Góc suy ngẫm
“Có rất nhiều thứ trong cuộc sống mà chúng ta không toàn quyền kiểm soát, nhưng suy nghĩ chắc chắn không nằm trong danh sách đó.”
- Dr. Steve G. Jones
Sức mạnh ý chí chống lại ''sức mạnh thoái chí''
Trước khi bắt đầu, tôi có một yêu cầu đối với bạn, đó là hãy gạt thói quen lập luận thường có của bạn sang một bên và chỉ đơn thuần chiêm nghiệm những ý tưởng được trình bày trong chương này. Bạn sẽ thấy chúng là một sự trộn lẫn đầy nghịch lý giữa cái đơn giản đến ngạc nhiên với sự phức tạp khiến chúng ta phải đau đầu, giữa tri thức học viện hàn lâm, triết học với những điều hiển nhiên phổ thông, nhưng đồng thời cũng đạt đến đỉnh điểm của sự rành mạch, rõ ràng. Do đó bạn không cần phải vất vả nhiều. Hãy để tôi giải quyết mọi thứ, còn bạn chỉ cần thư giãn và sẵn sàng để thưởng thức những điều tôi sắp chia sẻ ra đây.
Nếu có điều nào khiến bạn cảm thấy khó hiểu (mà chắc chắn là sẽ như thế), bạn cứ tạm dừng lại ở điểm đó. Mong bạn hãy nhớ rằng chương này được viết ra để dành cho bạn, bất luận trình độ kiến thức hiện tại của bạn ra sao. Đây là chương hay nhất tôi từng viết và phải mất đến 49 năm để hoàn thành. Mặc dù vậy, sẽ có những độc giả không thích chương này chút nào. Bạn cũng không cần phải thích nó, tất cả những gì bạn cần chỉ là mở rộng tâm trí và tập trung chiêm nghiệm nó mà thôi.
Góc sự thật
“Đôi khi câu hỏi quá phức tạp còn câu trả lời lại hết sức đơn giản.”
- Dr Seuss
Trong phần lớn những khó khăn cuộc đời, bạn chính là vấn đề nhưng đồng thời cũng chính là giải pháp. Trong bạn tồn tại cả một hệ thống các niềm tin rối rắm khác nhau, ví dụ “Tôi làm không được đâu!”, “Đời sao mà khổ vậy!”, “Đời thật là bất công!”, “Rồi sẽ rắc rối cho mà xem!”, “Tôi không có đủ tài năng”, “Tôi vượt xa yêu cầu của họ”, ‘‘Tôi không ưa cái hông của mình!”, ‘‘Tôi phải tìm cho được nguyên nhân!”, “Tôi không biết khiêu vũ”, v.v…
Các ý niệm và quan điểm không tự đến với bạn. Khi sinh ra, chúng ta chỉ là một tờ giấy trắng, tuy nhiên sự tác động của những người xung quanh cùng các sự việc diễn ra với bạn một cách lặp đi lặp lại sẽ khiến bạn hình thành nên cách suy nghĩ và quan điểm của cá nhân. Trong các chương trước, tôi đã chỉ cho bạn thấy những gì bạn nghĩ về hình ảnh cá nhân mình thật ra chỉ là quan điểm cá nhân. Ví dụ, người ta gọi tôi là “Andrew” vì bố mẹ bảo tên tôi là như thế và ý niệm đó đã gắn chặt với tôi suốt 49 năm nay. Những thứ khác cũng in dấu lên cách suy nghĩ của bản thân tôi một cách vô thức, dẫn đến việc tôi trở thành một con người với đầy đủ đặc tính theo ý niệm của bản thân. Đó là do tôi tin như vậy và tôi đã sống theo khuôn khổ con người như niềm tin đó.
Chính vì thế mà tôi đã viết chương này với ước mong tháo gỡ một số niềm tin và khám phá xem điều gì đã tạo nên con người chúng ta.
Trước tiên, chúng ta có thể bắt đầu với ý niệm rằng: bạn không phải là một trái dưa leo!
Bạn hẳn đang thắc mắc tôi đang nói về điều gì nhỉ? Tôi đưa ra luận điểm này vì có liên quan đến vấn đề niềm tin và quan niệm, và vì tất cả chúng ta đều tin rằng hạt dưa leo chỉ có thể phát triển thành cây dưa leo. Tương tự, hoa hồng mãi mãi chỉ là một bông hồng và quả chuối trọn đời cũng chỉ là một quả chuối. Tất cả những ý niệm này đều bị chôn chặt bởi chính thực tế của nó.
Thế nhưng chúng ta là giống loài có ý thức và điều này khiến chúng ta không thể nào là trái chuối, bởi chúng ta có thể suy nghĩ, biết phân biệt đúng sai, có cảm xúc, biết cảm thông và tưởng tượng. Tất cả những điều này giúp chúng ta vượt xa những thứ hoa lá thông thường.
Trước khi tìm hiểu xem vì sao cách suy nghĩ lạc hậu khiến chúng ta trì trệ trong cuộc sống, tôi muốn mời bạn cùng khám phá phương pháp số một mà loài người dùng để kiểm soát tâm trí của mình, đó chính là sức mạnh ý chí kiểm soát hành vi và suy nghĩ của bản thân. Có những lúc bạn phải hạ quyết tâm để ăn ít đi, tập thể dục nhiều hơn, cai thuốc lá hay hạn chế các phương tiện thông tin đại chúng và những lúc đó, bạn sẽ thấy rằng mình phải nỗ lực rất lớn.
Nói một cách cơ bản, sức mạnh ý chí đồng nghĩa với việc bạn đang chiến đấu chống lại suy nghĩ của bản thân. Thật ra, khi bạn quyết tâm làm một điều gì đó không có nghĩa là bạn sẽ thay đổi được ước muốn sâu thẳm trong tim. Nghĩa là bạn vẫn chưa buông bỏ được ước muốn đích thực của mình. Ví dụ, sức mạnh ý chí sẽ giúp bạn rời khỏi ghế bành êm ái hay chọn món rau trộn thay vì món khoai tây chiên nhiều dầu mỡ, nhưng nếu sâu thẳm trong lòng bạn thật sự muốn có một thân hình cân đối thì bạn đã không cần phải dùng đến sức mạnh ý chí.
Và ngay tại thời điểm mà sự lựa chọn trở nên khó khăn hơn (“Ôi, mình nên chọn cái nào bây giờ, rau hay khoai tây chiên?”) cũng là lúc sức mạnh ý chí của bạn sụp đổ. Thực chất bạn vẫn cố tìm cách vùi dập ý nghĩ “mình rất muốn ăn khoai tây chiên”, tuy nhiên ý nghĩ đó vẫn luôn ẩn náu ở một góc nào đó trong tâm trí bạn.
