Cả thời ấu thơ tôi chỉ biết có ông bà ngoại. Ông bà ở xóm Gốc Thông, Mỏ Cọc Sáu, Cẩm Phả ngày nay. Đó là một xóm nhỏ, chỉ có chục nóc nhà lèo tèo, thưa thớt. Nhà ông tôi ở chân dốc, lên dốc là đi vào mỏ than Cọc Sáu. Lúc ấy, ông đi làm nhân viên của mỏ, vừa trực điện thoại hành chính, vừa làm “xi - nhan” cho xe đổ đất đá. Còn bà tôi thì ở nhà nội trợ. Ông bà nuôi một cô giúp việc gọi là con nuôi, tên Liên. Cô này khỏe mạnh nhưng bị ngọng.
Nhà rộng hai gian, còn có cả vườn chừng hơn một sào. Đất chỉ để trồng hoa và cây cảnh. Ông tôi yêu hoa. Mỗi buổi đi làm về, ông thường cầm cốc rượu vừa uống vừa ngắm hoa, vừa ngâm nga câu thơ gì đó mà tôi không thể nhớ được và cũng chẳng hiểu gì. Có những hôm hoa quỳnh nở mà phải trực trên mỏ, ông bê luôn cả chậu hoa lên đó để vừa làm việc vừa ngắm hoa quỳnh. Bà ngoại tôi ngoài việc nội trợ ra, chỉ đi lễ đền, chùa, hoặc đánh bài trong chùa. Tôi hay được đi theo ăn oản, ăn quả, hay bánh kẹo lộc. Ăn xong lại nằm gọn trên chiếu đánh bài của bà mà ngủ như con cún.
Bà nuôi một con lợn và một con khỉ con. May váy, áo cho khỉ, lại còn sắm một chiếc nón lá viền vành đỏ như một chú lính tốt đỏ. Mỗi lần bà thả lợn ra là con khỉ nhảy tót lên lưng con lợn. Lợn hãi, chạy quanh xóm. Khỉ thì cứ bám chặt trên lưng lợn như người cưỡi ngựa. Mỗi khi như vậy, cả xóm được trận cười thỏa thích.
Cuộc sống đang êm ả thì ông tôi nghỉ hưu vì đã bước vào tuổi sáu mươi.
Ông tôi tuổi Thân, lại là anh cả của sáu người em: hai trai, bốn gái. Gồm ông Hổi (bố cậu Dục) là thứ hai. Ông Dưỡng (bố cậu Chí) là thứ ba. Rồi đến bà Phùi (mẹ cậu Châu); bà Mậu ở Hải Phòng (là mẹ cậu Minh), bà Hạnh thứ sáu không có con cái. Cuối cùng là bà Sáng Đê, gọi là Út Đê. Bà là mẹ cậu Cường, cậu Minh, cậu Lợi. Mọi người gọi ông là “Bác Sáng cố”.
Hồi trẻ, với trách nhiệm phải dìu dắt các em, ông lăn lộn đi làm thầu khoán (tức là thầu xây nhà cửa) và sống phong lưu. Thời gian sau, với vốn tiếng Pháp giỏi, ông làm phiên dịch cho người Pháp. Ông từng đi nhiều nước trên thế giới. Mỗi lần về lại mang một giống cây cảnh hoặc giống hoa quý về trồng ở vườn. Tôi còn nhớ loại hoa to như đĩa xôi mà ông gọi là “Mẫu đơn Sinh ga po”. (Ngày nay hoa này được trồng nhiều, gọi là cẩm tú cầu).
Vì có dính tới tí “làm cho Pháp” mà ông phải đi học “cải tạo” sau giải phóng. Ông bảo: “Đi học như là đi tù. Cách mạng giáo dục nhiều lắm nhưng bằng thừa vì ông không bao giờ làm điều gì ác mà phải cải tạo”. Sau sáu tháng được về, ông thuộc loại “phần tử tiến bộ nhanh”, từ ngày ấy được đưa vào văn phòng mỏ than Cọc Sáu để làm việc.
