Những đứa trẻ không được yêu thương ngay từ khi chào đời sẽ không biết cách yêu thương chính mình. Khi trưởng thành, đứa trẻ phải học cách nuôi dưỡng và làm mẹ đứa trẻ lạc lối bên trong mình.
– MARION WOODMAN
Đứa trẻ ấy muốn những điều thật đơn giản. Nó muốn được lắng nghe. Nó muốn được yêu thương… Nó thậm chí có thể không thành lời nhưng nó muốn các quyền hạn của mình được bảo vệ và lòng tự tôn của mình không bị xâm phạm. Nó cần bạn ở bên.
– RON KURTZ
Chữ “P” thứ ba trong trị liệu là sự bảo vệ (protection). “Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương cần được bảo vệ vì nó còn non nớt và thiếu kinh nghiệm. Nó vẫn cảm thấy mâu thuẫn trong tình cảm dành cho bạn với tư cách là cha mẹ mới của nó: Có lúc nó tin tưởng bạn tuyệt đối, nhưng có lúc nó lại cảm thấy sợ hãi và bối rối. Điều đó không quá khó hiểu bởi bạn đã trải qua suốt từng ấy năm mà không để ý đến “đứa trẻ bên trong” mình. Như trong bất kỳ mối quan hệ lành mạnh nào, lòng tin của đứa trẻ ấy sẽ phải được bồi đắp dần theo thời gian.
DÀNH THỜI GIAN VÀ SỰ QUAN TÂM
Như tôi đã nói lúc trước, trực giác trẻ con biết rằng bạn sẽ dành thời gian cho những gì bạn yêu thích. Điều tối quan trọng là cần tìm hiểu xem khi nào “đứa trẻ bên trong” cần bạn quan tâm. Tôi vẫn đang tự mình nghiên cứu vấn đề này, vì vậy tôi chỉ có thể nói cho bạn biết những gì tôi đã học được cho đến nay. Đứa trẻ của tôi thường cần đến sự quan tâm của tôi:
Khi tôi buồn chán. Đứa trẻ của tôi đôi khi cảm thấy nhàm chán ngay trong các bài giảng và hội thảo của chính tôi. Nó cảm thấy buồn chán khi phải thực hiện những cuộc trò chuyện trí tuệ dài lê thê. Nó bắt đầu bồn chồn và đứng ngồi không yên. Nó buộc tôi phải kiểm tra lại công việc của mình để xem nó còn phải chịu đựng bao lâu nữa.
Khi tôi sợ hãi. “Đứa trẻ bên trong” tôi đã được lập trình để cảm thấy sợ hãi từ khi còn nhỏ. Nó sẽ rơi vào trạng thái đó khi có mối đe dọa nhỏ nhất xuất hiện.
Khi tôi chứng kiến hình ảnh cha con đầy yêu thương và ấm áp. Luôn luôn như vậy. Pat Cash chạy lên khán đài và ôm chầm lấy cha mình khi anh vô địch giải Wimbledon và “đứa trẻ bên trong” tôi bắt đầu la hét. Điều tương tự cũng xảy ra khi Jack Nicklaus giành chức vô địch Masters lần thứ năm, và con trai của ông đang ôm chặt lấy ông khi họ cùng nhau bước đến lỗ thứ 18. Nó lại xảy ra khi Dustin Hoffman giành được Giải thưởng Viện Hàn lâm. Ông ấy gọi cho cha mình, người đang theo dõi qua truyền hình từ trong bệnh viện và “đứa trẻ bên trong” tôi bắt đầu khóc. Nó vô cùng đau lòng vì cha tôi đã bỏ rơi nó. Mặc dù tôi đã làm rất nhiều điều (tôi thực sự đã ôm bố tôi khi ông đang hấp hối trên giường bệnh và hoàn thành mọi di nguyện của ông ấy), tôi vẫn cảm thấy một vết thương sâu sắc về việc ông ấy mất sớm.
