Tôi theo vợ chồng Hiền - Chính ở xóm trong đi “đánh gạo bám mích”. Công việc đó có đặc thù là tàu gạo do nước bạn tài trợ vào cảng nhưng không vào hẳn mà đỗ ngoài khơi. Các xà lan xếp hàng xung quanh tàu để nhận hàng đưa về các tỉnh. Trên đường xà lan đi thì có các mủng con bám theo gọi là “bám mích”. Xà lan tuồn gạo xuống bán cho các mủng. Các mủng chèo vào bờ, đem lên bán cho dân gọi là bán “chui”. Sự mua bán này mà bị các nhà chức trách phát hiện là vào tù bóc lịch chứ chả chơi. Ở làng Hùng Thắng này, dân chài đông, đi thuyền giỏi nên các vụ buôn bán kiểu vậy xảy ra nhiều. Chủ tịch xã Tợ biết nhưng bảo: “Dân tình đói quá thì phải để cho họ buôn bán, chứ không lấy đâu ra gạo mà ăn. Miễn là dân làm giấu giếm một tí, đừng dâng ra trước mắt các nhà chức trách”. Rồi đến ông ta cũng phải mua về để cho con cái ăn chứ trông mong vào sổ bao cấp nhà nước thì thiếu đói và khổ sở, chịu không nổi. Một tháng mỗi người chỉ được từ 3 đến 5 kilogam gạo, còn phải mua độn bằng ngô khô, lúa mạch và bột mì. Nhà Hiền - Chính giàu có. Hai vợ chồng cùng nghề giáo viên, nhưng chơi với họ thì mới thấy họ ma mãnh trong mọi thủ đoạn để kiếm tiền. Thứ nhất, họ nấu rượu lậu. Hồi ấy nhà nước cấm nấu rượu nhưng cái gì cấm mà họ làm là thắng. Họ thiết kế những bộ ống đồ nghề làm giảm mùi thơm. Thiết kế cổng nhà đặc biệt để khi có người gõ cổng là trong nhà đã cất dọn hết đồ nghề và tang vật. Pháp luật cấm, họ vẫn nấu và vẫn thoát. Cất được rượu, họ giao bán chui cho các quán quen thuộc. Bỗng rượu họ dùng để nuôi lợn. Lợn ăn xong bỗng cứ lăn ra ngủ. Lợn của họ lớn nhanh như thổi, lại giảm được khẩu phần lương thực.
Thứ hai, là việc bám mích. Vợ chồng Hiền Chính có tiền vốn, nhưng người chèo mủng thì lại nghèo chả có đồng nào nên họ “ra vốn” cho những người thuyền chài này. Tất nhiên, đó phải là những người thân thiết, tin cậy. Mủng chèo ra biển bám xà lan gạo, cuộc mua bán rất nhanh gọn. Họ chở mủng gạo vào bờ bốc lên nhà rồi bán lẻ cho dân. Khi tàu gạo tới, dân tìm mua gạo rất đông. Cuộc mua bán một mủng gạo chừng hai mươi bao, loại 50 kilogam diễn ra nhanh chóng trong vòng nửa ngày hoặc một ngày là hết.
Thời gian đó, Hiền bị đau thần kinh tọa không vác được gạo. Hơn nữa, cần thay đổi địa điểm tập kết gạo và bán lẻ nên vợ chồng họ bàn với nhà tôi. Tôi băn khoăn rồi cũng nhất trí. Tầm một - hai giờ sáng, Hiền ra nhà gọi tôi:
- Bác Thủy - Thọ ơi, mở cửa đi lấy hàng.
Anh Thọ thì không tham gia rồi, nên ôm con ngủ. Còn tôi theo Chỉnh xắn quần lội bùn ra con lạch trước cửa nhà. Mủng gạo đỗ sẵn ở đó. Hiền trèo lên mủng để nhận hàng. Tôi và Chỉnh vác gạo lội bùn lên nhà tôi để. Tuy chân thụt bùn chừng lưng bắp nhưng tôi quen bốc vác từ nhỏ nên cứ đi băng băng. Kiểm bao xong, Hiền và Chính ra về. Giao cho tôi ở lại trông nom và hôm sau bán hàng. Những ngày mích gạo vào, tôi phải xin cơ quan cho “nghỉ ốm”.