Phải nghỉ hưu do tuổi tác, ông buồn lắm. Không hiểu do yêu quý cơ quan quá mức, do tuổi tác, tâm trạng hay do hiệu ứng của đợt cải tạo mà ông quyết định một việc không thể tưởng tượng nổi. Ông tặng luôn nhà và đất, nghĩa là cái vườn hoa quý ông thường ngày chăm bẵm, nâng niu ấy cho công đoàn mỏ than Cọc Sáu để làm trụ sở công đoàn. Rồi ông về bên Phố Mới (lối đi Cửa Ông gọi là xóm Thái Bình) để ở. Ông ở nhờ nhà con gái nuôi là cô Liên ngọng. Lúc này, cô ấy đã lấy chồng. Ông được mỏ trợ cấp cho ba tháng lương là 120 đồng. Ông gọi các cháu là: cậu Chí, cậu Dục, cậu Châu ra chia hết số tiền ấy. Còn đồ đạc thì gọi hàng xóm để cho, rồi về Hồng Hải ở với các em là ông Hổi và ông Dưỡng. Ông hào hứng tuyên bố: “Từ nay tôi đích thị là vô sản”. Bà tôi không chịu nổi cách hành xử này, đã bỏ hai ông cháu ở lại, đi Hà Giang với người cháu họ, gọi bà bằng cô ruột. Gia đình ông bà tôi trở nên trắng tay và ly tán chỉ trong vòng vài tuần lễ.
Hôm ông quay lại mỏ than Cọc Sáu thì máy ủi (lúc ấy gọi là xe gạt) đã ủi sạch vườn hoa và hai gian nhà của ông. Tất cả chỉ còn lại là một mảng đất đồi bằng phẳng để chuẩn bị xây dựng trụ sở mới. Ông buồn vô hạn, lắc đầu ra đi. Ông bảo họ không biết quý cái giá trị ông tặng mỏ mà phá đi nhanh chóng. Họ chỉ biết có đất chứ không biết giá trị vườn cảnh và hai gian nhà của ông.
Lúc này, tôi mới lên chín tuổi, học lớp ba. Những ngày thơ ngây sống trong vòng tay yêu thương của ông bà không bao giờ còn nữa.
Bà Dưỡng (thím dâu của mẹ tôi) chửi bà ngoại tôi rằng:
“Khi xưa tiền có, gạo còn
Thì em ở lại trông hòm cho anh
Bây giờ tiền hết gạo không
Thì anh ở lại mà trông lấy hòm”.
Mỗi lần bà Dưỡng đọc câu ca dao này lòng tôi đầy thương nhớ bà ngoại.
Ông tôi phải vào ở khu Giếng Đồn (bây giờ là chân dốc bệnh viện tỉnh). Đấy là đất của của ông cho người ta mượn. Nay, ông đòi lại, ở đó trồng rau, khoai, sắn để tự sống, khi chỉ còn duy nhất mười hai đồng tiền lương hưu một tháng. Sau này ông mất, chỗ ấy dân họ lấn chiếm hết.
Tiền lương mười hai đồng thì phải gửi các bà thím để nuôi tôi ăn học. Cuộc sống của ông bắt đầu những ngày cơ cực. Lúc thì ông ở nhà bà Sáng Đê (khu chợ Hạ Long bây giờ), lúc ở nhà bà Dưỡng (cung Việt Nhật ngày nay). Sau đó, ông thuê nhà cụ Hàng Hương ở. Nhưng chỉ đủ tiền thuê một góc để kê chiếc giường cho hai ông cháu ngủ. Sáng ra, ông lại vào vườn trong khu Giếng Đồn. Trên gác nhà cụ Hàng Hương còn có hai hộ thuê. Đó là gia đình ông bà Dưỡng, cậu Chí và nhà cậu Long (họ xa).
Sáng ra tôi đi từ nhà thuê xuống nhà bà Sáng Đê ăn ở và đi học. Tối đến, cơm nước xong thì lại đi bộ về nhà bà Dưỡng tắm rửa, ngủ. Bà Sáng Đê thương tôi nhưng nhà nghèo và rất chật. Chồng bà làm ở bệnh viện, khoa chụp X - quang. Bà sinh được năm người con trai. Chồng bà đi làm cả ngày, tôi gần như không gặp bao giờ. Các cậu thì sàn sàn tuổi tôi nên hay chí chóe, mất đoàn kết. Ngoài cậu cả tên là Ôn ra, thì các cậu bé không ngày nào không đánh nhau với tôi. Tất nhiên mình tôi thua đứt anh em các cậu ấy. Tuy bị ăn đòn suốt nhưng chẳng vì thế mà tôi chịu để các cậu “đè đầu cưỡi cổ”, sai phái những việc bậy bạ. Bị ăn đòn mười thì tôi cũng phải đánh trả lại bằng được một, hai. Cho tới khi bà Sáng Đê phát hiện ra và quát mắng các cậu mới thôi.
