Khi nghĩ về hạnh phúc của con cái, chúng ta dự định cung cấp cho chúng những gì mà bản thân mình đã thiếu… Rồi khi đứa con đầu lòng chào đời, chúng ta đối mặt với thực tế rằng việc nuôi dạy con cái không chỉ là một giấc mơ đầy tình yêu thương… Có những ngày chúng ta sẽ thấy mình đang làm chính những điều mà mình đã thề rằng sẽ không bao giờ làm… Hoặc chúng ta sẽ nhượng bộ... Chúng ta cần học các kỹ năng, đúng hơn là rất nhiều kỹ năng mà chúng ta đã không học được trong gia đình ban đầu của mình.
– JEAN ILLSLEY CLARKE và CONNIE DAWSON
“Đứa trẻ bên trong” chúng ta phải bị kỷ luật để giải phóng sức mạnh tinh thần to lớn của nó.
– MARION WOODMAN
Một khi bạn bắt đầu chiến đấu với “đứa trẻ bên trong” đầy tổn thương của mình, bạn phải đối mặt với một tình huống tiến thoái lưỡng nan khác. Vì hầu hết chúng ta đều xuất thân từ những gia đình không hạnh phúc, nên chúng ta thực sự không biết làm thế nào để nuôi dưỡng “đứa trẻ bên trong” mình cả. “Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của chúng ta là trẻ con. Nó hoặc vô kỷ luật quá mức hoặc bị kỷ luật quá nghiêm khắc. Chúng ta phải trở thành những người thực thi kỷ luật nhưng cũng đồng thời nuôi dưỡng tích cực nếu chúng ta muốn “đứa trẻ bên trong” mình được chữa lành. Đứa trẻ ấy cần phải tiếp thu những quy tắc mới cho phép nó phát triển và thành đạt. Bản thể người lớn của bạn cần thu thập thông tin mới về những gì tạo nên kỷ luật tốt và học các kỹ năng mới để tương tác với nó. Bạn sẽ sử dụng năng lực trưởng thành để trao cho nó những quyền hạn mới. Nó cần sự cho phép, để phá vỡ các quy tắc cũ của cha mẹ mình, để được phép trở thành con người thật của mình và được phép vui chơi.
KỶ LUẬT DỰA TRÊN NUÔI DƯỠNG
Ai đó đã từng nói rằng “trong tất cả những chiếc mặt nạ của sự tự do, kỷ luật là thứ không thể bị đâm thủng nhất”. Tôi thích câu đó. Không có kỷ luật, “đứa trẻ bên trong” chúng ta không thể thực sự tự do. M. Scott Peck đã có những nhận xét quan trọng về điều này. Peck coi kỷ luật là một tập hợp các phương pháp nhằm xoa dịu nỗi đau không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Điều đó khác xa so với những gì tôi đã học được khi còn nhỏ. Sâu trong tiềm thức của tôi, kỷ luật có nghĩa là trừng phạt và đau đớn. Đối với Peck, kỷ luật tốt là một tập hợp các giáo lý về cách để sống cuộc đời của chúng ta thanh nhã hơn. Kỷ luật tốt liên quan đến các quy tắc cho phép một người trở thành con người thật của chính mình. Những quy tắc như vậy nâng cao giá trị con người và bảo vệ bản thể tôi của chúng ta. Dưới đây là một loạt các quy tắc nuôi dưỡng mà bạn nên dạy “đứa trẻ bên trong” tuyệt diệu của mình.
1. Cảm nhận những cảm xúc của mình là việc hoàn toàn bình thường. Cảm xúc không có đúng hay sai. Chúng chỉ đơn thuần là cảm xúc. Không ai có thể nói rằng bạn nên cảm thấy gì. Nói về cảm xúc là một việc tốt đẹp và quan trọng.
2. Chẳng có gì là không ổn khi muốn điều mà mình mong muốn cả. Không có gì bạn nên hoặc không nên muốn hết. Nếu bạn kết nối với năng lượng sống của mình, bạn sẽ muốn mở rộng và phát triển. Làm cho những nhu cầu của mình được đáp ứng là một việc đúng đắn và cần thiết. Đòi hỏi những gì mình muốn là điều tốt.
3. Nhìn và nghe những gì bạn đã thấy được chẳng có gì là sai cả. Đó chỉ đơn giản là những điều mắt thấy tai nghe mà thôi.
4. Luôn vui vẻ và nô đùa là điều đúng đắn và cần thiết. Vui thích với việc quan hệ tình dục không có gì là bất ổn hết.
5. Luôn luôn nói sự thật là điều cần thiết. Nó sẽ làm giảm đau đớn trong cuộc sống. Nói dối làm sai lệch thực tế. Tất cả các hình thức tư duy méo mó đều phải được chỉnh đốn.
6. Điều quan trọng là phải biết giới hạn của bản thân và đôi khi cần phải kiềm chế sự hài lòng. Điều này sẽ làm giảm đau thương trong cuộc sống.
7. Cần phải phát triển một ý thức cân bằng về tinh thần trách nhiệm. Điều này có nghĩa là chấp nhận hậu quả cho những gì bạn làm và từ chối chấp nhận hậu quả cho những gì người khác làm.
8. Sai lầm cũng không sao. Sai lầm là người thầy của chúng ta, giúp chúng ta học hỏi.
9. Cảm xúc, nhu cầu và mong muốn của người khác cần được tôn trọng. Xâm phạm người khác dẫn đến tội lỗi và phải chấp nhận hậu quả.
10. Có vấn đề cũng không sao. Chúng cần được giải quyết. Có xung đột cũng không sao. Chúng cũng cần được giải quyết.
Hãy để tôi nhận xét ngắn gọn về từng quy tắc mới.
