Ngồi hay chạy thì cũng đều rủi ro như nhau.
– HENRY DAVID THOREAU
Cứ đi rồi sẽ đến.
– PHƯƠNG CHÂM TRỊ LIỆU
Bạn đã rất đau buồn khi những nhu cầu phụ thuộc để phát triển chưa được đáp ứng. Bây giờ bạn có thể học nhiều bài tập khác nhau, giúp bạn có kinh nghiệm sửa chữa. Việc sửa chữa là khía cạnh hứa hẹn nhất trong quá trình chữa lành đứa trẻ nội tâm. Vết thương của chúng ta một phần là do sự thiếu sót trong việc học hành, và chúng ta có thể khắc phục bằng cách học mới. Chúng ta tình cờ học được một số bài học mới này khi đáp ứng nhu cầu xã hội trong quá trình lớn lên. Nhưng đối với hầu hết chúng ta khi có một đứa trẻ nội tâm đầy tổn thương, vẫn còn nhiều lĩnh vực mà vì thiếu các kỹ năng phát triển tinh thần nên gây ra rất nhiều đau đớn và khó chịu. Nhiều người lớn nhưng bên trong trẻ con không biết rằng hành vi non nớt của mình là do học hành thiếu sót. Họ không ngừng xấu hổ và đổ lỗi cho bản thân về những thất bại và khiếm khuyết trong tính cách. Thực hiện các bài tập sửa chữa giúp “đứa trẻ bên trong” bạn hiểu rằng những sai sót của bạn thực sự là những khiếm khuyết. Những hành vi độc hại của đứa trẻ bị tổn thương bên trong bạn thực ra là những cách thức nó học để tồn tại. Bác sĩ tâm thần Timmen Cermak so sánh những hành vi sinh tồn này với những đặc điểm của rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Người lính trong trận chiến và người trải qua những sự kiện đau thương phải sử dụng tất cả các nguồn lực của mình để sống sót. Họ không có thời gian để bày tỏ cảm xúc của mình, điều mà vô cùng cần thiết để cân bằng lại những tổn thương. Càng về sau, nỗi đau buồn chưa được giải quyết sẽ thể hiện ở những đặc điểm như lo lắng, kiểm soát quá mức, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, quay ngược lại quá khứ và tăng động. Đây là những đặc điểm liên quan đến rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Nếu tôi cung cấp cho bạn toàn bộ danh sách các đặc điểm của PTSD, bạn sẽ thấy chúng giống với sự độc hại của đứa trẻ nội tâm bị tổn thương mà tôi đã miêu tả trong Chương 1 đến như thế nào.
Các bài tập sau đây sẽ sửa chữa những thiếu sót trong học tập của bạn ở quá khứ. Hơn bất cứ điều gì, chúng sẽ nâng cao khả năng sống thực sự và trở nên yêu thương cũng như thân thiết hơn của “đứa trẻ bên trong” bạn.
Một số nhà văn khác đã cung cấp các nguồn tài liệu sửa chữa phong phú cho từng giai đoạn phát triển. Tôi đã từng đề cập đến cuốn sách Cycles of Power(tạm dịch: Vòng tuần hoàn của năng lực) của Pam Levin. Tôi cũng muốn trích dẫn từ những tác phẩm Recovery from Co-Dependency (tạm dịch: Sự phục hồi từ chứng đồng phụ thuộc) của Laurie và Jonathan Weiss; Windows to Our Children(tạm dịch: Cánh cửa sổ dành cho trẻ) của Violet Oaklander; Adult Children of Abusive Parents (tạm dịch: Những người lớn nhưng bên trong trẻ con bị cha mẹ ngược đãi) của Steven Farmer; Breaking Free of the Co-Dependency Trap (tạm dịch: Thoát khỏi cái bẫy đồng phụ thuộc) của Barry and Janae Weinhold; vàTherapeutic Metaphors for Children and the Children Within (tạm dịch: Những ẩn dụ trị liệu đối với trẻ em và trẻ em trong nội tâm) của Joyce Mills và Richard Crowley. Rất nhiều điều được đề cập sau đây đã được tôi rút ra từ những nguồn này.
Những bài tập như vậy sẽ đạt hiệu quả nhất nếu bạn áp dụng chúng cho những lĩnh vực mà bạn hay bỏ bê nhất. Bây giờ chắc hẳn bạn đã nắm khá rõ về các giai đoạn phát triển mà “đứa trẻ bên trong” bạn bị mắc kẹt. Tôi khuyên bạn nên tập trung luyện tập trên các giai đoạn đó.
TẬP LUYỆN ĐỂ CÁC NHU CẦU THỜI THƠ ẤU CỦA BẠN ĐƯỢC ĐÁP ỨNG
Trong thời kỳ sơ sinh, chúng ta cần phải đủ an toàn để được sống bình thường. Hầu hết những đứa trẻ bị tổn thương bên trong chúng ta đã được dạy rằng chỉ sống thôi là không đủ, và chúng ta chỉ có thể được coi trọng cũng như sống có ý nghĩa khi đang làm điều gì đó. Điều này dẫn đến việc chúng ta mất đi ý thức về bản thể tôi. Bây giờ chúng ta cần học cách không làm gì cả và chỉ sống thôi.
Các bài tập sau đây sẽ giúp bạn trở thành chính mình tại bất kỳ thời điểm nào. Hãy chọn những thứ hấp dẫn với bạn nhất.
• Ngâm mình trong bồn nước nóng và dành thời gian tập trung vào các cảm giác trên cơ thể của bạn. Hãy dành thời gian chỉ để làm việc đó.
• Đối xử tốt với bản thân bằng cách thường xuyên đi massage.
• Để ai đó làm móng tay và làm tóc cho bạn.
• Nhờ một người bạn chiêu đãi ăn uống, có thể là nấu ăn cho bạn hoặc đưa bạn ra ngoài ăn tối.
• Ngồi yên lặng trong chăn mềm. Vào mùa đông, hãy ủ ấm bên ngọn lửa và nướng kẹo dẻo.
• Dành nhiều thời gian để có những tiếp xúc nhạy cảm với người yêu.
• Nhờ người yêu nhẹ nhàng tắm cho bạn.
• Hãy ngâm mình trong bồn tắm đầy bọt hoặc nằm dài trong bồn nước ấm và tinh dầu tắm.
• Dành những khoảng thời gian không làm gì cả, không lên kế hoạch, không giao kết.
• Dành 30 phút đến 1 giờ thả trôi trong hồ bơi vào một ngày hè ấm áp.
• Nằm trên võng trong thời gian dài.
• Nghe nhạc ru nhẹ nhàng.
• Khi bạn đang làm việc, hãy chuẩn bị sẵn đồ uống gì đó để nhâm nhi thường xuyên.
• Ngậm bạc hà hoặc kẹo khi bạn bắt đầu công việc mới hoặc khi bạn làm điều gì đó lần đầu tiên.
• Thay đổi thói quen ăn uống của bạn. Thay vì “ba bữa”, hãy chia thành một số bữa ăn dinh dưỡng nhỏ trong ngày.
• Có một vài người hỗ trợ đặc biệt (lý tưởng nhất là gồm cả hai giới), những người sẽ ôm ấp bạn trong khoảng thời gian đã được thống nhất rõ ràng.
• Chợp mắt nhiều nhất có thể vào những ngày bạn có nhiều thời gian.
• Nghỉ ngơi nhiều trước khi làm bất cứ điều gì mới.
• Thực hành “bước đi tin tưởng” với một người bạn. Yêu cầu người đó bịt mắt bạn và dẫn bạn đi loanh quanh trong một khoảng thời gian đã định trước.
• Thử tin tưởng một người bạn mà bạn có cảm tình tốt. Để người đó lập kế hoạch và kiểm soát những gì mà các bạn làm cùng nhau.
• Tìm một người và nhìn nhau trong 9 phút. Cười to, cười khúc khích, làm bất cứ điều gì bạn cần làm. Chỉ làm như vậy, không nói chuyện. Chỉ nhìn nhau.
• Hãy thiền định về cõi hư vô. Khi chúng ta thiền định về cõi hư vô, chúng ta đang thiền định về chính sự sống. Giai đoạn sơ sinh là thời kỳ mà chúng ta được truyền cho năng lượng sống. Có nhiều cách tiếp cận để thiền định về bản thể thuần khiết hoặc hư vô. Những cách thiền định như vậy nhằm mục đích tạo ra một trạng thái vô thức, đôi khi được gọi là tạo ra “sự tĩnh lặng”. Học cách vô thức khi trưởng thành giúp kết nối đứa trẻ nội tâm với bản thể người lớn một cách sâu sắc nhất.
THIỀN ĐỂ KẾT NỐI ĐƯỢC VỚI NĂNG LƯỢNG SỐNG
Sau đây là một hình thức thiền vô thức rất đơn giản. Những bậc thầy tâm linh vĩ đại dành nhiều năm để làm chủ hình thức này. Nó rất đáng để luyện tập. Tôi khuyên bạn nên lưu bài thiền này trên máy ghi âm. Sử dụng nhạc thiền yêu thích của bạn để làm nền.
Bắt đầu bằng cách tập trung vào hơi thở của bạn… Chỉ cần nhận thức được hơi thở… Để ý xem điều gì xảy ra trong cơ thể bạn khi bạn hít vào và thở ra… Chú ý khi không khí đi vào mũi và khi nó đi ra… Sự khác biệt là gì?... Cho phép bản thân hít vào trán của bạn và thở ra bất kỳ căng thẳng nào bạn thấy ở đó… Sau đó hít vào quanh mắt và thở ra bất kỳ căng thẳng nào bạn thấy ở đó… Rồi đến quanh miệng… Tiếp xuống cổ và vai… Xuống cánh tay và thở ra bằng tay… Hít vào phần trên ngực và thở ra mọi căng thẳng. Hít vào bụng… Hít vào mông và thở ra bất kỳ căng thẳng nào bạn thấy ở đó… Hít vào bắp chân và thở ra bất kỳ căng thẳng nào bạn thấy ở đó… Bây giờ hãy để toàn bộ cơ thể thư giãn… Hãy tưởng tượng bạn đang trống rỗng bên trong… Hãy tưởng tượng một ánh mặt trời màu vàng ấm áp đang đi qua bạn… Hãy để bản thân mình bắt đầu cảm thấy thật nặng hoặc thật nhẹ nhàng… Bạn có thể quyết định cảm giác ấy… Mí mắt bạn rất nặng… Cánh tay của bạn rất nặng… Chân và bàn chân của bạn rất nặng… Hoặc bạn có thể cảm thấy rất nhẹ… Như thể toàn thân đang lơ lửng… Hãy tưởng tượng rằng nhận thức trong tâm trí bạn đang tối dần, tối dần cho đến khi bạn nhìn vào bóng tối thuần khiết… Ở trung tâm của bóng tối đó, bạn bắt đầu nhìn thấy một điểm sáng nhỏ… Điểm sáng đó từ từ trở nên lớn hơn… Cho đến khi vùng nhận thức bao trùm bởi ánh sáng… Giờ hãy nhìn vào ánh sáng đó… Thứ ánh sáng thuần khiết… Hãy nhận thức cõi hư vô mà bạn đang trải nghiệm… Chẳng có gì ở đó cả… Chỉ có sự sống thuần khiết… Giờ bạn sẽ thấy số ba dần xuất hiện ở trung tâm nhận thức của bạn… Chú ý đến nhịp thở của bạn một lần nữa… Để nhận thức quét qua toàn bộ cơ thể bạn, bắt đầu từ ngón chân, lên cẳng chân và đến hông, bụng, ngực, cánh tay, bàn tay, cổ và vai, khuôn mặt và não bộ… Nhận thức về bản thể tôi của chính mình… Bạn đang kết nối một cách rõ ràng với bạn… với bản thể tôi của bạn… Bây giờ bạn nhìn thấy số hai… Và nhúc nhích ngón chân của bạn… Nhúc nhích bàn tay… Cảm thấy cơ thể chạm vào ghế và chân chạm xuống sàn nhà… Hãy nghe càng nhiều âm thanh xung quanh càng tốt… Bây giờ bạn nhìn số một và thật chậm rãi mở mắt ra…
Ngồi yên lặng trong một vài giây phút để tĩnh tâm khi kết thúc… Hãy để bản thân được yên tĩnh.
Tất cả các bài tập này rất hữu ích để chăm sóc các nhu cầu sơ sinh của bạn. Chúng có thể đặc biệt hiệu quả khi:
• Bạn đang bắt đầu một chu kỳ phát triển mới của mình.
• Bạn phải bắt đầu một điều gì đó mới.
• Bạn vừa trải qua sự mất mát.
• Bạn có một đứa trẻ mới tinh.
Các bài tập này cần được thực hiện từ từ rồi lặp đi lặp lại. Trải nghiệm sống cũng giống như việc ăn uống lành mạnh, chúng ta cần nhai kỹ chứ không phải ăn ngấu nghiến. Nếu ngấu nghiến nuốt thức ăn, bạn sẽ rất dễ bị khó tiêu, mà khi khó tiêu thì năng lượng từ thức ăn không được tổng hợp để phục vụ bạn. Điều này cũng đúng với những trải nghiệm “sống” của bạn vậy.
