Thưa quý báo, hôm trước tôi đang giúp đứa con gái 16 tuổi của tôi làm bài tập thì mẹ con bé nhắn tin cho con bé. Tin nhắn có nội dung như sau:
Con muốn gì từ cuộc đời?
Tôi và con bé bắt đầu ngồi suy ngẫm về câu hỏi đầy ý nghĩa nhưng hơi bất ngờ này. Thậm chí chúng tôi còn tranh luận kịch liệt nữa. Muốn gì đây? Tiền tài, hạnh phúc, sức khỏe? Hay có lẽ là tình yêu?
Sau năm phút suy ngẫm, con bé nhận được một tin nhắn mới:
Xin lỗi con, máy mẹ lỡ sửa chính tả nhầm. ý mẹ là “Con muốn gì từ tiệm Lidl?’’.
- Một bức thư gửi cho tờ Daily Telegraph
Sống hay tồn tại?
Trong bộ phim Giác quan thứ sáu, nhân vật chú bé bị ma ám đã nói với diễn viên Bruce Willis một câu khiến người xem sởn cả gai ốc: “Cháu nhìn thấy người chết”. Theo tôi thì cái câu đó đáng sợ chính vì sự súc tích của nó. Chú nhóc tội nghiệp ấy đã được trời ban cho siêu năng lực bất hạnh: nhìn thấy ma.
Tôi nghĩ mình cũng sở hữu cái “khả năng thiên phú” đó, chỉ khác là không phải nhìn thấy những người đã chết về mặt thể xác. Nói một cách khác, hàng ngày tôi trông thấy hàng trăm ngàn con người đang sống mà như đã chết rồi, họ chẳng khác gì những cái xác di động, dật dờ. Tim họ vẫn đập, máu họ vẫn chảy, chỉ có điều họ không thật sự đang sống. Họ chen vai nhau trong hệ thống xe điện ngầm của London, mặt người này cắm vào nách người nọ, đắm chìm trong sách và âm thanh từ tai nghe mà quên đi cả cuộc sống thực xung quanh. Hay như ở ngoài phố, họ đi lại đông như mắc cửi vào các giờ cao điểm, chen chúc đến ngạt thở, miệng không ngớt làu bàu về tình trạng kẹt xe mà không hề thấy rằng bản thân mình chính là nguyên nhân của sự việc. Những con người đang sống mà như đã chết ấy cứ thế mộng du đi hết cả cuộc đời, đếm từng ngày cho đến dịp cuối tuần hay kỳ nghỉ kế tiếp. Quả thật, quá nhiều người đang trải qua một cuộc đời nửa sống nửa chết như thế.
Vì vậy, trước khi đi vào vấn đề, hãy nhìn con số thống kê đơn giản này: một đời người trung bình dài khoảng 4.000 tuần. Và nếu bạn nói điều này với các em học sinh, cả trường sẽ nhảy lên và reo hò “Hoan hô, cảm ơn Andy đã nói cho chúng em biết điều đó. Một con số thật ấn tượng, nghe như thể cuộc đời của chúng ta sẽ kéo dài bất tận!”.
Tuy nhiên, nếu trước mặt tôi là một đám đông những người trưởng thành, chắc chắn thay vào những tiếng hò reo sẽ là nhiều tiếng thở dài. Một số sẽ lấy điện thoại ra để tính xem họ còn bao nhiêu tuần ở phía trước. Dĩ nhiên, con số 4.000 đó chỉ là ước tính trung bình, tương đương với khoảng 28.000 ngày. Và điều đáng nói hơn nữa là, rất có thể con số 4.000 đó của bạn đang trôi vụt qua một cách mù mờ.
Ý nghĩ “hết hồn”
“Tổ chức sinh nhật chẳng khác gì đang đếm ngược đến ngày gặp Thần Chết.”