Khi tôi mệt mỏi. Tôi hay cáu kỉnh và tức giận khi mệt mỏi. Tôi phải chăm sóc đứa trẻ của mình thật chu đáo, nếu không nó sẽ hiện nguyên hình trước những người thân thiết nhất xung quanh.
Khi tôi chơi trò có tính cạnh tranh. “Đứa trẻ bên trong” tôi là một kẻ thất bại đáng thương. Nó che giấu điều đó khá giỏi nhưng nó thực sự ghét bị thua cuộc. Tôi có thể cực kỳ xúc động trên sân golf. Khi tôi quan sát hành vi của mình, tôi đã thất kinh bởi độ tuổi mà tôi đã tái hiện. Gần đây, khi tôi đánh hỏng một cú putt đơn giản, tôi đã nghe thấy chính mình nói: “Tôi không biết tại sao tôi chẳng làm được bất cứ việc gì!” Một tuyên bố khá vơ đũa cả nắm cho một cú đánh trượt mà tôi sẽ quên đi khoảng hai giờ sau đó.
Khi tôi phản ứng thái quá. Những hành vi thái quá này là sự tái hiện lại độ tuổi tự phát. Tôi biết “đứa trẻ bên trong” hiện diện khi tôi nghe thấy giọng nói của mình ngày càng lớn hơn và ngày càng trở nên bảo thủ hơn.
Khi tôi cảm thấy bị coi thường hoặc bị từ chối. Đứa trẻ trong tôi nhận ra tín hiệu bị từ chối hoặc không được quan tâm ngay trong phút chốc. Tôi phải cực kỳ thận trọng vì đôi khi nó sẽ tự suy diễn trong khi thực tế không hoàn toàn như thế.
Khi tôi bất ngờ bị phơi bày. Điều này không thường xuyên xảy ra bởi vì là một người có nỗi hổ thẹn thường trực, tôi đã học được cách phải luôn thận trọng. Nhưng bất kỳ sự phá vỡ đột ngột nào xảy ra cũng sẽ khiến đứa trẻ trong tôi cảm thấy ngượng ngùng.
Khi tôi đói: “Đứa trẻ bên trong” tôi sẽ trở nên rất cáu kỉnh khi tôi đói.
Khi tôi ở cùng những người bạn thân nhất. Đây là khoảng thời gian vui vẻ với “đứa trẻ bên trong” tôi. Nó thích ở bên cạnh những người bạn thân nhất của tôi. Nó cảm thấy an toàn và hạnh phúc. Nó thích kể chuyện cười, và nói chuyện vui vẻ.
Khi tôi cô đơn. Đã lâu rồi tôi không nhận ra cảm giác cô đơn là thế nào. Giờ đây tôi biết mình cảm thấy cô đơn khi bị tê liệt và muốn ăn đồ ngọt hoặc khi muốn gọi nhiều cuộc điện thoại.
Bất cứ khi nào “đứa trẻ bên trong” tôi hiện diện, tôi đều công nhận nó. Khi nó hạnh phúc và vui vẻ thì chỉ một sự công nhận đơn giản là đủ. Khi nó mệt mỏi, đói, chán nản, buồn bã hoặc cô đơn, tôi cần phải nói chuyện với nó. Tôi đã tìm thấy hai phương pháp rất hữu ích để giao tiếp với “đứa trẻ bên trong” mình.
