Ngày mới mua mảnh đất, có phải nó đẹp đẽ vuông vức như hôm nay đâu. Để có được hai trăm mét vuông chia cho hai cô con gái, giá trị lúc này ngót nghét hai tỷ bạc là biết bao công sức và mồ hôi của hai vợ chồng tôi đổ xuống đấy.
Khi mua, diện tích đất trong giấy tờ là ba trăm sáu mươi mét vuông. Nó chỉ là một rẻo đất men theo chân đồi. Dân ở đây gọi là “đồi đá dựng”. Dải đất lổn nhổn những tảng đá to cỡ một - hai xe xích lô. Nó nằm trên nền đất dốc, hướng ra biển. Đường đi của xóm ngay sát cửa nhà, chia mảnh đất làm hai phần. Phần trên, sát đồi là nhà, có ít cây to như ổi, mít, na, chay. Giữa vườn là đường qua lại của xóm, rộng chừng mét rưỡi. Tiếp xuống, qua đường là vạt đất thấp. Chỗ này dùng để trồng rau. Rồi cuối cùng là mép biển.
Ở đây tuy yên tĩnh, sạch sẽ, mát mẻ nhưng cũng có vô vàn nỗi khổ. Cái khổ thứ nhất là gần hai mươi năm sống trong cảnh không có điện, phải dùng đèn dầu sinh hoạt vào buổi tối. Sau đó, xưởng đóng tàu Cái Dăm cho điện, nhưng điện rất yếu, phải dùng súp ngăn tơ tăng hết cỡ mới tạm đủ sáng. Giá điện thì quá cao. Đến năm 1990 mới có điện lưới quốc gia, nên các con tôi học hành khá vất vả.
Cái khổ thứ hai, là đường đi đắp bằng đất bé tẹo, mấp mô theo triền núi. Sau mỗi mùa mưa, cây dại lại mọc lan ra hai bên đường, mất cả lối đi. Chúng tôi phải phát cây thường xuyên, và dọn đất đá trên đồi trôi xuống lổn nhổn. Ô tô không vào được, di chuyển chủ yếu bằng xe đạp và xe cút kít.
Cái khổ thứ ba là thủy triều lên xuống hàng ngày. Hôm nào nước lớn thì ngấm hoặc tràn vào vườn rau của nhà, lôi dần đất màu ra biển. Rau cỏ ngập nước mặn nên úng hỏng cả. Mỗi lần bão đến thì sóng đánh qua cả vườn rau, vào giữa sân nhà.
Vợ chồng tôi tính đắp một đoạn đường trước vườn rau đổi cho dân đi lại, dùng đường cũ làm sân. Nếu cứ để dân đi qua vườn rau quả của nhà thì thường xuyên bị mất trộm. Lại còn phải thường xuyên củng cố ba lần tường rào thì quá mệt mỏi (rào vườn rau phía cổng, rào vườn rau phía biển, rào sân cổng). Ngày ấy làm gì có tiền xây tường bao, chỉ trồng cây làm bờ rào rồi chặt cây trên rừng về buộc thêm vào, nẹp cho chắc chắn là xong. Thế là ngày nào đi làm về, vợ chồng tôi cũng cuốc đất đồi, xúc lên xe bò cải tiến, chồng kéo vợ đủn, đem ra đổ phía mép biển ngoài vườn rau, rồi vần đá tảng chặn vào chắn sóng. Hòn đá to như cái bàn, cái ghế cũng bẩy dần ra để kè phía ngoài, rồi đổ đất bên trong. Đoạn đường này bao quanh vườn dài đến năm mươi mét, rộng một mét rưỡi, đủ như đường cũ cho dân đi. Sáu tháng sau, chúng tôi làm vẫn chẳng xong. Bà Cải hàng xóm hiến kế: “Em ơi, ở bên Tuần Châu có ngươid đàn ông tên là Độ, suốt ngày đi đào núi lấp biển, người ta gọi là “ông Độ điên”. Gọi là “điên” chứ ông ấy chẳng điên đâu, ăn khỏe, làm khỏe, chỉ phải tội là thích dời núi lấp biển. Em thuê ông ấy đỡ cho. Không mất nhiều tiền lắm đâu.
Chồng tôi đi tìm được ông Độ về. Ông ta là thương binh mà rất khỏe. Có ông ta giúp, chúng tôi đỡ vất vả hơn. Ông ấy hiền lành, làm xong vác đàn ghi ta của anh Thọ ra bập bùng, rồi hát. Ông hát rất hay, nhưng không bài nào ra bài nào. Một thời gian sau, con đường hoàn thành. Chúng tôi rào vườn rau lại, chuyển đường cũ vào sân nhà, đổi cho dân đi ra ngoài, thế là thành công.
