Sau khi cảng Hồng Gai chuyển giao về ngành điện than, xưởng cơ khí tan rã. Một số về công ty Công trình thủy 2. Tôi bị điều sang xí nghiệp Bến. Sửu thì xin về Nam Hà. Chị Phương, Tiêm thì chuyển được về Hà Nội theo chồng v.v…
Tôi xin chuyển công tác về công ty Công trình thủy 2. Tuy chẳng quen biết sếp nào nhưng anh chị em phần đông về bên đó nên tôi xin theo. Họ cũng tạo điều kiện giúp đỡ. Công ty này đang làm nhiệm vụ xây dựng đường ống xăng ngầm. Từ đây, xăng dầu đi đến tỉnh Nam Định để tránh giặc Mỹ bỏ bom. Đầu mối của tầu dầu Liên Xô vào đây, rồi được chuyển đi ngay theo các đường ống ngầm này. Xưởng cơ khí gia công các đoạn ống nối. Thợ nguội chủ yếu ren các bu lông, ê cu để bắt các phần ống nối lại cho chặt. Tại đây tôi phải ăn ở theo kiểu tạm bợ của công trình. Xong công trình lại phải di chuyển nên toàn sống trong nhà dựng bằng cót phên tre, trên lợp giấy dầu. Đi đâu thì lại dỡ cả nhà đi. Ban ngày làm việc, ban đêm tôi đi học bổ túc văn hóa cho hết lớp 10/10 của phổ thông. Mấy năm ở cảng tôi đã học được hết 7A và 7B (Bổ túc văn hóa chia lớp 7 ra thành hai năm 7A và 7B). Mặc dù bom bỏ ban đêm không có điện, chỉ học đèn dầu, tôi cũng cố được hai năm. Nay sang công ty Công trình thủy 2, tôi phải đi xa hơn vì lớp tám phải học ở tận trường cấp ba (gần tòa án bây giờ). Tối nào đi học là phải mượn xe đạp của sếp Hương. Tôi thường học vào các tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần.
Tối ấy, sau khi ăn cơm ba mươi phút, tự nhiên tôi đau bụng. Cơn đau ngày một quằn quại. Đến lúc không chịu được nữa, tôi vật từ trên giường xuống đất rên la, cào cấu. Đến tầm chín giờ tối, các bạn cùng phòng đưa tôi đi trạm xá. Họ kết luận tôi bị viêm ruột thừa phải mổ. Nhưng giờ đó bến phà đã nghỉ, không đi được qua biển. Lúc ấy, cả khu Bãi Cháy chưa có bệnh viện chỉ có bệnh viện tỉnh ở bên Hồng Gai. Trạm xá tiêm cho tôi một mũi giảm đau và một mũi thuốc ngủ để chờ đến sáng mai. Nhưng cơn đau vẫn khiến tôi kêu gào, giãy giụa liên tục.
Sáng hôm sau, bảy giờ, người ta gửi tôi trên một chiếc xe tải qua phà, nhờ đưa đến bệnh viện tỉnh. Chị Hà của trạm xá đi theo. Đến nơi tôi được làm các thủ tục nhập viện cấp cứu xong là đi mổ. Hôm ấy các bác sĩ bận ca mổ quan trọng nên tôi phải chờ đến mười hai giờ trưa mới được một bác sĩ khoa thần kinh đến mổ hộ. Bên cạnh tôi chỉ có Sửu. Họ bảo tôi đã đau được mười bảy giờ, may chưa vỡ. Khi về đến phòng hồi sức thì thấy em Nga ở Hải Phòng ra. Em đi buôn mỡ và thuốc lá trên tàu khách Hồng Gai Hải Phòng. Đem thuốc lá xuống bán ở tàu khách rồi vào khu Cọc Tám mua phiếu thịt của công nhân mỏ đem về Hải Phòng bán kiếm lời. Về chậm, Nga bị nhỡ tàu nên đến cơ quan chị chơi thì biết chị nằm viện từ sáng. Sau đó, em về Hải Phòng bảo với mẹ tôi: “Mợ ơi chẳng biết chị Thủy bị làm sao mà người ta mổ bụng, chết”. Mẹ hốt hoảng ra thăm tôi. Tỉnh lại thấy mẹ, tôi mừng lắm. Ngồi dậy tự nhiên tôi thấy hàng gạch hoa ở đất nó nghiêng nghiêng. Tỉnh lại lần thứ hai tôi mới biết mình vừa bị ngất xỉu và lại phải đưa đi cấp cứu. Bác sĩ bảo tôi vừa chết lâm sàng. Mẹ tôi ở hai hôm rồi về. Cạnh tôi lúc ấy có Sửu, chị Dung giúp đỡ. Vài anh chàng muốn “tấn công” tôi, thì tỏ ra quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Trong số đó có anh bạn tên là anh Thịnh. Anh là người Hồng Gai, nhà ở cổng trường học. Tôi đi học hay gửi xe đạp nhà anh. Anh thường sang Bãi Cháy chơi với tôi, thỉnh thoảng giảng bài cho tôi. Anh là kỹ sư trắc đạc của công ty Than Hồng Gai. Một thời gian sau anh ngỏ lời yêu. Thấy sự tận tụy của anh nhiều năm, tôi nhận lời.
Ít lâu sau, một hôm anh đến chơi bảo: “Có việc rất khó nói”. Tôi gặng hỏi mãi anh mới đáp: “Anh đang suy nghĩ xem nên báo cáo chuyện của hai đứa với cơ quan như thế nào vì em có lý lịch là bố đi Nam nhưng chưa rõ ràng”. Trước đó, anh từng yêu một cô ở bên nhiếp ảnh rất xinh nhưng cũng phải chia tay vì cô ta theo Đạo Thiên Chúa. Mà anh thì lại là Đảng viên nên đang băn khoăn chưa tìm ra lối thoát”. Tôi bực mình đứng dậy nói rõ từng từ:
- Anh theo Đảng của anh đi. Còn bố tôi không phản bội đất nước. Chỉ vì hoàn cảnh phải làm ăn xa, rồi vĩ tuyến 17 tự nhiên thành biên giới ngăn cách, chiến tranh nổ ra nên mất tin. Tôi cũng mất luôn bố. Tôi đã nói với anh bao nhiêu lần rằng bố tôi không làm chính trị, bố tôi chỉ biết làm bánh khảo thôi.
Tôi và anh chia tay từ hôm ấy. Tôi căm ghét kẻ nào “chọc” vào cái lý lịch của mình. Nhiều lần sau anh đến nhưng tôi không gặp. Hễ thấy anh vào cổng công ty là tôi “chuồn” ngay, nhất định không tiếp. Người không có bản lĩnh khác nào Nguyễn Đăng Định. Càng là Đảng viên lẽ ra càng cần có bản lĩnh rõ ràng chứ!
Mấy tháng sau tôi được tin dượng Sáu mất. Tôi về viếng. Dượng bị ung thư phổi. Ai cũng bảo do thuốc lá. Dượng hút thuốc lá thâm cả môi. Bác sĩ cấm hút thì dượng xé điếu thuốc ra, rồi nhặt những sợi thuốc để nhai cho đỡ thèm. Dượng mất, một mình mẹ tôi chèo chống nuôi bốn đứa con nhỏ. Nga bé nhất, lúc ấy chừng mười tuổi, đã đi buôn bán khắp nơi. Tuấn mới biết đi làm ở hợp tác xã dép nhựa. Hùng và Thuận còn bé. Mẹ tôi nuôi các em bằng đôi que đan len và hai cái phích kem nên cuộc sống vô cùng chật vật.