Góc suy ngẫm
Nếu bạn đối xử tệ với các suy nghĩ của mình, chúng sẽ khiến bạn cảm thấy bất hạnh.
…và tôi thì không muốn bất hạnh!
Suy cho cùng, hầu hết chúng ta ít nhiều đều có các nhu cầu tương tự nhau. Tất cả chúng ta đều thích những trải nghiệm tích cực bởi chúng khiến chúng ta cảm thấy thoải mái, hạnh phúc và cũng không gây khó khăn gì cho chúng ta. Ngược lại, trải nghiệm tiêu cực là thứ mà chúng ta phải luôn chống lại. Bởi cuộc sống này không cam kết với chúng ta toàn những điều tốt đẹp mà ta luôn mong muốn, nên sẽ còn có nhiều những cảm giác tồi tệ mà ta có khả năng và buộc phải sẵn lòng chịu đựng, để vượt qua, và tìm đến cảm giác tốt đẹp.
Ví dụ, nếu muốn có vòng bụng phẳng lì sáu múi hoàn hảo, tôi biết mình sẽ phải chịu đau đớn, mất nhiều thời gian và công sức ở phòng tập thể dục. Và lẽ dĩ nhiên là tôi phải bớt uống bia đi. Thế thì, rõ ràng ước muốn có được bụng sáu múi không dễ dàng chút nào so với ước muốn một cuộc sống thoải mái bình thường. Tương tự, bạn muốn nghỉ làm và lập nghiệp riêng cho bản thân, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận tình trạng tài chính bấp bênh, rủi ro thường xuyên và làm việc nhiều hơn.
Thế nên vấn đề ở đây dường như có vẻ đi ngược lại cái thông thường, đó là bạn không nên tự hỏi mình muốn đạt được những gì mà thay vào đó, hãy tự hỏi “mình sẽ phải trả giá những gì để đạt được điều đó?”. Và nếu cuộc đời của bạn sẽ không do những trải nghiệm tích cực quyết định mà do chính khả năng chịu đựng những điều tiêu cực của bạn thì sao?
Quan điểm thú vị
“Nếu bạn bị mắc trong một cái bẫy, trước khi thoát ra bạn phải làm gì? Câu trả lời là bạn phải biết mình đã bị mắc bẫy!”
- Jamie Smart
Tò mò! Tò mò! Tò mò!
“Suy nghĩ – chúng là cái quái gì?”. Có bao giờ bạn dừng lại để nghĩ xem “suy nghĩ” thực chất là gì và liệu chúng ta có đang “trải nghiệm” hay “thực hành” chúng không?
Sự thật là: suy nghĩ không phải sự thật! Chúng không phải là thứ có thật. Và suy nghĩ đến với bạn bất kể bạn có muốn hay không, đó là thứ bạn khó kiểm soát được nhất. Nhưng đó là khi bạn “trải nghiệm” suy nghĩ, còn khi “thực hành” suy nghĩ, bạn sẽ thành người sáng tạo và người kinh nghiệm.
Cuộc đời của bạn thực chất cũng không hề có thực mà chỉ được tạo ra bởi các suy nghĩ. Chính sự thật này đã tạo ra nhân vật cô bé Alice và chuyến phiêu lưu kỳ thú của cô khi chui vào hang thỏ (mà thật ra là hình ảnh ẩn dụ của cánh cửa ý thức trong tâm trí chúng ta), để đến với thế giới của những điều thần kỳ. Câu hỏi nằm sâu dưới đáy vấn đề là: “Trong khi chúng ta bận rộn suy nghĩ thì ai là người bận tâm đến việc suy nghĩ của chúng ta?”.
Nếu thực tế cuộc sống của bạn được tạo nên từ các suy nghĩ, thế thì chỉ cần duy nhất một suy nghĩ khác đi là bạn đã có ngay một trải nghiệm sống khác hẳn. Phần lớn chúng ta cứ sống hết ngày này qua tháng khác mà gần như không mảy may chú ý đến việc các suy nghĩ diễn ra như thế nào. Và có lẽ chúng ta cũng chưa bao giờ tự hỏi tâm trí của bản thân sợ hãi điều gì, nó muốn nói điều gì, nó lưu tâm đến những gì và gạt bỏ điều chi... Phần lớn chúng ta dành cả đời để suy nghĩ, nhưng lại không chú ý đến cách thức mà chúng ta suy nghĩ!
Bây giờ, chúng ta hãy thử khám phá một định nghĩa khác, cũng khó chịu không kém, đó là ý thức. ý thức là cái quái gì thế nhỉ? Trong bạn có hai phần, phần con người thể chất và một phần khác đang trải nghiệm con người thể chất ấy, đó chính là ý thức. Nhờ vào con người máu thịt của bạn mà con người ý thức có thể đi khắp nơi. Và hình ảnh chính bạn trong gương chỉ mang ý nghĩa như một phương tiện vận chuyển.
Bộ não của chúng ta không thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài bởi nó luôn bị khóa chặt trong một cái hộp tăm tối, tĩnh lặng gọi là hộp sọ. Não của bạn không thể nhìn, nghe, sờ, ngửi hay nếm bất cứ thứ gì. Các giác quan của bạn khám phá thế giới xung quanh và diễn giải lại bằng ngôn ngữ mà bộ não có thể hiểu được. Vì thế, các việc nhìn, nghe, sờ, ngửi và nếm đều không có thật, chúng chỉ là những màn diễn xuất của các ion hóa trong một nhà hát tối tăm.
Thử xét một ví dụ: bạn đang ngắm một con ong nghệ bay vo ve quanh khóm hoa. Đầu tiên, màu sắc của con ong lẫn âm thanh vo ve của nó không hề có thật. Ấy, nhưng con ong thì ở đó thật. Nó chỉ là một “vật” đang phát ra những bức xạ điện tử và sóng âm thanh và những điều này chỉ biến thành màu vàng, màu đen và tiếng vo ve sau khi được bộ não xử lý. Chúng ta tin rằng hình ảnh con ong mà mình nhìn thấy là thật, nhưng tất cả những điều này đều được hình thành từ bên trong cái hộp kín chính là bộ não của chúng ta. Tương tự với mùi hương. Thực tế không hề có mùi hương, hay nói cách khác, chẳng hề có cái gì gọi là “mùi” tồn tại bên ngoài hộp sọ của chúng ta bởi tất cả chỉ biến thành mùi qua cách diễn giải của bộ não. “Mùi” thực chất chỉ là một nhóm phân tử bay lơ lửng trong không trung mà mũi của bạn nhận được và biến thành khái niệm “mùi”.
