Tôi biết mình thực sự muốn gì cho Giáng sinh. Tôi muốn tuổi thơ quay trở về. Sẽ chẳng có ai cho tôi được điều đó… tôi biết nó chẳng có gì to tát cả nhưng từ khi nào mà Giáng sinh lại có ý nghĩa đến thế? Giáng sinh đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của một đứa trẻ từ xưa cho đến tận ngày nay. Trong bạn và trong tôi. Ẩn sâu trong trái tim chúng ta là niềm háo hức mong đợi một điều gì đó kỳ diệu sẽ xuất hiện.
– ROBERT FULGHUM
Khi dạo bước giữa những người tham gia hội thảo của mình, tôi bị ấn tượng bởi nguồn năng lượng mạnh mẽ mà họ mang lại. Một trăm người chia thành các nhóm từ sáu đến tám ngồi kín căn phòng. Mỗi nhóm đều làm việc độc lập, các thành viên nhóm ngồi kề sát và thì thầm với nhau. Đây là ngày thứ hai của hội thảo, thế mà đã có rất nhiều sự tương tác và chia sẻ, dù mới đầu tất cả đều là những người hoàn toàn xa lạ với nhau.
Tôi bước lại gần một nhóm. Họ đang say sưa lắng nghe một người đàn ông tóc hoa râm. Ông ấy đang đọc bức thư mà “đứa trẻ bên trong” ông đã viết cho cha mình.
Thưa cha,
Con mong cha hiểu được rằng cha đã làm tổn thương con như thế nào. Thời gian cha trừng phạt con còn nhiều hơn thời gian cha dành cho con. Con đã có thể chịu đựng được tất cả những trận đòn roi cắt da cắt thịt miễn sao cha dành thời gian cho con. Con cần tình yêu thương của cha nhiều hơn những gì con có thể nói ra. Giá như cha có thể chơi với con hoặc đưa con đi xem bóng đá dù chỉ một lần. Giá như cha đã từng nói rằng cha yêu con. Con thèm được cha quan tâm đến nhường nào…
Ông đưa tay che đi đôi mắt của mình. Người phụ nữ trung niên bên cạnh bắt đầu dịu dàng vuốt mái tóc ông, còn một người đàn ông trẻ hơn tiến lại gần để nắm lấy tay ông. Một người khác thì hỏi ông có muốn được ôm không, ông liền gật đầu.
Một nhóm khác đang ngồi trên sàn nhà và vòng tay ôm lấy nhau. Một người phụ nữ thanh lịch ở độ tuổi 70 đang đọc bức thư của mình:
Mẹ, mẹ đã quá bận rộn với công việc từ thiện của mình. Mẹ chưa bao giờ có thời gian để nói với con rằng mẹ yêu con. Mẹ chỉ chú ý đến con khi con bị ốm, hoặc khi con chơi piano vì nó khiến mẹ tự hào. Mẹ chỉ cho phép con có những cảm nghĩ khiến mẹ vui mà thôi. Con chỉ quan trọng khi con làm mẹ hài lòng. Mẹ chưa bao giờ yêu con vì chính con người con cả. Con đã rất cô đơn…
Giọng bà lạc đi và bà bắt đầu khóc. Bức tường chế ngự cảm xúc mà bà đã cẩn thận duy trì trong bảy mươi năm qua bắt đầu đổ sụp xuống theo những giọt nước mắt. Một cô bé tuổi thiếu niên ôm lấy bà. Một cậu thanh niên nói với bà rằng không sao cả khi ta khóc. Cậu ấy khen ngợi bà thật dũng cảm.
Tôi chuyển sang nhóm khác. Một người đàn ông khiếm thị ngoài 30 tuổi đang đọc bức thư được anh viết bằng chữ nổi:
Con đã rất ghét bố vì bố cảm thấy con là nỗi nhục nhã của mình. Bố đã nhốt con trong gara mỗi khi bố tiếp đãi bạn bè. Con không bao giờ được ăn no cả. Lúc nào con cũng rất đói. Con biết bố ghét con vì con là gánh nặng của bố. Bố đã cười và chế nhạo con khi con bị ngã…
Giờ tôi phải đi tiếp sang nhóm khác thôi. Tôi đang cảm thấy “đứa trẻ bên trong” mình bị tổn thương, giận dữ, phẫn nộ, và tôi muốn hét lên. Cảm giác buồn bã và cô đơn của tuổi thơ như đang nhấn chìm tôi. Làm thế nào để chúng ta có thể hồi phục được sau bao nhiêu đớn đau như thế?