TẬP LUYỆN ĐỂ CÁC NHU CẦU THỜI CHẬP CHỮNG BIẾT ĐI CỦA BẠN ĐƯỢC ĐÁP ỨNG
Giai đoạn biết bò và khám phá các giác quan
Fritz Perls thường nói rằng chúng ta cần “mất trí và chuyển sang các giác quan”. Các giác quan của “đứa trẻ bên trong” chúng ta đã bị kìm hãm ngay từ khi còn nhỏ. Chúng ta cần tiếp xúc trở lại với thế giới giác quan xung quanh. Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để kích thích nhu cầu khám phá đầu đời của trẻ ở tuổi chập chững biết đi.
• Đi chợ trời hoặc cửa hàng bách hóa lớn. Xem xét từ món này sang món khác, nhìn, sờ và kiểm tra bất cứ thứ gì khiến bạn thích thú.
• Đến quán cà phê hoặc nhà hàng có tiệc buffet và chọn nhiều món ăn khác nhau. Hãy thử những món mà bạn chưa từng nếm thử trước đây.
• Đi đến cửa hàng thực phẩm và mua những thức ăn mà bạn thường không ăn bốc bằng tay. Mang chúng về nhà và ăn bằng tay. Cứ bừa bãi như bạn muốn.
• Thỉnh thoảng nhai hoặc gặm nhấm một loại thức ăn giòn tan nào đó.
• Dành một khoảng thời gian ở lại khu vực chế biến của cửa hàng thực phẩm, ngửi các loại trái cây và rau quả khác nhau.
• Đi đến một nơi nào đó mà bạn chưa từng đến trước đây. Chú ý đến càng nhiều chi tiết của môi trường mới càng tốt.
• Đến một sân chơi và chỉ đi chơi với lũ trẻ. Ngồi xích đu, chơi trò trượt dốc, leo trèo.
• Đến bãi biển và dành vài giờ chơi đùa trên cát và nước. Xây một cái gì đó từ cát.
• Hãy chơi đất nặn. Thử nghiệm với các hình khối và khuôn mẫu.
• Mua một số lọ sơn móng tay và dành một buổi chiều để đánh móng tay. Sử dụng càng nhiều màu càng tốt.
• Tham gia một lớp học Montessori và để bản thân được hướng dẫn bởi môi trường đó. Hãy thử bất cứ điều gì bạn thích.
• Mặc những bộ quần áo màu sáng nhất mà bạn có thể tìm thấy và đi đâu đó.
• Tạo tiếng động với những đồ vật xung quanh nhà chỉ để xem chúng phát ra âm thanh như thế nào. Đừng bỏ qua xoong, nồi và đồ dùng bằng bạc.
• Đi đến một công viên giải trí và dành vài giờ để ngắm nhìn xung quanh và chơi những trò đu quay, tàu lượn.
• Đi dạo trong một công viên hoặc khu vườn xinh đẹp và ngửi càng nhiều mùi càng tốt. Hãy để bản thân chuyển nhanh từ mùi này sang mùi khác.
• Đến bảo tàng mỹ thuật và ngắm nhìn những màu sắc rực rỡ trong các bức tranh khác nhau.
• Hãy rủ bạn bè hoặc người yêu của bạn đi dạo cùng. Nắm tay nhau và để các giác quan đưa bạn đi theo bất kỳ hướng nào bạn muốn.
• Đi đến công viên với một người bạn và thực hành ngắm cảnh với tinh thần thiền định. Thay nhau nhắm mắt và nắm tay bạn mình. Đưa người bạn đến trước một chiếc lá, một thân cây, một bông hoa dại. Khi siết chặt tay người bạn, hãy để họ mở mắt. Mở và nhắm mắt khi người bạn siết chặt tay mình và ngắm nhìn cảnh vật mà họ đã chuẩn bị cho mình.
• Đi chân trần qua cánh đồng hoặc xung quanh nhà. Cảm nhận các kết cấu khác nhau như: cỏ, đất, lông thú, bìa cứng, báo, thảm, gối, khăn tắm, gỗ, kim loại, ngói, v.v..
• Giao tiếp với bạn đồng hành của mình mà không cần nói chuyện, chỉ thông qua cử chỉ và động chạm.
• Viết ra một danh sách các từ chỉ cảm giác và sau đó xem tâm trí bạn sẽ nghĩ đến điều gì mỗi khi bạn đọc to từng từ đó. Một số từ có thể là gập ghềnh, gai góc, ngứa ngáy, nhiều lông, trơn trượt, cứng, mềm, mỏng, béo, tối, sáng, v.v…
• Tập trung thị lực của bạn bằng cách nhìn chằm chằm vào mọi thứ. Ví dụ: Đi bộ qua một trạm xe buýt và nhìn những người ở đó như thể bạn là một chiếc camera đang chụp ảnh vậy. Ngồi xuống và viết chi tiết những gì bạn đã thấy.
• Ngồi trước một bông hoa, một cái cây hoặc một quả táo trong trạng thái thiền định. Cho phép bản thân hòa làm một với đối tượng đó. Ngắm nhìn đối tượng như chính nó. Cho phép bàn tay của bạn lần theo những gì mắt bạn nhìn thấy và vẽ những gì bạn nhìn thấy.
• Thử nói chuyện với một người bạn theo kiểu nói lảm nhảm. Để ý xem liệu bạn có thể hiểu được người kia đang nói gì không.
• Chơi một trò chơi âm thanh “bí ẩn” với một người bạn. Quay lưng lại hoặc che mắt trong khi bạn của bạn tạo ra âm thanh bằng cách đổ nước, đánh trống, gõ bút chì, gãi đầu, v.v... Sau đó đổi chỗ cho nhau.
• Tập hợp một nhóm người để cùng nhau ca hát. Hãy thử các bài hát không đầu cuối như “Tôi ước tôi là một quả táo trên cây” rồi bịa ra các câu hát khác. Cho cả nhóm nghe những bài hát thiếu nhi, đặc biệt là nhạc dân ca.
Kết nối lại với những mong muốn
Có lẽ bài tập quan trọng nhất trong phần này là giúp “đứa trẻ bên trong” bạn kết nối lại với những mong muốn của nó. Phần bị tổn thương nhất của đứa trẻ ấy là ý chí của nó. Ý chí là mong muốn được nâng lên thành hành động. Những mong ước xuất phát từ sự kết nối với nhu cầu của chúng ta. Là một đứa trẻ trong một gia đình hỗn loạn, đứa trẻ ấy không thể chú ý đến những tín hiệu bên trong chính mình, bởi nó quá bận rộn đối phó với những căng thẳng trong gia đình. Ngay từ nhỏ, nó đã mất kết nối với những nhu cầu và mong ước của chính mình. Tôi biết bố và mẹ tôi muốn gì trước cả khi họ biết họ muốn gì. Khi trở thành chuyên gia trong việc biết họ muốn gì, tôi đã mất kết nối với chính những gì mà tôi mong muốn. Tôi thực sự đã học cách bỏ qua những gì mình muốn và sau một thời gian, tôi hoàn toàn không còn mong muốn bất cứ điều gì nữa. Bản thể người lớn của bạn phải giúp “đứa trẻ bên trong” nhận ra mong muốn của chính nó và bảo vệ nó trong lúc nó liều lĩnh để đạt được những điều nó muốn.
Một trong những cách đơn giản nhất để xác định những điều bạn mong muốn là lập danh sách các hành vi thay thế của bạn. Sau đó, đối diện với chính mình bằng cách hỏi, mình thực sự cần hoặc mong muốn điều gì khi hành xử theo cách ấy? Dưới đây là danh sách các hành vi thay thế phổ biến:
• Nói dối
• Ăn khi không đói
• Đưa tay lấy một điếu thuốc
• Bĩu môi
• Xúc phạm người mà bạn quan tâm
Khi tôi nhận thức được rằng tôi đang thực hiện một trong những hành vi này, tôi ngồi xuống, nhắm mắt và thật chú ý vào các tín hiệu bên trong tôi. Tôi thường nghe thấy đứa trẻ nội tâm của mình yêu cầu một thứ gì đó mà nó muốn. Dưới đây là một số ví dụ về những mong muốn cơ bản tương ứng với các hành vi thay thế được liệt kê ở trên.
• Tôi muốn bày tỏ sự tức giận.
• Tôi sợ hãi hoặc cô đơn, và tôi muốn ở bên ai đó.
• Tôi không hút thuốc nữa, nhưng khi tôi hút thuốc, tôi thường bị chứng trầm cảm mãn tính hành hạ.
• Tôi muốn ai đó biết rằng tôi thực sự quan trọng.
• Tôi muốn bạn chú ý đến tôi.
• Tôi cần sự vuốt ve, vỗ về.
Có nhiều hành vi thay thế khác mà mọi người sử dụng khi họ không ý thức được những gì mình mong muốn. Một số khá chung chung, một số lại khá đặc trưng. Mỗi chúng ta phải giúp đỡ đứa trẻ nội tâm của mình bằng cách chú ý đến những hành vi thay thế.
Jon và Laurie Weiss yêu cầu bệnh nhân của họ lập một danh sách “Tôi muốn” hoặc “Tôi ước”. Họ đề nghị bệnh nhân mang theo giấy và bút mọi lúc mọi nơi. Mỗi khi họ nhận thấy mình muốn điều gì đó, họ sẽ phải viết nó ra. Mọi bệnh nhân đều đồng ý rằng, họ sẽ thực sự ghi ra được một số mục trong danh sách mong muốn của mình rồi báo cáo lại với bác sĩ trị liệu. Đây là một bài tập tuyệt vời và tôi khuyến khích bạn hãy thực hiện nó.
BÀI TẬP CHO GIAI ĐOẠN TÁCH BIỆT CỦA TUỔI BIẾT ĐI
Khi trẻ học cách tự đứng bằng hai chân của mình, chúng bắt đầu quá trình tách biệt. Có một số bài tập bạn có thể thực hành nếu phát hiện ra rằng, đứa trẻ nội tâm mới biết đi bên trong bạn không được đáp ứng nhu cầu tách biệt của mình.
Thực hành nói “không” và “sẽ không”. Điều này thường khá đáng sợ nếu bạn đã từng bị trừng phạt hoặc bị bỏ rơi vì nói “không”. Jon và Laurie Weiss đề xuất phương pháp ba bước để thực hành việc nói không. Tôi tóm tắt lại như sau:
1. Bước đầu tiên là nói không khi chỉ có một mình. Bạn cần phải nói điều đó thường xuyên (hai mươi lần mỗi ngày) và nói to thành tiếng. Nói không với những điều bạn không muốn làm. Điều này sẽ giúp bạn cảm nhận được sự nổi loạn bản năng mà bạn đã cảm thấy khi mới lên 2.
2. Bước tiếp theo là nói không một cách nửa công khai. Trong các nhóm trị liệu của mình, vợ chồng Weiss có một bệnh nhân đang giải quyết vấn đề này, người đó nói “Không” hoặc “Tôi không muốn” một cách lớn tiếng, ngẫu nhiên, và không nhất thiết là để đáp lại một vấn đề gì đang diễn ra trong nhóm. Rõ ràng, hành vi này sẽ là thô lỗ trong bất kỳ bối cảnh nào khác.
Tôi khuyên bạn nên thỏa thuận để thực hành điều này với một người đồng hành hoặc một nhóm bạn đang tham gia. Bạn có thể thỏa thuận với một người bạn thân để nói không với mọi thứ mà người đó yêu cầu và cứ thực hiện như vậy trong một khoảng thời gian xác định. Luôn nói không trước rồi mới suy ngẫm xem bạn có thực sự muốn làm điều đó hay không. Vợ chồng Weiss khuyến khích các bệnh nhân của họ nói không, và sau đó thảo luận xem họ thực sự muốn làm hay không muốn làm điều gì đó.
3. Còn bây giờ là thật! Bạn phải nói không với ai đó và bạn thực sự có ý như thế. Lời từ chối của bạn nên tôn trọng cảm xúc của người kia nhưng không chịu trách nhiệm về cảm xúc của họ. Tôi thích nói với một người những cảm xúc hoặc ý kiến trung thực của mình về những gì anh ta hỏi ngay cả khi tôi không đồng ý. Ví dụ gần đây Mike, một người bạn của tôi rủ tôi đi chơi bowling. Tôi đã trả lời cậu ấy: “Tôi nghĩ chơi bowling rất vui. Và không, hôm nay tôi có quá nhiều việc phải làm rồi. Có lẽ để lúc khác nhé”. Tôi thích thể hiện thêm cảm nghĩ của mình nếu tôi thực sự thích việc đó. Tôi cũng thích sử dụng từ và hơn là nhưng nếu có thể. Đôi khi tôi nói: “Cảm ơn vì đã hỏi tôi! Và không, tôi đã quyết định rồi”.
Có một số lời từ chối khó nói hơn rất nhiều. Đó là phải nói không trong khi tôi thực sự muốn làm điều gì đó hoặc khi nó chạm vào phần yếu đuối nhất trong những nhu cầu chưa được đáp ứng của tôi. Một người khao khát được động chạm vào thân thể và được ôm ấp có thể sẽ rất khó khăn để từ chối lời mời gọi tình dục.
