Lời người từng trải
“Khi tôi năm tuổi, mẹ tôi bảo hạnh phúc chính là chìa khóa của cuộc sống. Khi tôi đi học, người ta hỏi lớn lên tôi muốn trở thành người như thế nào. Tôi viết, ‘Hạnh phúc’. Người ta nói tôi không hiểu đề bài, tôi bèn bảo họ không hiểu cuộc sống.”
- John Lennon
A. J. Jacobs, biên tập viên của tạp chí Esquire, là một người vô cùng bận rộn nên đã phải thuê một trợ lý riêng cho mình và giao cho người này đảm đương thay ông một số việc. Một hôm, trong một ánh chớp sáng suốt, ông chợt nảy ra ý nghĩ: thay vì phải lo lắng cho một dự án lớn đang triển khai, ông tìm cách chuyển mối lo đó cho người khác. Để tôi làm rõ chỗ này hơn nhé, ông hoàn toàn không có ý định giao dự án đó cho người khác quản lý, ông chỉ chuyển giao áp lực từ dự án cho người khác mà thôi. Ông liền hỏi người trợ lý xem cô ấy có bằng lòng lo lắng cho dự án thay ông hay không, để ông có thêm thời gian tập trung vào dự án một cách nhẹ nhàng hơn. Người trợ lý đồng ý. Thế là hàng ngày, mỗi khi bắt đầu tập trung suy nghĩ về dự án đó, ông lại tự nhắc mình rằng mọi áp lực công việc đã có người thư ký riêng lo lắng, do vậy mà ông cảm thấy được thư giãn hơn72.
Đôi khi tôi cảm thấy thế này
“Viết lách rất đơn giản, bạn cần chỉ cần ngồi trước một tờ giấy trắng và để máu mình từ trước trán chảy xuống đó.”
– Gene Fowler
Tương tự, tôi đã chuyển giao mọi lo lắng về con cái cho vợ, cũng như mọi căng thẳng về tài chính cho kế toán viên của mình. Còn về việc phải căng thẳng lo lắng liệu bạn có thích quyển sách này hay không thì, chà, tôi sẽ để việc đó lại cho bạn, và để lại cho mình sự tự do thoải mái để có thể viết một quyển sách có ý nghĩa, ít nhất là đối với riêng tôi.
Dolly Parton có nói một câu rằng, “muốn trông rẻ tiền được như thế cũng phải tốn cả gia tài đó chứ”. Tương tự, tôi cũng mất rất nhiều năm tìm hiểu mới tạo nên ấn tượng “không được thông minh cho lắm” này. Khởi đầu khi viết quyển sách này, tôi đã tự hỏi mình rằng: “Nếu là một độc giả, tôi sẽ muốn biết điều gì và muốn nó được trình bày như thế nào?”. Câu trả lời đã quá rõ ràng. Tôi sẽ muốn đọc một quyển sách khiến tôi phải động não và khó chịu một chút (chỉ một chút thôi!). Tôi cũng muốn quyển sách đó phải thiết thực, phi tôn giáo và theo tinh thần chủ nghĩa hiện thực. Có thể quyển sách sẽ mang một chút yếu tố tâm linh nhưng chắc chắn không phải là một phiên bản khác của Kinh thánh. Quyển sách có thể dính dáng chút ít đến chính trị và được trình bày theo phong cách vui tươi, nhẹ nhàng. Đó là một quyển sách được trình bày theo phong cách giống với những quyển sách của các tác giả về loại sách giúp phát triển bản thân mà tôi thần tượng đã viết. Và nếu phải viết để trở thành một thần tượng của chính mình, tôi sẽ viết một quyển sách có đầy đủ các đặc điểm vừa nêu. Như thế là đủ với tôi, dù bạn có thể thích hay không thích nó.
Và tôi cũng hy vọng rằng, đại đa số các độc giả sẽ yêu thích những gì tôi viết, và rằng bạn sẽ học hỏi được một điều gì đó từ quyển sách này.
Tôi là, và sẽ luôn là, một công trình đang được kiến tạo.
Tôi cũng đã suy nghĩ về nội dung, văn phong và tư liệu để viết quyển sách này. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng quyển Cẩm nang bỏ túi sống thông thái này không hề bé nhỏ như một quyển cẩm nang bỏ túi hay chỉ đơn thuần đề cập đến trí tuệ cảm xúc. Tôi hy vọng bạn cũng sẽ thấy nó TO LỚN như tôi thấy.
