thư của vùng đất này. Họ là chuyên gia trong lĩnh vực của họ, còn tôi cũng là chuyên gia trong lĩnh vực của tôi. Sau khi đưa đoàn về khách sạn Công Đoàn, tôi bắt tay lần lượt từng người để “good night” (Chúc buổi tối an lành); mọi người đã dần có thiện cảm nhiều hơn với tôi. Ban đầu gặp mặt, có lẽ họ nghĩ cô gái này chỉ là bình hoa di động được Thành Công điều động để mua vui cho cả đoàn nhưng sau khi đi Tháp Nhạn về, ngay cả ngài Müller khó tính cũng phải nhìn tôi bằng ánh mắt khác.
Tôi lầm lũi men theo vỉa hè trên con đường Nguyễn Huệ về đoạn Lê Duẩn, đi thêm một đoạn từ Lê Duẩn thì về đến nhà. Mới chín giờ rưỡi tối thôi mà sao đường vắng như chùa Bà Đanh. Thành phố nhỏ là vậy, Tuy Hòa vốn bình yên từ xưa đến giờ, những cung đường biển rộng, dài và vẫn thưa người. Nhờ đó con người ta có thể nghe rõ mồn một âm thanh của sóng, gió và của lòng mình. Tôi yêu mảnh đất này, mảnh đất nơi con người ta được trở về nhà mỗi khi va vấp, được thấy mình con trẻ mỗi khi bị đời tát cho một cái rõ đau. Hình ảnh Hải Nam – anh người yêu cũ vẫn thi thoảng vương vấn tâm can mỗi khi tôi lặng lẽ một mình. Cũng lạ: người ta đến, quyến rũ mình, khiến mình ngây ngất trong men say rồi dứt áo ra đi, với một lý do rất chi là lý do “anh chưa có sự nghiệp, sợ không thể là một nơi nương tựa vững chắc cho em”. Tại sao lại thế nhỉ? Chúng tôi còn quá trẻ, sự nghiệp rồi sẽ có nếu chịu nỗ lực và quyết tâm. Đó là nghĩ suy của tôi, có ai ngờ rằng tất cả suy nghĩ của mình không phải là điều người khác quan tâm, họ cũng có tư duy về cuộc sống riêng cho bản thân mình. Lý do muôn thuở mà người ta vẫn lôi ra để bao biện cho một cuộc chia li: KHÔNG HỢP. Tôi đã từng phản bác lý do đó kịch liệt, tôi cho rằng tình yêu là thứ quan trọng nhất trong một mối quan hệ, khi họ dừng có nghĩa là hết yêu. Nhưng vậy cũng sai, Hải Nam vẫn cứ lảng vảng quanh tôi, anh ta không có bạn gái mới, anh ta lao vào công việc như một con thiêu thân để chứng minh cho lí thuyết “chở che người phụ nữ mình yêu”, anh ta vẫn ghen bóng ghen gió mỗi khi quan sát có đối tượng mới lảng vảng quanh tôi. Tôi cô đơn vì bị bỏ rơi còn anh ta cô đơn trong chính cái vòng lẩn quẩn huyền hoặc của mình.
“Có muốn cùng tôi uống một ly bia trên bờ biển xinh đẹp kia không?”, tôi giật bắn cả mình khi người đàn ông cao to, da trắng là rà sát bên cạnh. Hóa ra là Michael, anh ta về phòng rồi mà sao còn lởn vởn ở đây. Thì ra là liêu xiêu em gái Việt Nam này rồi, tôi thầm nghĩ và đắc thắng trong lòng. Nhưng nói thật, tôi không hề trông chờ vào thứ tình cảm xa xôi ấy đâu. Mối tình đầu của tôi cũng là một người nước ngoài – chính xác là đến từ Mỹ. Tình yêu đến từ sự ngưỡng mộ vô bờ bến ấy cũng ra đi trong sự hụt hẫng khôn lường như kiểu con người ta đang ở trên mây rơi một phát xuống chín tầng địa ngục. Vậy nên dù biết chàng Michael này đã phải lòng tôi rồi nhưng tôi không có ý định gì với anh ta, chính xác là vậy dù anh ta nom cũng đáng yêu ra phết. “Được thôi, nhưng lỡ anh bị cướp cạn trên bờ biển thì đừng có trách tôi nhé, bây giờ cũng gần mười giờ đêm rồi”, “ở nơi bình yên thế này mà còn sợ cướp à?”, “anh ngây thơ quá, kiểu da trắng như các anh thì lạng quạng là bị hốt xác ngay đó”, tôi ra vẻ hù dọa ghê gớm, vì muốn thử độ lì của anh chàng này.
“Không sao, có em bên cạnh, tôi yên tâm, bách khoa toàn thư ạ”.
Được người ta khen sướng quá nên tôi cười xòa và cùng Michael rảo bước về hướng biển. Biển về đêm càng huyền hoặc, những chiếc tàu đánh cá xa tít tắp ngoài khơi dập dềnh trên sóng nước, nhìn chúng như những con kiến khổng lồ được trang bị đèn neon và cài pin chạy lăn tăn trên mặt nước.
Đúng như người ta hay nói về dân Gẹc Man Ny, họ thích bia và uống bia như nước. Michael tấp vào một quán nước nhỏ ven đường Độc Lập để mua vài chai Heineken. “Tôi mà say thì anh đưa về nhà nhé”, tôi bông đùa. “Em không được say vì nếu say tôi bê em vào khách sạn Công Đoàn cho tiện, cách đây có vài bước chân”. Ôi mẹ ơi, nhìn thì có vẻ hiền lành nhưng cũng biết múa miệng phết, tôi cười khì trong đầu. “Nếu vậy thì lành ít, dữ nhiều đấy. Anh có biết ở đây anh nằm trong tầm quan sát của biết bao con mắt không, gần khách sạn Công Đoàn là cơ quan công an, dân quân, léng phéng là khỏi về nước nhé”.
“Nơi này thật tuyệt vời, vì nhìn trên bầu trời vẫn còn thấy những vì sao. Ở những thành phố lớn làm sao mà ngắm sao như vậy được”, anh ta trầm ngâm.
“Ờ nhỉ, tôi không để ý, ở một nơi đất chật người đông như Sài Gòn thì lấy đâu ra trăng mới chả sao. Trong kí ức của tôi, trăng và sao luôn hiện hữu cùng người ông của mình, tại đây, nơi vùng đất bình yên này. Ông hay đưa tôi ra bờ sông và chỉ lên bầu trời tinh tú, một bức tranh huyền ảo tuyệt diệu”.
“Người ông của em thật tuyệt vời. Ông ấy chắc tự hào về em lắm nhỉ?”, anh ta nở một nụ cười thật hồn nhiên ngây thơ, đôi mắt sáng hân hoan.
“Năm tôi 7 tuổi, ông đi quá đột ngột”, tôi chợt nhận ra mình kể lể tâm tư quá nhiều với chàng thanh niên xa lạ này. Lần đầu tiên trong đời, tôi thổ lộ câu chuyện tuổi thơ với một người xa lạ. Anh ta nom thật thà, không mỹ miều, bóng bẩy như đám sinh viên Mỹ tôi từng gặp. “Lành tính” là cụm từ tôi dùng để miêu tả về Michael cho mẹ khi bà tra hỏi tại sao, đi đâu mà về muộn thế này?
Tôi 23 tuổi mà bà đã bắt đầu lo rằng sẽ ế chồng. Bà luôn miệng “ngày xưa 23 tuổi, mẹ đã sinh được mày. Thế là quá muộn rồi”. “Ai chà, mẹ vội làm gì, không cưới được chồng thì xin đứa con về nuôi, vừa đẹp đời, vừa khỏe mình”, tôi cứ nói bừa như vậy để trấn an phụ huynh, chứ thực tình tôi vẫn là đứa mong cầu tình yêu, tình yêu là một thứ gì đó hấp dẫn, quyến rũ chết người, lao vào nó làm con người ta như ngây dại. Khóc lóc thê thảm sau vài mối tình không ra đâu vào đâu, tôi vẫn tin vào tình yêu. Không có nó cuộc sống này chắc nhàm chán phải biết. Hiện tại tôi vẫn đang thất tình dai dẳng nhưng chẳng sao, có phải rất nhiều chuyên gia yêu đương đã phán rằng‚ “Khi một cánh cửa đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra”, đúng là như vậy, tôi muốn chứng minh cho Hải Nam và những chàng lâu la khác rằng “Linh Anh sẽ hạnh phúc, sẽ vẫn lộng lẫy thẳng người, chứ không bao giờ lụy tình vì trai”.
Sáng hôm sau, tôi đã dậy sớm để chuẩn bị tươm tất cho buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Tỉnh, tôi mặc bộ áo dài trắng tinh khôi, đúng như dự đoán Michael ngã rạp ngay từ khi tôi bước vào hội trường.
Anh ta không giấu được đôi mắt si mê, ngất ngây ấy, kể từ lúc ấy tôi biết mình đã hạ đổ một chiếc xe tăng.
“Áo dài là thứ đồ kín đáo nhưng lại quá gợi cảm, thứ đồ này quá nguy hiểm đối với đôi mắt của đàn ông phương Tây chúng tôi”, Michael thổ lộ sau khi cả đoàn chào ông chủ tịch tỉnh lên xe đi về Sài Gòn. Trên chuyến xe ấy, tôi ngồi cạnh Michael và Thành Công, chính xác hơn là tôi đã nhắm vị trí ấy. Thực tình chỉ có chỗ ấy hấp dẫn vô cùng bởi lẽ trai trẻ si tình vẫn thú vị hơn các lão thành Gẹc Man Ny khó tính, lại còn nhiều tuổi.