Bạn càng giúp đứa trẻ nội tâm của bạn xác định những nhu cầu của mình và dạy nó coi trọng chúng thì nó sẽ càng thấy dễ dàng hơn trong việc nói lời từ chối.
Một cách hiệu quả khác để củng cố sự độc lập của đứa trẻ nội tâm ở tuổi mới biết đi là tham gia một khóa đào tạo về tính quyết đoán. Các khóa học như vậy mang lại sự an toàn cho “đứa trẻ bên trong” bạn cũng như các bài luyện tập có cấu trúc và kế hoạch cẩn thận để học cách nói không. Ngoài ra còn một số cuốn sách hay về rèn luyện tính quyết đoán. Hai trong số các tác phẩm yêu thích của tôi là Your Perfect Right (tạm dịch: Quyền tuyệt đối của bạn) được viết bởi Robert Alberti và Michael Emmons, cùng với When I Say No I Feel Guilty (tạm dịch: Tôi cảm thấy có tội khi nói không) của Manuel Smith.
Nếu bạn là một người nổi loạn thì có lẽ bạn nói không quá nhiều. Bạn có thể nói không khi bạn muốn nói có. Hãy trò chuyện với đứa trẻ mới biết đi trong bạn. Hãy nói với nó rằng, bạn sẽ bảo vệ quyền lợi của nó và nó có thể không cần dồn hết sức lực để đảm bảo quyền lợi của mình nữa. Chưa hết, thay vì mất thời gian để tìm hiểu xem những người khác muốn gì nhằm chống lại họ, thì bây giờ nó có thể xác định điều mà nó muốn, cần và trực tiếp đòi hỏi những điều đó.
Thiết lập phạm vi độc lập của riêng bạn
Thảo luận với những người bạn sống cùng về tầm quan trọng của việc mỗi người có tài sản riêng cũng như thời gian và không gian riêng của mình. Đồng ý thiết lập một bộ quy tắc cá nhân quản lý phạm vi độc lập của riêng bạn. Bộ quy tắc ấy có thể tương tự như sau:
• Tôi có những khoảng thời gian riêng. Tôi có thể có hoặc không cần chia sẻ nó với mọi người.
• Không ai có thể sử dụng bất cứ thứ gì thuộc về tôi mà không có sự cho phép của tôi.
• Nếu tôi cho phép bạn sử dụng thứ gì đó thuộc về tôi, tôi mong bạn hãy đặt nó trở lại nơi mà bạn lấy nó.
• Phòng của tôi (hoặc bất kỳ không gian nào tôi sở hữu)
đều rất quan trọng đối với tôi. Nếu bạn thấy phòng của tôi đang đóng, vui lòng gõ cửa và xin phép tôi trước khi vào. Đôi khi tôi có thể khóa cửa để đảm bảo sự riêng tư của mình.
• Trong một khoảng thời gian nhất định, tôi muốn thỏa thuận về vị trí đặc biệt để làm việc hay ở bàn ăn. Tôi sẵn sàng thương lượng lại về những không gian này vào một thời điểm được thống nhất trong tương lai.
Một cách thực hành hữu ích khác trong việc thay đổi mối quan hệ thù địch hoặc đồng phụ thuộc là lập danh sách những gì thuộc về bạn. Mua một số nhãn dán màu trắng và viết tên của bạn lên đó. Đi xung quanh nhà của bạn và đánh dấu chúng trên mọi thứ thuộc quyền sở hữu của bạn. Bạn cũng có thể muốn lập một biểu đồ thời gian và dán nó bên ngoài cửa phòng của mình, trong đó chỉ rõ những thời điểm nào bạn được sở hữu riêng tư và những thời điểm nào bạn sẵn sàng chia sẻ với người khác.
Tập thể hiện sự tức giận trong hiện tại
Sự tức giận là một phần sức mạnh cá nhân của chúng ta. Đó là năng lượng chúng ta sử dụng để bảo vệ các nhu cầu cơ bản của mình. Nếu không có sự tức giận, chúng ta sẽ trở thành những tấm thảm để chùi chân và để làm hài lòng người khác. Khi còn thơ ấu, rất có thể bạn đã bị sỉ nhục và trừng phạt khi thể hiện sự tức giận. “Đứa trẻ bên trong” bạn đã học cách ngăn cản bản thân cảm thấy sự tức giận của chính mình. Qua nhiều năm, nó trở nên bị tê liệt đến mức không biết mình còn tức giận nữa hay không.
“Đứa trẻ bên trong” bạn cũng có thể đã học cách sử dụng chiêu “đánh lừa cảm giác” để che đậy cơn giận của mình. Đánh lừa cảm giác là khi bạn sử dụng một cảm giác để thao túng người khác và để thay thế cảm giác mà người đó thực sự có. Đứa trẻ nội tâm của bạn có thể đã học được rằng, nếu nó thể hiện mình bị tổn thương hoặc khóc khi bị trừng phạt vì sự tức giận của mình, nó sẽ không thể nhận được phản hồi tích cực từ người chăm sóc. Do đó, nó đã học cách đánh lừa cảm giác đau đớn và buồn bã khi cảm thấy tức giận.
Đánh lừa cảm giác tội lỗi được hình thành theo một cách khác. Một đứa trẻ bộc lộ sự tức giận thường cảm thấy mình thật tồi tệ. Nó được dạy rằng, bất kỳ biểu hiện nào của sự tức giận đều là thiếu tôn trọng và không vâng lời. Hành vi như vậy là vi phạm Điều răn thứ tư và rất sai trái về mặt đạo đức. Khi một đứa trẻ thể hiện sự tức giận đối với cha mẹ mình, nó ngay lập tức cảm thấy có lỗi vì nghĩ mình đã làm sai điều gì đó. Phần lớn cảm giác tội lỗi mà mọi người có với cha mẹ mình thực ra là sự giận dữ được ngụy tạo nên. Hầu hết chúng ta đều nhầm lẫn giữa sự tức giận lành mạnh với sự tích tụ và bùng nổ bốc đồng do chúng ta kìm nén cơn tức giận quá lâu, cho đến khi không thể kìm nén được nữa.
Sự tức giận không nhất thiết phải mang tính bốc đồng như thế. Trên thang điểm từ một đến một trăm, những cơn giận dữ đứng đầu thang điểm. Hầu hết chúng ta không hiểu rằng, sự tức giận bắt đầu với cảm giác hơi đau khổ hoặc khó chịu. Nếu nó được thể hiện ngay lập tức thì nó sẽ dịu đi một cách dễ dàng và suôn sẻ. Lý do tại sao hầu hết mọi người đều nghĩ rằng sự tức giận mang tính bốc đồng là vì họ chưa bao giờ được dạy cách thể hiện cơn giận của mình một cách khéo léo cả.
Bởi vì “đứa trẻ bên trong” bạn tin rằng sự tức giận mang tính bốc đồng nên nó sợ cảm giác ấy. Hầu hết những người lớn nhưng mang trong mình bản chất trẻ con đều bị thao túng bởi sự tức giận. Họ sẽ bỏ qua hoàn cảnh thực tế của chính mình để ngăn một người khác tức giận.
Bằng cách giúp “đứa trẻ bên trong” kết nối với sự tức giận của chính mình và dạy nó cách thể hiện cảm xúc ấy, bạn sẽ giảm bớt nỗi sợ hãi nơi nó. Nó sẽ biết mình hoàn toàn có thể kiểm soát được cơn giận của bản thân. Nó có thể học cách xem sự tức giận của người khác là thuộc về họ, và có thể từ chối nhận trách nhiệm với sự tức giận của người khác.
Nếu việc tham gia một khóa đào tạo về tính quyết đoán không phù hợp với bạn, tôi khuyên bạn nên tập thể hiện sự tức giận theo những cách sau:
1. Khi bạn lần đầu tiên tập bày tỏ sự tức giận, hãy rút lui khi cơn giận bắt đầu xuất hiện. Hãy ngồi xuống và suy nghĩ về nó. Hãy hiểu rõ về những điều đang khiến bạn tức giận. Viết nó ra nếu cần thiết. Xác định rõ ràng về những gì bạn muốn người kia làm hoặc không làm. Ví dụ, gần đây tôi đã gặp phải một tình huống khiến tôi tức giận: Tôi đã yêu cầu một nhân viên gọi cho tôi và anh ta đồng ý. Nhưng đến 2 giờ chiều mà anh ấy vẫn không gọi. Tôi đợi thêm 30 phút nữa trong khi tôi còn có một số việc khác cần phải làm. Đến 2 rưỡi, tôi đã rất tức giận nhưng tôi đợi cho đến khi cơn tức giận hạ xuống mới bắt đầu thể hiện nó ra.
2. Thực hành những gì bạn sẽ nói. Hãy nói thành tiếng. Nếu có thể thực hành bày tỏ sự tức giận của bạn với một người bạn không liên quan thì càng tốt. Tôi đã tập nói những câu như: “Tôi đang rất tức giận với anh. Tôi đã yêu cầu anh gọi cho tôi lúc 2 giờ chiều thứ Ba. Anh đã nói: ‘Hoàn toàn không có vấn đề gì’. Vậy mà anh chẳng thèm gọi”.
3. Ngay khi bạn cảm thấy sẵn sàng, hãy liên lạc với người mà bạn đang tức giận. Nói với họ rằng bạn đang khó chịu và muốn nói chuyện với họ. Hãy thống nhất về một thời gian cụ thể.
4. Bày tỏ sự tức giận của bạn với người đã xúc phạm bạn. Tôi muốn mở đầu cho những biểu hiện tức giận của mình bằng câu nói: “Sự tức giận của tôi rất có thể bị ảnh hưởng bởi những vấn đề trước đây của chính tôi và có thể tôi không nhận thức đầy đủ về chúng, nhưng tôi đang tức giận với anh...”
Đôi khi tôi nhận thức được các vấn đề trước đây của chính mình. Khi đó, tôi sẽ nói cho người đó biết. Ví dụ, tôi có thể nói: “Bố tôi từng nói rằng ông ấy sẽ gọi cho tôi, và ông ấy chưa bao giờ gọi cả. Tôi giận anh. Tôi đã yêu cầu anh gọi cho tôi lúc 2 giờ chiều...” Có thể bạn sẽ không nhận được phản ứng mà bạn mong muốn từ người kia, nhưng điều quan trọng là bạn phải bày tỏ sự tức giận của mình.
Sự tức giận cần được giải tỏa càng sớm càng tốt. Khi bạn đã học được một cách lành mạnh để thể hiện cơn giận, hãy thực hiện nó càng gần thời điểm thực tế càng tốt. Lý do duy nhất tại sao tôi khuyên bạn nên chờ đợi là bạn thường rất lo sợ khi mới bắt đầu học cách thể hiện sự tức giận. Bởi vì nỗi kinh hoàng xung quanh cơn giận dữ nên nó thường trở thành phản ứng thái quá và bộc lộ ra ngoài thành cơn thịnh nộ.
Tập thể hiện sự tức giận trong quá khứ
Một khi “đứa trẻ bên trong” bạn biết rằng nó có bạn để bảo vệ nó thì sự tức giận từ quá khứ thường bắt đầu hiện lên. Nó có thể vẫn còn tức giận về những điều đã xảy ra trong thời thơ ấu, và khi bạn chăm sóc nó, tức là bạn muốn khép lại quá khứ. Trực tiếp giải quyết với những người đã làm tổn thương bạn trong quá khứ thường không phải là cách hiệu quả. Cơn giận cũ có thể được giải quyết một cách tượng trưng. Chỉ cần nhắm mắt lại và nhìn thấy đứa trẻ nội tâm của bạn. Hãy hỏi tuổi của nó, tưởng tượng bạn đang hòa làm một với nó. Bây giờ bạn là một đứa trẻ. Hãy nhìn bản thể người lớn của mình và nắm lấy tay nhau. Tạo một chiếc mỏ neo cảm xúc bằng cách nắm chặt bàn tay phải của bạn lại. Bây giờ hãy để người khiến bạn đang tức giận xuất hiện. Hãy thực sự nhìn vào người đó. Họ đang mặc quần áo gì vậy? Giờ hãy nói cho họ biết bạn đang tức giận điều gì. Giữ bàn tay của bạn nắm chặt trong suốt thời gian này. Khi bạn đã nói hết những điều cần nói, hít thở thật sâu và thả lỏng nắm tay ra (tức là thả neo). Trở lại với bản thể người lớn của bạn. Hãy bế đứa trẻ nội tâm của bạn lên và đưa nó ra khỏi căn phòng bạn đang ở, rồi từ từ mở mắt ra.
Khẳng định với đứa trẻ nội tâm của bạn rằng việc cảm thấy và bộc lộ cảm xúc tức giận là hoàn toàn bình thường. Trấn an nó rằng bạn sẽ ở đó để bảo vệ nó. Đảm bảo với nó là nó có thể giận bạn nhưng bạn sẽ không rời bỏ nó.
