Cách thế giới vận hành
“Có bằng chứng thôi thì chưa đủ.
Bạn cần phải thuyết phục được tình cảm của người đối diện.”
- Khuyết danh
Hồi khoảng năm tuổi, có lần tôi trông thấy con mèo nhà tha một con chuột còn tươi rói mà nó vừa giết vào bếp. Tên con mèo ấy là Thomas, dù rằng thật ra nó là một con mèo cái, nhưng thôi, cứ xuyên tạc giới tính một chút cũng không sao. Thomas ngồi xuống với vẻ đắc thắng và đưa những móng vuốt lên liếm. Con chuột đã chết hẳn và từ phần bụng của nó lòi ra ít nội tạng. Tôi ngồi xổm bên cạnh quan sát sự việc và tôi nhớ mình đã nói thế này, “Mẹ ơi, con thấy những cảm xúc của con chuột lòi ra này!”.
Tôi cũng không rõ tại sao mình lại nhầm lẫn giữa ”ruột gan” của con chuột với “cảm xúc”? Chỉ biết rằng ở lứa tuổi lên năm, tôi biết “cảm xúc” nằm ở bên trong chúng ta. Và bây giờ, khi ngồi gõ những dòng chữ này, tôi bỗng khám phá ra rằng vào năm 1971 tôi gần như đã nắm được chân lý ấy.
Bởi vậy, tạ ơn Trời đã cho chúng ta làn da, vì thử tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không có da. Lúc đó, chúng ta chẳng khác gì một súc thịt to với đầy lòng ruột, xương xẩu... Và khi đó, tôi sẽ không tài nào tìm được “cảm xúc” của bạn.
Thế thì, những cảm xúc đó, chúng nằm ở đâu và trông chúng như thế nào?
MÁCH BẠN:
“Đừng chỉ đánh giá một người qua bề ngoài. Hãy nghiên cứu ruột gan của họ.”
- Ardagh
Bạn hãy thử quan sát những người trông có vẻ hạnh phúc và cả những người đang buồn bã, bạn sẽ nhận thấy thật ra họ cũng là những sinh vật bằng xương bằng thịt như nhau, cũng có bộ não như nhau, cũng phải đi làm, cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết và cũng phải trải qua những căng thẳng, áp lực như nhau. Có thể, bạn sẽ nói với tôi rằng, mỗi người có mỗi gien khác nhau và người này sinh ra hẳn đã có thiên hướng vui vẻ hơn người khác. Tuy nhiên, trước mắt thì sự khác biệt lại nằm ở chính hoàn cảnh và suy nghĩ của bạn.
Đâu là chân lý?
“Hoặc là cuộc đời mà tôi sống tựa như một giấc mơ, hoặc tôi đang ở trong một giấc mơ thật như đời.”
- Ashleigh Brilliant
Bạn có còn nhớ ở phần trước tôi đã từng nói với bạn rằng thực tế là thứ không hề có thật? Tôi biết hẳn bạn vẫn còn đang đánh vật với ý nghĩ đó, nhưng tôi xin cam đoan rằng đến cuối chương 7, bạn sẽ hoàn toàn nắm rõ vấn đề này. Còn bây giờ, hãy để tôi giới thiệu cùng bạn một nghiên cứu do Ellen Langer thực hiện, một nghiên cứu cho thấy sự tương tác giữa hoàn cảnh và lối suy nghĩ. Cô tập hợp một nhóm những người ở độ tuổi 80 vào mỗi cuối tuần, đưa ra một chủ đề để họ ôn lại kỷ niệm và hồi tưởng lại quá khứ 30 năm trước. Thay vì gậy chống và tay vịn, họ được đắm chìm trong âm nhạc, các thương hiệu và những chương trình ti-vi của 30 năm về trước và sống như thể họ chỉ mới 50 tuổi.
Cuộc thí nghiệm đã cho thấy những cải thiện rõ rệt về huyết áp, trí nhớ, thị giác và thính giác của những người này so với trước khi họ tham gia chương trình. Điều này bắt đầu cho thấy mối liên hệ giữa suy nghĩ, quan điểm cá nhân với hành vi của chúng ta. Bằng cách thay đổi môi trường bên ngoài, Ellen Langer đã thay đổi suy nghĩ của người tham gia và từ đó tạo ra những cảm xúc khác biệt làm thay đổi thực tế của họ. Tất cả những thay đổi tích cực về mặt sức khỏe và thể chất đã diễn ra với những người đàn ông tham gia chương trình này chỉ trong một tuần! Còn gì có thể hữu hiệu hơn thế chăng?
Điểm H hay "Điểm hạnh phúc"
Chúng ta đã nhắc về “Điểm tôn giáo” ở trên, giờ thì với bảng chữ cái phong phú của chúng ta, tôi sẽ sáng tạo thêm cái gọi là “Điểm hạnh phúc”. Và nói về điểm hạnh phúc thì nên nói thế này: Nếu bạn chỉ sống với những kiến thức đã được công nhận và tin rằng những rắc rối vẫn tồn tại đâu đó ngoài kia, thì bạn sẽ không ngừng cố thay đổi công việc, chỗ ở, đối tác, xe cộ và cả vẻ bề ngoài nữa… như một quá trình tìm kiếm trung tâm của biểu đồ Venn(*), nơi mà mọi thứ giao nhau một cách hoàn hảo. Và điểm giao nhau bé xíu ấy, nơi mà mọi thứ đều hoàn hảo, chính là nơi bạn tìm thấy hạnh phúc của mình. Điểm ấy gọi là Điểm H – Điểm hạnh phúc.