Chẳng bao lâu có dự án EC vào xã. Đây là dự án làm đường đi, đào giếng nước và cấp điện cho những vùng quê nghèo. Mới nghe tin dự án, ông Tợ - Chủ tịch xã đã yêu cầu các gia đình ven đường phải dịch vào cho thành đường ba mét, rồi EC đến, tính sau. Nhà tôi sợ mất đất vườn thêm mét rưỡi nên làm đơn với Ủy ban xã xin được mở rộng đoạn đường mới làm của nhà mình ra phía biển thêm mét rưỡi để giữ lại vườn rau trước nhà. Được Ủy ban xã đồng ý, thế là vợ chồng tôi lại tiếp tục lao động.
Công việc là bẩy đá chân kè, đẩy ra mét rưỡi nữa, rồi lại móc đất đồi sau nhà chở ra bằng xe cải tiến. May là đợt ấy có ba chàng cháu ruột ở quê chồng tới nhà tôi ở để đi tìm việc làm là Quỳnh, Lễ, Toàn. Các cháu đều xin vào học nghề và làm ở nhà máy đóng tàu Ba Lan. Trong thời gian chờ việc đã cùng lao động giúp chú mợ. Sau đó, có thêm cháu Quát và Thỏa cũng ra để xin việc làm.
Được các cháu giúp đỡ thì quý quá rồi nhưng thời bao cấp mà lo thêm bằng ấy miệng ăn nữa trong một thời gian dài cũng là điều chật vật với tôi. Anh Thọ đặt vấn đề cấp đỡ làm đường với ông Tợ Chủ tịch xã. Ủy ban hỗ trợ cho nhà tôi số tiền tương đương hai mươi kilogam gạo - giá chợ ngoài. Thêm vào đó, tôi được tổ Lao động xã hội chủ nghĩa ở Ty Thủy Lợi thưởng hai tấm vải ba mét, một màu xanh và một màu trắng. Lúc bấy giờ được công nhận là thành viên của tổ lao động xã hội chủ nghĩa là cao quý lắm. Cả ty chỉ được một tổ. Phần thưởng cho thành viên của tổ chỉ là một tấm vải với năm cái bát ăn cơm nhưng hết sức vinh dự. Tôi còn một tấm vải nữa là do Viện Thiết kế thưởng cá nhân lao động tiên tiến.
Hai tấm vải trên tôi đem vào nhà Hiền - Chính bán được ba mươi đồng, cũng tương đương hai mươi kilogam gạo. Thế là đủ để nuôi các cháu trong tháng đó.
Sau khi hoàn thành đường đi để đỡ mất vườn rau trước nhà, cũng là lúc cơ quan gọi các cháu đi học nghề và làm việc, thỉnh thoảng mới về thăm chú mợ.
Hoàn thành con đường của xã ra rìa biển, vợ chồng tôi rào khuôn viên nhà mình lại cho vuông vắn, cẩn thận. Rồi bắt đầu từ ấy làm ăn theo kiểu tăng gia sản xuất nông nghiệp thêm. Bởi vì lương nhà nước ba cọc ba đồng với vài lạng tem thịt, phiếu đường thì không đủ sống. Nhà tôi khi ấy có năm người là hai vợ chồng, hai đứa con và bố chồng. Hàng ngày đi làm về, tôi cố gắng trồng rau, nuôi lợn. Đêm đến, tôi mới được chăm chúng, vì ban ngày phải đảm bảo giờ giấc và công việc cơ quan. Chủ nhật nào cũng vào trong làng xin phân lợn và phân bắc về để bón cây. Cạnh nhà tôi là nhà nghệ sĩ chèo M H. Nàng là đồng nghiệp với chồng tôi, được chồng tôi giới thiệu mua mảnh đất đó. Hễ thấy tôi gánh phân đi qua, nàng lại ngứa mồm nói đểu rằng:
- Cái con này đến phân nó cũng chẳng tha.
Nhiều lần, nàng hắng giọng ngọt sớt như đang hóa thân trên sân khấu bảo tôi nửa thân mật, nửa giễu cợt:
- A Lầm, A Lầm đi đâu đấy?
“A Lầm” là từ chỉ cô gái người Hoa ở bên khu vườn rau gần chợ Ba Lan. Cô này chuyên đi xin phân các nơi, gánh về trồng rau. Tôi chẳng bao giờ trả lời. Chỉ trách anh Thọ giới thiệu cho người đàn bà điêu ngoa, tai quái ấy ở cạnh nhà mình làm gì cho khổ vợ, mệt con. Hai nhà nghệ sĩ sát vách, khi đi diễn cả tháng họ gửi con nhờ mình giúp đỡ, trông nom, cho ăn uống, hộ tắm giặt. Khi về thì họ lại khinh rẻ ra mặt chỉ vì mình là người lao động, không son phấn, váy áo lộng lẫy, không lên sân khấu múa may quay cuồng như họ. Họ cho rằng nghệ sĩ là người có đẳng cấp hơn và được quyền phán xét, khinh rẻ người khác. Nếu nói ra quan điểm khác là cãi nhau nên tôi lặng im như điếc. Nhưng mụ ta vẫn cố tình khiêu chiến, chửi đổng:
- Siệng ơi, con điếc à?... À, nó câm!