Thế rồi, đến cuối ngày, tâm trạng ấy đã chuyển thành cảm giác bình yên và vui vẻ. Mọi người ngồi quây quần bên nhau; một số nắm tay nhau; hầu hết đều mỉm cười khi bài tập kết thúc. Họ lần lượt cảm ơn tôi vì đã giúp họ tìm thấy “đứa trẻ bên trong” đầy tổn thương của họ. Một vị chủ tịch ngân hàng luôn thể hiện rằng mình có khả năng chịu đựng ngay từ khi bắt đầu hội thảo đã nói với tôi: đó là lần đầu tiên ông ấy khóc sau 40 năm trời. Khi còn nhỏ, ông đã bị cha mình đánh đập tàn nhẫn và đã thề sẽ không bao giờ trở thành người yếu đuối hay dễ dàng bộc lộ cảm xúc của mình. Vậy mà giờ đây ông đang học cách chăm sóc “đứa trẻ bên trong” cô đơn của mình. Khuôn mặt ông đã dịu lại và trông ông trẻ hơn hẳn.
Ngay khi bắt đầu hội thảo, tôi đã khích lệ những người tham gia bỏ lớp mặt nạ của bản thân sang một bên và ra khỏi nơi ẩn náu. Tôi đã giải thích rằng, nếu họ cứ che giấu “đứa trẻ bên trong” đang bị tổn thương, thì cuộc sống của họ sẽ chứa đầy giận dữ, hành động thái quá, khó khăn trong hôn nhân, nghiện ngập, cách nuôi dạy con độc hại cùng mối quan hệ gây nhiều đau đớn.
Có lẽ tôi đã chạm vào đúng mạch cảm xúc của họ cho nên họ đã thực sự hồi đáp tôi. Tôi cảm thấy vừa vui mừng vừa biết ơn khi nhìn họ tươi cười và cởi mở. Hội thảo này diễn ra vào năm 1983. Suốt những năm sau đó, tôi ngày càng say mê với việc chữa lành “đứa trẻ bên trong” mỗi người.
Ba điều đáng kinh ngạc mà công việc này mang lại: tốc độ mà mọi người thay đổi; mức độ thay đổi; sức mạnh cũng như sự sáng tạo mà họ có được khi những vết thương trong quá khứ được chữa lành.
Tôi đã bắt đầu chữa lành “đứa trẻ bên trong” của một số khách hàng trị liệu cách đây hơn mười hai năm nhờ áp dụng thiền định tạm thời. Phương pháp này đã đạt được một số kết quả rất ấn tượng. Khi mọi người lần đầu tiên tiếp xúc với “đứa trẻ bên trong” mình, họ thường bị tác động rất mạnh. Thậm chí đôi khi họ còn bật khóc nức nở. Sau đó, họ sẽ nói những điều như: “Tôi đã chờ đợi cả đời để có ai đó tìm thấy mình”; “Cảm giác như được trở về nhà vậy”; “Cuộc sống của tôi đã thực sự thay đổi kể từ khi tôi tìm thấy ‘đứa trẻ bên trong’ mình”.
Vì phản hồi này, tôi đã triển khai một hội thảo trọn vẹn để giúp mọi người tìm thấy và đón nhận “đứa trẻ bên trong” họ. Hội thảo đã phát triển trong những năm qua, chủ yếu là do cuộc đối thoại liên tục giữa những người tham gia. Đây là công việc nhiều năng lượng nhất mà tôi từng làm.
Hội thảo tập trung vào việc giúp mọi người chữa lành nỗi đau khổ vẫn đeo bám họ từ thời thơ ấu. Đó là những nỗi đau do bị bỏ rơi, bị lạm dụng dưới mọi hình thức, là những nhu cầu cần hỗ trợ để phát triển và là những thù hận do gia đình rối loạn chức năng.
