Bây giờ chúng ta có thể nói... về “ba chữ P” của liệu pháp… Đó là potency (năng lực), permission (quyền hạn) và protection (bảo vệ).
– ERIC BERNE
Để có thể bảo vệ đứa trẻ bị tổn thương bên trong mình thì đứa trẻ đó phải đủ tin tưởng bạn mà không phải tuân theo các quy tắc của những người đã từng nuôi dưỡng nó. Quyền hạn đúng đắn sẽ cho phép đứa trẻ được sống là chính mìnhvà không tuân theo các quy tắc hay niềm tin xưa cũ đầy hổ thẹn của cha mẹ chúng. Những quy tắc và niềm tin như vậy rất mạnh mẽ: Nếu đứa trẻ không tuân theo, nó có nguy cơ bị trừng phạt và ruồng bỏ. Và hiển nhiên đó là điều vô cùng đáng sợ đối với “đứa trẻ bên trong” bạn.
Bây giờ, khi bản thể người lớn của bạn cho phép “đứa trẻ bên trong” không tuân theo niềm tin và quy tắc của cha mẹ, thì đứa trẻ ấy phải tin rằng bạn có đủ sức mạnh để chống lại cha mẹ mình. Sức mạnh này được Eric Berne gọi là năng lực, chữ “P” đầu tiên trong sự thay đổi nhờ liệu pháp. Tôi thích đến với “đứa trẻ bên trong” mình như một thuật sĩ thông thái, hiền hậu. Và đứa trẻ ấy sẽ hiểu được sức mạnh của tôi. Như tôi gợi ý lúc trước, bạn hãy nghĩ về những gì sẽ xảy ra nếu bản thể trưởng thành của bạn đã hiện diện ở đó vào những khoảng thời gian đau đớn và tổn thương nhất của thời thơ ấu. “Đứa trẻ bên trong” bạn sẽ thấy bạn như một vị thánh đầy quyền năng. Khi bạn hoàn thành nhiệm vụ hồi sinh cũng là lúc đứa trẻ ấy đã tin tưởng bạn và khả năng của bạn. Tuy nhiên, bạn cần cho nó biết càng nhiều càng tốt về quyền năng và sức mạnh của bạn. Bài tập sau đây sẽ hỗ trợ bạn việc này.
DANH SÁCH CÁC NĂNG LỰC
Hãy liệt kê mười điều mà bạn đang sở hữu hoặc có khả năng làm được mà bạn không thể sở hữu hoặc làm khi còn nhỏ.
Ví dụ:
1. Sở hữu một chiếc ô tô
2. Lái ô tô
3. Có tài khoản ngân hàng
4. Có tiền thật trong đó
5. Mua tất cả kem và kẹo mình muốn
6. Mua cho mình những món đồ chơi thú vị
7. Có căn hộ, nhà riêng,...
8. Làm bất cứ điều gì mình muốn
9. Đi xem phim mà không cần xin phép
10. Mua một con vật cưng nếu muốn
Bây giờ hãy nhắm mắt lại và nhìn “đứa trẻ bên trong” bạn. (Hãy để nó xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào nó muốn). Khi bạn nhìn thấy nó (bằng cách nghe hoặc cảm nhận), hãy nói với nó về những điều trong danh sách của bạn. Chắc nó sẽ rất ấn tượng!
XIN ĐƯỢC THA THỨ
Một cách khác để tạo lòng tin và thiết lập năng lực của mình với “đứa trẻ bên trong” là cầu xin nó tha thứ vì mình đã bỏ mặc nó trong nhiều năm. Để làm được điều này, bạn hãy viết một bức thư. Đây là bức thư của tôi:
Gửi John bé nhỏ,
Tôi muốn nói với bạn rằng tôi yêu bạn bởi chính con người của bạn. Tôi cảm thấy thật tồi tệ vì tôi đã bỏ mặc bạn từ những năm tháng thiếu niên cho đến giờ. Tôi đã uống rượu nhiều đến mức làm cho chúng ta bị ốm. Tôi đã uống cho đến khi chúng ta không còn nhớ gì nữa. Tôi đã mạo hiểm mạng sống quý giá của bạn hết lần này đến lần khác. Sau tất cả những gì bạn đã trải qua khi còn nhỏ, đây là điều khủng khiếp mà tôi đã làm với bạn. Tôi cũng đã tiệc tùng thâu đêm suốt sáng và không để cho bạn được nghỉ ngơi đầy đủ. Sau đó, tôi lại lao vào làm việc hàng giờ liền mà không để bạn được thư giãn… Tôi đã hoàn toàn vô tâm với bạn khi làm những việc như thế. Tôi yêu thương bạn và hứa sẽ dành thời gian cũng như sẽ quan tâm đến bạn. Tôi sẽ ở đây bất cứ khi nào bạn cần tôi. Tôi muốn trở thành người bảo vệ bạn.
Yêu thương,
John lớn
Tiếp đó, bạn hãy sử dụng bàn tay không thuận của mình để viết thư trả lời dưới danh nghĩa của “đứa trẻ bên trong” mình:
Gửi John lớn,
Tôi tha thứ cho bạn! Xin đừng bao giờ rời xa tôi.
Thương yêu, John bé nhỏ
Ngay từ khi hồi sinh, bạn nhất thiết phải luôn nói cho đứa trẻ ấy biết sự thật. Đứa trẻ cũng cần nghe rằng bạn sẽ ở đó vì nó như Ron Kurtz nói:
Đứa trẻ không cần phải đập tay đập chân xuống giường... để bị đau đớn và la hét. Đứa trẻ cần một điều gì đó đơn giản hơn nhiều. Nó cần bạn ở đó...
Ở bên cạnh đứa trẻ của mình có nghĩa là dành cho nó thời gian và sự quan tâm của bạn. Việc bạn ở đó sẽ trở nên vô nghĩa, nếu bạn nghĩ rằng đó là nghĩa vụ của mình, và nghĩa vụ ấy khiến bạn cảm thấy thoải mái khi quan tâm đến nó. Bạn cần lắng nghe những nhu cầu của nó và đáp ứng chúng. Đứa trẻ ấy cần biết rằng nó quan trọng đối với bạn.
