Ý nghĩ thú vị
“Cuộc đời là trò chơi duy nhất có mục tiêu là học lấy luật chơi.”
- Khuyết danh
Sống vội
Richard Dawkins(*) đã đưa ra khái niệm meme để chỉ những ý tưởng, phong cách hay hành vi mang tính lan truyền từ người này sang người khác trong cộng đồng văn hóa, chẳng hạn như cái kiểu vớ ống bỗng nhiên thành mốt vào những năm 1980. Có những niềm tin, quan điểm có thể gọi là “siêu meme” nhờ khả năng tự phủ sóng thần kỳ của chúng. Ví dụ, chúng ta có thói quen bắt chước nhau về mặt cân nặng. Nếu bạn sống ở một nơi mà mọi người xung quanh đều to béo, bạn sẽ cảm thấy nếu mình có thừa vài cân thì cũng ổn thôi. Kết quả là bạn sẽ bị cuốn vào những món thức ăn nhanh một cách vô thức. Chỉ cần nhìn dòng người dài ngoằng đang xếp hàng chờ mua thức ăn nhanh, ai nấy đều chọn cỡ lớn nhất, chắc chắn bạn cũng sẽ ra về với món khoai tây chiên cỡ khủng và một ly nước ngọt to đùng trong tay.
(*) Richard Dawkins: nhà sinh vật học tiến hóa người Anh (26-3-1941), thuật ngữ meme được ông nhắc đến lần đầu tiên trong cuốn The Selfish Gene (Gen ích kỷ) xuất bản năm 1970.
Một ví dụ “hết sảy” khác là chứng dị ứng các loại hạt. Mới đây tôi có chuyến bay đến Mỹ, và nghe trên loa phát ra thông báo rằng “Thức ăn nhẹ sẽ không được phục vụ trên chuyến bay này vì có một hành khách dị ứng với các loại hạt”. Thế là đó đây dấy lên những tiếng xì xầm, những cái nhìn ngờ vực cố tìm ra đứa đáng ghét bị dị ứng hạt đó. Hơn ba trăm hành khách của chuyến bay bị tước mất món ăn vặt ngon lành đó chỉ vì có người có thể hít phải chỗ thức ăn ấy và lăn ra chết. Sau vụ đó, tôi bèn nghiên cứu và thấy rằng có đến 3,3 triệu người Mỹ bị dị ứng với các loại hạt. Hàng năm có đến 2.000 ca nhập viện và trong số đó có 150 trường hợp người bệnh qua đời vì dị ứng thực phẩm mà chủ yếu có nguồn gốc từ các loại hạt. Chính vì thế, vị hành khách trên chuyến bay đó có lý do để cẩn thận hơi thái quá.
Nhưng mà khoan - hàng năm ở nước Mỹ cũng có đến 45.000 người chết vì tai nạn xe cộ, mà người ta có cấm ô-tô đâu? Chưa kể còn có tận 13.000 người chết vì súng, nhưng người ta cũng có cấm súng đâu? Bạn cứ thử hình dung tình huống lạ kỳ này, khi mà hàng xóm cạch mặt nhau vì 1 hũ bơ đậu phộng trong khi nhà nào cũng trữ sẵn ít nhất 1 khẩu súng. Quả là chuyện chỉ có thể xảy ra ở nước Mỹ.
Mà nhân tiện nhắc đến món bơ đậu phộng, tôi nghĩ meme cũng là một khái niệm tương tự như món bơ đậu phộng: nó rất dễ được “phết” ra rộng rãi (tuy không phải trên mặt bánh mì). Để tôi cho bạn một ví dụ khác về meme. Theo Adam Smith, nền kinh tế chỉ có thể được thăng hoa khi người tiêu dùng bị tiêm nhiễm thành công cái ý nghĩ rằng “hàng hóa” có thể mang lại hạnh phúc cho họ. Chứ nếu họ biết được sự thật thì nền kinh tế chắc chắn sẽ gặp rắc rối to. Thực tế, việc mọi người chạy đua sắm sửa một cuộc sống đầy đủ chủ yếu là giúp tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội, giúp xã hội ổn định chứ không hẳn là giải pháp duy nhất để kiếm tìm hạnh phúc, nhưng chính vì cái lợi ích kia mà mọi người đã bị “tẩy não” rằng mua sắm đồng nghĩa với hạnh phúc.
Dan Gilbert cho rằng khả năng lên kế hoạch cho tương lai của bộ não con người khiến chúng ta có thể được gọi là “công dân bán thời gian của tương lai”. Khả năng này đi kèm với quan niệm rằng ngày mai sẽ tươi sáng hơn hôm nay, và lối suy nghĩ như thế không chỉ tồn tại trong đầu những người đang khó khăn mà cả những người đang sống sung sướng, đầy đủ. Đó là một meme phủ sóng trên diện siêu siêu rộng, và lối suy nghĩ đó chẳng khác nào một chương trình dự báo thời tiết nói rằng “hôm nay nhiều mây mù” nhưng “ngày mai sẽ có nắng đẹp”. Quan niệm đó được gọi là “ảo tưởng tích cực”. Và mặc dù đây là một ý nghĩ sai lệch (sự thật đáng buồn là “ngày mai tươi sáng” của bạn sẽ rất đúng nghĩa “ngày mai” – nghĩa là nó không bao giờ đến!), song nó vẫn mang một ý nghĩa cách mạng đáng kể.