Trong hội thảo, chúng tôi dành phần lớn thời gian để nói về những nhu cầu cần được hỗ trợ nhưng lại bị bỏ mặc suốt giai đoạn phát triển ở tuổi thơ ấu. Đó cũng là trọng tâm chính của cuốn sách này. Theo kinh nghiệm của tôi, phương pháp tiếp cận phát triển là phương pháp triệt để và hiệu quả nhất nhằm chữa lành những vết thương tình cảm của chúng ta. Tôi tin rằng sự tập trung vào việc chữa lành cho từng giai đoạn phát triển là rất đặc biệt trong hội thảo của tôi.
Suốt cuộc hội thảo, tôi miêu tả những nhu cầu cần được hỗ trợ thường thấy ở tuổi thơ ấu. Nếu những nhu cầu đó không được đáp ứng, chúng ta có xu hướng trở thành người lớn với “đứa trẻ bên trong” mình bị tổn thương. Còn nếu ngược lại, chúng ta sẽ không trở thành “người lớn nhưng tâm hồn và bề ngoài vẫn như trẻ con”.
Sau khi tôi liệt kê ra các nhu cầu của một giai đoạn phát triển cụ thể, những người tham gia sẽ chia thành các nhóm nhỏ. Lần lượt đảm nhiệm vai trò chủ thể, mỗi người sẽ lắng nghe người khác nói những lời khích lệ đáng ra phải được nghe trong giai đoạn sơ sinh, chập chững biết đi, học mầm non, v.v..
Tùy thuộc vào các giới hạn của chủ thể mà các thành viên của nhóm có thể vỗ về, quan tâm chăm sóc và ghi nhận nỗi đau thời thơ ấu. Khi chủ thể nghe thấy một lời khích lệ cụ thể nào đó mà mình cần được nghe nhưng đã bị tước đoạt mất trong thời thơ ấu, chủ thể thường sẽ bắt đầu khóc, từ âm thầm cho đến nức nở. Có những nỗi đau đớn từ lâu đã bị đóng băng nay cũng bắt đầu tan chảy. Đến cuối hội thảo, ai cũng đều xoa dịu được ít nhất một nỗi đau đớn nào đó trong mình. Những nỗi đau được xoa dịu nhiều hay ít phụ thuộc vào việc người đó đang trong giai đoạn nào của quá trình chữa lành. Một số người đã giải quyết được rất nhiều vấn đề trước khi đến hội thảo, trong khi có những người thì chưa làm gì.
Vào cuối mỗi buổi hội thảo, tôi đưa ra một bài tập thiền để vỗ về những “đứa trên bên trong” ấy. Đây là lúc nhiều người cảm thấy xúc động dâng trào. Khi những người tham gia rời hội thảo, tôi khuyến khích họ mỗi ngày hãy dành thời gian để đối thoại với “đứa trẻ bên trong” mình.
Một khi mọi người xác nhận và nuôi dưỡng “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của mình, thì năng lượng sáng tạo của đứa trẻ mới bắt đầu xuất hiện. Sau khi hòa nhập, “đứa trẻ bên trong” sẽ hồi phục và có sức sống mới. Carl Jung gọi đứa trẻ tự nhiên đó là “đứa trẻ tuyệt vời” – là tiềm năng thiên bẩm giúp chúng ta khám phá, sống sáng tạo và đầy ấn tượng.
Hội thảo đã giúp tôi tin rằng nuôi dưỡng “đứa trẻ bên trong” là cách nhanh nhất và mạnh mẽ nhất để tạo ra sự thay đổi khi trị liệu mọi người. Hiệu quả gần như ngay lập tức này không ngừng khiến tôi kinh ngạc.
Tôi thường hay hoài nghi về bất cứ phương pháp chữa lành nhanh chóng nào nhưng phương pháp mà tôi nói ở trên dường như khởi đầu một quá trình chuyển biến lâu dài. Một vài năm sau khi trải nghiệm, nhiều người tham gia khẳng định rằng hội thảo này đã thay đổi cuộc đời họ. Tôi rất hài lòng nhưng cũng phần nào bối rối. Tôi thực sự không hiểu tại sao phương pháp đó lại có tác động mạnh mẽ tới một số người đến vậy, nhưng lại chỉ ảnh hưởng chút ít tới những người khác. Khi tôi tìm kiếm câu trả lời, một bức tranh đã dần hiện ra.