Có nhiều cách khác để giải quyết sự tức giận và phẫn uất. Một số được xử lý hiệu quả nhất bằng phương pháp trị liệu. Nếu bạn có bất kỳ nghi ngại nào, hãy nói chuyện với một nhà trị liệu có chuyên môn.
Nguy hiểm: Dấu hiệu cảnh báo về cơn thịnh nộ
Đừng bao giờ cố gắng giải quyết cơn thịnh nộ mà không có sự trợ giúp của chuyên gia. Cơn thịnh nộ là sự tức giận đã bị kìm hãm bởi sự hổ thẹn, và nó ngày càng lớn dần theo năm tháng. Nó giống như một con sói hung hãn bị giam cầm trong căn hầm. Thời gian trôi qua, năng lượng ngày càng dữ dội và con sói khao khát được thoát ra ngoài. Khi chúng ta bắt đầu giải phóng cơn thịnh nộ, nó hoàn toàn hoang dại và mất định hướng. Chúng ta có thể la hét và kêu gào, chúng ta có thể đánh đập và vung tay theo mọi hướng.
Cơn thịnh nộ chứa đựng những yếu tố gây khiếp sợ. Đây là lý do tại sao chúng ta thường hét lên khi nổi cơn thịnh nộ. Nguyên nhân thường dẫn đến cơn thịnh nộ nhất là khi bị choáng ngợp và cảm thấy mất kiểm soát. Môi của chúng ta run rẩy, giọng nói của chúng ta đứt quãng và nói những điều không liên quan hoặc phóng đại. Chúng ta muốn làm tổn thương người kia. Cơn thịnh nộ mang tính cực đoan. Luôn luôn tức giận và phản ứng thái quá với những điều nhỏ nhặt có thể là dấu hiệu cho thấy có một cơn thịnh nộ dữ dội hơn cần phải giải quyết.
Biết sợ hãi cơn thịnh nộ của chính mình và của người khác là sáng suốt. Tất cả mọi người có mặt, bao gồm cả bạn, cần được bảo vệ trong khi giải quyết cơn thịnh nộ. Hãy tham khảo ý kiến của một chuyên gia tư vấn có chuyên môn cho công việc này.
Tập đối diện
Nếu ai đó đang vi phạm ranh giới của bạn, bạn cần giúp “đứa trẻ bên trong” bạn bảo vệ chính nó. Tôi thích sử dụng một “mô hình nhận thức” để tập đối diện. Mô hình nhận thức tập trung vào bốn năng lực mà mỗi chúng ta đều sở hữu để tương tác với thế giới. Những năng lực này là giác quan, trí tuệ, cảm xúc và ý chí (mong muốn và khát khao của chúng ta). Tôi sử dụng thông điệp “Tôi” để truyền đạt sự thật về nhận thức của mình. Thông điệp “Tôi” là những tuyên bố tự chịu trách nhiệm. Toàn bộ mô hình ấy trông như thế này:
Tôi nhìn thấy, nghe thấy, v.v. …………... (giác quan)
Tôi hiểu rằng………………………………… (trí tuệ, tư duy)
Tôi cảm thấy………………………………… (cảm xúc)
Tôi muốn…………………………………... (mong muốn)
Ví dụ: Joe và Susie tham gia nhóm khiêu vũ bốn cặp đôi. Đứa trẻ nội tâm của Susie đang buồn bã vì Joe đã chọn một người phụ nữ rất xinh đẹp làm bạn nhảy cho một trong những điệu nhảy mà Susie chưa học được. Đêm đó Susie nói với Joe: “Em đã thấy anh chọn Sarah Low để nhảy cùng. Em đã nghe thấy anh cười khúc khích với cô ấy. Em hiểu điều này có nghĩa là anh đã bị cô ấy thu hút. Emcảm thấy sợ hãi và bị bỏ rơi. Và em muốn anh nói rõ với em về điều đó”.
Joe nói với cô rằng anh nghĩ Sarah Low rất dễ thương, và anh thích cách cô ấy nhảy. Anh cũng nói với Susie là anh yêu cô (Susie) và thích ở bên cô hơn. Anh ấy nói muốn dạy Susie điệu nhảy mới để họ có thể khiêu vũ cùng nhau nhiều hơn.
Đứa trẻ nội tâm của Susie không thích khi Joe nghĩ Sarah Low dễ thương. Nhưng cô đã cảm thấy an toàn hơn rất nhiều. Nó cần phải học được rằng, tính chất đồng thời của sự việc là rất bình thường. Joe có thể yêu cô đồng thời vẫn nghĩ Sarah Low dễ thương.
Joe khá thẳng thắn và đáp lại Susie một cách đầy yêu thương. Điều này không phải lúc nào cũng diễn ra trong các mối quan hệ của bạn. Bạn có thể sẽ cảm thấy bất cứ cảm giác nào từ phòng thủ cho đến giận dữ khi đối diện với ai đó. Trừ khi bạn đang đối đầu với một kẻ bạo lực, còn không thì việc đối diện khi bạn cảm thấy khó chịu với một người quan trọng trong đời mình là điều rất cần thiết. Đối diện là trung thực và tạo ra sự tin tưởng, do đó, nó là một hành động của tình yêu. Khi đối diện, tôi coi trọng bản thân mình và đặt ra ranh giới. Tôi cũng tin tưởng và trân trọng bạn đủ để cho bạn biết điều gì đang diễn ra trong tôi.
Tập tư duy phân cực
Tư duy phân cực là tư duy tổng hợp. Nó đối lập với tư duy cực đoan mà tôi đã nói trước đây. Bạn cần giúp đứa trẻ nội tâm của bạn học cách tư duy phân cực. Không có người nào hay hoàn cảnh nào hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu cả. Tư duy phân cực cho phép bạn nhìn thấy tính “đồng thời” của cuộc sống. Trong Quy tắc mới thứ năm, tôi đã khích lệ bạn ngăn chặn tính độc đoán ở đứa trẻ nội tâm của bạn. Suy nghĩ theo hướng cực đoan sẽ tàn phá các mối quan hệ ở người trưởng thành. Ngay từ khi sinh ra, trẻ em đã có quyền mong đợi tình yêu thương vô điều kiện từ cha mẹ mình, nhưng khi lớn lên, không người bạn đời nào có thể dành tình yêu thương vô điều kiện cho chúng ta cả. Ngay cả tình yêu thương được nuôi dưỡng lành mạnh nhất ở người trưởng thành cũng luôn kèm theo điều kiện. Khi trưởng thành, có những điều kiện chúng ta buộc phải đáp ứng nếu muốn người khác chia sẻ tình yêu thương với mình. Không có người bạn đời nào hoàn hảo và cũng chẳng người bạn đời nào sẽ luôn vun đắp hoặc mãi ở bên ta. Hầu hết chúng ta thỉnh thoảng sẽ có cái nhìn linh động. Học cách nhìn nhận thực tế mang tính “đồng thời” là sự khởi đầu của trí tuệ. Hãy tập nhìn thấy đồng thời cả tài sản và công nợ của người khác. Cần tự nhủ rằng mọi thứ được tạo ra đều có ưu và nhược điểm. Hãy nhớ là thiếu bóng tối thì ánh sáng sẽ không tồn tại, thiếu tĩnh lặng sẽ không có âm thanh, thiếu nỗi buồn sẽ không có niềm vui và thiếu níu giữ sẽ không có buông tay.
“Đứa trẻ bên trong” chúng ta thích biến mọi người thành thần thánh. Nó làm điều này để phòng vệ. Chúng ta phải nói với nó rằng không có thần tiên đỡ đầu nào cả. Bất cứ khi nào chúng ta đưa ai đó lên làm thầy là chúng ta lại khiến bản thân nhỏ bé đi. Hãy nói với đứa trẻ nội tâm của bạn rằng bạn sẽ là thầy của nó. Tôi là người thuật sĩ thông thái và nhân từ của John nhỏ đây.
Thực hành các quy tắc đấu tranh công bằng
Những điều tôi thích là:
1. Sống cho hiện tại. Đấu tranh cho những điều vừa xảy ra chứ không phải cho những gì của 25 năm trước.
2. Tránh giữ trong lòng. Đứa trẻ nội tâm của chúng ta thích tích tụ nhiều thứ trong lòng để rồi sau đó trút hết lên người khác.
3. Duy trì chi tiết hành vi cụ thể và khách quan. Đứa trẻ nội tâm làm tốt hơn với những thứ mà chúng có thể nhìn thấy, nghe thấy và chạm vào. Nói với ai đó: “Bạn làm cho tôi chán ngấy” sẽ chẳng mang lại kết quả gì.
4. Tuyệt đối trung thực. Ủng hộ tính chính xác hơn là tranh luận.
5. Tránh đổ lỗi và phán xét. Đây là những cách để che đậy sự xấu hổ của bạn. Duy trì thông điệp “Tôi” và sử dụng mô hình nhận thức.
6. Sử dụng quy tắc lắng nghe, trong đó bạn lặp lại với người kia những gì bạn đã nghe họ nói (để họ vui lòng) trước khi trả lời họ. Đứa trẻ nội tâm bị tổn thương hiếm khi được lắng nghe. Nó rất dễ xấu hổ và đối đầu. Quy tắc lắng nghe sẽ có tác dụng kỳ diệu nếu hai người cùng cam kết thực hành nó.
7. Khoảng trống tranh cãi về tiểu tiết: “Bạn đến muộn 15 phút rồi đấy”, “Không, tôi muộn có 9 phút thôi”. Đứa trẻ nội tâm tuổi học trò theo đúng nghĩa đen rất thích tranh luận về các tiểu tiết.
8. Hãy tiếp tục đấu tranh trừ khi “đứa trẻ bên trong” bạn đang bị ngược đãi. Luôn rút lui hoặc tìm kiếm sự bảo vệ nếu bạn đang bị ngược đãi.
9. Tôi dạy cho đứa trẻ trong tôi ranh giới sau đây liên quan đến sự xung đột: “Tôi không đến với thế giới để thỏa mãn trí tưởng tượng, niềm tin hay kỳ vọng của bạn. Tôi sẽ không để họ đánh giá hay kiểm soát mình. Nếu chúng ta có xung đột, tôi sẽ cố gắng đấu tranh công bằng. Tôi yêu cầu bạn cũng làm như vậy. Nếu bạn trở nên ngược đãi tôi theo bất kỳ cách nào, tôi sẽ rời đi”.
Tập thiết lập ranh giới thân thể
Tôi dạy cho đứa trẻ nội tâm của mình những tuyên bố về ranh giới thân thể như sau: “Tôi có quyền quyết định người nào được phép chạm vào tôi. Tôi sẽ nói cho người khác biết khi nào thì có thể chạm vào tôi và chạm theo cách nào. Tôi có thể tránh tiếp xúc thân thể bất cứ khi nào tôi cảm thấy không an toàn. Tôi có thể làm như vậy mà không cần phải giải thích. Tôi sẽ không bao giờ để bất cứ ai xâm phạm thân thể mình trừ khi tính mạng của tôi bị nguy hiểm”.
Tập ngoan cố hoặc cứng đầu
Làm điều này đặc biệt là khi bạn vô cùng muốn một thứ gì đó.
Tập thay đổi suy nghĩ của mình
Áp dụng phương pháp này năm hoặc sáu lần mỗi ngày trong khi bạn đang thực hành các nhu cầu của đứa trẻ mới biết đi của mình.
BÀI TẬP THỰC HÀNH CHO ĐỨA TRẺ Ở TUỔI MẪU GIÁO
Đứa trẻ nội tâm ở tuổi mẫu giáo của bạn có một số nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành. Nó cần thiết lập phạm vi quyền hạn của mình bằng cách xác định bản thân. Khi trí tuệ và khả năng tưởng tượng phát triển, nó bắt đầu suy nghĩ về những trải nghiệm của mình, đặt rất nhiều câu hỏi và đi đến một số kết luận về đặc điểm giới tính của mình. Nó đã sử dụng trí tưởng tượng để tạo ra một số hình ảnh về cuộc sống của người trưởng thành. Nó tưởng tượng cảm giác làm bố hoặc mẹ, đi làm và quan hệ tình dục sẽ như thế nào.
Con gái cần sự gắn bó với mẹ để có thể yêu thương mình như một người mẹ, và con trai cần sự kết nối với bố để có thể yêu thương bản thân như một người bố.
Cả bé trai và bé gái ở tuổi mẫu giáo đều nghĩ về rất nhiều thứ và bắt đầu hình thành lương tâm sơ khai; từ đó giúp trẻ nhận biết được đúng sai và được trải nghiệm cảm giác tội lỗi, tức là cảm xúc bảo vệ lương tâm của chúng ta.
Tập đặt nhiều câu hỏi
Đứa trẻ nội tâm bị tổn thương hoạt động trong sự mơ hồ về gia đình. Nó nghe lời mọi người mà không hỏi rõ ràng. Nó giải đáp, đoán định, phân tích và tưởng tượng theo cách của mình trong cuộc sống. Đôi khi nó hành động như thể nó biết tất cả mọi thứ và cảm thấy hổ thẹn nếu mắc bất kỳ sai lầm nào dù nhỏ nhất. Học cách để nhận ra “đứa trẻ bên trong” bạn đang hoang mang. Dưới đây là một vài ví dụ về những tín hiệu nó đang bối rối: Bạn cảm thấy buồn và vui về cùng một thứ; bạn có thể nghĩ về hai hành vi trái ngược nhau và cả hai đều rất đáng coi trọng; bạn không chắc người khác muốn gì ở mình; bạn không chắc người khác đang cảm thấy gì, khi được hỏi bạn muốn gì và bạn không biết mình muốn gì.