- Gary Delaney
Dạo này Jim Bowen(*) chính là cơn ác mộng thường trực của tôi. Với thế hệ trẻ, ông là người dẫn chương trình trò chơi truyền hình giỏi nhất từ trước tới nay. Tên tuổi ông gắn liền với gameshow Bullseye, một chương trình diễn ra vào chiều Chủ nhật dựa trên trò chơi phóng phi tiêu. Một người dân bình thường ở Wolverhampton cũng có thể giành phần thắng là một chiếc xe hơi, xe tải hoặc thậm chí là cả một chiếc tàu thể thao, nếu may mắn. Trò này thuộc loại thú vị với người xem nhưng nghiệt ngã với người chơi: gần như lần nào người chơi cũng thua. Những thí sinh kém may mắn đó sẽ được nhận từ tay Jim những phần quà an ủi: khi là vài đồng lẻ, khi là món đồ chơi nho nhỏ. Gương mặt nhàu nhĩ của Jim giúp biểu cảm “đơ” một cách chân thành của ông ta càng... chân thành hơn khi giải thưởng đặc biệt xuất hiện sau cánh cửa xoay - chính cái giải thưởng mà người chơi sẽ không nhận được - và ông lên tiếng an ủi họ bằng câu “đâm chọt” nổi tiếng lịch sử truyền hình nước Anh của mình: “Thôi bỏ đi, ta hãy cùng xem giải thưởng đặc biệt mà lẽ ra anh đã có thể đạt được nào”.
(*) Jim Bowen (20-08-1937) là một diễn viên hài, người dẫn chương trình nổi tiếng người Anh. Thêm thông tin tại www.jimbowen.tv
Nhưng cơn ác mộng lặp đi lặp lại của tôi không phải là về cái giải tàu thể thao, mà là về một giải thưởng còn lớn hơn thế. Tôi mơ thấy mình nằm trong bệnh viện, già nua và kiệt quệ với bộ quần áo bệnh viện kẻ sọc xanh trắng cổ điển. Mặt tôi đầy những nếp nhăn. Trên mũi tôi là ống thở, bên hông giường bệnh của tôi lủng lẳng cái túi đựng một thứ nước màu vàng cam. Quả thật, giấc mơ đó chẳng đẹp chút nào và tôi cứ nghĩ ngày cuối cùng của mình đã tới. Tệ hơn nữa, trong giấc mơ đó, tôi còn nhận ra một điều hết sức đáng buồn về bản thân mình: những nếp nhăn trên gương mặt tôi chẳng phải do tôi tươi cười nhiều mà ra. Tôi đã sống một cuộc đời chỉ biết có làm việc, đến cuối tuần hay ngày nghỉ mới dành chút thời gian mà cảm nhận hạnh phúc. Tôi đã bỏ lỡ bao nhiêu vở kịch ở trường, bao nhiêu buổi tối đọc truyện cổ tích với các con. Rồi khi về già, mấy đứa cháu nội cháu ngoại đến chơi làm nhà tôi bừa bộn cả lên thì tôi lại cáu bẳn với chúng. Tôi cau có, ủ dột vào những ngày mưa. Tôi đã dành quá nhiều thời gian cho bạn bè trên Facebook nên không còn thời gian cho các bạn bằng xương bằng thịt của mình. Tôi ít khi thích thú giẫm vào vũng nước mưa hay xây lâu đài cát bên bãi biển. Tôi chưa bao giờ đến Sri Lanka hay cố gắng tìm mua một chiếc vé đi xem hai đội Wales và England thi đấu ở sân vận động Millennium. Cuộc đời tôi là một chuỗi ngày dài của hư không, hiếm hoi mới có một kỳ nghỉ tuyệt vời. Và khi nằm trên giường bệnh, tôi bị xâm chiếm bởi một cảm giác rằng cuộc đời tôi chỉ “ổn” thôi. Lúc đó, gương mặt của Jim Bowen hiện ra to rõ và chân thành cùng câu nói quen thuộc, “Không sao cả, Andy” - ông an ủi - “Sao chúng ta không nhìn vào những cái mà lẽ ra anh đã có được?”.