Đầu tiên tôi hướng tới công trình của Eric Berne, thiên tài sáng tạo ra học thuyết Phân tích tương giao (Transactional Analysis, viết tắt là T.A). Học thuyết này đặt trọng tâm vào “trạng thái cái tôi trẻ thơ”, là trạng thái vô tư, hoàn toàn tự nhiên của trẻ thơ mà tất cả chúng ta đều đã từng trải qua. T.A cũng mô tả những cách mà đứa trẻ tự nhiên thích nghi với những áp lực và căng thẳng của cuộc sống gia đình ban đầu.
Đứa trẻ tự nhiên hay đứa trẻ tuyệt vời hiện diện khi bạn gặp lại một người bạn cũ; khi bạn cười đến đau cả bụng; khi bạn sáng tạo và vô tư, khi bạn kinh ngạc trước một cảnh tượng kỳ diệu.
Đứa trẻ thích nghi hoặc bị tổn thương xuất hiện khi bạn không vượt đèn đỏ vì rõ ràng đang tắc đường, hoặc bạn vượt đèn đỏ vì không có ai xung quanh và nghĩ rằng mình có thể “thoát được tội”. Những hành vi khác của một đứa trẻ bị tổn thương bao gồm nổi giận, tỏ ra quá lễ phép và ngoan ngoãn, nói giọng trẻ con, cố thao túng người lớn và nhăn nhó khó chịu. Trong phần Một, tôi sẽ phác thảo nhiều cách mà “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương ảnh hưởng đến cuộc sống trưởng thành của chúng ta.
Mặc dù tôi đã sử dụng T.A làm mô hình trị liệu chính của mình trong nhiều năm qua, nhưng tôi chưa bao giờ tập trung vào các giai đoạn phát triển khác nhau mà “đứa trẻ bên trong” chúng ta đã trải qua và thích nghi để tồn tại. Giờ thì tôi tin rằng việc bỏ qua các giai đoạn phát triển ấy chính là một thiếu sót trong hầu hết các phương pháp áp dụng học thuyết T.A. Bất kỳ giai đoạn phát triển đầu đời nào của đứa trẻ tuyệt vời trong mỗi chúng ta đều có thể bị giam hãm. Khi trưởng thành, chúng ta có thể hành động như trẻ nhỏ; có thể lặp lại hành vi của một đứa trẻ mới biết đi; có thể tiếp tục tin vào phép thuật như một đứa trẻ mẫu giáo; rồi cũng có thể cau có và bỏ cuộc như học sinh lớp Một khi thua trò chơi. Tất cả những hành vi này đều là của trẻ con và phản ánh các mức độ phát triển bị giam hãm của tuổi thơ. Mục đích chính của cuốn sách này là giúp bạn hồi sinh “đứa trẻ bên trong” đầy tổn thương của mình ở mỗi giai đoạn phát triển.
Ảnh hưởng tiếp theo đến phương pháp của tôi là từ nhà trị liệu thôi miên Milton Erickson. Erickson tin rằng mỗi người đều có một tấm bản đồ thế giới độc đáo của riêng mình, một hệ niềm tin nội tại vô thức và cấu thành một loại trạng thái thôi miên. Sử dụng thuật thôi miên Erickson, tôi đã học được những cách tự nhiên để kết nối với trạng thái thôi miên mà khách hàng của tôi đã có sẵn và sử dụng trạng thái đó để hỗ trợ họ mở rộng và thay đổi. Điều mà tôi đã không nhìn thấy được, cho đến khi tôi bắt đầu phương pháp trị liệu “đứa trẻ bên trong”, đó là chính đứa trẻ bị tổn thương ấy sẽ hình thành nên hệ niềm tin cốt lõi. Bằng cách đi ngược trở lại những năm tháng tuổi thơ nhờ thôi miên “đứa trẻ bên trong”, chúng ta có thể thay đổi niềm tin cốt lõi trực tiếp và nhanh chóng.
