Nguyên tắc làm cha mẹ
“Nguyên tắc phổ thông nhất dành cho các bậc cha mẹ là con cái sẽ chẳng bao giờ làm điều bạn bảo, nhưng chúng sẽ làm những gì bạn làm.”
Bạn có là cái rốn của vũ trụ?
Nhiều năm trước, tôi rời bỏ công việc và “khăn gói lên đường” dành một năm du lịch khắp nơi trên thế giới. Mặt tốt của chuyến đi đó là đã giúp tôi tìm thấy chính mình, còn mặt trái của nó là tôi biết thế nào là bệnh kiết lỵ! Sau hành trình bốn tháng ba ngày lang thang ở Đông Nam Á, một sớm nọ tôi hào hứng đặt chân đến nước Úc. Tại đây, tôi đón xe buýt đi vào thành phố, nhận phòng trọ và chúi mũi ngay vào một tô ngũ cốc và sữa tươi. Một chập sau tôi mới ngẩng mặt lên quan sát xung quanh. Trên bức tường trước mặt tôi là một tấm bản đồ thế giới, trong đó nước Úc nằm ngay chính giữa. Thật hay, do sự xê dịch vị trí mà nước Anh giờ bị đẩy lên góc trái phía trên, trong khi nước Mỹ lại nằm ở góc phải phía trên. Tôi cứ ngắm nghía tấm bản đồ đó một hồi lâu mà không hề biết rằng ba mươi năm sau, mình sẽ viết về điều này.
Giữa thời đại internet bùng nổ, Google Maps đã trở thành một ứng dụng phổ biến trên các loại điện thoại thông minh. Khi cần thiết, bạn chỉ cần mở ứng dụng này, truy cập vệ tinh là sẽ biết ngày mình đang ở đâu. Khi đó, nơi bạn đang đứng sẽ xuất hiện một chấm màu xanh biển. Chỉ cần chấm vào nơi mình muốn đến, Google sẽ vẽ ra một tuyến đường phù hợp cho bạn. Và cho dù là đang đi bộ hay lái xe, bạn chỉ cần đi theo hình vẽ và chấm xanh đó cũng sẽ di chuyển theo.
Trong cuộc sống, chấm màu xanh biển đó chính là cách bạn sống cuộc đời mình. Nói một cách khác, thông thường, theo lẽ tự nhiên chúng ta sẽ tập trung sự chú ý vào bản thân. Dĩ nhiên không phải vì thế mà ta bỏ quên việc quan sát thế giới xung quanh, chỉ có điều thế giới ấy được diễn giải và xử lý qua lăng kính cá nhân của bạn. Trong thực tế, bạn chính là một chiếc máy xử lý thông tin. Bạn chính là trung tâm trong thế giới của mình. Và do cách suy nghĩ đó, bạn cũng cho mình là trung tâm của cả vũ trụ này, mặc dù, dĩ nhiên điều đó không đúng chút nào. Mỗi chúng ta đều là cái chấm xanh của chính mình, là tâm điểm trong thế giới của bản thân. Điều này hàm ý một ý nghĩa trong tất cả các mối quan hệ. Mỗi cá nhân là một chấm xanh với đặc điểm riêng, hình ảnh riêng, các thế mạnh riêng cùng những điều lo lắng bất an luôn diễn ra trong đầu. Càng hiểu nhiều về cái chấm xanh này, bạn càng có cơ hội có được một mối quan hệ tốt đẹp.
Bộ não của chúng ta tự phát triển nhiều nhất trong giai đoạn tuổi thơ. Hai năm đầu đời là giai đoạn bộ não phát triển với tốc độ vũ bão. Chúng ta học nói, học đi và học kiểm soát hệ thống tiêu hóa của mình cùng vô vàn kỹ năng xã hội khác. Tất cả chúng ta đều vất vả khi học lấy những điều này, nhưng rồi mọi thứ đều ổn cả. Cứ mỗi giây trôi qua là bộ não của trẻ nhỏ lại phát triển thêm hai triệu khớp nối thần kinh, và khi lên hai tuổi, não của trẻ đã có được một trăm ngàn tỷ khớp nối thần kinh, gấp đôi số lượng có được ở não người lớn. Rồi khi đứa trẻ lên bảy, bộ não sẽ đạt đến đỉnh cao của sự liên kết các dây thần kinh. Và vì chúng ta không bao giờ có thể sử dụng hết chức năng của số lượng khớp nối thần kinh này, bộ não bắt đầu thôi tạo nên các liên kết thần kinh mới, và bắt đầu xén tỉa các liên kết đã có đi. Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng có đến 50% các khớp nối thần kinh trong bộ não của chúng ta sẽ bị loại bỏ43.