(*) Biểu đồ Venn được John Venn xây dựng vào khoảng năm 1880, là một biểu đồ xác suất cho thấy mối quan hệ logic giữa một số lượng tập hợp hữu hạn.
Chắc chắn, bạn sẽ nhận ra nó ngay khi tìm thấy nó, tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ tìm được nó còn khó hơn mò kim đáy biển.
Có một khái niệm khá quan trọng mà tôi sẽ nhắc thoáng qua ở đây, rồi cứ để đấy, và chúng ta sẽ quay lại với nó ở những chương sau. Khái niệm đó thế này: Phần lớn các chiến lược phát triển nhân cách đều xoay quanh vấn đề “thay đổi cách suy nghĩ của bản thân” – một khái niệm mà tôi vốn không đồng tình. Nhưng chúng ta vẫn thường mắc kẹt ở chỗ học cách trao đổi suy nghĩ từ người này sang người khác. Theo Richard Wilkins, bạn không thể nào thay đổi thủy triều bằng cách đứng trên bờ biển. Ví dụ, nếu có ai đó làm bạn buồn, bạn vẫn có thể thay đổi suy nghĩ của mình, tạo ra những câu chuyện hoàn toàn khác hẳn theo ý của mình, nhưng người đó vẫn còn đó khả năng khiến bạn bực mình. Vì vậy, để thay đổi thủy triều bạn cần phải thay đổi mặt trăng. Hiểu được điều đó, bạn cần thay đổi “mặt trăng” của chính mình để có kết quả tốt hơn. Điều này giúp tạo ra một sự thay đổi về mặt nhận thức và giúp bạn có thể nhìn đời theo một quan điểm chủ quan thuận lợi hơn. Cảnh quan nhìn từ “trên cao” sẽ bao quát hơn “dưới kia”, nhờ vậy bạn không cần phải cố gắng “suy nghĩ tích cực”, mà đơn giản chỉ cần “suy nghĩ” mà thôi. Mọi thứ bạn trải nghiệm chỉ là do suy nghĩ mà thôi.
Vâng, bạn có thể phải đọc đi đọc lại câu nói đó, nhưng không, bạn vẫn khó lòng lĩnh ngộ được toàn bộ ý nghĩa của nó. Bởi như tôi đã nói, tôi chỉ sẽ nhắc thoáng qua và vội vã rời đi để đến với những lãnh địa khác, an toàn trong những kiến thức mà tiềm thức của bạn đã có. Vì vậy, khi tôi quay lại với khái niệm này sau đó, bạn sẽ dễ nắm bắt hơn.
Trí tuệ cảm xúc
Đây cũng chính là nội dung chính của quyển sách, nên có lẽ vì thế chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn cho đề tài này. Nói về cụm từ “trí tuệ cảm xúc”, cho đến nay người ta vẫn còn rối rắm về danh tánh của người đã đặt ra nó. Cuộc tranh cãi dường như vẫn chưa phân định giữa bộ ba Peter Salovey và John Mayer, Goleman và Gardner. Tôi không muốn làm tiêu tan mộng tưởng của bất kỳ ai, nhưng trong quyển Đạo đức học Nicomachus (The Nicomachean Ethics), để đạt được cái mà ông gọi là “cuộc sống tốt đẹp”, Aristotle có đặt thành định đề rằng, chúng ta cần phải biết cách kiểm soát đời sống cảm xúc của mình một cách thông thái. Và điều này đã được viết trước khi Chúa Jesus ra đời 300 năm. Chính vì thế, tôi sẽ không sa đà vào việc tìm hiểu xem liệu trí tuệ cảm xúc có phải là một bộ môn mới, hay ai là người đã sáng tạo ra nó. Vấn đề là bây giờ chúng ta cần tìm hiểu xem trí tuệ cảm xúc có nghĩa là gì, nó có quan trọng hay không và nếu có thì chúng ta có thể làm gì với nó.
Khái niệm hiện đại của Salovey & Mayer về trí tuệ cảm xúc được đóng khuôn trong một mớ ý tưởng lộn xộn, bắt đầu bằng câu hỏi hóc búa “Bạn thông minh đến mức nào?”.
Trong khi đó, quyển Khuôn khổ trí tuệ: Lý thuyết đa trí tuệ(Frames of Mind: The Theory of Multiple Intelligence - Basic Books, 1983) của Howard Gardner đã tạo nên một cú huých đầy sức ảnh hưởng theo kiểu hiệu ứng domino khi cho rằng IQ là yếu tố quan trọng nhất trong việc thể hiện trí tuệ. Ví dụ, một trong những người bạn tốt nhất của tôi là Pat đã ra trường mà không hề nhận được văn bằng nào. Thế nhưng, người bạn không được thông minh cho lắm ấy của tôi hiện nay là một người cha tuyệt vời và anh ấy có thể xây nhà, sửa bếp, dán tường, tu bổ trang trí hàng hiên và mái nhà. Trong khi đó, tôi tiếp tục học và lấy được bằng tiến sĩ, nghĩa là đã đạt đến một trình độ “thông minh” nhất định, đúng không nào? Ấy vậy mà sai rồi đấy. Nếu bạn bảo tôi đóng một cái kệ, tôi đảm bảo nó sẽ không tồn tại được lâu chứ đừng nói chi đến việc xây nhà, sửa bếp,...
