Tôi về Hải Phòng học nghề. Trường Nghiệp vụ Đường Biển cho học viên tập trung ở số nhà 23 Hoàng Văn Thụ. Trường trực thuộc cục Vận tải Đường biển Hải Phòng. Trong trường có bốn lớp là cơ khí ô tô, cơ khí tàu thủy, cơ công và vô tuyến điện. Tôi được xếp vào lớp cơ khí tàu thủy. Sau khi tập trung phân lớp xong mọi người phải đi sơ tán theo lớp (về nông thôn học để tránh bị máy bay bỏ bom). Tôi sơ tán về xã Tiên Kiều, huyện Thanh Hà, Hải Dương. Nơi này nổi tiếng về đặc sản cam và vải ngon nhất Việt Nam. Chúng tôi ở nhờ nhà dân, cứ hai đứa một nhà. Đến giờ thì ra sân kho của hợp tác xã ăn cơm tập thể do nhà trường nấu. Mỗi bữa chỉ được một bát cơm. Thức ăn thì quanh tháng chỉ có “canh cần bơi” hoặc “su hào lặn” mà thôi. “Cần bơi” có nghĩa là một chậu canh cho sáu đến mười người ăn, chỉ có nước, muối và vài ba cọng cần loáng thoáng nổi trên mặt chậu. Còn “su hào lặn” là hôm nào ăn canh chỉ có một vài lát su hào thái chỉ nằm ở đáy chậu khó có thể khua được. Thịt cá thì chắc chả bao giờ dám mơ. Bọn bạn cùng lớp tôi hầu hết là người Hải Phòng. Mỗi lần về thăm nhà lại được mang theo muối rang lên để “bồi dưỡng” thêm. Dĩ nhiên tôi được ăn ké của cả hội. Muối rang khi ấy ngon lắm. Muối rang lên cho một chút mỡ và ớt vào ăn vừa ngầy ngậy, vừa đậm đà, lại se se cay nơi đầu lưỡi. Nói chung rất tốn cơm! Ai cũng có một lọ muối rang như vậy, trừ tôi. Những đứa con nhà khá giả một chút thì đêm đến khóc như ri vì khổ, nhớ nhà, nhớ bố mẹ, người thân. Còn tôi thì lại thấy cuộc sống thế này chả có gì đáng phải khóc, nên cứ luôn mồm hát. Hội bạn gọi tôi là “chim sơn ca” của lớp.
Ở đây, chúng tôi khan hiếm nước sinh hoạt khủng khiếp. Nhà ai cũng có một cái ao tù. Tất cả việc tắm, giặt, vo gạo, rửa rau, rửa cá thịt đều lấy nước ở đó. Mùa đó không có mưa nên ao rất cạn. Thỉnh thoảng cá lại nổi lên đớp rau, đớp gạo vãi. Uống thì có bể nước mưa dự trữ. Cái Nghĩa ở cảng Cửa Ông một đêm mò ra bể nước mưa múc trộm nước để rửa chỗ kín. Không ngờ chủ nhà bắt được, đuổi tống cổ. Chúng tôi ai nấy đều bị ghẻ lở. Y tế phát thuốc ghẻ cho mọi người trị bệnh, rồi mọi việc cũng qua đi.
Hàng tháng muốn mua gạo, chúng tôi phải đi bộ mười lăm cây số tới cửa hàng huyện Thanh Hà để mua gạo theo tem. Có lần đi mua gạo tôi được chị Thoa học cùng lớp cho mượn nón để khỏi nắng. Lúc nghỉ ở cửa hàng tôi gác nón lên cái bao gạo cạnh đó. Quay đi quay lại nón đã “không cánh mà bay”. Tìm một lúc không thấy, tôi hoảng hốt chẳng biết phải làm sao. Cái nón mới nếu muốn mua phải mất sáu đồng. Trong khi lương đi học của tôi là hai mốt đồng, trừ mười tám đồng tiền ăn, tôi chỉ còn ba đồng chi tiêu vặt. Nếu gom đủ tiền thì cũng tìm đâu ra cái nón đẹp như vậy mà mua? Tôi chỉ biết khóc vì bất lực. Sắp đến giờ vác gạo về mà vẫn chẳng thể tìm thấy nón. Tôi càng khóc to hơn. Anh Hiến lớp phó bảo:
- Thôi nín đi, bé Thủy! Mai mốt hết chiến tranh anh về Quảng Bình mua tặng em hai cái nón. Một cái đền cho chị Thoa, còn một cái cho em đội, biết chưa!
Tôi nín khóc, ra về cùng mọi người. Mười lăm cây số khi đi thì vừa đi vừa hát. Mười lăm cây số khi về vai vừa vác bao gạo mười cân, lòng nặng trĩu lo âu. Chị Thoa chửi tôi không thiếu câu gì. Còn tôi lẳng lặng chịu đựng và mong chờ hai cái nón anh Hiến hứa tặng.
Từ hôm ấy, sáng nào tôi cũng dậy sớm, ngó lên trời xem đã hết chiến tranh chưa để cho anh Hiến còn về Quảng Bình mua nón tặng tôi. Nhưng ngày nào cũng tầm tám, chín giờ sáng đã thấy máy bay địch ầm ì trên đầu. Nhìn về phía Hải Phòng, tiếng bom vẫn vọng lại, những cột khói cao ngất đen sì. Tôi tự hỏi không biết bao giờ hết chiến tranh.