Quy tắc mới thứ nhất
Đứa trẻ bị tổn thương bên trong bạn sẽ rất sợ hãi khi phải phá vỡ những quy tắc cũ của gia đình như không tâm sự, hoặc quy tắc cảm xúc là yếu đuối và không nên được thể hiện. Bạn cần phải cẩn trọng khi đưa ra cho đứa trẻ của mình một hướng dẫn nào đó trong phạm vi này. Bằng mọi cách, hãy cho phép nó cảm nhận những gì nó cảm thấy và dạy nó rằng cảm xúc không bao giờ là đúng hay sai cả. Nhưng bạn cần có một số hướng dẫn rõ ràng về những cảm xúc được thể hiện. Có một số tình huống không an toàn hoặc không thích hợp để thể hiện cảm xúc. Ví dụ, không khuyến khích “đứa trẻ bên trong” bạn bày tỏ cảm xúc của mình với cảnh sát khi họ đưa cho bạn vé phạt. Việc lúc nào cũng thể hiện những cảm xúc muốn tách biệt với cha mẹ thì cũng là không nên. Bạn cần thể hiện những cảm xúc này theo cách tôi đã hướng dẫn trong phần Hai.
“Đứa trẻ bên trong” bạn cũng cần học sự khác biệt giữa việc thể hiện cảm xúc và việc hành động theo cảm xúc. Ví dụ, tức giận là một cảm giác hoàn toàn hợp lệ. Nó báo hiệu rằng một sự vi phạm các nhu cầu hoặc quyền cơ bản của chúng ta đã hoặc sắp xảy ra. Bày tỏ sự tức giận là hợp lệ trong tình huống này, nhưng đánh đập, chửi bới, la hét hoặc phá hoại tài sản thì lại không phù hợp.
Bạn cần cung cấp một môi trường an toàn, không gây hổ thẹn, nơi đứa trẻ của bạn có thể tự do bày tỏ cảm xúc của mình. Điều này có thể đòi hỏi bạn cần tham gia với một nhóm hỗ trợ trong đó các thành viên cũng đang trị liệu các vấn đề tương tự.
Ngoài ra, bạn cần dạy “đứa trẻ bên trong” bạn rằng cảm xúc là một phần sức mạnh cá nhân của bạn. Chúng là nhiên liệu tâm linh thúc đẩy bạn đáp ứng các nhu cầu của mình. Chúng báo hiệu cho bạn khi có nguy hiểm, khi bạn bị xâm phạm và khi bạn mất đi thứ gì đó có giá trị.
Quy tắc mới thứ hai
Quy tắc này nhằm ngăn chặn sự xấu hổ độc hại mà đứa trẻ bị tổn thương bên trong bạn cảm giác về nhu cầu và mong muốn của mình. Bạn còn nhớ bức vẽ về những đứa trẻ 3 tuổi trong hình hài người bố người mẹ nặng 70, 80 cân không? Khi họ là những đứa trẻ trong hình hài người lớn, những nhu cầu và mong muốn của họ không bao giờ được đáp ứng, cho nên khi bạn cần hoặc muốn gì đó, họ sẽ tức giận và chế giễu bạn.
“Đứa trẻ bên trong” mang sự xấu hổ độc hại sẽ không tin rằng nó có quyền muốn bất cứ thứ gì. Bạn có thể hỗ trợ nó bằng cách nghiêm túc lắng nghe những gì nó cần và mong muốn. Không phải lúc nào bạn cũng phải phục vụ nó, nhưng bạn có thể lắng nghe và cho phép nó muốn điều đó. Nếu không có khát vọng và mong muốn, năng lượng sống của chúng ta sẽ bị vỡ vụn.
Quy tắc mới thứ ba
Quy tắc thứ ba này sẽ ngăn chặn sự đánh lừa và nói dối xảy ra trong các gia đình bất hạnh. Cô bé Judy đi học về và nhìn thấy mẹ đang khóc. Cô bé hỏi: “Có chuyện gì vậy mẹ?” Mẹ trả lời: “Không có chuyện gì hết. Ra ngoài chơi đi!” Cậu bé Farquhar nhìn thấy bố mình nằm cạnh chiếc xe hơi trong ga-ra vào một buổi sáng sớm. Hiếu kỳ và bối rối, cậu hỏi mẹ tại sao bố lại ngủ trong ga-ra. Mẹ đã trả lời rằng bố cần phải ngủ trên nền xi măng trong nhà để xe vì “bố bị đau lưng” Cậu bé Billy nghe thấy tiếng bố mẹ đánh nhau. Cậu bị đánh thức khỏi giấc ngủ say. Cậu sang phòng của bố mẹ và hỏi có chuyện gì. Họ nói: “Không có gì. Ngủ tiếp đi. Chắc là con đang mơ thôi!”
Khi bọn trẻ nhận được những thông điệp kiểu này, chúng sẽ không còn tin tưởng vào các giác quan của mình nữa. Nếu không có các dữ liệu từ giác quan thì thật khó để sống một cách thực tế. Trẻ em là các chuyên gia về giác quan. Chúng ta cần năng lực giác quan chuyên nghiệp này của “đứa trẻ bên trong” mình. Để có được nó, chúng ta phải cho phép “đứa trẻ bên trong” được phép nhìn, nghe, chạm và khám phá thế giới.
Quy tắc thứ tư
Quy tắc thứ tư liên quan đến việc thư giãn và giải trí. Giải trí là một cách để tồn tại. Tôi đã học cách sắp xếp thời gian để giải trí. Trong thời gian này, tôi có thể chơi golf hoặc đi câu cá, hoặc đơn giản là không làm gì cả. Tôi thích đi thăm thú nơi này nơi kia và chỉ đi lang thang. Đi lang thang và không có việc gì phải làm là những hình thức giải trí của người lớn. Chúng ta đáp ứng những nhu cầu sống của bản thân khi cho phép “đứa trẻ bên trong” mình được thư giãn.
