Đợt này máy bay địch đánh phá nhiều, tôi tham gia tự vệ. Đến tuổi mười bảy thì phải sinh hoạt Đoàn viên Thanh niên và Tự vệ của khu phố. Nhưng tôi lúc này mới mười bốn tuổi, chẳng ai cho vào. Tôi đành liều khai tăng ba tuổi thành mười bảy tuổi để được vào sinh hoạt Đoàn và tự vệ khu phố. Những ngày đầu khoác khẩu súng trường, nhiều người trêu tôi là “Đồ mét mốt”, đồ “Súng dài hơn người”. Tôi và Chính là hai đứa con gái bé nhất tiểu đội.
Ban ngày, ai nấy đều phải đi làm công việc của mình. Tối đến, cơm nước xong, độ bảy giờ, chúng tôi bắt đầu tập trung học các kiểu như bắn súng, lau súng, cứu thương, đánh trận giả, lăn lê bò toài, tập tiếp đạn. Đến mười giờ đêm đi tuần tra an ninh quanh khu phố. Sau đó, về ngủ trực chiến (ngủ tại trường cấp hai Hạ Long).
Ngày chủ nhật được đem súng đại liên lên trực chiến ở mỏm núi Bài Thơ. Có hôm máy bay địch bay sát mặt nước, thấp hơn từ trên đỉnh núi nhìn xuống. Có lẽ chúng tránh đạn của bộ đội trên các đồi. Chúng tôi bắn xả đại liên sướng tay. Giờ tôi mới hiểu, lệnh bắn đó để thêm lưới đạn uy hiếp kẻ thù, chứ đạn súng đại liên thì làm sao thủng được máy bay.
Trong tiểu đội, nhiều người yêu quý tôi, đó là bạn Chính, chị Trọng, anh Bắc và anh Thịnh. Chị Trọng là nhân viên bưu điện thị xã. Anh Bắc và anh Thịnh là công nhân cơ khí Hồng Gai. Không bao giờ tôi quên được nửa cái bánh mì ca hai của các anh để phần tôi và Chính. Ca hai là ca làm từ hai giờ chiều đến mười giờ đêm. Ai cũng được bồi dưỡng một bánh mì hai lạng rưỡi kẹp thịt. Thời bao cấp đói khổ nên ngày nào ăn tiêu chuẩn bồi dưỡng, các anh cũng chỉ ăn một nửa, còn một nửa đem về nơi ngủ tập trung cho hai bé con tự vệ bé nhất tiểu đội là tôi và Chính. Tôi có cảm giác như đó là hai anh trai đang chăm sóc em ruột mình nên ăn hồn nhiên.
Nhiều đêm không được ngủ, chúng tôi phải nhận nhiệm vụ “đi giải tỏa hàng”. Những xà lan hàng là gạo, bột mì, đường ăn… của các tàu lớn nước bạn mang sang viện trợ cho Việt Nam. Tàu không vào Cảng vì sợ máy bay Mỹ bỏ bom, nên toàn đỗ ngoài vịnh xa, có núi non che chở. Ban ngày, máy bay Mỹ đi tuần tiễu do thám ầm ầm trên đầu nên mọi hoạt động dưới mặt đất lặng như tờ. Tối đến, bóng đêm bao phủ, các xà lan và thuyền nhận hàng từ trên tàu rồi nhanh chóng cập bờ. Trên bờ, các ô tô nhận hàng đã chờ sẵn, cài lá ngụy trang đầy đủ. Chúng tôi lực lượng thanh niên và tự vệ các khu phố làm nhiệm vụ vận chuyển thủ công từ xà lan lên ô tô sao cho thật nhanh gọn. Nếu chậm mà để máy bay địch phát hiện sẽ bị thả bom hoặc bắn đạn rốc két. Như thế, vừa chết người, vừa cháy hàng hóa, lương thực, thực phẩm của nhân dân.
Ngày ấy, không hiểu sức lực ở đâu mà khỏe thế. Tôi hòa nhập vào đoàn người cũng vác bao năm mươi cân. Bao đường, gạo hay xi măng đều đóng năm mươi cân. Cứ hai người ở đầu nâng lên vai cho một người vác. Đi từ xà lan lên bờ chỉ nhờ một mảnh ván rộng chừng ba mươi đến bốn mươi centimet bắc cầu. Rồi lại vác từ bờ mép nước lên đường quốc lộ xa chừng hai mươi đến ba mươi mét. Sau đó, tiếp tục leo lên một tấm ván như vậy nữa để thả bao mình vác vào ô tô. Cái tấm ván hễ khi có người đi là bồng bềnh, dập dình, dẹo dọ. Thế nhưng chả ai ngã. Vai vác hàng nặng nhưng mồm vẫn hát. Tất nhiên mệt, có điều ai cũng thấy vui vì mình đã góp được một phần công sức vào “công cuộc đánh Mỹ”. Không xu bồi dưỡng, không hớp nước nhỏ, không ngày nghỉ bù mà chả ai đòi hỏi bao giờ. Ai cũng cố gắng để mong có ngày được bình yên. Chừng bốn, năm giờ sáng xong vụ là mọi người “biến” hết, bỏ lại bãi cát yên ả bên bờ vịnh thơ mộng. Sáng hôm sau, mọi người vẫn lại đi làm việc ở công sở, xí nghiệp bình thường như chưa có gì xảy ra.
Nhiều đêm máy bay địch đi do thám. Chúng thả pháo sáng. Cả góc trời sáng rực. Chúng tôi ai ở đâu nằm yên đó, nằm sát đất không động đậy, như chết. Chỉ có chiếc xà lan im lặng trong ánh sáng của pháo sáng. Còn ô tô trên đường thì đã cắm lá ngụy trang. Chừng nửa giờ sau, pháo sáng tắt dần, tiếng máy bay im bặt, chúng tôi lại bật dậy reo, hò, hát và tiếp tục công việc của mình.
