Quan điểm thú vị
“Không ai có thể lội ngược dòng thời gian để làm lại một khởi đầu mới, nhưng ai cũng có thể bắt đầu ngay bây giờ để tạo một kết thúc mới.”
- Carl Bard
Những ý nghĩ "điên khùng"
Sau mười năm nghiên cứu miệt mài, lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể gửi đến mọi người chính là hãy chọn lựa một cách tích cực trong suy nghĩ lẫn hành động. Đây thật ra là một sự thật hiển nhiên, nhưng đa số chúng ta lại không nhận ra nó. Bạn cần nhớ rằng, lựa chọn để trở nên tích cực, liên kết cùng sự nỗ lực trong mọi việc không phải là lý thuyết do tôi tạo ra mà là kết quả nghiên cứu suốt mười năm của tôi ở những người hạnh phúc. Tôi đã theo đuổi họ khắp nơi, tìm ra bí quyết hạnh phúc của họ và ghi chép lại chi tiết những gì mình khám phá được.
Nhưng nếu cả tôi và họ đều nhầm lẫn thì sao? Nếu chúng ta thay “lựa chọn” và “nỗ lực” bằng “nhận thức” và “nhàn hạ” thì sao? Và nếu phương pháp trị liệu truyền thống hoàn toàn sai thì sao? Bởi thế mà chương này sẽ là một chương đầy thử thách, đòi hỏi tôi phải hết sức can đảm nếu muốn khám phá đến cùng vấn đề. Bạn cũng vậy, hãy can đảm lên bởi sự thật có thể ập tới bất cứ lúc nào…
Chúng ta hãy cùng bàn đến câu chuyện về vị bác sĩ người Hungary, tên gọi Ignaz Semmelweis. Anh ta có một ý nghĩ không giống ai rằng nếu người bác sĩ rửa tay trước khi phẫu thuật thì sẽ giúp bệnh nhân thoát chết. Sở dĩ nói ý nghĩ này không giống ai là bởi tại thời điểm bấy giờ (giữa thế kỷ mười chín), người ta tin rằng con người bị nhiễm bệnh là do các mùi hương mà họ hít, ngửi phải. Do đó, nếu một đứa con trong nhà bị sốt, người mẹ sẽ đặt một lọ hoa tươi thật đẹp trong phòng để xua đi mùi hôi thối và giúp cho “mùi bệnh” của bệnh nhân không ảnh hưởng đến mọi người. Chính vì thế mà mọi người đã cười nhạo lý thuyết có liên quan đến những con vi trùng của Ignaz. Đáng buồn là sau đó người ta đã nhốt anh vào nhà thương điên và ở đó, anh đã qua đời khi mới 47 tuổi, vì căn bệnh nhiễm trùng máu, một căn bệnh mà người ta đã có thể tránh khỏi nếu các bác sĩ chịu rửa tay trước khi phẫu thuật.
Như vậy, những gì mà chúng ta tin chắc là đúng hoàn toàn có thể thay đổi, và biết đâu một ngày nào đó bạn có thể bị giáng đòn bởi chính những điều bạn cười nhạo và không tin. Bởi thế, nếu như có lúc nào đó bạn thấy tôi đầu bù tóc rối, râu tóc xồm xoàm, miệng lẩm bẩm không ngừng những ý nghĩ nào đó thì cũng đừng vội cười nhạo tôi nhé. Bởi có thể tôi không hề điên khùng như bề ngoài của mình chút nào đâu!
Ngoại di truyền(*)
(*) Ngoại di truyền là cơ chế nội tại có khả năng làm thay đổi chức năng gen thông qua các tác động trên DNA, các tác động này có thể đến từ môi trường.
Điều này nghe qua chẳng nên thơ chút nào, nhưng thật tình thì về mặt thể chất, cơ thể chúng ta chẳng khác gì một sự tổng hợp của các cấu trúc hóa học được bao bọc bởi lớp da. Thử tưởng tượng nếu chúng ta là một món hàng được bày bán trên kệ siêu thị, chắc chắn đi kèm sẽ là một danh sách thành phần thật dài. Nhưng về cơ bản, chúng ta đều được cấu thành từ một thành phần bé tí gọi là hợp tử. Ngay khi tinh trùng vừa gặp trứng, một hợp tử được hình thành trong nháy mắt và thế là chúng ta đã bắt đầu tồn tại trong vũ trụ này.