Nhà trị liệu Ron Kurtz giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về động lực của phương pháp trị liệu “đứa trẻ bên trong”. Hệ thống của Kurtz còn được gọi là liệu pháp Haikomi, tập trung trực tiếp vào nguyên liệu cốt lõi. Nguyên liệu cốt lõi là cách sắp xếp những trải nghiệm nội tại và được hình thành từ cảm xúc, niềm tin cùng ký ức ban đầu của chính chúng ta để ứng phó lại những áp lực trong môi trường thời thơ ấu. Nguyên liệu cốt lõi này là phi logic và ban sơ.
Một khi nguyên liệu cốt lõi được cấu thành, nó sẽ trở thành bộ lọc mọi trải nghiệm mới. Điều này giải thích tại sao một số người liên tục chọn cùng một kiểu quan hệ lãng mạn nhưng tiêu cực; một số khác lại trải nghiệm cuộc sống với hàng loạt những tổn thương lặp đi lặp lại; và rất nhiều người trong chúng ta không học được gì từ những sai lầm của mình.
Freud gọi sự thôi thúc lặp lại quá khứ này là “sự bắt buộc lặp lại”. Còn nhà trị liệu hiện đại xuất chúng Alice Miller gọi đó là “logic của sự phi lý”. Hoàn toàn là hợp lý khi chúng ta hiểu cách thức mà nguyên liệu cốt lõi hình thành nên trải nghiệm của mình. Giống như thể bạn đang đeo kính râm vậy: Dù thực tế ánh sáng mặt trời ở mức độ nào thì nó cũng sẽ bị lọc đúng theo màu của mắt kính. Nếu kính màu xanh lục, thế giới sẽ có gam màu xanh lục. Nếu kính màu nâu, bạn sẽ không nhìn rõ các màu sáng cho lắm.
Vậy thì rõ ràng, nếu muốn thay đổi, chúng ta phải thay đổi nguyên liệu cốt lõi của mình. Vì “đứa trẻ bên trong” mỗi chúng ta chính là người đầu tiên sắp xếp những trải nghiệm của chúng ta, nên việc tiếp cận với “đứa trẻ bên trong” là một cách để ngay lập tức thay đổi nguyên liệu cốt lõi ấy.
Chữa lành “đứa trẻ bên trong” là một phương pháp trị liệu mới, quan trọng và khác biệt rất nhiều so với các phương pháp trị liệu được thực hiện trước đây. Freud là người đầu tiên hiểu rằng chứng rối loạn thần kinh chức năng và rối loạn tính cách là kết quả của những xung đột thời thơ ấu chưa được giải quyết, lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời của chúng ta. Ông đã cố gắng chữa lành “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương bằng cách thiết lập một môi trường an toàn cho phép đứa trẻ ấy xuất hiện và truyền tải những nhu cầu chưa được đáp ứng của bản thân cho bác sĩ trị liệu. Sau đó, ông sẽ nuôi dưỡng để đứa trẻ có thể hoàn thành nốt công việc còn dang dở; vậy là “đứa trẻ bên trong” đã được chữa lành.
Phương pháp của Freud đòi hỏi sự cam kết rất lớn về thời gian và tiền bạc, đồng thời cũng thường tạo ra sự phụ thuộc không lành mạnh ở bệnh nhân. Một trong những khách hàng đã đến gặp tôi sau mười năm tham gia phân tâm học. Ngay cả trong thời gian trị liệu với tôi, cô ấy cũng vẫn gọi cho nhà phân tích của mình hai hoặc ba lần một tuần để xin lời khuyên của ông ấy về những quyết định nhỏ nhặt nhất. Nhà phân tích đã thực sự trở thành cha mẹ tốt của “đứa trẻ bên trong” cô. Tuy nhiên, ông ấy hầu như không nuôi dưỡng cô. Cô đã phụ thuộc vào ông ấy một cách thảm hại. Sự nuôi dưỡng thực sự sẽ phải giúp được cô khẳng định và sử dụng sức mạnh trưởng thành của chính mình để tự nuôi dưỡng “đứa trẻ bên trong”.
