Năm 1993, đường EC trước cửa nhà tôi được rải cấp phối (đường đất rải đá dăm), đã có cột điện dẫn điện lưới quốc gia vào, không còn cảnh dùng điện của xưởng Đóng Tàu nữa. Dân bắt đầu vào xã mua đất làm nhà ở. Bên kia đường trước cửa nhà vẫn còn là bờ biển có bãi sú vẹt. Ủy ban cấp đất khoảng không phía biển ấy cho một số gia đình. Tôi than phiền chuyện đó ở cơ quan. Anh Diễn Phó Giám Đốc, nghe được, bảo: “Ngu thế, cửa nhà mình mà lại để cho thằng khác đến ở”. Chớp được ý đó tôi về bàn với chồng làm đơn xin vạt đất biển trước mặt. Vợ chồng lên Ủy ban kêu rằng vì lấy đất làm đường lớn mà gia đình tôi bị “hy sinh” quá nhiều đất. Kêu lắm họ cũng cấp cho, nhưng chỉ năm mét bề ngang và ra biển được mười mét, tổng cộng là năm mươi mét vuông. Tôi lại bàn với cháu Mai (vợ cháu Lễ). Mai giúp tôi làm đơn xin thêm một suất nữa là năm mét mang tên của cháu. Được Ủy ban tạm cấp như vậy là ổn. Sở hữu một trăm mét vuông khoảng không ấy thật vất vả. Đến lúc phải xây kè chắn sóng thì mới đổ được đất. Mà muốn xây kè phải mất tối thiểu là mười triệu để mua vật liệu là đá, xi măng, cát, và trả công thợ chính. Thợ phụ bao giờ cũng là vợ chồng tôi rồi, khỏi phải tính. Tất nhiên gia đình tôi lại vất vả và túng thiếu khi mà lương lúc ấy chỉ có hai trăm năm mươi ngàn một tháng.
Tết đến, em Nga ra chơi thấy chị khổ quá cho chị hai trăm ngàn và hai cái bánh chưng. Sau một thời gian, ông Phục ở Đài truyền hình Bắc Ninh hỏi mua đất do một người quen dẫn đến. Ông trả được ba mươi tám triệu một suất, hai suất ấy được bảy mươi lăm triệu. Lúc đó bán một trăm mét vuông bảy mươi triệu là được giá. Tôi và anh đồng ý bán. Ông ta trả trước ba mươi triệu và hẹn tháng sau trả tiếp.
Lần đầu tiên trong nhà tôi có số tiền lớn như vậy. Tôi cầm ba mươi triệu mà không biết giấu vào đâu. Gửi ngân hàng thì lãi suất lúc ấy quá thấp. Anh quyết định xây ngôi nhà tử tế để ở vì cái nhà cấp bốn của chúng tôi đã xuống cấp, dột nát và nứt nhiều chỗ.
Thế là tôi lật giường lên giấu tiền ở dưới thang giường cho trộm đỡ nghi ngờ, rồi quyết định gọi thợ tới xây nhà.
Chúng tôi xây hết ba mươi triệu mà ông Phục vẫn chưa trả tiền. Chồng tôi lại phải đi Bắc Ninh tìm ông để đòi. Vợ ông đưa được thêm hai mươi triệu, còn thiếu hai lăm mươi triệu nữa, hẹn trả sau. Chồng tôi đi đòi nợ, ngủ quên trên tàu, đi đến ga sau mới biết. Anh phải xuống nhờ ông coi ga cho ngủ qua đêm với một cái chăn chiên mỏng tang. Hôm ấy, rét thấu xương. Anh lang thang ở Bắc Ninh mãi mới tìm được đến nhà ông Phục. Vụ đòi tiền không mĩ mãn nhưng dù sao còn hơn không.
Tiếp đó, anh đi công tác làm phong trào ở Ba Chẽ gần một tháng kết hợp mua gỗ về làm cửa và khung cửa. Sau một tháng anh về vào ban đêm, mặt mày đen nhẻm, hốc hác. Một xe chở gỗ chống, tre làm giàn giáo và một số khung cửa lim đã được đóng thành sản phẩm. Anh về mệt mỏi kể: “Đen quá, mua xong gỗ, đóng xong cửa, xe chở về nửa đường thì bị liên ngành bắt giữ. Anh giở các giấy tờ ra để trình bày hoàn cảnh của mình là cán bộ công nhân viên chức đi làm phong trào cho địa phương, kết hợp mua một bộ cửa về để xây nhà ở chứ không phải người buôn bán. Họ không nghe, bắt đánh xe quay trở lại Ủy ban huyện. Huyện ra xin cũng không được. Đêm ấy anh như kẻ phạm tội, bị nhốt trong cái nhà kho đầy muỗi. Sáng hôm sau, họ quyết định tịch thu toàn bộ số gỗ và khung cửa ấy. Anh ra sức xin xỏ vì thợ ở nhà xây dở đang chờ khung cửa. Cuối cùng họ thu rồi bán lại cho anh. Thế là tưởng ra Ba Chẽ mua được gỗ rẻ hơn ở gần nhà nhưng thực tế là bị mua làm hai lần thành ra quá đắt và vất vả hơn vài lần. Đấy là chưa kể đến đoạn xe đi lạc đường lên đồi mãi mới xuống được. Thật là chật vật.