HÃY NÓI CHO ĐỨA TRẺ CỦA BẠN BIẾT VỀ NĂNG LỰC CAO CẢ HƠN CỦA BẠN
Một nguồn năng lực mạnh mẽ khác dành cho “đứa trẻ bên trong” là có thể nói với nó về quyền năng cao cả hơn của chính mình nếu bạn nhận thức được nó. Tôi muốn cho “đứa trẻ bên trong” tôi biết mình cảm thấy an toàn và được bảo vệ với niềm tin là có ai đó vĩ đại hơn tôi. Tôi gọi người này là Đức Chúa.
Hầu hết trẻ em là những người có tín ngưỡng bẩm sinh, họ không gặp khó khăn với khái niệm về Chúa. Tôi nói với “đứa trẻ bên trong” mình rằng Đức Chúa đã cho tôi thấy Ngài là như thế nào. Ngài đã đến thế gian trong hình hài của một người tên là Chúa Giê-su. Chúa Giê-su nói với tôi rằng Đức Chúa trời vừa là mẹ vừa là cha của tôi; rằng tôi có thể làm bạn của Ngài; rằng Đức Chúa trời đã tạo ra tôi với con người thực của mình và muốn tôi trưởng thành và phát triển bản thể tôi đó. Ngài bảo tôi đừng đánh giá người khác và hãy tha thứ. Trên hết, Chúa Giê-su đã dùng chính bản thể tôi của Ngài để làm gương cho tôi. Đó là lý do tại sao Ngài nói “Ta là sự thật”. Ngài là sự thật của chính Ngài. Tôi mến Chúa Giê-su vì tôi có thể nói chuyện với Ngài và xin Ngài trợ giúp cho mình. Chúa Giê-su thường cho tôi những thứ tôi cầu xin mà tôi không cần phải làm gì để kiếm được chúng. Ngài thương yêu tôi vì tôi là chính tôi. Quyền năng cao cả hơn là Đức Chúa trời, cũng yêu thương chính con người tôi. Trên thực tế, bản thể tôi của tôi cũng giống bản thể tôi của Chúa. Khi tôi thực sự là bản thân mình, tôi giống Chúa nhất. Tôi muốn “đứa trẻ bên trong” mình biết rằng Đức Chúa trời yêu thương chúng tôi và sẽ luôn ở bên và bảo vệ chúng tôi. Sự thật thì tên khác của Chúa Giê-su là Emmanuel, có nghĩa là “Đức Chúa trời ở cùng chúng ta”. Tôi cho “đứa trẻ bên trong” mình biết rằng có một quyền năng mà tôi có thể nương tựa, quyền năng của một người cao cả hơn cả hai chúng tôi rất nhiều!
HÃY CHO MÌNH MỘT TUỔI THƠ MỚI
Phương pháp có tên gọi “thay đổi lịch sử cá nhân của bạn” sẽ giúp bạn sử dụng năng lượng trưởng thành của mình một cách hiệu quả. Phương pháp này được phát triển bởi Richard Bandler và John Grinder cùng các đồng nghiệp như một phần của mô hình nâng cấp được gọi là Lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP). Tôi đã sử dụng mô hình này trong tám năm qua. Nó sẽ rất hiệu quả với điều kiện người dùng đã hoàn thành chương trình chữa lành nỗi đau nguyên thủy. Nếu nỗi đau vẫn còn đó chưa được giải quyết, phương pháp này có thể trở thành một hành trình trí não khác. Leslie Bandler, một sáng lập viên khác của NLP đã chứng thực điều này trong cuốn sách rất hay của bà The Emotional Hostage (tạm dịch: Con tin cảm xúc), bà thú nhận rằng mình đã có những vấn đề nghiêm trọng về cảm xúc mặc dù bà hiểu và sử dụng những phương pháp NLP rất tinh vi.
Phương pháp thay đổi lịch sử cá nhân của bạn là tuyệt vời để sửa đổi những hoàn cảnh cụ thể và đau thương từ thời thơ ấu. Những hoàn cảnh này thường trở thành điều mà Silvan Tomkins gọi là “cảnh định hình hoặc chi phối”, những bộ lọc có chức năng định hình lịch sử phát triển cá nhân. Chúng neo giữ nỗi đau và cảm xúc chưa được bộc lộ, và chúng được lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời của chúng ta.
Việc thay đổi lịch sử phát triển cá nhân cũng sẽ phù hợp với những khuôn mẫu khái quát hơn, chẳng hạn như không có những cảm giác mà mình không mong muốn khi còn nhỏ. Việc thay đổi lịch sử là dựa trên tiền đề điều khiển học mà não bộ và hệ thần kinh trung ương không thể phân biệt được sự khác nhau giữa trải nghiệm thực tế và trải nghiệm tưởng tượng, nếu trải nghiệm tưởng tượng đủ sống động và chi tiết. Như Leslie Bandler đã nhận xét:
Hiệu quả lớn lao của việc thay đổi lịch sử được phát hiện nhờ chú ý đến cách mọi người có thể bóp méo trải nghiệm được tạo ra bên trong họ, và sau đó hành động theo sự bóp méo mà quên rằng chính họ đã tạo ra nó ngay từ đầu.
Mọi người thường tưởng tượng về những điều sẽ xảy ra trong tương lai và tự hù dọa bản thân bằng những hình ảnh mà mình tự tạo ra. Chẳng hạn như sự ghen tị, một ví dụ điển hình mà Leslie Bandler đã đưa ra:
... ghen tị là một trải nghiệm hầu như luôn luôn được tạo ra bởi tưởng tượng rằng người mình yêu thương đang ở cùng với người khác, và hình ảnh tự tạo ra đó khiến mình cảm thấy tồi tệ.
Người đó cảm thấy tồi tệ và hành động theo cảm xúc đó như thể nó là sự thật vậy.
Hoặc hãy thử xem xét sức mạnh của sự tưởng tượng về tình dục. Một người có thể tạo ra hình ảnh về một bạn tình hay cảnh quan hệ tình dục và bị kích thích sinh lý bởi nó.
