Trong chúng ta, hẳn là ai cũng thích đi đường tắt. Nhiều người vì để tiết kiệm thời gian nên bỏ đường lớn không đi, mà chọn cách đi đường tắt nhỏ hẹp với mong muốn có thể nhanh chóng đến đích.
Đi đường tắt, không phải là không tốt. Giống như đọc sách, chỉ cần xem trang đầu và trang cuối cũng có thể hiểu được nội dung của cả cuốn sách. Ngược lại, có người đọc kỹ từ đầu đến cuối nhưng vẫn không thể nắm bắt được ý chính, rồi hoang mang chẳng rõ vì sao. Cho nên, đi đường tắt cũng cần phải có nguyên tắc của nó, chỉ cần có nguyên tắc thì ta sẽ khéo léo rút ngắn được thời gian và công đoạn.
Vừa gặp đã yêu cũng là đi đường tắt, vậy mà có khi đôi tình nhân ấy lại có thể sống cùng nhau đến đầu bạc răng long. Ngược lại, yêu nhau hơn chục năm trường, nhưng kết hôn mới được một năm đã giữa đường đứt gánh. Có thể thấy, đi đường dài chưa chắc đã tốt. Nếu chúng ta nhìn độ dài ngắn của thời gian và không gian qua lăng kính Phật pháp, thì không có gì là tốt xấu tuyệt đối, tất cả chỉ là nhân duyên mà thôi.
Như phương pháp giáo dục ở phương Tây coi trọng việc rèn luyện tư duy, còn cách giảng dạy nhồi nhét ở phương Đông thì cung cấp đáp án trực tiếp, đây cũng là đi đường tắt. Còn phương pháp giáo dục gợi mở dù chậm, nhưng một khi đã hiểu ra vấn đề thì người học cũng có thể tự tư duy độc lập. Nói đúng hơn, đây mới là con đường tắt đích thực của học vấn.
Ví như, lấy chồng đại gia hay cưới vợ giàu sang đều là con đường tắt đưa đến cuộc sống vinh hoa phú quý. Học tập ở những ngôi trường nổi tiếng, kết giao cùng tầng lớp thượng lưu, mở rộng mối quan hệ xã giao, cũng là con đường tắt đưa đến thành công trong sự nghiệp. Một người muốn đầu tư cho việc di dân, phải dựa vào các mối quan hệ thân thiết ở nước ngoài, để mong tìm được lối tắt an toàn cho bản thân. Các lớp học bổ túc và làm việc tăng ca, cũng là đường đi ngắn nhất để dẫn đến thành công.
Xuất gia học đạo, thành tựu ngay đời này, chính là đi con đường tắt ngắn nhất. Thế nhưng, con đường tu tập của Bồ tát vừa dài lại vừa xa, phải trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp mới có thể thành Phật. Vì bậc Bồ tát có thể làm được những việc khó làm, nhẫn được những việc khó nhẫn, nên không mong cầu nhanh chóng thành tựu. Bởi vậy, trên bước đường tu hành, thực sự không có lối tắt nào cả.
Đôi khi chỉ cần một câu thoại đầu cũng đủ thức tỉnh người trong cõi mộng, một lời điểm chỉ liền khai ngộ kiếp phù sinh, đây chính là đi đường tắt trong tu hành vậy. Khi đi đường tắt, người ta cũng có nhiều cách để đi, nào là đi bộ, đi xe, đi thuyền, hay ngồi máy bay, v.v. Do chi phí chênh lệch, nên dĩ nhiên sẽ cho kết quả khác nhau.
Và trong cuộc sống, đôi lúc có chuyện gấp cần giải quyết, thì chúng ta bắt buộc phải đi đường tắt ngang, dù có mạo hiểm cũng đáng để ta liều mình một phen. Còn như mọi việc có thể hoàn thành theo từng bước, thì ta đâu cần mạo hiểm đi đường tắt làm gì?
Chính vì vậy, chúng ta cần phải xác định đúng phương hướng và địa điểm của những đường tắt trên lộ trình giao thông để đề phòng những rủi ro nguy hiểm đang chực chờ, như vậy mới có thể an toàn đi qua con đường ấy. Đồng thời, trong mối quan hệ giữa người với người, nếu có đủ yếu tố chân thành, lễ nghĩa, thì ngay đó có thể kết giao làm bạn, đó chính là con đường tắt đúng đắn nhất. Hơn nữa, phương pháp học tập nhanh nhất là phải hết sức cố gắng tập trung, nghe một biết mười, hiểu rõ ý nghĩa, mới mau tiến bộ. Vì vậy, muốn kiếm tiền thì phải tính toán kinh doanh, lấy vốn làm lời mới mong thu hồi được vốn, đây cũng là cách nhanh nhất để làm giàu. Nếu chưa hội đủ nhân duyên, thì hãy cứ cố gắng chăm chỉ, thật thà, chất phác, làm một người an phận thủ thường. Bởi lẽ, chỉ có phong thái đạo đức chuẩn mực, mới là hành trang lý tưởng nhất trên lộ trình nhân sinh.