Một hình thức giải trí tuyệt vời khác dành cho người lớn là hoạt động tình dục. Trò chơi tình dục thú vị nhất là khi bản thể người lớn của chúng ta kéo bố mẹ ra khỏi phòng, đứng canh cửa và để những đứa trẻ bản năng bên trong chúng ta tham gia trò chơi. Đứa trẻ ấy thích sờ, nếm, ngửi, nhìn và nói chuyện trong khi quan hệ tình dục. Nó thích dành thời gian để khám phá, đặc biệt nếu nó từng được dạy rằng quan hệ tình dục là điều đáng xấu hổ và nhìn là việc bị cấm. Một điều rất quan trọng là để cho “đứa trẻ bên trong” bạn lang thang và tận hưởng trò chơi tình dục. Bản thể người lớn của bạn cần đặt ra những giới hạn đạo đức mà bạn tin tưởng. Nhưng trong những giới hạn đó, thật tốt nếu bạn được tận hưởng nhiều trò chơi tình dục trong cuộc sống của mình.
Quy tắc mới thứ năm
Quy tắc thứ năm có thể là quan trọng nhất trong tất cả các quy tắc. Ngay từ giai đoạn đầu đời, đứa trẻ bản năng bên trong bạn đã học cách thích nghi để tồn tại. Trong các gia đình không hạnh phúc luôn có rất nhiều lời nói dối. Sự lừa gạt và phủ nhận bao trùm gia đình là một sự dối trá. Những vai trò giả dối mà các thành viên trong gia đình đang đóng là lừa dối. Việc che giấu những khía cạnh khó chịu của cuộc sống gia đình cần đến những lời nói dối. Nói dối trở thành một lối sống trong các gia đình rối loạn chức năng và “đứa trẻ bên trong” bạn sẽ nhận thấy rằng nó cần phải nỗ lực thực sự mới có thể không học theo lối sống đó.
Đứa trẻ bị tổn thương bên trong bạn cũng có những cách suy nghĩ xâm phạm thực tế và bóp méo sự thật. Tất cả trẻ em đều tư duy một cách kỳ diệu nhưng cực đoan, mà điều này cần phải được ngăn chặn.
Đứa trẻ bị tổn thương bên trong bạn cũng thường hay hổ thẹn. Tư duy trong nỗi hổ thẹn này cần phải được thay đổi. Sau đây là một số tư duy biến dạng phổ biến cần đề phòng khi bạn đối thoại với “đứa trẻ bên trong” mình:
Tư duy cực đoan. Đứa trẻ bị tổn thương nhìn nhận mọi thứ theo các thái cực. Đối với nó, chỉ là có hoặc không, chứ không có gì trung lập cả. Con người hay sự vật hoặc là tốt hoặc là xấu. Đứa trẻ ấy nghĩ rằng nếu ai đó không muốn ở bên mình mỗi phút mỗi ngày thì đồng nghĩa với việc người đó không thực sự yêu thương mình. Đây là tư duy cực đoan. Nó bắt nguồn từ sự phân tích kém cỏi về tính bất biến của sự vật trong giai đoạn trẻ mới tập đi. Tuyệt đối hóa dẫn đến vô vọng. Bạn phải dạy cho “đứa trẻ bên trong” mình sự thật rằng mọi người đều có cả ưu điểm, khuyết điểm và không có điều gì là tuyệt đối cả.
Bi kịch hóa. Đứa trẻ bị tổn thương bên trong bạn đã được dạy cách bi kịch hóa và nghiêm trọng hóa bởi những bản thể “đứa trẻ bên trong” bố mẹ bạn. Gánh nặng nuôi nấng bạn thường quá sức chịu đựng của “đứa trẻ bên trong” bố mẹ bạn. Họ băn khoăn, lo lắng và thôi miên bạn bằng những lời nhắc nhở đầy lo lắng bất tận của mình. Ngay khi bạn cần sự an tâm để thử nghiệm và khám phá thì bạn đã bị khủng bố với những tiếng la ó như: “Coi chừng kìa”, “Cẩn thận đấy”, “Dừng lại ngay”, “Đừng” và “Khẩn trương lên”. Không có gì ngạc nhiên khi “đứa trẻ bên trong” bạn cảnh giác quá mức bởi vì nó được dạy rằng thế giới là một nơi đáng sợ và nguy hiểm. Bạn có thể bảo vệ nó ngay bây giờ bằng cách cho phép nó mạo hiểm và thử nghiệm mọi thứ, đảm bảo nó sẽ ổn và bạn luôn ở đó để bảo vệ nó.
Suy diễn. Đứa con bị tổn thương bên trong bạn có xu hướng suy diễn sâu xa từ những sự cố đơn lẻ. Nếu bạn trai của bạn nói rằng anh ấy muốn ở nhà tối nay để đọc sách thì “đứa trẻ bên trong” bạn sẽ rung lên hồi chuông báo tử cho mối quan hệ này. Nếu ai đó từ chối hẹn hò với bạn, đứa trẻ ấy sẽ kết luận: “Mình sẽ không bao giờ có một cuộc hẹn hò nào khác. Sẽ chẳng có ai thèm hẹn hò với mình cả”. Nếu bạn đang học lướt sóng và bạn không thể leo lên được ván trượt lần đầu tiên, “đứa trẻ bên trong” bạn kết luận luôn rằng bạn sẽ không bao giờ học trượt ván được.
Bạn có thể bảo vệ đứa trẻ của mình bằng cách ngăn chặn và chỉnh đốn tư tưởng suy diễn của nó. Một cách để làm điều này là phóng đại những từ như tất cả, không bao giờ, không ai, luôn luôn, mãi mãi, v.v... Khi đứa trẻ nói những câu như: “Chẳng có ai quan tâm đến tôi cả” thì bạn hãy đáp lại: “Ý bạn là không có bất cứ một người nào trên toàn thế giới này đã từng nhìn bạn hoặc nói chuyện với bạn ư?” Hãy dạy nó sử dụng các từ như thường xuyên, có thể và đôi khi thay cho những từ cực đoan đó.