Hợp tử ấy chính là phiên bản đầu tiên của mỗi chúng ta và nhiệm vụ của nó là phân bào, tức nhân đôi lên. Thế là ngay lập tức, chúng ta đã có kích thước gấp đôi. Cứ thế, các tế bào không ngừng nhân đôi và cứ tưởng tượng xem, ở mỗi con người trưởng thành có đến 70 tỉ tỉ tế bào - một con số mà bộ não con người không thể hình dung nổi. Vấn đề chính nằm ở chỗ con số đó quá khổng lồ và các tế bào này còn phải phát triển với những đặc tính khác nhau để chúng ta có thể trở thành con người hoàn chỉnh. Và đây có thể là điều mà trước đây bạn chưa từng xét tới, nhưng các tế bào của bạn có một tri giác sẵn có về việc chúng cần trở thành như thế nào để bạn phát triển được thành con người toàn vẹn.
Một câu hỏi khiến tôi phải vò đầu bứt tóc là làm thế nào một tế bào gan biết được nó là một tế bào gan, và nếu quan sát dưới kính hiển vi, bạn sẽ thấy tế bào não hoàn toàn khác với tế bào ruột. Điều này càng trở nên thú vị hơn nếu bạn nhớ lại rằng tất cả những tế bào khác nhau ấy đều bắt nguồn từ một thông tin di truyền giống nhau, tức hợp tử một tế bào đầu tiên được hình thành ngay sau khi thụ tinh.
Thử nghĩ mà xem, hạt bắp chẳng bao giờ trở thành cây liễu và thỏ con chẳng bao giờ lớn lên thành chó sói, cũng như hạt táo chẳng thể nào mọc ra cây chuối được. Bằng cách nào đó, các hạt giống này cứ như đã được lập trình sẵn vậy. Bộ môn ngoại di truyền đặt ra một câu hỏi cực kỳ thú vị, đó là nếu chúng ta đều bắt nguồn từ một tế bào và sau đó được phân chia hàng triệu lần, thì làm sao các tế bào biết được chúng phải trở thành những loại tế bào nào?
Góc trích dẫn
“Thông tin chấn động nhất thế kỷ hai mốt sẽ không xuất phát từ thành tựu công nghệ mà đến từ việc chúng ta khám phá được ý nghĩa của từ ‘loài người’”.
- John Naisbitt
Nếu bạn gõ chữ “John Gurdon” trên Google, bạn sẽ tìm được rất nhiều thông tin về một nhà sinh học người Anh chuyên về sự phát triển. Và nếu bạn gõ chữ “epigenetics” (ngoại di truyền), chắc chắn bạn sẽ nhìn thấy hình minh họa về ngoại di truyền của Conrad Waddington, hình những viên bi lăn xuống ngọn đồi, như hình này đây:
Đây là hình ảnh đơn giản hóa của ngành ngoại di truyền. Viên bi tròn trên đỉnh đại diện cho hợp tử một tế bào ban đầu. Khi các tế bào bắt đầu phân chia theo vai trò khác biệt, mỗi tế bào sẽ đóng vai trò như một viên bi lăn xuống theo sườn dốc. Và bạn có thể thấy, có rất nhiều con đường để nó xuống tới đáy. Khi đã lăn xuống hết chặng đường dài có thể, nó sẽ dừng lại ở đó và sẽ không bao giờ phát triển thành một tế bào dạng khác, trừ phi có điều gì đó bất thường xảy ra. Tương tự, nó sẽ không bao giờ đi ngược lên đỉnh chóp để phát triển lại từ đầu. Thế nên, một tế bào gan sẽ không bao giờ phát triển thành một tế bào thận.
Cách lý giải này khá ổn với tôi. Trừ việc John Gurdon đã chứng minh rằng một tế bào đã xuống tới phía chân hình chóp hoàn toàn có khả năng quay ngược trở lên đỉnh. Và khi quay trở lại xuống dưới đáy, nó sẽ rơi vào một cạnh đáy khác với lần trước. Do đó, một tế bào gan nếu được bắt đầu trở lại, có thể nó sẽ không còn là một tế bào gan nữa mà có thể trở thành một tế bào tim69.
