Đào ao thả cá không thành, trồng trọt, chăn nuôi gà, ngan, lợn, chó gà chẳng xong, đi buôn hay làm thêm không nổi, tôi nghĩ đến chuyện đổi nghề. Nghề tay trái có thể là nghề may chẳng hạn. Cái nghề này tôi yêu thích từ khi còn nhỏ. Áo quần tôi mặc đều tự cắt lấy và khâu tay. Hai cái mông quần sờn rách tôi cắt lại đổi chỗ rách xuống khoeo gối, lộn trái ra khâu lại từ đầu để được cái quần âu mới. Quần áo của mẹ tôi và em Nga gửi ra cho, tôi cũng biết cắt sửa cho các con mặc. Nhưng khâu tay vất vả và mất nhiều thời gian nên tôi luôn ao ước có được cái máy khâu. Lúc ấy, một cái máy khâu mới của Trung Quốc loại “Con bướm” giá là một chỉ rưỡi vàng. Làm sao tôi có được?
Một hôm, bạn chồng tôi tên là Ngọc đến chơi. Ngọc là trưởng đoàn kịch nói Quảng Ninh. Cậu ngỏ ý muốn ở mảnh vườn nhà tôi. Vợ chồng tôi liền mời Ngọc về cùng ở cho đỡ heo hút.
Khu này lúc ấy rất vắng vẻ. Từ nhà bà Rồng là đến nhà tôi, ở giữa là đoạn đường tối tăm, một bên là biển, một bên là đồi. Cho nên, có thêm người ở thì cũng mừng. Tôi chỉ yêu cầu trả giá mảnh đất bằng một cái đầu máy khâu, như thế là vừa nhượng vừa cho. Cuộc thỏa thuận nhanh chóng xong xuôi, nhưng Ngọc yêu cầu phải ở vào giữa vườn, sát nhà tôi chứ không ra mép đồi gần nhà bà Rồng. Lúc ấy, chẳng có thị trường bất động sản như bây giờ. Tôi đồng ý cho Ngọc vào giữa vườn và sở hữu mảnh đất có diện tích ba trăm mét vuông (rộng mười mét, sâu ba mươi mét). Lúc này, mảnh đất nhà tôi đã đẹp dần vì đất trên đồi được hạ thấp xuống lấp biển làm đường. Khu đất được rộng thêm ra chứ không còn là ba trăm sáu mươi mét vuông nữa. Ngọc và vợ là Mai đem đến cho tôi một cái đầu máy khâu không phải như tôi mong ước mà là cái đầu máy khâu mác Nhật đã vứt ở bãi rác từ lâu, do thủy thủ trên tàu viễn dương đem về bán rẻ, gọi là hàng cáy.
Cái đầu máy khâu sứt sát sơn, han rỉ không quay được nữa. Nhưng giấy tờ đã ký rồi. Giấy còn ghi rõ là “tặng bạn”. Vợ chồng tôi đành ngậm ngùi chấp nhận.
Lúc đó, M. H. cạnh nhà có một cái máy khâu quay tay của Nga. Mụ đòi cũng đám đất ấy đổi máy khâu nhưng phải các thêm ba mươi đồng nữa nên tôi đành nhận “quà tặng” lại của Ngọc và Mai vậy.
Cầm cái máy khâu han rỉ, cũ rích đó, tôi ái ngại không biết phải làm sao. Chồng tôi liền nhờ anh bạn là Ngọc Hưng sang giúp. Anh Ngọc Hưng làm nhạc công nhưng có nghề tay trái là thợ may. Anh lau chùi han rỉ, khởi động máy khâu và hướng dẫn sử dụng sơ bộ cho tôi. Sau đó, tôi về Hải Phòng, nhờ em Hùng dẫn đi mua cái chân máy khâu để lắp vào, mất thêm mười hai đồng. Tôi sang nhà bà Cải mò mẫm học nghề. Bà Cải là thợ vườn nhưng khá lành nghề. Bà bảo đến đâu tôi làm được đến đó. Đám đất có cái ao thế là của nhà Ngọc - Mai.