Việc thay đổi lịch sử tận dụng quy trình tương tự một cách có chủ ý. Để thay đổi lịch sử, bạn sử dụng năng lực của những kinh nghiệm trưởng thành mà mình có nhằm thay đổi những dấu ấn nội tâm từ quá khứ. Hãy cùng xem một số ví dụ.
Thời thơ ấu
Hãy nhớ lại công việc bạn đã làm trong phần Hai. Bạn gặp vấn đề gì trong thời thơ ấu? Bạn có nghe thấy những lời khẳng định mà mình cần nghe không? Nhu cầu được vỗ về, nâng niu của bạn có được đáp ứng không? Nếu không, hãy xem xét điều sau đây:
Hãy nghĩ về một số nguồn lực mà với kinh nghiệm trưởng thành tiềm tàng bạn nghĩ có thể giúp ích cho tuổi ấu thơ của mình.
Ví dụ, hãy nghĩ về khoảng thời gian mà bạn cảm thấy được chào đón, có thể là khi bạn gặp một người bạn cũ thân thiết. Hãy nhớ lại vẻ mặt vui mừng của người đó khi lần đầu tiên nhìn thấy bạn. Hoặc bạn có thể nhớ một bữa tiệc bất ngờ đã được tổ chức cho mình, khi bạn là trung tâm của sự chú ý.
Trong quá trình thay đổi lịch sử, tôi nhắm mắt và quay trở lại năm 1963, khi tôi được bình chọn là “người đàn ông của năm” vào cuối năm đầu tiên của tôi trong chủng viện. Tôi có thể cảm thấy mình đang đứng ở đó. Tôi có thể nghe thấy tiếng vỗ tay và nhìn thấy vẻ rạng rỡ của năm mươi khuôn mặt tươi cười khi họ gọi tên tôi. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của Cha Mally và khuôn mặt của John Farrell, người bạn thân nhất của mình. Khi tôi cảm nhận được những cảm xúc ấy, tôi dùng ngón tay cái và một ngón tay trên bàn tay phải để ấn thủ và giữ nó trong 30 giây. Sau đó, tôi buông và thả lỏng bàn tay phải. Lúc này tôi đã tạo ra chiếc mỏ neo để kết nối với trải nghiệm được chào đón. Những người trong số các bạn làm việc theo nhóm đã tạo ra những chiếc mỏ neo tương tự như vậy khi bạn thực hiện các bài thiền hồi sinh trong phần Hai. Nếu bạn thuận tay trái, hãy tạo nguồn lực kết nối của bạn bằng tay trái.
NHỮNG CHIẾC MỎ NEO
Dùng ngón tay cái và ngón tay phải của bạn để thủ ấn là một loại mỏ neo hoặc điểm kích hoạt cảm giác vận động. Cuộc sống của chúng ta chứa đầy những chiếc mỏ neo cũ kỹ, là kết quả của sự trải nghiệm in dấu trong hệ thần kinh. Tôi đã từng nói về sinh lý não liên quan đến sự trải nghiệm tổn thương. Tổn thương càng thê thảm thì dấu ấn càng mạnh mẽ. Bất kỳ lúc nào một trải nghiệm mới giống với trải nghiệm đau thương trước đó thì cảm xúc ban đầu sẽ được kích hoạt, và chiếc mỏ neo ban đầu sẽ được quăng xuống.
Tất cả trải nghiệm giác quan của chúng ta đều được mã hóa theo cách này. Chúng ta có những chiếc mỏ neo trực quan. Ví dụ, ai đó có thể nhìn bạn giống như cách mà người cha bạo lực của bạn từng nhìn trước khi đánh bạn. Điều này có thể kích hoạt một phản ứng cảm xúc mạnh mẽ ngay cả khi bạn không tạo ra mối liên hệ một cách có chủ ý. Những chiếc mỏ neo cũng có thể là thính giác, khứu giác hoặc vị giác. Sắc thái của giọng nói, mùi hương đặc biệt nào đó hoặc một loại thức ăn cụ thể có thể kích hoạt những ký ức cũ cùng với cảm xúc đi kèm. Những bài hát có lẽ là loại mỏ neo thính giác mạnh mẽ nhất. Tôi cá là bạn đã từng vừa lái xe vừa nghe đài phát thanh, và đột nhiên bạn nhớ đến một người nào đó hoặc một cảnh đã xảy ra từ lâu. Toàn bộ cuộc sống của chúng ta là sự tích tụ những dấu ấn cố định như vậy, cả vui vẻ lẫn đau đớn.
Chúng ta có thể thay đổi những ký ức đau buồn từ thời thơ ấu bằng cách kết hợp chúng với những trải nghiệm thực tế về sức mạnh có được trong cuộc sống trưởng thành của mình. Nếu các nhu cầu thời ấu thơ của bạn không được đáp ứng, nếu bạn là đứa con lạc loài, bạn có thể tạo cho mình một tuổi ấu thơ mới. Bạn có thể làm điều này bằng cách tạo ra chiếc mỏ neo để kết nối những trải nghiệm thực tế liên quan đến những điểm mạnh mà bạn hiện có. Nếu đã có những điểm mạnh này từ khi còn nhỏ thì bạn sẽ làm tốt hơn rất nhiều. Khi chúng tôi đã kết nối chúng, chúng tôi sẽ neo giữ những cảm giác đã mất khi còn thơ ấu. Sau đó, chúng tôi kích hoạt đồng thời cả hai mỏ neo để thực sự thay đổi trải nghiệm của bạn trong giai đoạn ấu thơ. Dưới đây là các bước để thực hiện.