“Tôi chưa hiểu ý anh. Tại sao lại nguy hiểm? Áo dài là quốc phục Việt Nam, cũng như dirndl mà phụ nữ Đức hay mặc đấy?”, tôi hỏi ngoắc ngoéo anh chàng da trắng hiền lành kia thôi chứ tôi thì thừa hiểu vì sao như vậy, trên thế giới này hiếm có quốc phục nước nào có được sự duyên dáng như áo dài. Dù không hở hang nhưng nét vải lại ôm sát cơ thể tạo nên đường cong quyến rũ cho người mặc. Dù người phụ nữ ở tạng người thế nào: cao, thấp, gầy, béo, đồ sộ hay mảnh mai đều có thể diện áo dài. Áo dài có khả năng che lấp đa số khuyết điểm trên cơ thể người mặc nhờ cắt xẻ khéo léo, những hoa văn, hình khối trên áo dài tạo nên một bức ảnh nghệ thuật sống động giữa đời thực.
“Tôi nhìn em mặc áo dài như đọc lại một bài thơ hay mà lâu ngày bị quên lãng. Ở đất nước chúng tôi, phụ nữ chỉ mặc dirndl vào một dịp rất đặc biệt, như lễ hội bia hơi Đức Oktoberfest. Nhưng cũng chỉ miền Nam Đức người ta mới quan tâm nhiều đến trang phục này, ở Mecklenburg – Vorpommern Bắc Đức, nơi chúng tôi đang sống, hầu như rất hiếm khi thấy phụ nữ mặc trang phục này. Em nhìn xem, nơi đây, từ khi đặt chân đến Việt Nam, tôi thường xuyên nhìn thấy phụ nữ mặc quốc phục, nhân viên ngân hàng, giảng viên, người tham dự hội nghị đều diện áo dài, tôi nhìn thấy ánh mắt tự hào của họ khi khoác lên người bộ trang phục đẹp như vậy. Còn em, nhìn em đầy kiêu hãnh và thu hút, tôi thừa nhận mình bị choáng ngợp khi em bước vào hội trường sáng nay”. Lần đầu tiên kể từ lúc gặp, Michael dùng một ánh mắt kiên định để nhìn thẳng vào Linh Anh. Anh ta không đơn giản như tôi nghĩ, anh ấy rất sâu sắc và quan sát cực tinh tế. Hai mươi tám tuổi, đúng là người ta đang dần tiến đến sự chững chạc nhất định chứ không trẻ con, sáo rỗng như tôi lầm tưởng.
“Wow, anh mà ra chợ Bến Thành bán vải áo dài, chắc đắt sô lắm. Nghe anh thuyết minh mà tôi cũng mủi lòng”, tôi dành cho anh bạn ấy một ánh nhìn tử tế. Lần đầu tiên kể từ lúc gặp anh, tôi nhận ra có thể mình đã rất vội vàng trong việc đánh giá người khác qua những hiểu biết nông cạn.
Chuyến xe 16 chỗ đưa chúng tôi qua những cung đường đẹp huyền ảo qua cảng Vũng Rô, làn nước biển trong xanh như dát bạc dưới ánh nắng chiều nâu ngọt.
“Wow, phong cảnh thiên nhiên nơi đây thật hoang sơ và tuyệt đẹp. Van Gogh mà còn sống và đến nơi này thì ông ta lại có thêm một bức tranh triệu đô rồi”, Üwe lên giọng hài hước. Người đàn ông này luôn biết cách mua vui chốn đông người, ánh mắt ông ta tinh anh và nhạy bén dù một bên đã bị thương, được che phủ bởi tấm chắn đen nghìn nghịt như kiểu Captain Hook trong Peter Pan.
“Linh Anh, đây là nơi nào mà khung cảnh tựa chốn thiên đường”, bà Müller lên tiếng. Người phụ nữ này rất ít nói, từ lúc gặp bà cho đến giờ tôi mới nghe bà lên tiếng.
“Dạ, madam. Đây là vịnh Vũng Rô hoang sơ thuộc huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, và được bao bọc bởi ba dãy núi cao hùng vĩ giữa biển trời gồm Đèo Cả (ở hướng Bắc), Đá Bia (ở hướng Đông) và Hòn Bà (ở hướng Tây) và được đảo Hòn Nưa ở hướng Nam che chắn”, tôi vừa nói vừa lia tay về bốn phương tám hướng. Cả đoàn đánh mắt theo hướng tay tôi chỉ dẫn và không giấu nổi đôi mắt mơ màng, chiêm ngưỡng. Ngay cả bản thân tôi mỗi lần đi ngang nơi này cũng không khỏi xao xuyến. Đúng như Üwe nói, nếu Van Gogh còn sống, ông sẽ tạo nên một tuyệt tác khác khi đứng tại nơi này.
Qua hẳn khúc cua Đèo Cả quanh co, uốn lượn như một con trăn khổng lồ, trời cũng vừa tắt bóng. Chập choạng tối, tôi mệt mỏi rã rời nên nhắm mắt ngủ, trong lúc mơ màng, tôi đã tựa vào đôi vai của Michael, một sự dựa dẫm ấm áp và có chủ ý. Lúc ấy tại sao lại không chọn Thành Công ở bên phải, dù anh ta cũng vạm vỡ và đầy uy lực chở che. “Cảm tình” là ngôn từ chính xác tôi có thể dùng để miêu tả cho hoàn cảnh lúc ấy. Ngay từ đầu, tôi chỉ muốn trêu anh ta, thử kiểm tra nồng độ cảm xúc của đàn ông Tây phương khác gì so với đàn ông châu Á. Rồi anh ta cũng về nước, cũng lãng quên thôi, cũng lý do lí trấu đủ đường rằng “em còn quá trẻ, giờ này chưa phải lúc để a bê xê đê”. Vậy thì cứ cho bạn xe tăng dã chiến này thử nếm mùi thương nhớ xem thế nào. Thất bại trong ba mối tình trước đó khiến tôi mệt mỏi, đặc biệt là với Hải Nam, người tôi luôn hy vọng sẽ gầy dựng tương lai với mình dù tương lai ấy bị sự sợ hãi và hèn nhát của anh ta nhấn chìm trong sự tuyệt vọng và đau đớn. Cảm giác bị bỏ rơi giữa chừng như con chim hải âu bị tử thương ngay trên vùng trời bình yên của chính nó. Tôi đang bị tổn thương, vết thương lần này cắt hơi sâu, khiến tim tôi không còn muốn tin vào sự ảo diệu của tình yêu. Chính Hải Nam là người cứu tôi ra khỏi vũng lầy của mối tình trước đó nhưng lại vứt bỏ tôi trên sa mạc cảm xúc đang xoáy lốc trong vũ bão. Chới với như người từ thiên đường rơi xuống ngàn tầng địa ngục, nó khiến tôi tự hỏi‚ “Có phải tình yêu luôn đi kèm với đớn đau?”, và tự an ủi chính trái tim yêu đang không lành lặn “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”.
Một đôi bàn tay ấm áp to lớn đang cố nắm chặt tay tôi, anh ta xiêu mình thật rồi sao? Tôi để yên bàn tay cho anh ấy siết chặt, rất chắc chắn và êm ái, rất cuồng nhiệt và say mê nhưng liệu chuyện này sẽ diễn ra được bao lâu? Hai ngày nữa thôi, sau khi chuyến xe dừng chân tại Sài Gòn thì anh ta cũng về nước, về cái xứ sở mà tôi chưa từng được nhìn thấy, họa may chỉ là hình ảnh qua sách vở và văn chương. Tôi không còn lo lắng cho sự đánh mất, có ai đã từng nói “sau vài ba mối tình dang dở, con người ta sẽ đạt được trạng thái chai sạn trong cảm xúc, và khi lí trí có thể quật ngã được cảm tính thì lúc ấy ta thực sự trưởng thành”. Tôi hiện tại không còn mong đợi quá nhiều, không còn huyền hoặc tình yêu là thứ con người ta phải giũ bỏ thực tại để dâng hiến mọi thứ cho nó, bởi lẽ nó đâu có bao giờ như ta mong đợi; nó đến như cơn lốc cuốn trôi tâm hồn thơ trẻ của những thiếu nữ mới lớn, dập dìu họ chán chê trong cơn say tình ái rồi cũng sớm muộn ra đi...
*
* *
Tiếng điện thoại di động reng inh ỏi, bản Only Girl (In The World) của Rihanna có âm điệu giục giã, vội vã, sôi động, nó là thứ giúp tôi sống sót sau chuỗi ngày chỉ cài đặt nhạc chuông Winter Song (bài ca mùa đông), sau này tôi mới hiểu nguyên nhân vì sao anh ta – Hải Nam đã tặng tôi ca khúc ấy, quá sầu thảm, phải chăng anh ta đã dự liệu trước ngày bỏ rơi tôi, “This is my winter song to you, the storm is coming soon. It rolls in from the sea” (Đây là bài ca mùa đông tôi gửi em, cơn bão sắp đến rồi, nó cuộn lên từ trong biển cả).
“Alo, Linh Anh nghe ạ”, giọng ngái ngủ của tôi rõ ngân vang, trong đó có pha chút bực bội, chẳng hiểu kẻ nào làm phiền mình giờ này. Sau chuyến xe từ Tuy Hòa về đến Sài Gòn vào 4 giờ sáng nay, tôi về nhà và nằm vật ra như cái xác chết.