Sau này, tôi mới hiểu mình quá ngây thơ. Ai mà biết bao giờ hết chiến tranh. Đó chỉ là cách dỗ trẻ con của người lớn.
Phong trào văn nghệ ở trường rất sôi nổi. Hết giờ học là chúng tôi tập văn nghệ để lớp nọ thi với lớp kia. Ở lớp cơ khí thủy, tôi là chủ công văn nghệ. Hết hát đơn ca lại hát song ca với Thu Minh và biểu diễn tiểu phẩm kịch với lớp. Lớp tôi luôn dành phần thắng. Chắc vì một chút nổi bật nên lớp trưởng lớp vô tuyến điện để ý tôi. Tôi ghét anh ta vì tính “ta đây”. Tên anh ta là Đinh Bá Chí, người ở Hải Dương, được ăn suất con em cán bộ cảng Cửa Ông cử đi học. Dáng người cao, không xấu, chẳng đẹp nhưng có vẻ lanh lợi. Hễ gặp là giở giọng bảo ban, dạy khôn. Nhưng dần dần tôi cũng quý mến anh. Là bí thư Đoàn trường, anh giới thiệu tôi vào cảm tình Đoàn để tiến tới kết nạp Đoàn viên.
Sau sáu tháng học lý thuyết ở nơi sơ tán Thanh Hà, chúng tôi chuẩn bị đi thực tập. Hai lớp cơ khí thì về cảng và về Ty Bảo đảm Hàng hải Hải Phòng. Lớp cơ công và vô tuyến điện thì điều đi thực tập ở đoàn tàu Giải Phóng. Hình thức giống như tàu cá của dân nhưng máy thì mã lực rất cao, được trang bị vũ khí, dùng chở đạn dược, thuốc men, lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường miền Nam. Đội này phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, cái chết trong gang tấc. Nhưng thời ấy chẳng ai sợ chết. Cứ mỗi lần tàu số 35 của đoàn tàu Giải Phóng về, tôi lại xuống Cảng thăm Đinh Bá Chí.
Giặc Mỹ đánh Hải Phòng ngày càng ác liệt. Xưởng cơ khí của Ty Bảo đảm Hàng hải phải sơ tán lên cao kênh Thủy Nguyên, cách Hải Phòng mười kilomet.
Một hôm tôi nhận được quyết định khiển trách của Đoàn thanh niên Ty Bảo đảm Hàng hải về việc công tác dân vận kém. Số là khi ở Thanh Hà chuẩn bị về Hải Phòng đã xảy ra một chuyện. Nhà dân mà chúng tôi ở trọ có một em bé học cấp hai hay chơi với bọn tôi. Trước khi ra đi tôi phát hiện mình mất chiếc bút máy. Đó là cái bút anh Tiệp gửi qua bưu điện tặng tôi nhân ngày 2 tháng 9. Tôi liền kêu toáng lên. Hỏi em bé thì nàng không nhận. Bà chủ nhà mắng chửi tôi té tát vì cho rằng tôi nghi cho con gái bà. Tôi không nói gì, lặng lẽ ra đi. Tưởng chuyện thế là xong, ai ngờ bà ta lên trình bày với nhà trường là tôi vu oan cho con bà ăn cắp bút, thành to chuyện. Đáng lẽ đợt này tôi được kết nạp Đoàn nhưng vì chuyện ấy nên phải dừng lại. Ai cũng tiếc cho tôi. Bao nhiêu cố gắng phấn đấu thành công cốc. Về nơi thực tập mới thì bị kỷ luật. Tin đồn đến tàu giải phóng 35. Anh Chí giận tôi liền mắng: “dạy mãi mà không khôn”. Anh bảo rất yêu tôi, lẽ ra đợt này về anh ngỏ lời nhưng nghe thấy chuyện vừa rồi thì chán quá”. Mọi thứ đều bị dừng lại. Tôi khóc trong sự đau khổ thơ ngây!
***
Gần Tết năm ấy, sự đánh phá của giặc Mỹ ngày một dữ dội. Ngoài biển, thủy lôi Mỹ thả nhiều hơn. Tàu khách không hoạt động được. Tôi muốn nghỉ Tết sẽ về Hồng Gai nhưng lại không có tàu về. Ô tô khách sợ máy bay bắn phá ở các bến phà nên không chạy. Muốn về với ông ngoại và ông bà Dưỡng mà không về được. Nghỉ Tết ở lại nhà dân thì lạc lõng, vô duyên. Hơn nữa, phong tục ở đấy còn kiêng có người lạ trong nhà vào những ngày Tết. Vậy là tôi đành về Hải Phòng với mẹ.
Mẹ, bố dượng và các em không đi sơ tán vì đi thì phải có tiền. Mẹ tôi lúc ấy vẫn đan len và có thêm một cái xe gỗ gồm bốn phích kem. Vừa bán kem, vừa đan len, nếu đi sơ tán là chết đói, nên cứ kệ ở trong phố. Bom bỏ thì xuống hầm xuống hố mà tránh, khi giặc đi thì mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Từ Cao Kênh về đến nhà mẹ là mười cây số, tôi đi bộ cùng Thu Minh. Đến Bến Bính - Hải Phòng bị máy bay bỏ bom. Tôi chỉ kịp đẩy Minh xuống một cái hố cá nhân bên đường, còn tôi nằm trên nắp hố che cho Minh, rồi che cái nón vào mặt mình. Bom tan, tôi lôi Minh lên. Hai đứa cười nắc nẻ vì chả ai việc gì.