Những ảo tưởng tích cực khiến chúng ta tin rằng mình có những sức mạnh vượt trội tiềm ẩn, nhờ đó có thể dấn bước đi tiếp trong cuộc sống. Chỉ cần ảo tưởng tích cực là bạn còn tiếp tục dốc sức lăn về phía trước, về cái viễn cảnh tươi đẹp trong tương lai. Ấy, nhưng cái viễn cảnh đó có tồn tại thật không lại là chuyện khác nhé!
Bản thân chủ nghĩa lạc quan đóng một vai trò sinh học thiết yếu: thúc đẩy loài người tái sinh. Nói một cách đơn giản dễ hiểu là đầu óc chúng ta luôn cho rằng mười năm tới mình sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn hiện tại, bởi nếu không nghĩ thế thì ai còn hứng thú gì mà sống tiếp nữa.
Ý nghĩ thú vị
Định nghĩa của “thực tế”: một trạng thái ảo tưởng của tinh thần được tạo ra do trong máu thiếu cồn.
Nào, bây giờ chúng ta hãy trở lại với con số thống kê 4.000 tuần lễ mà tôi đã đề cập ở trên. Dù bây giờ bạn bao nhiêu tuổi thì cũng chẳng còn bao tuần để mà chán chường sống cho qua, cho rồi đâu. Sống thế có ý nghĩa gì? Nhưng lối sống ấy đã ăn sâu vào trong tiềm thức bạn rồi. Từ khi còn bé bạn đã quen thuộc với câu thần chú này, “Thứ Hai là ngày tệ hại, thứ Sáu là ngày tốt nhất”. Và còn nữa, “thứ Tư cũng tàm tạm, vì dẫu sao cũng đã hơn nửa tuần”. Một khi suy nghĩ đó đã cắm rễ trong đầu bạn, bạn sẽ hóa thành cái người ì ạch suốt thứ Hai còn đến thứ Sáu thì nhảy chân sáo - nghe đáng sợ nhỉ? Nhưng còn chưa đáng sợ bằng điều này: thật ra đâu có ai bắt bạn ngồi ngay ngắn và dạy cho bạn rằng thứ Hai là ngày tồi tệ còn thứ Sáu thì thật tuyệt vời? Vậy mà bạn vẫn cứ tin như thế. Đây là một meme xã hội khổng lồ, một “vấn đề rình rập” được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó là một “tư duy tập thể” trên quy mô toàn cầu. Kết quả là bạn bị rơi vào những khuôn khổ. Nếu bạn thử nhảy bật ra khỏi chiều hướng ấy bằng cách nhún nhảy bước vào văn phòng vào sáng thứ Hai, nồng nhiệt nói “cuối tuần cũng đã qua rồi…”, thì có khả năng rất lớn là bạn sẽ không có bất kỳ bè bạn nào, dù là trên Facebook hay bất cứ nơi nào khác.
Cũng như bạn, tôi cũng đang phải đối diện với một meme được toàn xã hội chấp nhận khác: bận rộn. Tony Crabbe đã giải nghĩa hai chữ “bận rộn” như sau: là trạng thái “lúc nào cũng điên cuồng vội vã, luôn cảnh giác và làm trăm công ngàn việc cùng lúc; là lúc nào cũng ở trong tình trạng ‘không ngơi nghỉ’, không ngừng liếc điện thoại, nhảy từ việc này sang việc khác; là sự tung hứng, nhồi nhét và hối hả hầu hết cả ngày; là sự khẩn cấp, chi phối và kiệt quệ”. Khi mới đọc xong đoạn miêu tả đó, tôi đã nghĩ “Ủa, ai tả mình mà trúng phóc vậy?”.
Cũng tại một ông thộn nào đó đã tạo ra một ngày chỉ có 24 giờ, không đủ làm gì hết trơn, nên bây giờ chúng ta mới phải nhồi nhét hết công việc của 48 tiếng vào một ngày cho bõ. Ví dụ dễ hiểu hơn nhé: hãy tưởng tượng tình huống bạn đã “viêm màng túi” rồi mà vẫn muốn đi du lịch, nên sau khi bạn ráng đặt thành công bốn vé cho cả nhà, bạn chỉ còn đủ tiền để được mang một cái va-li thôi. Một cái va-li phải làm sao để chứa hết hành lý của bốn người đây? Thế là đến tận khi taxi sân bay đã đứng chờ sẵn trước cửa nhà, gia đình bốn người của bạn vẫn còn đang cố đóng cái va-li lại. Một người phải ngồi lên nắp va-li, và ba người còn lại thì vất vả đánh vật với mớ đồ đạc cứ chực rớt ra ngoài. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, cũng đầy ứ đến muốn bung cả dây kéo như cái va-li đó.