Khi chúng ta bước vào tuổi thanh niên, não bộ lại trải qua một giai đoạn phát triển vượt bậc khác, sau đó dần ổn định vào những năm hai mươi tuổi. Vì vậy sau giai đoạn này, tốt hơn là chúng ta nên tìm cách để phát huy tối đa những gì mình có thay vì tìm cách phát triển lại từ đầu.
Nói một cách cụ thể hơn, những năm tháng đầu đời của bạn đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bộ não của bạn phát triển một số lượng khổng lồ các sợi trục thần kinh, sợi nhánh và các liên kết nơ ron thần kinh. Chính vì thế mà một đứa trẻ lên bảy hầu như có thể làm được mọi điều trên thế gian này. Dần dần sau đó, tùy theo những trải nghiệm của trẻ trong các năm đầu đời mà các khả năng này sẽ dần bị hạn chế. Theo tôi, có hai điểm mà chúng ta cần lưu ý ở đây là:
1. Mặc dù tốc độ phát triển chậm lại, bộ não của chúng ta vẫn không ngừng thay đổi. Nó không ngừng chuyển đổi hình thái và sắp xếp lại các mạch thần kinh.
2. Tiến trình phát triển thành con người hiện tại của bạn không nằm ở sự phát triển các kết nối thần kinh trong não bộ mà chủ yếu ở phần kết nối bị tỉa xén đi.
Hòa khí gia đình
Bạn hẳn đã từng xem qua Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên và Nhà Waltons - hai bộ phim kinh điển nói về đề tài gia đình. Về cơ bản, mỗi tập phim đều hết sức giống nhau. Mô-tuýp chung của hai bộ phim được xây dựng trên nền tảng một gia đình hạnh phúc, sau đó họ gặp sóng gió và các thành viên trong gia đình cùng nâng đỡ, yêu thương nhau để vượt qua. Mặc dù nghèo khó nhưng họ vô cùng hạnh phúc và gắn bó với nhau.
Ngày nay, hầu như bạn khó có thể bắt gặp những bộ phim tương tự như thế nữa, thậm chí nhan nhản trên truyền hình hiện nay là các bộ phim với nội dung hoàn toàn ngược lại. Bạn dễ dàng tìm được trên hầu hết các kênh truyền hình những bộ phim hay chương trình kể về những gia đình tồi tệ nhưng lại thể hiện hết sức khoa trương. Và đã rất lâu rồi kể từ lần cuối cùng tôi được xem một bộ phim truyền hình có cảnh một gia đình quây quần bên bàn ăn, cùng chia sẻ với nhau các bài học đạo đức trong ngày và thưởng thức món bánh bí ngô tự làm ở nhà, lâu đến nỗi tôi cũng không còn nhớ là khi nào nữa.
Tuy nhiên, mặc tình trạng suy thoái chức năng gia đình trong xã hội hiện đại, vẫn có một vài nguyên tắc mà các bậc phụ huynh có thể thu lượm từ ngành khoa học chuyên nghiên cứu về sự cân bằng, lành mạnh của cảm xúc.
Ngày nay, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được đánh giá dựa trên mức độ gần gũi, ấm áp trong khi cách đây không lâu, chúng ta đặt hành vi ngoan ngoãn, đúng mực của trẻ lên vị trí hàng đầu, trên cả cảm xúc. Ngày trước, cha mẹ được khuyên là nên tỏ ra cứng rắn, uy quyền trước mặt con cái. Và đầu thế kỷ hai mươi, người ta vẫn khuyên các bậc phụ huynh không nên chơi đùa với con cái vì như thế sẽ bị “lờn mặt”. Mãi cho đến giữa những năm 1950, các nhà tâm lý học mới bắt đầu ủng hộ việc cha mẹ dùng lối giáo dục ấm áp, gần gũi và vui tươi với con cái44. Bản thân tôi thấy rằng, không khí ấm áp và gắn bó trong gia đình không chỉ là một điều tốt đẹp nên có, mà còn chính là yếu tố cốt lõi trong mối quan hệ gia đình.