“Chào em, anh Thành Công đây. Ngày mai bọn anh bay về Đức rồi, Michael muốn hẹn em ăn tối. Cậu ta không biết liên lạc với em bằng cách nào nên phải nhờ anh. Em đến được không?” Thành Công quả là ngọt ngào và khéo léo, anh ta nói giọng Bắc, sống ở Đức gần 20 năm rồi, anh ta thật nhiệt tình, “hỗ trợ” đối tác trên mọi phương diện, lấn từ công việc sang đời tư cơ đấy.
“Chào anh, cảm ơn anh nhiệt tình giúp đỡ nhưng em oải quá anh ạ, không dậy nổi đâu”, tôi lắp bắp trong cơn mơ ngủ. Tôi vẫn nhớ là mình xong việc với đoàn Đức rồi, có công việc gì nữa đâu mà anh chàng xe tăng kia lại muốn gặp mặt. Rách việc thật chứ, mới cầm tay một phát mà đã điêu đứng rồi sao?
“Em nghĩ mình sẽ an lòng mà ngủ trong khi có người đang rối rắm vì em à? Cậu ta không chịu buông tha cho anh từ sáng đến giờ đây này. Ai bảo em gây thương nhớ làm chi, mà bây giờ lại muốn trốn tránh trách nhiệm à?”
“Anh thật biết thuyết phục người khác. Em mà không đến đồng nghĩa với việc vô trách nhiệm đúng không?”, tôi giở giọng hờn dỗi vì không thích người khác nhắc đến từ “trách nhiệm” ở đây.
“Hey ya, cô gái ơi, đừng hiểu nhầm ý của anh, em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ đoàn rồi, tất cả mọi người đều quý mến em, riêng Michael rất muốn gặp em trước khi cậu ta về nước”.
“Vậy thì anh nhắn anh ta sang công viên quận 7 nhé. Tối nay 7h anh ạ. Em cần ngủ thêm một xíu nữa đã”.
“Ok em, nhưng tại sao phải sang tận quận 7, khách sạn của bọn anh đang ở quận 1, em sang đây cho gần”.
“Nếu Michael không đi xa được thì anh cứ bảo anh ấy hủy hẹn đi ạ”.
“Thôi được rồi, cậu ấy sẽ đến. Chúc cả hai một buối tối vui vẻ nhé!”
Giao dịch “hẹn hò với trai Tây” được chốt như thế đấy. Tôi chọn công viên quận 7 vì nó gần văn phòng tôi đang làm việc, đó lại là nơi yên tĩnh vì cách xa trung tâm. Những cơn gió mát đặc trưng của Sài Gòn buổi tối là điều tôi luôn thích thú và ghi nhớ. Ở đây, ban ngày dù nắng như đổ lửa thì khi màn đêm buông xuống, ta vẫn cảm thấy dễ chịu vô cùng.
Đúng phong cách Tây chuẩn chỉnh, Michael đến đúng giờ đợi tôi, trông anh thật hạnh phúc, gương mặt và nụ cười của anh ai nhìn vào cũng đoán được đấy là người đàn ông đang yêu.
“Chúng ta sẽ như thế nào sau khi anh về nước?” tôi hỏi chàng rất thẳng thừng vì quá chán cảnh lòng vòng yêu đương, tổn thương, thất tình, buồn chán. Tôi biết mình không được thanh lịch cho lắm trong tình huống này nhưng vậy thì sao, yêu đương trong cùng một lãnh thổ đã muôn trùng thử thách rồi huống chi là xa sông cách núi thế này. Tình yêu là gì? Chẳng phải mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta không biết gì về nó.
“Tôi có cảm giác em rất hoài nghi về tình cảm tôi dành cho em mặc dù bề ngoài em là một cô gái đầy cuồng nhiệt. Tôi không biết em đã gặp phải bất trắc gì nhưng tôi sẽ không đến đây nếu chưa đủ sự chân thành muốn bước tiếp”.
“Tôi... tôi vẫn còn sốc sau mối tình gần nhất. Tôi cần thời gian để suy nghĩ liệu mình còn sức yêu tiếp hay không?”
“Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến châu Á và cũng là lần đầu tiên bị cuốn hút như vậy. Nếu không phải vì lịch trình của đoàn, tôi muốn hẹn hò với em lâu hơn nữa.”
“Tôi đã qua cái tuổi người khác nói gì thì tin răm rắp như vậy. Anh hãy chứng minh cho tôi thấy mình đang có thiện cảm đúng người, chuyện yêu đương hãy để Ngài tính”, tôi vừa nói vừa chỉ lên trời, bầu trời đêm nay chắc cũng đầy sao nhưng tôi không nhìn rõ, có lẽ ánh điện thị thành đã che khuất tất cả những tinh tú trong vũ trụ này.
Quá bất ngờ trước cú ôm chầm từ Michael, tôi nhanh tay đẩy anh ra xa theo phản xạ nhưng bàn tay ấy mạnh mẽ, khép chặt và đầy uy lực. “Farming, not hunting (hãy nuôi trồng, đừng săn bắt) là triết lí về kinh doanh em từng kể cho tôi em rất thích, tôi là tên thợ săn tồi, vậy nên sẽ cố gắng làm một nhà nông chân chính trong mối quan hệ của chúng ta. Em hãy mở lòng cho chúng ta một cơ hội, tôi tin mình sẽ làm được”, anh thì thầm vào tai tôi, chốt hạ một lời cam kết về một mối quan hệ xa xăm mà tôi chưa mường tượng được nó sẽ diễn ra như thế nào. Nước Đức trong tôi xa vời vợi, lại là một dân tộc lạnh lùng theo những gì tôi mường tượng qua sách vở, liệu Michael có phù hợp với một trái tim hồ hởi và tràn đầy nắng ấm như Linh Anh này không?
Khi bạn cầm trên tay cuốn hồi kí này, chắc hẳn bạn đã đoán biết việc gì đã xảy ra sau đó. Kết quả thì dễ đoán, kiểu như phim tình cảm Hàn Quốc, xem đoạn đầu đã biết kết thúc, thế nhưng quá trình là điều tôi muốn nói ở đây. Quá trình ấy người ta học cách yêu, cách sống, cách đối nhân xử thế, cách để giữ vững tâm hồn và bản sắc trước bao nhiêu biến cố trong đời.
Michael là người đàn ông tốt, anh ấy tìm mọi cách để giữ gìn mối quan hệ của chúng tôi. Ba tháng sau khi về nước, anh ấy thu xếp hẹn hò tại Phuket, Thái Lan. Ba tháng sau đó nữa, anh về thăm và ăn Tết với gia đình tôi. Sáu tháng kế tiếp, tôi được anh mời sang Đức thăm gia đình, sáu tháng sau đó nữa, anh lại về Việt Nam đón Tết lần 2. Tổng cộng là 7 lần qua lại trong vòng ba năm trời ròng rã yêu xa. Michael đã có ý định chuyển công tác hẳn về Việt Nam nhưng thời điểm ấy, tài năng của anh không có đất dụng võ, ngành năng lượng tái tạo quá mới mẻ và xa vời trên dải đất mà nền kinh tế đang trông chờ vào những trái ngọt từ những thương vụ nhanh và mau chóng ra được tiền. Năng lượng tái tạo từ gió – cái thứ đẹp đẽ vô vàn cho tự nhiên và con người thì lại quá đắt đỏ với hầu bao của một quốc gia đang phát triển. Về Việt Nam đồng nghĩa với việc anh phải chuyển ngành và làm việc với mức thu nhập thấp hơn nhiều so với những gì anh đang có tại Đức.
Hải Nam đã dạy tôi một bài học nhớ đời trong tình yêu “Người đàn ông chỉ muốn có người phụ nữ mình yêu khi đã có trong tay sự nghiệp. Nếu không, anh ta sẽ mãi sống trong nỗi ám ảnh tự ti vì vô dụng”.
Tôi đã giữ được tình yêu của mình trong ba năm, nên rất sợ mất nó! Tôi sợ Michael lại hành xử như Hải Nam. Mặc dù trong lòng rất muốn được ở cạnh người mình yêu, hàng ngày có thể trò chuyện, cùng nhau xem phim, dạo phố, ngắm dòng xe cộ ồn ào, lả lướt trên những con phố Sài Gòn không bao giờ ngủ, tôi vẫn đợi chờ một thời điểm thích hợp nhất để anh có thể có cả sự nghiệp và tình yêu.
Người tính không bằng trời tính, mọi thứ có lẽ đã êm đẹp và dễ dàng hơn trong mối quan hệ của chúng tôi nếu như không có sự xuất hiện của Doanh nhân Lê Triều Vỹ. Anh ấy là người đàn ông quái gở và rất khó miêu tả: tốt và xấu đan xen lẫn nhau, biến hóa linh hoạt khiến tôi như bị rớt vào ma trận trong cảm xúc của mình. Tôi gặp Vỹ trong một buổi kết nối kinh doanh và tiếp cận anh ta với tư cách của một người bán hàng. Thực ra, trước đó tôi cũng bị rơi vào tầm ngắm của rất nhiều thương buôn, nhưng họ đều quá vội vàng, luôn dùng tiền để đánh chiếm mục tiêu, đề nghị một cô gái trẻ vào khách sạn sau một hai lần gặp gỡ. Có anh từng tuyên bố rằng “Tôi thích em vì khó chinh phục chứ hoa hậu, người mẫu tôi gặp hàng ngày”, hoặc “có tiền thì muốn gì chả được”, nực cười là họ đã có gia đình, nhưng vẫn lẳng lơ với gái trẻ. Một doanh nhân Mỹ gốc Nam Phi thơm tho quyến rũ, một doanh nhân Nhật quyền lực, một doanh nhân Ấn Độ nồng nhiệt... và khoảng năm sáu doanh nhân Việt Nam chịu chi đều bị tôi liệt vào danh sách “khốn nạn” vì tán gái không biết ngượng; nhưng cũng không trách họ được, phụ nữ trẻ thời nay quá dễ dàng bị mua chuộc bằng tiền, nhất là càng có nhan sắc thì được định giá càng cao.