GIAO TIẾP VỚI “ĐỨA TRẺ BÊN TRONG” MÌNH
Bạn đã học được phương pháp đầu tiên, đó là viết thư. Phương pháp này có thể được sử dụng để giao tiếp hằng ngày với “đứa trẻ bên trong” bạn. Hãy nhớ sử dụng tay thuận khi viết trong bản thể người lớn và tay không thuận khi bạn viết trong bản thể “đứa trẻ bên trong”. Sau đây là cách tôi làm: Mỗi sáng thức dậy, tôi quyết định xem thời gian nào trong ngày hôm đó tôi sẽ dành cho “đứa trẻ bên trong” tôi. Có đôi khi đứa trẻ ấy đột nhiên xuất hiện vào những lúc đau khổ, cô đơn hoặc buồn chán thì tôi sẽ giao tiếp với nó không theo thời gian cố định nào. Nhưng thông thường tôi sẽ chọn trước một khoảng thời gian là 20 phút cho nó. Hôm nay, thời điểm tôi chọn là 8 rưỡi tối. Tôi cần phải nghỉ ngơi trong lúc viết cuốn sách này và “đứa trẻ bên trong” trở nên buồn chán. Đây là những gì tôi đã viết:
John lớn: Xin chào John nhỏ! Hiện tại bạn bao nhiêu tuổi rồi?
John nhỏ: Tôi 6 tuổi.
John lớn: John nhỏ ơi, lúc này bạn đang cảm thấy thế nào?
John nhỏ: Tôi mệt mỏi với việc viết lách quá. Tôi đang muốn gây sự đây.
John lớn: Tôi xin lỗi, tôi không biết rằng mình đã khiến bạn căng thẳng như vậy. Giờ bạn muốn làm gì nào?
John nhỏ: Tôi muốn ăn kem Katie mang đến.
John lớn: Tôi quên béng mất mấy món đấy. Mình cùng xuống nhà và ăn nhé.
Sau cuộc trò chuyện ngắn gọn bằng chữ này, tôi đi xuống và chuẩn bị một bát kem nhà làm mà cháu gái tôi, Katie, đã mang cho tôi vào sáng hôm đó. Tôi thực sự đã quên bẵng nó nhưng John nhỏ vẫn nhớ. Sau khi chúng tôi ăn hết bát kem và nghỉ ngơi một lúc, tôi quay lại với công việc viết lách của mình.
Không phải lúc nào tôi cũng dành 20 phút cho John nhỏ mà tôi để nó quyết định việc ấy. Nó chỉ có khả năng tập trung trong một thời gian ngắn. Tôi nhận thấy rằng khi tôi dành cho John nhỏ càng nhiều sự công nhận thì nó lại càng cần ít thời gian hơn. Nó biết tôi ở đó vì nó và nó tin tưởng tôi. Tôi đã thực hiện việc giao tiếp bằng các đoạn hội thoại viết tay được vài năm rồi. Đây là một hình thức giao tiếp đơn giản nhưng một số người phàn nàn rằng nó mất quá nhiều thời gian. Tôi không phủ nhận điều này. Chắn chắn nó cần có sự cam kết về thời gian và nỗ lực ngay từ đầu nhưng “đứa trẻ bên trong” bạn thực sự xứng đáng với điều đó!
Cách thứ hai để giao tiếp là thông qua việc tưởng tượng. Nhiều người đã sử dụng phương pháp này để giao tiếp với “đứa trẻ bên trong” họ. Đó là cách yêu thích của tôi.
Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng về một căn phòng với hai chiếc ghế tiện nghi đặt đối diện nhau. Một chiếc ghế lớn và một chiếc ghế nhỏ. Chiếc lớn được đặt phía bên phải, còn chiếc nhỏ hơn là dành cho đứa trẻ nhưng nó đủ cao để tầm nhìn của hai người ngang nhau. Dưới đây là hình ảnh tôi vẽ bản thể người lớn của mình (một thuật sĩ thông thái và điềm đạm) đang ngồi trên chiếc ghế lớn, và “đứa trẻ bên trong” tôi ngồi trên chiếc ghế còn lại. Hãy chú ý quan sát và lắng nghe khi bản thể người lớn và “đứa trẻ bên trong” bạn đang trò chuyện.