BƯỚC MỘT
Hãy nghĩ về ba trải nghiệm tích cực khi trưởng thành mà bạn cần và đã bỏ lỡ khi còn thơ ấu. Đây là ba trải nghiệm của tôi:
A. Trải nghiệm được chào đón.
B. Trải nghiệm được ôm ấp và âu yếm.
C. Trải nghiệm được ai đó chấp nhận mình vô điều kiện.
BƯỚC HAI
Hãy nhắm mắt lại và ghi nhớ trải nghiệm A. Bạn cần thực sự ở đó, tận mắt chứng kiến, cảm nhận cảm xúc của mình, v.v... Khi bạn có thể cảm nhận được niềm vui vì được chào đón, hãy tạo một chiếc mỏ neo cảm giác vận động bằng việc ấn thủ. Giữ nó trong 30 giây và sau đó thả ra. Mở mắt và tập trung vào một vật gì đó xung quanh. Chờ một vài phút, sau đó nhắm mắt lại và thực hiện trải nghiệm B. Hãy cố định nó bằng một chiếc mỏ neo y hệt như cách bạn đã làm với trải nghiệm A.
Điều được gọi là phương pháp xếp chồng mỏ neo, giúp tăng cường sức mạnh của nguồn lực mỏ neo. Nó làm tăng hiệu suất. Hãy mở mắt ra và dành vài phút để tập trung vào một vật gì đó trong phòng. Sau đó, nhắm mắt lại và bắt đầu với trải nghiệm C. Sử dụng mỏ neo cố định nó y như bạn đã làm với trải nghiệm A và B.
Bây giờ bạn đã cố định được nguồn lực người lớn tích cực của mình. Chúng tôi sẽ gọi đây là mỏ neo dạng chữ Y.
BƯỚC BA
Bây giờ bạn cần phải neo giữ những cảm xúc của thời thơ ấu. Quay trở lại bài thiền trong Chương 4. Hãy thực hiện bài thiền đó cho đến khi bạn là đứa trẻ sơ sinh trong nôi. Cố định cảm giác cô đơn và không được quan tâm. Đây là chiếc mỏ neo tiêu cực của bạn. Đặt nó trong bàn tay trái nếu bạn thuận tay phải rồi ấn thủ bằng các ngón tay trái. Nếu bạn thuận tay trái, hãy đặt mỏ neo này trong bàn tay phải. Chúng ta sẽ gọi đây là mỏ neo chữ X.
BƯỚC BỐN
Giờ bạn sẽ tập trung những điểm mạnh mà bạn đã neo ở Bước hai và đưa chúng trở lại thời kỳ sơ sinh. Bạn làm điều này bằng cách chạm đồng thời vào cả neo X và Y. Khi bạn nắm giữ chúng, hãy để bản thân cảm thấy mình được chào đón đến với thế giới. Hãy để bản thân cảm nhận được những cái ôm nồng nhiệt. Khi bạn tràn đầy cảm giác ấm áp và sức mạnh, hãy buông bỏ cả hai mỏ neo và mở mắt ra. Hãy để bản thân cảm nhận được sự quan tâm tích cực vô điều kiện.
BƯỚC NĂM
Hãy ở lại với trải nghiệm này trong 10 phút và để bản thân đồng hóa vào nó. Bạn đã bảo vệ đứa trẻ sơ sinh bên trong mình. Bạn đã hòa trộn những dấu ấn trong hệ thần kinh từ giai đoạn đầu đời với những dấu ấn sau này được nuôi dưỡng nhiều hơn. Kể từ bây giờ, khi bạn bước vào một tình huống mới và giai đoạn sơ sinh của bạn được kích hoạt, bạn sẽ trải qua trải nghiệm XY mới của mình. Trải nghiệm X cũ cũng sẽ hoạt động nhưng nó sẽ không còn khả năng chi phối bạn nữa. Từ bây giờ, khi nhu cầu sơ sinh của bạn xuất hiện, bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.
BƯỚC SÁU
Nhóm NLP gọi bước này là bước thăm dò tương lai. Nó bao gồm việc tưởng tượng về một thời điểm trong tương lai khi bạn đối mặt với một tình huống mới khiến nhu cầu lúc nhỏ của bạn bị kích hoạt: Ví dụ như dự một bữa tiệc mà bạn không quen biết ai hoặc khi bắt đầu một công việc mới. Bạn thăm dò tương lai bằng cách thả chiếc mỏ neo Y (mỏ neo tích cực) và tưởng tượng mình đang ở trong tình huống mới đó. Nhìn, lắng nghe và cảm thấy bản thân xử lý nó tốt đẹp. Sau khi bạn hoàn thành việc đó, hãy trải nghiệm tình huống tưởng tượng đó một lần nữa mà không sử dụng chiếc mỏ neo tích cực. Thăm dò tương lai thực chất có ý nghĩa như việc mặc thử những trang phục tích cực. Những ai trong chúng ta mang “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương sẽ có xu hướng ướm thử những bộ quần áo tiêu cực. Chúng ta tạo ra những hình ảnh bi thảm về sự nguy hiểm và chối bỏ. Việc thăm dò tương lai giúp chúng ta có thể định hình lại những kỳ vọng bên trong mình.
Bạn cũng có thể sử dụng phương pháp thay đổi lịch sử cơ bản tương tự để chữa lành những kỷ niệm từ thuở chập chững tập đi, từ tuổi mẫu giáo hay thời học sinh của mình. Điều quan trọng là bạn phải nhận ra rằng các sự kiện đau buồn có thể đòi hỏi các nguồn lực khác nhau từ bản thể người lớn của bạn. Ví dụ, khi còn là một đứa trẻ mẫu giáo, tôi dùng gậy đánh bạn cùng chơi. Tôi đã bị cuốn vào hành vi bắt nạt này của một số cậu bé khác. Cha của cậu bé mà tôi đánh tình cờ là một đô vật chuyên nghiệp! Tối hôm đó ông ấy đến nhà để hỏi tội tôi. Tôi nghe thấy ông ấy quát mắng cha mình. Ông ấy nói rằng tôi cần phải bị đánh bằng dây lưng. Tôi nhớ lúc đó mình rất hoảng sợ và trốn dưới tầng hầm.
Kỷ niệm này rất khác với ký ức thời mẫu giáo khi tôi phải ở một mình trong căn hộ với mẹ vào ngày sinh nhật của tôi. Tôi đã buồn vô cùng. Tôi không biết cha mình đang ở đâu và tôi rất nhớ ông.