Khi đứa trẻ bên trong của bạn đang hoang mang, hãy viết ra những điều khiến bạn cảm thấy như vậy. Ví dụ, tôi cảm thấy hạnh phúc khi một mối quan hệ đã kết thúc, nhưng tôi cũng cảm thấy buồn vì điều đó. Tôi tự hỏi mình: “Tại sao mình lại hạnh phúc?” Câu trả lời là tôi được tự do để bắt đầu một mối quan hệ mới. Cảm giác thật tốt khi thay đổi những điều đã cũ. Tôi cảm thấy buồn vì nhớ lại những khoảng thời gian đẹp đẽ bên nhau. Tôi cũng có thể nhớ một số thời điểm rất tồi tệ với người đó. Không có gì sai khi cảm thấy vừa vui vừa buồn, chúng ta thường có hai cảm giác đối lập với cùng một người. Viết ra câu hỏi giúp tôi làm rõ cảm giác bối rối của mình.
Nếu bạn đang thấy khó hiểu về cảm xúc hoặc nhu cầu của ai đó, hãy đặt câu hỏi cho họ đến khi bạn cảm thấy bớt bối rối. Chính họ cũng có thể hoang mang về những gì đang xảy ra trong nội tâm của mình.
Hãy học cách đặt nhiều câu hỏi. Dạy “đứa trẻ bên trong” bạn rằng không dễ để hiểu được người khác. Không ai trong chúng ta hiểu một câu nói theo cùng một cách. Đặt câu hỏi là một quyền quan trọng để trao cho đứa trẻ nội tâm của chúng ta.
Tập làm rõ thông tin truyền đạt
Hãy thống nhất với đối tác trong một mối quan hệ nghiêm túc của mình về việc dành thời gian làm rõ thông tin truyền tải giữa hai người. Thực hành hai kiểu nghe: nghe qua máy ghi âm và nghe chủ động. Nghe qua máy ghi âm chỉ đơn giản là việc kể lại chính xác như những gì bạn đã nghe họ nói. Tôi sử dụng công thức đơn giản: “Những gì bạn nói tôi hiểu là bla-bla... Có đúng không?”
Nghe chủ động là lắng nghe bằng mắt của bạn! Bạn nghe người khác nói nhưng bạn sẽ chú ý đến các biểu hiện của cảm xúc của người đó. Chúng có thể là sự chuyển động của mắt, nét mặt, sự căng cơ, sự thay đổi khuôn miệng, nhịp thở và các tín hiệu vật lý khác như tư thế chẳng hạn.
Bằng cách nghe chủ động, bạn sẽ nắm bắt được diễn biến cảm xúc của người đó cũng như nội dung mà họ truyền đạt. Thực ra “đứa trẻ bên trong” bạn khá thành thạo trong việc nắm bắt các diễn biến ở người khác nhưng nó lại làm điều này một cách vô thức.
Bằng cách luyện tập phương pháp lắng nghe chủ động, bạn có thể trở nên ý thức hơn về diễn biến tâm lý của người khác. Lắng nghe theo cách này cũng giúp chúng ta kiểm chứng những gì đối phương đang nói. Chúng ta rất ít khi thấy kiểu giao tiếp sâu sắc này được tạo thành khuôn mẫu trong hệ thống gia đình của chúng ta. Tôi thường tiếp xúc với một người nào đó dựa trên những phỏng đoán và những giả định chưa được kiểm chứng. Khi những tưởng tượng như vậy được coi là sự thật, các vấn đề nghiêm trọng trong mối quan hệ sẽ nảy sinh.
Tập nhận thức về cảm xúc của mình
Hãy nhớ rằng cảm xúc là động lực sinh học chính của chúng ta. Những gì bạn cảm thấy tại bất kỳ thời điểm nào là cốt lõi của thực tế xác thực nhất của bạn tại thời điểm đó. Đứa trẻ bên trong bạn đã có cảm xúc gắn liền sự xấu hổ độc hại đến nỗi khi có bất cứ cảm xúc nào là lại cảm thấy nỗi hổ thẹn độc hại đó. Dưới đây là một số gợi ý để khuyến khích đứa trẻ nội tâm của bạn cảm nhận và thể hiện cảm xúc của mình một cách an toàn.
Trong 21 ngày liên tiếp, hãy dành 30 phút mỗi ngày để chú ý đến cảm nhận của mình. Để giúp John nhỏ cảm nhận được cảm xúc của nó, tôi sử dụng liệu pháp dạng phóng đại. Nếu nhận ra rằng mình đang cảm thấy buồn, tôi sẽ xịu mặt xuống và thậm chí có thể giả vờ khóc, còn nếu nhận thấy rằng mình đang tức giận, tôi sẽ phóng đại cơn giận trong người lên: Tôi nắm chặt tay lại hoặc cố nghiến chặt răng. Tôi thậm chí còn gầm gừ. Đôi khi tôi dùng nắm đấm để đánh vào gối.
Tôi cũng cho những cảm xúc của tôi được cất thành lời. Tôi hỏi cảm giác của tôi đang muốn nói gì. Sau đó, tôi nói nó thành tiếng. Tôi cho phép John nhỏ thể hiện cảm xúc mạnh mẽ nhất có thể.
Đừng quên thực hiện bài tập này với cả cảm giác hạnh phúc và vui vẻ. Nếu bạn đang vui và cười, hãy cười lớn hơn nữa, hãy để niềm vui sướng vỡ òa thành tiếng. Bạn cũng có thể nhảy nhót và múa may nếu muốn. Sử dụng phương pháp này bất cứ lúc nào bạn nhận thức được cảm xúc và trong một bối cảnh thích hợp để thể hiện nó.
Nghe nhạc hoặc xem phim hoặc chương trình truyền hình có thể kích hoạt những cảm xúc mạnh mẽ. Một trong số hoạt động này có thể khiến bạn ngạc nhiên, bởi vì thoạt đầu chúng có vẻ không liên quan hoặc không phù hợp với việc kích hoạt. Thay vì kìm nén cảm xúc xuống, hãy hít thở sâu và thực sự để bản thân cảm nhận được nó. Hãy phóng đại nó về mặt thể chất một cách tối đa nhất có thể. Hãy diễn đạt bằng lời một cách đầy đủ nhất có thể. Khi hoàn thành, hãy nghĩ về nó. Điều quan trọng là phải tỉnh táo để nhận thức được rằng bạn đang nghĩ về cảm xúc của mình. Đứa trẻ nội tâm của bạn thường nhầm lẫn suy nghĩ với cảm xúc. Hãy đặt tên cảm xúc cho “đứa trẻ bên trong” bạn. Khẳng định và khuyến khích cảm xúc ấy và đảm bảo với nó rằng đó là điều hoàn toàn bình thường.
Tập thiết lập ranh giới cảm xúc
Tôi muốn dạy đứa trẻ nội tâm của mình rằng nó có quyền thiết lập ranh giới cảm xúc của riêng mình. Khẳng định về ranh giới cảm xúc của tôi là:
“Cảm xúc không có đúng hay sai. Chúng chỉ đơn giản là cảm xúc. Những gì bạn cảm nhận về tôi là về lịch sử cảm xúc của bạn, những gì tôi cảm nhận về bạn là về lịch sử cảm xúc của tôi. Tôi sẽ tôn trọng và đánh giá cao cảm xúc của bạn và tôi yêu cầu bạn cũng làm như thế đối với tôi. Tôi sẽ không bị thao túng bởi cơn giận dữ, nỗi buồn, sự sợ hãi hay niềm vui của bạn”.
Tập thiết lập ranh giới giới tính
Nhận dạng giới tính là một trong những điều quan tâm cốt lõi của trẻ ở độ tuổi mẫu giáo mặc dù chúng không mấy sành sỏi về vấn đề giới tính. Năng lượng sống là năng lượng giới tính, và nó thúc đẩy đứa trẻ ở tuổi mẫu giáo tìm ra ranh giới năng lượng của mình bằng cách thiết lập một cá tính, một định nghĩa cho bản thân. Bản sắc giới tính là yếu tố cốt lõi trong danh tính thực sự của chúng ta. Tình dục không phải là thứ mà chúng ta có, nó là con người của chúng ta. Niềm tin của đứa trẻ nội tâm về bản năng giới tính được rèn luyện trong ma trận của: mức độ thân thiết về mặt chức năng trong hôn nhân của cha mẹ; sự gắn kết giữa cha và con trai cũng như giữa mẹ và con gái; và niềm tin của cha mẹ về tình dục. Nếu bạn chưa thực sự khám phá bản năng tình dục của chính mình thì đó là việc quan trọng mà bạn cần phải làm. Đứa trẻ trong bạn tiếp nhận rất nhiều những chỉ dẫn của cha mẹ về các vấn đề liên quan đến giới tính. Nó cần bạn tạo ra ranh giới giới tính của riêng bạn và ghi nhớ chúng một cách rõ ràng. Tôi nghĩ việc viết chúng ra sẽ rất hữu ích, vì giúp làm sáng tỏ mọi thứ. Để viết ra được, bạn hãy lập danh sách tất cả những niềm tin của bạn về giới tính, bao gồm các mục như tần suất quan hệ tình dục; thời điểm thích hợp để quan hệ tình dục; phạm vi của các hành vi tình dục được cho phép; nói chuyện về tình dục; hành vi tình dục biến thái; màn dạo đầu; khả năng đáp ứng tình dục ở nam giới; khả năng đáp ứng tình dục ở nữ giới. Bên cạnh mỗi mục, hãy giải thích niềm tin của bạn đến từ đâu. Ví dụ, nếu trong cột dành cho hành vi tình dục biến thái, bạn liệt kê quan hệ tình dục bằng miệng thì hãy tự hỏi xem ai đã nói với bạn rằng quan hệ tình dục bằng miệng là biến thái. Nếu câu trả lời của bạn không bắt nguồn từ chính trải nghiệm của bản thân hoặc sở thích riêng thì có lẽ bạn nên cân nhắc một cách nghiêm túc về việc thử nghiệm hành vi ấy. Chúng ta cần giúp “đứa trẻ bên trong” mình xây dựng niềm tin giới tính bằng cách phát triển một lương tâm có hiểu biết. Điều này liên quan đến việc sử dụng kinh nghiệm và lý luận trưởng thành của chúng ta, cũng như thận trọng xem xét các truyền thống văn hóa và tinh thần mà chúng ta được thừa hưởng. Dường như đối với tôi, một tiêu chuẩn nhỏ nhất cũng sẽ ngăn cấm việc khai thác hoặc xâm phạm người khác. Điều này cho phép một loạt các trải nghiệm tình dục hoàn toàn bình ổn giữa những người trưởng thành. Mỗi người cần có những lựa chọn riêng về ranh giới tình dục của chính mình.
Một ví dụ cho lời khẳng định về ranh giới tình dục là: Tôi sẽ quyết định mình sẽ quan hệ tình dục với ai. Tôi có quyền xác định cách thức, thời điểm và địa điểm tôi sẽ quan hệ tình dục với người khác. Phương châm duy nhất của tôi là tôn trọng chính tôi cũng như phẩm giá của đối tác. Với quan điểm đó, tôi sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì để lợi dụng hoặc xâm phạm bản thân hay đối tác của mình.
Tập giải phóng trí tưởng tượng của mình
Thường thì đứa trẻ nội tâm cảm thấy tuyệt vọng bởi trí tưởng tượng của nó đã bị bóp méo từ khi còn nhỏ. “Đứa trẻ bên trong” bạn có thể đã được gọi là một kẻ mơ mộng hoặc có thể bị chế giễu vì trí tưởng tượng của mình. Hãy dành cho chính mình những khoảng thời gian đều đặn để ngồi trong 30 phút và hình dung ra những cơ hội mới cho bản thân và cuộc sống của bạn, tiếp tục hành trình trong tưởng tượng, cho phép bản thân trở thành bất cứ điều gì mình muốn. Bắt đầu tưởng tượng với câu: “Điều gì sẽ xảy ra nếu...”. Sau đó, hãy viết những ảo ảnh đó ra. Dần dần, bạn có thể thấy một hình ảnh tưởng tượng nhất định nào đó đang tái diễn. Hãy nghiêm túc công nhận nó! Một bản khẳng định ranh giới tưởng tượng của bạn có thể là: “Tôi có thể và sẽ hình dung ra tương lai của chính mình, cho dù đối với bạn sự tưởng tượng của tôi kỳ quặc ra sao”.