Vỹ không làm điều tầm thường ấy, anh ta quá khôn ngoan và am hiểu tâm lý phụ nữ, lại vừa thất bại trong hôn nhân nên rất cẩn trọng trong hành xử. Tôi tự đánh giá mình có nhan sắc trung bình nhưng khó nhằn và không dễ đổ. Đó có lẽ là sự kích thích lớn với những người đàn ông từng trải và kinh qua nhiều em dễ dãi. Sau khi anh ấy thể hiện muốn tìm hiểu tôi trên phương diện đàn ông – đàn bà, chứ không phải công việc thì tôi đã trả lời thẳng “em đã có người yêu, thật tình xin lỗi”. Vỹ rất bình tĩnh, anh ta phát ra những tín hiệu trung tính kiểu như “ok, biết vậy thôi chứ ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới đâu” và ngậm ngùi quan sát, tìm cách tiếp cận tôi bằng những đường hướng thông thái hơn, lại biết được thông tin tôi yêu xa nên chiến lược “Nhất cự li, nhì cường độ” được anh triển khai triệt để.
Lúc ấy, tôi lại quá cô đơn, yêu xa là điều không hề dễ dàng như trong trí tưởng tượng. Michael vẫn gọi tôi đều đặn ngày một lần nhưng anh không ở bên để nghe được tiếng thở mệt nhoài của tôi sau giờ làm việc, những khó khăn thường nhật trong cuộc sống đôi khi nặng trĩu, khiến tôi kiệt sức. Anh ấy chỉ thấy một khuôn mặt vui tươi, hồng hào, yêu đời qua màn hình com-pu-tơ. Tôi giấu giếm những cảm xúc lẽ ra nên được sẻ chia nhiều hơn với anh, còn thể hiện nét mệt mỏi của mình với Vỹ vì lầm tưởng rằng cùng là người Việt Nam sẽ dễ đồng cảm, thấu hiểu hơn. Thi thoảng, Hải Nam vẫn lượn lờ, khơi dậy nỗi buồn ngày xưa trong tôi và người giải quyết nỗi buồn ấy chính là Vỹ, anh ấy luôn xuất hiện đúng lúc, đúng thời điểm. Đơn giản chỉ là ngồi nghe tôi ê a những xáo trộn trong lòng, tôi mặc nhiên trao cảm xúc cho một người mà lẽ ra mình phải giữ khoảng cách thật xa. Vỹ dùng trí tuệ của một doanh nhân, sự sắc sảo của một người đàn ông trưởng thành, vết sẹo của một trái tim chưa lành lặn từ cuộc hôn nhân đổ vỡ để giải phẫu những cung bậc xúc cảm, xua đi những muộn phiền, u ám trong tôi một cách tự nhiên và đi vào lòng người nhất.
Tôi quả thật là một đứa trẻ non nớt nhưng lầm tưởng mình đã trưởng thành, sự dứt khoát và rạch ròi giữa tôi và Vỹ bị cái tôi tự cho là “tình thương giữa người và người” chặt đứt. Cảm thấy vui vì được người khác an ủi và cảm thấy rất vui vì an ủi được người khác. Tôi xúc động thực sự khi nghe Vỹ kể về cuộc đời mình, những gì anh trải qua từ tuổi thơ vất vả cho đến sự vật lộn với cuộc sống để có được vị trí như hiện tại. Tôi là một tội đồ đáng bị nguyền rủa vì đã ban lòng trắc ẩn ngụy trang dưới vỏ bọc của sự thương hại. Tôi đã sai khi để Vỹ yêu mình, tình yêu đó tôi biết là có thật, nó cuồng nhiệt và đầy khao khát đến nỗi có thể thiêu rụi mọi vật cản trên quãng đường chinh phục gồ ghề, đầy chông gai. Tôi đã sai khi nhận lời giúp anh một số khía cạnh trong công việc. Qua công việc chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, đối thoại... nhiều đến nỗi bao người lầm tưởng chúng tôi là một cặp. Có lần một đối tác Nhật nói với Vỹ “Cảm ơn anh và vợ đã hỗ trợ chúng tôi trong dự án này”. Lúc ấy, tôi đã sửng sốt, không hiểu lý do vì sao ông Nhật lại nói vậy, nhưng có lẽ ánh mắt, ánh mắt ấy, ánh mắt luôn nhìn tôi đắm đuối trong men say dại khờ đã nói cho bàn dân thiên hạ rằng “chắc chắn đây là một cặp, đẹp đôi nữa là đằng khác”. Ngoại trừ một người bạn thân thiết luôn nhắc nhở “Vỹ không dành cho cậu, anh ấy quá cao thủ trong tình yêu nhưng anh ta cũng thật điên khi cứ đâm đầu vào một kẻ đã thề non hẹn biển”. Chính cái lí lẽ ấy càng khiến tôi thương Vỹ, thương cho cái ngây dại của anh, tại sao lại phải nỗ lực có được tôi trong khi tôi đã nói cả tỉ lần “không thể được”.
Tôi giới thiệu Lan Anh, Minh Thư – những cô bạn gái đang đơn thân độc mã, cực kì đàng hoàng và có tố chất cho Vỹ, cầu mong anh ấy có thể yêu ai đó để trả tôi về vị trí của người “đang đeo nhẫn ngón áp út”. Michael cầu hôn tôi vô cùng giản dị vào một đêm tháng Năm năm 2012, không xe xua cầu kì kiểu soái ca với công chúa, cũng không lãng mạn đê mê kiểu doanh nhân với kiều nữ. Sự chân thành có lẽ là thứ duy nhất mà Michael có vào thời điểm này. Tôi đã xác định làm vợ anh, thì có kiểu gì vẫn thấy hạnh phúc. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp theo đúng kế hoạch nếu như không có nút thắt cuối cùng này.
Vỹ qua đêm với Nhã Kỳ – một cô bạn khá sâu sắc và đầy trải nghiệm mà tôi giới thiệu cách đây không lâu. Chuyện đó là bình thường, trai độc thân, gái chưa chồng họ có quyền làm những gì họ thích, chỉ có tôi lại có biểu hiện vô cùng lạ đời: GHEN!
Buổi chiều hôm ấy, Vỹ còn khoe đưa Nhã Kỳ đi ăn tối‚ anh chia sẻ “anh muốn tìm hiểu Nhã Kỳ”. “Chúc anh thành công chuyến này nhé”, miệng thì nói cười nhưng tâm trạng không vui, một sự xáo trộn kinh khủng trong lòng. Đêm đó tôi trằn trọc không ngủ được, sáng ra tôi hẹn gặp anh chỉ mong khai thác thông tin đêm qua, Vỹ chỉ nhắn lại “lúc khác nhé, hôm nay anh bận”. Chân tay tôi bắt đầu run lên, đầu óc quay cuồng, mặt tối sầm, thân thể như muốn khụy xuống. Từ trước đến nay, chưa bao giờ xảy ra việc thế này, tôi hiếm khi chủ động hẹn anh, nhưng đã hẹn thì dù có bận tối mặt, Vỹ vẫn xuất hiện. Mất lí trí đột ngột, tôi gọi anh ta và nói những lời ngu dốt nhất, phá vỡ hình ảnh nhất mà tôi từng có trong đời, đại loại là tôi tra khảo lý do anh qua đêm với Nhã Kỳ mà chưa có sự đồng thuận của tôi. Tôi tự biến mình thành con hề trong mắt người khác. “Chuyện ấy sớm muộn cũng xảy ra, sao em lại phản ứng như vậy? Không phải em muốn tôi thành đôi với Nhã Kỳ sao?”,
Vỹ phân trần, khuôn mặt đầy vẻ tự trào bởi vì kể từ lúc này anh đã nắm thóp được điểm yếu của tôi, là thời cơ để anh đưa tôi vào sự lựa chọn “được – mất”.
Bắt bẻ Vỹ không được, tôi quay sang chĩa mũi vào phán xét người bạn mà tôi rất mực quý mến. Tôi gào lên trong địa ngục tối tăm của lòng mình rằng “Đó là lỗi của cô ta, tại sao cô ta lại xuất hiện vào lúc này, tại sao một người cứng rắn như Vỹ lại bị cô ấy lôi cuốn trong khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy? Tại sao tôi không còn nằm trong tâm điểm chú ý và si mê của anh ấy?”. Thêm vào đó, tôi chỉ trích mối quan hệ của tôi và Michael: “Tại sao chúng tôi lại yêu xa? Tại sao anh không cho tôi được cái cảm giác nâng niu, chiều chuộng mà một người con gái châu Á vẫn mơ tưởng trong tình yêu? Tại sao anh không ngỏ lời cầu hôn sớm hơn, đưa tôi ra khỏi đất nước này, thì hôm nay tôi không đau khổ như vậy!”.
