Từ một người thực sự hiểu vấn đề
“Thành quả của chỉ 50 người ở đây sẽ tạo được sức ảnh hưởng xuyên vũ trụ.”
- Steve Jobs (trích từ tự truyện Steve Jobs được chắp bút bởi Walter Isaacson)
Ngọn nguồn xúc cảm
Xúc cảm vốn là phương tiện để kết hợp những tâm tư, tình cảm với nhau. Sự đồng điệu về mặt xúc cảm sẽ giúp tạo nên mối dây gắn bó, cảm giác an toàn và tinh thần tập thể. Ví dụ, một cuộc đi săn tập thể hầu như chỉ thành công khi tất cả mọi người tham gia cùng hào hứng, tinh nhạy và nhanh nhẹn. Khi một người thợ săn cảm thấy nguy hiểm, những người khác cũng sẽ cảm thấy tương tự. Tình cảm chính là phương thức nhanh nhất để truyền tải thông tin này. Và rồi vào cuối ngày, khi mọi người quây quần bên bếp lửa để ăn tối, cái ngáp đầu tiên của người đầu bếp sẽ khiến mọi người cũng ngáp lây, báo hiệu giờ đi ngủ đã đến.
Như vậy, chúng ta sinh ra đã có đặc tính bắt chước hành vi của nhau. Vậy liệu chúng ta có bắt chước cảm xúc của nhau hay không? Cảm xúc chính là tình cảm, và nó luôn ở ngay đây, vỗ ầm ì vào giữa trung tâm ý thức của bạn. Chúng biến đổi không ngừng, và theo lý thuyết thì hoàn toàn có thể kiểm soát được. Tình cảm vốn không “thật” bởi nó không có một hình dạng rõ rệt. Đó chỉ là một dạng thức tinh thần nằm trong đầu bạn, do chính bạn tạo ra. Theo Steven Pinker, có 4 yếu tố bản năng chính liên quan đến sự tồn tại của con người và muôn loài, đó là ăn, đấu tranh, lẩn trốn và duy trì nòi giống. Tất cả đều đến từ động lực nguyên thủy và căn bản về sự tồn tại của bản thân và giống nòi.
Cách đây vài trăm ngàn năm, bộ não của chúng ta được nâng cấp thêm về mức độ sâu rộng, nhờ đó đã giúp loài người vượt lên trên các loài khác. Chúng ta đều biết loài cá hồi vẫn luôn không quản ngại lội ngược dòng, vượt bao thác ghềnh, hiểm nguy để hồi hương sinh nở. Chúng mải miết bơi mà không bao giờ tự phân tích rằng, “Mình đang làm một điều thật ngớ ngẩn!” bởi chúng chỉ đáp lại tiếng gọi của bản năng.
Bộ não siêu việt của con người không chỉ cho chúng ta khả năng xử lý to lớn mà còn giúp chúng ta truyền tải cảm xúc dễ dàng hơn, nhờ vậy chúng ta không hề thua kém bất kỳ loài vật nào trên hành tinh này. Bạn hãy nhìn một bầy linh dương đang ăn cỏ mà xem, tuy cúi đầu gặm cỏ nhưng tai và mắt của chúng lúc nào cũng trong tình trạng cảnh giác. Chỉ cần một con cảm thấy hoảng sợ là cả bầy đều cảm thấy hoảng sợ. Sự hoảng sợ đó được lan truyền ra khắp bầy ngay lập tức, khiến tất cả đều dỏng tai lên nghe ngóng và chính sự lan tỏa cảm xúc này sẽ cứu sống cả bầy.
Tôi vẫn thường nói với các học viên của mình trong các khóa giảng dạy rằng “mọi thứ đều có tiếng nói của nó”, vì tuy những gì bạn nói và cách bạn nói đều quan trọng nhưng “thông điệp” của bạn mới là cái có ý nghĩa nhất. Từ quần áo bạn mặc, ngôn ngữ cơ thể của bạn, nét mặt của bạn cho đến cách bạn trang trí nhà cửa... tất cả đều đang nói lên một thông điệp: “đây chính là hình ảnh của tôi, là con người của tôi”.