Tối 29 Tết, tôi về nhà ở với mẹ, bố dượng và các em. Câu đầu tiên bố dượng hỏi khi gặp là:
- Con về có đem tem gạo về không?
Ngày ấy, mỗi người dân đều phải mua gạo phân phối của nhà nước theo sổ, đó là tiêu chuẩn mà từng người cụ thể được phép mua. Người công nhân lao động nặng thì được mua 18 kg/ 1tháng, mỗi bữa được ăn ba lạng. Còn công nhân kỹ thuật như chúng tôi được mua 15 kg/ 1 tháng, mỗi bữa được ăn hai lạng rưỡi gạo. Đi thực tập được 18 kg/ 1 tháng, còn lao động hành chính văn phòng được 12 kg/tháng, dân thường được 10 kg/ 1 tháng. Trẻ con tính theo tuổi: mới sinh đến một tuổi là 4 kg/ 1 tháng, hai tuổi là 5 kg/1 tháng, ba tuổi là 6 kg/ 1 tháng, bốn tuổi là 7 kg/ 1 tháng. Cho đến lúc đủ 10 kg/ 1 tháng thì không được tăng nữa. Nhưng số lượng lương thực ấy chỉ được mua 30% gạo thôi, còn 70% phải mua bột mì hoặc lúa mạch để ăn kèm. Thế nên chúng tôi ăn ở nhà bếp chỉ được lưng bát cơm và một cái “nắp hầm”. Nắp hầm được làm bằng bột mì nặn ra luộc lên. Nó trông giống cái nắp bê tông đậy ở các hố tránh bom cá nhân bên đường nên có tên gọi ấy. Còn bữa nào ai không ăn thì báo quản lý phát cho một cái tem gạo hai lạng rưỡi. Tem này thường chỉ mua được một cái bánh mì, tem 5 kg mới được mua gạo.
Nghe dượng hỏi đột ngột, tôi trả lời là “không” và giải trình rằng “con phải đợi cuối tháng mới được quản lý thanh toán”. Dượng tôi không nói gì nhưng vẻ mặt không vui. Mẹ tôi cũng chẳng nói gì, vẫn hai cái que đan ngoáy liên tục. Nhưng trong lòng tôi tự ái chợt dâng đầy.
Từ bé mẹ sinh ra đã chẳng nuôi tôi, không hề chăm sóc, không phải lo cho tôi đi học, không may cho tôi một bộ quần áo, lúc tháo đôi khuyên tai cũng dối lừa tôi. Có lần về thăm, mẹ bảo: “Khi nào mợ trúng sổ số độc đắc, mợ sẽ may cho Thủy một bộ cánh thật đẹp”. Tôi còn tin thật và cứ mong cho mẹ trúng sổ số. Nhưng có bao giờ mẹ trúng, cũng chả mảy may mua “bộ cánh” nào cho tôi. Chưa bao giờ mẹ vuốt ve, âu yếm hay tâm tình, trò chuyện gì. Lúc nào cũng im lặng với hai chiếc que đan ngoay ngoáy trên tay. Giờ, tôi mới thấy các ông bà họ hàng dù không ưa đến đâu cũng đã cưu mang, yêu quý tôi hơn mẹ. Một sự chán chường dâng lên. Thấy người xã hội, hay bạn bè còn luôn quý hóa và đối xử thân thiện với tôi hơn mẹ. Thế là sáng 30 Tết, tôi chào mẹ và dượng ra đi. Không ai hỏi tôi đi đâu và làm gì trong mấy ngày Tết. Ra khỏi ngõ tôi vừa đi vừa khóc. Tôi không biết mình nên đi đâu. Về Quảng Ninh ư? Không có tàu xe nào về cả. Giá mà có cái xe đạp, tôi sẵn sàng lao sáu mươi cây số để về. Đến nhà Thu Minh? Không được. Nhà nó sẽ đánh giá thế nào về nhà mình? Đi về nơi sơ tán à? Nhà dân ở đó người ta kiêng. Vậy thì đi đâu? Đầu cứ nghĩ và chân cứ bước. Đi đâu nhỉ? À, đi về quê anh kết nghĩa – anh Tư.
Thế là tôi dò theo địa chỉ ở sau bức ảnh anh tặng tôi: “xóm Đình, xã Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng”. Chiều 30 Tết ấy, tôi đi bộ đến đoạn Núi Đèo. Hai bên đường các nhà dân bắt đầu cúng Tết. Nhìn vào đó tôi chạnh lòng, thấy vô cùng lạnh lẽo, đơn côi. Trời thì rét, áo tôi không đủ ấm, đi một đôi dép nhựa, làm gì có bít tất và khăn ấm như bây giờ. Trong túi không có tiền. Bụng thì đói vì từ sáng chưa ăn gì. Chân đi bộ mỏi chùn xuống sắp khuỵu. Tôi cứ cố gắng gượng lê từng bước, cố gắng hỏi thăm đường đến Cầu Giá rồi đến Minh Tân. Tới được xóm Đình đã là tám giờ tối. Hỏi thăm nhà anh Nhỏ thợ may, tức anh con bác nhà anh Tư. Đến nơi, mừng quá, tôi vào nhà tự giới thiệu mình là em gái nhận của anh Tư ở Quảng Ninh, hiện đang học ở Thủy Nguyên, nhân ngày Tết đến thăm gia đình. Và thật bất ngờ khi cả nhà họ ùa ra đón tôi. Bé Lan chừng mười tuổi cứ xoắn xuýt bên tôi, bảo: “cậu Tư đã nói lâu rồi, nay mới gặp”. Bất ngờ hơn nữa, tôi thấy ảnh mình đeo cái khăn quàng đỏ trông ngô ngố treo trên khung ảnh lớn chung của cả gia đình. Người nhà anh đi dọn cơm cho tôi ăn, còn đun nước nóng bằng bếp dạ cho tôi tắm rửa. Rồi hai cô cháu cùng nhau đi chắt nước ở giếng làng. Một cái giếng cạn chỉ chắt được từng gầu. Múc hết nước một lúc thì nước mạch lại chảy ra. Gánh nước về nhà, tôi thấy lòng nhẹ bẫng, hạnh phúc ngập tràn. Cảm giác mình như người em, người con của gia đình ấy vậy.