Mỗi ký ức này đòi hỏi sự neo giữ một sức mạnh khác nhau.
Dưới đây là một số ví dụ về sự thay đổi lịch sử ở mỗi giai đoạn thời thơ ấu của tôi.
Tuổi chập chững biết đi
Tôi không thể nhớ bất kỳ sự kiện đau thương cụ thể nào trong những năm tháng này, nhưng khi tôi nhìn vào bảng câu hỏi cho giai đoạn tập đi, tôi biết rằng nhu cầu khi đó của mình đã không được đáp ứng. Vì vậy, tôi thích thực hiện trên toàn bộ giai đoạn phát triển này.
1. Tôi nghĩ về một thời điểm ở tuổi trưởng thành khi:
A. Tôi lễ phép nói rằng sẽ không làm điều gì đó. B. Tôi muốn thứ gì đó và sẽ theo đuổi nó.
C. Tôi bày tỏ sự tức giận một cách lễ phép.
2. Sử dụng từng trải nghiệm này, tôi tạo ra một chiếc mỏ neo liên kết.
3. Tôi tạo ra một chiếc mỏ neo về một cảnh tưởng tượng mà trong đó tôi bị đánh đòn vì hiếu kỳ và khám phá những điều thú vị trong phòng khách. Khi được yêu cầu dừng lại, tôi nói: “Không, con sẽ không dừng lại đâu”. Đó là khi tôi bị đánh đòn.
4. Thả đồng thời hai chiếc mỏ neo, tôi trải nghiệm lại cảnh tưởng tượng đó. Tôi nói rằng sẽ không dừng lại rồi bày tỏ sự tức giận và tiếp tục khám phá, đụng chạm vào mọi thứ mình muốn.
5. Tôi suy ngẫm về các vấn đề của mình xung quanh sự độc lập của trẻ mới biết đi và cân nhắc xem những nhu cầu này ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống hiện tại của tôi.
6. Tôi tưởng tượng bản thân mình trong tương lai, đang ngắm nghía trong một cửa hàng bán đồ thể thao. Tôi chạm vào bất cứ thứ gì khiến tôi cảm thấy thích thú và nói không mỗi khi nhân viên bán hàng cố gắng giúp tôi.
Tuổi mẫu giáo
Trong giai đoạn này, tôi tưởng tượng lại tình huống với cậu bé mà tôi đã đánh và nỗi sợ hãi của mình với người cha đô vật của cậu ấy.
1. Tôi nghĩ về những điểm mạnh mà bản thể người lớn mạnh mẽ trong tôi bây giờ có, nếu khi đó tôi sở hữu chúng, tôi đã có thể xử lý tình huống đó ít căng thẳng hơn. Ví như tôi có thể:
A. Gọi cảnh sát.
B. Kêu gọi quyền năng cao hơn để được bảo vệ.
C. Nhận trách nhiệm về việc đã bắt nạt cậu bé đó và xin tha lỗi.
2. Tôi xếp một chiếc mỏ neo gắn kết A, B và C như một nguồn tích cực.
3. Tôi neo giữ cảnh trốn dưới hầm trong nỗi sợ hãi khi bố cậu bé đến hỏi tội tôi.
4. Tôi thả hai mỏ neo và trải nghiệm lại tình huống đó cho đến khi cảm thấy tốt hơn.
5. Tôi suy nghĩ về tác động của tình huống đó trong cuộc sống của mình. (Tôi có một nỗi sợ hãi bất thường trước kiểu đàn ông hay cãi lộn).
6. Tôi thăm dò tương lai bằng một tình huống mà ở đó tôi đối đầu thành công với một người đàn ông “hay cãi lộn”.
Tuổi học sinh
Trong những năm tháng đi học, gia đình tôi dần tan vỡ. Có rất nhiều sự kiện đau buồn mà tôi có thể giải quyết, nhưng tôi sẽ chọn đêm Giáng Sinh năm tôi 11 tuổi. Cha tôi trở về nhà trong tình trạng say xỉn. Tôi đã mong muốn cả gia đình dành thời gian để ở bên nhau. Lẽ ra cha sẽ về nhà vào lúc 1 giờ chiều. Chúng tôi đã lên kế hoạch đi mua cây thông Noel vào buổi chiều và cả gia đình sẽ cùng nhau trang trí nó vào buổi tối trước khi đi dự Thánh lễ lúc nửa đêm. Vậy mà tận 8 rưỡi tối cha mới về đến nhà. Ông ấy say đến nỗi bước đi cũng không vững. Từ ngày hôm đó trở đi, nỗi tức giận trong tôi càng lớn. Tôi cũng rất sợ hãi khi ông uống rượu. Ông không phải là một người hay bạo lực nhưng cũng rất khó đoán. Tôi tự cô lập mình trong phòng, lên giường, kéo chăn trùm kín đầu và từ chối nói chuyện với tất cả mọi người.
1. Tôi nghĩ về những điểm mạnh mà bản thể người lớn của tôi bây giờ đang sở hữu có thể giúp tôi xử lý tình huống bằng cách khác. Ví dụ, bây giờ tôi có thể bày tỏ sự tức giận một cách cứng rắn nhưng vẫn tôn trọng người kia. Tôi giờ mạnh mẽ hơn và độc lập; tôi có thể rời khỏi một tình huống đau thương ngoài tầm kiểm soát của mình. Bây giờ tôi đã có thể ăn nói lưu loát để truyền tải những điều mình cần. Để thực hiện bài tập thay đổi lịch sử này, tôi nghĩ đến thời điểm khi mà:
A. Tôi thẳng thắn bày tỏ sự tức giận một cách thuyết phục. B. Tôi rời khỏi một tình huống đau thương.
C. Tôi đang nói chuyện mạch lạc và rõ ràng với một nhân vật quyền lực.
2. Tôi tạo ra một chiếc mỏ neo gắn kết ba trải nghiệm này với nhau.
3. Tôi neo giữ tình huống ban đầu, đó là sự né tránh của mình khỏi người cha say xỉn vào đêm Giáng sinh.
4. Tôi thả đồng thời hai mỏ neo và trải nghiệm lại tình huống ban đầu. Tôi bước ra khỏi phòng ngủ và đối mặt với cha. Tôi nói: “Cha ơi, con xin lỗi vì cha bị bệnh, con biết chắc cha đã rất cô đơn và tủi hổ. Nhưng con sẽ không để cha tiếp tục phá hỏng những ngày nghỉ và tuổi thơ của con. Con sẽ không ở lại đây và chịu đau đớn nữa. Con sẽ đến nhà bạn vào lễ Giáng sinh. Con sẽ không để cha khiến con hổ thẹn nữa.”
