Năm 1966, khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, tôi bước vào tuổi mười bốn, học lớp sáu tại ngôi trường cấp hai Hạ Long. Trường nằm bên bờ biển. Vào sáng thứ hai, thầy hiệu trưởng thường đọc những câu thơ như thế này:
“Trường tôi đó, nắng phơi màu rực rỡ
Đẹp vô ngần tựa bên vịnh biển xanh
Nhớ những sớm mai lành
Tôi đã sống những phút thân tình trong ngôi trường đó”.
Ngày thì đi học, tối đến và thứ bảy, chủ nhật tôi được học nhạc ở Ủy ban Thiếu niên nhi đồng của thị xã Hồng Gai (nay là thành phố Hạ Long). Ở đấy có rất nhiều loại đàn. Đầu tiên tôi học đánh Măng đô lin, sau chuyển sang học Violon. Thỉnh thoảng lại được mặc váy đồng phục đi biểu diễn, thích vô cùng. Những ngày sung sướng này kéo dài tới hai năm: lớp 5, lớp 6. Thời gian sau có chiến tranh phải tạm nghỉ sinh hoạt văn nghệ. Trường cấp hai cũng phải đóng cửa để đưa học sinh đi sơ tán vào chân núi Đá Trắng, huyện Hoành Bồ để học tiếp và bảo toàn lực lượng. Ông ngoại không được ở khu Giếng Đồn nữa. Ai không có nhiệm vụ gì trong nội thị thì phải sơ tán ra khỏi thị xã, vào rừng núi hoặc nông thôn để ở. Ông đi sang đồi Cái Lân (nay là khu công nghiệp Dầu Thực Vật Cái Lân) để khai hoang trồng khoai, sắn. Lúc ấy chưa có đường đi sang đây. Vùng này chỉ là một cồn đất như hòn đảo nhỏ. Nước cạn thì lội bùn sang, còn nước to không đi được.
Tôi học cùng lớp với cậu Chí. Hai cậu cháu sàn tuổi nhau nhưng không chơi với nhau, không quý nhau. Cậu Chí có rất nhiều sách truyện mà lười đọc. Tôi thì thích đọc, cậu lại không cho mượn. Lúc nào cậu sơ ý không khóa tủ sách là tôi được đọc trộm. Có lần tức cậu, tôi mở tủ thả dế chọi của cậu đi. Cậu biết thừa là tôi nên ghét tôi lắm. Lần này đi sơ tán, hai cậu cháu phải cùng theo lớp để học cho hết khóa. Trường tôi sơ tán, ở nhờ xí nghiệp sản xuất giấy. Để có chỗ ở, chúng tôi phải kê gỗ lên các bể ngâm giấy và sinh hoạt trên đó. Dù ẩm ướt, hôi hám, mốc meo nhưng chịu hết. Thỉnh thoảng máy bay địch vèo vèo trên đầu. Đó là chúng đi do thám chứ chưa bỏ bom trận nào.
Chỗ sơ tán nằm bên cạnh một dòng suối to như sông. Đêm đến, chúng tôi soi đèn dầu ven bờ đi bắt rạm ăn. Hồi đó, tôi hay chơi với các anh chị lớp trên. Họ quý tôi, thương tôi có hoàn cảnh éo le. Họ cho tôi quần áo, giày dép, khăn đội đầu, chăn ấm… Còn tôi coi họ như anh chị ruột thịt của mình. Hội chơi của tôi có anh Dũng, anh Thái, chị Tí, Kiểm và tôi. Năm người hay ăn chung mâm ở nhà bếp tập thể, hay đi chơi, đi bắt rạm cùng nhau.
Có lần bà ngoại gửi từ bưu điện Hà Giang xuống cho tôi mười đồng, phải nhận mãi ngoài thị trấn Trới. Anh Dũng, anh Thái dẫn tôi đi lĩnh tiền ở bưu điện xa mười lăm cây số. Đi bộ từ sáng tới gần tối mới về tới trường. Khi đi thì đi tắt ruộng cho gần. Thấy đỉa loăng quăng, lúc nhúc bơi theo chân người, tôi kinh hãi, hét lên ỏm tỏi. Anh Dũng và anh Thái phải thay nhau cõng tôi qua những đoạn ruộng. Chiều về, không dám đi đường ấy mà đi theo đường quốc lộ. Lĩnh tiền xong tôi đãi mỗi anh một cái bánh bò (bánh của người Hoa) hết 4 hào. Ăn uống cười đùa, chẳng ai thấy mệt.