Triệu chứng bận rộn
“Tôi bận rộn đến mức khi cầm một sợi dây cương trong tay, tôi không rõ là mình vừa tìm được sợi dây hay vừa để lạc mất con ngựa nữa.”
- Mark Schaefer
Chưa kể trong 24 giờ đó, bạn còn phải dành vài giờ để ngủ nữa. Nếu tiếp tục ví cuộc đời bạn với cái va-li đầy ứ ban nãy, thì món đồ rơi lại phía sau thường chính là giấc ngủ của bạn! Thế là bạn đã siêu siêu bận rộn lại còn phải “thồ” thêm cái tính cáu bẳn vì thiếu ngủ.
Tôi không muốn nói nặng quá đâu, nhưng “bận rộn” chính là thủ phạm nội sinh nguy hiểm nhất tiêu diệt hạnh phúc của chúng ta. Cuộc sống của bạn bỗng hóa thành một nhiệm vụ phân bổ thời gian khắt khe. Ngày nay xuất hiện những cụm từ mới như “phụ nữ bận rộn”, “sợ mất mạng” hay “sợ xa lìa smartphone”. Chỉ cần quan sát xung quanh, bạn sẽ thấy ngày càng có nhiều người lúc nào tay cũng khư khư giữ chặt điện thoại thay vì bỏ chúng trong túi hay trong ví, chỉ vì như thế sẽ tiện dụng và nhanh chóng hơn. Thống kê cho thấy 81% người sử dụng luôn cầm điện thoại trên tay khi đi lại và 61% người sử dụng thậm chí không rời điện thoại khi ngủ2. Chúng ta lúc nào cũng không rời chiếc điện thoại, kể cả khi nó nằm im thin thít.
Không chỉ có thế, chúng ta còn cố gắng thư giãn nhanh hơn. Gần đây, tôi mới mua một quyển sách của tác giả Gill Farrer-Halls có nhan đề Thiền định cho người bận rộn (Buddhist Meditations for People on the Go - NXB Godsfield, 2005. Phần châm biếm trong tôi đã nghĩ rằng, “Tuyệt vời! Bởi mình đâu có thời gian để thiền cho đúng mực. Thôi làm nửa vời thế này cũng tốt rồi!”.
Tiếp đến là một vấn đề cá nhân và tế nhị: đời sống tình dục. Tuy mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng tôi cá rằng những lúc bạn có thời gian và năng lượng cho chuyện đó thì bạn cũng sẽ vội vội vàng vàng, thậm chí là vừa làm tình vừa nghĩ đến các món cần đi chợ ngày mai (tôi không bịa đâu, một chị đại biểu hội nghị tôi biết thực sự đã kể với tôi thói quen đó của mình). Những lúc như thế bạn cứ nghĩ mình làm việc hiệu quả, nhưng thật ra lại không hiệu quả chút nào3.
Theo Tony Crabbe, sự bận rộn cũng giống như quả bom hẹn giờ trong nội tâm, phá hủy mọi mối quan hệ của bạn từ bên trong4. Tuy không đến mức kết liễu phũ phàng mọi mối quan hệ của bạn, nhưng rồi nó sẽ lấy đi mọi hương vị của mối quan hệ đó.
Từ thời xưa, đời sống của loài người chúng ta vẫn luôn khan hiếm thứ này thứ nọ, và ngày nay, thứ mà chúng ta khan hiếm nhất chính là thời gian. Cuộc sống vội vã của chúng ta đang vượt quá mức độ bận rộn cho phép. Nhưng ta cần nhớ rằng đối nghịch với bận rộn không phải là chậm chạp, mà chính là sự tập trung thuần khiết vào hiện tại, là suy gẫm, tư lự, và tự hỏi. Tất cả những điều đó không thể nào xảy ra khi bạn sống cuồng vội.
Khi chúng ta lấp đầy kín mọi khoảnh khắc với mọi thứ, kết cục nhận được lại là con số không; trái lại, khi ta bỏ trống chỉ một vài khoảnh khắc thôi, ta sẽ nhận được mọi thứ.
Xin bạn hãy đọc lại câu trên, lần này thật chậm. Nghe nó trúc trắc thế thôi chứ tôi cam đoan với bạn đó không phải là một câu nói vô nghĩa, một khi bạn đã hiểu được nó. Và đây, thêm một điều khó hiểu khác: tôi cho rằng bận rộn quá lại chính là lười biếng. Mỗi ngày bạn làm việc hàng giờ đồng hồ, đến khi về nhà bạn lại tiếp tục xử lý thêm cả đống e-mail; các thiết bị thông minh của bạn thì chật cứng đủ các thể loại giờ hẹn, giờ họp. Nhưng chính sự lặp đi lặp lại không cần tư duy đó thực ra lại dễ hơn việc bạn chủ động dừng chúng lại và nghĩ: “Ủa, có gì đó thiếu thiếu ở đây”.
