Năm mười tuổi, tôi được ông ngoại cho về thăm mẹ. Lần đầu tiên đi tàu thủy thấy sướng vô cùng. Biển nước, núi đá hiện ra tuyệt đẹp. Về đến Hải Phòng, tôi được nhìn thấy rất nhiều tàu to. Phố xá rộng và đông đúc khôn tả. Nhà cao tầng chen chúc khiến tôi nhìn mỏi cả cổ.
Ông ngoại dẫn tôi vào một căn nhà nhỏ trong ngõ sâu, rộng chừng 10 đến 12m2. Trên giường, một phụ nữ trung tuổi gầy gò, hai mắt sâu trũng, da sạm, hai tay hai que đan dài ngoằng ngoáy liên tục. Bà ngẩng đầu nhìn hai ông cháu bằng ánh mắt vô cảm:
- Kìa, ông đã về à? Thủy không chào mợ à?
Tôi ngơ ngác nhìn bà, rồi nhìn ba đứa trẻ con nằm chơi dưới nền đất. Tôi hơi thất vọng. Tôi luôn tưởng tượng mẹ như công chúa, còn bố chững chạc như hoàng tử trong truyện cổ tích. Nhà cửa phải như nhà ông ngoại ngày xưa. Nhưng không phải thế.
Mẹ không âu yếm, ve vuốt như tôi hằng nghĩ. Tối đến, bố dượng Sáu về, cả nhà ăn cơm rồi tôi cũng lăn lóc ngủ vùi với lũ trẻ ở dưới đất. Nhà quá chật, chỉ có mẹ và em Nga được ngủ trên giường. Nga bé tí, còn đang bú mẹ.
Vài ngày sau, ông ngoại về Hồng Gai, còn tôi được ở với mẹ ba tháng hè. Tôi làm quen với các em nhanh chóng. Ngày thì dẫn các em đi vườn hoa công viên chơi cho mát, đến giờ thì về nấu cơm giúp mẹ. Cơm lúc ấy phải ăn độn ngô xay. Một ống bơ gạo thì phải một ống ngô đỏ xay vỡ ra, độn vào. Ngô thì phải ninh trước một lúc rồi mới đổ gạo. Đổ gạo vào mà ngô vẫn còn khô cứng. Do được bà Dưỡng rèn dạy nên công việc nội trợ tôi làm ngon ơ. Tối đến, tôi phụ trách việc tắm giặt cho các em. Tôi nhớ mãi lưng em Tuấn đầy rôm đen sì như những tảng cơm cháy. Xong hết mọi việc, chị em lại đưa nhau đi vườn hoa công viên chơi.
Có lúc, mẹ dạy tôi đan, móc khăn, viền đăng ten. Nữ công gia chánh mẹ rất giỏi. Mẹ còn móc chỉ thành khăn trải bàn có hình hoa cỏ, rồi những cái rèm cửa sổ mẹ cũng móc từ chỉ thành những con hươu, nai, cây cối… Mẹ làm đan len cho công ty xuất nhập khẩu. Chẳng cần nhìn vào sản phẩm mà hai cái tay, hai que đan vẫn ngoáy liên tục, không hề bị lỗi bao giờ.
Thấy tôi có đôi khuyên tai bằng vàng năm lai mà bà ngoại đeo cho từ bé, mẹ bảo đưa đi đánh rỗng cho to ra, đeo đẹp hơn. Tôi đồng ý để mẹ tháo. Đến ngày đi học, phải về Hồng Gai với ông ngoại, tôi hỏi mẹ về cái khuyên, mẹ bảo: “Họ chưa làm xong, cứ về đi rồi ít bữa nữa mẹ gửi ra cho”. Về Hồng Gai, ông ngoại hỏi khuyên tai đâu. Tôi kể lại chuyện. Ông mắng: “Ngu thế! Sao lại cho mẹ cởi khuyên ra? Mất rồi, chẳng bao giờ có lại đâu”. Tôi không hiểu gì cả. Sau này mới biết là mẹ gặp khó khăn, túng thiếu nên dỗ tôi lấy khuyên đem bán. Đầu tiên tôi cũng tức mẹ lắm, nhưng khi gặp khó khăn tôi càng thấy thương mẹ. Có điều đến lúc biết thương thì chẳng còn mẹ mà gọi, chẳng còn biếu mẹ được gì nữa.