Tôi có thể viết quyển sách này theo dạng thuần túy hàn lâm học viện, và có thể độc giả sẽ cảm thấy chút ít tẻ nhạt dù tôi vẫn tin rằng nội dung của nó rất đáng chú ý. Hoặc tôi cũng có thể gạt bỏ những ý nghĩ lớn lao và viết thuần túy như một quyển sách hài hước. Tất nhiên cả hai lựa chọn đó đều có thể được thực hiện, tuy nhiên đối tượng độc giả của chúng sẽ phải khác đi.
Tôi tự nhận thấy bản thân cũng không phải là một người hài hước hay quá thông minh, nên tôi chỉ biết làm hết khả năng của mình khi viết nên một số ý nghĩ theo cách duy nhất mà tôi biết, với hy vọng mong manh là quyển sách này sẽ góp phần cho dự án cuộc đời bạn. Cuộc đời chính là vậy, chính là dự án DIY(*) lớn nhất của mỗi người.
(*) Do it yourself, tự tay làm lấy, là một thuật ngữ phổ biến từ những năm 1950, mô tả việc xây dựng, sửa chữa, thay đổi một cái gì đó bằng thủ công, không cần tới các chuyên gia.
Bạn có thể ngồi yên một chỗ và chờ đợi cuộc đời mang đến cho mình những điều mơ ước, nhưng trong đa số thực tế thì điều đó chẳng bao giờ xảy ra. Cũng giống như khi bạn chỉ ngồi yên một chỗ mà nhìn căn phòng thì nó sẽ chẳng bao giờ được sơn mới lại, cuộc sống mới tốt đẹp sẽ chẳng bao giờ bắt đầu nếu bạn không bắt tay vào làm một điều gì đó. Đa số mọi người ngại bắt tay vào làm một điều gì đó, bởi điều đó đòi hỏi một vài nỗ lực nhất định. Nỗ lực khơi nguồn từ nhiều thứ, bạn phải học cách làm quen với những thói quen suy nghĩ mới, trong khi phải đồng thời dần bỏ đi thói quen cũ.
Thông thường thì phần thứ hai mới là phần khó khăn, bởi lẽ chúng ta dễ dàng thu nhận một điều gì đó, và một khi nó đã được khắc ghi trong tâm trí thì xóa bỏ đi là điều không dễ chút nào.
Ai trong chúng ta cũng tìm kiếm những xúc cảm tốt đẹp. Bạn tìm kiếm một người bạn đời không phải bởi bạn cần một người bạn đời, mà bởi bạn muốn cảm giác được yêu thương. Tương tự, bạn muốn có việc làm vì nó giúp bạn cảm thấy yên tâm. Bạn muốn uống một ly rượu vì nó giúp bạn cảm thấy sảng khoái. Và bạn đi tập gym, dù trong lòng không thích, vì đó là cách duy nhất giúp bạn giữ được thân hình gọn gàng và cảm thấy tự tin. Như vậy, rõ ràng khi chúng ta mong mỏi hay theo đuổi để thực hiện một điều gì đó, thì chính là vì cảm giác mà việc đó mang lại cho bạn. Cũng như bạn không hề muốn bỏ tiền ra mua sách, nhưng bạn mua nó là vì bạn muốn rút ra từ quyển sách đó một ý nghĩa, một kiến thức nào đó.
Đây, lời thông thái cho bạn đây. Một khi đã kết nối được với chính bạn, với phần tốt nhất trong bạn, thì cảm xúc sẽ đến dễ dàng hơn, bởi giờ đây, cái bạn thật sự cần là chính bạn. Hãy đọc đi đọc lại nhiều lần câu trên, bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của nó và điều mà tôi đang muốn gửi gắm.
Nếu không được cắm điện, một cái bóng đèn tự thân nó chỉ là vật vô dụng. Tương tự, bạn cần được kết nối với một nguồn năng lượng và nguồn năng lượng đó chính là bạn. Bạn sẽ tỏa sáng mãnh liệt nhất khi bạn là chính hình ảnh tốt đẹp nhất của bản thân.
Tôi đã nói đến sự cần thiết của nỗ lực đấu tranh, bởi hạnh phúc rất dễ dàng mà cũng tột cùng trắc trở. Nhưng nếu nỗ lực mà bạn cần chỉ là thay đổi thói quen suy nghĩ, chuyển cách tư duy “từ ngoại cảnh vào trong tâm trí” thành “từ tâm trí ra ngoại cảnh” thì sao? Nếu toàn bộ màn “từ trong tâm trí ra ngoại cảnh” này thật ra dễ dàng hơn bạn nghĩ và bạn thật ra chẳng cần nỗ lực chút nào thì sao? Tư tưởng vĩ đại nhất của Syd và Richard Wilkins có thể tóm gọn thế này: bạn đúng ra nên thôi ra sức nỗ lực để bản thân được tự do thì hơn.