Thế thì giữa hai chúng tôi ai thông minh hơn? Câu trả lời của Gardner rõ ràng là cả hai chúng tôi đều thông minh. Ông khẳng định có ít nhất bảy loại hình trí tuệ khác nhau, và trong đó chỉ có hai loại là mang tính học thuật, bao gồm ngôn ngữ và toán học. Ngoài ra còn có trí tuệ về không gian (ở nghệ sĩ, kiến trúc sư), vận động (ở các vận động viên), âm nhạc (được tìm thấy ở Mozart chứ không phải các nghệ sĩ hip-hop) và một vài loại “trí tuệ cá nhân” - trí tuệ trong mối liên hệ giữa người với người.
Chính sự kết hợp của cái gọi là “đa trí tuệ” này đã tạo nên sự thông thái toàn diện của bạn. Và có hai loại “trí tuệ cá nhân” đặc biệt hữu ích cho quyển sách này mà Gardner đã tóm tắt như sau:
- Trí tuệ cảm xúc ngoại tâm: là khả năng thấu hiểu người khác, hiểu được động cơ thúc đẩy họ là gì, họ làm việc như thế nào và làm thế nào để cộng tác với họ hiệu quả. Hoặc nói theo một cách khác là “khả năng nhận biết và phản ứng đúng mực đối với những tâm trạng, tính khí, động cơ và khát khao của người khác”.
- Trí tuệ cảm xúc nội tâm: là khả năng tương tự nhưng theo chiều nội tâm. Đó là khả năng khám phá những cảm xúc bên trong bạn và khả năng phân biệt những cảm xúc đó, từ đó có thể kiểm soát hành vi bản thân.
Bản năng của bạn luôn biết rõ khi có ai đó hòa hợp với bạn, thuật ngữ tâm lý học gọi là “cảm thấy được đồng cảm”. Khi đó, bạn sẽ nhanh chóng phát triển một tình cảm sâu sắc. Chẳng hạn như khi mới gặp ai đó có năm phút mà bạn đã có cảm giác như đã quen biết từ rất lâu rồi. Ngược lại, có những người bạn đã biết từ rất lâu nhưng luôn cảm thấy không thoải mái và gặp rắc rối khi tiếp xúc với họ. Chẳng hạn như một người đồng nghiệp mà bạn không hề muốn đi chung thang máy vì không biết phải nói gì với họ suốt đoạn đường từ tầng trệt đến tầng năm.
Vị giáo sư nổi tiếng Daniel Goleman, người từng đoạt nhiều giải thưởng xuất sắc, đã đề ra năm phạm vi có liên quan đến khái niệm EQ như sau:
1. Nhận biết cảm xúc bản thân
2. Kiểm soát cảm xúc bản thân
3. Khích lệ bản thân
4. Nhận biết và thấu hiểu cảm xúc của người khác
5. Kiểm soát các mối quan hệ
Trong số đó, ba phạm vi đầu tiên có liên quan đến năng lực bản thân như tự nhận thức, khả năng tự điều chỉnh bản thân và khích lệ bản thân, nghĩa là điểm bắt đầu luôn là ở chính bạn. Chỉ khi nào bạn có thể dừng lại và xác định những cảm xúc của mình, thông qua các câu hỏi như “Mình đang cảm thấy như thế nào? Tại sao mình lại có cảm giác như vậy?” thì bạn mới có thể kiểm soát chúng được. Hai phạm vi còn lại có liên quan đến năng lực xã hội như ý thức nhận biết xã hội và các kỹ năng xã hội.
Thật kỳ lạ khi lần đầu cầm quyển sách của Goleman, với bìa sách đề dòng chữ “Sách bán chạy nhất”, tôi lại cảm thấy mình không thể đọc nổi và bỏ cuộc ở trang thứ 17. Tôi cứ nghĩ có lẽ mình dốt hơn mọi người chăng, hoặc đây chỉ là loại sách làm kiểng đặt ở bàn uống nước cho có vẻ tri thức. Ấy vậy mà, giờ đây tôi lại yêu quyển sách này, đặc biệt là vì Goleman đã tạm dịch khái niệm đao to búa lớn “siêu nhận thức” và “nhận thức cảm xúc cá nhân” thành một cụm từ đơn giản, dễ hiểu hơn là “tự nhận thức”. Đây cũng chính là khởi điểm của trí tuệ cảm xúc.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên đào sâu vào cụm từ này, bởi như Goleman đã nói, “tự nhận thức không phải là ý định xem xét lại những cảm xúc cá nhân [...] thay vào đó, nó chỉ là một trạng thái trung dung, giúp phản ánh bản thân cho dù bạn đang ở giữa một đống cảm xúc hỗn độn”7. Dường như đó là khi bạn lùi lại một bước, để nhìn rõ những gì mình đang trải qua thay vì bị lạc lối giữa chúng. Đó là sự khác biệt giữa việc bạn sẽ vụt roi đứa con tuổi teen về trễ hơn giờ đã hứa, hay sẽ kiềm chế trong suy nghĩ “Mình đang cảm thấy giận dữ. Bây giờ mình phải làm gì mới là tốt nhất?”. Trong trường hợp thứ hai, bạn kiểm soát được cảm xúc của mình tốt hơn, và do đó bạn có được kết quả tốt hơn (bạn cũng nên nhớ rằng, thỉnh thoảng cũng cần phải vụt roi đối với những đứa con tuổi teen, nhưng không phải lúc nào cũng thế).
Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu xem liệu có phải một số cảm xúc nhất định sẽ tốt hơn các cảm xúc khác hay không. Câu trả lời thật đơn giản: có và không! Về mặt cốt lõi, tất cả mọi cảm xúc đều là tiếng gọi dẫn đến một hành động nào đó. Chúng tượng trưng cho nhu cầu thúc đẩy, phải làm một điều gì đó, mà theo như ngôn ngữ của Paul McKenna thì cảm xúc giống như một tiếng gõ cửa vậy. Bản thân từ “emotion” (cảm xúc) bắt nguồn từ tiếng Latin là “motere” nghĩa là “di chuyển”. Do vậy, cảm xúc tạo ra chuyển động và tất cả mọi cảm xúc đều mang bên trong nó một ý định tốt đẹp. Ví dụ, cảm giác sợ hãi sẽ giúp đưa máu đến chân bạn nhiều hơn, giúp bạn có thể chạy nhanh hơn bao giờ hết. Cảm giác yêu thương, nhất là sự thỏa mãn về mặt tình dục, sẽ khiến người đàn ông cảm thấy dịu lại và hài lòng với bản năng xây tổ ấm của mình. Trạng thái thỏa mãn này khiến người đàn ông cảm thấy muốn được ôm ấp và được nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Thế nên đây là bí quyết cho phái nữ: sau khi ân ái, người tình của bạn sẽ chấp thuận mọi yêu cầu của bạn, miễn là bạn để cho anh ta được chìm vào giấc ngủ.
Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc thú vị. Trong khi loại cảm xúc “phản ứng sinh tồn” khiến bạn không thể suy nghĩ thì hạnh phúc sẽ giúp mở ra cho tâm trí của bạn nhiều khả năng khác nhau cũng như những giải pháp sáng tạo để tiến về phía trước8. Nói ra thì có vẻ kỳ lạ đối với những chuyên gia về hạnh phúc, nhưng bản thân tôi không quá say mê việc thiết lập hạnh phúc. Việc hát karaoke khiến tôi cảm thấy rợn người, và những trò chơi đội nhóm khiến tôi đổ mồ hôi lạnh. Tuy nhiên, trong khi tôi hạn chế việc “lên kế hoạch hạnh phúc” thì tôi lại nghiên cứu một cách nghiêm túc về cái gọi là hạnh phúc. Bạn đừng vội kết luận điều này là thiếu thực tế. Bởi lúc nào sự giận dữ cũng có thể trỗi dậy trong tôi, khiến tôi buồn bã, khi đó, chiếu theo quy tắc cơ bản nhất của hạnh phúc, thì hạnh phúc quả là điều mong manh.
Hạnh phúc là một vấn đề lớn lao, và lúc nào chúng ta cũng không ngừng muốn được hạnh phúc hơn. Theo nghiên cứu toàn cầu, hạnh phúc là điều tiên quyết mà chúng ta mong muốn con cháu mình có được9.
Chúng ta đều biết hạnh phúc có ích cho con người. Nó không chỉ khiến chúng ta rạng rỡ hơn mà nụ cười còn có tác dụng giảm stress, hạ huyết áp và gia tăng cảm nhận của mọi người về bất cứ ai đang mỉm cười10. Tuy nhiên, hạnh phúc không chỉ dừng lại ở gương mặt tươi tắn. Rất nhiều bằng chứng đã cho thấy hạnh phúc giúp tăng cường sức khỏe và tuổi thọ của con người11. Những người cảm thấy tích cực trong cuộc sống sẽ có “tâm lý phát triển” cũng như trở nên lạc quan hơn, sôi nổi hơn, cởi mở hơn, dễ chấp nhận hơn và sống có mục đích hơn12. Thêm vào đó, hạnh phúc còn giúp tạo ra các mối quan hệ xã hội, hạnh phúc có tính lây lan và tăng thêm năng lượng cho chúng ta13.
Hạnh phúc giúp gia tăng chất dopamine14 và opioid có trong cơ thể15, đồng thời đã có bằng chứng cho thấy hạnh phúc giúp giảm đi ốm đau, bệnh tật nhờ huyết áp thấp hơn16, ít đau đớn hơn17, nguy cơ béo phì và đột quỵ thấp hơn18 và người hạnh phúc thường ngủ ngon hơn19.
Hạnh phúc và sự trưởng thành
Người dân ở Okinawa, Nhật Bản có một từ rất hay, đó là “ikagai”, nghĩa là lý do bạn thức dậy mỗi sáng. Ikagai chính là mục đích của bạn và nó có giá trị thúc đẩy sức mạnh bên trong bạn. Nhờ thế mà tất cả những người thành công thật ra đều chỉ là người bình thường nhưng lại có “ikagai” lớn lao.
Tất cả chúng ta dường như đang trên một hành trình vô tận đi tìm kiếm mục đích và ý nghĩa cuộc sống. Trong khi bản thân tôi vẫn không ngừng tự hỏi về ý nghĩa của cuộc sống hay vì sao mình lại có mặt trên cõi đời này thì theo Tim Minchin, cuộc sống này vốn dĩ rất dài, đầy gian khó và mệt mỏi. Do đó chúng ta phải lấp đầy nó bằng sự nhiệt huyết, yêu thương, lòng trắc ẩn và hạnh phúc.