Luôn bắt đầu bằng cách hỏi “đứa trẻ bên trong” bạn bao nhiêu tuổi. Tiếp theo, hãy hỏi xem nó đang cảm thấy thế nào. Hãy chắc chắn làm rõ mong muốn của nó bằng cách hỏi về các chi tiết hành vi cụ thể. Ví dụ, một thành viên trong nhóm hỗ trợ dành cho nam giới của tôi gần đây nhận ra rằng đứa trẻ của anh ấy đang giận dỗi với mình. Khi bạn tôi hỏi “đứa trẻ bên trong” anh ấy muốn gì, nó trả lời rằng nó muốn đến Astroworld (một công viên giải trí ở Houston) và đi vài vòng. Nó liệt kê các trò chơi như tàu lượn siêu tốc, bánh xe Ferris và chuyến đi trên ghềnh hoang dã. Bạn tôi đã ngoài 50 tuổi nhưng anh ấy vẫn miễn cưỡng đáp ứng yêu cầu của “đứa trẻ bên trong”. Anh ấy rủ thêm vài cặp đôi nữa cùng đến Astroworld. Bạn tôi đã chơi tất cả các trò mà đứa trẻ đưa ra và còn chơi thêm một số trò khác. Anh ấy đã có một khoảng thời gian tuyệt vời!
Khi anh ấy đến buổi chia sẻ tiếp theo của chúng tôi, tôi có thể nhận thấy một số thay đổi rõ ràng. Người đàn ông này là một chủ ngân hàng rất bận rộn, một chuyên gia lập kế hoạch và đầu tư tài chính phức tạp và chi tiết. “Đứa trẻ bên trong” anh ấy đã cho anh ấy biết những gì anh ấy cần làm để thoát khỏi guồng quay của công việc mà nó đang thấy phát ngán. Ba ngày sau nhóm chia sẻ đó, bạn tôi đã mời tôi đi cùng anh ấy đến Astroworld!
“Đứa trẻ bên trong” bạn cần bạn dành thời gian và sự quan tâm cho nó. Bằng cách ấy, bạn sẽ cho nó hiểu rằng nó thực sự được bảo vệ.
TÌM KIẾM GIA ĐÌNH MỚI
Bảo vệ “đứa trẻ bên trong” bạn tức là trao cho nó cơ hội được lựa chọn một gia đình mới. Gia đình mới có thể bảo vệ nó trong khi nó hình thành các ranh giới mới và bắt đầu học cách điều chỉnh bản thân. Nếu gia đình gốc của bạn không được cải thiện thì gần như bạn không thể nhận được sự hỗ trợ nào từ họ khi bạn đang trong quá trình hồi sinh chính mình. Họ thường nghĩ rằng những gì bạn đang làm là ngu ngốc, và họ khiến bạn xấu hổ vì điều đó. Họ thường cảm thấy bị đe dọa khi bạn thực hiện phương pháp này, bởi vì khi bạn từ bỏ các vai trò trong gia đình gốc của mình, bạn sẽ phá vỡ trạng thái cân bằng bị đóng băng của hệ thống gia đình ấy. Trước đây, bạn chưa bao giờ được phép là chính mình thì tại sao giờ đây họ có thể ngay lập tức cho phép bạn làm điều đó chứ? Nếu gia đình gốc của bạn bị hỗn loạn, thì ít có khả năng đáp ứng nhu cầu muốn nuôi dưỡng của bạn. Vì vậy, tôi khuyên bạn nên giữ khoảng cách an toàn và cố gắng tìm kiếm một gia đình mới, một gia đình luôn hỗ trợ và không bao giờ chế giễu bạn. Đây có thể là nhóm hỗ trợ từ bạn bè, có thể là nhóm bạn đã tham gia để trị liệu cho “đứa trẻ bên trong” mình hoặc có thể là bất kỳ nhóm nào trong vô số nhóm 12-bước hiện có trên toàn quốc. Nó cũng có thể là một nhà thờ Do Thái hoặc một nhóm trị liệu. Dù lựa chọn của bạn là gì, tôi mong bản thể người lớn của bạn sẽ tìm được một nhóm cho cả hai người. Bạn là người bảo vệ cho “đứa trẻ bên trong” bạn, và nó cần sự hỗ trợ và bảo vệ của một gia đình gắn kết mới.