Tuy nhiên, thông điệp lớn nhất mà bạn gửi đi chính là qua các cảm xúc của bạn. Chúng ta hãy cùng khám phá một số cảm xúc và xem thử thông điệp đi kèm theo chúng là gì. Biểu lộ cảm xúc qua nét mặt chính là hình thức chuyển tải thông điệp rõ rệt nhất. Ngày nay, khi lấy sữa từ trong tủ lạnh ra, chúng ta thường mở nắp ngửi thử để đảm bảo trước khi uống. Nếu sữa có mùi hôi, mũi bạn lập tức nhăn lại và bạn sẽ lùi lại ngay. Hoặc, trong thế giới mà mọi thứ đều liên quan đến tiêu chuẩn hợp vệ sinh như hiện nay, thì điều tệ hại nhất có thể gặp phải chính là ăn nhằm một miếng thịt xông khói mốc xanh. Nhưng lùi lại thời xa xưa, khi giết được một con thú, cha ông chúng ta sau khi đã ăn no chỉ biết để phần còn lại vào bóng râm và đành bất lực trước bọn ruồi bọ. Rất có thể họ đã phải chịu ăn những thứ đã ôi thiu, mục rữa và rồi đến một mức nào đó thì hệ tiêu hóa của họ sẽ bị rối loạn, thậm chí là mất mạng. Chính vì thế, chúng ta thường có thói quen ngửi thức ăn trước khi dùng. Một cái nhăn mũi, nhíu mày chính là dấu hiệu cảnh báo cho mọi người xung quanh biết món ăn này đã không còn tươi nguyên và có thể gây nguy hiểm khi ăn vào. Đó là biểu hiện của sự ghê tởm và là cách để chúng ta thông tin đến mọi người, để cuộc sống của cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.
Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về một cảm xúc khác khá thú vị, đó là sự giận dữ. Tôi biết hẳn bạn vừa thử làm vẻ mặt kinh tởm đúng không nào, giờ nếu tôi đề nghị bạn thể hiện một vẻ mặt giận dữ, bạn sẽ làm gì? Bạn gầm gừ, nhe răng và thậm chí là có thể co ngón tay thành móng vuốt được ấy chứ! Và bạn giận dữ luôn vì một nguyên nhân nào đó. Nguyên nhân có thể là vì bạn không muốn người khác làm phiền đến mình trong lúc này. Bạn muốn nói với mọi người rằng, “Hãy lùi lại đi, hãy coi chừng tôi đấy!”.
Giận dữ và thịnh nộ là hai trạng thái cảm xúc tệ hại nhưng thật ra lại rất hữu dụng. Chúng ta giận dữ hẳn phải vì một nguyên nhân nào đó. Ngày xưa, nếu trông thấy kẻ thù đốt nhà mình, hẳn chúng ta sẽ nổi trận lôi đình và mạnh mẽ khác thường khi lao vào đánh nhau với chúng. Ngày nay, trong chúng ta vẫn tồn tại dòng cảm xúc căn bản đó. Khi bị cảnh sát ghi phiếu phạt, hẳn chúng ta cũng nổi giận và biết đâu còn muốn “ra tay” với họ. Và tuy bên ngoài phải kìm nén cơn giận dữ đó, trong lòng chúng ta cũng nổi một trận lôi đình.
Mới đây, tôi có đọc một bài báo về một kẻ cầm súng chạy quanh và giết người vô độ, bất chấp màu da. Sự việc không có nhân chứng, vì tất cả họ đều đã chết, song phóng viên cũng hỏi được một người tuy không tận mắt chứng kiến sự việc nhưng anh ta cho biết, “Tôi trông thấy một người chạy trên phố, nét mặt anh ta báo cho tôi thấy có điều gì kinh khủng lắm sắp xảy ra, thế là tôi cũng bỏ chạy luôn”.
Như vậy, cảm xúc tuy diễn ra trong lòng chúng ta nhưng chúng vẫn biểu lộ ra bên ngoài. Đó là cách tự nhiên giúp chúng ta tồn tại. Và mọi cảm xúc, ngay cả những cảm xúc tiêu cực, đều có một ý nghĩa tích cực nằm sau đó.