Có một điều quan trọng mà chúng ta thường bỏ qua, là mỗi gia đình có cái nhìn riêng hướng về thế giới xung quanh, thông qua lăng kính riêng của họ. Bạn đừng quên rằng, mỗi gia đình chính là cái dấu chấm xanh của riêng họ và họ cũng luôn tập trung vào chính thế giới riêng của mình.
Chúng ta hãy bắt đầu với đối tượng là phụ nữ. Ngược dòng thời gian về thế kỷ thứ mười chín, người phụ nữ vừa chăm sóc, nuôi dưỡng con cái vừa lao động trên các cánh đồng, chẳng khác gì hình ảnh của người phụ nữ toàn diện của thời hiện đại. Và ngày nay, tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tồn tại cảnh người phụ nữ vừa sinh con buổi sáng thì buổi chiều đã phải ra đồng làm việc. Cuộc sống quá tàn nhẫn! Chính sự di cư dân số từ miền quê ra thành thị vào cuối thế kỷ mười chín đã làm thay đổi điều này. Bấy giờ, vai trò của người phụ nữ là tạo ra một gia đình hạnh phúc chứ không còn là lao động quần quật để kiếm miếng ăn, ít ra theo lý thuyết là như thế. Nhiệm vụ của người phụ nữ lúc này là chuẩn bị sẵn cơm ngon áo sạch cho chồng khi anh ta đi làm về, hay đại loại là thế. Và trong Thế chiến Thế giới II, người phụ nữ đã chứng tỏ được điều mà ai cũng biết: họ là những siêu anh hùng.
Khi người đàn ông ra trận, người phụ nữ ở nhà đảm đương mọi công việc sản xuất. Từ vai trò thuần túy nội trợ, họ bước ra nhà máy và chịu trách nhiệm lao động chính. Chính điều này đã tái định nghĩa bản chất của người phụ nữ. Và do vậy, sẽ tương đối khó khăn nếu sau chiến tranh, xã hội lại yêu cầu người phụ nữ tránh sang một bên, trả lại công việc lao động chính cho phái mạnh.
Ngày nay, người ta lại lần nữa không ngừng bàn thảo về đời sống gia đình. Người phụ nữ phải tiếp tục đối diện với cái gọi là “cơn lốc 6 giờ chiều” khi mà sau một ngày dài lao động, họ phải tiếp tục gánh vác một danh sách những công việc gia đình đang đợi45.
Người mẹ còn phải đảm nhận vai trò “cầu nối giao tiếp”, giúp duy trì liên hệ với gia đình lớn hơn và với hàng xóm láng giềng. Và nếu có con thì người mẹ chính là người phải xây dựng quan hệ với các bà mẹ khác. Họ cũng chính là người phải nhớ tên các bạn của con ở trường. Trong gia đình, người mẹ có vai trò rộng lớn, rộng lớn đến mức họ gần như trở nên kiệt sức. Ở đây tồn tại một nghịch lý, đó là người mẹ giữ vai trò tạo nên một gia đình hạnh phúc, nhưng chính sự kiệt quệ vì phải đóng một vai trò quá lớn này lại khiến cô không hề cảm thấy hạnh phúc. Nghĩa là, người kiến tạo hạnh phúc lại không cảm thấy hạnh phúc!46
Có thể khi nói về điều này, có người sẽ nói rằng “ở nhà tôi thì khác”. Quả thật, trong thực tế vẫn có những ông bố siêu việt và hết sức đảm đang, tuy nhiên đa số nam giới vẫn hiếm khi san sẻ công việc với vợ một cách bình đẳng. Cho dù người vợ có đi làm cả ngày ở công sở thì đàn ông vẫn không đảm đương thêm khối lượng việc nhà để giúp vợ. Bên cạnh đó, theo các nghiên cứu cho thấy thì trong một số trường hợp đàn ông làm việc nhà vô cùng tệ hại, khiến người phụ nữ còn phải làm lại từ đầu47.
Góc suy ngẫm
Bạn muốn biết đâu là bằng chứng của việc hoàn thành tốt vai trò làm cha mẹ?
Đó là khi con bạn không hề muốn trở nên nổi tiếng.