Tôi khóc nhiều lắm, chưa bao giờ nước mắt lại chảy ròng rã như vậy, chúng chảy trong ấm ức, tức tưởi, nghẹn ngào. Vỹ hẹn hò với Nhã Kỳ nhiều hơn, anh thể hiện sự quan tâm với cô ấy trước mặt tôi, đẩy sự ghen tuông lồng lộn lên đến đỉnh điểm. Tôi suy sụp, chới với, không biết giãi bày cùng ai. Thời điểm ấy, tôi lại vừa ra mắt sách – tác phẩm đầu tay của đời mình. Tôi rất yêu viết lách, đó là đam mê được nuôi dưỡng từ thuở thiếu thời. Trong mắt công chúng, hình ảnh của tôi đang rất đẹp, nhiều fan bày tỏ sự ngưỡng mộ, tôi lại được mời đi chia sẻ chủ đề “sống với đam mê” cho các bạn trẻ. Tôi dán một lớp mặt nạ hạnh phúc phủ lấp tâm trạng tăm tối, suy sụp để che giấu đau khổ trong lòng. Đúng, ngày trước tôi từng đau khổ vì bị bỏ rơi, còn bây giờ lại khổ đau vì có quá nhiều sự lựa chọn. Michael là người đàn ông tôi thề non hẹn biển, Vỹ lại là người hiện đang chiếm trọn tâm trí tôi, vậy là sao? Tại sao như thế này cơ chứ? Tôi ngã bệnh, những cơn đau đầu kinh khủng hành hạ, giày xéo. Cuộn mình trong chăn, tôi cầu mong mình ngủ luôn và đừng bao giờ tỉnh dậy, vì thức giấc đồng nghĩa với việc phải vật lộn trong cơn đau. Thời khắc ấy, hình ảnh Michael và Vỹ treo lơ lửng trên cán cân mà tôi phải cân đong đo đếm nhưng càng cân đo, tôi càng muốn chết đi cho nhẹ đầu.
Michael là người đàn ông chân thành nhất – Vỹ lại là người đàn ông ngọt ngào nhất.
Michael là người kéo tôi ra khỏi vết thương mối tình trước – Vỹ lại là người xoa dịu những cơn đau do nó mang lại.
Michael nhận được sự yêu quý của ba mẹ tôi – Vỹ lại là người lấy được thiện cảm từ những người bạn thân thiết, đồng nghiệp.
Michael vượt ngàn dặm trường để yêu một cô gái Á châu – Vỹ lại là người gan lì chịu đựng những rào cản do tôi đặt ra.
Michael mang đến những trải nghiệm văn hóa mới vào cuộc đời tôi – Vỹ lại là người tô đậm những trải nghiệm văn hóa Á châu mà tôi còn nông cạn.
Michael quá rõ ràng, minh bạch – Vỹ lại nửa trắng nửa đen gợi sự tò mò, hiếu kì của một cô gái trẻ...
“Cô đang bị rối loạn tuần hoàn não và hở van tim nhé”, bác sĩ phán, viết ngoằn ngoèo lên đơn thuốc, chỉ định “Nên nghỉ ngơi nhiều hơn và không bắt đầu óc làm việc quá sức”.
“Dạ”, tôi lí nhí, trong đầu vẫn nghĩ bâng quơ “sao ông ấy không cho mình liều thuốc ngủ luôn đừng bao giờ tỉnh dậy có tốt hơn không?”, tự sát thì ngu ngốc quá, lại còn mang tiếng với đời, chi bằng chết khách quan còn hơn là sống vật vã.
Tôi quyết định về Tuy Hoà, đối với một tâm hồn rệu rã thế này thì gần gia đình là liều thuốc thích hợp nhất. Tình hình không khả quan hơn tí nào, tôi nhốt mình trong căn phòng nhỏ, chỉ để ngủ và khóc, các bữa cơm mẹ chuẩn bị tươm tất đều bỏ qua hoặc bị tôi gẩy đàn chóng vánh. Chỉ vài ngày mà người đã gầy rọp đi. Mẹ tôi tức giận buông lời cay nghiệt “mày thế này không giống con của mẹ, thà mày bỏ quách Michael đi, để cho nó đau đớn một lần, thì mày còn có đường sống. Chứ tuyệt thực thế này thì chỉ có nước chết sớm con à”, bà xui tôi dứt khoát với Michael nhưng tôi biết vì xót xa con gái nên mới nói vậy chứ trong lòng mẹ, Michael đã là con rể từ lâu rồi. Anh hiện diện trong gia đình tôi đủ lâu, gieo những hạt giống niềm tin vững chắc về mối quan hệ sẽ có kết thúc tốt đẹp của hai đứa. Bị mẹ mắng nhiếc, tôi mệt mỏi bám vào bà nội để tìm đồng minh. Toàn bộ số tiền tích cóp được bấy lâu tôi đổ dồn vào việc ra mắt sách nên lần này về nhà, tôi chẳng còn đồng nào trong túi. Tôi trắng tay, lại gặp rắc rối trong tình cảm, tâm trạng vô cùng xấu hổ, bất lực. Nội thấy tội nghiệp, dúi vào tay tôi ít tiền “con cầm lấy mà dùng, ăn uống đàng hoàng vào. Mẹ con nhìn con thế này xót xa nên mới như vậy!”, tôi ngậm ngùi “Con phải làm sao hả nội? Con rối quá!”.
“Gia đình chúng ta không bao giờ có chuyện ép uổng hôn nhân con cháu nhưng quả thật Michael tốt quá con ạ. Nó thương con thật lòng mới vượt ngàn dặm đường Á – Âu để duy trì mối quan hệ này. Con phải lựa chọn thật kĩ, đừng để ân hận về sau”. Lại là một gợi ý mở bắt não bộ đang căng đét của tôi phải tăng ca, cái tôi cần hiện tại là một lời giải tốt nhất, một phương án tối ưu mà mất mát lại tối thiểu.
Anh nuôi của tôi cùng quan điểm với bà nội, chỉ có điều thêm phần châm chích: “Trước giờ anh vẫn nghĩ em là đứa mạnh mẽ nhất nhà. Sao bây giờ lại suy sụp yếu đuối như một sợi tơ thế này. Anh chưa tiếp xúc nhiều với Vỹ nên không thể đánh giá được cậu ta như thế nào nhưng dưới góc nhìn của một thằng đàn ông, Michael là đứa thật sự hợp với phong cách sống phóng khoáng của em. Không phải vậy sao?”.
“Tham quá thì thâm đấy. Hay là chẳng chọn anh nào. Bỏ hết đi làm lại từ đầu, chứ nhìn bà chị thất thểu thế này, chán quá!”, em gái tôi khuyên răn. Nghe thì hợp lí, dễ dàng quá nhỉ? Bây giờ tôi mới hiểu thêm một chân lí sống: vương vào thì dễ, dứt ra thì khó. Chết thì dễ, sống sao cho phải mới khó!
*
* *
Vỹ nắm chặt tay tôi, cả hai lững thững chân trần trên một bãi biển trong vắt và xanh biếc màu trời và không có bóng người, chỉ có tôi và anh.
“Chúng ta đang ở đâu vậy? Đừng nói với em là anh đã mua hết vùng biển đẹp tuyệt trần này nhé?”
“Em nói không sai. Anh biết em thích biển, anh đã cất công tìm mua nó, nơi này bây giờ thuộc về hai ta, sau này sẽ là nơi lũ trẻ vui đùa cùng sóng nước mây ngàn”.
“Đùa hoài, ai nói em sẽ lấy anh đâu mà có lũ trẻ cơ chứ”, tôi cười hì hì trước bộ dạng say nắng và nồng nàn men tình của anh. Anh đẹp rắn rỏi như một bức điêu khắc, người đàn ông này kích thích tất cả những giác quan thuộc về yêu đương và khao khát sở hữu trong tôi. Anh vận chiếc quần jean xanh pha bạc bụi bặm, khỏe khoắn, chiếc áo sơ mi trắng mỏng tang, để hở vùng ngực trần vạm vỡ, gợi tình. Bên anh, thời gian đối với tôi như đi chệch quỹ đạo, thế giới trở nên tươi xinh, tràn đầy. Chỉ cần một va chạm tinh vi cũng khiến tôi ẩm ướt, tan chảy, dậy sóng – những con sóng cứ liên tiếp, nhấp nhô, dồn dập và vỡ ra, lan tỏa thành đám bọt biển trắng xóa. Lúc này đây cũng chẳng khác hơn, vị thần thời gian không cần chờ đợi quá lâu để thấy đôi môi chúng tôi chạm vào nhau, tận hưởng sự ngọt ngào, bỏng cháy. Phút chốc, đôi tay tôi đã chạm vào vòm ngực rộng, rắn chắc của anh, còn tay anh lướt trên tất cả những tế bào đang nhảy múa của thân thể tôi – những vùng nhấp nhô, cao và thấp, trơn láng và ma sát, ngoài và trong, trần trụi và kín kẽ. Sóng vẫn đánh vào bờ liên tiếp và chúng tôi hòa vào nhau một cách nguyên thủy trên dải cát trắng trải dài. Hai thực thể cuộn vào nhau, tận hưởng nhau, đẩy nhau lên đỉnh hoan lạc.
Gió, gió thổi mạnh quá. Sao trời đang trong xanh lại đột nhiên tăm tối thế này? Màu biển xanh văn vắt bỗng hóa đục, phản ánh sự tăm tối của màu trời, mây đen ùn ùn kéo đến, di chuyển ào ạt như được thổi bởi một chiếc quạt khổng lồ, vòm trời âm u, không khí trở nên bí ẩn. Sóng biển đánh mạnh vào bờ, lòng biển như đang gào thét.
“Chúng ta phải đi thôi Linh Anh. Có chuyện không hay rồi!” Vỹ vừa dứt lời thì từ phía chân trời một khuôn mặt to lớn hiện ra, một hình Phật, xung quanh hào quang tỏa sáng nhưng đôi mắt giận dữ, đôi mày cau có.