Thế nên, trừ khi được soi sáng dưới ánh sáng chân lý khác biệt, bằng không thì bạn cũng sẽ giống như bao người khác, cũng cho rằng thực tế cuộc sống là có thật. Có lẽ đọc đến đây bạn sẽ cười khoái chí và bảo rằng, “Andy, nãy giờ anh giải thích mọi việc rất rõ ràng, tại sao trước đây tôi lại không nhìn thấy điều này chứ? Nó hiển nhiên quá mà! Bấy lâu nay tôi đã ‘tự tạo’ nên cuộc sống của bản thân. Tôi quả là khờ dại!”.
Sự thật hiển nhiên là khả năng chú ý của chúng ta là có giới hạn, chúng ta khó lòng chú ý đến tất cả mọi thứ diễn ra ngoài kia cùng một lúc. Bạn thường sẽ chỉ để tâm đến những gì bạn muốn, và chính những điều bạn để tâm đến đó đã tạo nên thực tế cuộc sống của bạn. Do vậy, nói một cách đơn giản thì bạn chính là người tạo ra cuộc sống của mình chứ không phải ai khác. Và đa số các lựa chọn của bạn được diễn ra một cách tự động, dưới sự kiểm soát của ý thức.
Góc trích dẫn
“Đối tượng của thông tin rất dễ thấy: đó chính là sự chú ý của người nhận.”
- Herbert Simon
Giáo sư Paul Dolan là người đã viết cả một quyển sách Hạnh phúc được lập trình: Thay đổi hành vi chứ không phải suy nghĩ của mình (Happiness by Design: Change What You Do, Not How You Think - NXB Penguin, 2015) chỉ để nói lên một điều duy nhất, đó là hạnh phúc của bạn được quyết định bởi những gì mà bạn chú tâm đến. Nghiền ngẫm cả cuốn sách chỉ để rút ra điều này, hẳn bạn sẽ gấp sách lại trong mối băn khoăn, rằng: “Chẳng lẽ một giáo sư viết cả quyển sách này chỉ để nói mỗi điều đó thôi sao?”.
Tuy nhiên, nếu suy ngẫm kỹ bạn sẽ nhận ra điều mà tôi cũng nhận ra: rằng quả thật đó chính là chất keo để kết nối mọi thứ trong cuộc sống của bạn lại với nhau. Chính suy nghĩ của bạn tạo nên cuộc sống của bạn, chỉ vậy thôi. Và mặc dù cái mà bạn đang chú tâm đến xảy ra ở thế giới bên ngoài, nhưng điểm chính để tạo nên suy nghĩ lại diễn ra ở bên trong bộ não của bạn.
Theo Dolan, có rất nhiều báo cáo cho thấy để tạo ra được hạnh phúc, bạn phải cần đến một số “nguyên vật liệu”. Ví dụ, có người sẽ cảm thấy hạnh phúc khi kiếm được một mức thu nhập nhất định, có người lại hạnh phúc khi có một món nữ trang lấp lánh nào đó. Có người hạnh phúc khi được làm nghề yêu thích, có người chỉ cần được nhấm nháp chút rượu ngon đã thấy hạnh phúc. Có người lại hạnh phúc nếu có được các điều kiện hôn nhân tốt nhất.
Dolan cho rằng các “nguyên vật liệu” này chỉ là yếu tố kích thích gây tác động đến sự chú ý của bạn. Chính vì thế, số tiền mà bạn kiếm được không tác động nhiều đến niềm hạnh phúc bằng mức độ chú ý của bạn dành cho ý nghĩ này. Ông cũng chỉ ra, chúng ta đang sống trong thời đại “công nghiệp của sự chú ý”, bởi hàng ngày chúng ta bị nhồi nhét vô số thông tin, đến nỗi bộ não của chúng ta phải kêu cứu vì không biết phải tập trung vào điều gì. Do đó, những gì bạn chọn lựa để tập trung sự chú ý của mình vào chính là cái tạo nên cuộc sống của bạn.
Tương tự Dolan, Maureen Gaffney (bác sĩ, đồng thời là nhà tâm lý học) cũng cho rằng chính sự chú ý đóng vai trò như một cánh cửa nối liền giữa chúng ta và thế giới xung quanh, giữa những sự việc xảy ra với chúng ta và những gì xảy ra bên trong chúng ta. Thế nên, cách mà chúng ta định hướng cho suy nghĩ và sự chú ý của bản thân đối với sự việc xảy ra ở thế giới xung quanh đóng vai trò cốt lõi trong việc tạo nên cuộc sống của chúng ta61.
Chúng ta đều biết sở dĩ vàng và kim cương lại đắt giá đến như thế là vì nhu cầu mua sắm và sử dụng kim cương luôn vượt quá khả năng cung cấp. Điều này cũng tương tự với “sự chú ý” của bản thân bạn, nghĩa là có quá nhiều cái thu hút sự chú ý của chúng ta trong khi khả năng chú ý của chúng ta là có hạn. Chính vì thế mà sự chú ý trở thành một tài sản quý giá lạ thường của mỗi cá nhân. Sự chú ý của bạn chính là “đồng tiền tâm lý”, do vậy bạn nên sử dụng chúng một cách khôn ngoan.
Khi không hiểu cặn kẽ điều này, chúng ta thường vận dụng cách suy nghĩ cũ để rồi phải vất vả chuyển dịch nó sang một thế giới mới. Chính sự hiểu sai này đã làm gia tăng thêm vô số căng thẳng trong cuộc sống cũng như suy nghĩ quá mức khiến ta thêm phiền muộn.
Tuy nhiên trong cuộc sống hiện nay, đa số chúng ta lại để cho thế giới bên ngoài quyết định những cảm xúc trong lòng mình. Tất cả chúng ta, ít hay nhiều, đều có lần để cho người khác khiến mình hạnh phúc hay giận dữ. Tôi từng giận dữ vì bị phạt 120 bảng khi quên đóng tiền lộ phí dành cho các phương tiện lưu thông trong khu vực đông xe. Tôi giận dữ là vì cảm thấy bất công, rõ ràng người dân chúng tôi đã góp tiền để xây con đường đó và sáng suốt mà nói thì chúng tôi đã bị lừa ngay từ ban đầu.
