Từ khi ông ngoại tôi mất, bà ngoại hưởng lương tuất của ông được chín đồng một tháng (chừng 900 ngàn bây giờ). Bà đi trông em bé cho nhà chị Thuần ở bên Bãi Cháy (chợ Bạch Đàn - Giếng Đáy ngày nay). Anh chị này là người miền Nam tập kết ra Bắc, có hai con nhỏ. Đứa bé hai tuổi, đứa lớn bốn tuổi. Anh chị đều làm ở phòng thương binh xã hội thị xã (Bảo hiểm thành phố ngày nay). Đôi bên gặp nhau đều cảm thấy may mắn. Anh chị là người tốt, bà ngoại tôi thì còn khỏe mạnh, cẩn thận, sạch sẽ. Mỗi tháng họ trả hai lăm đồng và nuôi bà, nhận bà là mẹ. Tôi cũng yên tâm về bà.
Sau đợt ốm, thỉnh thoảng tôi vẫn sang Bãi Cháy thăm bà. Chị Thuần hay đem quà cho tôi là những bó cây bông má đề để chữa thận. Chị bảo: “cứ lợi tiểu là hết bệnh về đường tiết niệu”. Thế là sau sáu tháng ròng rã tôi uống thứ cây này mà đến nay đã gần năm mươi năm tôi chưa hề bị tái phát bệnh lại lần nào.
Những năm ở cảng, trong xưởng tôi có một thanh niên thợ phay tên là Định. – Nguyễn Đăng Định. Người anh cao gầy, hai mắt to tròn, ít nói. Ai nói gì anh chỉ cười hiền lành. Anh là con nhà nông dân ở huyện Nam Sách, Hải Dương. Mất mẹ từ khi mới ra đời, ở với bố và các anh trai (nhà không có chị gái), anh được một bà hàng xóm cùng sinh nở với mẹ anh cho bú rình, lớn lên nhận là mẹ nuôi. Anh đi học lớp công nhân kỹ thuật ở Trung Quốc được hai năm. Do bên đó có cuộc cải cách gọi là cuộc Đại cách mạng văn hóa, tất cả du học sinh Việt Nam phải về nước. Anh cùng về trong nhóm đó.
Anh dạy tôi làm bào máy, dạy ít tiếng Trung. Thông cảm với hoàn cảnh của anh, cộng với sự gần gũi, lâu dần tôi yêu anh. Anh nói rằng tôi là người anh yêu đầu tiên trong đời. Anh hiền lành ít nói nhưng nếu nói là giọng dạy dỗ. Cũng tốt thôi, vì thời ấy tôi luôn rất cần những lời dạy khi không sống bên gia đình.
Thỉnh thoảng, buổi tối nào không phải sinh hoạt Đoàn hai chúng tôi cùng đi dạo mát trên bờ biển. (Ngày xưa, ở cơ quan tôi, tối nào thanh niên cũng phải sinh hoạt Đoàn. Nội dung sinh hoạt là đều nghe thuyết giáo về chính trị, nghe nói chuyện thời sự, chuyện làm ăn của cơ quan, sinh hoạt văn nghệ, đọc báo chí… Chỉ tối thứ bảy và chủ nhật mới được nghỉ). Con đường này dẫn từ cảng đến Bến Đoan (Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô ngày nay). Đi chơi với anh hôm nào cũng chỉ có mình tôi nói chuyện từ 7 giờ đến 9 giờ tối (ngày xưa ở tập thể không được phép đi chơi quá 9 giờ tối). Tôi nói đủ thứ chuyện: chuyện bản thân, chuyện họ hàng, chuyện học hành, bạn bè. Hết rồi thì lại chuyện xã hội, chuyện đọc được trong các cuốn tiểu thuyết... Hội chợ phù hoa, Người mẹ hay Những người khốn khổ… Tôi thường nhớ như in từng câu, từng dòng hay và thường kể lại cho anh. Anh luôn lặng im nghe, thỉnh thoảng chỉ cười mỉm. Dần dà, tôi thấy chán kiểu yêu và người yêu này. Muốn chia tay thì bị tình thương níu lại. Hoàn cảnh anh không có mẹ từ tấm bé khiến tôi không nỡ chấm dứt cuộc tình.
