Dự án EC cuối cùng cũng được thực hiện. Dân chúng ở đây rất vui mừng vì sắp có đường to để đi, ô tô vào được, có điện lưới quốc gia. Nhưng những nhà ở rìa đường như nhà tôi thì vui ít buồn nhiều, vì tự dưng lại phải “hy sinh” rất nhiều đất. Bao nhiêu công sức đắp đường, lấn biển bây giờ thành công cốc. Con đường mới hình thành, rải cấp phối tạm thời, rộng sáu mét khiến nhà tôi mất toàn bộ đất trồng rau và giếng nước. Họ lấy vào đến tận đường cũ của xã mà tôi đã đổi, chẳng một xu bồi thường. Vợ chồng tôi làm đơn kêu lên Ủy ban thì được cấp năm bao xi măng để làm giếng khác. Lúc đi nhận, ông Sáng tổ trưởng tổ dân phố lại chia hai bao cho ai đó mất rồi. Thế là nhà tôi chỉ được ba bao. Kêu thêm nữa, thì được bồi thường ba mươi ngàn đồng công trồng cây cối. Còn đất thì bị “thu hồi”. Chồng đi lĩnh ba mươi ngàn đồng về đưa tôi. Tức quá, tôi làm ầm ĩ lên. Thế là anh yên Phó Chủ tịch xã cầm lại ba mươi ngàn đồng, rồi đến đo đo đạc đạc ra vẻ xem xét. Sau đó, cũng “nuốt” luôn cả số tiền ấy. Nhà tôi chờ đợi mãi chẳng được gì. Máy xúc vẫn đến ủi đất, ủi cả cái quán bán hàng của nhà và lấp luôn giếng nước. Tôi nhìn cảnh đó, đau xót mà phải cam chịu. Hồi làm ở Viện Kiểm sát, tôi có đọc một đoạn trong Hiến pháp: “Đất đai, sông ngòi, đồi núi là tài sản của toàn dân, nhưng do Nhà nước thống nhất quản lý…”. Vậy nên Nhà nước thu hồi thì mình phải chịu chứ kêu ai?
Chuyện cái quán nước của gia đình cũng không thể nào quên. Khi anh Thọ ở Đội Thông tin lưu động của tỉnh, do có mối quan hệ tốt với các huyện thị trong tỉnh từ khi còn là diễn viên nên lúc này đội thông tin của anh đi đến đâu cũng được đón tiếp tử tế. Mỗi đợt biểu diễn về, thường có quà cho anh em trong đội. Ai cũng ca ngợi anh làm đội trưởng thì lính được sung sướng, cứ lên xe đi là có thu nhập. Nhưng do không có quà về cho sếp và nhóm kế toán ở nhà nên họ, khó chịu với anh, rồi gây khó khăn nhiều trong các cuộc Đội đi diễn xung kích.
Thậm chí anh mua cho hai cô diễn viên nữ và anh Dương Chung - quản lý loa máy một cái đèn pin đề phòng hỏng máy nổ khi đang diễn mà Sở Văn hóa còn giữ lương của anh ba tháng không trả. Họ lấy lý do anh chi tiêu không hợp lý. Anh vẫn đi lưu động với Đội không về. Tôi sang cơ quan anh lĩnh lương họ không cho lĩnh. Ở nhà con cái nheo nhếch.
Khi diễn về, lãnh đạo Sở còn kiểm điểm anh với đủ thứ tội không đáng có, không thành tội như làm việc sai giờ giấc, không kế hoạch, lợi dụng việc công để kiếm thu nhập riêng, v.v... Tức quá anh bảo: “Chúng tôi hết lòng vì Sở mà Sở không tạo điều kiện lại gây khó dễ. Không thể làm việc với các anh được, tôi xin nghỉ việc. Họ tưởng anh nói thế chứ không dám nên buông lời thách đố. Ai ngờ anh làm đơn xin nghỉ hưu luôn. Lúc này, chồng tôi mới 47 tuổi, theo nguyên tắc thì chưa đủ tuổi về hưu.