Từ ngữ neo giữ những trải nghiệm của chúng ta. Chúng ta thực sự tự thôi miên mình bằng từ ngữ. “Đứa trẻ bên trong” đầy tổn thương khiến chính mình hoảng sợ với những lời lẽ xuyên tạc. Nhưng từ ngữ được sử dụng đúng đắn lại là phương tiện để chúng ta sống chân thành và trung thực. Đứa trẻ ấy cần học cách sống trung thực như thế.
Đọc suy nghĩ. Đọc suy nghĩ là một hình thức của phép thuật. Trẻ em vốn kỳ diệu từ khi được sinh ra và khi bố mẹ nói những điều như: “Bố mẹ biết con đang nghĩ gì rồi đấy” là họ đang củng cố khả năng kỳ diệu đó ở trẻ. Những đứa trẻ mang cảm giác xấu hổ sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào phép thuật ấy. “Đứa trẻ bên trong” có thể nói với bạn: “Tôi biết sếp sắp sa thải tôi. Tôi có thể nhận ra điều đó qua cách ông ấy nhìn tôi”.
Việc đọc suy nghĩ cũng bắt nguồn từ những điều phản chiếu tâm trí của đứa trẻ bị tổn thương bên trong bạn. Giả sử “đứa trẻ bên trong” bạn không thích ai đó, nhưng cha mẹ bạn đã từng mắng bạn vì không thích tất cả mọi người. Vì vậy, cảm giác không thích của đứa trẻ đó bây giờ bị che giấu và bị kìm hãm bởi sự xấu hổ. Điều này được chứng minh khi nó nói: “Tôi nghĩ là người đó rất không thích tôi”. Thực tế thì chính “đứa trẻ bên trong” bạn lại rất không thích người đó.
Ngăn chặn “đứa trẻ bên trong” bạn đọc suy nghĩ là một việc rất quan trọng. Thế giới có đủ mối đe dọa thực sự trong đó, mà chúng ta không cần phải ngụy tạo thêm. Hãy dạy cho “đứa trẻ bên trong” bạn tìm hiểu những điều đó. Cho phép nó đưa ra thật nhiều câu hỏi.
Trung thực và chân thành sẽ tạo ra niềm tin, và niềm tin sinh ra tình yêu thương cùng sự thân thiết. Mỗi khi đứa trẻ trong bạn cố gắng nói dối hoặc cường điệu hóa hay bóp méo sự thật bằng sự độc đoán và ảo thuật thì bạn phải chỉnh đốn nó. Tình yêu thương và kỷ luật dựa trên nuôi dưỡng sẽ xoa dịu những nỗi đau do sự dối trá và bóp méo gây ra.
Quy tắc mới thứ sáu
Quy tắc thứ sáu liên quan đến nhu cầu tham lam của “đứa trẻ bên trong”. Tất cả trẻ em đều muốn những thứ mình thích. Chúng thiếu khả năng chịu đựng sự thất vọng và trì hoãn. Một phần của sự trưởng thành là biết cách kiềm chế sự thỏa mãn, nhằm giúp giảm bớt nỗi khổ và khó khăn trong cuộc sống. Ví dụ, ăn quá no gây đau bụng và khó chịu, hay sẽ bị tiêu hết tiền trong vòng một nốt nhạc khiến bạn không kịp tích cóp.
Khi một đứa trẻ thiếu thốn và bị bỏ rơi, chúng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc kiềm chế sự thỏa mãn. “Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của chúng ta tin rằng tình yêu, thức ăn, thành công và niềm vui là những điều đang rất khan hiếm. Vì vậy, bất cứ khi nào có cơ hội để có được những thứ này, đứa trẻ ấy sẽ đều đòi hỏi một cách quá mức.
Trong nhiều năm, tôi thấy mình múc nhiều thức ăn vào đĩa hơn mức tôi có thể ăn. Tuy nhiên, tôi luôn ăn hết. Tôi cũng thấy mình mua nhiều thứ mà tôi không cần chỉ vì sẵn tiền. Tôi đã chất đống chúng trong phòng cho đến khi đồ đạc gần như nhấn chìm tôi. Tôi cũng cảm thấy ghen tị với bất kỳ nhà trị liệu hoặc diễn giả nào được nhiều người yêu thích, cứ như thể xung quanh không có đủ người cần trị liệu, hoặc tình yêu và lòng ngưỡng mộ chỉ có giới hạn, nên nếu ai đó giành được chúng thì sẽ chẳng còn lại gì cho tôi hết. Tất cả những điều này đều xuất phát từ đứa trẻ bị tổn thương bên trong tôi. Nó tin rằng tôi sẽ không bao giờ nhận được phần của mình cho nên tôi cần lấy được nhiều nhất có thể mỗi khi cơ hội đến. Thói tham lam của nó đã khiến tôi đau đớn suốt nhiều năm.
Bây giờ tôi bảo vệ “đứa trẻ bên trong” mình bằng cách chăm sóc nó thật tốt. Tôi hứa với nó những điều tuyệt vời, và tôi luôn giữ lời hứa. Bạn phải luôn thực hiện đúng lời hứa của mình nếu bạn muốn chiếm được lòng tin của “đứa trẻ bên trong” bạn. Cho đứa trẻ ấy nhiều điều tốt đẹp chính là cách tôi đang dạy dỗ nó. Đôi khi nó vẫn giành quyền kiểm soát nhưng nó đã tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đây. Tôi đang chứng minh cho nó thấy rằng, chúng ta có thể nhận được nhiều niềm vui hơn nếu chúng ta biết kiềm chế sự thỏa mãn của mình.