Hãy lưu ý rằng tôi không tưởng tượng về phản ứng của cha mình. Khi trải nghiệm lại một tình huống như vậy, bạn chỉ nên tập trung vào hành vi và trạng thái nội tại của bạn thôi. Bạn không thể thay đổi người khác.
5. Tôi suy ngẫm về cách mà tình huống đó đã chi phối các hành vi của tôi với những người khác. Tôi nhận ra đã bao nhiêu lần tôi bị hướng sang một chuỗi những cảm xúc tức giận/cô lập bởi cái mỏ neo cũ kỹ ấy. Tôi rất vui khi thay đổi được ký ức cũ này.
6. Tôi nghĩ về một tình huống trong tương lai mà biểu hiện của sự tức giận sẽ xuất hiện. Tôi diễn tập cảnh này với chiếc mỏ neo tích cực của mình. Sau đó tôi diễn tập nó mà không cần neo nữa. Cảm giác thật tốt khi khẳng định được bản thân và bám trụ ở đó.
Sau đây là một số câu hỏi thường xuất hiện khi tôi dạy về phương pháp thay đổi lịch sử.
Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không thực sự cảm thấy có sự thay đổi sau khi trải nghiệm một tình huống trong tưởng tượng?
Bạn có thể cần phải trải nghiệm cùng một tình huống nhiều lần. Tôi đã trải nghiệm cảnh đêm Giáng sinh đến sáu, bảy lần và đến cả chục lần với những tình huống khác. Hãy nhớ rằng các mỏ neo ban đầu rất mạnh mẽ. Để phá bỏ được chúng, bạn cần có các mỏ neo mới với kết cấu rất vững vàng.
Làm cách nào để tôi có thể định dạng được chiếc mỏ neo nguồn hiệu quả hơn?
Các mỏ neo nguồn là chìa khóa để thực hiện phương pháp này hiệu quả. Để có được những chiếc mỏ neo có kết cấu vững vàng ấy đòi hỏi thời gian và sự luyện tập. Điều kiện là:
1. Tiếp cận tình huống với cường độ cảm xúc mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là các mỏ neo nguồn tốt nhất được tạo ra trong quá trình bạn trải nghiệm nguồn tích cực một cách mạnh mẽ nhất. Ký ức bên trong được trải nghiệm theo hai cách: liên kết và phân ly. Những ký ức liên kết xảy ra khi bạn thực sự trải nghiệm ký ức cũ. Những ký ức phân ly xảy ra khi bạn đang quan sát ký ức cũ. Hãy thử trải nghiệm này nhé: Bạn nhắm mắt lại và thấy mình đang đứng giữa một khu rừng. Nhìn thấy một con hổ lớn lao ra từ bụi rậm và đang tiến về phía bạn. Phía bên trái là một con trăn khổng lồ đang chuẩn bị tấn công bạn… Bây giờ hãy hòa vào cơ thể của bạn và thực sự ở đó. Nhìn xuống đôi giày đi bộ đường dài và chiếc quần kaki của mình. Giờ thì ngước nhìn lên và thấy con hổ đang lao vào bạn. Bạn nghe thấy tiếng gầm chói tai của nó. Khi bắt đầu chạy, bạn thấy con trăn khổng lồ đang tấn công bạn… Bây giờ hãy mở mắt ra.
So sánh những gì bạn đã cảm thấy trong cả hai bài tập. Đầu tiên là một trải nghiệm nội tại phân ly. Cường độ cảm xúc thường rất thấp. Trải nghiệm thứ hai mang tính liên kết. Cường độ cảm xúc thường mạnh hơn nhiều.
Bây giờ hãy tạo các mỏ neo có kết cấu tốt mà bạn cần để giải quyết các ký ức liên kết. Bạn cần có năng lượng mạnh mẽ để chống lại chiếc mỏ neo cũ.
2. Áp dụng đúng thời điểm. Mỏ neo nguồn cần được thả khi năng lượng ở mức độ cao nhất. Để làm tốt điều này thì bạn cần phải luyện tập. Tôi thường giữ những chiếc mỏ neo của mình trong 30 giây đến 1 phút để neo giữ năng lượng của mình ở cường độ cao nhất có thể.
3. Sự sao chép. Thật may mắn là bạn có thể kiểm tra những chiếc neo của mình. Nếu bạn đã tạo ra một neo tốt, nó có thể được kích hoạt bất cứ lúc nào. Khi bạn thực hiện việc thủ ấn, bạn có thể cảm thấy năng lượng nguồn bắt đầu lưu thông. Tôi luôn đợi 5 phút và kiểm tra các mỏ neo nguồn của mình. Nếu chúng chưa đạt được mức độ cao, tôi sẽ làm lại. Thực tế tôi đã đặt ra một quy tắc là luôn luôn kiểm tra các mỏ neo nguồn của mình để đảm bảo chúng có kết cấu tốt nhất.
Điều gì xảy ra với mỏ neo nguồn sau khi tôi đã sử dụng nó để phá hủy mỏ neo cũ? Chiếc mỏ neo nguồn vẫn ở đó, trong tình trạng suy yếu nhưng nó cần được sắp đặt lại nếu bạn muốn sử dụng nó cho một số sự kiện khác. Bạn có thể tạo ra những chiếc mỏ neo cảm ứng theo nhiều cách khác nhau ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Tôi sử dụng các ngón tay của mình vì chúng thuận tiện.