Hàng năm, tỉnh đều tổ chức hội diễn văn nghệ với tiêu đề “Tiếng hát át tiếng bom”. Cơ quan cảng năm nào cũng tham gia. Và tôi là một thành viên tích cực trong đó. Năm ấy, nhận lời yêu rồi, anh bảo: “Tổ chức Đoàn phân công thì tôi phải chịu, chứ tôi trông thấy người đứng hát với bọn chúng nó là tôi đã đủ điên lên rồi. Tôi muốn người xin ra khỏi đội văn nghệ đi”. Tôi như bị dội gáo nước lạnh, nói: “Anh lạ nhỉ. Mới chỉ là yêu, anh đã cấm em sinh hoạt đoàn thể, vậy khi cưới rồi thì sao?”. Anh nói: “Nếu cười người, tôi sẽ đóng một cái tủ kính khóa người trong đó, chỉ mình tôi ngắm người thôi”.
Thật khó chịu khi hai quan điểm quá trái ngược hoàn toàn. Một người thích bay nhảy, tính tình trong sáng, hồn nhiên, hơi “bôn” chút. Còn một người lầm lì, cậy răng cả ngày không nói, chỉ cười mỉm. Thế thì sống sao hạnh phúc được. Nhưng tình thương cứ như chiếc thòng lọng xiết chặt khiến tôi dù bực bội thế nào cũng không thể mở lời nói nổi câu giã biệt.
Đến khi, tôi bị bảo vệ cảng gọi lên đe dọa về cái lý lịch bố đi miền Nam mà khai là bố chết, anh lặng lẽ buồn nhưng không nói (sau này tôi mới biết).
Cùng thời gian ấy, có đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự tại cơ quan. Sau ngày khám anh được liệt vào loại B2. Những người A1 và A2 đợt này đều đi cả. Anh B2 thì nhà nước chưa cần đến, phải huy động nghĩa vụ quân sự. Nhưng anh vẫn làm đơn tình nguyện xin đi bằng được. Tôi hỏi “vì sao”, anh bảo “vì lòng yêu nước”. Tôi thương anh vô hạn. Hôm tiễn anh lên đường, tôi đã khóc rất nhiều. Khi đoàn quân xuống phà Bãi Cháy, anh giơ cao mũ vẫy vẫy. Lúc ấy, mọi người đứng cả trên bờ. Phà ra xa… Hình ảnh anh mặc quân phục rộng thùng thình, giơ tay cầm mũ khua thua trên phà không bao giờ tôi quên. Cái mũ khua khua cũng như rụt rè, xấu hổ chứ không phải mạnh mẽ như người ta vẫy. Thế là anh ra đi.
Ba tháng đầu anh tập luyện ở Nam Mẫu, Yên Tử (cách chỗ tôi ở 70 km). Một hôm, các bạn cùng xưởng tổ chức đi thăm tân binh của cảng. Họ rủ tôi. Hai người lai nhau trên một chiếc xe đạp đến Nam Mẫu. Bọn tôi phải ở nhờ nhà dân chờ tân binh đi dã ngoại đêm về. Tôi gặp lại anh. Anh vốn đã gầy giờ càng gầy hơn, đen hơn nhưng có vẻ rắn rỏi ra. Tôi khóc. Anh chỉ cười an ủi, hẹn sau ba tháng luyện tập sẽ được về thăm nhà rồi đi miền Nam chiến đấu. Anh vẫn thế, chỉ luôn cười mỉm. Tôi bảo anh “Kỳ anh nghỉ phép chuẩn bị đi miền Nam, em sẽ lo thủ tục cưới để anh đi được yên tâm”. Anh sửng sốt nhìn tôi, vừa như hốt hoảng, vừa ngỡ ngàng, xúc động, lại vừa thoáng chút vui mừng và rồi đồng ý.