Ví dụ, gần đây tôi đã làm một thử nghiệm với nó. Nó thích kẹo, bánh ngọt, bánh su kem và nhiều món khác. Tôi để nó ăn tất cả đồ ngọt mà nó muốn trong một tuần. Chúng tôi đã đánh giá cảm giác của mình vào cuối thời gian đó. Chúng tôi cảm thấy khủng khiếp khi tăng hơn hai cân, cái bụng phệ vắt vẻo trên chiếc quần cỡ 38 bó sát vô cùng khó chịu. Sau đó, tôi từ chối cho nó ăn bất kỳ món đồ ngọt nào trong sáu ngày đầu tiên của tuần tiếp theo. Chúng tôi tập thể dục thường xuyên nhất có thể. Chủ nhật tôi cho nó ăn đồ ngọt. Sau đó chúng tôi đánh giá lại cảm giác của mình. Đúng là tốt hơn rất, rất nhiều. Thực ra thì chúng tôi đã không ăn nhiều đồ ngọt vào ngày Chủ nhật đó.
Chế độ ăn uống này có thể không nhận được sự chứng thực của các chuyên gia dinh dưỡng, nhưng tôi đã chứng minh cho John bé thấy rằng chúng ta sẽ vui vẻ khi biết tiết chế sự thỏa mãn hơn là một cơ thể béo phì ra.
Quy tắc mới thứ bảy
Quy tắc thứ bảy là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc. Quá nhiều đau khổ của con người bắt nguồn từ việc “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm hoặc chối bỏ hoàn thành trách nhiệm của mình.
Bạn cần phải thẳng thắn đối mặt với những hậu quả do hành vi của mình gây ra. Bằng cách hồi sinh “đứa trẻ bên trong”, bạn đã bắt đầu việc sống có trách nhiệm. Hầu hết các phản ứng của nó đều không thật, nói đúng hơn thì chúng là những phản ứng cố định và thái quá. Một phản ứng thực sự phải bắt nguồn từ cảm xúc thực sự và những quyết định có ý thức của một người. Để đưa ra một phản ứng thực sự, người ta phải kết nối với cảm xúc, nhu cầu và mong muốn của mình. Người lớn với “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương mất kết nối với tất cả những điều này ở một mức độ nào đó.
Bảo vệ “đứa trẻ bên trong” bạn là dạy nó hành động thay vì phản ứng. Để hành động được thì bạn phải có khả năng phản ứng. Khả năng phản ứng xuất hiện khi bạn kiểm soát được cuộc sống của nó chứ không phải ngược lại.
Minh họa tốt nhất mà tôi biết về tầm quan trọng của việc chịu trách nhiệm này là một mối quan hệ thân mật. Sự gần gũi có thể diễn ra bởi vì bên trong tất cả chúng ta đều là một đứa trẻ tuyệt vời, dễ bị tổn thương. Hai người “yêu nhau” tái hiện sự cộng sinh của tình cảm mẹ con thuở sơ khai. Về bản chất, họ hợp nhất vào nhau. Họ cảm thấy một cảm giác toàn năng về tính duy nhất và năng lực. Người này chia sẻ bản thể sâu sắc nhất, dễ bị tổn thương nhất của mình với người kia.
Chính tính chất dễ bị tổn thương này khiến mọi người e ngại các mối quan hệ thân mật và cuối cùng có thể phá vỡ sự thân mật. Sự thân mật trong một mối quan hệ bị phá vỡ khi một trong hai hoặc cả hai đối tác chối bỏ trách nhiệm với “đứa trẻ bên trong” dễ bị tổn thương của chính mình.
Chúng ta hãy xem điều gì sẽ xảy ra khi hai “đứa trẻ bên trong” của hai người lớn yêu nhau. Những đứa trẻ này rất phấn chấn. Mỗi người đều nhìn thấy ở người kia cả những phẩm chất tích cực và tiêu cực của bố mẹ mình. Cả hai đều tin rằng, lần này, những nhu cầu chưa được đáp ứng của đứa trẻ trong họ cuối cùng sẽ được giải quyết. Người này đánh giá quá cao năng lực cũng như dành cho người kia sự coi trọng quá mức. Họ dần coi nửa kia như cha mẹ thật của mình. Ngay sau khi kết hôn, họ sẽ bắt đầu đưa ra những đòi hỏi đối với nhau, chủ yếu che đậy những kỳ vọng vô thức đến từ sự khao khát và thiếu vắng của đứa trẻ bị tổn thương bên trong mỗi người. Thiên nhiên ghê sợ khoảng không, và ngọn lửa cuộc sống thôi thúc đứa trẻ ấy hoàn thành những gì còn dang dở. Nó tìm kiếm sự nuôi dưỡng của cha mẹ mà mình chưa bao giờ có được nhưng vẫn không thôi mong mỏi. Người này thậm chí có thể kích động người kia hành động giống như cha mẹ mình. Đôi khi, người này lại có thể bóp méo những gì người kia làm để họ trông giống như cha mẹ mình. Tóm lại, đó không phải là một bức tranh đẹp đẽ! Nó tương tự với việc hai đứa trẻ tuổi kết hôn và cố gắng đảm nhận những trách nhiệm của người lớn vậy.
Nếu bạn đã hồi sinh được “đứa trẻ bên trong” mình thì bạn sẽ có cơ hội. Với việc chăm sóc nó, bạn đang nhận trách nhiệm vì sự dễ bị tổn thương của nó. Khi bạn cam kết nuôi dưỡng lại nó, bạn đang bảo vệ bản thân mình khỏi ràng buộc với một ai đó với kỳ vọng rằng người đó sẽ là bố mẹ đã đánh mất của bạn. Sự thân mật sẽ phát huy tác dụng nếu một nửa của bạn chịu trách nhiệm với “đứa trẻ bên trong” dễ tổn thương của người đó. Nếu bạn cố sắp xếp để đối tác của mình phải cho bạn những gì mà bố mẹ bạn đã không làm được thì sẽ là không hiệu quả.