Robert Holden từng nói thế này, “Nếu bạn cảm thấy đời mình thiếu thiếu điều gì thì điều đó chính là bản thân bạn”5. Đã đến lúc để tìm lại chính bạn.
Định nghĩa hiện đại
Tinderella(*)
(*) Tinderella là một ứng dụng hẹn hò cho phép người dùng lựa chọn đối tượng kết bạn và trò chuyện.
Cô bé tèm lem - một thiếu nữ quyến rũ được tìm thấy thông qua một ứng dụng hẹn hò hết sức tèm lem mang tên Tinder.
Chứng cuồng thông tin
Bạn hẳn đã biết chứng cuồng dâm là gì, nhưng nếu không biết thì tốt nhất là đừng thử tìm nó trên Google nhé. Còn ở đây, tôi xin phép bẻ lái từ “không thỏa mãn được nhu cầu tình dục” sang “không thỏa mãn được nhu cầu thông tin”. Tony Crabbe mô tả sự tuôn tràn thông tin giống như lượng nước phụt ra từ vòi cứu hỏa. Ngày nay, hầu hết chúng ta đều biết đến mặt trái của Facebook. Mạng xã hội này, mỉa mai thay, lại là tác nhân của cả tá vấn đề tâm lý, ví dụ như trầm cảm, suy giảm lòng tự tin và gia tăng sự đố kỵ6.
Một người bạn tôi là hiệu trưởng, nói rằng 90% những vấn đề xảy ra trong trường đều bắt nguồn từ mạng xã hội. Tôi không phải là một chuyên gia, nhưng thiết nghĩ cũng đáng chỉ ra cho mọi người cùng thấy rằng mạng xã hội càng phát triển thì con người càng cảm thấy lẻ loi, cô đơn. Liệu đó có phải chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Một ngàn người bạn trên Facebook mới bằng một người bạn thực tế. Thế này mới mỉa mai nhé: có lần tôi phát hiện một trong những đứa bạn thân của con gái tôi nhốt mình trong nhà và một mình xem liên tục cho bằng hết cả bộ phim truyền hình Những người bạn (Friends).
Tôi từng xem một chương trình ti-vi nói về những kẻ nghiện tích trữ. Những con người đáng thương này suốt đời cứ phải tích trữ không ngừng. Ngôi nhà của họ từ trên xuống dưới bị lèn kín những thứ rác rưởi, đe dọa tính mạng, sức khỏe và cả hạnh phúc của họ. Người ta gọi đó là “sự chết nghẹn bởi vật chất”. Tương tự, biết đâu tâm trí của bạn cũng đang bị “bóp chết” vì mải chạy theo cuộc sống bận rộn như thế. Băng thông ở nhà hoặc ở công ty của bạn có thể cũng rộng rãi thoải mái đấy, nhưng đầu óc bạn thì không.
Xã hội loài người chúng ta, tự cổ chí kim vốn chẳng mấy khi thay đổi, đã thế, mỗi khi thay đổi xảy ra thì lại toàn là những tình huống vĩ đại, có khi còn nguy hiểm. Chính nền tảng đó đã in vào não chúng ta tính e ngại sự mới lạ, mà cái tính cách này lại chẳng có lợi mấy cho ta trong xã hội hiện đại. Ta ghét thay đổi, nhưng thế giới hiện đại ngập tràn sự thay đổi.
Tất cả chúng ta đều bị tác động bởi chủ nghĩa tiêu dùng, dù chúng ta có nhận ra điều đó hay không. Loài người vốn đã luôn không ngừng so sánh bản thân với người khác một cách vô thức rồi, nhưng từ khi có mạng internet với hàng triệu người dùng, chúng ta phải cố gắng để cho “bằng chị bằng em”. Trong thế giới ngày nay, thật khó để quên đi rằng luôn có ai đó, ở đâu đó, đang làm một điều gì đó thú vị hơn cái bạn đang làm. Cay đắng hơn, thông qua mạng xã hội, internet lại trở thành nguồn gốc của sự thiếu tự tin và bất xứng. Tôi có cảm giác như thể chủ nghĩa tiêu thụ đang bành trướng thêm, không chỉ như một dòng chảy ổn định, nó là một đợt thủy triều của những kỳ vọng xã hội và chúng ta cứ bị cuốn theo. Giống như cô con gái tuổi teen của chúng ta, bắt đầu nhịn ăn trong nỗ lực để có được dáng vẻ của những cô người mẫu bơm phun hoàn hảo trên trang quảng cáo.
