Đôi chân là thứ giúp chúng ta di chuyển tới mọi nơi mình muốn, vậy nên nó có vị trí vô cùng quan trọng. Vì thế, để bảo vệ đôi chân, con người mới phát minh ra đôi giày.
Tùy theo mục đích sử dụng và được làm từ những chất liệu khác nhau, giày chia thành nhiều loại như: guốc mộc, dép lê, giày da, giày rơm, giày thể thao, bốt, giày trượt patin, giày cỏ, v.v.
Khi xỏ vào chân, đôi giày chẳng những có công dụng thiết thực là giữ ấm, mà còn có tác dụng làm đẹp cho đôi chân. Imelda Marcos - phu nhân của cựu tổng thống Philippines Ferdinand Marcos có bộ sưu tập hơn cả nghìn đôi giày nhằm phô trương địa vị, quyền thế như mặt trời ban trưa của mình.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa giàu và nghèo quả thực là quá lớn. Có người lấy việc sưu tập giày làm niềm vui, có người lại khốn khó đến nỗi không có lấy một đôi giày để đi. Ở thời đại nông nghiệp của Trung Quốc trước kia, rất nhiều người do nhà nghèo nên từ nhỏ đã khao khát có một đôi giày, vậy mà cũng không thể. Có điều, dù mọi người đều trải qua tuổi thơ với đôi chân trần, nhưng họ lại nuôi dưỡng được một đức tính tốt đẹp, đó là quý trọng phúc đức, yêu thương mọi loài, và có lòng biết ơn sâu sắc.
Có người nọ, vì không có giày để đi, đang lúc thở than sao gia cảnh quá cơ hàn thì nhìn thấy một người tàn tật không có chân, bất giác trong lòng thầm cảm ơn vì mình còn có đôi chân nguyên vẹn. Đúng là nhìn lên mình chẳng bằng ai, đến khi nhìn xuống chẳng ai bằng mình.
Trong bộ phim Những đứa trẻ đến từ thiên đường của Iran, nhân vật chính vì muốn có được một đôi giày nên đã ghi danh tham gia vào một cuộc thi chạy. Tuy giành được giải nhất khi cuộc thi kết thúc, nhưng cậu bé lại bật khóc nức nở mà nói: “Cháu chỉ cần giải ba thôi!”. Bởi vì chỉ cần giành được giải ba, cậu đã có thể mang về cho em gái mình một đôi giày thể thao mà em hằng mơ ước. Tình tiết cảm động này đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả.
Trong truyền thuyết dân gian, cũng có một câu chuyện như thế này: Có một con lừa nọ chở một người trên lưng. Mới đi được nửa đường, nó bỗng dưng không chịu đi tiếp nữa. Chủ nhân đánh nó, nó liền ngã ra đất. Không lâu sau, một người dáng vẻ thanh thoát xuất hiện, miệng ngâm nga bài kệ: “Kiếp trước ngươi làm thủng một đôi giày, đời nay ngươi phải đi nghìn dặm”, nói xong thì đột nhiên biến mất. Câu chuyện này khơi gợi cho chúng ta thấy được “nhân quả thiện ác, không sai chút nào”.
Đối với Phật giáo Trung Hoa, chúng Tăng đều mang giày La hán. Thân giày có sáu lỗ, tượng trưng cho sáu công hạnh của Bồ tát, thể hiện cho việc người tu hành phải nên chuyên tâm tu tập Lục độ Ba la mật. Đồng thời, cũng tượng trưng cho việc nhìn thấu tất cả sự vật vô thường của thế gian. Cho nên người xưa mới có câu:
Cởi dép lên giường toan ngủ nghỉ,
Chẳng biết ngày mai xỏ lại chăng?
Bởi lẽ cuộc đời vốn vô thường, cho nên ta cần nắm chắc từng phút từng giây bằng bàn tay chính niệm, tuyệt đối không được buông lung mà uổng phí thời gian vô giá.
Thực ra, tuy đôi giày có chức năng bảo vệ đôi chân, nhưng chẳng phải đó cũng là một thứ trói buộc hay sao? Do đó, cởi giày cũng giống như trút bỏ gánh nặng, thể hiện con người buông bỏ những lo nghĩ, chấp trước trong lòng, sống cuộc đời tùy duyên, tự tại. Song nhìn ở một khía cạnh khác, mỗi người cần phải tự chăm sóc, giữ gìn đôi chân và vững vàng trong từng bước đi của chính mình. Bởi lẽ, chỉ có bản thân mỗi chúng ta mới là chỗ dựa vững chắc của chính mình. Vì thế, mỗi người đều cần trang bị cho mình một đôi giày “nhìn sâu, hiểu thấu”, để đứng vững ở đời, cũng như có thể nhẹ nhàng thảnh thơi bước những bước “tùy duyên tự tại” hướng đến một tương lai tươi sáng, an yên.