Tôi nghĩ vấn đề không nằm ở bản thân cái chết. Có thể cái chết có hơi đáng sợ thật, nhất là cái cảm giác “ngừng thở”. Nhưng có lẽ chính nỗi sợ rằng chúng ta đã không sống một cuộc đời đủ vui, đủ sôi nổi mới là nguyên nhân khiến chúng ta đau khổ nhất. Đối với những người đã sống một cuộc đời thật sự ngay thẳng, đúng mực thì phần thưởng dành cho họ dường như hơi bị tẻ nhạt, khi suốt ngày cứ phải ngồi giữa những đám mây trên thiên đường, mà nghe tấu nhạc. Còn nếu như bạn đã sống không tốt rồi thì có lẽ bạn cũng chẳng ngán cái cảnh bị thiêu đốt mãi mãi ở địa ngục. Với những người như vậy, tôi cá là họ đã chơi bời đủ cả rồi, và bạn bè của họ sớm muộn cũng xuống địa ngục chơi với họ. Rồi, vậy là phân loại xong người “tốt” và “xấu”, chỉ còn lại chúng ta mắc kẹt ở giữa. Và bốn ngàn tuần sống một cách tầm thường trên quả đất này quả thật là một quãng thời gian dài phí phạm kinh khủng!
Nhưng mà khoan, tôi muốn viết quyển sách này theo một cách tươi sáng mà? Tôi muốn chia sẻ cùng bạn những điều có thể giúp bạn tái tạo năng lượng sống và cảm thấy hứng khởi hơn trong suy nghĩ. Vậy sao ta phải tập trung vào những suy nghĩ bi thảm, thậm chí là tuyệt vọng như vừa rồi nhỉ? Bạn hãy nhớ: “sống” và “tồn tại” là hai điều hoàn toàn khác biệt. Tồn tại thì chỉ cần tim đập dẫn máu đi nuôi cơ thể, còn sống đòi hỏi phải theo một cách mà tôi gọi là “sống thông thái”, vốn cần đến cả trái tim lẫn bộ óc.
Nếu biết sống thông thái, bạn sẽ thấy mọi thứ xung quanh thật sống động và đa sắc.
Mỗi chúng ta đều từng là một đứa trẻ
Mỗi chúng ta đều từng là một đứa trẻ
Não của bạn thích sự ổn định. Chính vì thế, ta mới hình thành những thói quen. Não thích những khuôn mẫu cố định liên quan đến hành vi, thói quen, tín hiệu, v.v... Do đó, khi cuộc sống bị xáo trộn khỏi lịch trình thường nhật, chúng ta sẽ cảm thấy lo lắng và luôn tìm cách làm sao cho cuộc sống của mình không bao giờ đi chệch khỏi con đường quen thuộc đó. Mỗi ngày, chúng ta lặp đi lặp lại cùng một suy nghĩ và sống cùng một cuộc sống, không thay đổi. Và cứ thế, tuần lại qua tuần, tháng lại qua tháng, cả cuộc đời thấm thoắt trôi qua trong an toàn và tẻ nhạt.
Góc suy ngẫm:
‘‘Chúng ta sử dụng một ngày như thế nào thì sẽ sử dụng một đời như thế đó.’’
- Annie Dillard
Thế còn việc thay đổi tư duy thì sao? Ta sẽ phải “dịch chuyển”! Thay đổi có nghĩa là rời bỏ con đường đi theo “cái đã biết” để bước lên lối đi dẫn đến bờ vực “triển vọng bao la”. Việc thay đổi đòi hỏi bạn có đủ quyết tâm để bước ra mép vực của trí tuệ, và đúng là việc ấy đáng sợ thật, tuy nhiên, nó sẽ cho bạn cơ hội để học hỏi và trưởng thành.
Một phần của nỗi sợ hãi đến từ việc dám khác biệt - với động cơ đúng đắn - chẳng hạn như tích cực hơn, tự tin hơn, lạc quan, vui vẻ và hứng khởi hơn chuẩn mực thông thường. Và muốn khác biệt như thế, bạn cần phải đủ can đảm. Bạn cũng thử nghĩ mà xem, trong những người đã từng thay đổi được thế giới, có ai thành công bằng cách hòa tan mình vào đám đông chưa?