Trong cuốn sách này, tôi sẽ cung cấp cho bạn một phương thức mới để tiếp cận, hồi sinh và nuôi dưỡng “đứa trẻ bên trong” bạn. Bạn phải thực hiện theo đúng phương pháp mà tôi đưa ra nếu bạn muốn trải nghiệm sự thay đổi. Chính bản thể người lớn trưởng thành trong con người bạn sẽ quyết định có làm theo hay không. Ngay cả khi bạn đang hiện diện là “đứa trẻ bên trong” thì bản thể người lớn trưởng thành trong bạn vẫn sẽ biết chính xác bạn đang ở đâu và đang làm gì. “Đứa trẻ bên trong” cũng sẽ trải nghiệm mọi thứ theo đúng như cách mà lần đầu tiên bạn được trải nghiệm trong thời thơ ấu, nhưng lần này bản thể người lớn trưởng thành sẽ ở đó để bảo vệ và hỗ trợ “đứa trẻ bên trong” suốt quá trình đứa trẻ đó hoàn thành công việc quan trọng còn dang dở.
Cuốn sách có bốn phần. phần Một tập trung vào cách mà đứa trẻ kỳ diệu trong bạn đánh mất đi sự diệu kỳ của mình, và những vết thương bạn phải chịu đựng trong suốt thời thơ ấu tiếp tục làm tổn hại đến cuộc sống của bạn ra sao.
Phần Hai sẽ đưa bạn đi qua từng giai đoạn phát triển của thời thơ ấu, cho bạn thấy bạn cần những gì để phát triển một cách lành mạnh. Mỗi chương có một bảng câu hỏi để giúp bạn xác định xem nhu cầu của “đứa trẻ bên trong” bạn có được đáp ứng trong một giai đoạn cụ thể nào đó hay không. Sau đó, tôi sẽ dẫn lối bạn trải qua những trải nghiệm mà tôi đưa vào hội thảo của mình nhằm giúp bạn hồi sinh “đứa trẻ bên trong” bạn ở từng giai đoạn.
Phần Ba sẽ đưa ra các bài tập chữa lành chi tiết để giúp “đứa trẻ bên trong” bạn phát triển và tỏa sáng; để học hỏi những phương thức lành mạnh khiến những người lớn khác đáp ứng một số nhu cầu của đứa trẻ ấy; và để thiết lập những ranh giới bảo vệ “đứa trẻ bên trong” khi bạn tập trung xây dựng sự kết nối mật thiết trong các mối quan hệ của mình. Phần này cho thấy cách mà bạn có thể trở thành người cha người mẹ nuôi dưỡng mà bạn chưa từng có trong thời thơ ấu. Khi học được cách nuôi dưỡng lại bản thân thì bạn sẽ không phải cố gắng khép lại quá khứ bằng cách đặt người khác vào vị trí cha mẹ của mình nữa.
Phần Bốn sẽ cho bạn thấy đứa trẻ kỳ diệu sẽ xuất hiện thế nào khi đứa trẻ tổn thương được chữa lành. Bạn sẽ học cách để tiếp cận rồi nhận ra đứa trẻ kỳ diệu ấy sẽ mang lại năng lượng sáng tạo và chuyển biến mạnh mẽ nhất. Đứa trẻ kỳ diệu là một phần trong bạn, giống Đấng Tạo hóa nhất, đồng thời có thể kết nối ngay lập tức và trực tiếp với bản ngã độc nhất và với Chúa khi bạn hiểu Ngài. Đây là sự chữa lành sâu sắc nhất trong tất cả, được đảm bảo bởi những người thầy vĩ đại của mọi đức tin.
Trên hành trình đó, tôi cũng sẽ kể câu chuyện của chính mình. Khi tôi mới bắt đầu công việc này cách đây mười hai năm, tôi không thể ngờ được rằng sự thay đổi trong suy nghĩ và hành vi của tôi chính là kết quả của việc khám phá “đứa trẻ bên trong” mình. Trước khi phát hiện ra điều này, tôi đã giảm thiểu những tác động của thời thơ ấu và bị ép buộc phải lý tưởng hóa cũng như bảo vệ cha mẹ, đặc biệt là mẹ tôi. Khi còn nhỏ, tôi thường tự nhủ: “Khi lớn lên và ra khỏi đây, mọi thứ sẽ ổn thôi.” Năm tháng trôi qua, tôi nhận ra rằng mọi thứ không hề tốt đẹp lên; mà thậm chí còn tồi tệ hơn. Tôi có thể thấy rõ ràng điều đó ở các thành viên khác trong gia đình hơn là ở bản thân mình. Mười năm sau khi chiến thắng chứng nghiện rượu, tôi thấy mình vẫn còn bị thôi thúc và cưỡng chế.