Sau buổi đi thăm anh về tôi nói ý định này với bạn bè. Ai cũng ngăn cản. Họ bảo “cưới rồi, đi nó chết, mày ở vậy à? Mà có giấy báo tử ngay đâu, năm hay mười năm sau mới báo tử. Mày ôm con ở nhà chết già sao?” Nhiều người bảo tôi tỉnh ngộ đi, đừng ngu mãi thế. Tôi nghe theo bạn bè đồng nghiệp cùng các chú bác trong cơ quan. Ba tháng sau anh Định được về phép mười ngày, tôi đón tiếp anh như những người bạn thân. Anh bảo: “Người cho tôi ăn thịt thỏ! Tôi tưởng người cưới thật, ra thế này đây. Tôi thăm người một ngày thôi, mai phải về quê thăm bố và anh chị em nhà tôi. Trước khi đi tôi có lời dặn em. Tôi đi có thể một, hai, ba năm tôi về, có thể năm, mười năm mới về, cũng có thể không bao giờ về nữa. Tất cả phụ thuộc vào chiến sự. Có ai yêu thương thì em cứ đi lấy chồng không phải đợi tôi. Nhưng phải nhớ là tìm người yêu thương thật lòng. Đừng tham giàu, đừng tin người dẻo mỏ thì đời mới có hạnh phúc. Sau này, nếu còn về được, nhìn thấy em hạnh phúc là tôi mừng. Nếu không hạnh phúc thì tôi khổ tâm lắm”. Anh chỉ nói có thế. Từ khi quen biết anh cho đến lúc này, tôi mới nghe thấy từ “em” ở miệng anh, còn anh toàn gọi tôi là “người” xưng “tôi”. Cũng lần đầu tiên anh ôm chặt tôi trong tay. Tôi khóc nức nở như một đứa trẻ. Anh ở một ngày rồi về quê. Anh trả lại tôi chiếc đồng hồ Pôn giốt mà trước đó anh Tư tặng tôi, tôi đã đưa anh đeo.
Ba năm sau, từ B12 chuyển sang Viện Kiểm sát tỉnh, tôi gặp người bạn của anh tên là Ưu cùng dân Hải Dương, cùng đi Trung Quốc với Định. Hồi tôi ở Cảng, anh Ưu là bí thư Đoàn. Tôi không chơi với Ưu vì anh ta khá quan cách. Gặp lại nhau ở Viện Kiểm Sát, lúc này Ưu làm nhân viên mới ở đó. Anh cho tôi biết: “Sau khi vào đến Quảng Trị, Định bị sốt rét nặng, sức khỏe yếu nên đã chết ở đó, chứ chưa đánh được trận nào. Báo tử về đến quê sau một năm. Thằng này nó ham phấn đấu vào Đảng quá. Nó sợ yêu mày thì phải lấy. Cái lý lịch của mày nghe đâu có vấn đề: Bố đi Nam không rõ tung tích. Như vậy, lấy mày thì nó không thể vào Đảng được. Nó đang cảm tình Đảng. Nó phải đi để kết nạp Đảng xong đã. Bỏ mày không nỡ nên phải tình nguyện đi bộ đội, chứ sức nó B2 có ai bắt đi đâu. Nó bảo anh chăm sóc mày. Nhưng thời cuộc đổi thay anh một nơi, mày một nơi, sao nay vô tình gặp nhau ở đây anh cho mày biết sự thật. Tự lo liệu cho cuộc sống của mình thôi”.
Tôi tin Ưu nói thật vì ở cảng anh là người mực thước, tử tế. Biết sự thật này, tôi vô cùng suy sụp. Không ngờ Định lại thế. Sao anh không bàn với tôi một lời? Tôi có thể chia tay để anh thỏa sức phấn đấu kia mà. Tình yêu của tôi dành cho anh đâu có sâu nặng bằng tình thương. Quyết một việc sai lầm như vậy để thiệt thân, mà cái chết này nhà nước có cần đâu. Sao có người dại đến vậy? Dần dà, tôi nguôi ngoai và không thấy nhớ thương Định nữa và ý thức được rằng anh hành xử như vậy không xứng với tình cảm của tôi.