Trong lý thuyết của thuyết duy tâm Đức, Immanuel Kant cho rằng những gì chúng ta thấy không chỉ đơn thuần là những gì đôi mắt nhìn thấy, mà còn được kết hợp với những gì chúng ta đã nghĩ, đã biết, cảm nhận và muốn tin. Bộ não chúng ta sử dụng các thông tin tổng hợp và những kinh nghiệm từng trải qua để đưa ra nhận thức về thực tế của hiện tại. Nhưng khoan, thế thì chẳng phải vấn đề lại trở về với nghi vấn “thực tế” không hề có thật mà chúng ta đã bàn ở phần trước? Liệu có phải thực tế hoàn toàn “có thể được sắp xếp”? Kant viết rằng, “Sự hiểu không làm nên ý nghĩ, giác quan cũng không. Chỉ thông qua sự kết hợp giữa hai yếu tố này mà chúng ta mới có được ý nghĩ, từ đó nhận biết sự việc”62.
Dan Gilbert đã mô tả điều này thật xuất sắc: “Như thể chúng ta đang ngồi thoải mái bên trong đầu của mình, nhìn ra ngoài qua khung cửa sổ đôi mắt và ngắm nhìn thực tại thế giới xung quanh”63. Nhưng những gì đang diễn ra bên trong bộ não của chúng ta lại không hề giống như vậy, mà thay vào đó, bộ não không ngừng tìm kiếm, lục lọi thông tin để lưu vào bộ nhớ và nhận thức, từ đó tạo ra hình ảnh về thế giới bên ngoài với các chi tiết đầy lý lẽ và thuyết phục đến nỗi chúng ta chẳng bao giờ phải thắc mắc. Theo phép loại suy của Gilbert, bạn hãy tưởng tượng mình là một kẻ in tiền giả chuyên in ra các tờ tiền 20 bảng, đồng thời bạn cũng chính là nạn nhân, bởi bạn cũng chính là người tiêu thụ tờ tiền giả đó mà không cần giơ lên ánh sáng để kiểm tra.
Tương tự, tôi muốn chia sẻ với bạn rằng, dẫu bạn có trải qua bao điều đáng sợ, bi thương trong đời thì bạn chỉ cần nhận ra đó chẳng qua là suy nghĩ của bạn thôi, và bạn chỉ đang trải nghiệm chính những suy nghĩ đó. Nếu làm được điều này, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn, bởi dù vẫn trải qua những cảm giác kinh khủng, nhưng một khi đã biết rằng đó chỉ là những gì đang diễn ra trong đầu bằng sự diễn giải của đầu óc bạn, thì bạn sẽ cảm thấy không cần phải thay đổi cả thế giới để cảm thấy dễ chịu. Điều mà bạn cần thay đổi chính là bản thân mình, chứ không phải thế giới ngoài kia.
Nhưng tôi phải nhắc nhở bạn, độc giả thân mến của tôi, rằng điều đó không hề dễ thực hiện chút nào.
SYDNEY BANKS
Ngày nay trên thị trường có vô số sách thuộc những thể loại kinh doanh, tôn giáo và phát triển nhân cách với đủ mục đích khác nhau, như giúp mọi người mảnh mai, cân đối hơn, hạnh phúc, giàu có hơn, tích cực, nổi tiếng và tự tin hơn. Tôi vốn nghiện thể loại sách giúp phát triển tâm hồn và cả ngày mà không đọc được loại sách đó sẽ không chịu được. Thi thoảng, tôi bắt gặp một tác phẩm khơi gợi ở mình niềm yêu thích. Không hẳn là tác phẩm đó hoàn toàn mới, nhưng có thể là do cách viết, một số trong chúng khiến tôi phải thốt lên “Wow!”.
Có lẽ bạn chưa bao giờ nghe đến Sydney Banks, một triết gia và cũng là một cây bút. Ông từng là một thợ hàn ở xưởng đóng tàu Glasgow và đã dành hai mươi năm cuối đời để ủng hộ cho ý tưởng cho rằng chúng ta đã bị rơi vào một cái bẫy khi tin rằng cảm xúc phản ánh cuộc sống, trong khi thật ra cảm xúc chỉ đang kể lại những suy nghĩ trong đầu chúng ta.
Nhiều tác giả đã cố gắng đưa tác phẩm của Syd đến với quần chúng qua các quyển sách viễn tưởng của họ như Jack Pransky64, Jamie Smart65 và Michael Neill66, và cả Elsie Spittle67 vốn là bạn của Syd.
Tôi phải tự nhận rằng mình là người có thói quen suy nghĩ theo kiểu học thuật, nghĩa là hay phê bình và đòi hỏi phải có bằng chứng cụ thể. Tôi có cảm giác mình giống một con ngỗng được nuôi để lấy gan béo làm pa-tê, suốt ngày bị nhồi nhét bởi các thông tin báo chí, chữ nghĩa phải đọc đi đọc lại nhiều lần để thấu hiểu. Ấy vậy mà ở đây ý tưởng của Syd lại hết sức đơn giản, không hề được chứng minh kiểm nghiệm và lại mang tính “dễ dàng” so với tất cả những gì tôi đã được học.
Nhưng suy cho cùng thì, biết đâu điều này vốn không cần chứng minh thực nghiệm nhưng vẫn đưa đến hiệu quả tốt thì sao?
Suy nghĩ thú vị
"Trở ngại LỚN NHẤT của sự Khám Phá KHÔNG phải là sự vô tri mà chính là ảo tưởng cho rằng mình ĐÃ HIỂU BIẾT."
- Dan Boorstin
Theo Syd, chính các suy nghĩ đã tạo nên cuộc sống của bạn, do đó bạn có thể chấm dứt việc tìm kiếm hạnh phúc. Đó là một hành trình nội tâm với cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Mặt khác, thật là nhẹ nhõm khi nhận ra rằng tôi không cần phải học hỏi hay đọc sách ở đâu xa mà tất cả những gì cần thiết chỉ là học hỏi, tìm hiểu chính bản thân mình. Đồng thời tôi cũng hiểu rằng bản thân chính là điều phức tạp nhất trong vũ trụ này.
Suy nghĩ đầy tính cách mạng “từ trong đầu ra ngoại cảnh” này cho thấy chính những gì bạn nghĩ đã tạo nên các cảm xúc mà bạn cảm nhận. Ví dụ, điều khiến tôi giận dữ chẳng phải số tiền phạt 120 bảng. Sự kiện đó hoàn toàn chẳng khiến tôi buồn hay vui, cho đến khi tôi có ý nghĩ về “những công ty khốn kiếp tham lam” và giận dữ mới bắt đầu tuôn tràn. Do đó, chính tôi là người đã tạo ra tâm trạng của mình. Đơn giản là thế! Và bạn không cần phải quá thông minh hay có bằng tiến sĩ mới có thể hiểu được điều đó.