Một hôm, hội bạn gọi toáng lên: “Thủy ơi, ông đến!”. Đó là lần đầu tiên ông ngoại đến thăm. Tôi mừng lắm, liền hỏi:
- Ông có mệt không?
Ông bảo:
- Mệt chứ, đi từ hôm qua, đi bộ từ Hải Phòng ra. Ông về Hải Phòng thăm mẹ cháu. Về đến cửa, dượng Sáu đã hỏi: “Ông về có đem gạo không?”. Ông bực quá, liền bảo “Không”, rồi đi ngay. Đi bộ đến thị trấn Quảng Yên thì trời tối. Ông vào một nhà bên đường xin ngủ nhờ. Người ta không những cho ngủ mà còn mời ông cơm, rượu nữa. Cơm no, rượu say, ngủ kĩ, sáng nay ông vào thăm cháu đây.
- Thế sao ông không đi tàu?
- Ông không còn tiền.
Hồi ký Thời xuân sắc
Tôi hiểu rằng ông đã đi bộ sáu mươi cây số trong hai ngày để đến thăm tôi. Thương ông quá mà không biết làm sao. Ông ở chơi một ngày rồi lại đi bộ về Hồng Gai. Dáng ông gầy gò bé nhỏ, chống cái gậy, đội cái nón cũ, đi đôi giày ba ta đã rách, quần áo tơi tả, bộ râu trắng phớ ngắn cũn. Ông phải ra đi mười lăm cây số nữa mới về đến Cái Lân để có củ sắn, củ khoai mà ăn. Nghĩ đến đó tôi thương ông xót ruột. Càng thương ông, tôi càng ghét mẹ và bố dượng.
***
Năm học lớp sáu nhanh chóng qua đi. Chiến tranh vẫn rình rập hàng ngày. Chủ yếu địch bỏ bom trong vùng Quảng Bình, Vĩnh Linh. Chỗ tôi ở lúc đó, nó chỉ đe dọa chứ chưa đánh. Dân ta cảnh giác, vẫn đi sơ tán, vẫn đào hầm, ăn ở trong hầm. Mọi người gọi là “ăn hầm ở lỗ”.
Năm học lớp bảy cũng sắp đến. Bà Dưỡng bảo tôi: “Từ giờ ở nhà. Tao không có tiền cho mày đi học sơ tán. Học sơ tán tốn tiền lắm. Tao chỉ lo được cho mình cậu Chí thôi. Ông mày mỗi tháng đưa tao mười hai đồng chỉ đủ tiền ăn cho mày. Tao lấy đâu ra nữa để mày đi học sơ tán”. Tôi biết lương hưu của ông lúc đó chỉ có mười hai đồng, ông đã đưa hết bà để nuôi tôi, còn ông thì tự trồng khoai sắn, rau cỏ mà ăn.
Tôi thấy đau đớn đột ngột. Cô giáo Thụ, cô giáo Thanh thường cho tôi quần áo. Tuy cũ với các cô, nhưng mới với tôi, dù mặc áo các cô dài đến đầu gối, rộng thùng thình, đi mỗi bước áo quấn hết bên nọ bên kia! Sách vở thì các anh chị lớp tám năm trước đã cho rồi. Khi sự tình thế này, tôi đành cam chịu. Ở nhà rảnh rỗi chả có gì làm ngoài việc cơm nước cho ba người (ông bà Dưỡng và tôi). Không đi học, không đi sinh hoạt văn nghệ ở Ủy ban thiếu niên nhi đồng nữa tôi nhàn rỗi và hết sức trống rỗng. Ông ngoại cũng yếu hơn, không làm vườn nổi, đành về ở với ông bà Sáng Đê. Nhà chật, ông kê phản gỗ ở nhà bếp của bà. Bà dời bếp ra cửa để nấu. Ông tôi đi phá hoang bao nhiêu đất, có bao nhiêu vườn tược nhưng khi già yếu thì lại bỏ hoang hết. Bao nhiêu năm làm thầu khoán giàu có, tới lúc già yếu không có nơi ở, phải ở trong góc bếp của em gái, kê vừa đủ một chỗ nằm, một chiều một mét rưỡi, một chiều vừa hai mét. Nói là giường chứ thực ra đó là vài tấm ván bằng gỗ làm quan tài dự phòng của ông. Ông kê ra để nằm.