Hãy xem xét trường hợp của Sibonetta, người đã lớn lên cùng một người bố và người mẹ thích bạo hành và chế giễu cảm xúc của con cái. Bố của Sibonetta đã qua đời, và mẹ cô đã tái hôn nhưng bà ấy vẫn thường xuyên gọi điện cho cô. Sibonetta đã và đang có những tiến bộ vượt bậc trong việc trị liệu, nhưng tôi luôn biết khi nào thì mẹ cô liên lạc với cô. Vì mỗi lần như thế, cô sẽ lại thụt lùi trong vài ngày. Tôi đã thỏa thuận với Sibonetta để tham gia nhóm Coda (Hội những người đồng phụ thuộc ẩn danh). Cô đã rất lưỡng lự. Tôi là người bảo vệ cô, và cô không muốn giao phó bí mật của mình cho bất kỳ ai khác. Tôi biết làm vậy là không lành mạnh, vì vậy tôi khăng khăng yêu cầu cô tham gia một tập thể và đến dự 30 cuộc gặp mặt trong một tháng. Tôi hy vọng rằng hoạt động tập thể như vậy sẽ cuốn hút cô vào nhóm. Chiến lược đó đã hiệu quả. Cô bắt đầu cảm thấy tự nhiên hơn trong nhóm, và sau khi hoàn thành 30 ngày, cô tiếp tục tham gia bốn lần một tuần. Tôi nhận thấy cô có nhiều năng lượng và ít khó chịu hơn vì những cuộc điện thoại của mẹ. Cô sẽ nói về các cuộc điện thoại với mẹ cho cả nhóm, và họ sẽ gợi ý những điều mà cô nên nói với mẹ. Họ cũng hỗ trợ để cô có được một chiếc máy trả lời tự động giúp cô có thể sàng lọc các cuộc gọi của mẹ mình và gọi lại khi cô sẵn sàng. Nhóm đã cho cô sự hỗ trợ đa dạng hơn nhiều so với những gì tôi có thể dành cho cô, và phản hồi của họ mạnh mẽ hơn giọng nói đơn độc của tôi. Sibonetta hiện có một gia đình mới, mọi người gắn kết và hỗ trợ cô trong cuộc đấu tranh chấm dứt chế độ độc tài của mẹ cô.
VỖ VỀ “ĐỨA TRẺ BÊN TRONG” BẠN
Chúng ta đều biết rằng trẻ có thể chết nếu không được ôm ấp và vỗ về. Trẻ sơ sinh cần được vuốt ve và kích thích để sống và phát triển. Nếu không, trẻ sẽ mắc chứng suy nhược, giống như thể đang chết đói vậy. Một đứa trẻ mắc chứng suy nhược sẽ chuyển sang trạng thái bào thai, gây đảo ngược trong quá trình tăng trưởng. Nếu không được vuốt ve, trẻ sẽ tiều tụy và héo mòn. Khi trẻ lớn lên, ngoài sự vuốt ve, trẻ còn cần được nghe nhiều lời động viên nữa. Đây là một hình thức bảo vệ.
Vì không thể sống nếu không được vỗ về nên trẻ sẽ bằng mọi cách để có được điều ấy. Nếu không thể nhận được những sự vỗ về yêu thương thì trẻ sẽ tìm kiếm sự đụng chạm tiêu cực. Điều đó giống như khi bạn khát, bạn sẽ chấp nhận uống ngay cả nước bẩn nếu đó là loại duy nhất bạn có được.