Thế thì tại sao chúng ta không dừng lại nhỉ?
J. M. Keynes đã chỉ ra rằng vào một thời điểm nào đó, khoảng ngay lúc này, con người sẽ có thể tìm ra cách để có được mọi thứ mình cần. Và từ đó, chúng ta sẽ trở nên thịnh vượng. Tôi rất thích quyển Biết đủ để thoát khỏi thế giới dư thừa của John Naish (Enough: Breaking Free from the World of Excess - NXB Hodder, 2009), trong đó tác giả nói rằng Keynes chỉ mới đúng có một nửa, bởi chúng ta có được mọi thứ, nhưng điều đó hoàn toàn không dẫn tới sự hạnh phúc, thịnh vượng. Sai lầm của Keynes nằm ở chỗ ông không nhận ra rằng trong thế giới hiện đại này, khi đã có cách để tăng “tài sản” của mình lên rồi, chúng ta lại không biết cách ngừng lại.
Công việc của tôi đòi hỏi tôi đi lại nhiều nước trên thế giới, và tại bất cứ đâu trong những nơi tôi đặt chân đến, ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất trong thập kỷ qua cũng chính làcho thuê nhà kho tư nhân. Những cơ sở kinh doanh này mọc lên như nấm và cứ mỗi lần đi qua một khu nhà kho như thế, tôi cứ suy nghĩ mãi. Rõ ràng, chúng ta đã tích trữ quá nhiều những món đồ không hề đem lại hạnh phúc cho ta, đến nỗi ta phải bỏ tiền thuê chỗ bên ngoài để cất chúng đi cho rộng chỗ mà tích trữ thêm một đống đồ nữa (cũng sẽ không hề đem lại hạnh phúc cho ta).
Thôi, ta hãy bỏ qua cái chuyện vặt đó, nói chuyện khác nhé. Bè bạn vẫn thường ngạc nhiên vì câu trả lời CÓ không chút ngập ngừng của tôi trước câu hỏi hóc búa “Liệu tiền có mua được hạnh phúc hay không?”. Con người vẫn thường đánh bóng cho những bài thơ trữ tình về tình yêu, lòng biết ơn, về những mục tiêu và về Chúa Trời, nhưng tôi rất thực tế, và theo ý kiến của tôi thì tiền hoàn toàn có thể mua được hạnh phúc. Là một nhà xã hội học, tôi xin được giải trình như sau: trên một đồ thị có hai đơn vị là tiền và hạnh phúc sẽ không có điểm nào thể hiện rằng tiền sẽ khiến bạn buồn hơn. Nhưng vẫn có một quy luật lợi tức giảm dần(*) hết sức rõ ràng, đó là khi thu nhập tăng lên, việc tạo ra hạnh phúc cũng sẽ ngày càng khó hơn.
(*) Law Of Diminishing Returns là một thuật ngữ kinh tế, chỉ việc một yếu tố sản xuất đã có sẵn nào đó khi được tăng thêm, thì yếu tố tăng thêm này sẽ mang đến sự bổ sung vào tổng sản lượng thấp hơn những yếu tố sản xuất ban đầu.
Nếu đào sâu thêm vấn đề, chúng ta sẽ thấy rằng bản thân đồng tiền chỉ là một vật vô dụng. Các chuyên gia kinh tế thị trường quả là rất tài ba trong việc khiến chúng ta cảm thấy bất hạnh vì không có được những món đồ thậm chí ta chưa từng biết mình cần đến. Đó rõ là một chiến thuật hết sức khôn ngoan. Kết quả là chúng ta lao vào mua sắm một cách điên cuồng, biến những món mình thích thành những món mình không thể thiếu. Và niềm khao khát mua bằng được những thứ đó là lý do duy nhất khiến bạn cảm thấy cần nhiều tiền hơn. Tuy vậy, việc sở hữu được món đồ bạn muốn thật ra chỉ thỏa mãn một phần nhỏ của mục tiêu “cảm thấy tuyệt vời” thôi. Thật ra cái làm bạn cảm thấy hạnh phúc không phải món đồ bạn mua, mà là cái cảm giác bạn có khi sở hữu được chúng.
Ví dụ, bạn nghĩ mình muốn mua một đôi giày chạy bộ mới, nhưng thật ra điều bạn muốn chính là niềm vui thích sau khi được chạy bộ bằng đôi giày đó. Hoặc bạn nghĩ mình cần một cái quần jean hàng hiệu mới, nhưng thật ra điều bạn muốn chính là sự “bốc lửa” cái quần jean đó mang lại cho vòng ba của bạn. Hay như khi bạn nghĩ mình muốn có một chiếc xe hiệu của Đức, thực ra bạn chỉ muốn cái cảm giác dễ chịu khi lái chiếc xe đó (và tất nhiên là cả tâm lý thoải mái mà chiếc xe mang lại cho bạn khi chỉ cần nhấn ga vào những phút cuối, khỏi xếp hàng dài từ sớm như mấy chiếc xe thường thường của bọn tôi).