Anh vẫn lên bệnh viện khám sức khỏe để làm chế độ nghỉ. Bác sĩ hỏi anh bị bệnh gì. Anh kể lại sự đối xử bất công ở sở Văn hóa nên không thể cộng tác, cống hiến cho Sở được nữa. Ông bác sĩ già hiểu tình cảnh thật của anh nên chứng nhận cho anh bị bệnh tim, mất sáu mươi phần trăm sức khỏe để anh được nghỉ việc. Xét đến năm công tác anh đi làm sớm lại có thâm niên văn công cũng được cộng thêm năm. Bên cạnh đó, anh có thành tích là đi phục vụ chiến trường. Số cộng ấy cũng đủ để anh về nghỉ hưu hợp lệ. Anh về trong sự ngạc nhiên và luyến tiếc của nhiều người. Lúc đầu về anh cũng buồn, chả lẽ không làm gì, thế là mở quán bán bánh kẹo, chè nước. Hai vợ chồng tôi dựng quán bằng tre và lợp giấy dầu trước cửa nhà để bán hàng. Anh làm bốn câu thơ chữ to vẽ vào cái Panno treo ở cửa quán:
“Kệ thói nhiễu nhương, mặc sự đời
Về bên biển biếc sống thảnh thơi
Xóm nhỏ, quán nghèo lòng rộng mở
Mát mẻ trong lành bạn ghé chơi”
Sự mời chào ấy lúc đầu thành công. Người đến chơi, người đến mua hàng khá nhiều. Lúc thì gói mì tôm, cái bánh, cốc bia, lúc thì chén rượu, điếu thuốc lá… Chẳng khi nào quán vắng khách. Đến đây, nhiều khách hàng thích nhất là được đọc sách báo của chú Thọ miễn phí.
Người như chồng tôi, đến lúc cũng biết tính lãi suất cái này mười phần trăm, cái kia hai mươi phần trăm. Ai bảo chú Thọ chỉ biết đọc sách chứ không biết buôn bán? Anh Thọ bắt đầu biết pha cà phê, nước hoa quả cho khách, chẳng bù cho ngày nào cơm canh không biết nấu mà ăn. Tôi đi làm về, chỉ phụ bán với anh được vào ban đêm.
Tuy nhiên, đôi khi khách đến quán không phải để mua hàng mà để la cà chơi bời, tán nhăng tán cuội, để đọc báo, hoặc đánh cờ miễn phí. Cùng với thói chịu nợ của dân tình xung quanh khiến dần dà chủ quán rơi vào cảnh mệt mỏi, chán nản. Anh buồn rầu bảo tôi: “Chừng này tuổi rồi vẫn phải đi phục vụ vài kẻ ất ơ, kể cả mấy thằng du đãng, du côn trong làng nữa. Tiền thì chả thấy đâu, chịu nợ thâm hụt cả vốn. Lúc nào cũng tiếc thời gian, thèm đọc, thèm xem, thèm viết, vậy mà bây giờ nhàn tản không ra nhàn tản, bận vớ bận vẩn. Cả ngày nát vụn hết”.
Nhiều nghệ sĩ đến chơi khuyên anh nên kiếm thu nhập thêm bằng chính nghề nghiệp của mình, không cần phải bất mãn với ai. Chú Việt, chú Đồng – bạn anh bảo: “Những người viết như anh ở tỉnh này đếm đầu ngón tay. Chỉ vài người làm được như anh. Còn bán hàng, bán quán thì ti tỉ. Thằng trẻ con hay bà cụ già cũng bán được. Sao đến mức anh phải bỏ nghề làm vậy?”
Anh suy nghĩ nhiều ngày. Nhân lúc xe ủi đến ủi cả quán đi để làm đường thì anh như đi vào ngõ cụt. Cái quán bị đổ sau cơn bão mấy tháng trước. Anh và anh Thứ (bạn anh) mới dựng được lại, nay làm đường EC, người ta lại san ủi mất, anh băn khoăn không biết phải làm gì để lấy tiền nuôi con ăn học. Muốn chăn nuôi, trồng trọt thì chả còn đất nữa mà làm. Thời điểm này, lương nhà nước đã chuyển đổi theo sự trượt giá của xã hội, anh chỉ được lĩnh ba trăm sáu mươi ngàn đồng mỗi tháng, đủ chi dùng tằn tiện cho riêng anh. Lương tôi chuyển sang bậc mới là hai trăm chín mươi ngàn đồng. Cộng tất cả lại, cả gia đình sống vẫn rất eo hẹp, thiếu thốn. Anh quyết định trở lại làm nghề của mình, nhưng làm tự do chứ không về Sở Văn hóa nữa. Lại ngày đêm nghiên cứu, tư duy để viết kịch dài, kịch ngắn cho cơ sở chuyên ngành như y tế, quân đội, môi trường, thành đoàn, xăng dầu hay các huyện thị trong tỉnh.