Suy nghĩ thú vị
“Sợ hãi là một cảm xúc hữu ích vì nó giúp chúng ta tránh khỏi những việc làm ngu ngốc. Nếu không biết sợ, chúng ta sẽ nuôi cọp như nuôi mèo trong nhà, hoặc sẽ tung hứng lưỡi cưa xích để làm trò vui.”
- Chris Baréz-Brown
Hiệu ứng con sóng
Cảm xúc có xu hướng lây lan, cả bên ngoài lẫn bên trong chúng ta. Về mặt sinh học, chúng ta có xu hướng bắt chước người khác về hình thức bên ngoài, và qua đó sẽ dẫn đến việc bắt chước trạng thái nội tâm của họ. Ví dụ, khi bạn bắt chước một người đang cười vì hạnh phúc, bạn cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc lây. Do vậy, đối với những người có liên hệ gần gũi, ảnh hưởng đến mình, chúng ta sẽ càng dễ dàng bị lây lan bởi niềm vui và nỗi đau của họ. Chẳng hạn như nếu đội bóng yêu thích của tôi bị thua cuộc thì cả thành phố Derby này sẽ bị ảnh hưởng, cũng như nếu đội Manchester United mà thua thì cả miền Nam của nước Anh sẽ buồn.
Có một thực tế là, tuy không thể bắt mọi người phải cảm thấy tích cực, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể gieo mầm cho cảm xúc tích cực bằng cách làm gương cho họ. Thái độ và hành vi của bạn đều sẽ có tác động đến người khác. Trong quyển “Connected: The Amazing Power of Social Networks and How They Shape Our Lives” (tạm dịch: “Sức mạnh đáng kinh ngạc của sự kết nối và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống của chúng ta”- NXB Little, Brown, năm 2009), Nicholas Christakis và James Fowler đã đề cập đến vấn đề này một cách đầy hình tượng, khi mô tả tác động cảm xúc giữa mạng lưới các mối quan hệ xã hội phức tạp. Họ cho rằng: “thay vì tác động như một đường thẳng, cảm xúc sẽ lan tỏa như những con sóng, tựa một cuộn mì spaghetti”. Người ta gọi chúng là “sự lan tỏa siêu bội”, có khuynh hướng lan tỏa từ người này sang người khác thay vì chỉ tác động trực tiếp đến người đối diện. Bằng chứng thực tế cho thấy, cảm xúc của con người có tác dụng lan tỏa đến ba bậc, tính từ bản thân bạn, hay nói một cách nôm na, bạn có thể làm ảnh hưởng cảm xúc của bạn của bạn của bạn mình. Vì vậy, nếu bạn mỉm cười và có thái độ vui tươi, những người tiếp xúc trực tiếp với bạn cũng sẽ cảm thấy vui lây và phấn khích tinh thần thêm 16%. Không chỉ dừng lại ở đó, những người này lại giúp cho những ai tiếp xúc với họ sau đó cũng cảm thấy vui vẻ phấn khích thêm 10%, mặc dù bạn chưa bao giờ gặp những người bạn này của bạn mình. Và cuối cùng, những người bạn bậc hai này sẽ giúp cho những ai mà họ tiếp xúc, tức là những người bạn thuộc bậc ba, cũng cảm thấy vui hơn 6%.
Nào, để tôi cho bạn thấy cách tôi áp dụng điều này cho bản thân mình nhé. Buổi sáng, tôi thức dậy vào lúc 6 giờ và quyết định chọn một thái độ vui tươi, tích cực cho ngày mới (bạn hãy nhớ rằng đây là điều mà ta hoàn toàn có thể chọn lựa một cách ý thức). Sau đó, khi bọn trẻ nhà tôi xuống nhà lúc 7 giờ, chúng sẽ thấy tôi vui vẻ, tươi tắn trong buổi ăn sáng. Nghĩa là các con của tôi cũng sẽ cảm thấy vui hơn 16% chỉ nhờ sự có mặt của tôi trong phòng. Điều này quả thật có giá trị không nhỏ, và lúc đó chỉ mới là 7 giờ sáng.