Cuộc buôn bán lẻ này chỉ diễn ra trong ngày là hết gạo. Người đi mua toàn là người nơi khác đến. Họ thì thầm dò hỏi từng nhà: “Có gạo bán không?” “Vào đây”
– Tôi trả lời. Rồi họ truyền tai nhau và lũ lượt kéo đến. Nhanh gọn, nhẹ nhàng, bí mật.
Cuối ngày, Hiền vào thu tiền. Trừ tiền vốn của Hiền, lãi chia đôi. Vì một thằng bỏ tiền vốn ra. Còn một thằng (là tôi) bỏ công sức ra để bán.
Mỗi lần như vậy, tôi kiếm được gần nửa tháng lương. Mừng một thì lo mười. Để có lãi nhiều thì phải dựa vào mánh khóe. Thực ra tiền lãi ít thôi nhưng có thêm tiền gian lận. Thủ đoạn của Hiền là nhà nó có hai cái cân treo, loại năm mươi kilogam và một tạ. Khi mua, nhận hàng của mích mủng thì nó cân cái cân tạ. Cân này hơi nặng. Mỗi mẻ cân nhấc lên nó đã lợi được từ một đến hai kilogam rồi. Nhưng khi bán thì nó cân cái cân năm mươi kilogam. Cái cân này hơi nhẹ hơn thực tế nên cứ cân một mẻ là đã lời được từ một đến hai kilogam. Thế là, một tạ gạo ngoài tiền lãi được lời được bốn kilogam gạo tiền gốc. Đi buôn kiểu bám mích như vậy hai lần là tôi từ chối rút lui, không làm cho Hiền nữa. Nhưng rồi cuộc sống vô vàn thiếu thốn và đầy rẫy gian khó lại khiến tôi trăn trở. Trồng rau thì nước biển dâng lên ngập vào vườn ngấm mặn, chết hết. Nuôi lợn gà thì thất bát đằng lợn gà. Nào dịch bệnh, mất trộm, bão gió, xổng chuồng… Vạn thứ tai ương ấy khiến tôi luôn sống trong trạng thái không yên ổn. Chồng thì đi vắng triền miên. Một mình tôi xoay sở với công việc cơ quan, chăm hai đứa con và bố chồng đã đủ hết hơi. Việc vườn tược và những khó khăn thất thường khiến tôi kiệt sức, bất lực. Mà hễ nhà có sự gì là y như rằng bố chồng tôi có thơ về sự ấy ngay. Dưới đây là một trong những mẩu thơ như vậy:
MẤT GÀ
Tân Dậu đầu năm mất một gà
Cùng mười quả trứng nó không tha
Bê cả ổ gà còn đang ấp
Ăn có sướng không mấy chú cà
(Cà: cà bông – đứa ăn cắp)
Ăn có sướng không mấy chú cà
Ông mà tóm được, ông chả tha
Dần cho mấy gậy là ra tuốt
Ra cả thịt gà lẫn xương gà
LỢN CON VỌT CHUỒNG
Con lợn con kia có biệt tài
Nhảy cao, nhảy rộng, lại nhảy dài
Một phốc đã nhảy lên sườn núi
Tìm kiếm khắp nơi bở hơi tai
LỢN CON GIỎI VÕ
Học võ bao giờ thế lợn con?
Một phốc mày đã vọt lên non
Ông tìm khắp nơi mà chả thấy
Gối ông mỏi rũ, dép ông mòn.