Sáng hôm sau, mùng Một Tết, tôi trở dậy sau một đêm ấm áp tình gia đình. Tôi thấy họ hàng anh Tư đến nhà thăm tôi. Nào là bà dì kế, thằng em trai con bà thím, người nọ, người kia… Ai cũng tỏ ra yêu quý tôi. Thế mới lạ. Sau này lớn tôi mới hiểu, họ nghĩ anh Tư “dấm” tôi để sau này kết duyên nên ai cũng khen tôi khỏe mạnh, xinh đẹp.
Ngày mùng Hai Tết tôi chào gia đình và cảm ơn họ đã cho tôi những ngày hạnh phúc, rồi ra đi.
***
Học nghề làm thợ cũng thú vị. Thợ nguội có ba loại: nguội gia công, nguội máy, nguội sửa chữa. Chúng tôi làm các sản phẩm như ốc, vít, ka vét. Trục thì người ta đã tiện trên máy, còn cái mũ của ốc, vít vẫn là thỏi sắt tròn. Thợ tiện tiện cho ốc vít tròn. Cái răng của nó khi ấy vẫn là tiện thô. Thợ nguội phải gia công cắt gọt cho chân của ốc, vít thành sáu cạnh (hình lục lăng) thì mới cho cờ lê vào vặn được. Thợ nguội phải ren bóng lại gọi là ren, và vít thì gọi là ta rô. Ren và ta rô phải thật vuông góc và phẳng với ốc vít. Nếu chỉ lệch 0,1 mm có nghĩa là một dem thì lập tức 3 đến 4 răng sau là cháy ren. Đã lệch mà cháy ren là vứt bộ ốc vít ấy đi. Với ka vét thì trục là một miếng sắt vuông nhỏ, dài hay ngắn tùy theo trục, dùng để gắn lại, tải khi trục nọ liên quan tới trục kia. Sản phẩm này đòi hỏi độ chính xác cao tới dem, độ phẳng đo theo kẽ hở của ánh sáng. Vì vậy sự kiên nhẫn, tỉ mẩn của người thợ là một yêu cầu tiên quyết. Kênh lên một tí, chỉ 1/10 dem là ka vét không vào rãnh được, đem gọt mạnh tay một tí thôi là ka vét lỏng rơi ra ngay sau khi trục mới quay được nửa vòng. Đục rãnh ka vét lại càng khó. Một cái trục tròn và đục một đường thẳng bằng tay, dũa lại chính xác để đặt ka vét vào vừa khít đâu phải đơn giản. Đây là nơi rèn luyện cho tôi tính trẻ con phải thành người lớn, hun đúc tính kiên trì, loại trừ thói vội vàng hấp tấp. Có lần tôi làm bộ ka vét đã ba ngày mà đo lên ánh sáng vẫn còn gợn một vệt đen nhỏ xíu. Dùng bàn cạo, cạo mãi vẫn thế. Tức mình, tôi lấy dũa khua đi một đường. Chỉ có một đường mà cái ka vét rộng hoác. Thế là mất ba ngày công toi, lại còn bị các chú, các bác mắng. Tôi muốn khóc mà không dám. Lại phải lầm lũi xuống lò rèn tự mình đánh rèn. Rèn một cục sắt hình thù như vậy rồi đem đi lấy dấu lại, dũa gọt lại. Lần này thì thành công.
Có lần gia công một cái kìm mỏ quạ. Tôi làm nhanh hơn các bạn cùng khóa. Một ngày rưỡi đã sắp xong. Mang mộng đẹp đẽ, chỉ còn đi khoan một cái lỗ ở hai mang, tán đanh nữa là hoàn thành. Khi đi khoan chỉ ấn cần khoan hơi mạnh tay quá độ, mũi khoan đã bị xiên. Lấy kìm ra khỏi ê tô, tôi buồn không biết phải làm sao. Cố kiềm chế để khỏi khóc thì một bác thợ tham kiến:
- Hàn đắp kín lỗ khoan lại.
Như vớ được vàng, tôi vội làm theo. Khi hàn đắp xong bác thợ lại bảo:
- Nhúng vào nước cho nguội nhanh mà làm.