Sau đó, tôi ra khỏi nhà và đến chỗ làm. Các con tôi đi bộ ra trạm xe buýt và chờ xe. Khi xe tới, nhờ vào 16% cảm xúc tích cực được truyền tỏa từ tôi mà chúng sẽ lên xe với một tâm trạng phấn khởi hơn, sẵn sàng mỉm cười chào người lái xe và chúc họ một ngày tốt lành. Người lái xe dĩ nhiên sẽ mỉm cười đáp lại và do vậy sẽ cảm thấy vui vẻ hơn 10%, đồng thời nghĩ rằng có lẽ báo chí thật là xạo, bởi những người trẻ tuổi ngày nay dường như ai cũng lịch sự, vui vẻ cơ mà. Thế rồi, sau khi đã bỏ bọn trẻ xuống trường, người lái xe sẽ quay về trạm xe và dùng một tách cà phê với các đồng nghiệp của mình. Và dĩ nhiên, những người tài xế xung quanh đó sẽ cảm thấy vui hơn 6%, và mặc dù tôi chẳng hề gặp ai trong số họ, cũng không hề đi tới trạm xe buýt nhưng tôi vẫn có thể khiến họ vui vẻ hơn. Thật là tuyệt phải không nào? Tôi dường như hoàn toàn có thể khiến cho tất cả những người dân trong thành phố này cảm thấy vui lây! Tất cả là do tôi đã chọn bắt đầu một ngày mới với thái độ vui vẻ vào lúc 6 giờ sáng. Đến đây, bạn hãy thử nghĩ xem mỗi ngày mình tiếp xúc với bao nhiêu người và giúp họ vui hơn 16%? Và có bao nhiêu trong số họ sau đó đã khiến cho văn phòng của mình vui thêm 10%? Và bao nhiêu trong số đó khi về nhà sẽ khiến cho người thân của họ vui hơn 6% nữa?
Chúng ta hãy làm một bài tính nhân đơn giản nhé. Giả sử trung bình một ngày bạn gặp 3 người thân, 15 người đồng nghiệp, 3 người khách mua hàng trong siêu thi, 1 nhân viên bán hàng, 1 nhân viên bán xăng, và thêm 5 người lạ khác mà bạn ngẫu nhiên gặp phải. Nếu bạn mỉm cười với tất cả 28 người này, thì cũng đồng nghĩa với việc bạn đã lan tỏa niềm vui của mình đến 21.952 người khác. Và đó quả là một con số không nhỏ chút nào! Nếu bạn làm một công việc phục vụ cho công chúng, chẳng hạn như giáo viên hay y tá, mỗi ngày bạn sẽ gặp nhiều hơn 28 người và do vậy tổng số người cảm thấy vui vẻ hơn nhờ bạn, sẽ khiến bạn phải sửng sốt. Nếu tất cả đồng nghiệp của bạn đều hiểu được điều này, các bạn sẽ cùng lan tỏa cho nhau một tâm trạng vui vẻ, phấn khích khi làm việc và tạo nên một cơn sóng tích cực trong văn phòng.
Tóm lại, khu vườn cảm xúc sẽ nở đầy những đóa hồng tươi vui và bạn chính là nguồn cảm hứng, phấn khích cho các bạn của các bạn của các bạn... của mình. Dĩ nhiên đó là câu chuyện của một ngày tốt đẹp. Nhưng, như chúng ta đều biết, không phải ngày nào cũng là ngày tốt đẹp, vì vậy, cũng không phải không đáng nếu bạn thử bắt đầu một ngày với một xúc cảm trái ngược với tích cực.
Ý nghĩ “hết hồn”
“Sự khác biệt duy nhất giữa rãnh lún trên đường và hầm mộ chỉ là độ sâu của chỗ trũng.”
Lợi ích của sự tiêu cực
Chúng ta sinh ra hoàn toàn trần trụi về mọi mặt, với một cơ thể trần như nhộng và một tâm hồn tinh khôi như tờ giấy trắng. Trẻ nhỏ chỉ đơn thuần là chính chúng và không hề cố gắng để trở thành bất cứ ai. Chúng không cần phải o ép bản thân theo một khuôn khổ nào đó. Dường như bản chất của chúng thiên về “nhân tính” hơn là “con người”.