Góc trích dẫn
“Tôi gặp gỡ rất nhiều người trong đời, và tôi vui vì mình đã làm vậy.”
– Neil Baldwin
Thế thì điểm khác nhau giữa hạnh phúc và sự tích cực là gì? Rất nhiều người viết trên Facebook và Twitter rằng “hạnh phúc là một lựa chọn”. Tuy nhiên, dù đã có nhiều năm nghiên cứu về đề tài hạnh phúc, nhưng tôi vẫn không chắc chắn lắm về điều này. Theo tôi, chúng ta có thể chọn cách sống tích cực, nhưng hạnh phúc là thứ bạn phải mở lòng ra với nó.
Khoa học đã chứng minh rằng hầu hết con người không có khuynh hướng chờ đợi để có được hạnh phúc, mà chỉ muốn được thỏa mãn ngay lập tức. Tại Đại học Stanford, người ta tiến hành một nghiên cứu như sau: Walter Mischel tập họp một nhóm trẻ em lại và cho chúng quyền chọn lựa. Hoặc là được một viên kẹo xốp ngay bây giờ, hoặc là phải chờ thêm 15 phút và chúng sẽ nhận được 2 viên. Sau khi giải thích rõ luật chơi, ông ra khỏi phòng, để lại mớ kẹo và lũ trẻ trong đó. Trong số những em này có nhiều em chỉ mới 3 tuổi. Thí nghiệm này được lặp đi lặp lại hàng chục lần, và trong những video ghi lại cho thấy bọn trẻ lúng túng, thử giấu những viên kẹo trong tay, có nhiều em thậm chí liếm cả viên kẹo rồi bỏ lại vào đĩa. Còn một số khác thì chỉ cần vị giáo sư nọ quay lưng đi đã ăn sạch chỗ kẹo.
Vấn đề mà Mischel muốn nghiên cứu ở đây là việc trì hoãn phần thưởng. Ông tiếp tục dõi theo sự phát triển của những đứa trẻ này và thấy rằng những em ngày trước biết chờ đợi để có thêm một viên kẹo sẽ thành công hơn trong học vấn và có khả năng cưỡng lại cám dỗ tốt hơn. Do vậy, khả năng bỏ qua chút hạnh phúc trước mắt để sau đó có được hạnh phúc khác to lớn hơn, là một trong những điều cốt lõi để đạt được hạnh phúc dài lâu. Sự khác biệt đó cũng giống như giữa một người biết để dành từng xu và một người có xu nào tiêu ngay xu đó.
Tương tự như các cảm xúc khác, hạnh phúc không phải là thứ bạn có thể giành được mà là cái bạn tự cảm nhận. Điều này có nghĩa là bản thân hạnh phúc không phải là một thành quả đạt được, mà là hiệu quả đi kèm của những trải nghiệm trong cuộc sống. Hầu hết chúng ta nghĩ rằng mình đang đi tìm hạnh phúc nhưng thực chất chỉ là đang đi tìm kiếm những niềm vui trong cuộc sống như thức ăn ngon, thỏa mãn tình dục, có thêm thời gian để xem ti-vi, mua được chiếc xe mới, tiệc tùng với bạn bè, đi mát-xa, giảm cân hay trở nên nổi tiếng...
Andy nói:
"Chúng ta có thể lựa chọn cách sống tích cực, nhưng hạnh phúc là thứ bạn phải mở lòng ra với nó."
Tuy nhiên, niềm vui không phải là hạnh phúc, và mặc dù vẫn tương liên với nhau, nhưng niềm vui không tạo nên được hạnh phúc. Bạn hãy thử hỏi bất kỳ một người nghiện ma túy nào xem con đường đi tìm niềm vui của họ có kết cục ra sao. Hoặc bạn có thể hỏi một người béo phì suốt ngày chỉ biết có ăn uống, xem liệu niềm vui tức thời đã mang lại hậu quả dài lâu cho anh ta như thế nào.
Bạn cũng cần biết rằng hạnh phúc không phải là một điều không thay đổi. Ngược lại, nó cũng sẽ ngày một trưởng thành như chính bạn vậy. Khi còn trẻ, bạn thường mơ về những thứ sẽ làm cho mình hạnh phúc. Tôi còn nhớ khi lên mười, mình từng thức đến nửa đêm vào tối giao thừa, lòng háo hức chờ đợi khoảnh khắc đó. Thậm chí đến 11 giờ 58 phút mà tôi vẫn còn cuộn tròn trên ghế xô-pha để chờ đợi năm mới. Quả vậy, khi chúng ta còn trẻ, mọi thứ đều mới mẻ và hào hứng. Chúng ta chơi trò nhảy bật trên tấm lưới để tung người vào không trung, mơ rằng một lúc nào đó mình sẽ chạm đến các tầng mây, nơi chúng ta có thể thong dong ngồi thưởng thức kẹo mút và đùa nghịch với một con thú nhồi bông làm bằng mây. Cuộc đời quả là niềm vui bất tận!