Theo tôi thì điều này là một sự hiểu biết hơn là một lý thuyết. Một khi bạn đã thôi đánh giá với thái độ phê phán và bỏ qua việc thiếu sót bằng chứng học thuật, bạn sẽ mở được cánh cửa niềm tin và khám phá được con người mình một cách dễ dàng hơn bạn nghĩ. Và bạn sẽ thấy điều mình đang tìm kiếm đó được che giấu hết sức khéo léo bên trong chính cái đầu của mình!
Từ trước đến giờ, hẳn bạn luôn cho rằng chính các sự kiện bên ngoài đã tạo nên cảm xúc trong bạn và không thắc mắc thêm gì về điều đó. Biên bản phạt 120 bảng khiến tôi nổi nóng, thời tiết tệ hại bên ngoài khiến tôi cảm thấy buồn thảm, hoặc trận cãi nhau kịch liệt với cô con gái tuổi teen đã khiến tôi bực bội. Hầu hết chúng ta đều phản ứng lại các sự kiện bên ngoài này và điều đó hoàn toàn hiển nhiên.
Do đó, nếu tìm hiểu sâu hơn một chút, chúng ta sẽ thấy rằng cái mà Syd Banks tán đồng không phải việc thế giới này chịu ảnh hưởng bởi những suy nghĩ trong một chừng mực, mà là việc chúng ta có thể tự điều chỉnh suy nghĩ theo hướng tích cực để bản thân cảm thấy thoải mái hơn. Theo Syd, toàn bộ thế giới này được cấu thành từ chính suy nghĩ.
Bạn đã sẵn sàng để nghe tôi giới thiệu cho bạn một triết lý đơn giản nhất xưa nay chưa? Triết lý ấy thế này:
Điểm quan trọng không phải là suy nghĩ trong đầu bạn mà là: BẠN chính là người suy nghĩ.
Thật vậy, bạn chính là một cỗ máy suy nghĩ, đi kèm theo cỗ máy đó là một tiếng nói không ngừng vang lên trong đầu với những lời bình luận, nhận xét suốt cả ngày. Phần lớn mọi người suy nghĩ lặng lẽ trong đầu, nhưng có người lại cứ như bị ám ảnh bởi một tiếng nói vang vọng suốt trong đầu. Và dù bằng cách nào đi nữa thì đó vẫn là suy nghĩ của bạn. Đa phần chúng ta chỉ dừng lại ở việc nhận ra mình đang suy nghĩ chứ không đi xa hơn. Có thể trong những lúc khó khăn, bạn sẽ tìm đến một câu chuyện khích lệ để bản thân thêm hăng hái, bạn sẽ đi dạo vào một ngày mưa, hoặc làm vườn, hoặc có thể sẽ hạ quyết tâm để mọi thứ tốt đẹp hơn. Tất cả những điều đó là hoàn toàn bình thường.
Khi bạn nhận ra được rằng cảm xúc xuất phát chính từ suy nghĩ (chứ hoàn toàn không phải từ cái gì khác) thì đó đã là một bước tiến. Như vậy, không phải sự việc (chẳng hạn một ngày mưa) đã khiến bạn u buồn, mà chính là do suy nghĩ của bạn về một ngày mưa đã khiến bạn cảm thấy không vui. Sự lắp ghép giữa các sự việc (chẳng hạn, “một ngày mưa”) và nội dung suy nghĩ của bạn (chẳng hạn, “thời tiết này làm vườn thì tốt đây”) sẽ khiến bạn tạm thời cảm thấy vui lên. Đến đây tôi xin lặp lại một lần nữa, rằng đó là những gì tốt đẹp nhất mà phần đông chúng ta có thể làm. Khi hiểu rằng cảm xúc thật ra chỉ là một suy nghĩ, bạn sẽ dễ dàng bỏ qua suy nghĩ hiện tại để nắm bắt những suy nghĩ khác khiến bạn vui hơn.
Như vậy, nếu bạn hoàn toàn có thể tạo ra thực tế cuộc sống của mình, thế thì tốt hơn cả là bạn nên tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cái hiện tại. Mấu chốt là, bạn hãy thực hiện điều đó ngay đi.
Bản thân suy nghĩ là một điều tốt, tuy nhiên nếu bạn cứ tiêu tốn hàng giờ để bực bội vì cảm thấy bất công khi phải đóng phạt 120 bảng như tôi thì chính suy nghĩ ấy sẽ khiến bạn kiệt quệ. Hãy tưởng tượng luồng suy nghĩ của bạn như đang tuôn chảy trong một đường ống, vậy đường ống đó có thể sạch sẽ, thông thoáng với những ý tưởng tích cực, lòng biết ơn hay tắc nghẽn bởi những suy nghĩ tiêu cực chẳng khác gì cặn rác.
Dĩ nhiên trong cuộc đời, ai trong chúng ta cũng có lúc bị quá khứ xâm chiếm và chế ngự bởi những điều tiêu cực. Hoặc cũng có lúc ai đó cư xử tệ hại với bạn và bạn không kiềm chế được bản thân. Tuy nhiên, cách suy nghĩ “từ trong đầu ra ngoại cảnh” sẽ giúp bạn chấm dứt được điều này. Thế nhưng cả tôi lẫn bạn, chúng ta hầu hết đều được sinh ra với cách nghĩ cố hữu “từ ngoại cảnh vào trong tâm trí”. Chúng ta thường dự đoán và phản ứng trước sự việc diễn ra xung quanh. Cách suy nghĩ “từ tâm trí ra ngoại cảnh” thật ra cũng giống như khi bạn suy nghĩ bằng chất steroid, nghĩa là nó cũng như một sự đánh lừa. Ở đây, nó không tô hồng mọi thứ mà giúp ngăn chặn bạn khỏi những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là đối với những điều có vẻ xấu xa, tồi tệ nhất. Nhưng cách suy nghĩ này không đánh lừa bạn theo cách mà huyền thoại Lance Armstrong, tay đua 7 lần giành giải vô địch Tour De France, đã dùng khi sử dụng doping. Nó giúp bạn nhìn nhận vấn đề sáng tỏ hơn nhiều, cho bạn thêm sức mạnh để tiến lên khi mà cuộc đời hiện ra trước mắt bạn sừng sững như một ngọn núi.
Nếu Syd đúng, thì cho dẫu quá khứ và hiện tại của bạn có như thế nào đi nữa, bạn và hạnh phúc chỉ cách nhau có một suy nghĩ mà thôi. Đây là một khả năng mà chúng ta ai cũng có thể có, nhưng hầu hết lại hoàn toàn không chú ý đến. Nó chẳng tốn kém của bạn đồng nào, và bạn cũng không cần phải có bằng cấp này bằng cấp kia, hay phải đạt đến một mức độ thông minh nhất định mới có thể có được. Tất cả những gì bạn cần chỉ là một chút thấu hiểu và, theo tôi, thực hành thật nhiều.