Giai đoạn ấy, đầu tôi đầy chấy rận. Người thì ghẻ lở, lem luốc. Quần áo rách rưới. Ông ngoại tôi mải làm vườn, chẳng quan tâm được. Hàng ngày đi học về, tôi vào vườn giúp ông bán rau, hoặc đem rau củ về cho các bà. Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ. Cả ngày chỉ đi chân đất, lấy đâu ra giầy dép mà đi như bây giờ. Làm gì có bít tất, làm gì có khăn, mũ đội đầu. Tối tối, đi từ nhà bà Sáng Đê về nhà bà Dưỡng qua một cửa hàng bách hóa, tôi thường ao ước: “Giá có tiền, mình sẽ mua một quyển sổ để chép bài hát như các bạn, và một cái bàn chải đánh răng cho mồm đỡ hôi…”. Nhưng đó chỉ là mơ ước.
Cuộc sống khổ sở nhưng khi ấy tôi rất vô tư, lúc nào cũng hát. Rửa bát - hát, nắm than – hát, xếp hàng ở chợ cũng hát, chẳng bao giờ nghĩ đến việc trách ai hay thắc mắc tại sao, tại giăng gì.
Ở vậy chừng một năm, ông bà Dưỡng đưa hẳn tôi về ở cùng. Trên ấy thì tôi đỡ khổ hơn. Chấy rận cũng được chải hết. Ghẻ lở được chữa trị. Quần áo bà cũng may cho lành lặn. Hàng ngày đi học về, tôi biết nấu cơm, lau nhà, xách nước lên gác, rồi chẻ củi, xuống biển bắt ốc về đập vỏ ra nuôi gà cho bà, v.v… Tuy đỡ khổ hơn ở dưới nhà bà Sáng Đê nhưng cũng vẫn bị đói khát và bị chửi bới liên tục. Hễ mở miệng với tôi là bà lại bảo: “Chém mày cái đầu!”. Ông thì luôn mồm: “Sư bố con cơm thầy cơm cô” (cơm thầy cơm cô có nghĩa là con ở). Thế nhưng ở đây tôi được bà dạy nấu ăn, dọn dẹp, khâu vá quần áo. Tôi làm sai thì bà mắng chửi chứ không bị ăn đòn.
Bà làm cấp dưỡng ở cảng vụ nên mọi bữa ăn trong nhà đều được chia theo tiêu chuẩn như ở cơ quan. Bữa ăn ở nhà có hai ông bà và hai cậu cháu thì phải chia thành bốn phần. Có bốn con tôm, mỗi người một con. Nhưng đó là bà chia phần vậy chứ phần của tôi luôn bị cậu Chí “xài” mất, rồi “nhường” cháu cái đầu. Cậu vào chạn lấy thêm đồ ăn là bị bà “chém đầu”. Nói vậy thôi chứ bà mặc kệ. Cậu ăn thừa tôi mới có cơ thêm một cái đầu tôm nữa.
Ở đó, ngày nào tôi cũng phải ăn cơm cháy. Bà dạy rằng “Cơm vần phải nhiều than (đun củi) mới ngon. Cơm ngon là phải cháy xém vàng đáy nồi”; “Cơm nạc phần ông phần bà, con cháu phải ăn cơm cháy”. Cậu Chí có bao giờ ăn cháy? Nên một năm có 365 ngày thì 730 bữa cơm tôi đều ăn cháy. Gần chục năm ở nhà bà tôi vô cùng thèm một thìa cơm nạc. Ăn cá thì bà dạy: “Phận làm cháu phải ăn đầu, ăn vây, nhường phần nạc cho ông bà”. Bà dạy đúng, mà tôi cũng thực hiện đúng. Ở nhà bà còn có cơm cháy, có đầu cá, đầu tôm mà ăn. Ở dưới bà Sáng Đê thì cậu một, cháu cũng phải một. Nhưng nhà bà Sáng Đê quá nghèo, lại nuôi những năm cậu con trai nên chả có gì ăn cả. Mua một bát dưa thì phải xin thêm một ít nước dưa muối ấy về. Mỗi cậu chan một muôi nước dưa, cho thêm tí mắm tôm bằng cái đầu đũa, thế là và xong bát cơm. Quay đi quay lại dưa, nước dưa, hay mắm tôm cũng chẳng còn tí gì. Thế nhưng ngày nào cũng đấm nhau vì tội chan nhiều hay chan ít.
Bà Dưỡng quê ở Thái Bình, hay có chị em cho quà là đỗ, lạc, gạo nếp… Bà hay để dành những thứ ấy. Sợ mốc nên hễ trời nắng lại đem ra sân thượng phơi. Mợ Phong ở chung nhà, nhiều lần bốc trộm của bà. Tôi biết mà không dám nói ra.