Không phải tôi tự khen ngòi bút của mình đâu, nhưng những kiến thức đúc kết trong quyển sách này quả đã thách thức tất cả những nhận thức vốn có của tôi về những triển vọng của tương lai. Andy của ngày xưa chắc chắn sẽ bĩu môi trước một vài quan điểm trong quyển sách này, nhất là Chương 7 và 8 với lượng triết lý, kiến thức chuyên môn cũng như thường thức hằng ngày nhiều vô tận mà không hiểu sao trước giờ lại chưa tồn tại trong đầu tôi. Dù u mê vậy nhưng khi đó tôi vẫn rất thỏa mãn với cuộc sống của mình; tôi còn thấy ổn trăm phần trăm ấy chứ!
Mà có khi bạn cũng thế. Nhưng nếu giờ đây bạn đã sẵn sàng “bái bai” mảnh đất tạm ổn cằn cỗi để cùng tôi tìm đến rặng núi cao vời vợi của sự tuyệt cú mèo, hết sảy, đẳng cấp quốc tế thì tôi xin hân hạnh dẫn đường cho bạn. Nhưng trước hết, bạn cần cho tôi biết chế độ mặc định của bạn là:
1) “Thụ động chờ đợi”
hay
2) “Hăm hở, chủ động”?
Bản thân tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta vốn sinh ra thuộc típ thứ 2, bởi tôi hiếm thấy có đứa trẻ nào điềm đạm bóc quà xong lại chịu ngồi im một chỗ trong ngày sinh nhật với những món quà xinh đẹp cùng giấy gói nằm chỏng chơ xung quanh. Kiểu gì chúng cũng sẽ gạt đám đồ chơi sang một bên mà vò xé giấy gói, thậm chí còn thử ăn những mớ giấy đẹp đẽ đó. Còn những hộp quà sẽ mau chóng trở thành phi thuyền hay những con tàu cướp biển.
Tôi cũng đoan chắc là chẳng có một đứa trẻ mười một tháng tuổi nào đang tập đi mà khi bị té lại nghĩ rằng, “Thôi mình bỏ cuộc tại đây. Mình không thích hợp với chuyện tập đi”. Tôi nhớ mỗi lần dẫn cô cháu gái bốn tuổi của mình ra công viên chơi là y như rằng con bé sẽ lao vào cả một cuộc phiêu lưu vĩ đại. Bé chạy nhảy khắp nơi, giẫm chân vào các vũng nước và mải miết đuổi theo đàn vịt. Mặt bé đỏ bừng, mắt long lanh, nhìn đâu cũng thấy tò mò háo hức và tràn ngập niềm vui. Có thể đó là nhờ bát ngũ cốc sô-cô-la đầy năng lượng mà bé vừa ăn lúc sáng, nhưng biết đâu niềm hứng khởi nội tâm đã mang lại cho bé niềm vui bất tận đó? Và sẽ thế nào nếu người lớn chúng ta cũng có khả năng chạm đến niềm hứng khởi ấy - khả năng kết hợp bát ngũ cốc sô-cô-la giòn rụm bên trong bạn với vầng hào quang bao trùm cơ thể bên ngoài, như cái cậu nhóc trong đoạn quảng cáo của Ready Brek ấy.
Thế nhưng, có những lúc chúng ta bỗng trở nên trơ ì, chẳng thiết tha với điều gì nữa. Chúng ta cảm thấy thật tẻ nhạt, thậm chí có cảm giác bị lạc lối, và chúng ta dần hóa thành thứ ngũ cốc đã ngâm trong sữa quá lâu, không còn giòn rụm, ngon lành gì sất. Cuộc sống đó cũng không đến nỗi quá kinh khủng, chỉ có điều nó không còn hứng khởi như trước. Các nhà khoa học gọi đó là “hiện tượng lờn thuốc”, và sự xói mòn đam mê đó diễn ra từ từ đến nỗi bạn khó lòng nhận ra. Nguyên nhân là do công việc của bạn chẳng có gì hấp dẫn, người bạn đời của bạn cũng không mấy hấp dẫn, các chương trình ti-vi cũng quá tẻ nhạt. Và vì cứ nghĩ rằng mọi thứ là do tác động bên ngoài nên chúng ta chỉ tập trung thay đổi những yếu tố bên ngoài: công việc mới, người yêu mới, tài khoản xem phim trực tuyến mới thay cho ti-vi, rồi ta yên tâm nghĩ rằng “chắc được rồi đấy nhỉ?”.