Quy tắc mới thứ tám
Quy tắc thứ tám đưa ra cách để dạy cho “đứa trẻ bên trong” bạn cảm nhận được cảm xúc xấu hổ lành mạnh. Sự xấu hổ độc hại buộc chúng ta phải tốt hơn con người (một người hoàn hảo) hoặc kém cỏi hơn con người (một kẻ thất bại). Sự xấu hổ lành mạnh cho phép bạn phạm sai lầm, đó là một phần không thể thiếu của con người. Sai lầm là lời cảnh báo mà từ đó chúng ta có thể rút ra những bài học nhớ đời. Được phép mắc lỗi sẽ giúp “đứa trẻ bên trong” chúng ta tự phát hơn. Sống mà lo sợ mắc lỗi khiến bạn như đi trên quả trứng và sống cuộc sống được bảo vệ nhưng nông cạn. Nếu “đứa trẻ bên trong” bạn tin rằng nó phải quan sát từng lời để không bao giờ nói điều sai, thì có thể nó sẽ không bao giờ nói được điều đúng. Nó có thể không bao giờ nhờ người khác giúp đỡ hay nói rằng mình đang bị đau hoặc yêu thương bạn cả.
Quy tắc mới thứ chín
Quy tắc thứ chín là Quy tắc Vàng. Nó đòi hỏi bạn phải dạy dỗ “đứa trẻ bên trong” cách yêu thương, quý trọng và tôn trọng người khác như bạn đối với chính mình. Nhờ đó, đứa trẻ biết rằng khi vi phạm quy tắc này, chúng sẽ phải nhận hậu quả. Những “đứa trẻ bên trong” chúng ta cần học cách chịu trách nhiệm và mang cảm giác tội lỗi theo cách lành mạnh. Cảm giác tội lỗi theo cách lành mạnh là cảm giác hổ thẹn về mặt đạo đức. Khi ấy, chúng ta nhận ra mình đã vi phạm giá trị của chính mình cũng như của người khác, và chúng ta phải trả giá cho việc làm đó. Cảm giác tội lỗi theo cách lành mạnh là nền tảng của một lương tâm lành mạnh mà “đứa trẻ bên trong” chúng ta cần. Hành vi phạm tội mà tôi đã thảo luận trước đó xảy ra chủ yếu là vì “đứa trẻ bên trong” chúng ta chưa bao giờ phát triển lương tâm của chính mình. Trong trường hợp đứa trẻ bị lạm dụng nhưng lại đồng hóa với kẻ xâm phạm mình thì đứa trẻ đó có hệ giá trị bị bóp méo của kẻ phạm tội. Trong trường hợp được trao quyền thông qua sự nuông chiều và phục tùng, đứa trẻ sẽ tin rằng những quy tắc tiêu chuẩn là để dành cho người bình thường chứ không áp dụng cho nó: “Sự đặc biệt” của nó cho phép nó giẫm đạp lên các quy tắc.
Quy tắc mới thứ mười
Quy tắc thứ mười cho “đứa trẻ bên trong” bạn biết rằng cuộc sống đầy rẫy những vấn đề. Vì vậy, nó thường bị đàn áp trước các vấn đề và rắc rối. “Thật không công bằng,” nó than vãn. “Tôi không thể tin rằng điều này lại xảy ra với tôi” là một câu nói mà tôi thường nghe thấy với tư cách là một nhà trị liệu. Như thể vấn đề và rắc rối là một trò lừa bẩn thỉu được tạo ra bởi một linh hồn vũ trụ tàn bạo nào đó! Những vấn đề và rắc rối là một phần trong cuộc sống của mỗi người. Như M. Scott Peck đã nói: “Cách xử lý vấn đề của cuộc sống là giải quyết chúng”. Trên thực tế, cách chúng ta xử lý các vấn đề và rắc rối của mình quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta. Tôi đã nghe Terry Gorski, một nhà trị liệu ở Chicago, từng nói: “Trưởng thành là chuyển từ một tập hợp các vấn đề này sang một tập hợp các vấn đề to lớn hơn”. Tôi thích nhận định này bởi nó đã hoàn toàn đúng đối với cuộc đời tôi. Mỗi thành công mới lại mang đến những vấn đề hoàn toàn mới.
Chúng ta cần dạy dỗ “đứa trẻ bên trong” mình rằng có những vấn đề là rất bình thường, và nó phải chấp nhận chúng.
Chúng ta cũng cần dạy “đứa trẻ bên trong” mình rằng xung đột là không thể tránh khỏi trong các mối quan hệ của con người. Trên thực tế, không thể có sự gần gũi nếu không có một mối quan hệ có khả năng gây ra xung đột. Chúng ta cần giúp đứa trẻ ấy học cách đấu tranh công bằng và giải quyết xung đột. Tôi sẽ nói thêm về điều đó trong Chương 12.
Học các quy tắc mới này cho phép “đứa trẻ bên trong” bạn được phá vỡ các quy tắc cũ. Một khi các quy tắc mới được tiếp thu thì chúng sẽ trở thành bản năng thứ hai của đứa trẻ và sẽ nuôi dưỡng lòng tự tôn cũng như chữa lành vết thương tinh thần cho nó.