Đối diện với những kỳ vọng thần kỳ của mình
Điều thần kỳ khác với ảo ảnh. Ảo ảnh là kết quả của trí tưởng tượng. Điều thần kỳ là niềm tin rằng những hành vi, suy nghĩ hoặc cảm xúc nhất định có thể thực sự khiến nhiều điều xảy ra trong cuộc sống này khi không có mối quan hệ nhân – quả thật sự. “Đọc thần chú” là một sự điều khiển phổ biến của cha mẹ và đứa trẻ nội tâm bị tổn thương thường được dạy cho rất nhiều phép thuật. Cô ấy nghĩ rằng nếu cô ấy nấu ăn ngon và làm tình giỏi thì chồng cô ấy sẽ không ham mê công việc, nghiện rượu chè hoặc cờ bạc. Anh ấy nghĩ rằng nếu anh ấy làm việc một cách hăng say và kiếm được nhiều tiền thì hiển nhiên cô ấy sẽ hạnh phúc.
“Cố gắng” là một hành vi thần kỳ khác. Rất nhiều đứa trẻ nội tâm bị tổn thương đã học được rằng nếu bạn đủ cố gắng, bạn sẽ không cần phải làm việc đó nữa. Trong trị liệu, “Cố gắng là chết”. Vì vậy, thường là sau khi tôi giao cho một người nào đó bài tập về nhà trong một buổi trị liệu và nghe đứa trẻ nội tâm dễ bảo của họ trả lời rằng “Tôi sẽ cố gắng” thì tôi hiểu rằng điều này có nghĩa là họ sẽ không làm. Đôi khi tôi minh họa điều này bằng cách nói: “Hãy cố gắng rời khỏi ghế của bạn nào”. Khi họ bắt đầu đứng dậy, tôi lại nói: “Không, hãy ngồi xuống và cố gắng rời khỏi ghế của bạn”. Sau vài lần họ nhận được điều tôi muốn truyền tải. Bạn có thể đứng dậy khỏi ghế hoặc không nhưng bạn không cố gắng để làm việc đó.
Hôn nhân thường là một sự kiện kỳ diệu đối với đứa trẻ nội tâm. Nó nghĩ: “Chỉ cần mình có thể kết hôn là mọi vấn đề của mình sẽ qua đi. Chỉ cần có thể kết hôn là mình sẽ hạnh phúc”. Có được bằng cấp, sở hữu nhà cửa, có bể bơi, có con cái, tình yêu và kiếm được thu nhập 6 con số là những dạng thức khác của phép thuật.
Để bảo vệ “đứa trẻ bên trong”, bạn phải thách thức những niềm tin mang tính phép thuật của thời thơ ấu. Cuộc sống là khó khăn, chẳng có ông già Noel thật nào hết, không có ai ở đó để động viên bạn mỗi khi bạn mắc sai lầm cả đâu! Và cuộc đời có rất nhiều bất công.
Học cách yêu bản thân mình như một người đàn ông
Điều quan trọng là một người đàn ông phải cảm thấy mình là một người đàn ông. Điều này đúng bất kể xu hướng tình dục của bạn là gì. Tôi tin rằng để cảm thấy mình là một người đàn ông, “đứa trẻ bên trong” chúng ta cần được yêu thương bởi một người đàn ông. Rất nhiều người trong chúng ta đã mất cha. Họ bỏ rơi chúng tôi về mặt thể chất hoặc tình cảm. Họ chết trẻ trong chiến tranh hoặc do tai nạn hay bệnh tật. Họ đã chết về mặt tâm lý dưới gánh nặng của một khối lượng công việc vô nhân tính. “Đứa trẻ bên trong” chúng ta không có cha để gắn bó, vì vậy nó không bao giờ phá vỡ mối liên kết với mẹ mình. Nếu không có sự kết nối với cha, nó sẽ không bao giờ cảm nhận được tình yêu của một người đàn ông. Vậy làm sao nó có thể yêu bản thân mình như một người đàn ông được? Do đó, nó hoặc chạy đến với những người phụ nữ để mong được chữa lành khi bị tổn thương hoặc tiếp tục cố gắng xoa dịu những người phụ nữ thiếu thốn, hoặc làm đồng thời cả hai điều đó. Mất cha là vết thương lòng của nam giới. Nó không thể được chữa lành bởi một người phụ nữ đâu.
Bạn có thể khắc phục sự mất mát này bằng cách tìm những người đàn ông khác để chia sẻ cùng. Kiểu chia sẻ này ở nam giới cần phải rất khác với tình bạn thân thiết giữa những người đàn ông mà nhiều người trong chúng ta đã biết, bao gồm các sự cạnh tranh và văn hóa khoe khoang về thành tích chinh phục phụ nữ. Hình thức chia sẻ mới này đòi hỏi chúng ta phải phá vỡ khuôn mẫu văn hóa nam giới. Nó đòi hỏi chúng ta phải thể hiện điểm yếu trước mặt nhau, như chia sẻ nỗi sợ hãi và thất vọng. Việc tâm sự về những mặt dễ bị tổn thương này tạo ra một sợi dây yêu thương và thân thiết thực sự. Trong mối ràng buộc đó, chúng ta có thể cảm nhận được ánh mắt chấp nhận và phản chiếu của một người đàn ông. Và khi tình yêu cùng giá trị được phản ánh đó được chủ quan hóa, chúng ta sẽ bắt đầu yêu thương bản thân mình như một người đàn ông.
Trong cuộc sống của tôi hiện giờ, có những người đàn ông thực sự yêu thương tôi. Tôi cảm thấy gắn bó với họ. Tôi có thể cho họ thấy mình yếu đuối. Tôi nói với họ về nỗi sợ hãi của mình, tôi khóc trước mặt họ, tôi chia sẻ những thành công của tôi với họ. Họ nói với tôi rằng họ thương tôi. Họ ôm tôi. Tình yêu thương và sự chia sẻ của họ đã tác động rất lớn đến John nhỏ. Nó cảm thấy mình giống như một người đàn ông nhỏ bé thực sự. Tôi cảm thấy như một người đàn ông.
Học cách yêu bản thân như một người phụ nữ
Để yêu bản thân như một người phụ nữ, đứa bé gái trong bạn cần được yêu thương bởi một người phụ nữ. Điều này không liên quan gì đến xu hướng tình dục. Nó liên quan đến sự sinh tồn của bạn. Có rất nhiều tài liệu viết về sự thất bại trong việc làm mẹ mà nhiều người đã trải qua. Thất bại này ảnh hưởng đặc biệt đến các cô con gái. Sự thất bại trong việc làm mẹ chủ yếu là do sự thất bại trong tình cảm vợ chồng vì người mẹ sẽ cảm thấy chán nản và cô đơn. Họ có thể hướng về con trai và biến nó thành người đàn ông nhỏ bé của mình và chối bỏ con gái. Hoặc họ có thể tìm đến con gái để lấp đầy sự trống trải của mình. Con gái sẽ không thể được yêu thương bằng con người thật của chính mình trong một hoàn cảnh đầy thù hận như vậy. Không có tấm gương nào cho phép trẻ phát triển nhận thức về bản thân. Trẻ nhận lấy sự cô đơn, tủi hổ của người mẹ, người luôn khao khát tình yêu của chồng mình.
Một cô bé không có tình yêu thương lành mạnh của mẹ khi lớn lên sẽ thiếu đi những khía cạnh quan trọng trong bản sắc giới tính của mình. Đây là lý do tại sao rất nhiều phụ nữ tin rằng họ hoàn toàn xứng đáng là phụ nữ chỉ khi có một người đàn ông yêu họ. Nếu mối quan hệ với nam giới của họ kết thúc, họ sẽ rất hoảng sợ. Sau đó, họ lại lao vào một mối quan hệ nam giới khác để bản thân cảm thấy ổn. Nếu điều này có vẻ giống bạn, bạn cần để “đứa trẻ bên trong” đầy tổn thương của mình thử nghiệm tình yêu của một người phụ nữ. Tìm hai hoặc ba người phụ nữ sẵn lòng chia sẻ sự yếu đuối cùng bạn. Đừng cố gắng trị liệu hay chữa lành cho nhau, hãy ở đó để hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm sự tự hiện thực hóa mà thôi. Phụ nữ vốn đã có sợi dây liên kết với nhau do họ đều dễ bị tổn thương và phổ biến nhất: họ đều là nạn nhân. Đứa con gái trong bạn cần biết rằng bạn sẽ giúp nó trở nên không phụ thuộc nữa, và có thể đạt được điều đó khi có sự giúp đỡ của bạn và nhóm hỗ trợ, hay không cần một người đàn ông để cảm thấy hạnh phúc. Nó có thể muốn có một người đàn ông trong cuộc đời mình như một phần kích thích bản năng của phụ nữ đối với tình yêu, tình dục và tình cảm với nam giới. Nhưng nó có thể đạt được điều đó tốt nhất khi tự chủ và không phụ thuộc vào người khác. Nhóm hỗ trợ dành cho phụ nữ có thể sẵn sàng hỗ trợ bạn trong lúc bạn thực hiện mục tiêu này.
Đối mặt với cảm giác tội lỗi độc hại
Như tôi đã đề cập, chúng ta cần có cảm giác tội lỗi lành mạnh để hình thành lương tri và đặt ra giới hạn cho hành vi của mình. Nếu không có nó, chúng ta sẽ trở thành những kẻ rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Nhưng đứa trẻ nội tâm bị tổn thương mang nhiều mặc cảm độc hại, không lành mạnh. Cảm giác tội lỗi tước đi của bạn quyền được là chính mình. Nó làm cho vết thương tinh thần của bạn trở nên nặng nề hơn.
Cảm giác tội lỗi độc hại bao gồm hai dạng. Dạng thứ nhất là kết quả của việc sống trong một hệ thống gia đình hỗn loạn. Mỗi thành viên trong đó sẽ bị đẩy vào một vai trò cứng nhắc để giữ cho hệ thống cân bằng. Nếu một người cố gắng từ bỏ vai trò của mình, gia đình sẽ nổi dậy và đổ mọi tội lỗi lên người đó. Nếu một người cố gắng rời bỏ gia đình và sống cuộc đời của mình, anh ta sẽ bị mắc tội. Cách tốt nhất để đối mặt với cảm giác tội lỗi là giúp đứa trẻ nội tâm bị tổn thương của bạn từ bỏ (các) vai trò trong hệ thống gia đình cứng nhắc của nó. Thực hành các phương pháp tôi đã miêu tả lúc trước.
Dạng thứ hai bắt nguồn từ sự tức giận với chính mình (“sự tức giận phản thân”). “Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của bạn thường tức giận với bố mẹ bạn nhưng nó không thể biểu lộ sự tức giận đó. Hãy xem xét tình huống sau:
Farquhar 3 tuổi, được thông báo rằng đã đến giờ đi ngủ. Cậu bé đang chơi một cách rất say mê và vui vẻ. Cậu nói với mẹ: “Không, con không đi ngủ đâu”. Mẹ bế cậu lên và đưa vào phòng ngủ. Cậu hét lên và cáu kỉnh: “Con ghét mẹ!” Nghe thấy vậy, bố cậu đứng bật dậy và túm lấy Farquhar. Bố nghiêm khắc nói rằng cậu đã vi phạm Điều răn thứ tư của Đức Chúa trời, “Hãy hiếu kính với cha mẹ ngươi”. Farquhar bé nhỏ cảm thấy thật khủng khiếp. Cậu đã vi phạm lời răn dạy của chính Đức Chúa trời! Giờ đây cậu vừa cảm thấy tức giận nhưng lại vừa thấy tội lỗi. Năm tháng trôi qua, để giảm bớt cảm giác tội lỗi đau đớn của mình, cậu sẽ làm những gì cậu nghĩ người khác muốn mình làm nhưng cậu sẽ luôn cảm thấy bực bội.
Để khắc phục cảm giác tội lỗi này, bạn cần thể hiện sự tức giận tiềm ẩn một cách trực tiếp. Sử dụng phương pháp ảo ảnh mà tôi đã miêu tả ở trên để giải tỏa cơn giận cũ. Rời bỏ người cha hoặc người mẹ gây tội bằng cách thực hiện phương pháp chữa lành nỗi đau nguyên thủy cũng rất hữu ích.
Bạn có thể củng cố phương pháp này bằng việc trở nên ý thức về cách mà cảm giác tội lỗi độc hại của mình được hình thành trong những sự việc cụ thể. Liệt kê các sự kiện thời thơ ấu mà bạn cảm thấy tội lỗi. So sánh hành vi của bạn với những hành vi bình thường ở các độ tuổi cụ thể mà tôi đã viết trong phần Hai. Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ thấy rằng bạn đã hành động theo cách phù hợp với lứa tuổi, hành vi lành mạnh của bạn đã bị lên án là tệ hại. Tái hiện những sự kiện này trong tưởng tượng và khẳng định quyền hạn của mình. Farquhar bé nhỏ có thể nói: “Bố mẹ ơi, con chỉ là một đứa trẻ 3 tuổi bình thường thích chơi đùa. Con đang cố gắng thiết lập lại ranh giới của mình. Con rất giận bố mẹ vì đã làm hỏng cuộc vui của con”.
Cuối cùng, có thể bạn sẽ muốn đặc biệt chú ý đến cảm giác tội lỗi do sự xâm phạm và ngược đãi. Đứa trẻ nội tâm vị kỷ của bạn thường xuyên không cá nhân hóa sự ngược đãi mà nó phải gánh chịu. Điều này hoàn toàn đúng với những ai trong số các bạn khi nhỏ bị loạn luân và bị đánh đập.