Ở nhà, tôi vẫn phải đi làm việc cơ quan đều đặn và chăm hai con nhỏ nên việc quản thợ xây nhà không làm nổi. Vợ chồng tôi nhờ ông Sáng hàng xóm qua lại xem nom giúp vì lúc đó ông ấy cũng đang xây nhà. Cái gì quá bất hợp lý thì góp ý với thợ. Vậy là thời gian chồng tôi đi Ba Chẽ, tôi bận đi làm là lúc thợ làm sắt móng. Chả biết ông Sáng nghĩ gì mà bắt thợ cắt sắt để móng nhà thấp đi bốn mươi phân. Trong khi móng nhà tôi đã có bản thiết kế do Viện Thiết kế Thủy lợi vẽ rồi. Tôi biết, liền bất bình nói ông ấy rằng như vậy là không đúng kĩ thuật, ảnh hưởng ngôi nhà sau này. Nhưng sắt đã cắt rồi không nối lại được, thợ cũng đổ bê tông móng xong rồi (ngày ấy còn đổ bê tông bằng trộn tay chứ không có máy như bây giờ). Tôi trách thì ông Sáng bảo: “Làm thấp để cậu mợ đỡ tốn kém”. Vậy là sự đã rồi. Tôi đành ngậm ngùi chịu, không thể dỡ ra làm lại vì tốn tiền không có đâu để bù vào. Thế là nền nhà tôi chịu thấp hơn dự kiến bốn mươi phân.
Khi làm nhà vợ chồng tôi hay cãi nhau. Tôi bảo để cửa tám mươi centimet thì anh bảo để bảy mươi lăm centimet. Khoảng cách ấy không khác nhau là bao nhưng anh cứ khăng khăng nói rằng làm thế mới đẹp. Còn tôi thì kêu chật, bê mâm cơm đi qua cũng khó. Cuối cùng thì chồng tôi to mồm cáu kỉnh, áp chế nên tôi phải nghe theo. Y như rằng bây giờ hàng ngày dắt cái xe máy ra vào rất khó khăn. Nhưng tất cả là sự đã rồi. Anh bảo mở cửa vào trong, tôi bảo phải mở ra ngoài. Khi cãi nhau anh vẫn thắng. Lúc sử dụng, mọi bất tiện tôi phải chịu. Bởi vì cứ mỗi khi trời mưa to nước mưa theo hèm cửa tràn vào nhà, người lau chùi dọn dẹp lại là tôi. Mỗi khi anh nhận ra tôi đúng thì sự đã không thể sửa được nữa. Ngày ấy xây nhà này với khoản tiền như vậy phải tiết kiệm đủ thứ, chưa kể vật liệu khan hiếm, xi măng, sắt thép đều khó khăn lắm mới mua được nên cái nhà tuy hai tầng mà hầu hết xây bằng vữa vôi và vữa ba ta, chỉ có đổ nóc nhà và trát trần mới có xi măng.
Leo lên đến tầng hai thì cạn tiền. Ông Phục vẫn chưa trả hết nợ. Thợ khuyên chủ nên úp mái tầng hai đi rồi sau này hoàn thiện đỡ phải cốp pha, giàn giáo. Nghe theo, anh đành đi bán cái xe ĐĐ đỏ mới đổi đám đất năm trước để lấy tiền úp mái. Mua xe hết một suất đất là mười bảy triệu, bán mãi được mười sáu triệu. Thế là úp xong mái tầng hai thì hết sạch tiền. Thợ khuyên chủ nên hoàn thiện tầng một để ở còn tầng hai chỉ cần trát xong rồi để đó khi nào có tiền làm tiếp.
Đấy là vợ chồng tôi không dám thuê người vẽ thiết kế. Lúc ấy, thuê vụ này cũng phải mất mười triệu. Cũng không dám mua thuế xây dựng cơ bản nên cái nhà của tôi đến giờ cũng không có giấy chứng nhận sở hữu nhà chỉ vì không đủ tiền. Không đủ tiền để hoàn thiện tầng một mà ở, chúng tôi lại “cắp rá đi vay”. Chờ ông Phục trả hết nợ thì trả lại họ. Dần dà cũng hoàn thiện được tầng một. Tầng hai không có cửa, không lát nền, không nội thất. Cầu thang cũng xây mộc để đó.
Sau, mỗi năm chúng tôi hoàn thiện một chút. Năm thì làm cửa. Năm thì lát nền được hai phòng. Đến khi có con rể về ở với vợ chồng tôi nó góp tiền làm nốt thì ngôi nhà mới gọi là xong cơ bản.
Nhà tôi xây không có biên lai, giấy tờ thuế xây dựng cơ bản, những người này nên bị phạt một triệu. Chồng tôi phải cất công sang tìm ông Hà Hiền, lúc ấy là Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long xin giúp đỡ. Anh vốn có nhiều công làm văn nghệ tuyên truyền giúp thành phố, mà ngày ấy hoạt động văn nghệ làm gì có thù lao như bây giờ. Thế nên ông Hà Hiền đã giúp để họ không bắt nộp phạt tiền gọi là phạt.