Tôi đem nhúng vào nước. Khi đem ra mài không được. Dũa cũng tròn lì đi, hỏng cả dũa. Đặt liều lên máy khoan lại thì máy rung lên, kêu ken két, toàn thả phoi đen mỏng dính. Lần này, không kìm nén được nữa tôi òa khóc bất lực. Một bác thợ già khác đến hỏi han đầu đuôi. Tôi trần tình xong thì tất cả lăn ra cười. Tại tôi quá hấp tấp, học trước quên sau. Thép hàn đang nóng khi nhúng vào nước lạnh thì khác gì đem tôi, tôi như tôi lưỡi dao vậy, nó sẽ rắn chắc vô cùng. Chỉ có mũi dao kim cương hoặc mũi khoan kim cương mới gọt được. Sau khi nghe giải thích tôi mới hiểu ra sự dốt nát của mình. Bác thợ trước cố tình bảo như vậy là để mong tôi nhanh khôn, nhớ lâu hơn. Làm gì cũng phải cẩn thận, không nên hấp tấp, nóng nảy, vội vàng.
- Bây giờ con đem nung đỏ lên, ủ vào vôi bột gọi là ủ non, làm cho thép non trở lại rồi gia công từ đầu.
Tôi làm theo lời khuyên của bác thợ thứ hai. Cái kìm đã làm thành công, đẹp hơn các bạn mà thời gian vẫn còn kịp. Đây là bài học nhớ đời tôi rèn luyện được khi làm thợ. Trong cuộc sống làm gì tôi cũng cố gắng cẩn thận, kiên trì.
Nghề cơ khí giúp tôi trong cuộc sống rất nhiều. Sau, tôi biết sửa xe đạp, sửa khóa, các ổ điện, nước của gia đình. Khi học, tôi là một cô bé thông minh, nhanh nhẹn hơn các bạn cùng tổ, hay hát, hay cười, sống vô tư. Ai cũng gọi tôi là “bé Thủy” hoặc “Bé khểnh”.
***
Thỉnh thoảng tôi về cảng Hải Phòng làm nhiệm vụ giải phóng kho hàng. Việc này tôi quen từ hồi ở tự vệ Hạ Long nên khá thuần thục, nhanh nhẹn.
Một lần về cảng, anh Chí hẹn gặp, rồi rủ tôi đi chơi công viên vào buổi tối. Chuyện trò một lúc anh tặng tôi phiếu vải nhân dân bốn mét và hai mươi đồng, bảo để tôi may áo quần (vì áo quần tôi toàn đồ mặc thừa của cô giáo và các chị lớp lớn cho, giờ đã cũ cả). Phiếu vải bốn mét của tôi còn ở chỗ bà Dưỡng. Đi chơi với anh tôi mặc một bộ bảo hộ lao động bằng vải diềm bâu màu xanh công nhân. Ngày ấy một năm mỗi người được phát một phiếu vải công nhân. Viên chức thì được phiếu năm mét, còn nhân dân thì bốn mét, chỉ may được một bộ quần áo bình thường. Vải ngày ấy không pha ni - lông như bây giờ. Khổ vải chỉ có tám mươi centimet nên mặc rất chóng rách, người ta phải mặc áo quần vá là bình thường.
Tôi không dám nhận và kiên quyết không nhận. Trong lòng tôi luôn nhớ lời dạy của anh Tư: “Em phải cảnh giác bọn đàn ông, họ hay lợi dụng, dụ dỗ ngon ngọt con gái, nhưng trong lòng họ hầu hết đều toan tính cả. Nếu như người khác sa ngã, còn có cha mẹ, anh chị em, chú dì, cô bác cưu mang, giúp đỡ. Còn em sa ngã thì chỉ có đường chết chứ chả ai giúp đâu. Nên, liệu mà sống”. Tôi coi đấy là những lời vàng ngọc. Tôi từ chối khéo léo món quà lớn ấy. Đinh Bá Chí đành cất tiền và phiếu vải vào túi, rồi kéo tôi sát vào lòng hôn. Theo phản xạ tôi cho Chí ăn ngay cái tát. Chí sững lại hét lên:
- Em sao thế? Điên à?
- Thế cứ yêu là phải hôn à? – Tôi hỏi một cách ngây thơ.
Chí đứng dậy rời khỏi ghế đá công viên:
- Em ở lại đây nhé, anh về trước. Thôi vậy.
Tôi ngỡ ngàng nhìn theo bóng anh đi xa dần. Từ đấy Chí và tôi không còn quý hóa nhau như trước nữa. Nếu gặp ở trường hay ở cảng cũng vẫn chào hỏi nhau nhưng không hề đi chơi với nhau nữa.
Vài năm sau tôi tình cờ gặp anh ở Hải Phòng. Anh đưa tôi đến nhà một cô bạn làm công an phường Hồng Bàng, cho tôi biết là họ sắp cưới nhau. Tôi chúc mừng họ chân thành. Hôm ấy, tôi ở lại ăn cơm với hai người. Tôi hát để chúc phúc cho họ một bài mà tôi hay hát mỗi khi nhớ anh. Đó là lúc tôi tưởng tượng ra những chuyến đi công tác của anh đầy nguy hiểm trên con tàu giải phóng số 35 của đoàn tàu Giải Phóng:
“Tích tích tà tích tà tích tà tích
Vượt rừng núi, vượt biển khơi
Điện tôi đi khắp nơi chiến trường
Tôi nối liền hai miền quê hương
Mỗi chiến thắng là có chiến công tôi
Tích tích tà tích tà tích tà tích…”
Thấm thoắt hết 18 tháng học nghề cơ khí, tôi ra trường với tấm bằng “công nhân kỹ thuật”, hưởng lương bậc 2/7, kèm theo bằng là một bản đăng ký “đi bất cứ nơi nào và làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”. Nhà trường điều tôi về cảng Quảng Ninh nhận công tác. Cuộc chia tay tới, mọi người ở ty Bảo đảm Hàng hải tiếc cho tôi phải về cảng cứ như là đi Xi bê ri của Nga vậy. Nhưng tôi lại thấy thích thú vì về Quảng Ninh tuy xa những người bạn và các chú cô đồng nghiệp ở Hải Phòng nhưng tôi lại được về nơi quen thuộc của mình. Cái thị xã con con ấy có ông ngoại tôi, họ hàng nhà ngoại và bạn bè thuở nhỏ.