“Nghiệp chướng” là hai từ tôi nghe được, âm thanh ấy vang vọng khắp vùng trời và rồi hình Phật nhả ra từ khuôn miệng một viên ngọc tròn, viên ngọc vừa chạm vào mặt nước, làm nổ tung vùng biển, một con sóng lớn đẩy vào bờ, cuốn trôi người đàn ông ấy về phía xa xăm, tôi thét lớn, “Anh ơi, đừng rời xa em” nhưng cơn sóng đã cuộn lấy anh như một con trăn ôm lấy con mồi.
“Vỹ, không... đừng...”
*
* *
“Linh Anh, sao thế em” có giọng nói bên tai, tôi bật dậy, mồ hôi nhễ nhại, chân tay run rẩy.
“Chỉ là ác mộng. Michael, em không sao!”
“Sắc mặt em tệ quá, có điều gì đó không bình thường?”, đôi mắt anh nhìn tôi gợn buồn.
Tôi sà vào lòng anh như một đứa trẻ. Ấm áp, ở bên Michael, tôi luôn cảm thấy mình được chở che, an toàn. Biết tin tôi bỏ việc dở dang về Tuy Hòa, lại ít chat chít với anh qua Skype, Michael đã cảm nhận điều gì đấy không bình thường. Anh bắt chuyến bay cấp tốc về Việt Nam vì đã đoán được điều gì đó xảy ra với nội tâm của tôi. Một cô gái đang hoạt bát, nhanh nhẹn, tràn ngập yêu thương lại trở nên rũ rượi như cành liễu đong đưa trước gió. Và chúng tôi đang nghỉ ngơi ở Nha Trang trong lúc chờ đợi thủ tục đăng kí kết hôn hoàn tất.
“Michael, em sợ lắm. Em không biết cuộc sống sau này của mình tại Đức sẽ ra sao? Liệu em có vượt qua mùa đông giá rét ở đó không anh nhỉ?”
“Đó là điều em thực sự lo âu sao? Linh Anh, nhìn anh đây”, Michael đẩy tôi ra khỏi vòng tay anh, siết chặt đôi cánh tay chắc chắn, anh đang muốn khẳng định một sự hoài nghi “đã có người nào xen giữa đôi ta phải không?”... “đã có người thứ ba đúng không?”
“Không phải như vậy! Em... không biết... phải làm sao...”, tôi định sẽ nói ra tất cả để Michael hiểu nỗi lòng tôi lúc này nhưng bất chợt hai từ “nghiệp chướng” trong giấc mơ Phật cứ văng vẳng bên tai. Âm thanh ấy bóp nát hai thái dương đang căng đét và sắp nổ tung của tôi. Vỹ là người thứ ba ư? Chính bản thân tôi còn chưa tường tận. Vỹ là cơn lốc xoáy, sức công phá mạnh mẽ nhưng lại quá nguy hiểm, sợ hãi, tôi luôn sợ hãi... Tôi và Vỹ không bao giờ có thể là một đôi, cho dù có ghép vào được với nhau thì cũng khó bảo toàn hạnh phúc.
Người đàn ông này với tôi khác biệt nhau hoàn toàn về quan điểm sống. Tôi nhẹ nhàng nhưng rất cởi mở, năng động, hướng ngoại. Thế giới này là một điều gì đó bí ẩn luôn gợi trong tôi sự tò mò, trắc ẩn và khao khát được khám phá. Trong khi đó, Vỹ thuộc típ đàn ông vững chãi, chắc chắn, có phần gia trưởng kiểu Á Châu. Vỹ biết quá nhiều về tôi, về mối quan hệ của tôi với Michael. Vỹ không đủ rộng lượng và vị tha để chấp nhận những sự “phá vỡ nguyên tắc” mà xã hội này thường áp đặt cho phái yếu.
*
* *
“Chẳng qua vì Vỹ đang muốn có em như lửa thiêu trong lòng nên mới bỏ qua tất thảy, vờ như không có gì xảy ra, chứ có được em rồi chàng ta có còn như vậy không. Là đàn ông Việt Nam, anh nghĩ nó cũng có cùng tâm lý ích kỉ như nhau thôi”, một nhiếp ảnh gia rất thân của tôi nói vậy khi biết tôi đang rối rắm. Khoảng thời gian sau khi ra mắt cuốn sách đầu tiên, anh hỗ trợ tôi rất nhiều về mặt hình ảnh, truyền thông. Anh đã ở đó, người duy nhất đưa bờ vai cho tôi gục vào khóc như một đứa trẻ. Người làm nghệ thuật bậc thầy họ nhìn ra được cảm xúc sâu lắng nhất trên gương mặt của mẫu. Tôi nhớ hôm đó, mới chụp được vài bức nháp, anh hỏi luôn “Hôm nay mẫu có vấn đề rồi. Ánh mắt buồn hun hút thế này, cười nhưng lòng không vui”... Thế là tôi cứ thế mà nước mắt ngắn dài.
*
* *
Vậy nên với câu hỏi của Michael về “người thứ ba”, tôi không thể trả lời được, vì đối với tôi, Vỹ chưa từng đóng vai trò là người thứ ba. Tôi luôn ước anh ấy là người bạn tri kỉ thật sự của mình, như Jiho luôn đối xử tốt và bên cạnh Jan Di trong phim Vườn sao băng, nhưng ở đây tôi lại mắc một sai lầm quan trọng. Tôi lầm tưởng về hai chữ gọi là “tri kỉ”. Jiho luôn ủng hộ Jan Di vì anh ấy là người bạn thực sự của Jun Pyo, tình yêu có kết cục đẹp trong tình bạn. Còn đây, Vỹ luôn xem Michael là tình địch thì làm sao có thể là tri kỉ của tôi. Tôi đã lợi dụng anh. Trong lúc cô đơn vì yêu xa, tôi đã dựa vào anh. Tôi quá xấu xa, tội lỗi... một con điếm tình cảm không hơn không kém!
Nếu không làm vợ Michael thì tôi cũng không thể hạnh phúc cùng Vỹ, nói đúng hơn, tôi và Vỹ không thuộc về nhau. Chúng tôi là của hai thế giới khác biệt, là những người trái tính trái nết. Có cố lắp ráp vào thì cũng chỉ là chịu đựng mà thôi! Có một điều sau này tôi mới ngộ ra là: Vỹ nắm trong tay một con át chủ bài mà anh ta chắc mẩm sẽ giành phần thắng trong cuộc chơi này. Sài Gòn!
Sài Gòn từ lâu đã là Hollywood trong tôi và tôi đã tâm sự điều này không ít lần với Vỹ... là nơi trải qua tuổi thanh xuân nhiều tiếng cười và nước mắt. Đó là nơi thượng vàng hạ cám, có cả bài học của sự lọc lừa cho cô gái mới lớn, có cả sự nồng hậu, hào sảng của con người chốn hòn ngọc viễn đông.
Vì tôi là con gái sinh ra nơi tỉnh lẻ quê mùa, nên lần đần tiên đặt chân vào Sài Gòn năm mười sáu tuổi, đi ngang qua khúc quanh khách sạn Caravelle, chỗ công trường Lam Sơn, tôi đã òa lên, mắt tròn mắt dẹt, phố thị xa hoa quá, đến bao giờ mình mới được lên trên ấy uống tách cafe nhỉ?”. Cái cảm giác ấy dù sau này đi Đông đi Tây, đứng trước tháp Eiffel hùng vĩ hay quảng trường Thời Đại ở New York, tôi không còn cảm giác choáng ngợp nữa. Sài Gòn có một chỗ đứng quá vững chãi trong tim tôi, nên lần đầu tiên sang Đức thăm Michael, tôi không còn bỡ ngỡ trước sự huy hoàng của trời Âu. Nơi đó quá đẹp nhưng làm sao bằng Sài Gòn của tôi!
Và thế là tim tôi đau thắt khi nghĩ đến việc mỉm cười trước bàn thờ tổ tiên để nói lời thề hẹn thủy chung trọn đời với Michael. Bởi lẽ khi thủ tục đăng kí kết hôn hoàn tất thì ngày cưới cũng sẽ cận kề. Tôi run rẩy vì tôi không chắc chắn. Có lẽ nào tôi cũng sẽ đóng vai Julia Robert trong Runaway Bride (Cô dâu chạy trốn).
“Chúng ta dừng lại thôi, cũng một thời gian rồi cứ loay hoay hoài, em mệt mỏi quá. Anh không thể bỏ công việc đang lên như diều gặp gió để về đây, em cũng không muốn bỏ nơi thân thương này sang đó...”, tôi bày tỏ với Michael, tôi nghĩ rằng mình nên thành thật với anh. Vào giây phút này, tôi nghe lời khuyên của mẹ: “Thà mày bỏ quách Michael đi, để cho nó đau đớn một lần, thì mày còn có đường sống. Chứ tuyệt thực thế này thì có nước chết sớm con à”.
Anh ấy lặng người, nhìn tôi bàng hoàng thật lâu, giây phút này tựa một cuốn phim quay chậm cả một thế kỉ, rồi nói trong một âm điệu buồn nhất mà tôi từng nghe: “Anh sẽ không níu kéo, phát ngôn của em chưa bao giờ là thứ nói ra của một cái đầu bồng bột. Anh sẽ về Đức ngay ngày mai. Hãy cho anh ôm em lần cuối”.
Đến lượt tôi bàng hoàng, hoang mang tột độ vì câu trả lời của anh quá đơn giản, ngắn gọn. Anh không níu kéo như tôi tưởng tượng, không bắt tôi phải lựa chọn được mất, phải A hay B như những người quây quanh tôi lúc này. Anh cho tôi sự tự do của một cánh chim trời, hay là tình yêu của anh dành cho tôi chưa đủ lớn? Một sự hoài nghi chợt dấy lên... trong một não bộ đã quá sức tải của Linh Anh vào thời khắc này.