Tôi vẫn nhớ khi mình còn nhỏ từng xem bộ phim truyền hình Tarzan, trong đó có diễn viên Ron Ely mặc một cái khố rất đẹp. Và gần như ở mỗi tập đều có cảnh một ai đó bị rơi vào vũng cát lầy. Họ phải vật lộn với thần chết, càng lúc càng lún sâu vào vũng lầy. Thế là con báo đốm vươn cánh tay dài ngoằng của nó ra và la to để ra hiệu cứu nguy. Tarzan thì ra sức bảo người gặp nạn thôi vùng vẫy, bởi càng vùng vẫy thì họ càng bị lún sâu hơn. Nhưng chỉ đến khi người đó đã bị lún sâu đến cổ thì mới chịu thôi vùng vẫy, và Tarzan ném cho họ một nhánh cây để ngậm vào miệng và lôi họ lên bờ. À, trừ khi người đó là một nhân vật phản diện. Khi đó thì họ sẽ tiếp tục vẫy vùng cho đến khi chìm hẳn xuống vũng lầy. Chà, những năm 70 ấy mới thú vị làm sao.
Hình ảnh giải thoát trong Tarzan đã cho chúng ta một bài học quý báu. Chúng ta cũng bị trói buộc bởi quá nhiều thứ trong cuộc sống, và tất cả những gì chúng ta đang làm dường như chỉ là càng lúc càng chìm sâu vào vũng lầy cuộc sống. Vì thế bạn có hai lựa chọn, một là tránh không để rơi vào vũng lầy, hoặc khi không thể tránh khỏi điều đó thì hãy thôi vùng vẫy để tránh bị lún sâu hơn.
Viết tiếp khởi đầu mới
Đã bao giờ bạn nghĩ đến xác suất cơ hội mà mẹ bạn gặp được bố bạn trong cuộc sống này chưa? Rồi đến xác suất họ có đứa con đầu lòng, rồi xác suất tinh trùng gặp trứng để tạo thành hợp tử ban đầu chính là hiện thân của bạn? Và nếu bạn đi ngược dòng thời gian thêm một chút, hãy nghĩ đến xác suất ông bà tổ tiên của bạn gặp nhau. Và tương tự với xác suất họ có con cái với nhau… và ngược về đến thời Adam gặp Eve và thậm chí là thời mà trái đất chúng ta được hình thành… Theo tôi biết thì Ali Binazir tính ra xác suất đó là khoảng 1/102.685.000. Tuy nhiên, mọi thứ thậm chí còn có thể phức tạp hơn như thế nữa.
Chúng ta chỉ là một trong số hàng tỉ hạt bụi thuộc thái dương hệ này, trải qua bao biến đổi và nếu các yếu tố như nước, ánh sáng, trọng lực, không khí không tồn tại thì chúng ta cũng đã diệt vong từ sớm. Tôi là người phi tôn giáo, nhưng quả thật tôi cũng cho rằng hẳn phải có một bàn tay vô hình nào đó giúp sức thì chúng ta mới có được những thứ ấy.
Nếu tính tuổi thọ trung bình thì chúng ta chỉ có khoảng 28.000 ngày, con số ấy chẳng thấm thía gì so với tuổi đời 14 tỉ năm của vũ trụ. Sự so sánh đó giúp bạn dễ dàng giải phóng chính mình khỏi những gánh nặng do cái tôi của bản thân gây ra.
Cái tôi của tôi đang tưởng tượng rằng mọi người sẽ được truyền những nguồn cảm hứng tuyệt vời từ ý tưởng mà tôi gửi gắm qua cuốn sách này và ngẫm nghĩ về tương lai của họ. Liệu Andy tôi đây có đúng không, hay biết đâu chúng ta có thể chứng minh rằng gã Andy chỉ là một kẻ buôn hàng giả chết tiệt trong đề tài tự lực này? Sẽ tuyệt vời biết bao nếu có thêm những quyển sách đầy phát kiến được sống dậy đúng như lý tưởng bởi những người nắm bắt được vấn đề này tốt hơn tôi, hoặc ai đó giỏi chữ nghĩa hơn tôi. Có thể sẽ có ai đó giải thích đúng đắn cơ chế ngoại di truyền theo cách mà tất cả mọi người đều có thể hiểu được.
Chỉ biết rằng luôn có một câu chuyện xứng đáng để chúng ta kể cho nhau nghe và chuyển tải đi xa hơn. Khi đó, một cuộc cách mạng mới sẽ thật sự bắt đầu.
Và nếu bạn đã đọc đến những dòng chữ này thì rất có thể bạn sẽ là người tạo nên khởi đầu mới ấy.
Cuộc cách mạng của bạn đã bắt đầu.