Anh đi nhiều hơn ngày còn làm nhà nước. Nhà nghèo làm gì có xe máy đi. Lúc nào cũng lóc cóc cái xe đạp Thống Nhất. Khi xã Hùng Thắng có đường to, lại có điện lưới, tiến tới chắc sẽ có cả nước máy. Dân nơi khác bắt đầu vào đây mua đất làm nhà. Có người hỏi mua của nhà tôi một suất đất, chiều ngang bốn mét, chiều dài từ ngoài đường vào chân đồi là hai mươi mét. Họ trả hai mươi triệu đồng.
Vợ chồng tôi nghĩ chả giữ đất làm gì trong khi mình quá nghèo khổ. Nếu để trồng trọt thì chỗ này đất cằn cỗi, chẳng làm nổi. Chỗ màu mỡ chân đồi nay đã là nền đường đi của xã rồi. Anh bàn với tôi bán đi để mua cho anh một cái xe máy, đi làm xa đỡ khổ. Đi xe đạp vừa bị đối tác coi thường, vừa mệt mỏi thân xác. Mà xét về kinh tế thì khi mua toàn bộ mảnh đất này là hai ngàn mốt đồng, lúc ấy giá trị bằng một chiếc hon đa năm mươi màu đen ở Sài Gòn ra. Những chỗ mất đi rồi thì cho qua. Nay mình còn lại tất cả là hai mươi mét chiều dài, sâu gần hai mươi mét. Vậy có cắt ra bốn mét dài bán đi thì vẫn còn mười sáu mét dài. Suy ra, một cái xe hon đa nhãn DD đỏ do bán khoảnh đất lần này cũng là đủ vốn mua cả vạt đất.
Vợ chồng tôi nhanh chóng quyết định. Tôi cố nèo thêm hai triệu nữa nhưng họ chỉ trả thêm một triệu. Anh thích cái xe ĐĐ đỏ của người mua. Thế là chú này gán luôn cái xe, tính giá là mười tám triệu. Cùng với ba tờ đô la Mỹ màu đỏ, trị giá khi ấy bằng ba triệu đồng. Cầm ba tờ ngoại tệ tôi vừa thích vừa hoang mang vì không biết là tiền thật hay tiền giả vì từ bé đến giờ tôi chưa khi nào trông thấy đô la Mỹ.
Gia đình tôi đỡ khổ hơn từ khi anh nghỉ hưu. Tuy nhuận bút lúc ấy còn ít, làm thì bị trừ đầu bớt đuôi, nhưng dù sao cũng đỡ hơn hồi còn trồng rau nuôi lợn. Thời gian này, bố anh đã về quê ở với các chị vì sức khỏe yếu, lại sợ chết xa quê. Anh sắm thêm được cái đài Mê- lô- đi- a của Nga cũ do một người bạn để lại. Giá tiền bằng bán đi một con lợn trên năm mươi kilogam. Thế là đời sống cơ bản được nâng cấp về mặt tinh thần. Nhưng chưa được bao lâu thì đài bị cháy. Do một cơn mưa giông to, sấm sét đầy trời, anh không để ý rút điện nguồn ra nên Mê- lô- đi- a đã bị sét đánh. Thế là toi một con lợn nuôi sáu tháng trời công phu.
***
Tôi nghĩ lại cuộc sống vất vả của hai vợ chồng. Nếu không bán mảnh đất nào từ lúc mua đến giờ có phải nhà tôi đã trở nên giàu có không. Anh an ủi đấy là “lộc trời”. Trời cho ai đến đâu thì người đó được đến đấy. Trời cho vợ chồng tôi có vậy thì hưởng vậy. Vui vẻ mà sống.