Cổ nhân chuộng nghĩa, sùng đức hạnh; thời nay hám lợi, trọng tiền tài. Do “thuần phong mỹ tục ngày một đi xuống, lòng người không còn được thanh bạch như xưa”, làm băng hoại truyền thống tốt đẹp vốn có bao đời của dân tộc. Cho nên, các tệ nạn như đục nước béo cò, tham ô lừa đảo tràn ngập khắp nơi. Những trận chiến không hồi kết, sắc dục tràn lan, chủ nghĩa tư lợi đang từng bước cắm rễ sâu vào lòng người. Xã hội sống theo quan điểm “chỉ cần tôi được lợi, nam trộm nữ dâm không quan trọng. Tôi bất lợi, nhân nghĩa đạo đức tất thảy chẳng cần”. Giữa một mớ rối ren hỗn độn đang phơi bày, các nhà lãnh đạo dường như mất phương hướng với rất nhiều chính sách rối loạn như một mớ bòng bong. Cho nên, việc cấp bách nhất hiện nay là cần người có trí tuệ để mổ xẻ, vạch trần những ung nhọt trong xã hội.
Riêng phong tục trong xã hội có khi xuất phát từ tín ngưỡng dân tộc, có khi bắt nguồn từ văn hóa lịch sử, đôi lúc đến từ những quy tắc ứng xử, cũng có khi là do chính sách của chính phủ dẫn đường cho lối sống mới. Chẳng hạn như, việc phát hành xổ số đã kích thích giấc mơ làm giàu trong một sớm một chiều của người dân đang rất phổ biến trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, mọi người còn có thói quen chạy theo xu hướng, chỉ cần xuất hiện một phong trào gì mới mẻ, con người ta sẽ đổ xô chạy đua theo, tự nhiên hình thành trào lưu mà không cách gì ngăn lại được. Hiện thực ngày nay phổ biến các tiệm net, quán cà phê, hay chương trình kết bạn qua mạng, rồi đến các tệ nạn như quay lén, đánh cắp bản quyền, sao chép thông tin, trộm cướp hoành hành, v.v. Điều đó cho thấy, bầu không khí xã hội có sức ảnh hưởng vô hình, có thể lan truyền khắp mọi nơi và gây ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời sống con người.
Người xưa có câu: “Đức của bậc quân tử như gió, đức của kẻ tiểu nhân như cỏ; cơn gió thoảng qua, cỏ liền rạp đầu”. Để cải thiện vấn đề thuần phong mỹ tục, trước tiên phải bắt đầu từ các nhà lãnh đạo cấp cao, theo phương châm “thân giáo quan trọng hơn ngôn giáo”. Chẳng hạn, một chính trị gia cần phải chú ý đến lời nói và việc làm của mình sao cho minh bạch, đúng đắn, không thể hở chút là tùy tiện quát mắng, gây gổ đánh nhau, thổi phồng thị phi, dàn dựng mâu thuẫn, ngõ hầu làm thủ đoạn để tiến thân. Đó chính là, “trên không minh, thì dưới không ngay”. Nếu toàn xã hội không có một tiêu chuẩn nhất định, thì sao có thể bồi dưỡng và đào tạo ra được một thế hệ tương lai hoàn hảo đây?
Ngoài ra, chỉ chú trọng lợi hại mà không xem trọng đúng sai, chẳng biểu dương người tốt việc hay, thấy bậc hiền tài không nghĩ cách để bằng họ, ngược lại còn truyền bá văn hóa đồi trụy, các sự kiện bạo động đẫm máu, v.v. Đối mặt với những tin tức tiêu cực ấy, chúng ta cần phải mạnh mẽ dứt khoát không xem, không nghe, không lan truyền dưới mọi hình thức. Ngay cả các phương tiện truyền thông cũng nên chủ động khởi xướng chiến dịch không đăng tải những thông tin đồi trụy, bạo lực, v.v. Chúng ta cần phải bắt đầu từ việc sàng lọc thông tin để ngăn chặn các tệ nạn xảy ra. Tiến thêm một bước nữa, mỗi người phải tuân thủ pháp luật, làm tròn bổn phận, giữ vẹn luân thường, như vậy sẽ dần dần cải thiện bầu không khí xã hội trở nên trong sạch và thuần hòa.
Bên cạnh đó, các hoạt động tín ngưỡng thờ Phật, sùng đạo đều có thể góp phần thay đổi bầu không khí xã hội. Giống như Phật Quang Sơn khởi xướng phong trào Ba tốt: nói lời tốt, làm việc tốt, giữ tâm tốt; cho đến Bảy điều răn: răn khói thuốc, răn sắc tình, răn bạo lực, răn trộm cắp, răn cờ bạc, răn chất kích thích, răn ác khẩu; Tìm lại bản tâm, v.v. đều nhằm mục đích cải thiện đạo đức xã hội.
Hay những khóa tu như ngồi thiền, niệm Phật, hành hương, phát triển văn hóa truyền thống, cho đến phát tâm làm từ thiện, người người rộng kết thiện duyên, tham gia hội đọc sách, kiến lập thuần phong mỹ tục và thắp sáng nền văn minh tiến bộ cho nhân sinh, v.v. sẽ có thể tác động trực tiếp đến việc cải thiện bầu không khí xã hội, cũng như tự nhiên sẽ tịnh hóa được lòng người.