Tuy nhiên, điều này cũng có mặt trái của nó. Đó là nếu bạn đồng tình với ý nghĩ rằng bản thân mình chỉ cách hạnh phúc có một suy nghĩ thôi, thì đồng thời bạn cũng phải chấp nhận rằng nỗi buồn, sự giận dữ hay tuyệt vọng, sự ghen tỵ và cơn thịnh nộ cũng chỉ cách bạn có một suy nghĩ mà thôi. Nếu cứ nghĩ mãi đến số tiền phạt 120 bảng thì chỉ sau năm lần như thế tôi đã bắt đầu cảm thấy như bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương, và thế là tôi đành phải đi uống thuốc và thôi không nghĩ đến nó nữa.
Đến đây, câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta làm được điều này có dễ không? Câu trả lời ngắn gọn nhất là “Có”. Còn câu trả lời dài hơn một chút sẽ được tôi viết tiếp bên dưới đây.
Bây giờ hoặc không bao giờ
Sự thật đáng lưu tâm
“Bạn không thể thở lại hơi thở cách đây 5 phút, cũng không thể thở trước hơi thở sau đây 5 phút.
Bạn chỉ có thể thở hơi thở của hiện tại mà thôi.”
- Mark Williams và Danny Penman (tác phẩm Mindfulness: A Practical Guide to Finding Peace in a Frantic World, NXB Piatkus - 2011)
Chắc Syd Banks không thể biết rằng những suy nghĩ của mình lại rất đồng điệu với Eckhart Tolle. Nếu bạn say sưa với quyển Sức mạnh của hiện tại: Lời chỉ dẫn đến tinh thần khai sáng (The Power of Now: A Guide to Spiritual Enlightenment - NXB Yellow Kite, 2001), thì tôi khuyên bạn nên ngó lơ câu dưới đây của tôi vì nó có thể khiến bạn mất hứng thú khi biết trước nội dung cuốn sách: bạn đang đặt hạnh phúc của mình vào khung thời gian sai lệch.
Theo Tolle, tất cả những gì bạn có chính là “hiện tại”. Thực tế, cuộc sống chỉ là một chuỗi “hiện tại” không hơn không kém. Có thể chúng ta chú trọng quá nhiều đến “quá khứ” hoặc “tương lai”, nhưng theo Tolle thì chẳng hề có “quá khứ” cũng như “tương lai”. Tất cả những gì bạn từng trải qua thực chất lại đang được trải nghiệm thông qua lăng kính của hiện tại. Do vậy tất cả những gì tuyệt vời mà bạn đã làm trong quá khứ chỉ có thể được nhớ lại qua chính bạn của hiện tại. Cũng như tương lai chỉ là hình ảnh được chính bạn của hiện tại tưởng tượng. Quá khứ và tương lai thật ra chỉ tồn tại trong giây phút suy nghĩ này của hiện tại mà thôi. Ngoài ra chúng không hề tồn tại ở đâu khác.
Hãy cố tiêu hóa điều đó!
Nếu tìm hiểu sâu hơn, bạn sẽ thấy rằng để “sống” lại quá khứ đau buồn mà bạn từng chịu đựng, bạn phải gợi nhớ lại mọi thứ đó trong chính hiện tại này và tạo ra cho bản thân những cảm xúc tiêu cực. Như vậy, những cảm xúc tiêu cực của bạn không hề được lưu trữ ở đâu cả. Trong bạn không hề tồn tại một cái giếng không đáy để chứa đựng nỗi buồn hay niềm vui, để khi cần bạn có thể chạm đến. Bạn chỉ có thể chạm đến chúng thông qua suy nghĩ mà thôi. Chẳng hạn, chỉ với một ý nghĩ “phải rồi, ông chồng đã lừa mình vào năm 1983, đúng là gã khốn!” cũng đủ khiến trong bạn tuôn trào những cơn oán hận, thịnh nộ ngay lập tức. Trong khi sự việc ấy đã diễn ra vào năm 1983 và chỉ cần một ý nghĩ cũng đủ kéo bạn ngược lại về quãng thời gian đó, và tất nhiên chỉ thông qua hiện tại mà thôi.
Suy ngẫm từ "Các con trai của tôi"
Tuy từng dành mười năm cho việc nghiên cứu và đã đạt bằng cấp Tiến sĩ, tôi vẫn thấy mình không phải thuộc tuýp người thông minh cho lắm. Những gì tôi đạt được phần lớn nhờ sự chăm chỉ làm việc, hy sinh thời gian dành cho gia đình và toàn tâm cống hiến cả bản thân cho sự nghiệp. Bởi thế mà tôi ngờ rằng có thể vì lẽ đó mà tôi rất ngưỡng mộ Syd Banks, một người thậm chí chẳng hề phải giả vờ để tỏ vẻ thông minh.
Tôi muốn giới thiệu cùng bạn một người thông minh, đó là Jakob von Uexküll68, một nhà khoa học người Đức. Ở người này hội tụ ba yếu tố chứng tỏ được sự thông minh của anh ta: thứ nhất, anh ta là người Đức, thứ hai anh ta là một nhà khoa học, và thứ ba anh ta có một cái tên nghe rất khờ khạo. Uexkull có nghĩa là một phần của thế giới mà chúng ta nhìn thấy và nhận thức được, còn gọi là Umwelt (vốn là một từ Đức đơn giản mang nghĩa “môi trường”). Thực chất, đó chính là thế giới của bạn, những gì bạn có thể thấy, nghe, chạm, nếm và ngửi. Mỗi loài sinh vật đều có một Umwelt của riêng mình, hay nói cách khác, Umwelt chính là thế giới sinh sống của sinh vật, mà ngoài đó còn là cả một vũ trụ mà nó chẳng bao giờ quan tâm hay biết đến. Ví dụ, tôi có hai con heo kiểng (mà tôi trìu mến gọi là “các con trai của tôi”) chỉ biết sống trong thế giới loài heo của chúng. Chúng tham ăn đến nỗi lúc nào mõm cũng chúi xuống đất, đôi mắt nhỏ tròn xoe luôn nhắm tịt, lùng sục những trái táo rụng. Chúng là những con vật thông minh, nhưng thiết nghĩ chẳng bao giờ chúng biết đến chỉ số chứng khoán FTSE 100 hay hiểu rằng ngôi chợ Sainsbury chỉ cách đó có một dặm. Cả hai chú heo đều chấp nhận Umwelt của mình và dừng lại ở đó. Chúng chấp nhận thực tế một cách không thắc mắc như vốn dĩ thế giới xung quanh là thế. Bạn cũng thế! Hy vọng rằng Umwelt của bạn lớn hơn của “các con trai của tôi”. Ít ra thì bạn cũng biết là trong thành phố có chợ Sainsbury hoặc nếu không thì cũng google được địa chỉ của chợ.