“Siệng” là từ dùng để chỉ người Hoa ngày xưa ở Việt Nam chuyên đi chở phân về trồng rau bán. Tôi tức phát điên, chỉ chực chửi nhau với mụ một trận cho hả. Ở sát vách, tôi thừa biết những chuyện bí mật xấu xa của mụ. Nhưng chồng tôi luôn bảo im cho lành, rồi động tí lại lôi cái câu thơ truyền đời của gia đình anh ra giáo dục tôi:
“Nghe như chọc ruột, tai làm điếc
Giận dẫu thâm gan, miệng vẫn cười”
Anh giỏi, anh nhẫn nhịn được, chứ tôi chả cao đạo vậy để làm gì. Nhưng suy đi nghĩ lại, chửi nhau cũng nào có ích lợi hơn, nhất là hai người đàn bà gần nhà. Thôi thì, cho mụ thắng, tôi cũng chả mất gì. Nghĩ vậy, tôi cứ im thít. Còn mụ ta càng lồng lộn lên chửi tiếp:
- Siệng ơi, mày câm hả con?
***
Vợ chồng tôi bàn nhau đào một cái ao nuôi cá rô phi và trắm cỏ để tăng cải thiện. Công việc được tiến hành. Ngày nào đi làm về chúng tôi cũng cố gắng lao động, nhất là vào chủ nhật. Tôi có thêm cháu Nhân – cháu ruột của chồng tôi - giúp đỡ. Ngày ấy, Nhân học sĩ quan tên lửa ra trường được điều về nhận công tác ở đơn vị trong Hà Lầm, cách nhà tôi mười sáu cây số.
Thế là lại đào đất, đục đá. Càng xuống sâu càng lắm đá. Nghệ sĩ như chồng tôi mà lúc đánh búa tạ phá đá cũng thật ra gì. Chẳng biết anh biến thành cửu vạn từ lúc nào, không còn vẻ thư sinh, ỉ lại như hồi trẻ nữa. Có điều, làm nặng anh kêu đau đầu, ù tai. Nhà sát biển, ngày nào lao động xong anh cũng nhảy xuống biển bơi, tắm cho đỡ mệt. Ai ngờ anh bị thủng màng nhĩ từ dạo ấy, cộng với việc nước biển vào tai không lau sạch thế là bị viêm tai giữa. Cho đến nay, bệnh này đã tồn tại ở anh mấy chục năm, cứ khỏi lại tái phát, mới đây phải đi Hà Nội để mổ tai.
Một thời gian sau, cái ao hoàn thành. Tôi mua cá về thả. Ngày ngày, đổ cám lợn thừa xuống cho chúng ăn. Lúc rảnh rỗi thì ra ngắm chúng. Cũng thích. Nhưng khi anh đi công tác vắng nhà thì thật nan giải. Đêm đến, nghe tiếng động tôi mang đèn pin ra ao, trộm bỏ chạy. Tôi vác đòn gánh đuổi, chúng ném đá lại phía tôi. Sợ vỡ đầu, tôi nép vào gốc cây, bỏ cuộc. Sáng ra, thấy cái lưới còn bỏ đó. Kẻ trộm đã phá rào vào, đem lưới vớt cá, trong khi cá mới chỉ lớn hơn hai ngón tay.
Kẻ trộm chính là tên Thùy – người trong xóm. Nó ít tuổi hơn tôi một chút, chuyên đi trộm cắp gà, lợn, chó trong làng. Ai cũng biết, nhưng chẳng làm gì được. Thế mà đến bây giờ nó lại làm bảo vệ ở trường phổ thông cơ sở. Nó diện đồng phục bảo vệ trông cũng đạo mạo ra phết. Ai bảo đó là tên chuyên trộm cắp ngày xưa!
Chán ngán nuôi cá bị trộm cắp, không giữ được. Đã vậy, ao lại không có nước ra nước vào lưu thông, đến mùa khô hanh nước cạn chỉ còn nửa mét. Cá không lớn nhanh được, thế là ao bỏ không.
Ngoài vài bữa rô phi, cái ao mất bao công sức của chồng tôi đã trở nên vô giá trị. Có lần, bất đồng với anh chuyện vặt gia đình. Hai vợ chồng cãi nhau. Tôi ra gốc nhãn ngồi nói vọng vào nhà, đủ thứ lý lẽ, bực dọc. Một lúc sau, thấy anh hùng hổ vác xẻng ra. Người tôi run lên vì nghĩ anh vác xẻng đánh mình. Nhưng vẫn cố bấm bụng ngồi im, giương mắt xem anh đánh kiểu gì. Tôi gồng người sẵn sàng thế thủ. Bà Cải – hàng xóm đi ngang cổng đứng lại, hốt hoảng buột miệng: “Chết, chú Thọ đánh cô Thủy”.
Anh lao ra bờ ao, phăm phăm xúc đất đổ xuống ao. Tôi đếm được sáu xẻng, thấy anh đứng lại thở hồng hộc. Vậy là cơn tức được trút vào sáu cái xẻng đất ấy. Anh từ từ cầm xẻng đi vào nhà. Tôi bấm bụng cười mà không dám phát ra tiếng.