Bẵng đi ít lâu, vợ chồng Ngọc - Mai chuyển đi Hải Phòng sinh sống. Có một người ở Tuần Châu sang đòi cắm cọc chia đất. Hỏi ra thì mới biết Ngọc - Mai đã bán cho người này mảnh đất với giá hai chỉ vàng mà không hề nói gì với vợ chồng tôi. Thật là “tin bạn thì mất bò”. Bạn muốn ở với mình, tôi vừa bán vừa cho, còn bạn thì đối xử với mình như vậy. Đám đất nhà tôi bị cắt vụn thành ba mảnh: phần nhà tôi ở, tới nhà hàng xóm, rồi tới vạt đồi con con xấu xí, nhiều dốc đá gần nhà bà Rồng.
Thời điểm này, Quỳnh – cháu gọi chồng tôi là chú ruột đang làm công nhân địa chất ở cơ quan tôi, thường về nhà tôi ăn nghỉ. Quỳnh yêu bé Yến - cháu ông Viên cuối xóm. Vợ chồng tôi tính cho Quỳnh đám đất gần nhà bà Rồng để sau này lấy Yến thì ở gần chú mợ. Chúng tôi cũng nói cho nó dự định ấy. Vài tháng sau, có người báo tin cho vợ chồng tôi biết Quỳnh đã gọi người bán mảnh đất lấy nửa chỉ vàng. Tôi gọi cháu lại hỏi việc này. Cháu trả lời ráo hoảnh: “Chú cho cháu, không ở thì cháu bán để uống rượu”. Quỳnh nghiện rượu nặng. Chồng tôi mắng nó và bảo là cho để ở chứ không cho để bán uống rượu. Sau đó, có người ở Tuần Châu sang hỏi mua đám đất. Vợ chồng tôi nhất trí bán với giá ba trăm năm mươi đồng. Anh bảo bán đi mua cho anh một cái ti vi. Khi ấy, ở nước ta mới chỉ có ti vi đen trắng, mà rất khó mua. Điện thì có của xưởng đóng tàu phát rồi. Cả xã chỉ có hai nhà có ti vi đen trắng là nhà ông Cao - chủ lò mì sợi và nhà Hiền - Chính. Tối đến, họ trải chiếu ở sân, trẻ con, người lớn đến chật sân xem nhờ. Nhà tôi thường phải cơm nước sớm cho anh và Quỳnh Mai vào nhà Hiền - Chính xem ti vi. Anh bảo: “Tủi thân lắm. Mang tiếng là thằng văn nghệ sĩ mà cái đài chẳng mua được mà nghe, ti vi chẳng có mà xem. Quá khổ!”. Thế là tôi đồng ý bán đám đất. Rồi về Hải Phòng nhờ Tuấn - Tâm mua ti vi giúp. Tuấn - Tâm chưa tiện mua ngay được. Để giải quyết việc nhanh gọn, tôi đồng ý với sáng kiến của Tâm, mua lại của hai em cái ti vi Sam Sung đen trắng đang dùng. Em ở Hải Phòng tiện lợi hơn, sẽ mua sau. Ti vi ấy đã dùng được hai năm rồi. Tôi còn ba mươi đồng nữa, liền mua một cái súp ngăn tơ để tăng điện lên cho đủ xem. Thế là nửa non mảnh đất tôi đổi được một cái ti vi đen trắng cũ và một cái đầu máy khâu hàng cáy. Chúng tôi còn lại mảnh đất là bốn trăm hai mươi mét vuông nữa nhờ khai hoang lấn biển.