“Đứa trẻ bên trong” bạn có lẽ đã phải uống rất nhiều nước bẩn. Đó là lý do tại sao những lời tích cực mà chúng ta sử dụng cho từng giai đoạn phát triển lại quan trọng đến vậy. Bạn cần tiếp tục sử dụng chúng. Chúng chính là sự vỗ về cảm xúc mà “đứa trẻ bên trong” bạn cần để được nuôi dưỡng. Giờ hãy quay trở lại và nhìn vào những lời tích cực cho từng giai đoạn. Nhớ lại những câu tích cực mạnh mẽ nhất đối với bạn. Sử dụng chúng để vỗ về “đứa trẻ bên trong” bạn. Nó cần nghe chúng mỗi ngày khi bạn bắt đầu học cách bảo vệ nó. Sau đây là những lời tích cực của tôi:
THỜI THƠ ẤU
Chào mừng bạn đến với thế giới… Tôi rất vui vì bạn là con trai… Bạn sẽ có tất cả thời gian bạn cần để đáp ứng nhu cầu của mình.
TUỔI MỚI BIẾT ĐI
Nói “không” không hề sai… Tức giận không hề sai… Bạn có thể tức giận và tôi vẫn sẽ vẫn ở đây… Bạn hoàn toàn có thể hiếu kỳ, muốn nhìn, muốn chạm và muốn nếm thử nhiều thứ… Tôi sẽ cho bạn một môi trường an toàn để khám phá.
TUỔI MẦM NON
Duy cảm không hề sai… Bạn suy nghĩ cho chính bản thân cũng không sao cả… Bạn có thể khác biệt… Bạn có thể yêu cầu những gì mình muốn… Bạn có thể đặt câu hỏi nếu điều gì đó khiến bạn thắc mắc.
TUỔI ĐI HỌC
Không sao cả khi mắc sai lầm… Bạn có thể làm một số việc theo cách tầm thường… Bạn không cần phải hoàn hảo hay luôn phải đạt điểm A... Tôi yêu bạn vì chính con người bạn.
Những lời tích cực này được đặc biệt điều chỉnh cho riêng tôi và nhu cầu của tôi. Bạn có thể làm điều tương tự với lời tích cực của mình.
Tôi cũng khuyên bạn nên viết ra lời tích cực của bạn. Mỗi lần sẽ viết một câu, từ mười lăm đến hai mươi lần một ngày và luôn mang theo nó bên mình. Thường xuyên nhìn nó và đọc thành tiếng.
Đặt tất cả các câu tích cực vào các thẻ cỡ 5x7 và đặt chúng ở những nơi dễ thấy trong nhà hoặc căn hộ của bạn. Mời bạn bè đọc cho bạn những lời tích cực này. Ghi lại chúng trên máy ghi âm và phát lại cho chính mình nghe.
Thiết lập sự vỗ về để xoa dịu những ký ức đau thương cũ
Khi bố mẹ bạn đang vô cùng khó chịu (la mắng, giận dữ, đe dọa, gán ghép và phán xét), đứa trẻ đầy tổn thương trong bạn đã chủ quan hóa những lời nói của bố mẹ theo cách bi kịch nhất. Chính những lúc đó, sự sinh tồn của bạn bị đe dọa nhiều nhất. Bạn in sâu lời nói của họ và ghi nhớ chúng.
Bạn cần phải quay trở lại những cảnh đó và cho phép bản thể người lớn bảo vệ đứa trẻ của bạn bằng một số câu nói nhằm xoa dịu và nuôi dưỡng. Nếu không có một số dấu ấn âm thanh mới mẻ và êm dịu, đứa trẻ trong bạn sẽ tiếp tục tự nói với mình bằng những lời lẽ chế giễu cũ. Bài tập sau đây sẽ giúp bạn thay đổi hoàn cảnh xấu hổ xưa kia và thiết lập một giọng nói mới. Tốt hơn là hãy chọn một ký ức đau thương mà bạn đã chữa lành được nỗi đau nguyên thủy. Nếu bạn chọn một ký ức mà bạn chưa chữa lành nỗi đau nguyên thủy thì hãy hết sức cẩn thận, vì bạn có thể dễ bị choáng ngợp. Thực hiện theo các hướng dẫn một cách chính xác. Tôi khuyên bạn nên ghi lại bài tập này vào máy ghi âm hoặc nhờ chuyên gia trị liệu, một người bạn đáng tin cậy hoặc người hỗ trợ hướng dẫn bạn thực hiện từng bước.