Tôi biết bạn đang nghĩ gì. “Lời nhảm nhí gì thế này?”, đúng chứ?
DNA chính là thông tin nền tảng trong mỗi tế bào, có đúng không nào?
Và bạn cũng đã biết đến chuỗi DNA. Mặc dù có hình dáng hết sức phức tạp, DNA thật ra chỉ là một bộ mã hóa với 4 ký tự mà thôi: A, C, G và T (viết tắt của adenine, cytosine, guanine và thymine). Nói một cách ẩn dụ, mỗi tế bào phát triển theo chuyển động lăn xuống bên dưới của một hình chóp, và việc nó sẽ dừng lại ở đáy nào còn tùy thuộc vào vô số yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố giáo dục. Hẳn bạn vẫn còn nhớ trong chương trước chúng ta đã bàn về việc bộ não của trẻ con vẫn chưa được phát triển hoàn chỉnh.
Theo David Eagleman, não của trẻ con không “cứng nhắc” như não người lớn mà liên tục phát triển. Chính vì thế mà những trải nghiệm thời thơ ấu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tác động đến cuộc đời của trẻ sau này, khi trưởng thành. Ví dụ, một đứa trẻ bị lạm dụng hoặc bỏ rơi sẽ có khả năng lớn lên với những cơn trầm cảm, và xác suất của trường hợp này là đến 50%70. Một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong sự khó khăn, nghèo nàn khi lớn lên sẽ có thiên hướng bị rối loạn ăn uống và rối loạn nhân cách. Những rối loạn khi trưởng thành của một con người là do họ đã bị “tổn thương tâm lý” từ những trải nghiệm lúc nhỏ.
Ở đây cần nói rõ thêm một điều rằng, “tổn thương tâm lý” là một cụm từ dùng để chỉ những gì xảy ra với bạn. Tuy nhiên, nó không hề giải thích những sự việc đang diễn ra đằng sau đó, dưới dạng phân tử. Nói một cách khác, là những gì đang diễn ra bên trong bạn? Ví dụ, điều gì đã xảy ra trong não của một đứa trẻ bị lạm dụng hoặc bỏ rơi?
Việc bị lạm dụng hoặc bị bỏ rơi ở thời thơ ấu đã làm thay đổi suy nghĩ và tính cách của một đứa trẻ, và câu hỏi mà ngành ngoại di truyền muốn tìm ra lời giải đáp là tại sao lại như thế. Ngành ngoại di truyền đề ra giả thuyết rằng những trải nghiệm kinh khủng thời thơ ấu không chỉ làm tổn thương tâm lý của một đứa trẻ mà còn gây tổn hại đến sự phát triển của não trong suốt thời kỳ phát triển chủ chốt của não bộ. Một số tế bào sẽ phát triển không đều đặn do trẻ bị lạm dụng.
Tuy nhiên, một điều cốt lõi mà chúng ta cũng cần lưu ý đến, đó là không phải đứa trẻ nào bị lạm dụng cũng phát triển thành một người lớn bất bình thường. Điều đó cho thấy có một mức độ linh hoạt nhất định được lập trình sẵn trong hệ thống phát triển cơ thể con người. Thế thì GIẢ SỬ như (tôi xin nhấn mạnh chữ này) các gen thực chất không hề cố định mà hoàn toàn có thể phát triển bất định (lúc hoạt động, lúc dừng) thì sao? Liệu điều đó có làm thay đổi tất cả mọi thứ không?
Xem xét ví dụ về cortisol, một loại hoóc-môn sản sinh từ tuyến thượng thận, sinh ra để phản ứng lại trạng thái căng thẳng của chúng ta. Kết quả đo lường cho thấy, những người từng trải qua căng thẳng khi còn bé, đến khi trưởng thành sẽ có lượng cortisol cao hơn mức trung bình. Như vậy, một trải nghiệm gây chấn thương tâm lý sẽ bật đèn xanh cho lượng chất cortisol được sản sinh ra nhiều hơn và không bao giờ thuyên giảm đi, hay nói cách khác, một khi đèn xanh đã bật thì không có đèn đỏ để dừng lại. Những người trưởng thành này trải qua những luồng xúc cảm mãnh liệt, và những thay đổi về mặt thể chất này đã làm ảnh hưởng đến cảm xúc và tính cách của họ mãi về sau.