Thế nhưng chẳng bao lâu sau đó, tờ giấy trắng kia bắt đầu có nét vẽ nguệch ngoạc và bản chất thuần khiết kia cũng nhường chỗ cho cái tôi được học hỏi từ bên ngoài.
Trong chương trước, chúng ta đã bàn về việc con người luôn bị chi phối bởi những “ảo tưởng tích cực”. Chúng ta luôn tin rằng mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp hơn, và đó là kết quả của một chủ nghĩa lạc quan mạnh mẽ. Thật vậy, trong những nghiên cứu của chính mình, tôi khám phá được rằng hầu hết mọi người đều tin tưởng rằng tương lai nhất định sẽ tốt đẹp hơn hiện tại và quá khứ. Và chúng ta cứ thế tiếp tục nhìn về phía trước thông qua một lăng kính tương lai ngọt ngào, bởi lăng kính đó bảo vệ và truyền cảm hứng cho ta, đưa ta nhích dần về phía trước thay vì bước đến cánh cửa gần nhất.
Suy nghĩ thú vị
“Chúng ta đều trần truồng và tinh khôi khi được sinh ra, nhưng phần đời còn lại thì toàn bị lôi kéo và ảnh hưởng.”
– Jackie Huba
Nhưng hãy suy xét chậm lại một chút, nếu chủ nghĩa lạc quan đã được lập trình sẵn bên trong chúng ta, tại sao trong đầu chúng ta vẫn cứ vang lên tiếng nói tiêu cực? Đây là một vấn đề về mặt kỹ thuật khác vốn có lẽ chỉ hấp dẫn với những người theo chủ nghĩa thuần túy(*), nhưng dù sao thì tôi cũng sẽ giải thích nó ra đây. Chủ nghĩa lạc quan dường như đã dự bị sẵn cho chúng ta một lăng kính tương lai để chúng ta hướng về cuối chân trời với ánh hồng rực rỡ.
(*) Chủ nghĩa thuần túy có quan điểm tuyệt đối hóa những chuẩn ngôn ngữ đã hình thành trong quá khứ, coi đó là những mẫu mực lý tưởng, phản đối mọi sự sai khác, mọi hiện tượng mới, thường dựa trên một nhận thức phiến diện về sự trong sáng của ngôn ngữ.
Đáng buồn là lăng kính hiện tại lại không có cùng sắc màu như lăng kính tương lai. Thực tại nhuốm màu hiện thực, và mọi thứ mang sắc vẻ hoang vu, đáng sợ và đầy rẫy những điều tiêu cực. Trong đầu chúng ta luôn tồn tại tiếng nói phê phán, không ngừng đánh giá bản thân lẫn mọi người, đồng thời luôn chú ý đến những điều tiêu cực đó đây. Vậy tại sao chúng ta tuy sinh ra với xu hướng luôn nghĩ đến một tương lai tốt đẹp hơn nhưng giờ đây lại nghĩ toàn những điều tiêu cực?
Đây có thể xem là một ví dụ điển hình về lợi ích của việc nhìn vào kính vạn hoa theo chiều trái ngược. Thử hình dung, dù trong giây phút, rằng cuộc sống của loài người sẽ diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại, nghĩa là con người sẽ cảm thấy hạnh phúc trong hiện tại và kém hạnh phúc hơn trong tương lai. Khi đó, có thể chúng ta sẽ tận hưởng giây phút hiện tại nhưng lại sợ cứng người khi nghĩ về tương lai. Chúng ta sẽ ngưng phấn đấu và loài người do đó sẽ ngừng tiến bộ. Nếu thế, cha ông chúng ta ngày xưa có lẽ sẽ chẳng thể tiến xa hơn những bộ tộc ăn lông ở lỗ, ngày đêm vẫn còn phải sống dựa vào ngọn lửa và mơ về ánh điện, máy sưởi.