Khi bạn lớn hơn, hạnh phúc dường như thiên về “sự hài lòng” nhiều hơn. Khi nhìn lại những mơ mộng thơ bé, có thể bạn sẽ nhún vai mỉm cười và cho đó là chuyện trẻ con. Thức trọn cả đêm ư? Ôi, thật là kinh khủng! Với bạn bây giờ thích nhất là được cuộn mình trong chăn êm nệm ấm và ngủ một giấc thật ngon. Thêm nữa, giờ đây chỉ cần nghĩ đến trò nhào lộn trên lưới thôi đã đủ khiến dạ dày của bạn co thắt. Thay vì lộn xộn, ngôi nhà của bạn phải là một nơi sạch sẽ, ngăn nắp và thay vì chọn thức uống có ga, bạn sẽ chọn một tách trà xanh. Còn phô mai que ư? Chỉ nghĩ đến món đó thôi bạn đã cảm thấy buồn nôn.
Cũng tương tự như một trò chơi điện tử, cuộc đời có nhiều cấp độ hạnh phúc khác nhau. Bạn hoàn thành cấp độ “kẹo mút và thú bông” khi sáu tuổi, sau đó đến giai đoạn bảy đến mười tuổi sẽ là “tay trong tay và các chuyến dã ngoại với lớp” và cấp độ cuối cùng có thể là “ngủ gà ngủ gật trước một bộ phim cũ vào chiều thứ Bảy”.
Có thể nói những điều đột phá sẽ dần mất đi theo tuổi tác của chúng ta, và khi đó hạnh phúc sẽ chuyển từ việc “tới bãi biển, cởi phăng quần áo và lao xuống biển” sang một thứ khác khoan thai hơn như “tới bãi biển và mỉm cười nhìn con cháu lao xuống biển”. Chúng ta không thể tráo đổi giữa hai thứ đó, cũng như không thể nói điều nào là hạnh phúc hơn bởi cả hai đều là những dạng thức của “hạnh phúc”, chỉ có điều cách thể hiện của chúng là khác nhau.
Nếu như bạn giống tôi, nghĩa là bạn cảm thấy cuộc đời của mình thiên về việc tìm sự bình yên, thư giãn hơn là sự hào hứng phù phiếm, hãy tin rằng bạn sẽ không bỏ lỡ hạnh phúc của chính mình. Hạnh phúc của bạn đang ngày càng trưởng thành, cũng như chính bạn vậy. Ngay cả khi hạnh phúc của chúng ta dường như có vẻ kém vui hơn hạnh phúc của những người trẻ tuổi đi nữa thì không vì thế mà chất lượng của nó kém đi.
Ngôn ngữ Đan Mạch có một từ gọi là hygge mà tôi nghĩ chúng ta cần học theo. Từ này đọc là “hoo-ga” và có nghĩa nôm na như sau: đó là khi bạn ngồi bên bếp lửa trong một đêm lạnh, trên mình khoác một chiếc áo choàng len ấm áp, miệng nhấm nháp một tách sô-cô-la nóng và vuốt ve con mèo dưới chân. Đó chính là “hygge”. Ngoài ra, đó cũng có thể là hình ảnh bạn đi dạo vào một buổi sớm lạnh mùa đông trong chiếc khăn choàng và mũ len ấm áp, thưởng thức món bánh làm tại nhà, quây quần bên gia đình ở nhà mẹ, hay được ủ ấm bằng chăn điện trên giường.
Có lẽ ý nghĩa gần nhất mà ta có thể hiểu về từ hygge này chính là sự ấm cúng, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Hygge còn là cả một thái độ đối với cuộc sống và nó đã giúp Đan Mạch trở thành quốc gia hạnh phúc thứ ba trên thế giới.
Trong tác phẩm Một năm sống theo kiểu Đan Mạch (The Year of Living Danishly - NXB Icon Books Ltd., ấn bản 2015) của Helen Russell có viết rằng: “Cả thế giới dường như chỉ mới biết đến cái điều mà người Đan Mạch đã thấm nhuần nhiều thế hệ. Những giây phút thư giãn, ấm áp bên bạn bè, người thân cùng tách trà, miếng bánh hay ly bia mới chính là nguồn dinh dưỡng cho tâm hồn”. Câu nói đơn giản này có tầm quan trọng sâu sắc. Nó đề cập đến gia đình và bạn bè, đồng thời ám chỉ đến điều mà chúng ta đã biết, đó là các mối quan hệ cốt yếu dẫn đến hạnh phúc. Ăn bánh hay uống trà chỉ ngon miệng nhưng không thể tạo nên hygge. Chính cảm giác thuộc về gia đình hay bạn bè mới là điều cốt lõi. Ngày nay, chúng ta bận rộn đến mức không hề biết hàng xóm của mình là ai, hay họa hoằn lắm mới ghé thăm người thân của mình. Công nghệ hiện đại giúp chúng ta có thể trò chuyện thông qua các phương tiện truyền thông, thông qua bàn phím, nhưng đó lại hoàn toàn không phải là hygge.
Bài tập 1:
Hãy liệt kê tên những người mà bạn sẽ dự đám tang của họ nếu họ qua đời trong tuần này.
__________________
__________________
__________________
Bài tập 2:
Hãy dành thời gian cho những người đó.
Ghé thăm hạnh phúc hay sống trong hạnh phúc?
Người ta vẫn thường ví hạnh phúc giống như một hành trình hơn là đích đến. Tôi hiểu điều đó, nhưng theo tôi thì hạnh phúc cũng chính là đích đến. Tôi thích sống trong Thành phố Hạnh phúc hơn là chỉ đứng ngoài biên giới mà ngó vào, hoặc chỉ ghé thăm qua loa vào kỳ nghỉ.