Bạn đã nhận tất thảy những điều này cuối cùng rồi đều quy lại vấn đề xúc cảm của chúng ta như thế nào chưa?
Cảm giác thôi thúc phải mua sắm thường mang lại cho ta một niềm vui lớn dâng trào khắp cơ thể. Phải, món hàng mới mua sẽ mang lại nụ cười cho bạn, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thôi. Khi cái thói quen cũ lại dâng lên, món đồ đã... hết mới ấy sẽ dần mất đi vẻ quyến rũ ban đầu. Lúc đó, bạn lại bắt đầu khao khát các món đồ khác. Chẳng trách sao bạn cháy cả túi tiền lẫn túi cảm xúc!
Tâm lý thôi thúc mua sắm không chỉ có ở tuổi trẻ. Nhạc phụ 82 tuổi của tôi cứ hai tuần một lần lại lái xe hai cây số đến Morrisons ở Bolton, thế mà vẫn cứ phải dùng thiết bị định vị. Lý do, theo ông, là vì giọng nói trong máy “bầu bạn với bố trên đường”. Đấy, thế mà ông ấy vừa mất 80 bảng để đăng ký cập nhật “bản đồ châu Âu trọn đời”, tuy chắc chắn tới tết Công-gô ông cũng chưa lái xe ra khỏi địa phận Lancashire. Điều này cho thấy kể cả những cụ tám mươi cũng bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm như thường.
Góc suy ngẫm:
“Bất luận bạn có bao nhiêu tiền trong túi, bao nhiêu mối giao thiệp, lúc nào cũng sẽ có một thứ gì đó bạn muốn mua nhưng ngoài tầm với.”
- Jenson Button.
Để tránh bị tâm lý thôi thúc mua sắm bóp nghẹn, hãy nhớ rằng: “Giây phút chúng ta cảm thấy bằng lòng tức là chúng ta đã có đủ”.
Thật ra về mặt triết học thì đó là câu nói nặng ký nhất trong quyển sách này rồi đấy. Vấn đề nằm ở chỗ, não của chúng ta luôn làm việc theo khuynh hướng ngược lại: chúng ta luôn nghĩ rằng khi có đủ, chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng. Thế nên, chìa khóa nằm ở chỗ trước tiên chúng ta phải học cách bằng lòng. Và điều này khiến tôi cũng đau đầu như bạn vậy!
Trong xã hội phương Tây ngày nay, người ta hầu như có được tất cả mọi thứ mình cần. Chẳng còn gì “thêm” để mà đòi hỏi nữa. Trong thế giới dư thừa, quy luật của trò chơi sẽ thay đổi. Chúng ta cần chuyển từ “biết đâu là điểm bắt đầu” sang “biết đâu là lúc kết thúc”.
Triển vọng rõ ràng
“Việc không có được một số thứ mình muốn là một phần tất yếu của hạnh phúc.”
- Bertrand Russell
Thế nhưng, làm thế nào để chúng ta cưỡng lại trước một thế giới đầy rẫy vật chất dư thừa? Hãy nhớ lại những lời thông thái của John Naish: việc chuyển từ “lòng tự trọng cá nhân” sang “lòng tự trọng tập thể” cho thấy chúng ta phải loại bỏ thói quen thôi thúc mua sắm.
Tâm lý học tích cực
Quyển sách này không ủng hộ hay bài trừ Thượng Đế, nhưng thật tình mà nói thì tâm linh là một đề tài mà tôi đã phải học cách có thiện cảm với nó. Có thể bạn sinh ra trong sự bảo hộ, chở che của một vị thánh thần nào đó, còn tôi thì không. (Tôi biết, nếu bạn tin vào Thượng Đế, bạn sẽ tin rằng vị Thượng Đế đó cũng sẽ bảo hộ và che chở cho tôi dù tôi có tin vào Ngài hay không. Cảm ơn nhé, bạn thật tốt bụng.) Những người tin vào Thượng Đế sẽ luôn cảm thấy biết ơn sự chở che của ngài, nhưng đồng thời cũng có chút sợ bản thân làm buồn lòng vị thần linh của mình. Dù sao thì ai cũng muốn lên thiên đàng chứ đâu có muốn xuống địa ngục nhỉ. Nhưng những ai trong chúng ta không tin vào một vị Thượng Đế nào cũng cảm thấy lo sợ, sợ rằng vị thánh đó có tồn tại thật, sợ “thế giới bên kia” cũng tồn tại thật. Vì vậy, có lẽ chúng ta cũng nên giữ lấy cho mình 1% tín ngưỡng, phòng khi điều đó xảy ra.
Thế có nghĩa là tất cả chúng ta đều sợ thánh thần, Thượng Đế ở một góc độ nào đó.