Từ lúc có ti vi, chồng tôi phấn khởi ra mặt. Đầu tiên thì vui, lâu dần thành gánh nặng. Bởi vì tối nào cũng phải bê ti vi ra hiên, trải chiếu, kê ghế cho hàng xóm xem nhờ. Cứ tối đến là sân nhà tôi đông kín người. Nhiều lúc mệt mỏi muốn tắt đi nghỉ sớm cũng khó. Người ta cứ ngồi ì ra đấy. Mình lại nể. Suốt thời gian dài phải tiếp khách bất đắc dĩ. Họ đến xem đông, rồi bàn luận, chuyện phiếm thì nhiều. Có lúc, đoạn phim đang hay, tiếng họ nói oang oang át cả đi, chẳng nghe được gì. Hàng xóm đến, đâu phải ai cũng lịch sự, rảnh rỗi. Người thì cầm theo miếng cơm cháy đang ăn dở, người thì tanh lòm mùi cá vì vừa đi chợ về chưa kịp tắm táp đã chạy sang xem bộ phim dài tập đang chiếu dở hay ngó cái mặt cô diễn viên yêu thích hoặc đôi khi để nghỉ ngơi một chút. Người thì vác cả cháu đi theo. Tiếng trẻ con quấy khóc ỏm tỏi, tiếng nựng, nạt cháu ầm ĩ như chợ vỡ. Hai con gái tôi bị ảnh hưởng học hành vì tiếng động ti vi thì ít mà tiếng hàng xóm nói chuyện sát tai thì nhiều. Đến lúc, cái ti vi thành một thứ tội nợ. Chúng tôi không biết cất giấu vào đâu, hay quản lý thế nào cho khỏi mang tiếng “ích kỷ”, “bo bo”... Thỉnh thoảng, bất quá phải cáo ốm và nghỉ bật ti vi. Nhưng vài người hàng xóm rỗi việc vẫn gõ cửa vào hỏi thăm và gạ bật cho xem… Đến khi, đời sống dân tình khá lên, vài nhà bên cạnh bắt đầu mua được ti vi thì nhà tôi mới yên thân dần.
Cạnh nhà tôi, có cô Lan bống, chuyên nghề bán cá, đặc biệt là cá bống. Cứ tối đến là cô ấy bật băng nhạc. Tiếng nhạc vàng xập xình ầm ĩ đến tận đêm, đau hết đầu hàng xóm.
Chồng tôi ngao ngán bảo “Đời thằng nghệ sĩ nghèo không bằng cô bán cá”. Rồi anh kể chuyện mua cái đài đầu tiên trong đời cay đắng thế nào. Hồi ấy, anh mới tốt nghiệp đại học ra trường được ít năm. Vốn ao ước một cái đài để vừa nghe tin tức, vừa nghe nhạc nhưng không có tiền mua, lại chả ở đâu có mà bán. Nhân dịp đi diễn ngoài Móng Cái, anh bán cái xe đạp của mình đi, định bụng sẽ tìm mua cái đài bán dẫn con con để nghe. Rồi cũng mua được đài bán dẫn một băng của Trung Quốc. Nhưng chưa nghe được tí nào vì ngoài đó không bắt được sóng của đài phát thanh Việt Nam mà chỉ có sóng của đài Trung Quốc. Nhưng mua là được. Anh và vài người bạn cùng đoàn đều vui mừng. Ngày về, trưởng đoàn bảo anh sang xe tải chuyên chở đạo cụ, phông màn, phục trang biểu diễn để ngồi. Anh thấy lạ nhưng cũng nghe theo. Xe chở diễn viên đi trước, xe tải chở đồ đi sau. Về qua một chặng đường thì xe tải bị công an ách lại. Họ nói là kiểm tra xe vì nghe báo có hàng lậu. Anh thật thà bảo “Không có hàng lậu đâu, chỉ tôi mua cái đài Xiêng Mao một băng để nghe tin tức và nghe nhạc thôi. Thế là công an lập ngay biên bản thu giữ đài rồi bảo cứ về đoàn giải quyết sau. Bị thu mất đài, anh và Minh Hưng đang chưa hết ngơ ngác bực tức thì công an còn bảo: “Có mà các anh chỉ nghe đài địch”. Anh cay đắng mà không làm sao được. Về đến đoàn, mới biết lão. M. trưởng đoàn chèo đi xe trước báo công an để thu giữ cái đài của diễn viên mình chỉ vì ghen ăn tức ở. Người trong đoàn kể lão buông lời cay cú: “Trưởng đoàn còn chưa có đài nghe, diễn viên ti toe học đòi thói trưởng giả”.