ĐƯỢC PHÉP LÀ CHÍNH BẠN
“Đứa trẻ bên trong” bạn cần sự cho phép vô điều kiện để được là chính mình. Kỷ luật nuôi dưỡng mà tôi vừa mô tả sẽ trải qua một chặng đường dài hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho quá trình tự phục hồi này. Một cách khác để giúp đỡ là cho phép đứa trẻ của bạn từ bỏ các vai trò khó khăn mà nó đã đảm nhận để cân bằng hệ thống gia đình, và cảm thấy rằng bản thân nó quan trọng. Tôi đã nói đủ về các vai trò và cách chúng được thiết lập trong các hệ thống gia đình bị rối loạn chức năng. Bạn bắt đầu cho phép “đứa trẻ bên trong” mình từ bỏ những vai trò cứng nhắc này khi bạn hồi sinh bản thể đứa trẻ mới biết đi và bản thể đứa trẻ ở lứa tuổi mầm non. Hãy để những phần đó thực hiện chức năng như một mô hình khái quát cho tất cả các vai trò sai lầm của bạn.
Từ bỏ những vai trò sai lầm
BƯỚC MỘT
Trước tiên, bạn cần có một bức tranh rõ ràng hơn về các vai trò trong hệ thống gia đình của mình. Khi còn nhỏ, bạn đã học cách thể hiện tầm quan trọng của mình như thế nào? Bạn đã làm gì để giữ cho gia đình mình bên nhau và quan tâm đến các yêu cầu lúc đó của mình? Một số vai trò thường gặp là: một anh hùng, một siêu sao, một người hồi sinh, người đàn ông nhỏ bé của mẹ, người bạn đời thay thế của mẹ hoặc bố, công chúa nhỏ của bố, một anh bạn của bố, bà sơ của mẹ, người quản lý hoặc người chăm sóc của bố mẹ, một người mẹ của mẹ, một người bố của bố, người giữ hòa bình, người hòa giải, người hy sinh cho gia đình, vật tế thần, hoặc kẻ nổi loạn, kẻ thấp kém, đứa con rắc rối, lạc loài, nạn nhân, v.v... Có vô số vai trò cho bạn nhưng chúng đều có chức năng giống nhau: giữ cho gia đình ở trạng thái cân bằng, bị đóng băng và được bảo vệ để khỏi thay đổi. Mỗi vai diễn cũng tạo cho người đóng vai một cách để che giấu sự xấu hổ độc hại của mình. Mỗi vai trò lại mang một cấu trúc và định nghĩa, quy định các hành vi và cảm xúc. Khi chúng ta thực hiện vai trò của mình, con người đích thực của chúng ta ngày càng trở nên vô thức. Như tôi đã nói lúc trước, qua nhiều năm, chúng ta trở nên nghiện những vai diễn của mình.
Bảo vệ “đứa trẻ bên trong” nghĩa là cho phép nó chọn bất kỳ phần nào trong các vai diễn mà nó muốn giữ và bỏ qua những phần còn lại. Điều quan trọng là phải nói rõ với đứa trẻ bị tổn thương đó rằng, những vai trò ấy đã không thực sự hiệu quả. Tôi đã hỏi đứa trẻ của mình: “Việc bạn đóng vai một siêu sao, người hồi sinh và người chăm sóc đã thực sự cứu được ai trong gia đình bạn chưa?” Câu trả lời ngay lập tức là chưa. Sau đó, tôi lại hỏi: “Vậy những vai trò đó có mang lại cho bạn cảm giác bình yên nội tại không?” Một lần nữa, câu trả lời lại là không, đứa trẻ vẫn cảm thấy trống rỗng, cô đơn và chán nản trong thời gian dài. Tôi lại hỏi tiếp: “Bạn đã phải kìm nén những cảm xúc nào để đóng những vai trò đó?” Câu trả lời là tôi không thể sợ hãi hay tức giận. Tôi luôn phải mạnh mẽ, vui vẻ và tích cực. Ẩn dưới những vai diễn siêu phàm của tôi là một cậu bé cô đơn, sợ hãi và đầy hổ thẹn.
BƯỚC HAI
Bây giờ bạn đã sẵn sàng để cho “đứa trẻ bên trong” cảm nhận những cảm xúc mà các vai trò kia ngăn cấm. Hãy nói với nó rằng những cảm xúc buồn bã, sợ hãi, cô đơn hoặc tức giận là hoàn toàn bình thường. Với tư cách là người bảo vệ mới của “đứa trẻ bên trong”, bạn cần cho nó biết rằng nó có quyền cảm nhận những cảm xúc cụ thể mà những vai diễn cứng nhắc đã cấm cản nó. Điều này cho phép nó được là chính mình.
Điều đặc biệt quan trọng là bạn phải bảo vệ đứa trẻ ấy trong bước này, bởi những cảm xúc bắt đầu xuất hiện sẽ khiến nó sợ hãi. Đứa trẻ ấy có thể dễ bị choáng ngợp. Bạn phải thật từ tốn và nhẹ nhàng khích lệ nó thật nhiều. Bất cứ khi nào chúng ta thay đổi các mô hình gia đình gốc trước kia, nó sẽ cảm thấy không quen thuộc (mà theo nghĩa đen là “không gia đình”). Chúng ta không cảm thấy “tự nhiên như ở nhà” với hành vi mới. Trải nghiệm những cảm xúc mới sẽ khiến đứa trẻ bên trong bạn cảm thấy kỳ lạ, thậm chí có thể là điên rồ. Hãy kiên nhẫn với nó. Nó sẽ không mạo hiểm để trải nghiệm những cảm giác mới này trừ khi nó cảm thấy tuyệt đối an toàn.
BƯỚC BA
Để khám phá sự tự do mới của mình, bạn cần tìm kiếm những hành vi mới cho phép bạn trải nghiệm bản thân trong một bối cảnh khác. Như tôi đã từng hỏi bản thể người lớn của mình rằng tôi có thể làm ba việc gì để đưa bản thân thoát khỏi vai trò siêu sao và người hồi sinh? Hãy yêu cầu bản thể người lớn đầy sáng tạo của bạn quyết định về ba hành vi cụ thể. Bản thể người lớn của tôi đã nghĩ ra những điều sau:
1. Tôi có thể đến một hội thảo hoặc trị liệu, nơi mà không ai biết đến tôi và chỉ tập trung vào việc mình là một thành viên tham gia của nhóm. Tôi đã làm như thế khi tham gia khóa đào tạo Lập trình ngôn ngữ tư duy của mình.