Michael ôm chặt thân hình đang chớm xơ xác, gầy gò của tôi vào lòng, tôi cảm nhận cơ thể vạm vỡ ấy đang nấc lên, lưng áo sau của mình ướt đẫm nước, nóng hổi. Một người đàn ông đang rơi lệ. “Linh Anh, hãy nhớ rằng, tình yêu của anh dành cho em là vĩnh cửu...”, Michael thì thầm trong tiếng nấc...
Tôi hoảng loạn và sợ hãi... Một vùng kí ức rộng lớn mênh mang chợt ùa về... nơi câu chuyện tình yêu đôi lứa bắt đầu!
Một bầu trời đầy sao nơi Michael và Linh Anh tán gẫu về chuyện đông tây. Một cú ngã người đầy ẩn ý vào đôi vai chắc nịch trên chuyến xe buýt năm ấy.
Một cái nắm tay thật lãng mạn, những nụ hôn đầy hương vị yêu đương sao nỡ lãng quên.
Một ánh mắt nồng hậu bà mẹ chồng Đức tương lai nhìn bạn gái của con trai mình trong ngày đầu tiên ra mắt.
Hàng tá những lần khóc cười sung sướng khi đón nhau tại sân bay, rồi chia tay nhau về nước.
Bao nhiêu mùa Tết anh cầm đũa gắp bánh chưng, giò chả, cụng ly cùng ba mẹ tôi...
Bao lần gây gổ, giận hờn nhau vì hiểu lầm, khác biệt văn hóa... rồi lại cười xòa bỏ qua cho cái không giống nhau lí thú của đôi bên...
Một cuốn phim quay chậm dài dằng dặc, tua lại toàn bộ quãng thời gian ba năm chúng tôi gắn bó. Từ trước đến giờ, tôi chưa từng thấy người đàn ông rơi lệ, giọt nước mắt chân tình ấy như một cú tát thẳng mặt để tôi “tỉnh dậy” và “hãy nhớ nơi ta bắt đầu”. Giọt nước mắt bé nhỏ nhưng có sức nặng của hàng vạn tấn nước ập vào, vặn xoắn, đưa Linh Anh trở về với hàng loạt kí ức xa xăm.
Gia đình tôi phi tôn giáo, đôi khi thi thoảng tôi lên chùa chơi cho khuây khỏa cùng bè bạn chứ không phải là Phật tử, cũng không phải là đứa sùng đạo... Có lần tôi đọc chữ trong nhà chùa tại trung tâm Tuy Hòa “tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”, và gần đây là giấc mơ kì lạ, âm thanh “nghiệp chướng” cứ văng vẳng bên tai khiến tôi không sao giải mã và cởi bỏ được. Nhưng giây phút này đây, khi giọt nước mắt chân thành nhỏ vào da thịt mình thì tôi đã dần nhận ra: Tình yêu của tôi dành cho Michael không đơn thuần là tình cảm cá nhân nam – nữ, nó là sự bồi đắp dài lâu, trong đó tình cảm gia đình và dân tộc hai bên như có một tiếng nói rất lớn. Nếu tôi phá vỡ tình cảm ấy, chính tôi đã giết chết bản ngã của chính mình.
Tôi phải sửa sai, phải làm lại từ đầu, tất cả bắt đầu từ thời điểm này... khi giọt nước mắt đàn ông tuôn rơi!
*
* *
Chúng tôi hoàn tất thủ tục đăng kí kết hôn sát giờ Michael lên máy bay về Đức. Anh vui mừng như một bác nông dân được mùa. Đôi mắt lấp lánh hạnh phúc, khuôn miệng tươi cười mãi không thôi. Còn tôi, lòng vẫn nặng trĩu... vì tôi đã quyết định rời Việt Nam sang Đức đoàn tụ với anh. Một quyết định vô cùng đột ngột, nhưng tôi nghĩ “đây là điều phải làm, nếu còn ở lại thì tôi sẽ bị vùi dập, lặn ngụp trong mớ bòng bong không gỡ được”.
Gia đình tôi vui mừng trong sự hoang mang, mẹ tôi nghĩ rằng tôi lấy bừa Michael cho ba mẹ, anh chị em, ông bà họ hàng vui chứ không thực tâm muốn xây dựng tổ ấm với anh ấy. Tôi thì có suy nghĩ của mình, lúc này đây tôi cần yên tĩnh, không thiết ai chạm vào cái thế giới suy tư riêng của mình. Ở Linh Anh, quyết là làm. Sẽ không có “giá như ngày ấy”. Chỉ có điều làm sao để sống hạnh phúc nơi đất khách, lấy lại sự hồn nhiên như ngày nào quả thật không còn dễ dàng nữa.
Michael chưa sẵn sàng cho một hôn lễ tại Việt Nam, vì nó hoàn toàn khác xa cách người ta chung vui ở Đức. Đúng là như vậy, ở Việt Nam đám cưới không phải cái lễ cho riêng mình mà còn là dịp cha mẹ, anh chị em trả lễ cho nhau, vậy nên mới có chuyện một cái đám cưới cả nghìn người mà cô dâu chú rể có biết mặt mũi của ai đâu, cứ nhắm mắt mà cầm ly cụng chúc thôi.
“Ở đất nước bọn anh, đám cưới chỉ vài chục người, và chỉ những bạn bè họ hàng thân tình nhất mới được mời. Nếu không ưa một ai đó, chúng ta không phải viết thiệp chi cho phí công, tốn sức”, Michael tâm sự. Nếu như là Linh Anh hồn nhiên như ngày trước, tôi sẽ đấu tranh đến cùng, với lí lẽ “uhm, nhưng mà đây là Việt Nam, phong tục là như vậy. Anh làm rể Việt thì cứ thế mà theo”, nhưng vì tôi đang sợ hãi phải đứng trước bàn thờ người ông kính yêu của tôi và chấp vái, hứa hẹn sống trọn đời với Michael, tôi không thể làm được. Đó là dối lòng, giả tạo và bất hiếu! Chi bằng, khỏi làm đám cưới còn hơn. Khi nào bản thân tôi phải thật sự sung sướng, mãn nguyện thì ngày ấy đám cưới sẽ đến.
“Ok, cứ theo anh quyết, chẳng cần cưới xin gì đâu. Ba mẹ em vừa lo xong cái đám cưới to vật vã của em gái em rồi, nên chắc cũng không đến nỗi ngại ngùng với bà con chòm xóm”, tôi thủ thỉ. Michael thở phào như quẳng đi được tạ đất trong đầu, “Em thật sự thấy ổn chứ. Ba mẹ anh thì đang lo lắng, không biết phải làm sao cho hợp lễ nghi người Việt. Họ xem xong video đám cưới của em gái em mà mặt nghệt ra”.
“Em không sao. Em cũng là đứa quái dị mà. Thôi về nước lo hoàn tất thủ tục đón em sang đi, đám cưới không phải vội”.
“Em thật tuyệt vời”, Michael ra vẻ mừng rỡ ôm chầm lấy tôi, “Anh sẽ cấp tốc để đón vợ anh sang trước Giáng sinh nhé”.
Và anh bắt tay vào việc đó một cách nghiêm túc, triệt để, tôi biết anh đang sợ hãi để tuột tay tôi, vì thời gian xa nhau càng kéo dài thì nguy cơ mối quan hệ vợ chồng trên pháp lí này sẽ tan tành theo mây khói. Nếu như trước đây anh cứ lần lữa tìm cơ hội về Sài Gòn, thì bây giờ, anh đốc thúc mọi việc nhanh nhất có thể để đưa tôi ra khỏi Việt Nam. Người ta khi đang sợ mất một thứ gì đó, họ có sức mạnh của gã khổng lồ, có thể san bằng mọi thứ.
Buổi sáng sau hai ba hôm nộp hồ sơ vào lãnh sự quán, tôi nhận được cuộc gọi từ Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, người phụ nữ giọng Hà Thành nhỏ nhẹ, “Em à! Chồng em, anh Michael có gọi điện về đại sứ quán để nhờ tư vấn cách thức đưa em sang Đức sớm nhất có thể. Chúng tôi rất muốn giúp hai bạn. Chúng tôi mới nhận được văn bản luật, sửa đổi quy chế cho diện đoàn tụ gia đình. Luật mới ban hành, chúng tôi còn chưa phổ biến rộng rãi, ngay cả ở Hà Nội. Trong Nam, chắc em sẽ là trường hợp đầu tiên”.
“Chị ơi, có khó không ạ?”.
“Không khó, có điều em phải trải qua vòng phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Đức với đại diện Tổng lãnh sự quán. Nếu em thuyết phục được họ thì em không cần học để thi chứng chỉ A1 nữa. Và như vây thủ tục xét duyệt rất nhanh”.
“Dạ, em cảm ơn chị nhiều. Em sẽ cố gắng”, nói vậy nhưng lòng không nghĩ vậy. Thiết nghĩ nếu mình không qua được vòng phỏng vấn thì cơ hội ở lại Sài Gòn càng cao. Và biết đâu Michael vì nản lòng trước khó khăn lấy một cô vợ Á mà bỏ của chạy lấy người. Thế là thoát thân!!!