Về cảng nhận công tác mới, tôi làm thợ điện chứ không phải thợ nguội. Tuy không học điện nhưng vào tổ điện được các anh chị, các chú chỉ bảo nên biết dần. Khi về, tôi vẫn về ở với ông bà Dưỡng. Lúc này họ không còn ở trên phố Hữu Nghị nhà cụ Hàng Hương nữa, vì khu này được nhận tài trợ xây nhà gọi là Cung văn hóa Công nhân. Ông bà dọn xuống khu tập thể của xí nghiệp Bến gần chùa Long Tiên. Ông ngoại tôi ở dưới nhà bà Sáng Đê cũng bắt đầu ốm nhiều. Mọi người gọi điện cho bà ngoại tôi biết. Bà ngoại về chăm sóc ông tôi. Bà phá cái vỏ chăn của bà may cho ông một bộ áo quần mới. Bà mang cả cao khỉ, cao hổ về cho ông ăn. Bà cũng phải ngủ bên nhà ông bà Dưỡng, hàng ngày đi sang nhà bà Sáng Đê chăm sóc ông.
Tôi được lĩnh tháng lương đầu tiên ở cảng, bậc 2/7, được 42 đồng. Đó là điều kì diệu nhất không bao giờ quên nổi. Tôi rủ bạn cùng tổ gồm anh Định và chị Sửu đến nhà chơi và đi thăm ông tôi. Chưa biết mua gì cho ông. Trên đường đi gặp người gánh na bán, tôi mua cho ông năm quả na to nhất rổ, chừng hơn một kilogam. Ba ngày sau ông mất. Hôm ấy là ngày 3. 10. 1969 tức là ngày 23 tháng 8 âm lịch. Ông thọ 71 tuổi. Tiễn đưa ông xong xuôi, mọi người ai nấy đi hết, tôi dọn dẹp nơi nằm của ông thấy năm quả na hãy còn cứng nhắc lăn lóc ở góc nhà. Tôi đau xót không sao kể xiết. Đi làm được đồng tiền chưa chăm chút bồi bổ cho ông được tí nào để trả nghĩa, ông đã ra đi.
Trước ngày mất một tuần ông còn đi sang chơi nhà bà Dưỡng. Có một con gà tầm sáu lạng, đang bị rù, bà Dưỡng cho. Ông chộp lấy nó rồi đổ nước sôi làm lông, nấu cháo ăn. Tôi nhìn đã thấy, lòng xót như có muối sát, nhưng mải đi làm, lại chưa có tiền nên không làm sao được. Sau này, mâm cao cỗ đầy cũng chỉ là tưởng nhớ ông, mời ông, chứ ông có ăn được đâu.
Bà Dưỡng đi theo trạm xá của cảng sơ tán ở Cái Dăm (khu nghỉ dưỡng 368 bây giờ). Ở nhà chỉ còn tôi, ông bà Dưỡng và cậu Chí. Cậu Chí lên lớp mười, còn ông Dưỡng vẫn đi làm ở mỏ, cũng sắp nghỉ hưu. Bà nuôi mười con vịt, một con lợn. Đi làm về, tôi phục vụ cơm nước cho hai cha con ông, rồi chăm gà, vịt, lợn. Lương tháng tôi đưa cả cho bà để bà điều tiết tiền chợ hàng ngày. Bà đi một tuần về hai lần, chi tiền chợ và thăm nom nhà. Tôi nói với bà là nuôi cả lợn tôi không quán xuyến nổi. Ngày nào đi làm cũng bị muộn. Ngày ấy đi bộ chứ không có xe đạp. Từ nhà bà đến cảng gần ba cây số. Tôi nói bà bán bớt lợn đi, chỉ nuôi gà, vịt thôi. Nhưng bà không nghe. Bà tận dụng triệt để sức lao động của tôi. Chưa năm giờ sáng đã phải dậy nấu cơm cho ông và cậu xong, rồi đến cám bã lợn gà. Bảy giờ đi làm, vừa đi vừa chạy để làm sao ba mươi phút sau có mặt ở xưởng. Trưa thì mười hai giờ được nghỉ, lại chạy bộ về cho lợn ăn bữa trưa và mình ăn cơm nguội. Một giờ chiều chạy bộ đến cảng để một rưỡi vào làm việc. Chiều, bốn rưỡi về nhanh còn đi chợ mua đồ ăn cho cả nhà và làm việc nhà. Cám bã đến chín, mười giờ tối. Đến một chừng mực không chịu nổi nữa, tôi đành xin với bà cho đi ở tập thể để đảm bảo giờ giấc làm việc.
