Tôi không đi học nữa, ở nhà tìm việc làm nuôi thân, để ông ngoại không phải chi mười hai đồng lương hưu của ông cho tôi nữa. Lúc này tôi mười bốn tuổi, nghe theo bạn bè, tôi khai tăng lên ba tuổi thành mười bảy tuổi, đủ điều kiện làm hồ sơ xin việc làm.
Ngày ấy khai tăng tuổi cũng dễ. Tôi có bác Mão ở xóm Bến Đoan làm chủ tịch xã, cứ đưa giấy tờ nhờ là bác ký và đóng dấu cho. Bác hiền lành và hiểu hoàn cảnh của tôi nên việc này diễn ra trơn tru.
Theo khai sinh, tôi đẻ năm 1952 nhưng lý lịch và hồ sơ đi làm của tôi ghi tôi sinh năm 1949.
Đầu tiên, tôi xin vào công trường “Sân vận động Cọc Ba”, với công việc cụ thể là đào núi Kênh Liêm lấp xuống biển Lán Bè (Nay, chỗ này là Đài Truyền hình đi ra núi Cô Tiên). Lúc ấy, san lấp chủ yếu bằng thủ công. Công nhân phải đào đất, rồi chở bằng xe cút kít đổ xuống chân núi. Ở đó, có người xúc lên toa xe. Toa chở than như ở cảng Cửa Ông, rồi đẩy ra biển đổ lấp cho đầy. Công việc này đối với tôi quả là nặng nhọc. Những ngày đầu, hai tay sưng vù, mọng nước, người đau ê ẩm, rã rời. Sau một thời gian, tôi quen dần. Ở đấy, đồng nghiệp toàn là các bà, các chị. Dần dà, mọi người đều khen tôi làm khỏe và tích cực. Thế nhưng lương thì lại phải chịu thấp hơn. Nhìn bảng chấm công, ai cũng tám điểm trên ngày, có người chín điểm. Chỉ duy có tôi là luôn được bảy điểm. Họ bảo trả lương cho trẻ con như thế là tốt lắm rồi. Tôi đành phải chịu. “Mình phải cố gắng nuôi mình chứ ông không thể nộp mười hai đồng lương hưu cho bà Dưỡng nuôi mình được nữa”. Tự nhủ như vậy, lòng tôi đầy quyết tâm.
Thời gian đó, bà Dưỡng chuẩn bị nghỉ hưu. Bà nói với giám đốc giúp cho tôi vào làm ở cảng để thế chân bà. Giám đốc đồng ý, đưa tôi vào làm văn thư – liên lạc của cảng. Tôi mừng lắm. Thế là đi làm ở công trường mới được vài tháng tôi bỏ và về cảng làm.
Chiến tranh tiếp tục hoành hành. Mọi người vẫn làm việc. Văn phòng cảng lúc ấy sơ tán trong “hầm nhà tù” cũ. Nó là cái hầm bê tông cao to như cái nhà. Đi sâu vào trong núi có rất nhiều ngăn, nhiều ngách. Giám đốc cần tìm ai, ai cần ký cót gì thì tôi làm nhiệm vụ đưa chuyển. Hồi ấy, cả cơ quan chỉ có một cái điện thoại bàn. Vào cảng ba tháng thì tôi được cấp trên cho đi học nghề ở trường Nghiệp vụ thuộc Cục Vận tải Đường biển Hải Phòng. Làm hồ sơ đi học nghề trong lòng tôi vui mừng khôn xiết. Tôi được Cục Đường biển tài trợ lương hai tư đồng một tháng, đóng mười tám đồng tiền ăn (gọi là cơm ba hào), còn lại sáu đồng để chi tiêu mọi việc.
Nhưng đi học nghề phải xa mọi thứ, xa Đoàn thanh niên và nhóm tự vệ, xa hàng xóm và ông bà Dưỡng. Ông ngoại thì yên ổn sống ở căn bếp nhà bà Sáng Đê rồi. Còn những người thân khác như ông bà Dưỡng, cậu Chí và cậu mợ Phong thì xa được họ tôi thấy dễ chịu hơn.
“…thoát cảnh chủ nghĩa gia đình đau thương
Ra đi học tập sớm hôm
Thành người thợ giỏi dựng xây nước nhà”
(Có một anh bộ đội cao xạ tên Liên quen tôi. Sau khi đọc những dòng lưu niệm và bài thơ này của tôi đã ghi lại trong sổ đó mấy câu như sau:
“Anh đọc bài thơ mới một lần
Sao lòng cảm thấy đã quen thân
Hỏi cô bạn trẻ bao trìu mến
Mười mấy tuổi đời – trải mấy xuân?”
Tôi cảm động vì có người hiểu và quý mình. Một số người bạn và hàng xóm cũng thương cảm với hoàn cảnh của tôi. Nhiều người động viên tôi bỏ làm để đi học trở lại. Vì đi làm là cả cuộc đời nhưng học thì để lâu quá không ai cho học lại nữa, phí cả một đời. Nhưng họ không hiểu rằng tôi làm gì có ai nuôi để ăn học bây giờ?
Tôi có anh bạn tên là Tư, quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Bố mẹ anh mất sớm, không có anh chị em ruột. Anh được người bác nuôi đến khi lớn, rồi đi bộ đội. Biết hoàn cảnh của tôi anh rất đồng cảm và quý hóa. Lần nào về cũng có quà ngoài đảo. Lần thì nửa bánh xà phòng, (ngày ấy như tôi một tháng chỉ được mua một phần tư bánh xà phòng giặt), lần thì hoa quả, lần thì phong bì và tem (chỉ bộ đội mới được phát phong bì và tem, còn dân mua được cũng khó), khi thì cho sổ, bút bi, bút chì… Tôi thích và quý lắm. Anh nhận tôi là em gái. Anh còn viết thư kể với mọi người ở quê về một người em gái nhận là tôi. Có người nói chúng tôi là anh em Giăng - van - giăng và Cô - dét. Anh bảo “Chúng nó chửi đểu mình là Những người khốn khổ đấy em ạ. Đừng nghe chúng nó”. Có người bảo “Nhận em rồi lại yêu em là xong”. Anh tức mình, trả lời họ: “Ở đời có một trăm thằng nhận em gái thì chín chín thằng yêu em gái, còn thằng Tư này mà yêu em gái mình sẽ là thằng thứ một trăm. Mà thằng thứ một trăm ấy thì sẽ không bao giờ có cả”.
Anh quý tôi như em gái thật. Tháng nào cũng gửi cho tôi một, hai lá thư dạy tôi cách làm người, dạy tôi đề phòng với kẻ xấu, dạy tôi những điều chỉ có cha mẹ mới dạy. Ông bà tôi chưa bao giờ dạy tôi thế cả. Tôi khôn ra nhiều khi được làm em của anh. Anh dặn: “Ở đời người khôn thì nhiều, người biết điều rất hiếm, em liệu mà sống”.