Bài tập cuối cùng sẽ giúp bạn xác định xem bạn đã thay đổi đoạn lịch sử cá nhân của mình tốt như thế nào (tức là đã phá hủy mỏ neo cũ đó). Bài tập này liên quan đến việc kiểm tra mỏ neo tiêu cực X. Nhắm mắt lại và dành vài phút để tập trung vào hơi thở của bạn. Sau đó, từ từ thả mỏ neo bên trái của bạn. Hãy chú ý đến những gì bạn cảm thấy và trải nghiệm. Nếu bạn đã thực hiện tốt bài tập thay đổi lịch sử của mình thì trải nghiệm tiêu cực sẽ khác. Bạn thường không cảm nhận được sự khác biệt đáng kể. Thông thường bạn chỉ cảm thấy ít dữ dội hơn. Đó là những gì tôi thực sự mong đợi từ phương pháp thay đổi lịch sử, giảm bớt cường độ. Tất cả những trải nghiệm của chúng ta đều hữu ích trong một hoàn cảnh nào đó. Cần thận trọng để kìm nén cơn tức giận và tránh xa khi một kẻ say rượu hoặc một kẻ bạo hành thể xác đang giận dữ với bạn. Công việc bảo vệ không phải để lấy đi bất cứ trải nghiệm nào của “đứa trẻ bên trong” bạn, mà là mang lại cho nó một số lựa chọn linh hoạt hơn. Việc thay đổi lịch sử làm được điều đó. Nó cho phép bản thể người lớn trong bạn bảo vệ đứa trẻ nội tâm khi nó trải nghiệm sự lựa chọn khác. Điều này làm dịu đi sự khắc nghiệt của trải nghiệm ban đầu.
THIẾT LẬP CHIẾC NEO AN TOÀN
Một cách khác để có thể sử dụng năng lực người lớn nhằm bảo vệ “đứa trẻ bên trong” là thiết lập một chiếc neo an toàn. Để làm được việc đó, bạn hãy nghĩ đến hai hoặc ba trải nghiệm trong cuộc sống mà bạn cảm thấy an toàn nhất. Nếu gặp khó khăn khi nghĩ đến những điều này, bạn có thể đơn giản hóa bằng cách tưởng tượng ra một tình huống an toàn tuyệt đối. Ba trải nghiệm tôi đã sử dụng để thiết lập chiếc neo an toàn cho mình là:
A. Khoảng thời gian trong tu viện khi tôi cảm thấy hoàn toàn hợp nhất với Chúa.
B. Kỷ niệm về việc được ôm ấp trong vòng tay yêu thương bởi một người yêu tôi vô điều kiện tại thời điểm đó.
C. Kỷ niệm được bao bọc trong chiếc chăn êm ái của mình, thức dậy sau giấc ngủ kéo dài 10 tiếng đồng hồ và không có nghĩa vụ hoặc trách nhiệm nào phải thực hiện (Tôi không phải làm gì và tôi không phải đi đâu).
Thiết lập một chiếc neo liên kết của ba trải nghiệm an toàn đó. Bạn có thể sử dụng nhiều trải nghiệm hơn nếu muốn. Tôi coi đó là một chiếc neo vĩnh viễn. Tôi đã dành 30 phút mỗi ngày trong suốt một tuần để có thể tạo ra nó. Nó rất mạnh mẽ. Bất cứ khi nào “đứa trẻ bên trong” tôi sợ hãi, tôi lại thả chiếc neo đó ra. Rất tuyệt vời! Nó giúp tôi thoát khỏi bất kỳ trạng thái hoảng sợ nào. Những cảm giác sợ hãi cố gắng quay trở lại nhưng chiếc mỏ neo đã làm gián đoạn “vòng xoáy đáng sợ” đó. Nó mang lại cho tôi những giây phút an toàn và thảnh thơi. Đôi khi nó giải tỏa hoàn toàn nỗi sợ hãi của đứa trẻ trong tôi.
HÃY ĐỂ BẢN THỂ NGƯỜI LỚN TÌM CHA MẸ MỚI CHO “ĐỨA TRẺ BÊN TRONG” BẠN
Một cách khác để bảo vệ “đứa trẻ bên trong” bạn là để bản thể người lớn tìm ra những nguồn nuôi dưỡng mới cho nó. Tôi gọi những nguồn này là những người cha người mẹ mới. Vấn đề cốt yếu ở đây là để bản thể người lớn của bạn tìm thấy họ, chứ không phải “đứa trẻ bên trong” bạn sẽ làm việc đó. Khi đứa trẻ bị tổn thương ấy đưa ra lựa chọn, nó sẽ giúp bạn trải nghiệm lại cảm giác bị bỏ rơi trước đó của mình. “Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương muốn cha mẹ yêu thương mình vô điều kiện. Đối với nó, hợp lý nhất là tìm những người lớn có các đặc điểm tích cực và tiêu cực của người cha người mẹ đã bỏ rơi nó. Tất nhiên, điều này dẫn đến sự thất vọng nặng nề. “Đứa trẻ bên trong” dành cho người thay thế cha mẹ trưởng thành của mình một sự tôn kính thiêng liêng ngoài mong đợi. Nhưng năng lực của con người có giới hạn, người thay thế đó không thể đáp ứng sự kỳ vọng ảo tưởng của đứa trẻ ấy được. “Đứa trẻ bên trong” bị tổn thương sau đó sẽ cảm thấy thất vọng và cảm giác mình bị bỏ rơi. Nó cần hiểu rằng tuổi thơ đã đi qua, không bao giờ có thể quay trở lại và thực sự có những người cha người mẹ mới được. Bạn phải trải nghiệm nỗi đau khổ vì mất đi tuổi thơ và cha mẹ của mình. “Đứa trẻ bên trong” bạn cần biết rằng bạn – một người trưởng thành sẽ thực hiện công việc nuôi dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, bản thể người lớn trong bạn có thể tìm thấy những người có khả năng nuôi dưỡng và kích thích sự phát triển của bạn. Như nhà thơ Robert Bly là một trong những người cha mới của tôi. Ông đã truyền cảm hứng và nhận thức sâu sắc cho tôi. Ông đã tiếp cận đứa trẻ kỳ diệu trong tôi và khuyến khích tôi suy nghĩ và cảm nhận. Ông nhạy cảm và tốt bụng. Mặc dù không quen biết ông nhưng tôi rất yêu mến và coi ông như một người cha. Linh mục David là một người cha khác của tôi. Ông đã dành cho tôi sự quan tâm tích cực vô điều kiện trong những ngày cuối cùng của tôi tại chủng viện. Tôi muốn rời đi nhưng tôi cảm thấy mình sẽ thất bại nếu làm vậy. Tôi vô cùng bối rối và hổ thẹn. Cha David là cố vấn tâm linh của tôi. Dù tôi có vùi dập bản thân thế nào đi chăng nữa thì ông vẫn nhẹ nhàng đề cao điểm mạnh và giá trị con người tôi. Một mục sư Tân giáo, Cha Charles Wyatt Brown, cũng là một người cha khác của tôi. Ông đón nhận tôi vô điều kiện khi tôi mới bắt đầu làm giảng viên.