Càng nghĩ về điều này, chúng ta càng thấy rằng việc con người lo sợ, suy nghĩ tiêu cực và có phần không hài lòng về hiện tại là một điều hợp lý. Theo như Jon Haidt(**) từng nói, đại ý, trong hơn hai trăm ngàn năm nay chúng ta đã cùng chia sẻ hành tinh này với muôn ngàn loài động vật có thể ăn, cắn, đốt, thậm chí là chích điện chúng ta. Điều thay đổi duy nhất từng xảy ra vài trăm năm trước chính là ở loài người chúng ta. Hiện tượng tan chảy băng trên diện rộng cũng như hiện tượng thành thị hóa đã xua đi tất cả những loài trước kia từng là mối nguy hiểm cho sự tồn tại của con người.
(**) Jon Haidt (19-10-1963), nhà tâm lý học, nhà giáo dục học nổi tiếng tại Mỹ.
Khái niệm “gen ích kỷ” của Richard Dawkins đã cho thấy chúng ta vốn được lập trình để tự tồn tại. Chính vì thế, đặc tính hết sức cảnh giác trước mọi mối nguy hiểm là một điều tốt, nhất là trong thời kỳ xa xưa, khi chúng ta phải sống chung với bao muông thú dữ. Chỉ cần lơ đễnh bỏ sót một âm thanh sột soạt từ lá cỏ là chúng ta có thể không còn cơ hội thứ hai để sống sót, trong khi nếu đánh mất cơ hội hạnh phúc, bạn sẽ còn có cơ hội khác phía trước.
Và chính vì mục tiêu quan trọng nhất của bộ não con người là sự sống còn, chúng ta có khuynh hướng lưu trữ những điều tiêu cực (như người xấu, mùi khó chịu, những kinh nghiệm khủng khiếp, các tai nạn đáng nhớ, các loài thú nguy hiểm,...) ở một nơi dễ tìm thấy nhất trong bộ não, sao cho khi cần là có thể sử dụng ngay. Có thể so sánh thế này, trong kho chứa của bạn, những ký ức vui tươi và hạnh phúc được xếp sâu bên trong đến phủ đầy bụi, trong khi nỗi hoang mang, những ký ức tiêu cực và sợ hãi thường được đặt ngay cửa ra vào để dễ dàng truy cập.
Vấn đề nằm ở chỗ: sự tiêu cực này mạnh mẽ đến nỗi dường như nó luôn chiếm lĩnh khuynh hướng suy nghĩ của chúng ta. Cứ mỗi lần bạn mở cánh cửa tâm trí của mình là y như rằng nó đã nằm ngay trước mặt. Do đó, nó trở thành quy tắc tiêu chuẩn, lúc nào cũng thường trực trong suy nghĩ của bạn, khiến bạn luôn chìm trong đau khổ và tuyệt vọng.
Giá trị của cái đầu to
Loài cá heo sinh ra đã biết bơi, loài rùa khi sinh ra đã có bản năng bơi xuống biển càng nhanh càng tốt. Trong khi ở loài bò, bò mẹ khi sinh con thường liếm sạch bò con và chú bò con thường đứng trên đôi chân run rẩy mất vài tiếng đồng hồ. Hầu hết các loài vật khi sinh ra đều đã sẵn sàng để hòa nhập thế giới xung quanh.
Loài người lại khác hẳn. Chúng ta là một sinh vật đặc biệt ở nhiều góc độ, trong đó trẻ con khi sinh ra có bộ não chưa được phát triển toàn diện. Phải mất gần hai năm sau sinh, đứa trẻ mới có được một bộ não phát triển toàn diện. Sở dĩ con người chào đời ở tháng thứ chín là vì khi đó cái đầu của chúng ta đã phát triển quá lớn và bụng mẹ không còn đủ chỗ cho chúng ta nữa.