Như Nessa Carey từng nói, “Chúng ta sinh ra với một chuỗi các gen đã được quy định trước. Tuy nhiên, các gen này hoàn toàn có thể ‘tắt’ hay ‘mở’, mở to hay mở nhỏ là còn tùy thuộc vào điều kiện môi trường sống. Ngành ngoại di truyền cũng tương tự như nút điều chỉnh âm thanh của máy nghe nhạc. Chiếc máy đó của bạn đã có sẵn một danh sách bài hát mà bạn cài đặt, tuy nhiên việc chọn bài nào và mở to hay nhỏ là do ngoại di truyền kiểm soát”71.
Michael Meany đã thực hiện một số nghiên cứu nổi tiếng trên loài chuột và cách chúng nuôi con. Ông nhận ra rằng khi chuột mẹ liếm và âu yếm đàn con, nó giúp một số gen nhất định ở chuột con phát triển.
Tư tưởng thú vị từ một nhà phi khoa học
“Bạn là ai, trông như thế nào đều không quan trọng, chỉ cần có ai đó yêu thương bạn là đủ.”
- Roald Dahl
Như vậy rất có thể tất cả chúng ta đều sinh ra với những loại gen giống nhau nhưng sự kết hợp tắt/mở của chúng hoàn toàn được quyết định bởi những năm đầu đời. Nói cách khác, các gen mà chúng ta mang trong mình khi sinh ra chỉ đơn thuần đóng vai trò như phát súng khởi đầu. Những con chuột lớn lên trong tình yêu thương của mẹ chúng, được âu yếm, vuốt ve mỗi ngày sẽ trở thành những con chuột hạnh phúc và cũng sẽ biết âu yếm đàn con của nó sau này. Ngược lại, những con chuột lớn lên trong môi trường thiếu tình thương sẽ sống một cuộc đời buồn bã và ngắn ngủi.
Đến đây, thiết nghĩ bạn đã có thể tự đưa ra kết luận của chính mình…
Hãy viết ra các kết luận của bạn
______________________
______________________
______________________
Sứ mệnh của bạn
Điểm khởi đầu thú vị
“Tôi đặt tâm trí và linh hồn mình vào công việc của mình, rồi mất trí trong quá trình hoàn thành công việc đó”
- Vincent Van Gogh
Mỗi chúng ta đều có một sứ mệnh của riêng mình, và dù bạn có nhận ra hay không thì bạn cũng đang sống với sứ mệnh do chính mình chọn. Trên thực tế, việc bạn đọc quyển sách này cũng là bạn đã đang thực thi sứ mệnh của mình, ngay bây giờ. Ngay cả những việc cơ bản như ăn uống, ngủ nghỉ hay nằm dài trước màn hình ti-vi cũng là một sứ mệnh của bạn, sứ mệnh của sự nhàn hạ và lười nhác. Và tôi phải khổ sở chỉ ra điều này - chìa khóa nằm ở chỗ bạn phải biết chọn lựa một cách năng động thay vì cứ hành động một cách thụ động.
Có nhiều cách khác nhau để phát triển nhân cách. Bạn có thể đọc sách hay tham gia các buổi hội thảo. Nhiều người ghi nhận rất nhiều thông tin nhưng các thông tin ấy lại cứ trôi tuột khỏi họ. Tôi từng biết một người có thể kể lại rành rẽ từng lời thoại trong bộ phim hài nhiều tập Blackadder của thập niên 1980 nhưng anh ta lại không hề có khiếu hài hước. Anh ta chỉ đơn thuần ghi nhớ những gì đã xem và tuôn ra mà thôi. Tôi không muốn bạn đọc quyển sách này chỉ để có thể tuôn ra những lời trích dẫn sáo rỗng trong cuộc gặp gỡ kế tiếp của bạn. Tôi muốn bạn đọc và thấm nhuần nó, bắt suy nghĩ của bạn làm việc cho chính bạn, tự đặt câu hỏi cho bản thân, đạt tới sự sáng suốt và rõ ràng. Nếu được gặp bạn, tôi không muốn nghe bạn nói với tôi rằng bạn đã đọc sách của tôi viết và nó khiến bạn rất vui. Tôi muốn bạn kể cho tôi nghe bạn đã làm gì và bị vướng mắc ở đâu. Và tôi muốn bạn kể cho tôi nghe rằng con cháu của bạn đều hiểu rõ bạn rất yêu thương chúng và điều đó đã làm nên sự khác biệt ra sao.