Đồng thời hãy xem xét những cách mà bạn có thể đã cảm thấy tội lỗi liên quan đến các nhu cầu trong gia đình của bạn. Một khách hàng nam của tôi phải trở thành người chăm sóc mẹ khi bố anh ấy bỏ rơi họ. “Đứa trẻ bên trong” anh ấy cảm thấy tội lỗi bất cứ khi nào mẹ cần, mà điều đó thì xảy ra mọi lúc. Anh ấy nói với tôi rằng, mỗi khi ở trong một tình huống đặc biệt khó khăn hoặc căng thẳng, anh ấy tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với mẹ nếu bà phải đối mặt với tình huống như vậy. “Đứa trẻ bên trong” anh ấy chỉ cảm thấy thoải mái khi nó biết mẹ mình hạnh phúc mà hiếm khi mẹ hạnh phúc nên anh ấy đã cảm thấy vô cùng tội lỗi.
Một khách hàng khác của tôi đã vô tình giữ lấy cuộc hôn nhân của cha mẹ mình. Cô ấy bắt đầu mắc chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng ngay sau khi mẹ cô ngoại tình và bố cô dọa ly hôn. Khi chứng biếng ăn của cô trở nên tồi tệ hơn, bố mẹ cô bắt đầu hàn gắn lại trong mối quan tâm chung về tình trạng thể chất của cô. Khi nói chuyện với cô ấy, tôi thấy rằng cô cảm thấy rất tội lỗi về mọi thứ trong cuộc sống của mình nhưng đặc biệt cảm thấy tội lỗi với cơ hội bố mẹ cô có thể bỏ nhau. Cô cảm thấy mình phải có trách nhiệm vì đã giữ lại cuộc hôn nhân của họ.
Trong cả hai trường hợp, điều quan trọng là phải thực hiện phương pháp chữa lành nỗi đau nguyên thủy như hướng dẫn trong phần Hai. Bạn cần liên tục chỉ dẫn cho đứa trẻ nội tâm của mình rằng nó không phải chịu trách nhiệm về tình trạng hỗn loạn của cha mẹ.
CÁC BÀI TẬP DÀNH CHO ĐỨA TRẺ NỘI TÂM Ở TUỔI ĐI HỌC CỦA BẠN
Khi đứa trẻ nội tâm của bạn đến trường là nó đang rời bỏ những ranh giới khá hạn chế của gia đình và chuyển sang một gia đình xã hội lớn hơn. Nó có hai nhiệm vụ chính cần hoàn thành để biến điều này thành một sự thích nghi lành mạnh. Nhiệm vụ đầu tiên là tập trung vào việc phát triển các kỹ năng xã hội: tương tác và hợp tác với bạn bè đồng trang lứa và cạnh tranh cân bằng để nó có thể tận hưởng chiến thắng và chấp nhận thua cuộc.
Nhiệm vụ thứ hai là phải tiếp thu những kiến thức cần thiết để phát triển sự nghiệp nhằm đảm bảo cho sự tồn tại về kinh tế sau này.
“Đứa trẻ bên trong” bạn cũng phải học rằng những người bên ngoài gia đình của nó thường rất khác biệt. Họ thuộc các nhóm dân tộc, tôn giáo, chính trị và kinh tế xã hội khác nhau. Đứa trẻ của bạn cần phải tìm thấy bản sắc độc đáo của riêng mình liên quan đến tất cả những khác biệt mà nó đã trải qua trong mối tương tác của mình với xã hội rộng lớn.
Nếu bạn cảm thấy rằng đứa trẻ trong độ tuổi đi học của mình bị tổn thương thì đây là một số bài tập bạn có thể thực hiện.
Liệt kê các kỹ năng sống
Liệt kê các kỹ năng bạn đã có. Tiếp theo, lập danh sách những kỹ năng sống mà bạn chưa có, những kỹ năng giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn. Trong trường hợp của tôi, tôi ước mình đã học ngữ pháp tiếng Anh cẩn thận hơn. Tôi đã vượt qua nó bởi vì tôi có một trí nhớ tuyệt vời và sẽ luyện tập cho các kỳ thi. Nếu bạn đọc cuốn sách đầu tiên của tôi, bạn sẽ thấy tôi đã phải vật lộn với ngữ pháp như thế nào. Tôi cũng thiếu các kỹ năng về cơ khí. (Tôi có thể lắp bóng đèn và chỉ thế mà thôi!)
Chọn một lĩnh vực sẽ giúp ích bạn nhiều nhất và (a) tham gia một khóa học về lĩnh vực đó, hoặc (b) nhờ ai đó dạy cho bạn kỹ năng đó.
Điều quan trọng nữa là phải nói đi nói lại với đứa trẻ nội tâm bị tổn thương của bạn rằng phần lớn cuộc sống phải dựa vào những kỹ năng đã học. Đứa trẻ ấy thường cho rằng người ta thành công là nhờ có “năng lực siêu nhiên” nào đó. Chúng ta cần nói với nó: Mọi người thường vượt trội hơn chúng ta bởi vì họ có những hình mẫu tốt hơn và đã luyện tập nhiều hơn khi còn trẻ; còn nó thiếu một số kỹ năng nhất định vì không ai dạy nó cả. Có bạn là người bảo vệ, nó có thể học chúng ngay bây giờ. Tôi biết một phụ nữ có “đứa trẻ bên trong” đã được giải phóng khi bản thể người lớn của cô ấy đối diện với câu nói chế giễu bên trong cô: “Tôi nghĩ rằng mình thực sự không hấp dẫn đối với đàn ông”, bằng cách đáp trả “Bạn chỉ chưa bao giờ học cách tán tỉnh hoặc thể hiện sự quan tâm đến một người đàn ông thôi”. Cách tiếp cận mới này đã giúp “đứa trẻ bên trong” cô tự tin để nhờ một người bạn là phụ nữ có kinh nghiệm tư vấn cho cô. Cô ấy đã có một buổi tối vô cùng vui nhộn và nhận được rất nhiều tiền boa.
Liệt kê các kỹ năng xã hội
Lập danh sách các kỹ năng xã hội bạn cần học. Đây là những kỹ năng giúp bạn dễ dàng tham gia các buổi sinh hoạt tập thể xã hội hơn, giúp bạn hòa nhập hơn với nơi làm việc, gặp gỡ mọi người, hiểu biết về chính trị hơn, trở thành một “người giao tiếp” tốt hơn, v.v..
Hãy học từng kỹ năng một và tìm một người mẫu làm tốt kỹ năng đó, quan sát cách họ làm rồi ghi chép lại.
Chú ý đến từng chi tiết. Sau khi bạn đã thu thập một số dữ liệu về những gì người đó làm, hãy ngồi xuống khoảng 15 đến 30 phút và tưởng tượng người đó đang làm những việc mà bạn muốn. Thu nó lại thành một khung hành vi nhỏ. Quan sát họ thực hiện hành vi đó và neo giữ nó. Rồi, trong khi giữ mỏ neo của bạn, hãy tưởng tượng bạn đang thực hiện hành vi tương tự. Tiếp tục quy trình ấy với các khung hành vi khác. Thực hành phương pháp này khoảng một tuần rồi tưởng tượng bạn đang thực hiện toàn bộ trình tự. Luyện tập cách đó trong vài ngày. Sau đó hãy thử áp dụng nó ngoài thực tiễn. Bạn có thể sử dụng phương pháp này để học bất kỳ kỹ năng xã hội mới nào. Đây là một biến thể của cách tập luyện phương pháp NLP bạn đã làm trước đó.
Tập làm rõ các giá trị
Giá trị của bạn chính là ranh giới trí tuệ của bạn. “Đứa trẻ bên trong” bạn thường không hiểu rõ những điều mình tin tưởng, bởi vì nó đã bị ép buộc và tẩy não trong trường học thế tục và nhà thờ.
Cuốn sách Values Clarification (tạm dịch: Làm rõ giá trị) của Sidney Simon, Leland Howe và Howard Kirschenbaum là một tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực này. Các tác giả này cho rằng một giá trị không phải là một giá trị trừ khi nó có bảy phần tử. Đó là:
1. Nó phải được chọn.
2. Nó phải có các giá trị thay thế.
3. Bạn phải biết hậu quả sự lựa chọn của mình.
4. Một khi đã chọn, bạn phải tán dương và trân trọng nó.
5 Bạn sẵn sàng công khai nó.
6. Bạn hành động dựa trên giá trị này.
7. Bạn thực hiện nó một cách nhất quán và lặp đi lặp lại.
Lập danh sách những niềm tin được coi trọng nhất của riêng bạn, nó như Mười điều răn của bạn vậy. Sau đó, đánh giá chúng theo danh sách các phần tử phía trên và xem có bao nhiêu niềm tin của bạn đáp ứng các tiêu chí giá trị ấy.
Lần đầu tiên tôi thực hiện bài tập này, tôi đã bị sốc và có phần nản lòng. Rất ít những gì tôi tự cho là mình tin tưởng đủ điều kiện để trở thành giá trị thực tế.
Khi sử dụng các tiêu chí này, bạn có thể bắt đầu xây dựng các giá trị của riêng mình. Bạn có thể giữ những giá trị bạn đã có và bắt đầu thay đổi những giá trị bạn không muốn. Việc xây dựng giá trị của bản thân có thể rất thú vị đối với cả bạn và đứa trẻ nội tâm của bạn.
Tập thiết lập ranh giới trí tuệ
Điều quan trọng là cần dạy “đứa trẻ bên trong” bạn nói những điều sau:
Tôi có quyền tin bất cứ điều gì tôi thấy tin. Tôi chỉ cần chấp nhận hậu quả cho niềm tin của mình. Mỗi niềm tin là một phần riêng biệt. Mỗi người chúng ta đều nhìn nhận mọi thứ theo quan điểm hạn chế của riêng mình.
Đánh giá tinh thần cạnh tranh của bạn
Điều quan trọng là trở thành người chiến thắng nhưng trở thành một kẻ thua cuộc lịch thiệp cũng quan trọng không kém. Tôi nhớ một buổi tối chơi bài với gia đình, chúng tôi chơi vì tiền và khi trò chơi ngày càng lớn, mẹ vợ tôi bắt đầu thoái lui. Khi thua mất số tiền cược lớn nhất của buổi tối (khoảng 2 đô la), bà đã ném thẻ của mình xuống và bỏ cuộc. Bà mới chỉ 77 tuổi thôi ấy mà! Rõ ràng trò chơi đã kích hoạt một sự hồi quy tuổi tác mang tính bộc phát. Trong một nền văn hóa nơi mà chiến thắng được phóng đại lên trên tất cả các yếu tố khác thì chúng ta sẽ rất khó chấp nhận mình thua cuộc. Tôi nhớ mình đã muốn bỏ cuộc khi chơi cùng các con mình. Tôi ngày càng tức giận hơn khi thua cuộc. Khi đó, tôi chỉ mới 42 tuổi chứ mấy!
Rất hiệu quả khi tập hợp một nhóm và chơi các trò chơi mà tất cả đều có thể chiến thắng (như cùng nhau giải ô chữ). Điều này cũng hữu ích trong việc xây dựng nhóm trong lĩnh vực kinh doanh.
Giới kinh doanh thường là nơi cạnh tranh vô cùng gay gắt. Nếu sự cạnh tranh quá dữ dội, “đứa trẻ bên trong” bạn có thể rất muốn đầu hàng. Bạn cần phải thận trọng để tránh cho nó rơi vào trạng thái trầm cảm khi có sự thiên vị ở nơi làm việc. Bạn có thể căn cứ vào thực tế rằng trong kinh doanh sẽ tồn tại sự cạnh tranh tương tự như giữa anh chị em và thầy – trò. Bạn cần phải là người bảo vệ cho nó. Điều hữu ích nhất là giữ cho mục tiêu công việc của bạn được xác định rõ ràng. Quyết định những gì bạn muốn và những gì bạn sẵn sàng làm, sau đó thực hiện nó. Hãy nhớ bảo vệ nó trên mỗi bước đi.
Win-win (hợp tác cùng tiến) là cách duy nhất phù hợp với tất cả. Hãy tập thiết lập các tình huống win-win trong cuộc sống của bạn. “Đứa trẻ bên trong” bạn sẽ thực sự thích nó đấy.
Tập thương lượng
“Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của bạn thường muốn gì mọi việc diễn ra theo ý mình. Nó cho rằng con đường nó chọn là đúng đắn duy nhất. Bản thể người lớn của bạn phải dạy cho trẻ biết rằng sự thỏa hiệp và hợp tác là chìa khóa để các mối quan hệ trưởng thành vui vẻ và sống phụ thuộc lẫn nhau tồn tại. Trẻ em sẽ hợp tác nếu có cơ hội trải nghiệm thành quả của sự thỏa hiệp. Hầu hết những “đứa trẻ bên trong” đầy tổn thương của chúng ta chưa bao giờ thấy xung đột được giải quyết một cách lành mạnh. Quy tắc không cạnh tranh chi phối các gia đình hỗn loạn hay hổ thẹn. Không cạnh tranh nghĩa là những cuộc tranh giành ấy sẽ còn diễn ra trong nhiều năm.