Như vậy, bởi kích thước đầu quá to mà chúng ta mới phải chui ra khỏi bụng mẹ, chứ thật ra chúng ta chưa sẵn sàng để chào đời. Khi một đứa trẻ chào đời, so với các cơ quan khác thì bộ não của chúng có kích thước lớn hơn hẳn. Nhìn chúng hơi bị giống người ngoài hành tinh (À, tôi không nói con bạn... Con người khác ấy. Con bạn chắc hẳn rất dễ thương rồi.) Nhưng chính vì chào đời quá sớm nên trẻ sơ sinh hoàn toàn không có khả năng tự sinh tồn. (Mà theo góc nhìn của một người bố có hai đứa con ở tuổi dậy thì, tôi thấy tới 24 tuổi chúng cũng chưa có khả năng đó nữa!) Theo Jon Haidt, đó là lý do vì sao chúng ta có xu hướng yêu quý trẻ con. Bởi trước một đứa trẻ hoàn toàn bất lực, chúng ta luôn cảm thấy tràn đầy yêu thương và toàn tâm tự nguyện nuôi dưỡng nó.
Theo Dan Kahneman, bộ não của chúng ta được cấu trúc dựa theo nhu cầu của từng thời điểm. Ông gọi đó là “hệ thống số 1”, là phần phản ứng nhanh hoàn toàn theo bản năng của bộ não. Nhiệm vụ của nó chỉ đơn thuần là hành động mà không cần phải suy nghĩ, với tốc độ còn nhanh hơn cả bạn có thể hình dung. Ví dụ, khi đặt tay lên một cái đĩa nóng, lập tức bạn sẽ rụt tay lại ngay mà không cần nghĩ “Sao nó nóng thế nhỉ?”.
Mách nước
“Có một thành ngữ nói rằng khi giận dữ, bạn nên đếm tới 10 và thế là cơn giận sẽ bốc hơi. Trong khi đó, nghiên cứu khoa học cho thấy khi nguồn gốc cơn giận của bạn đã được loại bỏ, bạn sẽ trở lại trạng thái bình thường sau đó 20 phút. Do đó, đây là lời khuyên cho bạn: thay vì đếm tới 10, hãy đếm tới 1.200!”
Mười ngàn năm trước, bộ não loài người chúng ta đã trải qua một bước tiến hóa và bắt đầu có hệ viền, vốn đảm nhận vai trò liên quan đến việc nuôi dưỡng và cảm xúc. Tiếp theo là một bước tiến hóa khác và chúng ta có thêm vỏ não trán, một bộ phận điều hành của não chuyên đảm nhận các vấn đề liên quan đến tự chủ cá nhân, tư duy, tưởng tượng, lập kế hoạch, xem xét, giao tiếp và răn dạy. Kahneman gọi phần này là “hệ thống số 2”, một phần não hoạt động có phần chậm hơn hệ thống số 1 nêu trên và phần lớn chuyên về “khẳng định khuynh hướng”, nghĩa là tán thành với hệ thống số 1. Đó là lý do vì sao người lớn chúng ta thường không thoát ra khỏi định kiến của bản thân, những thói quen, lối suy nghĩ và hành vi cố hữu.
Những con số quan trọng
7: Con số những tội lỗi chết người, đồng thời cũng là con số may mắn của thế giới.
42: Ý nghĩa của cuộc đời (theo The Hitchhiker’s Guide To The Galaxy)
3: Con số kỳ diệu theo De la Soul’s - bản hit 1990. Cũng đồng thời có ý nghĩa là đám chợ theo câu tục ngữ.
57 triệu: Là lượng thuốc chống trầm cảm được kê toa hàng năm tại Anh.
4.000: Là số tuần của một đời người trung bình ở Anh.
1/7: Là phần đời mà bạn dành cho những ngày thứ Hai.
2.9013: Là tỉ lệ tích cực - tiêu cực mà bạn cần để duy trì một mối quan hệ.
150: Là số người tối đa trong một nhóm để mọi người cảm thấy sự đoàn kết, theo nhà nhân loại học người Anh Robin Dunbar.
15: Theo Tim Kasser, có 15 người đóng vai trò cốt lõi đối với cuộc đời bạn. Những mối quan hệ này sẽ nuôi dưỡng và giúp bạn thêm sức mạnh để chống chọi với cuộc sống. Dù trên thế giới ảo không ai ưa bạn, nhưng chỉ cần có được 15 người đó trong đời, bạn vẫn sẽ hạnh phúc.
7: Lại là con số 7. Đó là số giây để chuyển tải tình yêu qua một cái ôm.
1: Là người mà bạn phải chăm sóc, yêu thương.