Tôi khá thích thuyết “kiểm soát sợ hãi” của Thomas Pyszczynski, trong đó ông chỉ ra rằng thế giới quan văn hóa, bao gồm tín ngưỡng tôn giáo, giữ nhiệm vụ như một tấm khiên được thiết kế để kiểm soát những sợ hãi tiềm tàng xuất phát từ một nhận thức có thể gây ra nỗi kinh hoàng, rằng loài người chúng ta đơn thuần chỉ là những xác thịt tạm bợ, đang mò mẫm để sinh tồn trong một thế giới vô nghĩa, định sẵn chỉ đi đến cái chết và sự suy tàn. Pyszczynski nhấn mạnh điều này bằng cách ám chỉ rằng cuộc sống của chúng ta thật ra không có ý nghĩa gì hơn một mẩu cần sa. Và, trong khi bạn đang cân nhắc điều này, Aleksandr Solzhenitsyn lại bổ sung vào nỗi đáng thương của bạn sự khinh miệt tột đỉnh đối với lối sống phương Tây, ông lý lẽ rằng chúng ta đã bỏ rơi cốt lõi tôn giáo và đạo đức xa xưa của mình, đánh mất tri giác về sự quả quyết và tính cộng đồng, và vì vậy, cũng thất bại trong việc nối kết với những ý nghĩa lớn hơn của cuộc sống. Và chẳng có gì đáng cười trong chuyện đó cả.
Một luận điểm khá “nặng ký” mà ít ai biết: có thể bộ não con người được thiết kế đặc biệt để thích ứng với những trải nghiệm tôn giáo và có một điểm được gọi là “điểm tôn giáo”. Nếu nhìn lại vô số những gian khó mà bao thế hệ loài người đã trải qua, ta có thể dễ dàng hiểu được tại sao con người lại tin vào lực lượng siêu nhiên trong cuộc sống. Thật vậy, một triển vọng tiến bộ tôn giáo hàm ý rằng loài người vốn luôn rất nhạy cảm với tôn giáo. Có rất nhiều minh chứng cho cái gọi là “tấm chăn an toàn” của tôn giáo và nhiều lời giải thích cho việc người ta thường cầu nguyện khi xảy ra khủng hoảng, cũng như những người sống tại các nơi nghèo khổ trên thế giới vẫn tin tưởng cao độ vào tôn giáo. Trong khi tại những nơi xã hội phát triển, tôn giáo không còn quan trọng hàng đầu nữa, và chủ nghĩa vô thần bắt đầu nảy mầm.
Có một điều quan trọng mà chúng ta cần thấy, đó là hầu hết mọi tôn giáo đều đảm bảo với giáo dân của mình rằng nếu vượt qua được kiếp sống này, sẽ có một kiếp sống khác vĩnh hằng đang chờ đợi. Có lẽ đó chính là đỉnh cao của “suy nghĩ tích cực”. Điều này khiến tôi tự hỏi “tâm lý tích cực” khác với “suy nghĩ tích cực” ra sao? Có phải chúng hoàn toàn giống nhau không?
Về mặt triết học, suy nghĩ tích cực thường được cho là có ích cho chúng ta. Điều này dựa trên những trải nghiệm cá nhân lẫn thần thoại, và “suy nghĩ tích cực” được áp dụng trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, tựa như một kim chỉ nam hướng cuộc sống về phía tốt đẹp hơn. Trong những năm gần đây, lối “suy nghĩ tích cực” càng lúc càng phổ biến hơn, và một ví dụ điển hình là thành công vang dội của tác phẩm Bí mật của Rhonda Byrne (The Secret - Atria Books/Beyond Words, xuất bản năm 2010), một quyển sách cho rằng chỉ cần suy nghĩ tích cực chúng ta sẽ đạt được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Liệu có phải khi chúng ta tưởng tượng hay nói ra những câu khẳng định đầy tích cực và có niềm tin không lay chuyển về thái độ suy nghĩ tích cực ấy, thì mọi thứ sẽ có hiệu quả chăng? Tôi nghĩ câu trả lời là cả có lẫn không. Tôi luôn ủng hộ lối suy nghĩ tích cực, nhưng bạn cứ nhìn lại bài báo về cuộc thi đi trên tro nóng của KFC mà xem, đến 20 vị giám đốc bị thương. Dĩ nhiên, chúng ta không nên cười trên sự đau khổ của người khác, song chắc chắn họ đã hùng hồn thuyết giảng những lời tích cực và vẽ nên cảnh tượng thành công trước khi tham gia vào sự kiện này. Thế nhưng 20 đôi chân bị thương chắc chắn không phải là một kết quả tích cực!
Tóm tắt theo kiểu Gary
“Tôi đã tham dự một lớp học dạy suy nghĩ tích cực.
Thật là thổ tả!’’
- Gary Delaney(*)
(*) Gary Delaney: nghệ sĩ hài độc thoại người Anh, sinh năm 1973.