Một hôm, thấy mợ Phong bốc ít đỗ của bà, tôi liền nổi cơn thèm, bèn bốc trộm một nắm gạo nếp cho vào xoong quấy bột của mợ, nấu thành cơm. Cơm vừa sắp chín thì ông Dưỡng về. Sợ quá, tôi giấu vội vào đống củi, lấy củi đè lên. Nhưng mùi cơm nếp chín thơm nức khiến ông nghi ngờ. Ông vào bếp lục lọi và phát hiện ra xoong cơm ấy. Tôi sợ quá, run bắn người, vội khai ra hết chuyện thấy mợ Phong xúc trộm ra sao. Ông Dưỡng không nói gì. Cậu Phong về biết chuyện, không mắng mợ ấy mà lại đánh tôi. Cậu tát tôi một cái lộn mười hai bậc thang: từ tầng hai xuống đến sân chờ. May là bậc gỗ chứ bậc bê tông như bây giờ chắc tôi đã toi đời. Tôi hận cậu từ đó. Và cũng từ bấy, đói khổ thế nào tôi cũng chịu đựng, không bao giờ tơ hào cái gì ngoài “tiêu chuẩn” bà Dưỡng ban cho.
Thời điểm này ông ngoại không về ở nhà ông Dưỡng mà ở lì trong căn nhà tranh lụp xụp ngoài Giếng Đồn. Thỉnh thoảng, vào chủ nhật, tôi vẫn vào vườn với ông, giúp ông đi bán rau, bán hành, cà chua. Ông nấu cơm bằng cái vấu đất (loại nồi đất không có tai cầm), hấp bên trong là một bát nước mắm có cà chua và hành. Hai ông cháu thường xì xụp như thế. Ông thương cháu, cháu thương ông. Chín, mười tuổi rồi mà ông vẫn bảo: “Ngồi lên lưng ông cho ông cõng một tí”. Tôi thì ngu, cứ nghe thế là cười nhăn nhở, sướng rơn, trèo luôn lên lưng ông ngồi để được cõng đi một vòng ngoài vườn mà không biết thương ông đau lưng, mỏi gối.
***
Mùa hè năm lên mười, tôi được ông đưa về Hải Phòng thăm mẹ. Từ bé đến lúc này tôi chưa hề biết mặt mẹ mình ra sao, ở đâu. Chỉ nghe thấy các ông bà họ hàng nói chuyện với nhau hay có câu: “Tôi thương nó vắng cha xa mẹ…”. Hồi ở mỏ than Cọc Sáu, có lần bà ngoại nói chuyện với ai đó, tôi nghe được phong thanh. Rằng mẹ tôi tên là Kim Bảo. Khi còn trẻ mẹ là một cô gái xinh đẹp. Bà ngoại ruột của tôi sinh được hai người con gái là mẹ tôi và dì tôi. Bà ngoại tôi mất sớm, ông ngoại lấy thêm bà bây giờ. Họ sống với nhau không có con. Ông tôi làm ăn cũng khá giả nên gửi mẹ tôi về Hải Phòng ở với hai bà cô ruột là bà Mậu và bà Hạnh để đi học chữ. Ngày ấy, vùng mỏ này rất lạc hậu, người ta không cho con gái đi học. Họ quan niệm con gái học chữ thì chỉ đi viết thư cho giai. Nên mẹ tôi được học ở Hải Phòng là sánh ngang hàng với các tiểu thư con quan lại.
Còn dì tôi là Kim Vân thì gửi ông bà Dưỡng ở Mạo Khê nuôi nấng. Ngày ấy, ông ngoại chưa lấy bà này. Không biết dì bị bà Dưỡng mắng chửi thế nào mà bỏ đi khi mới lên chín tuổi, rồi mất tích. Lại đúng vào năm đói 1945. Sau này không sao tìm thấy. Mọi người đoán chắc dì chết đói cùng dân tình ngoài đường.
Đi học ở Hải Phòng, mẹ tôi vào loại đẹp và thông minh hiếm có. Bố tôi lúc ấy đã là ông chủ của tiệm giải khát nổi tiếng và có hai đời vợ. Vợ cả là mẹ anh Đạt (giờ di cư sang Mỹ). Vợ hai là mẹ anh Nghĩa. Bà này bị điên nên bố tôi bỏ và lấy mẹ tôi là thứ ba. Nhưng giấy tờ đăng ký kết hôn thì mẹ tôi vẫn là vợ cả. Mẹ tôi trở thành bà chủ cửa hàng giải khát lớn ở Hải Phòng. Ông bà nội tôi là ông bà Bảo Hương chủ hãng bánh khảo rồng vàng nổi tiếng Đông Dương khi ấy. Cô, dì, chú, bác đông lắm. Nhà bố mẹ tôi đã có xe Ford riêng. Mẹ tôi sinh được anh Cường, anh Phong, rồi đến tôi. Tôi sinh ra trong một gia đình “tã viền đăng ten”, có một bà vú già để chăm sóc, một cô vú nuôi để cho bú. Còn mẹ được ăn diện sang trọng, giữ gìn nhan sắc, ngồi ở cửa hàng chuyên việc mỉm cười chào khách hàng và thu tiền. Bà ngoại còn kể khi sinh tôi ở nhà thương, bố đánh xe ô tô với hai thùng sữa, hai bà vú: một vú già, một vú em đến đón mẹ tôi về.