Bạn cũng cần nắm bắt được ý niệm rộng lớn của bộ môn ngoại di truyền, đó là các gen của bạn không hề mang tính cố định như bạn vẫn nghĩ. Chúng ta hầu như hoàn toàn có thể cải thiện chúng để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và nếu như cuộc sống của bạn tốt đẹp lên thì thế hệ sau của bạn cũng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thật là một điều có ý nghĩa phải không nào?
Thế thì bạn sẽ phải làm gì để bắt tay vào thực hiện điều đó? Làm thế nào để tôi có thể giúp bạn vừa “thấu hiểu” vừa “hành động” ngay lập tức? Trong các buổi hội thảo, tôi thường đưa ra một bài tập nho nhỏ như sau để mọi người có thể thực hành ngay, bài tập thế này:
Hãy tưởng tượng bạn chỉ còn sống được thêm một tuần nữa. Vậy bạn sẽ làm gì trong tuần lễ đó?
Chắc chắn sẽ chẳng có ai trả lời là “Tôi sẽ lao vào làm việc và xóa các thư điện tử của mình trong thư mục inbox”. Trong khi đó, nhiều người bảo sẽ tổ chức tiệc tùng, nói lời yêu thương với những người mình yêu quý. Nhiều người thì bảo sẽ thực hiện “cái ôm 7 giây”. Và thường thì, sau bài tập, mọi người sẽ nhận ra rằng họ không cần phải đợi đến khi chỉ còn lại một tuần ngắn ngủi mới làm những việc họ muốn làm. Bạn biết đấy, ngay bây giờ bạn có thể đặt quyển sách này xuống để ôm hôn một ai đó.
Nhiều người bỗng nghe thấy tiếng gọi của sự thức tỉnh khi những phòng tuyến suy nghĩ của họ bị chọc thủng, do một căn bệnh trầm trọng hay cái chết của một người thân thiết, nhất là những người còn quá trẻ. Những điều này thật sự sẽ khiến người ta suy nghĩ khác đi. Sự tỉnh thức có thể đến bất cứ lúc nào, cũng có thể không bao giờ gõ cửa. Cũng là một việc làm thông thái nếu bạn thử hình dung xem sự thức tỉnh của mình sẽ là gì. Điều gì sẽ xảy ra để tiếng chuông cảnh tỉnh nội tại vang lên, lay động bạn dữ dội từ trạng thái lịm chết mà bạn đang đắm chìm. Mẹo cho bạn là hãy trân trọng sự thức tỉnh khi nó đến với bạn, đừng cảm thấy ngượng ngùng xấu hổ vì đã ngủ vùi quá lâu.
Bất kể độ tuổi hiện nay của bạn là bao nhiêu, “Dậy đi, dậy đi! Vươn mình và tỏa sáng!”.
Lòng can đảm là nhân tố quan trọng để đạt được sự thức tỉnh. Hầu hết mọi người đều yên phận với cuộc sống bình thường hàng ngày của mình, bởi họ nghĩ thế là đủ. Nhưng “bình thường” chỉ đồng nghĩa với những ngày làm việc dài lê thê và căng thẳng cùng sự mong mỏi đến những kỳ nghỉ ngắn ngủi. Và nếu bạn chưa nhận ra thì tôi muốn nhắc bạn rằng, điều đó nghĩa là chúng ta đã đi giáp một vòng tròn, trở về với câu nói “tôi thấy những người chết” của phim Giác quan thứ sáu mà chúng ta đã đề cập ở đầu sách.
Cơ chế ngoại di truyền như đang hét lên với bạn, yêu cầu bạn sử dụng đầu óc của mình, lựa chọn phương thức tồn tại và tiến bước. Lòng dũng cảm có thể không tồn tại mãi mãi, nhưng sự cẩn trọng thậm chí còn không tồn tại ngay từ đầu. Vậy bạn còn đợi gì nữa, thức tỉnh đi.