Và đây mới là phần thú vị. Bên ngoài thế giới ý thức của bạn là cái mà Uexküll gọi là Umgebung. Umgebung không chỉ là một thế giới khó tin, nó còn là một ý tưởng siêu việt. Đó chính là thế giới của những ý nghĩ và trải nghiệm nằm ngoài sự hiểu biết của bạn, một thế giới hoàn toàn vượt xa Umweltcủa bạn. Donald Rumsfeld đã mô tả thế giới Umwelt như sau: “Có những thứ chúng ta biết mình biết. Có những thứ chúng ta biết mình không biết. Và cũng có những thứ chúng ta không biết là mình không hề biết”.
Nghiên cứu của tôi cho thấy có hai yếu tố lớn cần xem xét đến. Thứ nhất là để có được một tư duy tích cực, phần lớn đều do sự lựa chọn của bạn. Thứ hai là, sự lựa chọn đó đòi hỏi ở bạn rất nhiều nỗ lực. Thế thì, chúng ta phải nỗ lực mới có thể sống tích cực, nhưng cũng chính vì cần phải có sự cố gắng nên phần đông chúng ta rơi vào con đường mặc định, nghĩa là cứ thế mà sống hết ngày này qua ngày khác trong sự càu nhàu, cằn nhằn và luôn phản ứng với các mối nguy hiểm, và rồi cũng chính vì vậy mà những suy nghĩ tiêu cực cứ thế trỗi dậy trong ta.
Nếu xét đến lối suy nghĩ “từ tâm trí ra ngoại cảnh”, chúng ta sẽ thấy là yếu tố “lựa chọn” vẫn tồn tại mạnh mẽ, nhưng yếu tố “nỗ lực” thì không còn nữa. Do đó, chúng ta sẽ cảm thấy khá nhẹ nhõm khi không phải cố cải thiện bản thân hay cố làm tốt hơn nữa. Một khi đã nhận ra mình chính là người sáng tạo ra các suy nghĩ của bản thân, mọi thứ sẽ tựa như khi bạn thắp lên một ngọn đèn báo và thế là ngọn lửa cảm hứng trong bạn bùng cháy, rồi bạn sẽ thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn. Điều này diễn ra ngay lập tức và không cần bạn phải nỗ lực gì cả. Như vậy, khả năng “vụt sáng” của chúng ta luôn tồn tại sẵn có. Tất cả chúng ta đều có trong mình một ngọn đèn báo nhưng không phải ngọn lửa cảm hứng của ai cũng cháy hết công suất.
Tất cả những điều này nghe thật kỳ quặc, chí ít là với bản thân tôi. Và mặc cho những gì đã biết, cả về mặt học thuật lẫn phi học thuật, và mặc cho tính giản đơn hiển nhiên của vấn đề, tôi vẫn cảm thấy khó nắm bắt ý tưởng này. Tại sao một điều hết sức đơn giản lại khó khăn đến thế? Tôi bỗng nhận ra rằng từ xa xưa, “đơn giản” hoàn toàn không đồng nghĩa với “dễ dàng”. Tại sao thỉnh thoảng tôi lại có thể quên mất kiến thức này nhỉ? Tại sao trước nay tôi lại không biết điều này? Tại sao nhà trường không dạy tôi và tại sao tôi cứ hay quên mất nó? Liệu tôi có đang làm gì sai không?
Một khi đã hiểu rằng chính suy nghĩ tạo ra cuộc sống của mình, chúng ta sẽ bắt đầu phân tích suy nghĩ của bản thân, thách đố nó và tìm cách hoán đổi những suy nghĩ tiêu cực bằng các suy nghĩ tích cực. Tôi cũng cảm thấy chút lạ lùng khi theo ý tưởng của Syd, chỉ suy nghĩ không đã đủ rồi. Đó cũng chính là nơi cư ngụ của sự thuần khiết! Nhưng điều đó cũng dễ khiến chúng ta sa vào hố lầy của việc phải tìm ra chúng ta suy nghĩ gì và tại sao. Theo phương pháp “từ tâm trí ra ngoại cảnh”, nếu bạn cảm thấy giận dữ thì bạn hoàn toàn hiểu rằng đó là do suy nghĩ của bạn mà ra. Bản thân sự nhận biết đó thiên về việc làm sáng tỏ mọi việc hơn là gạt bỏ cảm xúc của bạn.
Câu hỏi lớn nhất của tôi là, liệu chúng ta có nên tìm kiếm suy nghĩ của bản thân và dịch chuyển nó về hướng tích cực hay không, và khi nào thì ta nên làm như thế? Bản thân tôi cảm thấy đây là một việc làm hữu ích và có giá trị. Đó là cách mọi người vẫn thực hiện trong các buổi trò chuyện trị liệu. Theo Syd, chúng ta không cần phải làm gì cả mà chỉ cần để cho các ý nghĩ lành mạnh, tích cực trỗi dậy và như chính bản chất mà chúng ta được sinh ra.
Tôi đã dành khá nhiều bút mực khi nói về Syd, tiếp theo tôi muốn nói về Richard Wilkin với ý tưởng về Broadband Consciousness (BC), cũng đạt được một cột mốc xa không kém. Ông khá giống với Syd ở chỗ những gì ông nói không dựa trên nền tảng giấy mực học thuật, bởi nó vốn dĩ không cần phải thế, mà chỉ là dựa trên công việc. Khác với Syd, Richard có một niềm vui hiếm hoi được tồn tại, nói đúng hơn là được sống hết khả năng của bản thân.
Góc suy ngẫm
“Thất bại lớn nhất của bạn không phải là không biết phải làm gì, mà là ở chỗ dẫu biết chính xác phải làm gì nhưng bạn vẫn không hề động đậy.”