Bà điên tiết chửi tôi một hồi, rồi rủa: “Đã đi đừng bao giờ bước chân về đây. Nếu về tao úp ngược cái chén uống nước xuống, rót nước vào cái đít chén này cho mà uống. Đi thì biến khỏi đây cho nhanh”. Bà vừa nói vừa ném áo quần, chăn gối tôi nằm ra cửa. Tôi phải nhặt vội vào nhà. Vẫn phải ngủ ở nhà tối ấy. Tôi càng ngấm và xót xa cho thân phận mình.
Lúc này bà ngoại tôi lại sang ở bên bà Sáng Đê. Mẹ ở với dượng và một bầy em nhỏ, luôn sống trong khó khăn, túng thiếu. Bố thì xa vời biệt tăm. Niềm vui hay nỗi buồn tôi không chia sẻ được với ai. Nhiều lần, nhất là những ngày Tết hay gần Tết, tôi không có được tuổi thơ như những đứa trẻ cùng trang lứa. Tôi bật khóc gọi “bố ơi, mẹ ơi!”. Cũng chỉ khóc thầm vậy chứ có ai trả lời hay dỗ dành tôi đâu.
Cảng cho tôi một chỗ ở trong nhà tập thể nữ, có chị Phương, Tiêm, Sửu ở trước đó. Chị Phương lớn nhất, là thợ điện. Tiêm lớn nhì, làm thợ phay. Sửu, thợ mài. Tôi, thợ nguội. Chúng tôi sống cùng, thương nhau như chị em ruột. Bà Dưỡng phải bán hết lợn, gà chưa đến lứa nên tức tôi lắm. Lại không có ai hầu ông và cậu, nên bà điên lên đến báo với bảo vệ cơ quan là tôi khai man lý lịch. Bố tôi đi Nam theo địch ngày giải phóng miền Bắc chứ không phải chết như tôi đã khai. Ngày ấy nhà ai có người di cư vào miền Nam đều bị gọi là đi theo địch cả.
Mà trong lúc đang chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc như thế này thì cái lý lịch “Bố đi vào Nam theo địch” là vô cùng khủng khiếp. Khi khai lý lịch, dì Loan con gái ông Hổi - dạy tôi là phải khai bố chết. Tôi làm đúng lời dì. Ủy ban chứng nhận hẳn hoi, vậy mà giờ bị bà Dưỡng gây sự.
Bảo vệ cảng gọi tôi lên hỏi như tra khảo. Tôi vẫn trả lời: “Bố chết từ khi chưa đầy một tuổi. Tôi chỉ biết thế thôi”.
Tra khảo nhiều lần không được, trưởng phòng bảo vệ đập bàn, đập ghế trừng mắt dọa tôi nào là khai man lý lịch sẽ bị đuổi việc, nặng hơn thì bị truy tố trước pháp luật. Bà Sỏi đã nói thì không thể sai được. (Bà Sỏi là tên cúng cơm của bà Dưỡng). Thế là tôi đã hiểu tất cả chuyện này ở đâu ra. Tôi rắn rỏi trả lời rằng tôi chỉ biết bố tôi chết khi tôi chưa đầy một tuổi. Tôi ở với ông bà ngoại ngoài Cọc Sáu từ năm 1950. (Tất nhiên là tôi phải dựa vào cái lý lịch đã trót khai tăng ba tuổi chứ tuổi thật của tôi là sinh năm 1952). Ông cần gì nữa thì về hỏi mẹ tôi ở Hải Phòng”. Đồng thời tôi kể hết cho họ nghe sự lợi dụng sức lao động của bà Dưỡng với tôi không thành nên bà điên tiết, đặt điều gây sự. Chắc bà mong tôi bị đuổi việc phải về nương nhờ rồi lao động cho bà như kẻ ăn người ở hoặc không thì cứ bơ vơ cho hả giận. Tôi từng biết ơn bà nuôi dạy tôi trong những ngày ông cháu khổ cực. Dù ông ngoại góp mười hai đồng lương hưu hàng tháng, nhưng nếu không có bà tôi chẳng thể biết việc và trưởng thành như thế. Không có bà tôi cũng chẳng có nghề, có công ăn việc làm. Song, sự việc này đã xóa tan mọi cảm xúc tốt đẹp, chỉ để lại duy nhất nỗi băng giá.
Tôi đau đầu hàng tháng, lo lắng, suy nghĩ làm sao để đối phó với bảo vệ cảng về việc này. Nếu bị đuổi vì lý lịch “bố đi Nam” thì tôi sẽ đi đâu và làm gì?
Việc này tôi không dám chia sẻ với ai, chỉ đau đớn âm thầm. Rất may là tôi đã được kết nạp vào Đoàn thanh niên từ ngày ở Ty Bảo đảm Hàng hải – cái ngày thiêng liêng của mỗi người thanh niên thời đó. Vào Đoàn rồi vào Đảng Cộng Sản Việt Nam là mục tiêu phấn đấu của mỗi thanh niên. Nhưng mắc chuyện lý lịch, mọi cánh cửa như đóng sập trước mắt.
Ít hôm sau, có tin cảng Hồng Gai, Cẩm Phả được trả về sát nhập vào Bộ Giao thông Vận tải, quản lí toàn bộ phần của Bến Cũ, trả về xí nghiệp Bến Hồng Gai. Toàn bộ khối văn phòng và người của Cục Vận tải Đường biển thì đều trả lại cho cục Đường biển. Riêng tôi tuy ở xưởng nhưng lại là người gốc Quảng Ninh nên tôi không được đi theo về Cục Đường biển mà bị chuyển về xí nghiệp Bến Hồng Gai.