- F. Scott Fitzgerald
Tôi đã phân tích vai trò của người mẹ, và giờ là lúc tìm hiểu vai trò của người cha. Theo công thức chung, người đàn ông truyền thống thường thiên về lý trí, ít nói và hiếm khi bị ảnh hưởng bởi tình cảm. Họ có tính gia trưởng rất mạnh và thể hiện rõ điều đó trong gia đình, những câu nói theo kiểu “đợi cha về quyết định” đã cho thấy rõ vai trò này của người đàn ông. Thực ra, chính khả năng “không bộc lộ cảm xúc bằng lời” ngầm cho thấy người đàn ông được sinh ra để chịu trách nhiệm đối với đất nước và gia đình của họ48. Như vậy, hình ảnh người đàn ông ngày trước hoàn toàn không gắn liền với cảm xúc. Đó cũng là cách cư xử mà những người cha, đôi khi là cả người mẹ, đã truyền lại cho những đứa con trai của mình.
Trong thực tế, các quyển sách dành cho phụ huynh vào các thế kỷ 19 và 20 đã phớt lờ hình ảnh người cha49. Những người theo Thanh giáo tin rằng người cha được Chúa giao cho nhiệm vụ củng cố sự vâng lời, với mục tiêu là loại bỏ sự bướng bỉnh ở trẻ nhỏ50.
Kết quả thống kê đáng buồn cho thấy hầu như những ông bố hiện đại chỉ dành ba phút mỗi ngày để trò chuyện với con cái. Không chỉ thế, đáng xấu hổ hơn là ba phút quý báu đó lại rất giới hạn đề tài. Trong khi các bà mẹ thường hỏi han con cái về các mối quan hệ với bạn, gia đình và trường lớp thì các ông bố chỉ biết nói về thể thao hay hỏi gọn lỏn, “Ngày hôm nay của con thế nào?”51.
Các ông bố thường ngồi chễm chệ trên ghế bành, tay khư khư cái điều khiển ti-vi và không ngừng lướt hết kênh này đến kênh khác khiến chị em phụ nữ vô cùng khó chịu. Thông tin cho thấy chỉ 35% các cô con gái cảm thấy được bố đáp ứng tốt các nhu cầu tình cảm của mình, trong khi con số này lên đến 72% khi các em được hỏi về mẹ52.
Chúng ta thường vô thức trút tất cả những gì buồn bực lên người mình yêu thương nhất khi trở về nhà. Tuy nhiên, đây lại là một thói quen hết sức tệ hại vì nếu điều này diễn ra hết ngày này sang ngày khác thì nó sẽ tích tụ lại và ảnh hưởng đến bầu không khí lành mạnh trong gia đình. Các cảm xúc tiêu cực có tác hại tương tự như khi bạn sống chung với một người nghiện thuốc lá. Và nó không chỉ có tính lây lan mà còn tác động lên sắc thái tình cảm của người bên cạnh.
Đến đây, có hai điều mà chúng ta cần đề cập đến. Thứ nhất, sắc thái tình cảm mà bạn đang tác động đến người xung quanh là gì? Bạn đang mang niềm vui về nhà hay đang đầu độc bầu không khí gia đình bằng độc tố cảm xúc? Thứ hai, không phải tất cả các thành viên trong gia đình đều ngang nhau. Đúng là mỗi thành viên sẽ góp phần gia tăng sắc thái tình cảm cho bầu không khí gia đình, nhưng khi giữ vai trò bố mẹ, bạn chính là người tạo ảnh hưởng nhiều nhất. Do vậy, bạn cần phải biết làm thế nào để ảnh hưởng đến mọi người theo chiều hướng tích cực nhất.
Tương tự, dường như trải nghiệm cảm xúc ở trẻ vị thành niên cũng bị ảnh hưởng và định hình bởi các yếu tố văn hóa. Trước khi công nghiệp hóa phát triển trên quy mô rộng lớn, những người trẻ tuổi thường sử dụng thời gian và năng lượng vào các hoạt động gắn bó với gia đình, như làm việc trong cơ sở sản xuất của gia đình, giúp đỡ việc nhà hoặc tập sự ngoài đồng.
Cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra đòi hỏi người cha trong gia đình phải ra ngoài xã hội làm việc và trẻ con cũng cần đến trường để nhận sự giáo dục từ bên ngoài, bên cạnh giáo dục từ gia đình. Những năm tháng vị thành niên của trẻ giờ đây phần lớn diễn ra ở trường, bên cạnh bạn bè cùng trang lứa, do vậy mà trẻ chịu sự ảnh hưởng từ bạn bè ngày một nhiều hơn. Không cần tưởng tượng, đa số chúng ta đều dễ dàng nhận thấy là giờ đây trẻ vị thành niên có xu hướng xa rời khỏi gia đình hơn trước.