David Hare gọi đó là động thái “sơn lại món đồ đã gỉ sét”1, tức là chúng ta chỉ tìm cách che đậy đi gỉ sét bên trong bằng lớp sơn mới bên ngoài. Dĩ nhiên đó là giải pháp tạm thời mà thôi.
Nhưng còn cái chế độ mặc định “hăm hở, chủ động” của chúng ta thì sao? Từ khi nào bạn bắt đầu cho rằng việc chạy nhảy và giẫm vào các vũng nước ở công viên là điều không nên làm, bạn nhớ không? Lần cuối bạn lấy hết chăn nệm trong nhà làm thành một cái hang ấm cúng giữa phòng khách là khi nào? Hay đâu là lần cuối cùng bạn ra công viên đuổi theo bầy vịt và hồn nhiên đùa vui?
Mặc định của nhà sản xuất
Loài người là loài phức tạp, và tôi trân trọng điều đó. Nhưng bạn có để ý thấy khi cần, kể cả các thiết bị công nghệ tinh vi nhất vẫn có nút tái khởi động giúp ta quay ngược về trạng thái mặc định ban đầu? Nếu con người cũng có khả năng tương tự thì sao? Rất có thể chúng ta được sinh ra với các đặc tính vui nhộn, hứng khởi và tràn đầy năng lượng, nhưng rồi vì lý do gì đó, chúng ta dần quên mất những điều này trong cuộc sống thường nhật. Thế nhưng, nếu vấn đề chỉ có thế thì chúng ta cần gì phải cải thiện bản thân? Chỉ cần “măm” một thìa úm ba la nhớ lại là được rồi chứ?
Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều công ty và đơn vị đã áp dụng đủ loại phương pháp điều chỉnh văn hóa, cấu trúc của những cá nhân, đội nhóm mà vẫn không hiệu quả. Trường hợp tệ nhất là hành vi của họ chẳng có gì thay đổi, còn tốt nhất là trạng thái tích cực cũng có đến nhưng chỉ là tạm thời, rồi mọi thứ lại quay về trạng thái như cũ, hiệu quả tương đương những quyển sách học làm người. Nếu những quyển sách đó công hiệu thì có lẽ tất cả chúng ta đều đã trở thành những tỉ phú có thân hình cân đối với làn da rám nắng khỏe mạnh, chỉ cần ngồi trên bến du thuyền ở Monaco mà điều hành cả đế chế doanh nghiệp. Tuy vậy, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta LÚC NÀO cũng bị rơi trở lại vị trí như cũ cả.
Vì thế, cách duy nhất để thật sự tạo ra sự thay đổi dài lâu chính là trực tiếp thay đổi cái trạng thái như cũ đó.
Trước khi đi tiếp, tôi muốn hỏi bạn vài điều. Nếu tồn tại nút tái lập đó, liệu bạn có nhấn nó không? Hay cụ thể hơn, bạn có đủ can đảm để làm điều đó hay không?
Ngẫm nghĩ thú vị
“Tất cả chúng ta đều thất bại... hay ít ra thì những người giỏi nhất trong số chúng ta đã từng thất bại.”
- J. M. Barrie
Bạn sẽ được gì từ quyển sách này?
Có lẽ, đến đây tôi cũng nên giới thiệu đôi chút về bản thân mình với bạn đọc. Tôi là Andy, sống ở thành phố Derby thuộc Middle England. Tôi kiếm sống bằng ba nghề nghiệp hoàn toàn khác nhau: tác giả sách thiếu nhi, huấn luyện viên và chuyên viên nghiên cứu. Nói chuyện thiếu nhi trước nhé: tôi rất tự hào về tập sách Spy Dog gồm 20 quyển dành cho trẻ nhỏ từ bảy đến mười tuổi của mình. Tôi đích thị là một đứa trẻ to xác đấy nhé.
Nhưng đồng thời, với một văn phong hoàn toàn đối lập với những quyển sách thiếu nhi kia, tôi cũng đã dành thời gian mười năm qua để nghiên cứu khoa học về hạnh phúc và lấy bằng tiến sĩ của một trong những trường đại học đỉnh nhất của Anh Quốc (ít ra thì đó là những gì họ tự nhận trong ấn phẩm quảng cáo của nhà trường). Những kiến thức tôi học được chẳng có mấy phần vui tươi, ngược lại, những phần nghiêm túc khô khan thì chất cả núi. Nhưng tôi đã kết hợp được những kiến thức hàn lâm đó với nguồn năng lượng “trẻ con” của mình trong quyển sách bạn đang đọc đây (ít nhất thì mục tiêu của tôi là vậy).