Sự mâu thuẫn đi hay ở, tốt hay xấu, lao vào hay bỏ chạy cứ thế tiếp tục cuốn lấy dòng suy tư mênh mang. Tâm lý sợ hãi, mông lung, không chắc chắn ấy càng lên đến đỉnh điểm khi tôi nghe tin Vỹ chia tay Nhã Kỳ. Nói đúng hơn, tôi tự mò vào trang cá nhân của Kỳ để quan sát động thái, mấy hôm trước, vẫn thấy ảnh cô ấy đi sự kiện doanh nhân với Vỹ, tươi cười, hạnh phúc... thì hôm nay lại đăng một dòng trạng thái não lòng “Thật không gì bất hạnh bằng khi chỉ là hình bóng của kẻ khác!”, và ngay sau đó tôi nhận được email của Vỹ, đại loại là “Anh đã nói cho Kỳ biết tình cảm thật của mình, anh vẫn nghĩ sẽ tìm hiểu sâu hơn và tiến xa với cô ấy, nhưng từ ngày vắng em, anh nhận ra trái tim này chỉ có thể dành cho một người”.
Hahahaa, vậy là bỏ thật rồi à..., đứt đoạn thật rồi đấy. Cảm xúc lúc này của tôi là hả hê, chiến thắng, cô ta đáng bị như vậy vì tự nhiên nhảy vào, gây ra cơn bão lòng trong tôi. Tôi vật vã thì cô ta cũng nên bị tí tổn thương, nhỉ! Cái khổ ải của cô ta không nghĩa lí gì so với niềm đau mà tôi đang gánh phải.
“Còn anh – Vỹ, tôi chỉ muốn thét lên: đáng kiếp vì đã chơi tôi một cú không đẹp không ăn tiền. Anh dùng trí tuệ doanh nhân để thử lòng một cô gái non nớt, mới bước chân vào đời. Anh quá thời cơ để rồi bây giờ mất cả chì lẫn chài. Anh bắt tôi phải chọn lựa, thì anh cũng phải nếm mùi nát tan trong sự lựa chọn. Ha ha ha...”.
Tôi hân hoan trong điên loạn, cảm giác loại kẻ khiến mình ngứa mắt ra ngoài tầm ngắm thật đã đời. “Bây giờ, chắc cô ta đang khóc nức lên rồi, vậy sao không biết thân biết phận tự rút lui trước khi người khác phải lên tiếng đi!”, tôi thầm nghĩ.
Thế nhưng cảm giác phất cờ chiến thắng của tôi chỉ tồn tại ngắn ngủi vài giờ.
Sau này tôi mới hiểu: đó là ảo giác. Là con thiên nga đen đang trỗi dậy mạnh mẽ trong tôi vào thời khắc đen tối nhất. Qua giây phút ấy, tim tôi lại nhói đau, đau vô cùng tận bởi vì suy cho cùng tôi là một đứa không thể “sống ác”. Tôi nhận ra mình sai đủ đường: sai lầm trầm trọng khi để tình cảm của mình bị cuốn về dòng nước ngược, sai lầm khi đưa bạn thân của mình và chính mình vào cái mớ hỗn độn mà bản thân tôi cũng không hiểu là cái quái gì.
“Con phải làm gì đây, ông ơi?”, tôi ngồi lặng lẽ triền miên trước bàn thờ ông nội. Mỗi khi có chuyện buồn tôi đều nghĩ về nụ cười hiền hậu của ông, sự ấm áp trong đôi mắt ông dành cho đứa cháu gái bé bỏng. Ông đi xa nhiều năm lắm rồi nhưng trong nhiều giấc mơ xa xăm, ông vẫn là chỗ dựa tinh thần quý giá nhất mỗi lần tôi khắc khoải. “Lần này, con bị thương nặng lắm ông ạ. Sống không bằng chết, mà chết thì nhục quá, làm sao con dám nhìn ông ở thế giới bên kia khi tự mình kết liễu cuộc đời đáng sợ này.”
“Con biết mình sai, nhưng không biết làm sao sửa chữa? Cả một tương lai đang đợi chờ phía trước. Đến khi nào con mới thực sự được sống lại những ngày hồn nhiên, hạnh phúc như trước đây?”.
Mẹ tôi cũng từng bảo “tình yêu chỉ kéo dài đến một đoạn, còn vợ chồng phải sống với nhau cả trăm năm. Mẹ lo mày đứt gánh giữa đường với Michael con ạ. Cả hai bọn bay tính ra là những đứa trẻ tốt nhưng phải ngang trái thế này”.
*
* *
Tôi quay trở lại Sài Gòn để nộp hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp tại Lãnh sự quán Cộng hòa Liên bang Đức. Kiểm tra hồ sơ xong, người tiếp nhận tỏ vẻ ngạc nhiên vì “hồ sơ thiếu bằng A1 ngôn ngữ”, sau khi nghe tôi giải trình về cuộc gọi từ Đại sứ quán Hà Nội, chị ấy mới tức tốc vào bàn bạc với ông Lãnh sự, dường như Luật mới sửa đổi, họ còn chưa nắm rõ. Tôi mon men ngay ô cửa phỏng vấn, cách nhau bằng khung kính vững chắc, họ nói chuyện rất lâu và có vẻ như gọi khẩn cấp ra Hà Nội để hỏi rõ trường hợp của tôi. Tôi đảo mắt quanh căn phòng, mọi người chờ phỏng vấn đều tỏ ra hồi hộp và hiển nhiên tất cả đều muốn “đậu”. Chắc chỉ có tôi là diễn biến tâm lý phức tạp nhất. Nhưng vào giây phút này đây, tôi lại muốn mình nhất định phải vượt qua vòng phỏng vấn, nếu tôi thua hoặc cố tình bỏ cuộc thì mối quan hệ hôn nhân trên giấy tờ của tôi và Michael cũng khó mà kéo dài. Những ngày qua, Vỹ ráo riết liên lạc mọi cách để thuyết phục tôi quay về Sài Gòn, tôi chắc mẩm rằng nếu mình không sớm ra khỏi đất nước này thì anh ấy sẽ lục tung cả đất nước hình chữ S để tìm tôi bằng được.
Đối với Vỹ, tôi vừa thương vừa giận, thương anh đã đem lòng yêu tôi một cách cuồng nhiệt, giận vì anh chưa từng yêu tôi đúng thật “chân tình”. Vỹ không hề thua kém Michael điều gì cả, thậm chí vượt trội trên một vài phương diện – đặc biệt là mảng am hiểu, nắm bắt tâm lý phụ nữ, rất chuẩn kiểu đàn ông Á châu từng trải; nhưng anh chưa từng cho tôi thấy sự chân thành trong tình cảm của mình. Hai từ ấy tôi cần hơn bất cứ thứ gì khác.
“Cô là Linh Anh đúng không?”, giọng nói trầm ồm của ngài Lãnh sự lôi tôi ra khỏi dòng suy nghĩ miên man.
“Dạ, thưa ngài”, tôi đáp lại dõng dạc bằng thứ tiếng Đức không mấy thành thạo, mấy hôm vừa rồi, tôi có ôn lại các mẫu câu giao tiếp cơ bản, ngay lúc này đây tôi biết mình đang được ông ấy phỏng vấn.
“Tại sao cô lại muốn sang Đức gấp vậy?”, ông ấy hỏi.
“Dạ, bởi vì tôi muốn đoàn tụ cùng chồng vào dịp Giáng sinh”, tôi trả lời nhanh như chớp, mặc dù âm điệu trong giọng nói có hơi đứt quãng. Michael dặn đi dặn lại rằng “em phải thành thật, chỉ có sự chân thật mới chiến thắng được hoài nghi của các quan chức Lãnh sự”.
“Hai bạn cưới nhau khi nào?”, ông ấy hỏi ngoặc lại.
“Dạ, cách đây hai tuần”, giọng tôi trầm hẳn xuống. Đây có lẽ là bất lợi của mình, tôi từng nghe nhiều cặp – đặc biệt là Việt kiều Mỹ, kết hôn xong phải chờ đợi năm, bảy năm mà chưa xuất ngoại được. Chúng tôi lại chỉ mới vừa...! Mà lại chẳng có cái đám cưới hẳn hoi.
“Cô chưa có bằng nhưng nói tiếng Đức cũng khá. Cô học ở đâu vậy?”, ngài Lãnh sự tiếp tục, ông ta không để thời gian chết quá lâu.
“Dạ, thưa ngài, tôi từng sang Đức du lịch ba tháng và thăm gia đình bạn trai – là chồng hiện tại của tôi. Ban ngày khi anh ấy đi làm, tôi đã tham gia khóa học tiếng Đức cấp tốc, dù không thể thi lấy bằng nhưng tôi nghĩ mình đã lĩnh hội nhiều điều”.
“Tốt lắm, bảy ngày sau cô quay lại lấy visa”, ông Lãnh sự có đôi mắt màu xanh xám nhìn tôi, phán rành rọt, trong lúc tôi đang “đứng hình” vì quá bất ngờ. Cơ thể tôi lại run lên, chẳng hiểu là sung sướng hay cái quái gì xâm lấn!
“Ngài nói thật chứ? Vậy là xong rồi à?”, tôi hỏi lại vì chưa tin nổi vào đôi tai mình. Cả căn phòng dồn hết mắt vào tôi, họ ngạc nhiên hết thảy... vì cái đứa “thiếu bằng lại vừa kết hôn hai tuần” đã trúng tuyển.
“Làm tốt lắm. Chúc hai bạn hạnh phúc”, ông ta mỉm cười nhưng chẳng hở răng.
“Cảm ơn ngài, tôi vui lắm”, tôi cười như muốn khóc, thắng phỏng vấn không phải chỉ để xuất ngoại, nó có ý nghĩa vô cùng tận với tôi vào lúc này. Một cuộc sống mới, chân trời mới, thay đổi bản thân để sửa chữa lỗi lầm!