Những mẩu chuyện dưới đây tôi gần như đã thuộc làu vì nghe mẹ mình kể đi kể lại suốt thời ấu thơ. Thế nhưng khi viết ra bằng văn bản thì không lần nào không khiến tôi rơi nước mắt. Nhà tôi có hai người theo nghiệp chữ nghĩa, sáng tác nhiều, tác phẩm không ít, ấy vậy mà khi nghe, thấm những chuyện thật của người có nghề nghiệp chả dính líu gì tới văn vẻ này thì cả hai chúng tôi đều xúc động và ngả mũ. Có lẽ huy động mọi tinh anh và mất cả đời lao tâm khổ tứ để hóa thân, chúng tôi cũng khó có thể tưởng tượng ra được nhân vật và những tình tiết đặc biệt như vậy. Mới thấy, không gì hay bằng sự thật, đẹp bằng sự thật, đau đớn như sự thật và thật như sự thật. Mẹ tôi chỉ là người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ khác trên dải đất hình chữ “S” này. Không hẳn là người đọc nhiều, chưa phải là người uyên thâm, sâu sắc hay có biệt tài gì, nhưng những câu chuyện của mẹ, chiêm nghiệm của mẹ không hiểu sao lại sống động và có sức lôi cuốn tôi đến thế. Cả một “thời xuân sắc” của mẹ không một thỏi son, không một tấm áo đẹp, không váy vó, không tiệc tùng, càng không biết hội hè, tham quan, du lịch là gì; lúc nào cũng chỉ cặm cụi vì công việc, hết mình vì chồng con, vì cơ quan, người thân và bè bạn. Nhưng cuộc sống lại chả mấy khi được yên ả, êm đềm. Muốn làm người tử tế, sống cuộc đời chân chính nào phải dễ dàng. Như biển kia luôn có sóng. Con sóng đó to, nhỏ vào lúc nào, biến ảo ra sao, có giúp con người thăng hoa hay dập vùi nhấn chìm người ta còn phụ thuộc ở bản lĩnh, cách sống của mỗi cá nhân. Viết về câu chuyện cuộc đời này tôi thường nhớ đến lời nhà biên kịch Lưu Quang Vũ: “Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người”.
Có lẽ bởi thế mà nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn tâm sự rằng “Hiện nay tôi rất thích đọc hồi ký. Tôi vẫn tâm niệm về sức mạnh của sự trung thực, sức mạnh của chi tiết, của giọng kể. Sự trung thực có vẻ đẹp như nam châm. Nó hút chúng ta rất mạnh. Đó là điều mà tôi muốn phấn đấu đến cùng”.
Nhà nghiên cứu phê bình văn học, PGS - TS Ngô Văn Giá nhận định: “Những năm gần đây, nhìn vào đời sống văn học, bên cạnh các thành tựu văn chương hư cấu (fiction), còn có một kiểu văn chương phi hư cấu (non - fiction) xuất hiện và có những thành tựu đáng kể. Đó là những sáng tạo mà tên gọi của chúng rất đa dạng: ký (với các tiểu loại như hồi ký, bút ký, ký sự, tùy bút…), tản văn (có khi còn gọi là tạp văn, tạp bút…), nhật ký văn học, văn học tư liệu… Và có lẽ thời nay là thời “non – fiction”. Đây có thể coi là một tác phẩm “non – fiction” đầy chất hiện thực như vậy. Sức sống và sự lan tỏa của nó đến đâu, giá trị thực của nó thế nào? Kính mời quý độc giả thưởng thức tập hồi ký, sẽ có câu trả lời chính xác cho mình!
Huệ Ninh
***
Tết này (2020) tôi tròn 68 tuổi, cộng cả tuổi mụ là 69; đã trở thành một bà già da nhăn, mắt húp, tóc bạc. Mặt và tay bắt đầu lấm tấm đồi mồi. Răng mất chín cái, lắp tạm được ba chiếc giả để ăn, còn sáu cái thì mất hẳn. Mọi người gọi tôi là “bà”, chả còn ai gọi là “cô”, hay “chị” nữa. Nghĩ lại cuộc đời gian truân của mình, tôi kể ra đây, chí ít là để cho con, cho cháu biết về một thời mẹ nó, bà nó đã sống như thế nào.