Tôi rất mê những tác phẩm dành cho thiếu nhi vì văn phong cho trẻ em phải hết sức giản dị, đầy tính phiêu lưu, hào hứng và vui tươi. Trẻ em không thể chịu được giọng văn lờ đờ, chậm chạp nên ngay từ trang đầu, một tác phẩm thiếu nhi đã phải toát lên tính hành động và đầy ắp tiếng cười. Trong khi đó, tác phẩm nghiên cứu thì hoàn toàn ngược lại. Tôi viết mà có cảm giác như mình đang sử dụng mật mã mà những người bình thường khó lòng giải mã nổi. Nếu như sách trẻ em càng đọc càng tỉnh thì tác phẩm nghiên cứu chẳng khác gì liều thuốc ngủ khô khan đầy ắp thuật ngữ. Tôi mà dám thêm vài câu bông đùa vào sách nghiên cứu thì biết tay cấp trên ngay.
Trong lúc đào xới khối kiến thức nghiên cứu của mình, tôi đã tìm thấy một số viên ngọc quý được ngụy trang khéo léo, và quyển sách này chính là cơ hội để tôi giới thiệu chúng với bạn. Quyển sách này không nhằm chỉ dẫn bạn phải làm điều này hay điều khác, bởi tôi tin rằng một khi đã chọn nó thì bạn hẳn là một người thông thái. (Nhưng mà trong này cũng khá nhiều hình vẽ đáng yêu... Cũng có thể đó mới là cái thu hút bạn...)
“Vấn đề” duy nhất mà tôi gặp phải khi viết quyển sách này là chủ đề trí tuệ cảm xúc “dính” đến rất nhiều chủ đề khác như những cái chân bạch tuộc vậy. Đơn cử có thể kể đến tâm lý học tích cực, ngôn ngữ thần kinh học, phỏng vấn tích cực, kỹ năng lãnh đạo xuất sắc và nhiều nữa. Mục tiêu của tôi là tập hợp và thể hiện sao cho thật đơn giản và dễ hiểu cách tâm trí, cơ thể và tình cảm của bạn hợp tác cùng nhau. Đây đó trong sách, tôi cũng sẽ đính kèm vài đoạn hài hước để bạn được nhẹ nhõm hơn khi đọc, nhưng mục tiêu chính vẫn là thử thách suy nghĩ của bạn - hay nói cụ thể hơn là thách thức bạn suy nghĩ về lối suy nghĩ của bản thân, với một quan điểm có khả năng sản sinh những hiểu biết mới, giúp bản thân bạn sống khác đi.
Thế thì trí tuệ cảm xúc nghĩa là gì? Câu trả lời sẽ tùy vào người bạn hỏi. Nếu bạn hỏi tôi, đây sẽ là câu trả lời:
Andy nói:
“Trí tuệ cảm xúc là khả năng chọn lựa những điều lành mạnh dựa trên việc nhận biết, thấu hiểu và kiểm soát cảm xúc của chính bản thân và của người khác.”
Tôi sẽ bàn chi tiết hơn về điều này ở phần sau, còn bây giờ chúng ta hãy hiểu một cách đơn giản nhất: trí tuệ cảm xúc tức là thấu hiểu con người, mà cụ thể nhất chính là bản thân bạn.
Góc suy ngẫm:
Một người bạn khiến tôi bật cười khi bảo rằng anh ta có một gia đình “hạt nhân”.
‘‘Thế thì hay quá còn gì!”, tôi đáp mà cứ liên tưởng đến hình ảnh một gia đình bao gồm cha mẹ và con cái quây quần bên những bữa ăn ngon lành, thơm tho.
Nào ngờ anh ta bảo, “Không!” và giải thích “hạt nhân” nghĩa là họ thường xuyên cãi vã như chiến tranh, và không khí trong nhà luôn đầy “bụi phóng xạ” hàng thế kỷ không tan hết.