Nhưng cuộc đời không mãi màu hồng.Tôi mới hơn một tuổi, mẹ lại có bầu em Tuấn. Trong nhà, số nhân viên bán hàng có cô Kín (người Hoa) mới 17 tuổi, đẹp mơn mởn. Bố tôi mê cô ta luôn. Mẹ thì ghen. Đôi bên to tiếng với nhau thường xuyên. Lúc này cô Kín cũng đã có bầu em Ký nhưng mẹ thì chưa lộ rõ bầu. Nhân một hôm bạn của bố tôi là ông Sáu đến chơi, mời bố mẹ tôi đi xem hát, bố tôi lấy cớ bận hàng nên cho mẹ tôi và hai con là anh Cường, anh Phong đi xem. Sau buổi ấy, bố đánh mẹ, đổ cho mẹ là có tư tình với ông Sáu. Mẹ nói cùn: “Ông ăn chả thì tôi ăn nem”. Bố liền cầm ghế phang gãy tay mẹ. Thực ra, mẹ không làm chuyện ấy nhưng vì quá tức chồng nên nói vậy. Gia đình tan vỡ. Bố đưa mẹ lên tòa li dị. Tòa án thời ấy xử theo luật ai nhiều tiền thì thắng kiện. Bố tôi đã thắng, và được toàn bộ tài sản, con cái. Mẹ phải đi khỏi nhà tay không.
Ông ngoại tôi là người đau lòng nhất nhưng không biết làm sao. Ông đành về nói với bố tôi rằng: “Xin được nuôi đứa con gái bé bỏng của anh. Tôi cho ăn học tử tế để nó làm bầu bạn với hai ông bà già này. Con anh khôn lớn tôi lại trả anh”. Thế là tôi được ở với ông bà ngoại ngoài Cọc Sáu. Thời điểm này tôi mới tập đi và bập bẹ nói.
Mẹ tôi thì bụng bầu ngày càng to, không nhà cửa, không tiền bạc, may còn giữ được trong người ít vàng trang sức. Ông Sáu là người bạn tốt, nên đã cưu mang, thuê nhà, giúp đỡ vợ bạn sinh nở. Ông ta cũng có vợ con đẹp đẽ, đuề huề. Nhưng rồi từ giúp đỡ dẫn đến có tình cảm và đã lấy mẹ tôi làm vợ lẽ. Bà vợ cả của ông đến đánh ghen nhiều lần. Bà vác guốc cao gót nện vào mặt mẹ tôi thường xuyên. Mẹ tôi chỉ biết cắn răng chịu đựng. Ông Sáu không bỏ được bà nào. Cuối cùng, hai bà đi đến thỏa thuận rằng: ban ngày ông đi làm ở Cảng, trưa tối ăn nghỉ nhà bà hai, còn từ chín giờ đêm cho đến sáng là ông phải về bên nhà bà cả.
Cuộc sống trôi đi.
Bố tôi bán hết cửa hàng, nhà cửa cùng ba anh trai tôi là Nghĩa, Cường, Phong và cô Kín đi miền Nam lập nghiệp. Trước đó, bố đã tìm bắt tôi về để đi cùng. Bà ngoại tôi biết tin liền bế tôi trốn ra đền Cửa Ông ở nhờ bạn bè. Bố tôi chờ, tìm không được đành ra đi vì sợ nhỡ tàu.
Một năm sau, bố gửi biếu ông bà ngoại một thùng quà, trong đó có áo quần cho tôi và khoe rằng đã mở được cửa hàng mới, yên ổn cuộc sống. Sau đó, Bắc Nam chia cắt (năm 1954), ông bà bặt tin bố tôi từ đó.
Mẹ tôi sinh em Tuấn, giống bố tôi và anh Cường như đúc. Ông Sáu nuôi dưỡng cả hai mẹ con chu đáo. Sau, có thêm em Hùng, Thuận, Nga nữa.