Trẻ vị thành niên ngày nay tuy được giải phóng khỏi các trách nhiệm gia đình, nhưng lại sớm phải đảm đương những gánh nặng từ các thay đổi trọng đại trong đời. Cũng trong lúc đó, các em lại phải trải qua sự phát triển dữ dội về mặt thể chất liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố, dẫn đến việc thay đổi cách nhìn và cảm nhận về thế giới xung quanh. Ở độ tuổi này, các em cũng thường phát triển kỹ năng lập luận phê phán và tưởng tượng. Mặc dù điều này cho thấy sự phát triển tâm lý của các em nhưng cũng đồng thời làm gia tăng sự nhạy cảm của các em đối với cuộc sống xung quanh. Chính những kỹ năng này giúp các em lần đầu tiên trong đời nhận biết được bản chất bên dưới bề mặt của các tình huống, cũng như các mối đe dọa tiềm ẩn với yên bình của bản thân. Chúng bắt đầu tưởng tượng ra những gì bạn bè có thể nghĩ về mình và tự ý thức về bản thân nhiều hơn, đôi khi lại co mình vào một thế giới riêng nào đó.
Như vậy, nếu đàn ông đến từ Sao Hỏa và đàn bà đến từ Sao Kim thì trẻ vị thành niên đến từ hành tinh nào? Có phải từ “Sao U Sầu” hay từ hành tinh “Nếu…thì?”.
Theo Willard Andrew Collins, sự khác biệt về quan điểm ở các thành viên trong gia đình sẽ càng trở nên rõ nét hơn bao giờ hết khi đứa trẻ trong gia đình bước vào giai đoạn vị thành niên, giai đoạn mà một lời nhận xét vô tư của cha mẹ có thể được hiểu thành sự tấn công độc địa53. Và thật không công bằng khi những người mẹ trong gia đình lại bị ảnh hưởng đặc biệt bởi những thay đổi về cảm xúc này, nhất là ở các bà mẹ có con gái không chịu hiểu cho mình trong khi họ luôn thấu hiểu con cái54. Bao giờ cũng vậy, mẹ chính là người quan tâm nhất đến bầu không khí gia đình55.
Bản thân tôi nhận thấy sự phức tạp “rối như tơ vò” này là khá thú vị. Còn bây giờ, mời bạn hãy cùng tôi khám phá mười nguyên tắc vàng dành cho các bậc phụ huynh, được ghi nhận từ ngành khoa học chuyên nghiên cứu về các cảm xúc tích cực.
Nguyên tắc số 1: Tỉ lệ 8:1
Nhiệm vụ trọng đại của các bậc cha mẹ trong thời đại ngày nay là phải giúp con mình nuôi dưỡng được cách tư duy trưởng thành, chín chắn. Hành vi cưỡng bách (như trừng phạt hay vạch tội) chỉ tạo cho con trẻ thói quen bám víu vào những gì an toàn cho bản thân. Lâu dần, thói quen suy nghĩ của con bạn sẽ được định hình theo nếp này và chúng chỉ tập trung vào việc làm thế nào để không phạm phải sai lầm. Nhưng nếu bạn biết pha trộn bằng một chút thái độ tích cực và khuyến khích, đứa trẻ sẽ được phát triển tự do, thỏa sức sáng tạo, khám phá và trên tất cả, sẽ xây dựng được tư duy phát triển lành mạnh giúp trẻ bắt đầu khám phá vượt ra khỏi phạm vi quen thuộc của chúng.
Một trong những điều hiệu quả nhất mà các bậc phụ huynh nên áp dụng là tỉ lệ 8:1 giữa cái tích cực và tiêu cực. Điều đó quả thật không dễ chút nào nhưng hãy chú ý đến những điều tốt đẹp nhỏ nhất mà con bạn đạt được và khuyến khích con với thái độ nghiêm túc!
Nguyên tắc số 2: Ngắm con yêu ngủ
Nếu bạn có con nhỏ, hãy suy nghĩ về gợi ý sau của Gretchen Rubin. Mỗi buổi tối của bạn hẳn đều bận rộn với bao nhiêu là việc, nào là chuẩn bị các thứ cho bọn trẻ, từ việc lấy đồ đi học, nào là làm sẵn thức ăn trưa rồi ủi đồng phục. Thay vì vất vả chạy khắp nơi trong nhà, sao bạn không thử dành cho mình phút giây hạnh phúc khi được ngắm con yêu say ngủ? Đó là một ý tưởng hết sức tuyệt vời, vừa giản dị, vừa không tốn kém lại thật sự sống cho giây phút hiện tại.