Vậy nên, nếu kết hợp mọi thứ lại, bạn sẽ thấy rằng trí tuệ cảm xúc chính là khả năng chọn lựa đúng đắn dựa trên sự phân tích chính xác, thấu hiểu và kiểm soát được những cảm xúc của cá nhân và của người khác. Và liệu có phải cảm xúc này sẽ tốt hơn cảm xúc khác không? Thật tình mà nói thì hạnh phúc và sự tích cực bao giờ cũng có nhiều cái tốt đẹp hơn, cho nên nếu được, bạn hãy thiên về các cảm xúc này càng nhiều càng tốt. Cảm xúc lành mạnh chính là khởi điểm giúp mọi thứ ổn hơn. Nghiên cứu trên người dân New York cho thấy rằng, nếu bạn đưa một nhóm người vui vẻ vào phòng lạnh, chỉ 27% trong số họ sẽ bị cúm. Trong khi đó, nếu đưa một nhóm người vốn dĩ đã buồn rầu, đau khổ vào đó, tận 47% trong số họ sẽ mắc bệnh này20. Và dĩ nhiên trong đó thì mức độ bệnh ở nam giới sẽ trầm trọng hơn.
Góc trích dẫn
“Hạnh phúc không đến từ thành công, nó là cội nguồn của thành công.”
- Giáo sư Richard Wiseman
Nếu thay bệnh cúm thành bệnh tim mạch thì những người bi quan sẽ chết sớm hơn tận 8 năm so với những người lạc quan mắc cùng căn bệnh. Và tuy đã nghiên cứu về đề tài hạnh phúc trong tận mười năm, tôi vẫn không ủng hộ hệ tư tưởng “hạnh phúc thường trực”. Bởi sự chối bỏ cảm xúc buồn bã sẽ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực kéo dài và cuối cùng là tình trạng rối loạn cảm xúc. Hãy nhớ rằng, mỗi khi bạn nghĩ rằng mình đã mất tất cả thì bạn cũng đồng thời đang đánh mất thêm một điều gì đó. Nghĩa là, mọi thứ có thể tồi tệ, mọi người có thể khiến bạn buồn, bạn phạm phải sai lầm và cảm thấy tồi tệ... Tuy nhiên, điều đó không sao cả!
Ý nghĩ thú vị từ một người có kinh nghiệm
“Mọi người đều có một kế hoạch cho đến khi họ bị đấm một cú vào mặt.”
- Mike Tyson
Bạn không thể kiểm soát được suy nghĩ và cảm xúc của người khác, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm chủ được sự cân bằng của bản thân. Và dù không thể kiểm soát người khác, rất có thể bạn vẫn sẽ tác động đến họ. Việc bạn có trí tuệ cảm xúc không có nghĩa là bạn phải giẫm bẹp những cảm xúc tiêu cực hay chạy trốn và giả vờ như chúng không hề tồn tại. Bí quyết ở đây là thể hiện chúng theo cách lành mạnh, được xã hội chấp nhận và phù hợp với giá trị của bản thân. Quan trọng là bạn phải có sự thỏa đáng về mặt cảm xúc và có khả năng vui sống trong khi chấp nhận những khoảng thời gian tệ hại không tránh khỏi. Quá trầm lặng đến mức câm như hến cũng không hay, mà quá phấn khích cũng không đem lại cho bạn (và những người xung quanh bạn) sự thoải mái.
Chánh niệm và lòng biết ơn
Có thật chăng?
“Bạn không cần phải có thêm yếu tố thiên tài mà cái bạn cần là bớt đi sự kháng cự.”
- Seth Godin
Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem trạng thái tập trung tư tưởng tuyệt đối vào hiện tại (đạo Phật gọi là chánh niệm) nghĩa là gì, để có thể định hướng cho tư tưởng của mình đi đúng hướng.
“Chánh niệm”, hay còn được hiểu là “sống cho giây phút hiện tại”, thường được giới thiệu như một xu hướng mới mẻ, nhưng thật ra đó là một trong những bí quyết để sống hạnh phúc đã có từ xa xưa. Không gì là vĩnh viễn! Theo Phật giáo, chúng ta bị chi phối bởi quá nhiều thứ đi kèm như vật chất, thói quen, con người, suy nghĩ, lối mòn,...
Không khó để chúng ta học thêm cái mới, bởi chúng ta là những cái máy học hỏi và thu nhận! Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta lại không phải là những cái máy “buông bỏ”. Buông bỏ là một khái niệm thú vị và là một thử thách lớn. Theo Phật giáo, bản chất con người khi sinh ra đã là một điều tuyệt diệu, nhưng chúng ta đều lãng quên điều đó đi. Bạn phải học cách sống một cuộc sống giúp bạn luôn nhớ rằng bản thân là một điều tuyệt diệu, và một khi đã nhớ, bạn sẽ không quên điều đó nữa.
Để tôi giải thích rõ hơn cho bạn hiểu nhé. “Chánh niệm”, hiểu theo cách đơn giản nhất, là luôn ghi nhớ rằng chỉ tồn tại không chưa đủ, cái bạn thật sự cần là tỉnh thức.
Suy nghĩ thú vị
“Phần lớn mọi người xem giây phút hiện tại như một rào cản cần vượt qua. Nhưng bởi phút giây hiện tại chính là cuộc sống, nên đó là một cách sống thật điên rồ.”