2. Tôi có thể làm một công việc lặt vặt nào đó. Tôi đã làm việc này với một bài tôi đang viết cho một tờ báo.
3. Tôi có thể hỗ trợ người khác trở thành trung tâm của sự chú ý. Tôi thực hiện bằng cách chia sẻ buổi diễn giả với một đồng nghiệp ở L.A. Ánh đèn sân khấu đã tập trung vào anh ấy.
Đây là những trải nghiệm mới tốt đẹp đối với tôi. Tôi đã học được cảm giác là một phần của một tập thể hơn là một siêu sao. Tôi cho phép mình được lựa chọn không là người hoàn hảo. Tôi rất thích đóng vai phụ cho người khác. “Đứa trẻ bên trong” tôi thích làm những điều này. Nó đã quá mệt mỏi với việc luôn phải đóng vai một siêu sao hay một người hồi sinh rồi.
Thực hiện bước này với vai trò người chăm sóc của tôi thậm chí còn quan trọng hơn, bởi vì đó là tôi trưởng thành. Thay đổi vai trò này cũng đáng sợ hơn. Lần đầu tiên tôi thực hiện nó, tôi đã nghĩ ra những hành vi mới này:
1. Tôi cắt giảm giờ tư vấn của mình từ 50 xuống 40 giờ một tuần.
2. Tôi đã thay đổi số điện thoại cá nhân của mình (số mà tôi đã cung cấp cho khách hàng) thành một số không công khai. Tôi đã cài đặt một dịch vụ trả lời để tư vấn cho các trường hợp khẩn cấp.
3. Tôi từ chối dành thời gian rảnh rỗi của mình tại các sự kiện xã hội để trả lời câu hỏi của mọi người liên quan đến vấn đề cá nhân của họ.
Lúc đầu, tôi cảm thấy tội lỗi mỗi khi một trong những hành vi này được kiểm tra. Tôi cảm thấy mình thật ích kỷ. Dần dần “đứa trẻ bên trong” tôi thấy mọi người vẫn quý mến và tôn trọng mình nên tôi đã học được rằng việc tôi được coi trọng và yêu mến mà không cần làm những điều cho người khác là một bước tiến quan trọng trong sự phát triển cá nhân.
BƯỚC BỐN
Cuối cùng, bạn cần giúp “đứa trẻ bên trong” mình quyết định những phần vai trò mà nó muốn giữ. Ví dụ, tôi thích nói chuyện với hàng trăm người trong các buổi thuyết giảng và hội thảo. “Đứa trẻ bên trong” tôi thích nói đùa và nghe thấy tiếng cười của mọi người. Nó cũng thích những tràng pháo tay cuối mỗi buổi nói chuyện hoặc thảo luận. Vì vậy, chúng tôi quyết định sẽ tiếp tục làm công việc này.
“Đứa trẻ bên trong” tôi nói với tôi rằng, tôi đã hủy hoại nó bằng các vai trò như làm vui lòng mọi người, trở thành người chăm sóc và một siêu sao. Ví dụ, tại các buổi trị liệu và hội thảo của mình, tôi sẽ không bao giờ để trống thời gian. Tôi sẽ nói chuyện với mọi người, trả lời câu hỏi của họ, cố gắng thực hiện liệu pháp trong 3 phút và ký sách vào giờ giải lao. Tôi cũng sẽ ở lại thêm một tiếng rưỡi sau khi buổi thuyết giảng hoặc hội thảo kết thúc. Việc này đôi khi sẽ kéo dài đến mười hai giờ đồng hồ. Một đêm trên chuyến bay từ Los Angeles trở về, đứa trẻ trong tôi bắt đầu khóc. Tôi không thể tin được chuyện gì đang xảy ra nhưng tôi đã nhận được một tin nhắn. Khi đứa trẻ ấy muốn chúng tôi trở thành một siêu sao thì vai trò người chăm sóc sẽ buộc phải rời đi. Vì vậy, tôi đã chọn một số việc mà “đứa trẻ bên trong” tôi thích. Trong vài năm gần đây, chúng tôi luôn ngồi ghế hạng nhất. Chúng tôi thường xuyên được đưa đón bằng xe limousine. Một số người được chỉ định để chăm sóc chúng tôi vào giờ nghỉ giải lao giữa các hội thảo. Chúng tôi sử dụng thời gian giải lao để nghỉ ngơi và ăn một số trái cây tươi hoặc thức ăn nhẹ khác. Vậy là hiện giờ tôi và đứa trẻ của mình đang chăm sóc rất tốt cho những người khác, nhưng chúng tôi cũng đang chăm sóc cho chất lượng sống của bản thân nữa. Và chúng tôi đang để người khác chăm sóc mình. Chúng tôi đã chọn trở thành một siêu sao mà không phải trả giá bằng sức khỏe của mình. Chúng tôi đã chọn công việc chăm sóc người khác nhưng không để mình bị ám ảnh bởi nó. Chúng tôi cũng không tin rằng mọi người sẽ không còn coi trọng mình nữa, nếu chúng tôi không chăm sóc họ. Tôi chăm sóc đứa trẻ nội tâm của mình. Tôi hỗ trợ nó và nói với nó rằng, tôi yêu nó vì chính nó. Đứa trẻ ấy đã không còn tin rằng nó phải từ bỏ con người thật của mình để được yêu thương. Cả hai chúng tôi đều biết rằng mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời chúng tôi là mối quan hệ mà chúng tôi đang có với nhau. Tôi đã cho phép nó trở thành chính mình và điều đó tạo nên sự khác biệt hoàn toàn.