Không phải tôi đang tạt gáo nước lạnh vào việc suy nghĩ tích cực. Bản thân tôi cũng đã tự rèn luyện mình để trở thành một người suy nghĩ tích cực và điều đó đã giúp cuộc đời của tôi thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Nhưng đến đây, tôi xin đề cập đến một vấn đề khác to lớn hơn, tốt đẹp hơn. Đó chính là tâm lý học tích cực.
Martin Seligman chính là người khai sinh ra phân nhánh tâm lý này vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20. Và từ khi ra đời, đứa con của ngành tâm lý học này chưa phút nào thôi thu hút sự quan tâm ồn ào của dư luận. Và tuy tôi nói khái niệm này được ra đời vào năm 1995, nhưng có lẽ thời gian thai nghén của nó phải kéo dài nhiều năm trước đó.
Thuật ngữ này được sinh ra bởi bậc thầy kiểm soát suy nghĩ Abraham Maslow, từ những năm 1950. Seligman không chỉ vay mượn nó mà còn biến đổi nó thành một phân nhánh riêng của ngành tâm lý học. Mục đích của nó là nghiên cứu tại sao một vài cá nhân và tổ chức lại làm việc rất hiệu quả. Thoạt nghe thì điều này có vẻ hiển nhiên nhưng thật ra nó gần như đã đảo ngược tâm lý học. Bởi thông thường, nhiệm vụ của tâm lý học là tìm ra những mặt không ổn của con người.
Khi còn học đại học, tôi đã đọc một bộ tài liệu về những người đầy vấn đề, và số tài liệu này là cực lớn. Bởi vì tâm lý học luôn tập trung vào việc chỉnh đốn, sửa chữa con người, mà người hạnh phúc thì đâu cần sự điều chỉnh, sửa chữa đó. Thay vì phải tiêu tốn hàng triệu đồng vào thuốc men và vật lý trị liệu, tại sao chúng ta lại không nghiên cứu những người hạnh phúc? Họ là ai? Tại sao họ lại là người hạnh phúc? Họ làm gì để hạnh phúc, và quan trọng hơn cả là chúng ta có thể học được gì từ họ để có thể áp dụng cho đại đa số người dân, từ đó giảm bớt mức độ trầm cảm và tuyệt vọng của con người?
Đó chính là cốt lõi của thế giới tâm lý học tích cực đầy “mới mẻ” và “can đảm”. Sở dĩ tôi dùng từ “can đảm” là vì nó dám đi ngược lại lý thuyết truyền thống, và “mới mẻ” vì đó là một cụm từ hoàn toàn chưa có trước kia. Và thật đáng ngạc nhiên khi tâm lý học tích cực đến giờ vẫn chưa được xuất hiện trong bài giảng của nhà trường, cũng như trong một số giáo trình đào tạo các văn bằng tâm lý học. Có lẽ, nhưng người chuộng cái cũ vẫn còn do dự chưa dám đón nhận một ”đứa con có vấn đề” như thế của ngành tâm lý học.
Và cái đẹp của tâm lý học tích cực chính là nó không hề phủ nhận những giá trị của tâm lý học thông thường mà chỉ đơn thuần áp dụng chính xác lý thuyết của bộ môn này vào một khía cạnh khác của tâm lý học, tương tự như hai mặt của một đồng xu vậy. Ai là người đang tận hưởng hạnh phúc và một cuộc sống đầy tích cực? Đâu là những người hiếm hoi đang sống một cuộc sống sung túc về mọi mặt tại công sở, ở nhà và trong mọi mối quan hệ của họ? Đâu là những người luôn tràn đầy năng lượng và sức bật tinh thần? Và đâu là những người sẽ trưởng thành thay vì gục ngã sau những biến cố tiêu cực trong đời? Bạn có nhớ tên của những người từng khiến mình cảm thấy tuyệt vời khi ở bên cạnh họ không? Họ là ai và họ đã làm gì mà có thể truyền sang cho bạn nguồn hứng khởi như thế?
Seligman đã đưa ra câu hỏi liệu chúng ta có thể học hỏi được gì từ những người có cuộc sống đầy thú vị và chúng ta có thể áp dụng những gì mình học như thế nào để sống hạnh phúc hơn? Tâm lý học tích cực nghĩa là tiến hành những thực nghiệm khoa học, đúng đắn để khám phá ra các bí quyết giúp chúng ta cảm thấy tuyệt vời, hứng khởi, nhằm mục đích chuyển tải kiến thức đó đến với tất cả mọi người, vì một xã hội tốt đẹp hơn.
Bản thân tôi đã nghiên cứu tâm lý học “thông thường” từ nhiều năm nay và tôi rất yêu thích bộ môn này. Nhưng khi tâm lý học tích cực mỉm cười với tôi, tôi đã yêu nó ngay từ cái nhìn đầu tiên.