Có đêm đi vác đạn, đơn vị tự vệ của tôi được chia thành từng tốp nhỏ trên chiếc thuyền con của dân chài ra vịnh Hạ Long. Đến một hòn núi mới thấy đầy bộ đội hải quân canh gác kho đạn trong hang. Mỹ có mà thả hàng trăm tấn bom vào đây cũng chẳng là “cái đinh” gì. Hang đẹp vô cùng, bậc xây tử tế. Trong hang cao rộng như tòa nhà nguy nga. Đạn được đặt lên vai từng người. Chúng tôi đi xuống thuyền. Cái thuyền đằm hẳn xuống. Thuyền đầy đạn thì lặng lẽ chèo đi. Ánh lân tinh cứ loang loáng dưới mái chèo. Máy bay địch mà đi lúc này thể nào cũng phát hiện ra ngay. Chỉ một quả rốc két là cả thuyền đạn của chúng tôi đi đời. Nhưng không ai biết sợ. Chiếc thuyền ra xa lắm (đi theo hướng dẫn của bộ đội) để gặp các tàu của hải quân. Chúng tôi vác đạn lên cho họ, lau súng hộ họ và chuyện trò thăm hỏi. Đoàn người tuy xa lạ, nhưng ai nấy đều có cảm giác như người thân. Chúng tôi đều cảm nhận được rằng họ đang chịu đựng mọi gian khổ và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân. Bởi vậy, chúng tôi đều coi họ như anh em ruột thịt.
Khi về, có anh bộ đội đi nhờ thuyền tôi vào bờ. Anh tên là Tiệp, Trần Văn Tiệp, người Hà Tĩnh, là sĩ quan. Anh nhìn tôi ngạc nhiên: “Sao bé con thế này mà cũng vào tự vệ?”. Mọi người kể sơ bộ cho anh nghe hoàn cảnh của tôi. Anh ta tỏ ra quý tôi như em ruột, liền giở ví ra, cho tôi mấy cái phong bì thư rất đẹp (Ngày ấy cái phong bì thư là vật hiếm), cho một cái bút bi và tờ tiền hai mươi đồng (bằng nửa tháng lương của công chức thời đó). Riêng tiền, tôi không dám nhận, chỉ xin anh một cái vỏ hòm đựng đạn loại bé để làm hòm đựng quần áo. Anh đồng ý và nhận tôi là em gái. Tôi cho anh địa chỉ của tôi là nhà ông bà Dưỡng. Lần nào ở đảo về đất liền anh cũng đến thăm tôi, mang cho tôi nhiều thứ quà, khi thì sim, lúc thì ổi chín mọng… Sau này đi học, anh còn gửi cho tôi một quyển sổ và hai cái bút bi qua đường bưu điện. Rồi đến ngày tôi bặt tin anh.
Tôi rất thích cái hòm đựng đạn anh cho vì nó xinh xinh như cái va li, có tay xách, có khóa hai đầu. Cái khóa bật lên xuống chắc nịch. Tôi đựng quần áo vào đó. Cái nắp hòm tôi còn gài được cả sách vở, bưu thiếp lưu niệm. Nhưng chỉ được ít ngày, cậu Phong (ở chung nhà ông bà Dưỡng) chửi tôi ầm ầm bảo là tôi ăn cắp gỗ của cậu ấy để ở sau nhà đem thuê thợ đóng hòm. Tôi cãi lại và chỉ cho cậu ấy thấy đây là hòm đựng đạn. Tôi thách “cậu đem hòm lên tỉnh đội hỏi xem đấy có phải hòm đạn hay không”, cậu mới chịu im.
Có lần tuyển nghĩa vụ quân sự, tôi cũng làm đơn xin đi. Đơn và lý lịch người ta nhận, nhưng đến ngày khám tuyển thì ai cũng nhìn tôi cười mà nói rằng: “Bé con, về đi học đi!”. Cái lý lịch thì đủ tuổi nhưng người mét mốt này thật là vô dụng. Không được đi bộ độ thì vẫn ở nhà ngày làm việc nhà, tối đi sinh hoạt tự vệ khu phố.
Tự vệ khu phố rất nhiều việc phải làm. Thứ bảy hay chủ nhật phải đi dọn đường phố. Những chỗ bom bỏ tan nát nhà cửa, chúng tôi phải vun xúc gọn gạch ngói vào để lấy đường đi. Nếu hố bom sâu quá, phải xúc gạch vụn ở nhà đổ để lấp xuống mà lấy đường đi. Tan những cuộc bom bỏ xong thì phải đến đó để làm nhiệm vụ cứu thương.
Có lần, máy bay địch bắn phá ngoài vịnh biển dữ dội. Một lúc sau yên ổn, chúng tôi được điều động ra chùa Long Tiên làm nhiệm vụ. Đó là giây phút kinh hoàng, xót xa khi tôi tận mắt chứng kiến các chiến sĩ hải quân bị dính đạn bom. Người thì đã chết, người chưa chết còn thoi thóp. Họ được đặt nằm thành hai dãy ở cổng chùa chờ đơn vị có nhiệm vụ đến lo giải quyết. Chúng tôi làm nhiệm vụ đỡ họ lên xe. Tôi thấy một người mặc áo giống cái áo có lần anh Tiệp mặc. Người này mặt đầy máu me, đã chết từ lâu nên khó có thể nhận ra danh tính. Tôi gai người rùng mình ớn lạnh. Thầm ước đó không phải là anh.