Nguyên tắc số 3: Khen ngợi tích cực
Theo Shelly Gable, cách chúng ta thể hiện niềm vui đối với một sự kiện nào đó chính là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy sức mạnh của mối quan hệ56. Seligman, người gần như được xem là cha đẻ của ngành tâm lý học tích cực, đồng tình với quan điểm cho rằng cách chúng ta hành xử trong giây phút chiến thắng hay vui vẻ sẽ tạo nên sự khác biệt lớn trong các mối quan hệ: hoặc là sẽ xây dựng chúng tốt hơn, hoặc là sẽ xói mòn chúng. Và có tất cả bốn cách thức phản ứng khi bạn nghe được một tin tốt đẹp nào đó.
Ví dụ trong bữa cơm tối, con bạn thông báo đã được chọn vào danh sách ba ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí lãnh đạo của một vở kịch ở trường. Sau đây là bốn cách phản ứng khác nhau có thể xảy ra:
Hy vọng là bạn không bao giờ phản ứng theo kiểu “Bị động/Không xây dựng”.
Một lần nữa, mục tiêu ở đây là làm thế nào để gia tăng sự phấn khởi của bạn trong khi vẫn giữ được tính thực tế của bản thân. Tôi không có ý khuyên bạn cứ phải bốc lên tận mây mỗi khi nghe những tin vui, nhưng việc gia tăng mức độ phấn khởi sẽ giúp bạn không bỏ lỡ những cơ hội vàng giúp xây dựng thêm các mối quan hệ. Thường thì phản ứng cố hữu của tôi trong những trường hợp như ví dụ trên là “Hay đó! Cha rất tự hào về con!” thuộc ô “xây dựng thụ động”. Rõ ràng tôi nói câu đó một cách chân thành và tôi thật sự cảm thấy tự hào về con mình, tuy nhiên câu này cũng cho thấy sự bận rộn của bản thân tôi, và tôi đang chú tâm đến cái chấm xanh của mình. Trong bốn hình thức phản ứng trên thì hình thức trong ô “xây dựng chủ động” là ưu việt nhất. Suy cho cùng, đây chẳng phải vấn đề cảm xúc hay suy nghĩ cá nhân, mà là làm thế nào để người đối diện cảm thấy vui và được khích lệ.
Họ tự hào và bạn cũng tự hào. Phản ứng tích cực mang tính xây dựng của bạn cho họ thấy bạn đang tự hào về họ. Và trên tất cả, bạn hiểu rằng họ biết rõ bạn rất tự hào về họ. Kết quả là tất cả mọi người đều cảm thấy vui vẻ và họ sẽ muốn lặp lại việc đó.
Hãy đọc đi đọc lại điều tôi vừa viết nhiều lần, cho đến khi nào bạn hoàn toàn thấm nhuần nó!
Nguyên tắc số 4: Khen con trẻ vì chúng đã nỗ lực chứ không phải vì chúng có tài năng
Thông qua tác phẩm của mình, Carol Dweck đã đưa ra nhiều lời khuyên rất hữu ích57. Bà lựa chọn một nhóm học sinh để thực hiện một bài thi gắt gao. Dù kết quả chẳng khác biệt, nhưng bà ngợi khen chúng theo hai cách khác nhau, một nhóm được ngợi khen rằng các em thật thông minh, nhóm còn lại được tuyên dương vì đã hết sức cố gắng.
Sau đó, bà đưa ra một bài thi thật khó mà các em không thể nào làm được. Nhóm đầu tiên (được khen là thông minh) chẳng mấy chốc đã đầu hàng và cho rằng mình không đủ khả năng để giải bài thi, trong khi các em ở nhóm thứ hai (được khen vì đã cố gắng) lại ra sức làm và đạt được kết quả tốt hơn 30% so với các em ở nhóm thứ nhất. Và Dweck đã khuyên rằng nếu con bạn đạt được một thành tích nào đó, đừng nói với cháu rằng “Giỏi lắm! Con đúng là thiên tài nhỏ!” mà hãy bảo rằng “Tuyệt vời, con đã nỗ lực hết sức và nhận được phần thưởng rồi đó!”.