Trong lúc lộn xộn như vậy tôi đi làm ở xí nghiệp Bến một tuần. Thợ nguội ở xí nghiệp Bến rất nặng nhọc, toàn sửa chữa các loại toa tàu hỏa, xiết những con ê cu 28 - 30 cm. Quần áo, người ngợm lúc nào cũng dầu mỡ đen xì. Đều là công nhân cơ khí nhưng làm ở cảng “quý tộc” hơn nhiều. Số anh chị em ở xưởng Cơ khí Cảng hầu hết bị điều sang công ty Công trình Thủy II Bãi Cháy. Lúc đó, đơn vị này đang xây dựng đường ống dầu ngầm ở B12 (đường ông chống máy bay Mỹ - sau này là công ty Xăng dầu B12). Toàn bộ số máy công cụ của xưởng cũng được chuyển sang B12. Trong tình hình này tôi nhanh chóng liên hệ xin chuyển công tác sang B12 cùng mọi người. Và tôi được toại nguyện.
***
Từ khi ra trường cho đến khi cảng giải tán chuyển giao là ba năm rưỡi. Trong đó, hai năm ở nhà ông bà Dưỡng, tôi sống cảnh khổ sai, còn một năm rưỡi ở tập thể. Ba năm rưỡi ở cảng tôi vẫn là cô thợ bé nhất tổ, bé nhất xưởng, vẫn hồn nhiên, vô tư, và vẫn là người tham gia mọi phong trào hăng hái.
Lần đó, cảng giao cho tôi hàn chao bóng đèn của hầm nhà tù (nghĩa là nơi làm việc sơ tán của văn phòng cảng). Cái này mỏng và nhỏ nên hàn bằng thiếc và mỏ hàn tay. Do ngại đánh giấy ráp nên các mối hàn chưa được vệ sinh sạch sẽ. Các dây sắt P4 tròn nên độ nóng của mỏ hàn nhỏ quá không đủ để nóng sâu vào bên trong. Cũng do mặt tiếp xúc là tròn nên độ bám dính kém hơn mặt phẳng. Việc làm này tuy không khó lắm nhưng vì ít kinh nghiệm nên tôi cảm thấy rất chật vật. Thợ nguội ở đây chỉ có mỗi anh Lai. Nhưng vì làm sếp nên anh ấy đi suốt. Khi khó khăn, tôi chẳng biết hỏi ai. Bạn đồng nghiệp tuy nhiều nhưng không phải là thợ nguội. Toàn thợ máy, thợ tiện, thợ phay, thợ bào, thợ rèn, v. v… Nên tôi tự làm một mình. Nhiều cái hàn xong, để nguội, nhấc lên là nó lại rời ra. Trong khi hàn phải dùng a xít sun phua rich làm chất tẩy rửa; phải dùng kẽm cắt nhỏ cho vào a xít để khử thì sẽ thành a xít clohiđrich thì an toàn hơn. Nhưng khi làm vậy thấy không nhanh mà còn hay hỏng. Tôi nghĩ đến việc vệ sinh mối hàn. Tôi không khử a xít nữa mà để nguyên chất như vậy, nhúng mỏ hàn vào hàn. Khi nhúng mỏ hàn nóng vào, khói đặc vàng bốc lên, tôi hít phải khói đó quá nhiều. Chiều tối về đến nơi, tôi bảo chị Phương: “Chị ơi em đi tiểu buốt, ra nước tiểu như nước rửa thịt vậy”. Chị Phương không hiểu chuyện nên cứ à ừ rồi đi ngủ. Đêm ấy tôi đau bụng nhiều. Đau xiên sang lưng và tiểu ra máu tươi. Tôi bị cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Họ bảo viêm cầu thận cấp do có một loại chất độc trong người. Tôi nghĩ ngay đến cái khói axit sun - phua - rich. Nằm viện gần hai tuần, chỉ có Sửu, chị Phương, Tiêm chăm sóc và một số bạn bè thăm hỏi, chẳng ai là người thân ruột thịt. Tôi vô cùng tủi thân. Từ bé đến lúc ấy là lần đầu tiên trong đời tôi phải nằm viện. Thường thì tôi khỏe hơn bạn cùng lứa, chưa bao giờ biết đau đầu, chóng mặt, hay đau bụng.
Những ngày nằm viện tôi quen được với một cô bạn tên là Tự, người Uông Bí, học lớp Y 18. Tự dễ gần, hiền lành, hơi xấu gái, nhưng tình cảm. Tự cũng trực tiếp chăm sóc tôi. Sau khi ra viện, Tự thường xuyên đến nơi ở của tôi chơi rồi ăn ngủ lại. Tôi rất quý Tự. Tự giải thích cho tôi nhiều về y học và mang sách vở học để ở nhà tôi. Tôi đọc nhiều. Có gì không hiểu, bạn giải thích nhiệt tình. Như thể tôi học thêm ngành y vậy. Chị Phương và Tiêm thì khó chịu với sự xuất hiện của Tự. Chẳng biết hai chị nói gì mà dần dần bạn không đến nữa. Tôi nhớ và thương Tự nhưng khi đến bệnh viện tìm thì được biết Tự đã tốt nghiệp và về Uông Bí. Ngày xưa không có điện thoại, không địa chỉ, thế là bặt tin. Tôi hiểu về y học từ đó.