Tôi cũng có những người cha trí thức như Thánh Augustin, Thánh Thomas Aquinas, triết gia người Pháp Jacques Maritain, Dostoevski, Kierkegaard, Nietzsche và Kafka. (Nói thật, “đứa trẻ bên trong” tôi chỉ ở mức độ hòa hợp với những người cha trí thức này thôi. Nó tin niềm tin của tôi rằng họ là những người cha nuôi dưỡng chúng tôi nhưng nó cảm thấy họ cực kỳ nhàm chán).
Tôi đã tìm thấy một số người mẹ cho tôi và “đứa trẻ bên trong” tôi. Virginia Satir, nhà tư tưởng và nhà trị liệu tuyệt vời về hệ thống gia đình, là một trong số họ. Sơ Mary Huberta cũng vậy, người đã quan tâm đặc biệt đến tôi ở trường tiểu học. Tôi biết rằng tôi quan trọng đối với bà. Chúng tôi vẫn viết thư cho nhau. Tôi có một người bạn gái cũ, người sẽ luôn là một trong những người mẹ của tôi. Trong nhiệm vụ tâm linh của tôi, Thánh Teresa, Bông hoa nhỏ, đã làm gương cho tôi. Tôi đã có được sự nuôi dưỡng quý giá từ Mary, mẹ của Chúa Giê-su. Bà thực sự là người mẹ linh thiêng của tôi.
Đức Chúa trời là cha cả của tôi. Chúa Giê-su vừa là cha vừa là anh trai của tôi. Chúa Giê-su cho tôi thấy Đức Chúa trời, cha tôi, yêu thương tôi vô điều kiện như thế nào. Tôi đã được chữa lành tuyệt vời khi đọc những câu chuyện trong Kinh thánh về “Đứa con hoang đàng và người chăn cừu đi tìm con cừu bị lạc”. Trong câu chuyện đó, người chăn cừu bỏ cả đàn cừu của mình để đi tìm một con cừu bị lạc. Không có người chăn cừu bình thường nào làm như thế cả. Đàn cừu tượng trưng cho sự giàu có nơi trần thế của ông. Đánh mất tất cả bày cừu của mình để tìm một con cừu bị lạc sẽ là phù phiếm và vô trách nhiệm. Điểm mấu chốt của câu chuyện là tình yêu vô hạn của Đức Chúa trời dành cho chúng ta. “Đứa trẻ bên trong” tôi đôi khi cảm thấy mình giống như một con cừu bị lạc, và nó vui mừng khi tôi cho nó thấy rằng Đức Cha linh thiêng luôn yêu thương và bảo vệ chúng ta.
Hiện tại, tôi có bốn người bạn nam rất thân. Họ là những người anh em thực sự. Họ cũng thường là cha tôi. Trong nhiều trường hợp, George, Johnny, Michael và Kip đã nuôi dưỡng cậu bé sợ hãi và xấu hổ trong tôi. Họ đã giúp tôi có được năng lực của mình bằng cách yêu thương tôi vô điều kiện. Tôi và “đứa trẻ bên trong” mình đều biết rằng họ sẽ ở đó vì tôi. Mới đây tôi đã thêm Pat vào danh sách. Anh ấy và tôi đều đang tham gia chương trình trị liệu, và chúng tôi đều có những cuốn sách bán chạy nhất. Anh ấy hiểu một số vấn đề mà người khác không thể chia sẻ. Theo nhiều cách, bản thể người lớn có thể lấy những gì anh ấy nhận được từ những người lớn khác và để chúng trở thành cha mẹ của “đứa trẻ bên trong”.
Nếu chúng ta hồi sinh và bảo vệ “đứa trẻ bên trong” mình thì cảm giác thiếu thốn trong nó sẽ phá hủy tất cả. Con cái lúc nào cũng cần có cha mẹ. Nhu cầu của một đứa trẻ là vô độ. Nếu chúng ta để “đứa trẻ bên trong” mình kiểm soát mọi thứ, chúng ta sẽ khiến bạn bè và những người thân yêu phát điên vì cảm giác lúc nào cũng thiếu thốn. Khi hoàn thành việc chữa lành nỗi đau nguyên thủy, chúng ta có thể học cách tin tưởng vào bản thể người lớn của mình để nhận được sự nuôi dưỡng mà chúng ta cần từ những người lớn khác.
Vì một số lý do, sinh nhật vừa rồi của tôi là khoảng thời gian đặc biệt cô đơn. Bạn tôi, Johnny rất nhạy cảm với trạng thái nội tâm của tôi. Johnny cũng biết tôi là một người đam mê chơi golf nên anh ấy đã đặt một cây gậy putter được thiết kế riêng cho tôi. Bình thường tôi và bạn bè không tặng nhau quà sinh nhật nên món quà của Johnny rất đặc biệt và quý giá. Bản thể người lớn của tôi đón nhận nó như một hành động của người cha dành cho mình. Với món quà đó, Johnny đã chăm sóc tôi.