BƯỚC MỘT
Hãy tưởng tượng rằng bản thể người lớn của bạn đang ngồi trong rạp chiếu phim nhìn vào một màn hình trống. Bây giờ hãy nhìn xung quanh và chú ý các chi tiết trên các bức tường của nhà hát. Bạn thấy gì? Nhìn lên trần nhà. Hãy xem nó được khảm bằng những hình chạm khắc tuyệt đẹp hay không. Nhìn lại màn hình và đọc tiêu đề của một bộ phim. Đọc các từ “Cảnh đau thương cũ”. Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng bạn đang thoát khỏi cơ thể mình và ngồi sau bản thân bạn mười hàng ghế. Bạn có thể nhìn thấy sau đầu mình và mình đang nhìn vào màn hình. Tạo mỏ neo kết nối bằng việc thủ ấn.
BƯỚC HAI
Giữ chặt mỏ neo, bạn thấy mình đang xem một đoạn phim đen trắng về bối cảnh đau thương cũ. Hãy nhìn chính mình đang xem nó từ đầu đến cuối. Khi đoạn phim kết thúc, bạn nhìn thấy bản thân đang nhìn vào một bức ảnh tĩnh của khung hình cuối cùng có hình ảnh “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương. Nó đang ngồi một mình.
BƯỚC BA
Hãy buông neo nơi bạn và hòa nhập lại với bản thể đã xem phim. Bây giờ bạn đang ở trong cơ thể mình. Hãy tưởng tượng bạn đang đi vào bức tranh trên màn hình. Bây giờ bạn đang ở đó với đứa trẻ của bạn. Hỏi nó xem bạn có thể bế nó không. Nếu nó nói có, hãy bế nó lên và nhẹ nhàng vỗ về nó đồng thời nói với nó những điều nhẹ nhàng mà nó cần nghe khi trải qua tổn thương. Nếu nó không muốn được bế ẵm, bạn chỉ cần nói với nó những lời dịu dàng.
Ví dụ, tôi có một ký ức đau buồn khi bị bà ngoại giễu cợt vì đã khóc nức nở bởi bố tôi bỏ nhà ra đi và thề rằng sẽ uống đến “say xỉn”. Ông ấy và mẹ tôi vừa cãi nhau ầm ĩ. Tôi nhớ mình đã hoảng sợ. Khi đối diện với ký ức đó, tôi nhẹ nhàng ôm đứa trẻ nội tâm 10 tuổi bị tổn thương của mình vào lòng và nói: “Không sao đâu, John à. Thật là đáng sợ khi nghĩ đến cảnh bố của bạn lại say xỉn. Bạn hoảng loạn và lo sợ bố bạn sẽ không bao giờ quay lại hoặc ông ấy sẽ làm tổn thương mẹ bạn là cảm xúc hoàn toàn bình thường. Bạn có thể khóc bao lâu tùy thích. Giờ tôi ở đây để bảo vệ bạn”.
BƯỚC BỐN
Khi bạn đã hoàn thành việc nuôi dưỡng “đứa trẻ bên trong” mình, hãy tưởng tượng toàn bộ khung cảnh đau thương sẽ được chiếu lại lần này với đầy đủ màu sắc. Hãy tưởng tượng rằng bạn và “đứa trẻ bên trong” bạn đang ở bên trong bộ phim như thể thời gian đã đảo ngược.