LỢN CON TỰ THAN
Cái cảnh ăn no rồi lại nằm
Mặc dù nhàn rỗi tôi vẫn căm
Cùng đàn anh chị chạy khắp chốn
Hô lớn câu “Tự do muôn năm”
CẢNH CẦM TÙ
Cái cảnh cầm tù thực đáng chê
Lò gạch vây quanh khắp tứ bề
Ăn gì cho sướng bằng phóng túng
Tự do chạy nhảy thực đáng phê
BẢO LỢN CON
Chuồng kín như bưng mày chạy đâu
Gạch mà rơi xuống sẽ tan đầu
Cựa quậy làm gì cho mệt xác
Sống mà an phận, sống dài lâu
MẤT CỦA ĐAU
Gắt gỏng làm chi thế hỡi mày
Mất gà, mất lợn, lại mất cây
Có phải tại tao mà mày gắt
Nhố nhăng, nhăng nhố, thực đến rầy
THỦY THAN
Mày chạy đi đâu, mày trốn đâu?
Làm đầu tao nhức, óc tao rầu
Trăm tám mươi đồng đâu phải ít
Thà được miếng xương đỡ buốt đầu
KHÔNG NGỜ
Thế gian có ai học được ngờ
Cao thế mà vọt được bao giờ
Tìm kiếm đến nơi và đến chốn
Tiếc của hết ngẩn lại vào ngơ
THỦY THAN 2
Mày chạy đi mô, mày trốn mô?
Làm tao tiếc của đến sinh rồ
Vặc cả ông già và bố cháu
Bé Mai vô tội cũng phải cồ.
CHÓ CHẾT OAN
Hai con chó nhỏ đều chết oan
Thủy sợ chó dại, giết tràn cung mây
Con mèo cũng bị chết lây
Thằng Tàu “hảo hảo”, thằng Tây “bồng bồng”
Mặc ai mất của, mất công
Ta được chén đẫy mà không mất tiền
GIẾT MÈO
Con mèo loang kia thực chết oan
Nghĩ lại riêng tao tiếc vô vàn
Tha hồ bầy chuột vào rúc rích
Thiên hạ khen ai khéo lo toan.
BÁN GÀ
Tám chục con gà bán sáu mươi
Buôn bán như cô nghĩ nực cười
Hay nghĩ gà kia cũng dại nốt
Thà rằng thịt quách, được miếng tươi.
***
Một thời gian sau, bạn Chiến – đồng nghiệp, cùng phòng làm việc với tôi rủ tôi đi buôn rau. Nhà Chiến ở gần cơ quan, cũng là ga tàu nông sản chuyển từ Hà Bắc tới. Những đồ nông sản này phần lớn phân phát cho toàn khu vực Hòn Gai, Bãi Cháy, Hà Khẩu. Chiến bảo mua ở đây không phải tranh cướp gì hết. Hàng thì sàn sàn như nhau. Giờ tan tầm cũng là giờ tàu về, mình tới lấy hàng, sáng sớm hôm sau đem ra chợ bán. Lấy rau ở đây rẻ hơn rau ở khu vực trong thị xã, như bên Tuần Châu chẳng hạn. Tôi thấy hợp lý nên nghe theo. Nhưng cả tuần lấy rau bán mà lời lãi chả được là bao, hàng ế cũng nhiều. Chiến ngạc nhiên hỏi tôi:
Cậu buôn thế nào?
Thì lấy về, rấp nước cho rau tươi, sáng ra đem đi chợ bán. Mua trăm rưởi bán hai trăm.
Chiến ngạc nhiên:
Ô, vậy là cậu vẫn cứ để nguyên bó rau thế mà bán à?
Ừ.
Trời ạ, thế thì lãi làm sao được. Buổi tối về, phải cởi từng bó rau ra bó lại. Một mớ rau to như thế phải bó thành hai bó. Mỗi bó bán hai trăm thì mới có lãi được chứ. Bán như cậu thà trồng rau đem cho còn hơn.
Vừa nói, Chiến vừa lấy ra một bó rau nguyên bản thị phạm cho tôi, đồng thời dạy tôi tỉ mỉ việc để những cây rau, lá rau tươi ra ngoài. Bán hết mẻ rau ngày hôm sau thì tôi bỏ nghề. Việc gian dối này không phải lớn nhưng tôi không làm nổi, sự hào hứng bay biến, khát vọng kiếm tiền thêm thắt cho cuộc sống cũng bị thui chột.