Bạn có thể học cách sử dụng sự bất đồng như một nguồn động lực cho những ý tưởng phát triển mới. Phản biện và tranh luận là công cụ để tìm ra con đường mà mỗi người mong muốn. Thật tốt khi có các quy tắc để hướng dẫn tranh luận và điều cần thiết là phải có một trọng tài. Hãy tập hợp một nhóm ba người cùng nhau thực hành kỹ năng phản biện về những điều bạn không đồng ý.
Sử dụng quy tắc lắng nghe và duy trì thông điệp “Tôi” tự chịu trách nhiệm. Hãy tìm kiếm sự thỏa hiệp nhờ thương lượng. Luôn có điều khoản thương lượng lại trong thỏa thuận của bạn. Điều đó có nghĩa là một trong hai bên có thể mở lại cuộc thảo luận sau một khoảng thời gian hợp lý trong tương lai nếu họ cảm thấy không thoải mái với vấn đề như đã thương lượng lúc trước. Một lần nữa, hãy luôn hướng đến giải pháp win-win.
Thương lượng thành công mang lại cho “đứa trẻ bên trong bạn” kinh nghiệm tốt trong việc xử lý xung đột. Nó thấy rằng xung đột không phải là một sự kiện kinh khủng, đau thương; trên thực tế, nó rất quan trọng để thiết lập sự gắn kết lành mạnh. Mỗi chúng ta đều có một đứa trẻ bên trong tuyệt vời, độc nhất, quý giá, không thể lặp lại và hiển nhiên hai phiên bản không thể lặp lại sẽ có những mục đích đối nhau. Điều này đã được xác định trước. Giải quyết xung đột khiến cho cuộc sống trở thành một cuộc phiêu lưu thú vị.
Trong phần này, chúng tôi đã nhìn nhận việc quay trở về nguồn như là bốn yếu tố quan trọng của bất kỳ liệu pháp hiệu quả nào. Chúng ta bảo vệ đứa trẻ kỳ diệu của mình bằng cách cung cấp cho nó những năng lực trưởng thành của chúng ta. Sức mạnh này cho phép đứa trẻ thoát khỏi những quy tắc độc hại cũ và trải nghiệm những quy tắc điều chỉnh mới. Các quy tắc mới bao gồm bản chất của phương pháp kỷ luật nuôi dưỡng, nó là cần thiết để kiềm chế tính trẻ con vị kỷ của đứa trẻ bên trong và khơi gợi tính trẻ thơ trong tâm hồn của nó. Tính trẻ thơ đó cần được bảo vệ để khi chúng ta thực hành những kinh nghiệm sửa chữa mới này, toàn bộ năng lực sáng tạo của chúng ta có thể xuất hiện. Năng lực sáng tạo của chúng ta bắt nguồn từ đứa trẻ tuyệt vời của mình. Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang đứa trẻ đó.
TẬP CẮT ĐỨT SỰ RÀNG BUỘC VỚI CHA MẸ BAN ĐẦU CỦA BẠN
Đây là bài tập tôi áp dụng trong việc giải quyết các vai trò trong hệ thống gia đình hỗn loạn như đã thảo luận trong Chương 7. Những vai trò này liên quan đến mối liên kết giữa các thế hệ.
Bài tập được điều chỉnh từ công trình của Connirae và Steve Andreas và có thể được tìm thấy ở dạng nguyên bản trong cuốn sách Heart of the Mind (tạm dịch: Trái tim của trí tuệ)
Tôi khuyên bạn nên ghi lại bài tập này vào máy ghi âm hoặc nhờ chuyên gia trị liệu, một người bạn đáng tin cậy hay người hỗ trợ hướng dẫn bạn thực hiện từng bước. Hãy dành cho mình 30 phút để thực hiện toàn bộ quá trình. Tìm một không gian yên tĩnh để bạn không bị phân tâm và có thể đứng trong quá trình này. Cho phép tạm nghỉ 30 giây giữa các dấu chấm.
BƯỚC MỘT: SỰ RÀNG BUỘC VỚI CHA MẸ
Nhắm mắt lại và tập trung sự chú ý vào những kỷ niệm về cha hoặc mẹ mà bạn cảm thấy bị ràng buộc nhất. Thực sự nhìn, cảm nhận hoặc nghe thấy người đó qua trải nghiệm nội tâm. Hãy để họ hiện diện trước mặt bạn với hành vi cuốn hút nhất của họ. Nhận thức của bạn sẽ biết chính xác hành vi đó là gì…
Hãy tin tưởng vào điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn. Nếu bạn không thể hình dung ra cha mẹ của mình thì bạn chỉ cần cảm nhận hoặc giả vờ như họ đang ở đó cũng được.
BƯỚC HAI: CẢM NHẬN SỰ RÀNG BUỘC
Bây giờ hãy xem đứa trẻ nội tâm bị tổn thương ở độ tuổi đi học của bạn đang đứng bên cạnh cha/mẹ… Nhìn xem đứa trẻ đó đang mặc gì… Nghe nó nói chuyện với họ… Bây giờ hãy tan vào cơ thể đứa trẻ nội tâm của bạn và nhìn họ qua đôi mắt nó… Nhìn họ ở nhiều góc độ khác nhau… Hãy để ý xem giọng họ như thế nào… Mùi của họ ra sao… Bây giờ hãy bước tới và ôm lấy họ… Cảm giác như thế nào khi tiếp xúc thân thể với họ... Bạn cảm thấy quá gắn bó với họ theo những cách nào… Bạn cảm thấy bản thân được kết nối như thế nào? Làm cách nào để bạn cảm nhận được rằng họ tiếp xúc với mình? Nó có phải là một sự tiếp xúc thân thể không? Nó có phải là một sự tiếp xúc với một số bộ phận trên cơ thể bạn không? (Nhiều người gặp phải sự tiếp xúc này ở vùng bẹn, dạ dày hoặc ngực). Có sợi dây hay một số công cụ gắn kết nào khác giữa hai người không? Có sợi dây chun nào xung quanh bạn không? Hãy trải nghiệm đầy đủ về tính chất của sự tiếp xúc này.
BƯỚC BA: TẠM THỜI PHÁ VỠ SỰ RÀNG BUỘC
Bây giờ hãy ngắt kết nối này trong giây lát… Hãy thực sự cho phép bản thân để ý xem nó sẽ như thế nào. Nếu bạn bị ràng buộc bởi một sợi dây, hãy tưởng tượng bạn cắt nó bằng kéo… Nếu bạn bị gắn liền vào cơ thể của họ, hãy tưởng tượng một chùm tia laze có ánh sáng màu vàng kỳ diệu cắt đứt sự kết nối đó đồng thời chữa lành vết thương ấy… Bạn sẽ cảm thấy sự tách biệt khó chịu ở điểm này… Đây là dấu hiệu cho thấy sự ràng buộc này mang một mục đích quan trọng trong cuộc sống của bạn. Hãy nhớ rằng bạn đang không cắt đứt kết nối. Bạn chỉ đang thử nghiệm cảm giác tách biệt tạm thời mà thôi.
BƯỚC BỐN: KHÁM PHÁ MỤC ĐÍCH TÍCH CỰC CỦA SỰ RÀNG BUỘC
Bây giờ hãy tự hỏi bản thân rằng “Mình thực sự nhận được gì từ họ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của mình?”... “Mình thực sự muốn gì ở họ?”... Chờ cho đến khi bạn nhận được câu trả lời có thể tác động đến tận tâm can của bạn, chẳng hạn như sự an toàn, đảm bảo, bảo vệ khỏi cái chết, cảm thấy rằng mình quan trọng, rằng bạn đáng yêu và đáng giá… Bây giờ hãy kết nối lại sự gắn bó với họ.
BƯỚC NĂM: SỬ DỤNG NĂNG LỰC TRƯỞNG THÀNH CỦA BẠN
Bây giờ, hãy quay sang phải hoặc trái và coi bản thân là một thuật sĩ thông thái và nhân từ (hoặc hoàn toàn tự hiện thực hóa như một bản thể mạnh mẽ nhất của bạn). Hãy nhận thức rằng bản thể lớn hơn này của bạn có khả năng cho bạn những gì bạn muốn và tin rằng bạn đang nhận được từ mối quan hệ ràng buộc với cha mẹ mình. Hãy thực sự nhìn vào bản thể người lớn tháo vát của bạn… Chú ý xem bản thể này trông như thế nào, cử chỉ và giọng nói ra sao. Hãy bước tới và ôm lấy bản thể trưởng thành của bạn... Cảm nhận sức mạnh và năng lực của người đó... Nhận ra rằng điều tồi tệ nhất mà bạn luôn lo sợ đã xảy ra với bạn… Bạn đã bị xâm phạm và bị ruồng bỏ bởi sự ràng buộc,… và bản thể người lớn của bạn đã vượt qua được điều đó,… bản thể người lớn ấy đã sống sót và thực hiện chức năng của mình bất chấp việc đó đã xảy ra.
BƯỚC SÁU: CHUYỂN SỰ RÀNG BUỘC VỚI CHA MẸ SANG SỰ KẾT NỐI VỚI BẢN THÂN
Quay lại với người cha/mẹ mà bạn bị ràng buộc… Nhìn và cảm nhận sự liên kết đó… Ngắt liên kết và ngay lập tức kết nối lại với bản thể người lớn của bạn giống như cách bạn đã kết nối với cha/ mẹ mình... Tận hưởng cảm giác phụ thuộc lẫn nhau với người mà bạn hoàn toàn có thể tin tưởng: là chính bạn. Cảm ơn bản thể người lớn của bạn đã ở đó vì bạn. Tận hưởng cảm giác được nhận từ bản thể người lớn của bạn những gì bạn mong muốn từ cha mẹ. Bản thể người lớn của bạn là người mà bạn không bao giờ có thể đánh mất.
BƯỚC BẢY: TÔN TRỌNG CHA MẸ ĐÃ TỪNG RÀNG BUỘC CỦA BẠN
Bây giờ, hãy nhìn vào người cha/mẹ đã từng ràng buộc và để ý rằng họ có một sự lựa chọn. Họ có thể kết nối lại với bản thể trưởng thành của chính họ. Hãy nhớ rằng họ cũng có các lựa chọn giống bạn để hồi sinh và được trọn vẹn như bạn. Trên thực tế, cần hiểu rằng họ không có cơ hội để có được trọn vẹn thực sự nếu họ vẫn gắn kết với bạn. Bạn đang yêu thương họ bằng cách cho họ một cơ hội để trọn vẹn. Đồng thời cần lưu ý rằng bây giờ bạn có cơ hội để thiết lập một mối quan hệ thực sự với họ từ đầu.
BƯỚC TÁM: MỐI QUAN HỆ VỚI BẢN THÂN
Bây giờ hãy trở lại với bản thể trưởng thành của bạn... Hãy cảm nhận sự kết nối với đứa trẻ tổn thương ở tuổi đi học của bạn. Nhận ra rằng bây giờ bạn có thể yêu và trân trọng đứa trẻ này và cho nó những gì nó cần từ cha mẹ.
KẾT THÚC CÂU CHUYỆN THẦN THOẠI HAY CỔ TÍCH CỦA BẠN
Như một bài tập cuối cùng, hãy hoàn thành câu chuyện thần thoại hoặc cổ tích mà bạn đã viết khi bạn đang hồi sinh đứa trẻ ở tuổi đi học của mình. Bắt đầu với cụm từ Và sau đó…
Đây là kết thúc cho câu chuyện của tôi:
Và rồi Farquhar nghe thấy giọng nói của Joni. Điều đó khiến chàng cảm động đến nỗi chàng cam kết sẽ dành khoảng thời gian yên tĩnh mỗi ngày khi mình có thể lắng nghe Joni. Điều đầu tiên Joni nói với chàng là hãy tham gia vào một nhóm những người đã bị tổn thương và hiện đang thực hành các bí mật của thần tiên. Họ đã cam kết tuân theo kỷ luật của tình yêu thương. Điều đó có nghĩa là họ sẽ kiềm chế sự thỏa mãn, tự chịu trách nhiệm, nói sự thật bằng mọi giá và sống một cuộc sống cân bằng.
Farquhar đã được đón nhận với vòng tay rộng mở. Rất nhanh sau đó, chàng nhìn thấy bản thể thần tiên của mình trong ánh mắt yêu thương của các thành viên trong nhóm. Chàng sống từng ngày một và cam kết với kỷ luật của tình yêu thương. Chàng đã hồi sinh và bảo vệ đứa trẻ nội tâm bị tổn thương của mình. Ngay sau đó, chàng bắt đầu dạy các bí mật của thần tiên.
Nhiều năm trôi qua, chàng trở thành một giáo viên nổi tiếng và là người thay đổi những tâm hồn Snamuh. Chàng yêu cuộc sống của mình và sống cho ngày chàng có thể trở về ngôi nhà thực sự của mình, không ngừng sáng tạo và đắm chìm trong tầm nhìn của bản thể tôi vĩ đại.