Chờ khoảng 10 phút rồi ngẫm lại ký ức đau thương cũ. Để ý xem bạn có cảm thấy khác biệt hay không. Để ý xem bạn có thể nghe thấy âm thanh của giọng nói từ người bảo vệ mới của mình hay không. Nếu bạn không thể, bạn cần phải thực hành thêm. Một ký ức có thể cần được giải quyết nhiều lần.
Đòi được vỗ về
Hãy học cách đòi được vỗ về khi bạn cần. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy xấu hổ khi bày tỏ nhu cầu được vỗ về. Chúng ta chưa bao giờ học cách nuôi dưỡng cảm xúc ở bản thân. Bây giờ bạn cần cho phép đứa trẻ nội tâm của bạn làm điều đó. Khi ai đó làm bạn xấu hổ, bạn nên gọi cho một người bạn và nhờ người đó vỗ về mình. Bạn có thể gọi điện và nói: “Hãy nói cho tôi biết tôi là một người tốt và có giá trị” hoặc “Hãy cho tôi biết bạn yêu thương và quý trọng tôi như thế nào” hoặc “Hãy cho tôi biết một số điều bạn thích ở tôi”. Nghĩ xem bạn sẽ làm gì nếu bị chết đói. Bạn sẽ tìm kiếm thức ăn hoặc bạn sẽ xin thứ gì đó để ăn. “Đứa trẻ bên trong” bạn không nhận ra rằng bạn có thể làm điều tương tự khi bạn thấy đói về cảm xúc.
Việc bạn đòi hỏi được vỗ về theo cách cụ thể khi cần là điều hoàn toàn lành mạnh. Bạn đã biết một số cách. Phụ nữ đẹp thường có vô số những lời tán thưởng về vẻ đẹp hình thể của mình. Nếu bạn là một phụ nữ hấp dẫn, bạn cần yêu cầu các kiểu vỗ về khác nhau. Ví dụ, nếu một người đàn ông nói với bạn rằng bạn trông đẹp và quyến rũ như thế nào thì hãy nói với anh ấy: “Tôi biết điều đó, thế anh còn thích điều gì ở tôi nữa không?” Tôi nhận được rất nhiều lời tán dương cho trí tuệ của mình. Tôi được nghe những câu như, “Anh là một thiên tài. Tôi không biết sao anh làm được như thế”. Những gì tôi muốn là sự vỗ về dành cho cơ thể. Vì vậy, tôi đang dạy đứa trẻ nội tâm của mình nói: “Tôi biết mình thông minh, thế bạn thích cơ thể của tôi ở điểm gì?” Việc này không dễ dàng bởi hầu hết các bậc cha mẹ của chúng ta là những đứa trẻ con trong thân xác người lớn, những người mà bản thân họ đã bị “thiếu sự vỗ về” nên khá keo kiệt trong việc đưa ra những lời tán dương.
Bên cạnh việc thường xuyên vỗ về “đứa trẻ bên trong” mình theo những cách cụ thể mà nó cần, hãy dạy nó những điều sau:
• Dành tất cả sự vỗ về mà bạn có cho người khác.
• Bạn hoàn toàn có thể tự vỗ về bản thân.
• Đòi hỏi được vỗ về là việc hoàn toàn bình thường.
• Bạn có thể yêu cầu kiểu vỗ về mà mình cần.
“Đứa trẻ bên trong” bạn cần sự khích lệ và bảo vệ liên tục này. Là người bảo vệ đứa trẻ, bạn có thể cung cấp cho nó ba liệu pháp “chữ P” mà Eric Berne đã mô tả. Ba chữ “P” này bao gồm năng lực (potency), quyền hạn (permission) và sự bảo vệ (protection) cũng là các yếu tố của việc nuôi dưỡng lành mạnh. Tôi muốn thêm chữ “P” thứ tư. Bảo vệ là một quá trình liên tục bao gồm việc học cách sửa chữa. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và thực hành (practice). Bây giờ hãy cùng xem xét chữ “P” thứ tư nhé.