Về mặt nội dung, tôi mong bạn có thể áp dụng tư liệu có trong quyển sách này vào mọi khía cạnh của cuộc sống. Tôi đoán chắc rằng công việc quan trọng đối với bạn, và tôi tin bạn sẽ áp dụng được những gì sẽ đọc từ quyển sách này vào công việc của mình. Thế nhưng với tôi, kết quả to lớn nhất mà tôi nhận được từ quyển sách này lại nằm chính trong khuôn khổ gia đình khi nó giúp tôi trở thành một người chồng, người cha tốt hơn.
Lời thú nhận
Con người tôi là muôn vàn thiếu sót, được vá lại với nhau bằng một mục đích tốt lành.
- Augusten Burroughs
Hãy sống như một siêu anh hùng
Cho tới khoảng giữa thập niên 80, sự tồn tại của những định kiến trong xã hội vẫn còn là chuyện rất hiển nhiên, chỉ đến bây giờ mới bắt đầu cải thiện. Những con búp bê Barbie thời đó vốn có vài câu nói “đinh”, và một trong số đó là “Học Toán khó thiệt đó”. (Nếu bạn là người nói năng không kiêng dè ai thì chắc hẳn bạn thấy được chuyện này tức cười cỡ nào. Tiếc là câu đó đã bị loại khỏi những đợt sản xuất sau rồi.) Mà tôi dám cá là anh bạn trai Ken của Barbie cũng có một câu phiến diện, phân biệt và đóng khung giới tính tương tự, đại khái như: “Bà xã à, anh về rồi đây. Em nấu cơm tối cho anh chưa?”.
Nói về cá nhân tôi, thì đây: là một công dân của thành phố Derby, lớn lên vào những năm 1970, thường thua trong trò chơi British Bulldog(*) và không bao giờ đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Đó, đó là tất cả những đặc điểm của tôi, là hình ảnh của tôi. Đó là tôi. Tôi không thể ngăn bản thân tôi là chính mình được. Và tôi thấy cái trò phân biệt mặc định của Barbie hơi bị tức cười.
(*) Một trò chơi tập thể thịnh hành ở các nước phương Tây trước đây. Một người đứng giữa sân sẽ là Bulldog, những người chơi còn lại đứng ở một phần sân và mục tiêu là tiến tới phần sân bên kia mà không bị Bulldog bắt lấy. Người bị bắt cũng sẽ trở thành Bulldog. Trò chơi kết thúc khi còn lại một người duy nhất chưa trở thành Bulldog.
Bạn là bạn, với những đặc điểm riêng của bạn. Và tôi sẽ không phán xét bạn miễn bạn không phán xét tôi.
Hãy thử tưởng tượng hình ảnh của chính bạn sau vài tuần hay vài ngày nữa, khi bạn đã đọc xong quyển sách này và năng lượng trong bạn tăng vọt, bạn hứng khởi và vui tươi hơn, bạn đã khám phá được trí tuệ cảm xúc của chính mình xem. Đó không phải là một con người khác đâu. Đó vẫn chính là bạn, vì quyển sách này - cũng như các quyển khác của tôi - không nhằm mục đích biến đổi con người bạn thành một siêu anh hùng, mà chỉ nhằm nhắc nhở bạn về những điều giản đơn xưa cũ, giúp bạn có thể tìm lại niềm vui trong cuộc sống. Nói cách khác, quyển sách này muốn nhắc bạn rằng bạn vốn là một siêu anh hùng rồi, và bạn không được tiếp tục giả bộ tầm thường nữa!
Góc suy ngẫm
Thử thách thực thụ chính là không được ngừng cải thiện bản thân ngay cả khi bạn đã là số một.
À không, nhất là khi bạn đã là số một.
- James Kerr
Và trong khi đặt những nguyên tác nền tảng, tôi muốn nói rằng quyển sách này không chứa đựng tính dễ nhớ hay những từ viết tắt (chà, thật ra cũng có một chút, nhưng nó chỉ được đưa vào như một sự giễu nhại) và tôi sẽ nỗ lực tránh xa những học thuyết “truyền thống” và “giả cổ” chán chường. Quan điểm của tôi là thế giới này luôn chuyển động, phát triển nhanh chóng và nếu vật lý đã có được phương pháp trị liệu bằng lượng tử thì suy nghĩ của bạn cũng nên được thay đổi. Cuốn sách này, hơn hết chính là được viết cho “chân-hiện”.