- Richard Wilkins
Thế thì BC là gì và nó ăn khớp với phương pháp suy nghĩ “từ tâm trí ra ngoại cảnh” như thế nào? Theo Richard, mỗi người chúng ta đều sẵn có trong đầu một kịch bản bình luận và nhận xét mà chúng ta vẫn quen gọi là suy nghĩ. Kịch bản đó được tích lũy từ những trải nghiệm trong cuộc sống của bạn và bạn đắm chìm theo đó, nghĩ đó là mình và tin vào những gì mà nó mách bảo bạn. Ví dụ, mới đây tôi gặp một cậu bé mười lăm tuổi suýt chút nữa thì bị đuổi học. Kịch bản, hay suy nghĩ sẵn có trong đầu của cậu là lớn lên trong một gia đình đổ vỡ, cậu thích hợp với các băng nhóm, không cần đến sách vở, lêu lổng và coi thầy cô giáo không ra gì. Đó là những gì mà kịch bản đó mô tả cho cậu và cậu trở thành một diễn viên thể hiện đúng các tính cách đó.
Khái niệm BC của Richard cho rằng chúng ta không thể thay đổi kịch bản đó, bởi nó đã được viết ra và bạn không thể viết lại một kịch bản khác cho mình. Tuy nhiên, điều mà bạn có thể làm là hiểu rằng đó chỉ là một kịch bản. Đó chính là Umwelt của bạn. Một khi đã hiểu biết được như vậy, bạn sẽ có thể bước ra khỏi kịch bản đó. Trong trường hợp của cậu bé mười lăm tuổi nói trên, cậu ta có thể cứ tiếp tục làm theo những gì kịch bản mách bảo hay tự thoát khỏi nó, tất cả tùy ở cậu ấy. Khi và chỉ khi nhận biết được đó chỉ là một kịch bản, bạn mới có thể tự mở ra cho mình nhiều lựa chọn.
Dĩ nhiên, cố để không làm gì cả cũng có nghĩa là bạn đang làm một điều gì đó, vì thế nếu không cẩn thận có thể bạn sẽ bị mắc kẹt giữa loại nghịch lý này. Tôi đã sống 40 năm đầu cuộc đời của mình theo một kịch bản như thế. Sau đó tôi chợt nhận ra một điều rằng nếu chỉ chờ đợi ai đó khơi gợi cho mình niềm cảm hứng, tôi sẽ phải chờ đợi mỏi mòn cho đến chết. Do vậy, tôi thấy tốt hơn cả là mình nên tập trung vào một người duy nhất mà tôi có thể tác động hay thay đổi, đó chính là bản thân mình! Thế là trong đầu tôi bắt đầu diễn ra một cuộc cách mạng. Cách duy nhất có thể truyền dẫn các nguyên tắc cho mọi người mà tôi biết, chính là xây dựng chúng trong bản thân mình trước tiên.
Tôi biết nói thế này có thể nghe khá ngây thơ và đơn giản, thậm chí có vẻ bất lực, nhưng quả thật, tôi không thể khiến ai suy nghĩ tích cực hay hạnh phúc được. Thế nhưng khi biết chấp nhận và thực hiện theo nguyên tắc này lên chính mình, ít ra tôi sẽ tác động được đến một vài thứ, và hơn nữa, còn có thể giúp khơi dậy sự tò mò ở người khác.
Thế nên tôi không còn cố “biến đổi” mọi người, tìm cách khiến cho họ hạnh phúc nữa, mà thay vào đó tôi sẽ chia sẻ cùng họ. Và sự “chia sẻ” tốt nhất chính là sống với tất cả lòng biết ơn và xem cuộc đời này là một món quà tặng. Khi tôi thay đổi, xung quanh tôi bắt đầu xuất hiện những điều kỳ diệu. Các mối quan hệ của tôi thêm vững chắc, giao tiếp của tôi với mọi người cũng tốt hơn. Quả thật điều này khiến tôi cảm thấy mình như được “sinh ra lần nữa” vậy.
Theo ý kiến riêng của tôi, Richard Wilkins và Syd Banks lẽ ra nên được phong tước hiệp sĩ vì những gì họ đã cống hiến cho loài người.
Tất cả tùy thuộc vào bạn
Bạn đã sẵn sàng để bắt tay vào thực hiện lối suy nghĩ cách mạng mà tôi vừa trình bày chưa?
Sự tỉnh thức và cách suy nghĩ “từ trong đầu ra ngoại cảnh” cho chúng ta thấy rằng ý thức là một dòng sông ý nghĩ không ngừng tuôn chảy và chúng ta phải biết rằng suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, và ta nên biết chờ đợi để đón bắt những suy nghĩ tốt đẹp sắp đến.
Sự khôn ngoan vĩnh hằng
“Chúng ta tạo hình đất sét thành một chiếc bình, nhưng chính khoảng trống bên trong cái bình mới giúp ta chứa đựng những gì mình muốn.”
- Lão Tử
Câu đố hóc búa nhất đến từ sự thấu suốt rằng việc chúng ta nghĩ gì sẽ ít quan trọng hơn nhiều so với sự thật là chúng ta đã và đang suy nghĩ. Bạn phải suy ngẫm điều này vài lần trước khi có thể thấu hiểu nó. Điều quan trọng khám phá được ở đây là suy nghĩ luôn tuôn chảy trong đầu chúng ta và bạn hoàn toàn có quyền chọn lấy cái mình ưa thích để lưu tâm đến.
Dĩ nhiên sẽ có một số ý nghĩ không ngừng la ó trong đầu bạn, muốn được chú ý trước tiên và đôi khi không dễ dàng chút nào để chúng tự biến mất. Ví dụ, “thật là bất công khi cách đây 5 năm mình bị sa thải vì dư thừa nhân lực. Đó là do lỗi của bà quản lý. Thật là một mụ đàn bà đáng ghét!”. Chỉ cần để mình bị cuốn theo suy nghĩ đó, bạn sẽ không kịp nhận ra mình đang sa lầy vào những cảm xúc của 5 năm về trước. Bạn không cần thiết phải như vậy, tất cả những gì bạn cần là cho phép các suy nghĩ lành mạnh hơn trỗi dậy.
Chọn cho mình cách suy nghĩ tích cực không chỉ có nghĩa là bạn suy nghĩ một cách tích cực, mà còn hơn thế. Điều đó còn có nghĩa là bạn đi đến ngọn nguồn của dòng sông nhận thức. Nhận thức chính là điểm cuối cùng của dòng chảy suy nghĩ, dòng chảy của chính bạn. Và nếu còn càng nhiều những ý nghĩ tích cực chảy trôi trên đó, thì bạn càng thảnh thơi trong việc lựa chọn cho riêng mình những ý nghĩ lành mạnh.
Tôi đã dành mười năm để tìm hiểu về các nghiên cứu chứng minh rằng các ý niệm của Syd Banks và Richard Wilkins là những điểm sáng. Công việc này cũng đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn như thể chúng ta phải chờ đợi để nắm bắt những suy nghĩ lành mạnh.