Một buổi chiều thứ Năm mưa tầm tã, tôi đã trải nghiệm những gì Alice Miller viết về “đứa trẻ bên trong” cô ấy trong Pictures of a Childhood (tạm dịch: Những bức tranh của tuổi thơ): “Tôi không thể để bản thân... bỏ mặc đứa trẻ đó đơn độc... Tôi đã đưa ra một quyết định có thể thay đổi cuộc đời mình: Tôi để đứa trẻ đó dẫn tôi đi.”
Vào ngày hôm đó, tôi đã quyết định hồi sinh và bảo vệ “đứa trẻ bên trong” mình. Tôi thấy nó sợ hãi đến tột độ. Lúc đầu nó không tin tưởng và từ chối đi cùng tôi. Nhưng rồi chỉ cần kiên trì cố gắng nói chuyện với nó và khẳng định sẽ không rời xa nó là tôi đã bắt đầu có được sự tin tưởng từ nó. Trong cuốn sách này, tôi sẽ miêu tả các giai đoạn của cuộc hành trình cho phép tôi trở thành người hộ mệnh và bảo vệ “đứa trẻ bên trong” mình. Hành trình đó đã thực sự thay đổi cuộc đời tôi.
Truyện ngụ ngôn
Bi kịch kép của Rudy Revolvin
(Dựa trên tác phẩm The Strange Life of Ivan Osokin – Tạm dịch: Cuộc đời kỳ lạ của Ivan Osokin, của Tiến sĩ Ouspensky)
Ngày xửa ngày xưa, có một người đàn ông tên là Rudy Revolvin. Anh đã sống một cuộc đời đau khổ và thê thảm. Anh ta chết khi chưa toại nguyện và bước vào nơi tối tăm.
Khi thấy Rudy là một người lớn nhưng có tính cách trẻ con, Vua Bóng tối cảm thấy anh ta có thể gia nhập vào thế giới bóng đêm nếu có cơ hội sống lại cuộc đời mình. Là vị vua có sứ mệnh duy trì bóng tối, thậm chí phải làm cho nó tăm tối hơn nếu có thể, ông ta nói với Rudy rằng ông tin chắc chắn Rudy sẽ lại mắc phải những sai lầm và trải qua thảm kịch giống hệt như kiếp trước.
Sau đó, ông ta cho Rudy một tuần để quyết định.
Rudy đã suy nghĩ rất cẩn thận và kỹ lưỡng. Rõ ràng Vua Bóng tối đang chơi khăm anh. Hiển nhiên anh sẽ mắc phải những sai lầm tương tự bởi anh sẽ bị tước đi ký ức về những gì mình đã trải qua trong kiếp trước. Không có những ký ức đó, anh sẽ không thể nào tránh được những sai sót trước kia.
Ngày cuối cùng khi phải trình diện trước Vua Bóng tối, anh đã từ chối lời đề nghị của ông ta.
Vua Bóng tối do đã biết “bí mật” về “đứa trẻ bên trong” anh bị tổn thương nên đã không nản lòng trước lời khước từ của Rudy. Ông ta nói với anh là trái với luật lệ thông thường, Rudy sẽ được phép nhớ mọi thứ về tiền kiếp của mình. Vua Bóng tối biết rằng cho dù có giữ những ký ức đó thì Rudy vẫn sẽ mắc phải những sai lầm tương tự, và phải chịu đựng cuộc sống đau khổ của mình một lần nữa.
Rudy cười thầm trong bụng: “Cuối cùng thì mình sắp được nghỉ ngơi thực sự rồi.” Rudy không hề biết gì về “bí mật” của “đứa trẻ bên trong” mình đầy tổn thương đó cả.
Mặc dù có thể thấy trước mọi chi tiết những thảm kịch mà mình đã tạo ra trước đây, nhưng chắc chắn rằng anh đã lặp lại cuộc đời đau khổ và thê thảm của mình một lần nữa. Vua Bóng tối rất hài lòng!