Về đến đoàn ít hôm anh cùng một số anh em diễn viên xuất sắc của đoàn được cử đi vào miền Nam phục vụ bộ đội, gọi là “Đội văn công xung kích”. Ngày ấy, miền Nam là nơi chiến trận ác liệt, đã đi coi như nắm chắc cái chết trong tay tới chín phần. Thế nên, lãnh đạo hết sức chăm sóc, động viên. Tỉnh ủy còn tổ chức gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ, hỏi xem ai có nguyện vọng gì trước lúc lên đường thì Tỉnh hứa sẽ giúp. Nhiều người xin tăng lương và gửi lương về cho cha mẹ ở quê. Chồng tôi thì kể chuyện cái đài mua ở biên giới, trên đường về bị công an thu giữ. Anh muốn được trả lại và nhờ Tỉnh gửi về cho bố đẻ anh ở quê để an ủi cụ lúc tuổi già. T. Q.L. Một lãnh đạo tỉnh khi ấy bảo: “Việc gì chứ việc ấy thì đơn giản. Đồng chí cứ yên tâm ra đi hoàn thành nhiệm vụ, Tỉnh sẽ đáp ứng yêu cầu này”.
Sau hai năm anh trở về. Qua bao nhiêu bom đạn mà may mắn vẫn sống sót. Nhưng khi đi thì sáu mươi kí, khi về chỉ còn ba bảy kí, trong người đầy ký sinh trùng sốt rét. Về đến Nghệ An, anh xin tách đoàn, rẽ về qua nhà thăm bố. Đi đến cầu Bùng, bom bỏ như trút, thế rồi cũng thoát. Bố và các chị đón anh trong vui mừng và yêu thương vô hạn. Anh hỏi bố:
- Đài còn nghe tốt không thầy?
Bố anh ngơ ngác hỏi:
- Đài nào?
Hồi ký Thời xuân sắc
- Đài mà Tỉnh ủy gửi về cho thầy ấy. Con mua mà.
- Chẳng có đài đóm nào cả.
Lúc ấy anh mới à ra bao nhẽ đời.
Nỗi buồn và sự thất vọng đeo bám khi trở lại Quảng Ninh. Lúc ấy, đoàn văn công sơ tán trong rừng núi Hoành Bồ. Đội văn công xung kích được lãnh đạo Tỉnh gặp mặt khen ngợi. Anh rẽ về quê nên chẳng được gì. Những bằng khen, huy hiệu Trường Sơn kể cả giấy chứng nhận đi B không biết ai giữ. Từ bấy đến nay chẳng ai nhắc nhở đến công lao của những người văn công đi phục vụ chiến trường hồi ấy, một lần gặp mặt cũng không.
Anh ngậm ngùi vì lối sống thật thà của mình. Không biết buôn gian bán lận, không thủ đoạn lừa lọc nên ôm mãi cái nghèo. Nhiều đứa nghệ sĩ đã đi tỉnh nọ tỉnh kia thì biết tận dụng mọi cơ hội để buôn bán sản vật, như buôn chè, thuốc lá, tem phiếu thực phẩm, hoặc gạo thóc… Còn anh, đến đâu cũng chỉ biết dồn tâm vào chuyên môn của mình. Nếu có thời gian rảnh, phải chờ đợi đến tối mới diễn thì kiểu gì cũng tìm một chỗ yên tĩnh vắng vẻ để đọc sách, tích lũy kiến thức. Kiến thức thì nhiều, sự trong sạch cũng thừa nhưng tiền và mánh lới thì luôn thiếu và đôi khi xa lạ. Bởi vậy mà chỉ ao ước mua được một cái đài cũng vô cùng khó khăn. Cho nên, bây giờ có bán cả một suất đất ở để mua cái ti vi, anh cũng thấy thỏa lòng.