Ví dụ, khi con gái của bạn ghi được bàn thắng trong trận bóng đá, đừng tay bắt mặt mừng với cháu và khen rằng “Giỏi lắm, đúng là thiên tài nhí! Con sinh ra là để chơi bóng đá!” mà hãy xoa đầu trẻ và nói rằng “Thật là một bàn thắng tuyệt vời! Đó là nhờ con đã không ngừng tập luyện chăm chỉ đấy!”.
Hoặc khi con trai bạn đoạt giải thưởng nghệ thuật, đừng nói với cháu rằng “Anh bạn trẻ, con sinh ra để trở thành một Picasso thứ hai!” mà hãy nói, “Đó là phần thưởng sau nhiều giờ chăm chỉ rèn luyện của con đấy!”.
Nguyên tắc số 5: Đừng bao giờ trả công khi con bạn làm việc nhà hay đạt kết quả thi tốt
Theo Dan Pink, bạn đừng bao giờ trả công cho con khi chúng làm việc nhà hoặc đạt kết quả tốt trong các kỳ thi. Theo Dan, điều này sẽ làm thui chột lòng ham thích học tập và thói quen siêng năng của trẻ. Việc “trả công” này chẳng khác nào bạn đang ngầm nói với con rằng, “Mẹ/bố hiểu việc học thật là kinh khủng và mẹ/bố rất quý vì con chỉ học vì tiền”. Và thế là lòng yêu thích học tập của trẻ sẽ tàn lụi. Khi làm như vậy, bạn đang dạy cho trẻ (dù là vô tư hay vô thức) rằng việc học chẳng qua chỉ là một trách nhiệm bắt buộc. Đối với việc nhà cũng không ngoại lệ, trong khi thực tế trẻ phải có trách nhiệm giữ cho phòng của mình ngăn nắp, phải biết rửa chén và đổ rác trong gia đình, thì trẻ lại làm vì tiền. Và việc trả công để trẻ làm những điều này chẳng khác gì bạn đang đút lót trẻ.
Nguyên tắc số 6: Dạy trẻ tiết kiệm chi phí trong nhà
Hãy cho con tiền mặt dằn túi! Vâng tôi biết điều này có thể gây rắc rối, nhưng con của bạn cần học cách sử dụng tiền. Hoặc, khi con bạn lớn hơn một chút, có thể cho chúng xem hóa đơn tiền điện hàng tháng trong nhà, và nói với con rằng nếu tháng sau nhà mình tiết kiệm được đôi chút tiền điện thì con sẽ được giữ số tiền đó. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng trẻ sẽ theo chân bạn khắp nhà để tắt đèn khi không cần thiết!
Nguyên tắc số 7: “Chúc bạn mọi sự tốt đẹp!”
Giáo sư Amit Sood58 có một ý tưởng thoạt nghe cứ như chiến lược chơi bóng đá, đó là phương pháp 5-3-2.
Theo đó, đầu tiên bạn phải nghĩ đến năm người mà bạn biết ơn trong đời. Sau đó, trong ba phút đầu tiên gặp họ, bạn đừng đánh giá hay cố gắng cải thiện họ. Và trong hai giây đầu tiên gặp gỡ bất kỳ ai, hãy gửi đến họ một thông điệp ngầm “Chúc bạn mọi sự tốt đẹp!” theo cách riêng của bạn.
Nguyên tắc số 8: Cái ôm 7 giây
Nguyên tắc này đi kèm với nguyên tắc số 7 nêu trên. Tôi đã nghiên cứu về vấn đề này và thấy rằng thật đáng buồn khi chẳng ai quan tâm đến nó. Thông thường, một cái ôm hôn xã giao chỉ tồn tại trong hai giây mà thôi. Nếu bạn giữ cho cái ôm đó được trọn vẹn bảy giây, cảm giác ấm áp sẽ lan tỏa hai cơ thể và khi đó, tình cảm yêu thương sẽ được truyền sang cho người đối diện. Chỉ nguyên tắc quý báu này thôi cũng đủ đáng giá cho việc bạn mua quyển sách này rồi!
Lời khuyên nhỏ dành cho bạn: Thôi nào, bạn không cần phải đếm to từ 1 đến 7 khi ôm hôn một ai đó!
Nguyên tắc số 9: Trò chuyện nhiều hơn
Một lần, tôi tình cờ nghe được một câu chuyện đáng ngại ở cổng trường. Một người bà âu yếm nói với cô cháu gái đang nằm trong xe nôi, “Ôi, trông cháu thật xinh xắn, đáng yêu trong bộ nón và găng màu hồng!” thì người mẹ đáp, “Mẹ nói với em bé làm chi vậy? Nó có biết đáp lại đâu!”.