- Eckhart Tolle
Chánh niệm đòi hỏi bạn phải toàn tâm chú ý đến giây phút hiện tại với một thái độ không phê phán, đánh giá. Quả thật, quan sát thế giới xung quanh mà không đưa ra bình luận hay nhận xét gì là điều hoàn toàn trái ngược với xu hướng bình thường của chúng ta. Ở đây, cần hiểu rằng điều này không có nghĩa là bạn phải chối bỏ hay đè nén những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực mà chỉ là nhìn chúng dưới một góc độ khác thôi. Chúng ta trở lại vấn đề đã nói trước đây, đó là hiểu rằng những phê phán hay phán xét chỉ là những suy nghĩ và chúng không có thật. Và do vậy, chúng sẽ qua đi.
Tôi vẫn đã và đang cố gắng để tập sống cho giây phút hiện tại. Tôi “đạt” được chánh niệm, thật sự là như thế. Giây phút hiện tại mới là cái đáng giá, quá khứ thì đã qua đi còn tương lai thì chưa tới, do vậy tất cả những gì bạn có chính là hiện tại.
Chính khả năng rút tỉa kinh nghiệm từ quá khứ và tưởng tượng ra viễn cảnh tương lai đã khiến cho loài người trở thành loài sinh vật tuyệt vời. Nhưng cũng chính vì vậy chúng ta khó lòng toàn tâm toàn ý cho hiện tại. Chúng ta thường dành nhiều thời gian hoài niệm về những kỷ niệm tươi đẹp của quá khứ và mộng mơ về tương lai, vì luôn tin rằng tương lai nhất định tốt đẹp, thế là hiện tại bị lơ là. Nếu bạn đặt khách sạn, vé bay… cho chuyến du lịch vào sáu tháng tới, tôi chắc chắn bạn sẽ không thể không nghĩ về nó trong hiện tại. Vậy nên, tôi có cảm giác rằng để sống trọn vẹn cho hiện tại, đòi hỏi chúng ta lúc nào cũng phải hết sức chú ý và cố gắng.
Góc suy ngẫm
“Chánh niệm hiểu theo nghĩa đơn giản là nhận biết hiện tại như cái hiện có, là tận hưởng niềm vui hiện tại và không níu kéo khi nó thay đổi (chắc chắn nó sẽ như thế), là đối diện với cảm xúc không vui mà không sợ rằng nó sẽ tồn tại mãi (bởi chắc chắn nó sẽ không như thế).”
- Chris Baréz-Brown
Chánh niệm và lòng biết ơn có quan hệ mật thiết với nhau. Đọc quyển sách này là bạn đã giàu có hơn, có tri thức nhiều hơn 99,5% số người khác trong lịch sử loài người. Giả sử bạn sống ở phương Tây, trong một xã hội phát triển tự do và khoan hồng nhất từng tồn tại. Gia đình có thể làm bạn buồn lòng, nhưng hãy nghĩ xem, hơn 1/3 dân số thế giới chỉ có cha hoặc mẹ và 143 triệu trẻ em đang lớn lên mà không hề có cả cha lẫn mẹ.
Nếu bạn được đi học đại học, bạn đã nằm trong số 7% số người may mắn trên thế giới. Thêm vào đó, bạn sẽ có cuộc sống khác hẳn phần lớn 60% dân số thế giới đang sống và chắc chắn bạn sẽ không phải chết đói như 25% dân số nghèo đói trên thế giới.
Nghiên cứu trong nhiều thập kỷ đã gắn liền lòng biết ơn và sự trân trọng với hạnh phúc. Những người hạnh phúc hơn thường cảm thấy biết ơn và trân trọng hơn đối với những gì họ có. Và điều ngược lại cũng đúng, nghĩa là nếu biết luyện tập thái độ biết ơn một cách có ý thức, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Khi đó, bạn sẽ biết trân trọng cái mình có và sống trọn vẹn với giây phút hiện tại.
Nếu viết ra mười điều được coi là hiển nhiên mà bạn trân trọng nhất, bạn sẽ ngạc nhiên trước những gì có trong danh sách đó. Nói như vậy không có nghĩa là bạn phải phớt lờ thế giới tệ hại ngoài kia. Khi tôi đang viết những dòng này, bên ngoài cửa sổ trời đang xám xịt và mưa bay lâm râm, hoàn toàn không phải là một ngày nắng đẹp với đồng cỏ xanh mướt. Điều tôi muốn nói ở đây là, khi mọi thứ dường như trở nên tệ hại nhất thì bạn vẫn nên nhớ đến những điều tốt lành, chân thành và tươi đẹp.
Mười điều tôi trân trọng
1__________________
2__________________
3__________________
4__________________
5__________________
6__________________
7__________________
8__________________
9__________________
10__________________
Góc sự thật
“Có những thứ hiển nhiên đến nỗi chúng ta không hề phát hiện ra.”
Hôm qua, tôi có một buổi hội thảo với một nhóm các phụ nữ khiếm thính mới thành lập ở Derbyshire. Đó đều là những người phụ nữ khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Một trong số họ mặc chiếc áo thun có in dòng chữ “Hãy luôn tích cực”. Tôi thấy điều đó rất hay. Cuối buổi học, chúng tôi cùng nhau chụp hình lưu niệm và cô gái trẻ cho biết, cô không hề buồn vì bị điếc mà cái làm cô đau khổ nhiều hơn là khối u trong não.
Thế nên, bạn hãy xem lại mười điều trong danh sách của mình, nói ít lại và biết ơn về những gì mình đang có.