Tôi không có ý định làm cho bạn phải bận rộn hơn mức bạn đang bận rộn bây giờ đâu. Ngay cả khi hiện nay bạn còn cả một danh sách những việc phải làm dài hơn cả mức bạn có thể ôm đồm. Vì vậy, hãy thư thả đọc và tận hưởng tối đa những giá trị mà quyển sách này mang lại cho bạn. Không có việc gì để bạn làm cả đâu, hiểu theo nghĩa thông thường ấy. Thật vậy, giải pháp thông thường nhất cho những điều tồi tệ của riêng bạn chính là hãy làm ít đi.
Chantal Burns đã ví von rằng tâm trí con người giống như một mánh ảo thuật vậy, một khi được giải thích ra rồi thì vô cùng dễ hiểu. Rất có thể cách suy nghĩ hiện tại của bạn được xây dựng trên một mánh ảo thuật của não, và quyển sách này chính là một lời mời bạn vào bên trong hậu trường của sân khấu ảo thuật này.
Phần lớn những quyển sách về phát triển nhân cách đều nói về tâm trí của bạn. Chúng nói rằng chỉ cần bạn thay đổi những thói quen của bản thân theo hướng tích cực hơn, thì cả thế giới mới sẽ mở ra trước mắt bạn. Trong quyển sách này, bạn cũng sẽ tìm thấy một chương kiểu đó: rằng thế giới này là hoàn toàn trung lập, cho đến khi bạn bắt đầu suy ngẫm sâu hơn về nó thì nó sẽ phản ánh lại bất kỳ hướng suy nghĩ nào của bạn. Nếu bạn suy nghĩ tích cực thì cuộc sống của bạn cũng sẽ trở nên phong phú, muôn màu muôn sắc.
Tuy vậy, đó không phải là một quy tắc bất di bất dịch, và quyển sách này vẫn dựa trên thế giới thực tế, nghĩa là có đôi lúc dù bạn suy nghĩ tích cực, tươi sáng thì cuộc sống vẫn xám xịt. Phải, thưa bạn đọc thân mến, cái ổ gà cỡ bự của cuộc sống vẫn đang nằm nhởn nhơ ngoài kia, chờ bạn hụt chân bước vào. Mà sớm muộn gì bạn cũng sẽ bước hụt chân vào cái ổ gà đó thôi. Công ty của bạn có thể chuyển nhà máy ra nước ngoài. Ông nội của bạn sẽ đến lúc gần đất xa trời. Đứa con đang tuổi dậy thì của bạn lại làm cuộc sống của bạn rối tung. Còn đội bóng bạn yêu thích? Phải, họ lại thua cuộc. Việc cố gắng suy nghĩ tích cực có thể làm bạn nhẹ nhõm hơn chút chút, nhưng không làm chúng biến mất.
Tôi hiểu như vậy, nên quyển sách này sẽ hết sức thực tế.
Và cuối cùng, trước khi chúng ta bắt đầu cuộc phiêu lưu vào khu rừng phát triển trí tuệ cảm xúc cá nhân, tôi muốn vinh danh một người hùng trong lĩnh vực này: David Taylor. Quyển The Naked Leader Experience (Bantam, 2004) của anh ấy thực sự đã thay đổi cả cuộc đời tôi. À, nhưng chỉ có một điều tôi không ưng ý ở David, đó là anh ấy cho phép độc giả muốn đọc từ chương nào thì đọc, theo thứ tự nào thì theo. Tôi thì khác, tôi nghĩ khi tác giả sắp xếp quyển sách mình viết ra tức là họ có chủ đích cả. Vì thế, tôi chỉ có một đề nghị nho nhỏ với các bạn là hãy đọc hết quyển sách này theo trình tự mà tôi đã sắp đặt, từ chương 1 đến chương 9 luôn nhé!
Cảm ơn bạn.