Được ở nhà mới, cảm giác sung sướng choán ngợp. Tuy nhiên, đồ đạc trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài ba cái giường gỗ dẻ cũ và một cái tủ “ka choóng” của ông Thanh đóng cho. Dần dà, mỗi năm vợ chồng tôi lại sắm thêm một thứ đồ dùng. Bây giờ đầy đủ thì thương bố, thương mẹ bên nội, bên ngoại không còn để mời các cụ về hưởng.
Sau này, ông Phục cũng trả hết tiền nhưng lại yêu sách là phải xây kè ra biển thêm năm mét nữa và đổ đất đầy lên. Ông ấy sẽ trả thêm năm triệu. Vì muốn đòi đủ và ngay số tiền nợ cũ nên tôi chấp nhận. Lại tiếp tục xây kè, móc đất sau đồi đổ ra cho đầy. Đó là những ngày tháng đẫm mồ hôi vất vả, gian nan.
Xây xong nhà thì nỗi bất ổn càng lớn. Do móc nhiều đất đồi sau nhà nên cứ mỗi lần trời mưa là đất lại sụt lở xuống vườn, xuống bếp. Vợ chồng tôi vừa phải thuê người xúc đất đổ ra biển, nơi có cái kè của ông Phục. Đá thì để lại để kè chân đồi. Hai vợ chồng lọ mọ làm hết ngày này sang ngày khác. Kể ra lúc ấy có hai mươi triệu mà xây kè thì tốt biết mấy. Chỉ vì không có tiền nên cứ phải tự làm lấy vậy. Kè càng lên cao thì vận chuyển đá lên càng khó khăn. Thế rồi cũng kè được nửa đoạn dốc chân đồi ấy bằng đá đồi. Kè xong, tôi chít vữa lại cẩn thận để nó không bị đổ. Đằng sau nhà tôi, ở mé đồi phía trên là nhà anh Vưỡng. Mỗi lần nhà họ sinh hoạt thì nước lại chảy xuống hết cái kè nhà tôi khiến nó chưa khô đã lở và đổ. Tôi bàn với anh này khơi lại rãnh nước ra phía sau nhà họ, chứ đừng để nước chảy ở trước nhà mà ngấm hết xuống phía nhà tôi. Mới đầu nói, họ không nghe vì động đến việc ai chả ngại, nhưng sau họ hiểu ra rằng lở đất xuống nhà tôi thì họ cũng mất sân nhà mình cho nên họ đã đào rãnh để nước chảy đi lối khác.
Mai và Ninh chân yếu tay mềm, lại bận học hành nên chưa phải xúc xẻng đất hay vần một hòn đá nào. Chỉ có tôi và anh Thọ làm. Sau khi lấy chồng, hai cô con gái bán đất phần được chia. Ninh biếu lại bố mẹ số tiền lẻ, thế là tôi xây được cái kè chắn đất đồi khỏi lở xuống, để được sạch sẽ như ngày nay. Đất đã bán hai phần ba, chỉ còn lại một mảnh nhỏ mà xây kè hết mười tám triệu đồng. Thực tế tiền công xây và vật liệu chỉ mười lăm triệu thôi nhưng bị lừa mất ba triệu nữa nên mới ra con số ấy. Lúc đầu, chồng tôi gọi thợ đến xây kè. Gạch, cát, xi măng anh đã mua sẵn. Chủ tốp thợ đến xem và mang hai thợ đến san chân kè mất nửa ngày. Họ xin tạm ứng tiền trước. Do thương người, nhất là cảnh người lao động, tôi tạm ứng trước cho họ. Nhận tiền xong họ biến mất, nhiều ngày không thấy đến làm, gọi điện họ ừ ừ hữ hữ. Chúng tôi không biết địa chỉ nhà họ. Nhiều ngày sau, sợ mưa ướt xi măng, vợ chồng tôi phải vác từng bao vào trong nhà để, lại lo kè chân đồi, rồi sợ đất lở. Mỗi lần mưa xuống, tôi cứ ru rú ngồi một góc lo âu, cả đêm chẳng dám ngủ. Chỉ sợ đất đá sau nhà lở nhiều làm bục tường hay đổ nhà. Chờ mãi, hàng tháng trời mấy người thợ cầm tiền tạm ứng kia chẳng đến. Sau rồi mới biết họ đã biến mất khỏi xã. Chúng tôi đành chấp nhận mình đã bị lừa. Chồng tôi lại phải đi tìm tốp thợ khác về để họ xây kè cho. Lần này thì tốp thợ tử tế, tiền công lấy vừa phải. Cả công cả vật liệu hết mười lăm triệu. Bây giờ cái kè tạm yên ổn nhưng bệnh của tôi không khỏi. Cứ mưa to gió lơn là tôi lại bật dậy ngồi co ro một góc nhìn lên kè đá lo lắng.