Nhiều giáo viên kinh nghiệm cho tôi biết có những em tuy bắt đầu tới tuổi đến trường nhưng thậm chí còn chưa nói được. Ở đây, các em không nói được là vì các em không biết cách phải diễn đạt như thế nào, vì trước đó không ai chịu nói chuyện với các em! Quả là đáng ngạc nhiên phải không nào?
Các báo cáo của chính phủ và văn phòng nghiên cứu cho thấy ngày nay quá nhiều gia đình đã và đang vô tình cản trở sự phát triển của trẻ. Theo Alva Noe, “ngôn ngữ là một hành vi thực hành trao đổi văn hóa mà một người chỉ có thể học được trong chính hệ thống môi trường văn hóa đó”59. Và những gia đình lao động trung lưu thường có khuynh hướng ít trò chuyện, chia sẻ hơn. Trong một nguyên cứu khác, Hart và Risley60 cho thấy ở lứa tuổi lên bốn, những em sinh ra trong gia đình nghèo khó hơn sẽ được nghe ít hơn 32 triệu từ so với các em lớn lên trong gia đình có tri thức. Và cần phải nói thêm rằng, vấn đề ở đây không chỉ là những con số, mà còn thể hiện cả sắc thái tình cảm trong gia đình.
Thế cho nên, mong bạn hãy trò chuyện nhiều và nhiều hơn nữa với con cái của mình, bất cứ khi nào có thể và luôn giữ lấy nguyên tắc 8:1 giữa cái tích cực và cái tiêu cực. Thay vì chỉ hỏi “Bữa nay đi học thế nào con?”, bạn hãy hỏi rằng “Hôm nay ở trường có gì đặc biệt nhất, kể cho mẹ/cha nghe đi nào?” Và hãy nói với thái độ nghiêm túc thật sự chứ không phải hỏi chỉ để hỏi, đồng thời hãy lắng nghe chăm chú những gì trẻ nói với bạn. Bạn sẽ nhận được phần thưởng lớn, đó là những cuộc trò chuyện tích cực ngày càng gia tăng với trẻ.
Nguyên tắc số 10: Ngợi khen sức mạnh
Các bậc phụ huynh thường phải lo toan nhiều thứ khác nhau. Quá nhiều yêu thương và khuyến khích sẽ khiến con bạn có thể tự mãn về khả năng của mình. Tại những vòng đầu của các cuộc thi tài năng dành cho thí sinh nhỏ tuổi, chúng ta dễ dàng thấy rằng trẻ được củng cố tinh thần nhiều đến mức tin tưởng hoàn toàn vào những lời cường điệu của cha mẹ. Thế nhưng quá ít những lời yêu thương và khích lệ lại cho thấy sự nghèo nàn về mặt tình cảm của chúng ta.
Rất nhiều người cứ tự dằn vặt mình vì những điểm yếu của bản thân mà quên mất những thế mạnh vốn có. Lời khuyên của tôi là hãy luôn nhìn vào điểm mạnh của chính mình.
***
Với mười nguyên tắc hàng đầu nêu trên, tôi hy vọng bạn sẽ xây dựng một không khí gia đình đầm ấm và tràn đầy yêu thương. Dĩ nhiên là chúng ta không thể đảm bảo kết quả đó một trăm phần trăm, nhưng ít ra thì bạn cũng phần nào chủ động được trong việc này.
Để tóm tắt lại chương này, một lần nữa tôi lại muốn nhắc đến Kim Cameron. Có thể ông dùng những thuật ngữ to tát như “sự sai lệch tích cực” hay “hiệu ứng hướng dương” nhưng về mặt cốt lõi, hai nguyên tắc sau là hoàn toàn quý báu. Nói một cách đơn giản, thứ nhất, bạn hãy luôn chú tâm vào những mặt mạnh thay vì điểm yếu kém, tích cực thay vì tiêu cực và ủng hộ thay vì phê phán đối với con cái của mình. Và thứ hai, mọi sinh vật sống đều có xu hướng tìm đến cái tốt đẹp, tích cực, như cây hoa hướng dương luôn hướng về phía có ánh sáng. Cũng vậy, trẻ con sẽ luôn tìm đến nơi ủng hộ chúng.